Phân tích Hồi trống Cổ Thành

Hồi trống Cổ Thành là một trích đoạn nổi bật trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. Mời các em đến với bài văn mẫu Phân tích Hồi trống Cổ Thành, Ngữ văn 10, Cánh Diều, học kì II do Taimienphi.vn biên soạn dưới đây để biết cách phân tích, đánh giá một trích đoạn trong tác phẩm văn học. Từ đó nâng cao được điểm số, học tốt môn Ngữ văn này.

Đề bài: Phân tích Hồi trống Cổ Thành

phan tich hoi trong co thanh

TOP bài văn mẫu phân tích Hồi trống Cổ Thành hay nhất
 

I. Dàn ý phân tích Hồi trống Cổ Thành

1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
2. Thân bài:
2.1. Phân tích đoạn trích:
2.1.1. Nội dung chính và chủ đề của đoạn trích:
- Nội dung chính: Đoạn trích kể về việc Quan Công cùng hai chị dâu chạy khỏi doanh trại của Tào Tháo khi hay tin Lưu Bị đang ở Viên Thiệu. Trên đường đi, biết được Trương Phi đứng đầu Cổ Thành nên tìm về đoàn tụ.
- Chủ đề: ca ngợi tình nghĩa anh em.
2.1.2. Phân tích chủ đề:
a. Nguyên nhân làm nảy sinh mâu thuẫn:
- Do tình thế loạn lạc nên ba người Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi mỗi người một hướng. Biết được tin Quan Công theo Tào Tháo, Trương Phi lầm tưởng Quan Công phản bội "nghĩa vườn đào".
b. Diễn biến mâu thuẫn:
- Khi nghe tin báo:
+ Thấy Trương Phi, Quan Công mừng rỡ.
=> Quan Công rất trọng tình nghĩa.
+ Trương Phi "chẳng nói năng gì, dẫn một nghìn quân, đi tắt ra cửa bắc".
=> Hành động dứt khoát, quyết liệt, thể hiện sự thẳng thắn, cương trực.
- Khi gặp mặt:
+ Quan Công tránh mũi mâu, nhắc lại nghĩa vườn đào. => điềm đạm, nhẹ nhàng, từ tốn giải quyết vấn đề.
+ Trương Phi xưng hô "mày" - "tao", quát mắng, buộc tội anh; kiên quyết không nghe lời giải thích của hai chị và Quan Công.
=> Nóng nảy, cương trực.
- Khi quân lính của Sái Dương kéo đến: đỉnh điểm của xung đột, làm tăng sự nghi ngờ của Trương Phi với Quan Công, là yếu tố hóa giải mọi hiểu lầm.
+ Trương Phi ra điều kiện với Quan Công: sau ba hồi trống phải chém được tên tướng.
+ Chấp nhận lời yêu cầu của Trương Phi để chứng tỏ lòng "thực" của mình. Chỉ sau một hồi trống, Quan Công đã chém bay đầu tên tướng Sái Dương.
c. Kết quả:
- Sau khi Quan Công giết chết Sái Dương và được lính kể mọi chuyện, Trương Phi mới tin anh và mời hai chị vào thành.
- Trương Phi nghe việc Quan Công trải qua liền khóc và cúi đầu tạ lỗi. => biết nhận sai và sửa lỗi.
2.2. Đánh giá:
a. Nội dung:
- Tác phẩm đề cao tình nghĩa con người.
- Ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất của Quan Công và Trương Phi.
b. Nghệ thuật:
- Nhân vật được khắc họa thông qua lời nói và hành động.
- Tình huống truyện độc đáo, kịch tích, thu hút người đọc.
3. Kết bài:
- Khẳng định giá trị đoạn trích.

phan tich nhan vat quan cong trong hoi trong co thanh

Phân tích đoạn trích Hồi trống cổ thành hay, đạt điểm cao
 

II. Bài văn mẫu phân tích, đánh giá Hồi trống Cổ Thành:

"Tam quốc diễn nghĩa" là một trong "tứ đại danh tác" của văn học Trung Quốc. Bộ tiểu thuyết đã ghi dấu lại một chặng đường lịch sử đầy biến động dưới thời Tam Quốc. Nằm ở hồi thứ 28 trong 120 hồi của tác phẩm, đoạn trích "Hồi trống Cổ Thành" đã ca ngợi vẻ đẹp của hai nhân vật Quan Công và Trương Phi. Đồng thời đề cao tình cảm gắn bó, ân nghĩa ở con người.

Đoạn trích kể về việc Quan Công hay tin Lưu Bị ở Viên Thiệu đã cùng hai chị dâu chạy khỏi doanh trại của Tào Tháo. Trên đường đi, Quan Công đến Cổ Thành gặp Trương Phi. Lầm tưởng Quan Công phản bội, Trương Phi đòi giết người anh kết nghĩa của mình. Để xóa bỏ nghi ngờ, Quan Công chấp nhận lời yêu cầu của Trương Phi và ra tay giết chết Sái Dương. Sau khi hiểu lầm được tháo gỡ, Trương Phi quỳ xuống tạ lỗi. Anh em đoàn tụ với nhau.

Nguyên nhân làm nảy sinh mâu thuẫn bắt nguồn từ tình thế loạn lạc của xã hội thời kì đầu. Chính vì vậy, ba người: Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi phải chìa lìa, mỗi người một ngả. Biết được tin Quan Công theo Tào Tháo, Trương Phi lầm tưởng Quan Công phản bội "nghĩa vườn đào". Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành động sau này của Trương Phi.

Ở sự kiện này, tác giả đã xây dựng nét tính cách đối lập giữa hai nhân vật Trương Phi và Quan Công. Trên đường tháo chạy, biết Trương Phi là chủ soái Cổ Thành, Quan Công vô cùng mừng rỡ, sai người "vào thành báo tin, bảo Trương Phi ra đón hai chị". Trái với sự vui mừng của Quan Công, Trương Phi lại vô cùng tức giận, "chẳng nói năng gì, lập tức mặc áo giáp, vác mâu lên ngựa, dẫn một nghìn quân, đi tắt ra cửa bắc". Qua hành động của hai nhân vật, ta có thể thấy Quan Công rất trọng tình nghĩa còn Trương Phi lại dứt khoát, cương trực. Khi hai anh em gặp mặt, vốn là người trọng tình nên khi thấy Trương Phi, Quan Công không giấu nổi niềm hạnh phúc mà "giao long đao cho Châu Thương cầm, tế ngựa lại đón". Có lẽ, Quan Công đang muốn tiến tới để ôm chầm lấy người em kết nghĩa của mình sau thời gian dài xa cách. Tuy nhiên, Trương Phi lại xồng xộc đi tới tấn công Quan Vân Trường khiến cho ông giật mình. Quan Công nhanh chóng né mũi mâu rồi nhắc tới "nghĩa vườn đào". Mặc cho Trương Phi quát tháo, buộc tội không thôi, Quan Công vẫn từ tốn giải thích, nói chuyện đường hoàng, lịch sự "Hiền đệ đừng nói vậy, oan uổng anh quá!". Mặc dù có tài nghệ cao cường nhưng Quan Công không hề đáp trả lại đòn đánh của em mà chỉ né tránh. Điều này cho thấy Quan Công là một người trọng tình nghĩa, từ tốn, điềm đạm.

Nằm trong thế đối sánh với Quan Công, Trương Phi lại có thái độ, hành động khác hẳn. Lời nói của Trương hết sức lỗ mãng, thô bạo khi nói chuyện với Quan Công. Thay vì xưng hô "anh"- "em" huynh đệ như lẽ thông thường, Trương Phi lại xưng "mày" - "tao", ầm ầm quát tháo "Mày đã bội nghĩa còn mặt nào đến gặp tao nữa", mắng Tôn Càn "Mày cũng nói láo, nó đâu có bụng tốt, nó lại đây để bắt ta đó". Thậm chí, Trương Phi kiên quyết không nghe lời giải thích của hai chị, nhất quyết buộc tội anh mình "Hai chị bị nó lừa dối đấy. Trung thần thà chịu chết không chịu nhục. Có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ!". Như vậy, Trương Phi hiện lên với sự tức giận cùng tính cách nóng nảy, cương trực.

Sự xuất hiện của Sái Dương cùng quân lính đã đào sâu vào mâu thuẫn giữa hai anh em cũng như đẩy xung đột lên đến đỉnh điểm. Đây là yếu tố quan trọng, được tác giả sáng tạo nhằm tăng sự hồ nghi của Trương Phi với Quan Công. Đồng thời, cũng là chi tiết hóa giải mọi hiểu lầm giữa hai người. Trương Phi ra điều kiện với Quan Công: sau ba hồi trống phải chém được tên tướng. Để chứng minh bản thân trong sạch, Quan Công chấp nhận lời đề nghị của Trương Phi. Chỉ sau một hồi trống, Sái Dương đã bị Quan Công kết liễu. Quan Công có khí phách hiên ngang và tài nghệ hơn hẳn người thường nhưng không hề tự cao mà phô diễn đúng lúc, đúng chỗ.

Kết quả, sau khi Quan Công giết chết Sái Dương và được lính kể mọi chuyện, Trương Phi mới tin anh và mời hai chị vào thành. Trương Phi nghe việc Quan Công trải qua liền khóc và cúi đầu tạ lỗi. Khác với một Trương Phi nóng nảy lúc hiểu lầm, khi mọi việc được hóa giải, ta lại thấy một Trương Phi biết nhận sai và sửa lỗi.

Mặc dù nhân vật Quan Công và Trương Phi mang nét tính cách đối lập nhưng lại bổ trợ cho nhau. Cả hai nhân vật đều đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp của con người. Như vậy, bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo thông qua lời nói và hành động, cùng tình huống truyện kịch tích, thu hút người đọc, tác giả La Quán Trung đã ngợi vẻ đẹp phẩm chất của Quan Công và Trương Phi. Đồng thời, đề cao tình cảm ân nghĩa, chân thành ở con người.

Không phải ngẫu nhiên, tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" lại được coi là "tứ đại danh tác" của nền văn chương Trung Quốc. Tác phẩm không đơn thuần phản ánh lại bối cảnh xã hội mà còn gửi gắm, ẩn chứa nhiều bài học ý nghĩa cho muôn đời. Là một trích đoạn nhỏ trong cả một thiên tiểu thuyết đồ sộ nhưng "Hồi trống Cổ Thành" vẫn để lại cho người đọc những ấn tượng, suy nghĩ sâu sắc về cách ứng xử trong cuộc sống. Có thể nói, tiếng trống là sự kết tinh của cả văn bản khi nó vừa là tiếng trống thách thức, tiếng trống giải oan và cũng là âm thanh của sự đoàn tụ.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-hoi-trong-co-thanh-73998n.aspx
Với nhan đề là Hồi trống Cổ Thành, tiếng trống có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tình huống truyện. Hi vọng qua bài Phân tích Hồi trống Cổ Thành, các em đã đúc rút ra được cách làm một bài văn nghị luận về một tác phẩm truyện. Để chuẩn bị cho những bài học tiếp theo trong chương trình Ngữ văn 10, Cánh Diều, các em có thể đọc thêm văn mẫu lớp 10 sau: Đoạn văn so sánh tính cách của hai nhân vật Trương Phi và Quan Công chi tiết và cụ thể, bài văn mẫu Giới thiệu, đánh giá nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật Trương Phi và Quan Công hay bài Phân tích và đánh giá nhân vật dì Mây.... 

Tác giả: Tin Nguyễn     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Em có thích đọc truyện cổ tích không? Vì sao?
Link tải Sách giáo khoa lớp 4 Cánh Diều PDF tập 1, tập 2
Giải Toán lớp 7 sách Cánh Diều
Giải bài tập trang 107, 108 SGK Toán 3 Tập 1, sách Cánh Diều
Giải toán lớp 6 trang 62, 63 tập 1 sách Cánh Diều
Từ khoá liên quan:

phan tich Hoi trong Co Thanh

, bai van mau phan tich Hoi trong Co Thanh, dan y phan tich danh gia Hoi trong Co Thanh,

SOFT LIÊN QUAN
  • Bộ sách Cánh Diều

    File sách mềm Cánh Diều cho học sinh

    File sách điện tử Bộ sách Cánh Diều cung cấp cho các giáo viên, phụ huynh và học sinh một tài liệu để học trực tuyến gồm đầy đủ 9 môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và xã hội, Đạo đức, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất, H ...

Tin Mới