Soạn bài Quang Trung đại phá quân Thanh, Ngữ văn 8 Kết nối tri thức

Câu chuyện về những vị anh hùng dân tộc luôn là nguồn cảm hứng dồi dào cho văn học. Hãy cùng khám phá chủ đề này qua phần Soạn bài Quang Trung đại phá quân Thanh, Ngữ văn 8 Kết nối tri thức, học kì I do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn nhé!

Soạn bài Quang Trung đại phá quân Thanh

soan bai quang trung dai pha quan thanh ngu van 8 ket noi tri thuc


I. Soạn bài Quang Trung đại phá quân Thanh - Trước khi đọc:

* Gợi ý trả lời câu hỏi trước khi đọc:


Câu 1 trang 17 SGK Ngữ văn 8 Kết nối tri thức - tập 1:

- Một số nhân vật lịch sử mà em biết: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Toản, Quang Trung,...

- Trong số những nhân vật trên, em thích nhất là Hai Bà Trưng bởi họ mang trong mình tinh thần dân tộc, sự dũng cảm và kiên cường rất đáng ngưỡng mộ. Tuy là phụ nữ nhưng họ đã dám đứng lên, bỏ qua nỗi đau của bản thân để chiến đấu vì dân tộc.


Câu 2 trang 17 SGK Ngữ văn 8 Kết nối tri thức - tập 1:

Một vài hiểu biết về người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ (1753 - 1792):

- Là một nhà chính trị, nhà quân sự, vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn.

- Quang Trung bắt đầu cầm quân từ năm 18 tuổi và chưa từng để thua bất cứ trận nào trong suốt 20 năm liền.

- Ông đã từng cùng hai người anh là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, chấm dứt sự phân tranh Đàng Trong - Đàng Ngoài suốt hai thế kỉ.

- Bản thân Quang Trung cũng đã từng đánh bại cuộc xâm lược của Xiêm La từ phía nam, Đại Thanh từ phía Bắc để bảo vệ Đại Việt.

- Ông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liệt kê vào danh sách 14 vị Anh hùng dân tộc tiêu biểu của Việt Nam.


II. Soạn bài Quang Trung đại phá quân Thanh - Đọc văn bản:

* Gợi ý trả lời câu hỏi trong khi đọc:


1. Theo dõi: Thời điểm diễn ra các sự kiện và thái độ, phản ứng của Bắc Bình Vương.

- Thời điểm: Quân Thanh tiến vào Thăng Long và vua Lê nhận sắc phong từ vua nhà Thanh (ngày 22/11).

- Thái độ, phản ứng của Bắc Bình Vương: Tức giận, nhanh chóng cho họp các tướng sĩ, định "thân chinh cầm quân đi ngay".


2. Theo dõi: Những công việc Quang Trung đã tiến hành và thời điểm nhà vua hạ lệnh xuất quân.

- Những công việc Quang Trung đã tiến hành:

+ Cho đắp đàn trên núi Bân, tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi.

+ Chế ra áo cổn mũ miện.

+ Lên ngôi hoàng đế.

+ Đổi năng thứ 11 niên hiệu Thái Đức của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm năm đầu niên hiệu Quang Trung.

+ Làm lễ xong, vua hạ lệnh xuất quân ra đánh dẹp cõi Bắc.

- Thời điểm nhà vua hạ lệnh xuất quân: Ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788).


3. Theo dõi: Nội dung lời dụ quân lính của vua Quang Trung.

- Khẳng định chủ quyền của nước Đại Việt.

- Lên án dã tâm xâm lược của người phương Bắc.

- Nêu cao truyền thống yêu nước, những tấm gương chiến đấu chống ngoại xâm của nước Nam ta từ xưa đến nay.

- Lời kêu gọi quân sĩ cùng đồng tâm hiệp lực chống giặc.

- Đưa ra kỉ luật nghiêm minh.


4. Theo dõi: Lời của vua Quang Trung nói với các tướng lĩnh.

- Kể ra những điểm chưa tốt của các tướng: "giặc đến không đánh nổi một trận, mới nghe tiếng đã chạy trước", "tội của các ngươi đều đáng chết một vạn lần".

- Bày tỏ sự thấu hiểu: "Song ta nghĩ các ngươi đều là hãng võ dũng... Cho nên ta để Ngô Thì Nhậm ở lại đấy làm việc... Bắc Hà mới yên, lòng người chưa phục, Thăng Long lại là nơi bị đánh cả bốn mặt... Các ngươi trơ trọi ở đấy, quân Thanh kéo sang, người trong kinh kì làm nội ứng cho chúng, thì các ngươi làm sao mà cử động được? Các ngươi đã biết nín nhịn để tránh mũi nhọn của chúng, chia ra chặn giữ các nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng quân, bên ngoài thì làm cho giặc kiêu căng, kế ấy là rất đúng...".

- Nêu lên mục đích, ý chí: "Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. [...] Chờ mười năm nữa, cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu quân mạnh, thì ta có sợ gì chúng?".


5. Dự đoán: Theo em, kết quả trận đánh giữa quân Tây Sơn và quân Thanh sẽ như thế nào? Dựa vào đâu em dự đoán như vậy?

- Theo em, quân Tây Sơn sẽ đánh thắng được quân Thanh.

- Em đoán như vậy dựa vào những thái độ, hành động của vua Quang Trung. Ông đã có sẵn chiến lược đối phó, có cả được lòng quân nên việc giành chiến thắng là điều gần như chắc chắn.


6. Đối chiếu: Em có đoán đúng kết quả trận đánh không?

- Kết quả: Quân Thanh đại bại.

- Em đã đoán đúng kết quả của trận đánh.


7. Theo dõi: Những chi tiết miêu tả hành động, thái độ của Tôn Sĩ Nghị.

- Những chi tiết miêu tả hành động, thái độ của Tôn Sĩ Nghị: "... sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kị mã của mình chuồn trước...".


8. Theo dõi: Hành động, thái độ của vua Lê Chiêu Thống khi nghe tin quân Tây Sơn kéo vào thành.

Khi nghe tin quân Tây Sơn kéo vào thành, vua Lê Chiêu Thống đã:

- "... vội xã cùng bọn Lê Quýnh, Trịnh Hiến đưa thái hậu ra ngoài".

- "... thấy cầu phao đã đứt, thuyền bè cũng không, bèn gấp rút chạy đến Nghi Tàm, thình lình gặp được chiếc thuyền đánh cá, vội cướp lấy rồi chèo sang bờ bắc".

- Đến Hòa Lạc, vua Lê gặp một người thổ hào, được giúp đỡ đưa vào trong núi tạm nghỉ.

- Nghe tin quân Tây Sơn đuổi đến nơi, vua vội theo lối tắt đến cửa ải, theo kịp chỗ nghỉ của Tôn Sĩ Nghị.

soan bai quang trung dai pha quan thanh ngu van 8 ket noi tri thuc 2


III. Soạn bài Quang Trung đại phá quân Thanh - Sau khi đọc:

* Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc:


Câu 1 trang 23 SGK Ngữ văn 8 Kết nối tri thức - tập 1:

Đoạn trích "Quang Trung đại phá quân Thanh" có thể được chia làm 3 phần:

- Phần 1 (Từ đầu đến "25 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788)): Sự việc quân Thanh kéo vào nước ta và thái độ, hành động của vua Quang Trung trước tình cảnh đó.

- Phần 2 (Từ "Vua Quang Trung tự mình đốc suất đại binh..." đến "Giữa trưa hôm ấy ..., rồi kéo vào thành"): Quá trình tiến quân và chiến thắng thần tốc của đạo quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài tình của vua Quang Trung.

- Phần 3 (Còn lại): Sự đại bại của quân Thanh và tình cảnh thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.


Câu 2 trang 23 SGK Ngữ văn 8 Kết nối tri thức - tập 1:

- Những nhân vật lịch sử được đề cập đến trong văn bản: Vua Quang Trung, Ngô Văn Sở (Sở), Phan Văn Lân (Lân), Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Thiếp, Hám Hổ Hầu, vua Lê Chiêu Thống, Tôn Sĩ Nghị, Trưng Nữ Vương, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Ngô Thì Nhậm,...

- Những sự kiện lịch sử được đề cập đến trong văn bản:

+ Tháng 11/1788: Quân Thanh sang xâm lược Đại Việt.

+ Ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788), Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung.

+ 30 tháng Chạp, vua Quang Trung mở tiệc khao quân, hẹn ngày mồng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng.

+ Ngày mồng 3 tháng Giêng năm Kỉ Dậu (1789), vua Quang Trung tới làng Hà Hồi, lặng lẽ vây kín làng rồi bắc loa truyền gọi. Người trong đồn lập tức xin ra hàng.

+ Ngày mồng 5, quân Tây Sơn tiến sát đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh địch không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Tên Thái Thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử.

+ Quân Thanh đại bại. Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy. Vua Lê cũng vội vã trốn khỏi thành.


Câu 3 trang 23 SGK Ngữ văn 8 Kết nối tri thức - tập 1:

- Chi tiết miêu tả thái độ, lời nói và hành động của Bắc Bình Vương khi nghe tin báo quân Thanh xâm lược Đại Việt:

+ "Bắc Bình Vương tiếp được tin báo, giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay".

+ Nghe lời khuyên của mọi người, "Bắc Bình Vương lấy làm phải", bèn lập đàn tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung.

+ "Vua Quang Trung tự mình đốc suất đại binh,... cho vời người cống sĩ ở huyện La Sơn là Nguyễn Thiếp" để hỏi cơ mưu.

+ Sai người đi kén lính ở Nghệ An, tổ chức cuộc duyệt binh lớn, cưỡi voi ra "yên ủi" quân lính.

+ Cùng các tướng sĩ lên kế hoạch tiến quân đánh giặc.

- Qua những chi tiết trên, có thể thấy vua Quang Trung là người vô cùng tài năng. Ông không chỉ nhạy bén, sáng suốt, biết lắng nghe ý kiến của quân sĩ mà còn rất mạnh mẽ, quyết đoán, hành động dứt khoát.


Câu 4 trang 23 SGK Ngữ văn 8 Kết nối tri thức - tập 1:

- Trong đoạn trích, vua Quang Trung đã được khắc họa là:

+ Một con người mạnh mẽ, hành động dứt khoát, quyết đoán.

+ Một người có trí tuệ sáng suốt, nhạy bén, biết nhận định tình hình địch - ta và khả năng, năng lực của bề tôi.

+ Một người có tầm nhìn xa trông rộng.

+ Một vị tướng tài ba, biết tính toán, mưu lược hơn người.

- Qua đoạn trích, có thể thấy tác giả đã khắc họa vua Quang Trung với đầy đủ những phẩm chất của một vị anh hùng oai phong lẫm liệt. Tuy Ngô gia văn phái là nhóm tác giả trung thành với nhà Lê nhưng họ đã có cái nhìn mang đậm tính dân tộc về vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Họ tôn trọng sự thật lịch sử, đề cao tài năng cũng như công lao của người "anh hùng áo vải".


Câu 5 trang 23 SGK Ngữ văn 8 Kết nối tri thức - tập 1:

- Những chi tiết khắc họa nhân vật Lê Chiêu Thống:

+ "Vua Lê ở trong điện, [...] vội cướp lấy rồi chèo sang bờ bắc".

+ Vua Lê đến đồn Hòa Lạc thì gặp một người thổ hào và được người đó giúp đỡ cho chỗ nghỉ ngơi, ăn uống.

+ "Vua sai bưng một mâm lên mời thái hậu; còn mình thì cùng ăn với bọn Quýnh, Hiến ở mâm dưới".

+ Thấy quân Tây Sơn đuổi đến, vua "cuống quýt" theo lối tắt mà trốn, "theo kịp đến chỗ nghỉ của Tôn Sĩ Nghị", "Một lát các viên quan khác cũng lục tục theo đến, cùng nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt".

- Trong đoạn trích, chi tiết vua tôi Lê Chiêu Thống tháo chạy đã thể hiện rõ bản chất của nhân vật này. Vốn vì lợi ích, muốn nâng cao vị thế dòng họ mà nhà Lê để cho nhà Thanh tiến tới xâm lược. Từ đó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an nguy, quyền lợi của dân tộc. Đến khi bị quân Tây Sơn đánh tới, vua tôi Lê Chiêu Thống lúc này mới phải chịu cảnh đớn hèn, nhục nhã, trốn chui trốn lủi.

- Qua đây, ta thấy được thái độ xót thương, ngậm ngùi của tác giả dành cho nhân vật Lê Chiêu Thống. Một vị vua cao ngạo giờ đây thất thế, phải nhìn cả triều đại sụp đổ. Sự xót thương ấy đến bởi tác giả cũng là một cực trung thần của nhà Lê.


Câu 6 trang 23 SGK Ngữ văn 8 Kết nối tri thức - tập 1:

 

- Sự đối lập:

+ Hình tượng Quang Trung: Người anh hùng quả cảm, mạnh mẽ, quyết đoán, mưu trí.

+ Hình tượng Lê Chiêu Thống: Hèn nhát, vì lợi ích của dòng họ mà "cõng rắn cắn gà nhà", mở đường cho quân Thanh tiến đến xâm lược Đại Việt.

+ Quân Tây Sơn: Hào hùng, khí thế, hành quân thần tốc, đánh đâu thắng đó.

+ Quân Thanh: Bỏ chạy tán loạn, giẫm đạp lên nhau mà chết.

- Tác dụng: Việc khắc họa nét đối lập giữa Quang Trung với Lê Chiêu Thống, giữa quân Tây Sơn và quân Thanh đã thành công diễn tả sự sụp đổ của triều đại Lê - Trịnh. Đồng thời, ca ngợi và làm nổi bật hào khí của phong trào Tây Sơn cùng người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.


Câu 7 trang 23 SGK Ngữ văn 8 Kết nối tri thức - tập 1:

- Trong đoạn trích, những yếu tố đặc trưng của truyện lịch sử được tác giả sử dụng là:

+ Tái hiện những sự kiện, nhân vật ở một thời kì, một giai đoạn lịch sử cụ thể.

+ Cốt truyện được xây dựng dựa trên cơ sở các sự kiện đã xảy ra, được tác giả tái tạo, sắp xếp theo ý đồ nghệ thuật của mình để thể hiện chủ đề, tư tưởng chính.

+ Thế giới nhân vật phong phú, tập trung khắc họa những nhân vật nổi tiếng (vua Quang Trung, vua Lê Chiêu Thống,...) để thể hiện cái nhìn của nhà văn về lịch sử.

+ Ngôn ngữ kể và ngôn ngữ của nhân vật phù hợp với thời đại.

- Nghệ thuật kể chuyện lịch sử trong văn bản vô cùng đặc sắc. Tác giả không chỉ ghi chép sự việc một cách máy móc, khô khan mà miêu tả cụ thể hành động, thái độ, lời nói của các nhân vật. Từ đó, khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn, sinh động và gần gũi, dễ tiếp nhận với người đọc hơn.


IV. Viết kết nối với đọc

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 7 - 9 câu) nêu cảm nhận về một chi tiết trong văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất.

"Hoàng Lê nhất thống chí" là một trong những cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng nhất của nền văn học Việt Nam. Đặc biệt, hồi thứ mười bốn đã thành công tái hiện hình ảnh anh dũng, tài trí của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Chi tiết cuộc hội thoại giữa Bắc Bình Vương với Sở và Lân cũng cũng góp phần thể hiện điều đó. Ban đầu, ông có trách hai vị tướng vì "giặc đến không đánh nổi một trận, mới nghe tiếng đã chạy trước". Thế nhưng ông cũng rất thấu hiểu cho hoàn cảnh và những hành động của họ. Nhà vua biết đó là những "võ dũng", không khéo trong việc "tùy cơ ứng biến". Đồng thời, nắm được khó khăn về địa hình nơi họ đóng quân. Qua đây, độc giả càng thấy rõ hơn cái tài và cái tâm của một nhà lãnh đạo anh minh. Vua Quang Trung đã, đang và sẽ mãi là người anh hùng văn võ song toàn đối với bao thế hệ sau.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-quang-trung-dai-pha-quan-thanh-ngu-van-8-kntt-76819n.aspx
Việc phân tích một tác phẩm văn học sử yêu cầu chúng ta nắm rõ các mốc sự kiện quan trọng. Từ đó, hiểu hơn về chủ đề, tư tưởng mà tác giả muốn truyền tải. Để có thể hiểu hơn về thể loại văn học thú vị này, mời em tham khảo các bài soạn khác trên Taimienphi.vn nhé: Soạn bài Lá cờ thêu sáu chữ vàng; Soạn bài Minh sư.

Tác giả: Lê Thị Thuỷ     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Soạn bài Gặp lá cơm nếp (Thanh Thảo), Ngữ văn lớp 7, Kết nối tri thức với cuộc sống
Đoạn văn phân tích một yếu tố "phá cách" trong Bảo kính cảnh giới, bài 43
Soạn bài Lai Tân, Ngữ văn 8 Kết nối tri thức
Soạn bài Bầy chim chìa vôi (Nguyễn Quang Thiều) ngắn gọn, Ngữ Văn lớp 7, Kết nối tri thức với cuộc sống
Soạn bài Sinh vật trên Trái Đất được hình thành như thế nào? ngắn nhất, Ngữ văn 6 - KNTT
Từ khoá liên quan:

Soan bai Quang Trung dai pha quan Thanh

, Soan bai Soan bai Quang Trung dai pha quan Thanh ngu van 8 ket noi tri thuc, Soan bai Quang Trung dai pha quan Thanh ngan gon hay nhat,

SOFT LIÊN QUAN
  • Bộ Sách Kết nối tri thức với cuộc sống

    File mềm sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho học sinh

    Ngoài sách Chân trời sáng tạo, bộ sách Cánh Diều thì bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cũng được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn theo tiêu chuẩn sách giáo khoa mới đưa ra thử nghiệm trong năm học mới. Giống ...

Tin Mới