Trong chương trình Ngữ văn 8 Kết nối tri thức, học kì I, em sẽ được học bài thơ “Thiên trường vãn vọng” của Trần Nhân Tông. Em hãy cùng Taimienphi.vn phân tích bài thơ này để hiểu rõ những nội dung, ý nghĩa và giá trị của tác phẩm thơ văn mang đậm hào khí Đông A này nhé.
I. Dàn ý Phân tích bài thơ Thiên trường vãn vọng:
1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả Trần Nhân Tông:
+ Là vị vua thứ ba của nhà Trần.
+ Là vị hoàng đế anh minh, đã lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng hai cuộc xâm lược của quân Nguyên và khôi phục lại nền kinh tế, văn hóa Đại Việt.
+ Là người sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nổi tiếng.
- Giới thiệu chung về bài thơ: Thể hiện cái nhìn nâng niu, trân trọng cảnh sắc thiên nhiên và cảnh sinh hoạt của người dân khi đất nước đang thái bình.
2. Thân bài:
a) Giới thiệu chung về bài thơ:
- Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt.
- Tiêu đề:
+ Thiên Trường: một hành cung ở Nam Định, nơi các vua Trần thường lui tới để nghỉ ngơi.
+ Vãn vọng: ngắm nhìn những thứ ở đằng xa.
=> “Thiên Trường vãn vọng”: Từ phủ Thiên Trường trông ra.
- Hoàn cảnh sáng tác: Ra đời sau chiến thắng quân Mông - Nguyên, cuộc sống của người dân được khôi phục, yên bình trở lại.
- Nhân vật trữ tình: Ẩn mình, chỉ bộc lộ tình cảm, cảm xúc.
- Đối tượng trữ tình: Thiên nhiên, cảnh vật.
- Mạch cảm xúc: Bài thơ gợi tả cảnh thôn xóm, đồng quê qua cái nhìn đầy cảm xúc của tác giả.
b) Nội dung của bài thơ:
* Bức tranh thiên nhiên:
- Thời gian: “tịch dương biên”: buổi chiều tà.
- Không gian: “Thôn hậu thôn tiền”: trước thôn sau thôn -> cả không gian đều có khói mờ bao phủ.
- Cảnh vật: “Bán vô bán hữu”: nửa có nửa không -> Cảnh vật mờ ảo không rõ ràng, nửa hư nửa thực.
=> Cảnh thôn xóm trong buổi chiều tà đẹp, mơ màng, yên tĩnh.
* Bức tranh cuộc sống:
- Không gian: “điền”: cánh đồng -> Thoáng đãng, rộng lớn.
- Âm thanh: tiếng sáo của trẻ chăn trâu văng vẳng bên tai.
- Hình ảnh: trẻ mục đồng, từng đôi cò trắng bay xuống cánh đồng đi kiếm ăn.
=> Bức tranh có cả âm thanh, màu sắc, gợi lên cảnh quê thanh bình, đầy sức sống.
=> Cuộc sống yên bình, con người và thiên nhiên hòa hợp với nhau.
* Cảm xúc và chân dung của tác giả:
- Tác giả đắm chìm vào cảnh vật, vào non sông đất nước.
- Tác giả mở rộng tấm lòng đón nhận vẻ đẹp dung dị, bình yên của cuộc sống.
=> Nhà vua yêu nước thương dân, trân trọng vẻ đẹp của buổi thái bình -> Vị vua hiền minh.
c) Nghệ thuật của bài thơ:
- Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn, hàm súc.
- Nhịp thơ êm ái, hài hòa.
- Tiểu đối kết hợp với điệp ngữ thú vị.
- Ngôn ngữ miêu tả đậm chất hội họa.
3. Kết bài:
- Khái quát lại những nét đặc sắc của bài thơ.
II. Phân tích bài thơ Thiên trường vãn vọng lớp 8 Kết nối tri thức:
Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, đã lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng hai cuộc xâm lược của quân Nguyên và khôi phục lại nền kinh tế, văn hóa Đại Việt. Chiến tranh qua đi, ông có dịp đến thăm phủ Thiên Trường và ngắm nhìn cảnh vật nơi đây. Vì thế mà “Thiên Trường vãn vọng” ra đời. Bài thơ đã thể hiện cái nhìn nâng niu, trân trọng cảnh sắc thiên nhiên và cảnh sinh hoạt của người dân khi đất nước đang thái bình.
“Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên”.
Từ hành cung của vua, ông đã nhìn thấy cảnh cả thôn xóm đang chìm trong màn sương mờ ảo, lảng bảng, khiến cho cảnh vật trở nên không rõ ràng, nửa như có, nửa như không. Khói tác giả thấy có thể là sương mù do thời tiết, cũng có thể là khói bốc lên từ những mái bếp đang thổi cơm chiều. Ý thơ này như đang muốn miêu tả cuộc sống yên bình, dưới những nóc nhà yên tĩnh là bữa cơm ngon ngọt, quây quần chứ không còn cảnh nheo nhóc, đau thương nữa. Ánh “tịch dương” cuối ngày chiếu vào nơi ấy càng làm cho mọi thứ như hư ảo hơn, như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Cảnh đẹp thanh bình, dung dị này được miêu tả qua việc sử dụng cấu trúc đối xứng, biện pháp tiểu đối kết hợp với điệp từ “thôn hậu - thôn tiền”, “bán vô - bán hữu”. Chính điều này tạo nên sự cân xứng, hài hòa và uyển chuyển cho câu thơ.
“Mục đồng địch lí quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền”.
Hai câu thơ cuối gợi khung cảnh trở nên sinh động nhờ xuất hiện âm thanh và hoạt động của sự vật. Tiếng sáo gọi trâu về văng vẳng cùng màu trắng của cánh cò, màu xanh của cánh đồng, màu xám của khói chiều khiến người đứng ngắm cảnh cảm giác thư thái, nhẹ nhàng. Tác giả đã chuyển điểm nhìn từ thôn xóm ra cánh đồng rộng lớn, thoáng đãng hơn. Nơi đó có lũ trẻ mục đồng, có đàn cò trắng bay xuống cánh đồng để bắt đầu một buổi kiếm ăn. Thiên nhiên và con người trở nên thân thiết, hòa hợp đến lạ lùng. Hình ảnh “cò trắng từng đôi liệng xuống đồng” làm cho không gian được mở ra, thoáng đãng, cao rộng, trong sạch, yên ả hơn. Hình ảnh những chú trâu đủng đỉnh, chậm rãi, vắt vẻo trên lưng là mục đồng như gợi tiếng reo vui về một đất nước thanh bình sau bao nhiêu tháng ngày bị giặc ngoại xâm giày xéo. Bức tranh này không chỉ làm nổi bật sự êm ả của làng quê mà “từng đôi cò trắng” còn thể hiện sự sinh sôi nảy nở. Cuộc sống nhẹ nhàng, đầm ấm của những gia đình trong làng quê nhỏ bé, chân chất, chính là sự phát triển bền vững của một đất nước, một dân tộc bởi gia đình chính là tế bào của xã hội.
Cảnh tượng buổi chiều ở phủ Thiên Trường là cảnh tượng vùng quê trầm lặng mà không đìu hiu. Ở đây vẫn ánh lên sự sống con người trong sự hòa hợp với cảnh vật thiên nhiên một cách nên thơ, chứng tỏ tác giả là con người tuy có địa vị tối cao nhưng vẫn gắn bó máu thịt với quê hương thôn dã. Những tình cảm của tác giả đối với quê hương được bộc lộ kín đáo: nhà vua rất gần dân chúng, rất yêu dân, yêu chuộng sự thanh bình
Bài thơ được viết theo thể thơ tứ tuyệt có ngôn ngữ hàm súc nhưng tinh tế, đậm chất hội họa. Cảm tưởng như mỗi một từ trong bài thơ đều là một đường bút, vẽ nên bức tranh của làng quê trong buổi chiều tà. Không những thế, nhịp thơ chậm rãi, đều đều cũng khiến người đọc cảm nhận được sự thanh bình, yên ả nơi chốn ấy. Trong bài có nhiều hình ảnh thơ vừa chân thực, bình dị, gần gũi, vừa giàu ý nghĩa ẩn dụ tượng trưng. Biện pháp tiểu đối kết hợp với điệp ngữ đầy thú vị, độc đáo, giúp tác phẩm mang đầy tính nghệ thuật.
“Thiên Trường vãn vọng” là một bài thơ đơn giản, gợi tả cảnh xóm thôn, đồng quê vùng Thiên Trường qua cái nhìn và cảm xúc của Trần Nhân Tông. Thế nhưng ẩn sâu trong đó là niềm yêu quê hương, yêu vẻ đẹp thanh bình, yên ả cùng nhiều triết lí sâu xa của Phật giáo. Thông qua bài thơ, độc giả thế hệ sau có thể nhận thấy bức chân dung của tác giả: một vị vua hiền minh.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Có thể nói rằng, “Thiên Trường vãn vọng” là bài thơ ngắn gọn, đơn giản nhưng gửi gắm nhiều tâm tư, tình cảm của Trần Nhân Tông đối với đất nước. Ngoài bài phân tích này, em có thể tham khảo thêm một số bài khác có liên quan hiện đã có trên Taimienphi.vn: Soạn bài Thiên Trường vãn vọng, Ngữ văn lớp 8 KNTT; Phân tích Thu điếu;...