Không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Hồ Chí Minh còn là một cây bút xuất sắc. Những tác phẩm châm biếm, đả kích xã hội của Bác rất thú vị, sâu cay. Mời em tham khảo Soạn bài Lai Tân, Ngữ văn 8, Kết nối tri thức, học kì I do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn để hiểu hơn về tiếng cười trào phúng của Bác nhé.
Soạn bài Lai Tân
I. Soạn bài Lai Tân - Trước khi đọc:
* Gợi ý trả lời câu hỏi phần trước khi đọc:
1. Bác Hồ (Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) đã bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm con đường cứu nước. Hãy kể tên một số nơi bác đã từng đặt chân tới.
- Paris, Pháp.
- Moskva, Liên Xô.
- Quảng Châu, Trung Quốc.
2. Hãy nêu một số bài thơ của Hồ Chí Minh mà em biết.
- Bài thơ "Ngắm trăng":
"Ngục trung vô tửu, diệc vô hoa,
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song khích khán thi gia."
- Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó":
"Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang."
II. Soạn bài Lai Tân - Đọc văn bản:
* Gợi ý trả lời câu hỏi phần đọc văn bản:
1. Theo dõi: Vị trí xã hội của các nhân vật.
- Các nhân vật gồm có: ban trưởng, cảnh trưởng, huyện trưởng.
- Đây đều được coi là những vị quan, người có chức tước trong xã hội.
2. Theo dõi: Hành động của các nhân vật.
- Ban trưởng: Đánh bạc.
- Cảnh trưởng: Ăn tiền của phạm nhân.
- Huyện trưởng: Chong đèn làm việc
III. Soạn bài Lai Tân - Sau khi đọc:
* Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc:
Câu hỏi 1 trang 86 Sgk Ngữ văn 8 Kết nối tri thức - tập 1:
- Bài thơ "Lai Tân" thuộc thể thơ thất ngôn tứ tuyệt.
- Dấu hiệu:
+ Cả bài thơ có bốn câu, mỗi câu có bảy chữ.
+ Bài thơ được viết theo luật bằng.
+ Vần chân được gieo ở các câu chẵn "tiền" - "thiên".
+ Bài thơ được ngắt nhịp 2/2/4 hoặc 4/3.
Câu hỏi 2 trang 86 Sgk Ngữ văn 8 Kết nối tri thức - tập 1:
- Thông thường, cảnh trưởng là người giữ gìn trật tự cho xã hội còn ban trưởng sẽ trông coi phạm nhân.
- Trong bài thơ, ban trưởng và cảnh trưởng lại có những hành động trục lợi cá nhân như đánh bạc, ăn tiền của phạm nhân.
- Đây là sự mâu thuẫn, bộc lộ bản chất xấu xa của bán trưởng và cảnh trưởng, từ đó tạo tiếng cười trào phúng cho bài thơ.
Câu hỏi 3 trang 86 Sgk Ngữ văn 8 Kết nối tri thức - tập 1:
Theo em, có hai trường hợp lí giải cho câu thơ "Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự":
- Trường hợp 1: Người huyện trưởng thực sự chong đèn để làm việc đến tận khuya.
+ Câu thơ mang ý ca ngợi người huyện trưởng, tạo nên sự đối lập với hai câu đầu. Cũng chính vì có một vị huyện trưởng chăm chỉ, cần mẫn nên "Trời đất Lai Tân vẫn thái bình".
+ Câu thơ mang ý châm biếm, tuy người huyện trưởng có chăm chỉ làm việc đến khuya nhưng vẫn để cho những người dưới trướng mình như cảnh trưởng và ban trưởng thực hiện những hành vi sai trái. Cho thấy huyện trưởng là người không biết cách quản lí, không phải là người lãnh đạo tốt.
- Trường hợp 2: Người huyện trưởng chong đèn để làm những chuyện mờ ám, cùng một ruột với ban trưởng, cảnh trưởng thì câu thơ này cũng mang ý châm biếm, chế giễu.
Câu hỏi 4 trang 86 Sgk Ngữ văn 8 Kết nối tri thức - tập 1:
- Hai câu thơ đầu: giọng điệu đả kích, châm biếm trực tiếp.
- Câu thơ thứ ba: tạo ra yếu tố vô lí, trái ngược để tạo sự mâu thuẫn hoặc ngầm chế giễu chứ không thể hiện sự chê bai trực tiếp như hai câu thơ đầu.
Câu hỏi 5 trang 86 Sgk Ngữ văn 8 Kết nối tri thức - tập 1:
- Các nhân vật trong bài thơ gồm ban trưởng nhà giam, cảnh sát trưởng, huyện trưởng. Họ là những công chức, viên chức thuộc bộ máy chính quyền, những người thuộc giai cấp thống trị trong xã hội.
- Tác giả đã hướng tiếng cười vào giai cấp thống trị để châm biếm, đả kích, tố cáo tình trạng mục nát của xã hội ở Lai Tân thời bất giờ.
Câu hỏi 6 trang 86 Sgk Ngữ văn 8 Kết nối tri thức - tập 1:
- Theo em, nội dung câu kết không hề mâu thuẫn với nội dung các câu thơ trước.
- Vì: hai từ "thái bình" mang ý nghĩa châm biếm, miêu tả vẻ ngoài yên bình giả tạo nhưng thực chất bên trong đã mục rỗng, thối nát. Đây là cách nói trái ngược để tạo tiếng cười trào phúng nhẹ nhàng mà sâu cay.
* Viết kết nối với đọc: Viết đoạn văn (khoảng 7-9 câu) làm rõ chất trào phúng nhẹ nhàng mà sâu cay của bài thơ "Lai Tân" qua lời nhận xét: "Trời đất Lai Tân vẫn thái bình."
Ở ba câu thơ đầu tiên, nhà thơ đã cho người đọc thấy cảnh tượng cảnh sát trưởng, ban trưởng nhà giam ngày ngày đánh bạc, nhận hối lộ. Đây là một sự thật trong các nhà tù bấy giờ. Huyện trưởng Lai Tân tuy vẫn làm việc chăm chỉ nhưng lại chẳng nhận ra được sự thật ấy. Đây là một sự châm biếm không hề nhẹ, mang rất nhiều hàm ý sâu xa. Câu thơ "Trời đất Lai Tân vẫn thái bình" mang ngụ ý phê phán, đả kích xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ. Hồ Chí Minh đã sử dụng biện pháp nghệ thuật đối lập để tạo ra tiếng cười trào phúng nhẹ nhàng mà sâu cay. Chính từ "thái bình" của tác giả đã lật tẩy bản chất thối nát của bộ máy nhà nước địa phương. Một xã hội mà bọn quan lại chỉ ăn chơi mà không chăm lo cho đời sống nhân dân.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-lai-tan-ngu-van-lop-8-kntt-76843n.aspx
Bằng ngòi bút của mình, Hồ Chí Minh đã mang đến tiếng cười đầy châm biếm, sâu cay, đả kích tầng lớp thống trị địa phương nhũng nhiễu, xấu xa. Taimienphi.vn còn những bài mẫu khác cùng chủ đề để em tham khảo như: Soạn bài Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu; Soạn bài Một số giọng điệu của tiếng cười trong thơ trào phúng.