Hoàng Lê nhất thống chí là một cuốn tiểu thuyết đồ sộ, ghi lại một thời kì lịch sử đầy biến động ở nước ta vào cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX. Taimienphi.vn mời em theo dõi bài Tóm tắt Quang Trung đại phá quân Thanh để hiểu được nội dung đoạn trích trong sách giáo khoa, từ đó tiến đến đọc hiểu văn bản.
1. Tóm tắt Quang Trung đại phá quân Thanh - Ngữ văn 8 Kết nối tri thức - mẫu 1:
Nghe tin Lê Chiêu Thống đưa quân Thanh vào nước ta, Quang Trung quyết định lên ngôi vua, tiến quân ra Bắc đánh đuổi quân Thanh. Trên đường đi, ông đốc suất đại binh, tuyển thêm quân, đưa ra lời phủ dụ để nâng cao tinh thần cho các tướng sĩ. Lúc tiến vào thành Thăng Long, ông đã đưa ra những lối đánh nghi binh, đánh trực diện giúp cho quân ta toàn thắng, hao tổn ít người. Bè lũ cướp nước và bán nước trở tay không kịp, bị đánh cho tan nát.
2. Tóm tắt Quang Trung đại phá quân Thanh - Ngữ văn 8 Kết nối tri thức - mẫu 2:
Văn bản kể về việc Quang Trung dẫn quân ra Bắc chinh phạt, lật đổ Lê Chiêu Thống và quân Thanh. Đoàn quân bắt đầu xuất phát từ Huế ngày 25 tháng Chạp. Trên đường đi, ngài đã kịp chiêu binh mãi mã, đưa ra lời phủ dụ, lên kế hoạch chiến đấu và ngoại giao sau chiến thắng. Đến 30 tháng Chạp thì ra đến gần Thăng Long, vua cho toàn quân ăn Tết sớm và hẹn mùng bảy sẽ vào thành ăn mừng chiến thắng. Khi tiến vào làng Hà Hồi, Quang Trung bày kế khiến cho quân ta không mất một binh một tướng để chiến thắng. Đến trận Ngọc Hồi, vua cho đánh trực diện, quân giặc không chịu nổi, bỏ chạy tán loạn. Tướng giặc nghe thế vội vàng trốn về nước. Vua tôi Lê Chiêu Thống cũng vội vàng bỏ chạy.
3. Tóm tắt Quang Trung đại phá quân Thanh - Ngữ văn 8 Kết nối tri thức - mẫu 3:
Tôn Sĩ Nghị được Lê Chiêu Thống cho phép kéo quân vào Thăng Long. Biết tin, Bắc Bình Vương rất tức giận, ông quyết định thân chinh ra Bắc để trừng phạt lũ bán nước và cướp nước. Trước tiên, ông quyết định tế cáo trời đất, lên ngôi vua, lấy hiệu là Quang Trung. Trên đường đi, ông có ghé lại Nghệ An để thăm Nguyễn Thiếp, được người này dự báo rằng “Chúa công đi chuyến này, không quá mười ngày, quân Thanh sẽ bị dẹp tan”. Sau đó, ông mở cuộc duyệt binh, củng cố đội hình, đưa ra lời phủ dụ nhằm nâng cao sĩ khí cho quân ta. Khi gặp hai tướng dưới trướng mình là Sở và Lân, ông trách mắng việc không cố gắng giữ thành, để quân Thanh tràn vào nhưng cũng khen ngợi hai người ấy biết lấy lùi làm tiến. Trước khi tiến vào thành Thăng Long, ngày ba mươi tháng Chạp, Quang Trung cho quân ăn Tết sớm, hẹn đến mùng bảy sẽ vào thành ăn mừng. Sau hai trận mở đầu là trận Hà Hồi và Ngọc Hồi, quân Thanh khiếp sợ, bỏ chạy tán loạn, tranh nhau bỏ chạy qua cầu khiến cầu bị đứt, quân giặc tan xác dưới sông.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Thông qua phần tóm tắt, ta có thể phần nào thấy được kết cục bi thảm của bè lũ cướp nước và bán nước cùng với tài năng cầm quân và sự sáng suốt của vua Quang Trung. Taimienphi.vn mời em tham khảo thêm những bài mẫu khác như: Soạn bài Quang Trung đại phá quân Thanh; Tóm tắt Minh sư; Tóm tắt lá cờ thêu sáu chữ vàng.
https://thuthuat.taimienphi.vn/tom-tat-quang-trung-dai-pha-quan-thanh-76999n.aspx