Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ Ngữ văn 10 Cánh Diều

Phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học là dạng bài quen thuộc trong chương trình Ngữ văn 10. Mời em tham khảo Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ Ngữ văn 10 Cánh Diều, học kì II để nắm chắc các kĩ năng, yêu cầu khi làm dạng đề này.

Đề bài: Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ Ngữ văn 10 Cánh Diều

viet bai van nghi luan phan tich danh gia mot tac pham tho ngu van 10 canh dieu

Dàn ý và văn mẫu Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ


A. Đề 1. Phân tích, đánh giá Lính đảo hát tình ca trên đảo, Trần Đăng Khoa


I. Dàn ý Phân tích, đánh giá Lính đảo hát tình ca trên đảo, Trần Đăng Khoa

1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Nêu ấn tượng, cảm xúc chung về bài thơ.
2. Thân bài
2.1. Phân tích, đánh giá chủ đề, nội dung:
a. Chủ đề và cảm hứng chủ đạo:
- Chủ đề: hình tượng những người lính đảo.
- Cảm hứng chủ đạo: tình cảm yêu mến, ngợi ca người lính.
b. Hình tượng người lính đảo, thể hiện qua:
* Cuộc sống gian khổ nơi đầu sóng ngọn gió:
- Tạm bợ, sơ sài:
+ Mặt sân khấu là đá san hô.
+ Cánh gà được tạo nên bởi vài tấm tôn.
- Khó khăn, thiếu thốn: nước ngọt khan hiếm.
- Thiên nhiên khắc nghiệt:
+ Gió thổi rát mặt.
+ Sỏi cát bay điên loạn như đàn chim hoang.
* Hình ảnh người lính đảo:
- Ngoại hình: mái đầu trọc lốc.
- Luôn vui tươi, lạc quan và yêu đời:
+ Không vì trở ngại của tự nhiên mà lo sợ "Cứ mặc nó. Nào hỡi các chiến hữu".
+ Trêu đùa, gọi nhau là sư cụ.
-> Những người lính đã tự làm cuộc sống nơi đảo xa xôi trở nên phong phú, sôi động bằng chính sự sáng tạo của bản thân.
- Tâm hồn trong sáng, giàu tình cảm:
+ Khao khát tình yêu đôi lứa như bao con người bình thường.
+ Luôn đặt quê hương, đất nước trong trái tim nhỏ bé.
2.2. Phân tích, đánh giá về hình thức nghệ thuật:
- Hình ảnh thơ thân thuộc, trong sáng.
- Ngôn từ mộc mạc, dễ hiểu.
- Thể thơ tự do, giọng điệu nhí nhảnh, hóm hỉnh.
- Sử dụng các biện pháp: so sánh "Sỏi cát bay như lũ chim hoang", điệp ngữ "Nào hát lên cho".
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của bài thơ.


II. Bài văn mẫu Phân tích, đánh giá Lính đảo hát tình ca trên đảo, Trần Đăng Khoa

Nhắc đến "thần đồng thơ ca" Trần Đăng Khoa, chúng ta sẽ nghĩ ngay tới các sáng tác quen thuộc như "Mưa", "Cây dừa", "Trăng ơi... Từ đâu đến". Có thể thấy, những trang thơ của Trần Đăng Khoa thường có hình ảnh trong sáng, gần gũi, ngôn ngữ giản dị. Ông tái hiện cuộc sống quanh mình một cách chân thực và sinh động. Điều này được thể hiện rõ nét trong tác phẩm "Lính đảo hát tình ca trên đảo"

Như tên nhan đề, hình tượng trung tâm của bài thơ là người lính đảo. Họ đã và đang ngày đêm vững vàng tay súng, bảo vệ vùng biển đất nước. Viết về chủ đề người lính - anh bộ đội cụ Hồ, nhà thơ Trần Đăng Khoa thật khéo léo khi dựng lên những con người có tâm hồn tươi đẹp, yêu đời và luôn lạc quan.

Sống giữa sóng nước đại dương mênh mông, người lính phải sinh hoạt trong hoàn cảnh tạm bợ, thiếu thốn vô cùng:

"Đá san hô kê lên thành sân khấu

Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà

Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ

Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa"

Để có sân khấu biểu diễn, lính đảo đã tận dụng thứ có sẵn trong tự nhiên như đá san hô. Đây là loại đá tự nhiên, phân bố khắp các vùng biển của nước ta. Phần cánh gà - nơi chờ biểu diễn cũng được tạo dựng một cách đơn sơ bằng vài tấm tôn. Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, nhà thơ đã giúp chúng ta hiểu hơn về đời sống khó khăn nơi biển đảo. Đồng thời, thấy được sự khắc nghiệt của thiên nhiên rộng lớn "chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa".

Khi nói tới hoàn cảnh sống tạm bợ, sơ sài, người lính không hề buồn bã, chán nản mà luôn nở nụ cười lạc quan:

"Gió rát mặt, Đảo luôn thay hình dáng

Sỏi cát bay như lũ chim hoang

Cứ mặc nó. Nào hỡi các chiến hữu

Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn"

Cứ sau vài giờ, đảo Trường Sa lại thay hình đổi dáng. Dường như, sống lâu trên vùng đất này, người lính cảm thấy hết sức quen thuộc. Những cơn gió to, sóng giữ hay trận sỏi cát bay cũng không còn là trở ngại với họ nữa. Giờ đây, nhắc đến khó khăn, họ nói bằng giọng điệu bình thản, nhẹ tênh "Cứ mặc nó".

Đến với khổ thơ thứ ba, nhà thơ hướng ngòi bút của mình vào việc miêu tả bức chân dung người lính đảo:

"Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc

Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu

Nước ngọt hiếm không lẽ dành gội tóc

Lính già lính trẻ đều trọc tếu"

Buổi biểu diễn văn nghệ thật đặc biệt khi có đội ngũ diễn viên, khán giả tham dự là "mấy chàng đầu trọc". Ở nơi đầu sóng ngọn gió, đi lại khó khăn, tách biệt với đất liền, những người lính đã tự tìm ra thú vui cho mình. Bên cạnh việc học tập, chiến đấu, họ luôn cố gắng làm cho cuộc sống phong phú, đẹp đẽ hơn. Bằng sự sáng tạo, tài năng, lòng nhiệt huyết, lính đảo đã tự tay dựng nên các tiết mục, sản phẩm văn nghệ theo kiểu "cây nhà lá vườn". Vì thế, trên khán đài hay dưới sân khấu chỉ toàn thấy mái đầu trọc lốc, không tóc. Câu thơ "Nước ngọt khan hiếm không lẽ dành gội tóc" không chỉ là lời giải thích về việc "lính già lính trẻ đều trọc tếu" mà còn khéo léo nhấn mạnh vào điều kiện sinh hoạt thiếu thốn.

Những người lính đảo còn hiện lên với tinh thần lạc quan, yêu đời cùng tâm hồn trong sáng, cao đẹp, giàu tình cảm. Từ cái gian khổ, họ biến mọi thứ trở nên vui tươi hơn. Họ gạt bỏ khó khăn, nguy hiểm qua một bên rồi cùng nhau tận hưởng những phút giây hạnh phúc. Họ vui đùa, tếu táo gọi đồng đội là "sư cụ", là "bà con xa với ốc bụt". Khi giai điệu ngang tàn vang lên, người lính lại hát lên lời ca nhẹ nhàng, sâu lắng, thấm đẫm nỗi nhớ thương. Đây là bản tình ca đặc biệt, chỉ có riêng ở những người lính sống trên đảo xa. Như biết bao con người bình thường khác, lính đảo cũng khao khát tình yêu đôi lứa "Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?/ Tóc em ngắn hay dài có trời mà biết được/ Những bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh". Từng câu hát chân thành cứ vậy được cất lên từ những tâm hồn thi vị và lãng mạn.

Từ tình cảm cá nhân, riêng tư, người lính đảo phát triển thành tình cảm chung:

"Nào hát lên cho đêm tối biết

Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây

Ta đứng vững giữa muôn trùng sóng gió

Tổ quốc Việt Nam bắt đầu từ nơi này..."

Điệp ngữ "nào hát lên" giống như lời kêu gọi tất cả hãy đồng thanh hát vang khúc ca. Đó là bản tình ca về tình yêu lứa đôi. Hay còn là bản tình ca về tình yêu quê hương, đất nước. Trên tất cả, người lính đảo vẫn luôn đặt hình bóng Tổ quốc thân thương vào trái tim nhỏ bé. Từ ấy, coi non sông Việt Nam chính là điểm tựa, động lực để cố gắng từng ngày.

Với thể thơ tự do, ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu cùng các biện pháp so sánh "Sỏi cát bay như lũ chim hoang", điệp ngữ "Nào hát lên cho", Trần Đăng Khoa đã thành công trong việc làm nổi bật hình ảnh người lính đảo kiên cường nhưng rất đỗi hồn nhiên, vô tư.

Đọc bài thơ "Lính đảo hát tình ca trên đảo", ta càng thêm yêu mến, ngưỡng mộ những con người đã và đang cống hiến tuổi xuân, sức trẻ cho quê hương, đất nước. Họ chính là đại diện cho thế hệ Việt Nam anh hùng, dũng cảm. Mong rằng, những giá trị, ý nghĩa của tác phẩm sẽ luôn sống mãi trong lòng độc giả.

Viet van ban nghi luan phan tich danh gia mot tac pham tho ngan gon

Bài văn mẫu Viết văn bản nghị luận đánh giá một tác phẩm thơ hay nhất


B. Đề 2. Phân tích, đánh giá Đất nước, Nguyễn Đình Thi


I. Dàn ý phân tích Đất nước của Nguyễn Đình Thi

1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Nêu cảm xúc chung về bài thơ.
2. Thân bài:
2.1. Cảm hứng chủ đạo và chủ đề:
- Cảm hứng chủ đạo: tình yêu cùng niềm tự hào da diết về Tổ quốc.
- Chủ đề: tình cảm dành cho đất nước.
2.2. Phân tích, đánh giá chủ đề, nội dung:
a. Mùa thu trong hoài niệm:
- Mùa thu Hà Nội hiện lên với:
+ Bầu không khí trong lành, mát mẻ "sớm chớm lạnh".
+ Hương cốm hòa trong gió heo may "gió thổi mùa thu hương cốm mới".
+ Không gian vắng lặng của những con phố dài.
+ Lá vàng rơi đầy thềm.
- Nổi bật trên bức tranh ấy là hình ảnh con người ra đi với tâm thế "đầu không ngoảnh lại".
b. "Mùa thu nay" - mùa thu hoàn toàn đổi khác:
- Câu thơ "Mùa thu nay khác rồi" được đặt ở đầu khổ thơ nhằm nhấn mạnh vào sự thay đổi của cuộc sống.
- Bức tranh đất nước trong "mùa thu nay" được khắc họa qua không gian vô cùng rộng lớn, khoáng đạt của "núi đồi", "rừng tre".
- Trong bức tranh ấy, con người hiện lên với tâm thế làm chủ "Trời xanh đây là của chúng ta [...] Những dòng sông đỏ nặng phù sa".
c. Hình ảnh đất nước trong chiến tranh:
* Đất nước đau thương, căm hờn:
- Tác giả sáng tạo các hình ảnh "cánh đồng quê chảy máu", "bát cơm chan đầy nước mắt", "đứa đè cổ đứa lột da" để:
+ Nhấn mạnh vào sự tàn bạo, độc ác của quân thù.
+ Gợi lên tình cảnh đau thương của dân tộc.
-> Lòng căm thù, tức giận kẻ thù.
* Đất nước quật cường, anh dũng:
- Hàng loạt từ ngữ "ngời lên", "bật lên", "không khóa được", "không bắn được", "đứng lên" được sử dụng để khẳng định sức mạnh, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc ta
- Hai câu thơ kết "Nước Việt Nam từ máu lửa đứng lên/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa": hình ảnh tượng trưng cho đất nước Việt Nam anh hùng đã hiên ngang đứng lên từ máu lửa.
2.3. Phân tích, đánh giá đặc sắc nghệ thuật:
- Ngôn ngữ giàu sức gợi.
- Kết hợp hài hòa giọng thơ trữ tình và chính luận
- Sử dụng thành công biện pháp so sánh, điệp từ.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị tác phẩm.


II. Bài văn mẫu Phân tích Đất nước của Nguyễn Đình Thi

"Đất nước" là một trong các sáng tác nổi bật của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Tác phẩm này được thai nghén từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp (1948 -1949) và thực sự hoàn thiện vào năm 1955. Với hình ảnh thơ giàu sức gợi, bài thơ đã để lại ấn tượng sâu đậm cho độc giả về hình tượng đất nước Việt Nam anh hùng.

Xuyên suốt "Đất nước", ta dễ dàng nhận thấy đối tượng mà tác giả đặt trọn tình cảm, cảm xúc là Tổ quốc thân yêu. Trong đôi mắt thi nhân, đất nước luôn tươi đẹp và giàu truyền thống văn hóa. Như vậy, cảm hứng chủ đạo của tác phẩm chính là tình yêu, niềm tự hào thiết tha dành cho Việt Nam thân thương.

Bài thơ mở đầu với khung cảnh:

"Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới".

Vì là mùa thu hoài niệm nên chỉ những gì nổi bật, sâu lắng nhất mới hiển hiện. Đó là bầu không khí trong lành, mát mẻ. Hay còn là hương thơm của cốm xanh phả trong gió heo may. Với hai câu thơ ngắn gọn, nhà thơ đã gợi tả rõ nét không gian, hình ảnh của mùa thu. Bức tranh thu tuy tĩnh lặng và buồn nhưng vẫn khiến nhân vật trữ tình không thôi thương nhớ "Tôi nhớ những ngày thu đã xa".

Tận sâu trong kí ức, Hà Nội vẫn thơ mộng như vậy:

"Sang chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may"

Đất trời bước vào thu, đem theo cái lạnh se se, bao trùm lên toàn thành phố. Những con phố dài vẫn còn vương vấn hơi thở xao xác của gió heo may. Thiên nhiên, cảnh vật như chìm trong cái lặng yên. Nổi bật trên bức tranh thu Hà Nội là hình ảnh con người ra đi với tâm thế dứt khoát "đầu không ngoảnh lại". Chân bước đi mà trong lòng thì lưu luyến, bịn rịn đến khó tả. Bởi vậy, dẫu không ngoảnh đầu lại nhưng con người vẫn cảm thấy "thềm nắng lá rơi đầy".

Vẫn là bức tranh thu nhưng giờ đây, nó khoác lên mình một tấm áo mới:

"Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha"

Nếu trong bảy câu đầu, giọng thơ, nhịp thơ chậm rãi, nhịp nhàng, sâu lắng thì đến khổ này, giọng điệu trở nên khỏe khoắn, hồ hởi và vui tươi hơn. Câu thơ vẻn vẹn năm chữ "Mùa thu nay khác rồi" đã phần nào nhấn mạnh vào sự thay đổi của cuộc sống. Thông qua bức tranh "mùa thu nay", đất nước hiện ra thật rộng lớn, bát ngát với khoảng không gian khoáng đạt của "núi đồi" và "rừng tre". Đứng giữa vùng đất ấy, con người không khỏi vui sướng, phấn khởi khi được làm chủ vận mệnh, làm chủ non sông:

"Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa"

Điệp từ "đây là", "những" kết hợp cùng biện pháp liệt kê đã góp phần tô đậm sự mênh mông, hùng vĩ của non sông Việt Nam. Không còn là cái "tôi" cá nhân riêng lẻ nữa, giờ đây, nó đã biến thành "chúng ta" - cái "ta" chung của cộng đồng. Đoạn thơ giống như khúc ca hào hùng. Khúc hát ấy được cất lên bởi một tấm lòng yêu Tổ quốc tha thiết.

Định nghĩa về đất nước, Nguyễn Đình Thi cho rằng:

"Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất"

Không bình diện trên phương diện vị trí địa lí, nhà thơ nhẹ nhàng khẳng định nước Việt Nam là nước của những anh hùng. Một đất nước mà đời đời, kiếp kiếp đều sẵn sàng hi sinh xương máu để bảo vệ bờ cõi, lãnh thổ. Để rồi, truyền thống anh dũng, bất khuất luôn chảy trong máu những con người "máu đỏ da vàng", "con Lạc cháu Hồng".

Đối diện với quân thù, dân ta vô cùng căm tức, oán hận:

"Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều

Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu"

Miêu tả nỗi đau thương trong những năm tháng khói lửa, nhà thơ đã sáng tạo rất nhiều hình ảnh như "cánh đồng quê chảy máu", "bát cơm chan đầy nước mắt", "đứa đè cổ đứa lột da". Từ đấy, nhấn mạnh vào sự tàn bạo, độc ác của quân thù và gợi lên tình cảnh khốn khổ của dân tộc. Giọng thơ đanh thép, chắc nịch như muốn nhấn chìm quân giặc.

Đứng trước khó khăn, gian khổ, nhân dân chưa bao giờ bỏ cuộc. Thay vào đó, họ mạnh mẽ đứng lên đấu tranh:

"Ngày nắng đốt theo đêm mưa giội

Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh

Trán cháy rực nghĩ trời đất mới

Lòng ta bát ngát ánh bình minh"

Hàng loạt từ ngữ "ngời lên", "bật lên", "không khóa được", "không bắn được", "đứng lên" được sử dụng ở các khổ thơ tiếp theo đã làm nổi bật ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc ta. Nỗi căm hờn, lòng yêu nước chính là sức mạnh, cổ vũ con người dũng cảm chiến đấu.

Sau cùng, bài thơ khép lại với hình ảnh đẹp vô hạn:

"Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa"

Từ đau thương, từ hi sinh mất mát, đất nước Việt Nam đã hiên ngang đứng lên, rũ bỏ lớp bùn và tỏa sáng lấp lánh. Như vậy, Nguyễn Đình Thi thật khéo léo khi dựng lên bức tượng đài sừng sững của đất nước trên cái nền máu lửa, bùn lầy, trên khoảng không gian "súng nổ rung trời".

Bên cạnh chủ đề đặc sắc, chúng ta không thể nào bỏ qua những nét độc đáo về hình thức nghệ thuật. Bằng ngôn ngữ giàu sức gợi, sự kết hợp hài hòa giọng thơ trữ tình và chính luận cùng các biện pháp so sánh, điệp từ, liệt kê, nhà thơ đã thể hiện thành công cảm hứng tự hào, ngợi ca đất nước.

"Đất nước" sẽ mãi là tác phẩm nổi bật viết về chủ đề: tình yêu quê hương, đất nước. Những bức tranh mùa thu hay hình ảnh Tổ quốc đau thương, quật cường vẫn luôn in sâu trong tâm trí độc giả. Qua đây, em càng thêm yêu mến, tự hào về mảnh đất hình chữ S thân thương này.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-bai-van-nghi-luan-phan-tich-danh-gia-mot-tac-pham-tho-ngu-van-10-canh-dieu-74354n.aspx
Mong rằng, nội dung văn mẫu lớp 10 trên đây sẽ giúp em nắm vững kiến thức trọng tâm của bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo và Đất nước.Để nâng cao kĩ năng viết, em có thể luyện tập thêm ở nhà với dạng bài tương tự như:
- Phân tích Mùa hoa mận
- Phân tích Đi trong hương tràm

Tác giả: Trần Thuỳ     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Link tải Sách giáo khoa lớp 11 Cánh Diều
Nghị luận về một hiện tượng cần biểu dương trong nhà trường
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội Ngữ văn 10 Cánh Diều
Soạn bài Tự đánh giá bài 10 ngắn nhất, Ngữ văn 7 - Cánh Diều
Soạn bài Tự đánh giá bài 3 ngắn gọn, Ngữ văn lớp 6 - Cánh Diều
Từ khoá liên quan:

Viet bai van nghi luan phan tich danh gia mot tac pham tho

, Dan y Viet van ban nghi luan phan tich danh gia mot tac pham tho, Bai van mau Viet van ban nghi luan phan tich danh gia mot tac pham,

SOFT LIÊN QUAN
  • Bộ sách Cánh Diều

    File sách mềm Cánh Diều cho học sinh

    File sách điện tử Bộ sách Cánh Diều cung cấp cho các giáo viên, phụ huynh và học sinh một tài liệu để học trực tuyến gồm đầy đủ 9 môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và xã hội, Đạo đức, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất, H ...

Tin Mới