Trong bài học ngày hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các em Soạn bài Lời tiễn dặn, qua việc trả lời những câu hỏi đọc hiểu SGK, các em sẽ hiểu được tâm trạng của nhân vật trữ tình khi tiễn người con gái mình yêu về nhà chồng và khi chứng kiến người mình yêu bị hành hạ bởi nhà chồng.
LỜI TIỄN DẶN ngắn 1
(Trích Tiễn dặn người yêu - truyện thơ dân tộc Thái)
Câu 1.
Diễn biến tâm trạng của chàng trai trên đường tiễn người yêu về nhà chồng:
- Thoạt tiên là tâm trạng đau buồn
- “Người đẹp anh yêu’ là cách gọi tình tứ mà chàng trai gọi cô gái
- Luôn khẳng định tình yêu của anh dành cho cô
- Tình cảm trong lòng chàng trai đôi lúc mâu thuẫn với thực tế.
- Luôn có cử chỉ, hành động muốn núi giữ thời gian
Xin cho anh kề vóc mảnh
Quấn quanh vai ủ lấy hương người
Cho mai sau lửa xác đượm hơi
…
Không lấy nhau được mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông.
Không lấy nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già
→ Lời thơ nghe ai oán, xót xa ẩn chứa bên trong là tình yêu vô bờ của chàng trai dành cho cô gái.
Câu 2.
Những câu thơ mô tả hành động, tâm trạng của cô gái trên đường về nhà chồng :
- Vừa đi vừa ngoảnh lại trông ngóng chàng trai
- Chân đi bước xa lòng càng thêm nhớ:
Em từng ngắt lá ớt ngồi chờ
…
Từng rừng cà ngắt lá cà ngồi đợi
→ Sự đau khổ, xót xa, bẽ bàng của cô gái khi phải chia xa người mình yêu. Tất cả điều đó đã được thể hiện thông qua những cảm nhận của chàng trai.
Câu 3.
Những câu thơ, chi tiết thể hiện thái độ, cử chỉ chàng trai đối với cô gái trong những ngày anh còn lưu lại ở nhà chồng của cô:
- Gọi chị dậy
- Dậy rũ áo kẻo bọ / Dậy phỉu áo kẻo lấm
- Đầu bù anh chải cho / Tóc rối đưa anh búi hộ
- Chặt tre làm ống thuốc
→ Tình cảm, sự cảm thương, xót xa đối với người mình yêu.
Câu 4.
Phép điệp:
“Vừa đi vừa ngoảnh lại
Vừa đi vừa ngoái trông”
hay
“Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông
Không lấy nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già”
→ Tình cảm mãnh liệt của đôi trai gái khi phải chia xa người mình thương yêu.
LỜI TIỄN DẶN ngắn 2
(Trích Tiễn dặn người yêu - truyện thơ dân tộc Thái)
A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Xuất xứ đoạn trích
- Tiễn dặn người yêu là một trong những truyện thơ nổi tiếng nhất của người Thái.
- Tác phẩm gồm 1846 câu thơ.
- Nhân vật trong cuộc kể lại câu chuyện tình yêu - hôn nhân của mình.
- Đoạn trích là lời tiễn dặn của chàng trai dành cho cô gái khi cô bị ép gả về nhà chồng.
2. Tóm tắt cốt truyện Tiễn dặn người yêu
- Chàng trai và cô gái vốn quen nhau từ thời thơ ấu, lớn lên họ yêu nhau, nhưng bố mẹ cô gái không nhận lễ vật mà nhận lễ vật của một chàng trai khác giàu nhưng thiếu lễ độ.
- Chàng trai đau khổ bỏ nhà ra đi, quyết tâm làm giàu để về cưới cô gái, cô gái chờ đợi anh.
- Hết hạn ở rể, người kia xin cưới cô gái. Khi giàu có trở về, chàng trai mới biết cô gái đã thuộc về người khác. Anh đau khổ đi theo tiễn dặn người yêu.
- Theo lời chàng trai dặn cô gái cố làm ra vẻ vụng về ở nhà chồng để bị trả về nhà cha mẹ để họ có thể lấy nhau.
- Nhưng cha mẹ chồng lại bán cô vào cửa quan. Thất vọng, cô gái càng phá phách. Nhà quan đưa cô ra chợ bán nhưng chẳng ai buồn mua cô. Sau đó họ đổi cô bằng một cuộn lá dong.
- Người đổi cô ấy lại chính là chàng trai yêu cô thuở trước. Chàng không nhận ra cô vì bây giờ hình hài cô đã tiều tụy.
- Cô đem đàn môi ra thổi lại những kỉ niệm cũ, chàng trai nhận ra cô bèn chia đôi gia sản đưa cô về nhà cha mẹ để rồi họ cưới nhau cho trọn lời ước: không lấy nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già.
3. Diễn biến tâm trạng của chàng trai trên đường tiên người yêu về nhà chồng
- Khẳng định tình yêu trong Anh vẫn còn thắm thiết với Chị.
- Anh muốn kéo dài chặng đường để được ở lâu bên Chị, đế ủ lấy hương người cho mai sau, lửa xác mình vẫn đượm hơi người yêu hôm nay.
4. Diễn biến tâm trạng cô gái
- Chị trong cảm nhận của Anh là cũng muốn kéo dài khoảng thời gian bên nhau. Chân bước đi đầu còn ngoảnh lại, mắt còn ngoái trông Anh: “Em tới rừng ớt ngắt lá ớt ngồi chờ / Em tới rừng cà ngắt lá cà ngồi đợi...”.
- Cách miêu tả đó chứng tỏ anh rất thấu hiểu nội tâm của chị.
5. Những câu thơ, những chi tiết thể hiện thái độ, cử chỉ ân cần của chàng trai đối với cô gái khi Anh ở lại nhà chồng cô
- Anh chải tóc, phủi áo cho Chị.
- Anh đun thuốc cho Chị.
- Khẳng định tình cảm bền chặt của hai người: “Chết thành muôi, ta múc xuống cùng bát / Chết thành hồn, chung một mái, song song... Yêu nhau, yêu trọn đời gỗ cứng / Yêu nhau, yêu trọn kiếp đến già”.
- Các đoạn thơ lặp từ (như cụm từ “chết thành”, “yêu nhau”...) thể hiện quyết tâm không gì lay chuyển nổi tình cảm của Anh đối với Chị.
6. Ý nghĩa của văn bản
- Văn bản miêu tả tình yêu chân thành nhưng đầy trắc trở, bi kịch của đội trai gái người Thái.
- Qua đó bộc lộ rõ nét tình cảm, tâm hồn của đôi trai gái và ca ngợi tình yêu của họ.
B. TỰ LUẬN
Nếu hiểu biết của anh (chị) về truyện thơ các dân tộc thiểu số và đoạn trích “Lời tiễn dặn” (Trích “Tiễn dặn người yêu” - truyện thơ dân tộc Thái)
Gợi ý làm bài
I. Thể loại truyện thơ
- Truyện thơ là những sáng tác dân gian, có hình thức trường thiên tự sự, dùng văn vần kể lại một câu chuyện về tình yêu hoặc những thân phận nghèo khổ. Truyện thơ có thể tồn tại dưới dạng văn bản hoặc phi văn bản.
- Truyện thơ là một trong những di sản văn hóa, kết tinh giá trị nghệ thuật nhiều mặt của các dân tộc Đông Nam Á, ngoài khu vực này, không ở đâu có thể loại truyện thơ. Ở Việt Nam, truyện thơ được xem tập đại thành của các dân tộc miền Bắc. Do đó, nó được xem là cầu nối giữa văn học dân gian và văn học viết, giữa văn học dân tộc với văn học nước ngoài.
- Truyện thơ ra đời trên cơ sở sự phát triển của hai thể loại là truyện cổ dân gian và dân ca... Đặc điểm mang tính loại hình của sáng tác văn học nhiều dân tộc vùng Đông Nam Á là chúng không đọc bằng mắt mà đọc thành lời. Chính vì thế, khác với truyện thơ bác học (Truyện Kiều, Lục Vân Tiên...), truyện thơ dân gian tồn tại dưới hình thức vừa văn tự vừa phi văn tự, vừa tự sự vừa trữ tình, vừa văn xuôi vừa văn vần, vừa kể vừa hát. Điều này xuất phát rừ tư duy nghệ thuật mang tính tổng hợp, không thích sự rạch ròi, dứt khoát của nhân dân lao động.
- Ở các nước khu vực Đông Nam Á, truyện thơ là các tác phẩm văn học viết (ở Lào 3 đời vua nối tiếp nhau sáng tác một Truyện thơ). Ở Việt Nam, vấn đề khác hẳn: có dân tộc có chữ viết, có dân tộc chưa có chữ viết, có dân tộc thậm chí bây giờ mới học chữ latinh... Những nghệ thuật truyền miệng cũng đạt đến trình độ cao, tiến gần đến văn học viết.
- Sự ra đời của Truyện thơ thể hiện sự thay đổi về quan niệm nghệ thuật, quan niệm về con người của thời đại. Đó là nhu cầu cần phản ánh con người toàn vẹn hơn. Hình thức câu chuyện nhằm chuyền tải những vấn đề xã hội và thời đại, đề cập đến thân phận con người thấp cổ bé họng dưới chế độ xưa. Bên cạnh đó, những diễn biến tâm lí, tâm trạng, cảm xúc của con người được khắc họa sâu sắc và sinh động qua những lời thơ, nhờ sự tham gia của hình thức dân ca. Chính vì thế, truyện thơ có đặc trưng quan trọng là sự kết hợp hài hòa giữa trữ tình và tự sự, giữa hát và kể. Đó là hình thức thơ ở trong truyện và truyện ở trong thơ.
- Hầu hết Truyện thơ có nội dung lành mạnh chứa đựng đạo đức tâm lí truyền thống, ý thức của nhân dân, nó đề cao nhân bản, trung hiếu tiết nghĩa theo quan điểm quần chúng lao động, nó ca ngợi lòng thủy chung, trí thông minh dũng cảm chiến đấu chống bạo lực cường quyền...
- Có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu của các dân tộc như:
+ Truyện thơ Mường: Nàng Nga - Hai Mối; Út Lý - Hồ Liêu. Nàng Ờm - chàng Bồng Hương, Vườn hoa núi cối...
+ Truyện thơ Tày: Nhân lăng, Bióoc Lả, Chiêu Đức, Lí Thế Khanh, Nho Hương... Truyện thơ Nôm Tày có khoảng 30 truyện (từ 7-800 câu đến 3000 câu). Những truyện viết bằng chữ Nôm dân tộc Tày, trên giấy dó, bìa đóng phần nhiều được bồi trát bóng nhẵn bằng nhựa cây “sé” để bảo đảm truyền tay nhau không nát. Truyện thơ dài, loại thơ 7 chữ trường thiên có 2 tuyến nhân vật rõ rệt, diễn biến truyện với nhiều tình tiết hấp dẫn, lí thú đôi lúc li kì. (trang 6 giới thiệu Truyện thơ Tày)
+ Truyện thơ Thái có số lượng không lớn nhưng là thể loại độc đáo. Truyện thơ Thái là sự kết tinh hội tụ truyền thống văn hoá văn học tộc người Thái. Tiêu biểu là những truyện thơ viết về đề tài tình yêu như: Tiễn dặn người , Chàng Lí - nàng Ủa, Hiền Hom - Cầm Đôi, Ú Thêm. Đó là những câu chuyện về tình yêu của các chàng trai và cô gái trong xã hội cũ, họ có tình yêu đẹp đẽ, trong sáng, thủy chung nhưng lại gặp phải tục lệ hôn nhân gả bán ép uổng, ngang trái, bất công. Mỗi tác phẩm là một bài ca ca ngợi tình yêu, đạo đức của con người, là "khát vọng dân chủ mãnh liệt của nhân dân, thể hiện ở cuộc đấu tranh cho cuộc sống hạnh phúc, chống lại những tập tục lề thói khắc nghiệt, bóp nghẹt quyền tự do yêu đương" (Lê Trường Phát).
Tình tiết cơ bản của loại truyện thơ này trải qua ba giai đoạn chủ yếu. Đôi bạn tình yêu nhau tha thiết - Tình yêu bị tan vỡ, các chàng trai, cô gái bị rơi vào tình cảnh đau khổ khi bị cha mẹ ép duyên, gả bán cho người khác - Đôi bạn tình tìm cách thoát khỏi cảnh ép buộc trái ngang đó.
II. Truyện thơ Tiến dặn người yêu (Xống chụ xon xao)
Tiễn dặn người yêu là tên gọi được dịch từ “Xống chụ xon xao”, theo tác giả Vũ Anh Tuấn, từ xon vừa có nghĩa là dặn, vừa có nghĩa là bài học, sự học. Cho nên, tác phẩm là một lời tiễn dặn và cũng là bài học cho các cô gái trước ngưỡng cửa của tình yêu.
Văn bản của tác phẩm chủ yếu lưu truyền trong dân gian, được truyền tụng qua lời hát, lời kể của nghệ nhân và nam nữ thanh niên dân tộc Thái. Tác phẩm cũng sớm được văn bản hóa nhờ công sưu tầm, biên dịch của nhiều nhà nghiên cứu. Văn bản do Mạc Phi sưu tầm (ở Thuận Châu - Sơn La), dịch, khảo dị có giá trị tư liệu và văn học to lớn. Văn bản này được ấn hành năm 1961, đến nay được tái bản nhiều lần và tác giả SGK lấy trích đoạn từ trong văn bản này.
Tiễn dặn người yêu là thiên tình sử nổi tiếng của văn học Thái kể về chuyện Anh yêu và Em yêu, yêu nhau tha thiết. Do cha mẹ Em yêu chê Anh yêu nghèo không gả, Anh yêu quyết đi buôn giàu có về để cưới Em yêu. Em yêu bị cha mẹ ép gả, cô cố trì hoãn thời gian ở rể nhưng không được. Ngày Anh yêu trở về cũng là ngày mà Em yêu phải về nhà chồng, Anh yêu đi theo tiễn dặn. Sống ở nhà chồng, Em yêu bị đánh đập tàn nhẫn bị trả về cha mẹ em lại gả bán em đi. Người mua em chính là Anh yêu, họ cưới nhau trong niềm hạnh phúc trọn vẹn, sau khi tiễn vợ của Anh yêu về nhà ngoại.
Tiễn dẫn người yêu là người trong những truyện thơ ảnh hưởng sâu sắc đến truyền thống trữ tình ca hát dân gian hơn là ảnh hưởng nguồn truyện kể dân gian. Do đó nhiều nhà nghiên cứu xếp tác phẩm vào nhóm truyện thơ - tự sự (tức là yếu tố trữ tình đặt lên hàng đầu). Trong nhiều đoạn, chúng ta thấy sự có mặt của rất nhiều lời dân ca Thái, làm nên những giai điệu trữ tình, Hi hiện được những cung bậc cảm xúc khác nhau của nhân vật trữ tình.
III. Đoạn trích lời tiễn dặn
1. Vị trí đoạn trích
Đoạn trích kể về việc chàng trai (Anh yêu) đi theo người yêu (Em yêu) về nhà chồng, tiễn đưa, dặn dò, bày tỏ tình yêu chân thành, chung thủy của mình. Đó là sau khi giàu có, chàng trai trở về những cô gái đã thuộc về người khác. Đi theo đưa tiễn, chứng kiến cảnh cô gái bị hành hạ, đánh đập, chàng càng đau đớn, xót xa. Đây là một trong những đoạn trích hay nhất, thể hiện tình yêu tâm trạng của con người một cách sâu sắc, chân thật qua ngôn ngữ lời ca ngọt ngào, tha thiết.
2. Tâm trạng chàng trai trên đường đưa tiễn người yêu về nhà chồng
Toàn bộ đoạn trích là sự hình dung, tâm trạng của chàng trai khi đưa tiễn người yêu. Mọi hành động, cảm xúc của cô gái cũng được thể hiện qua con mắt của chàng trai, vì thế tâm trạng, cảm xúc của chàng hết sức tha thiết, chân tình.
Chàng trai vì nghèo khổ mà không cưới được cô gái nên đã quyết chí đi làm giàu. Anh trở về mang theo niềm hi vọng về kết cục tốt đẹp hạnh phúc cho tình yêu của mình. Nhưng bây giờ, mọi sự đã thay đổi, cô gái đã thuộc về người khác (sau thời gian ở rể theo phong tục của người Thái, chàng trai lạ đã đem lễ vật hỏi cưới cô gái). Chàng trai chỉ còn biết đi theo tiễn đưa với tình yêu nồng thắm và tâm trạng nặng trĩu, đau khổ.
Trước hết, chàng trai đưa cô gái về theo phong tục nhưng quan trọng hơn cả là thể hiện tình yêu, sự quan tâm đến cô gái:
Được nhủ đội câu, anh mới đành lòng quay lại
Được dặn đôi lời, anh yêu em mới chịu quay đi
Sự chia tay luôn tạo nên nỗi buồn. Chàng trai đưa tiễn người yêu về nhà chồng thì thật bi kịch. Anh không yên tâm khi cô gái về một nơi xa lạ, anh không đành lòng nhìn cô gái ra đi. Đi theo một quãng đường, anh cố gắng níu kéo tình yêu của mình, tha thiết bày tỏ tình cảm. Những lời dặn dò tiễn đưa dành cho cô gái nhưng cũng chính anh đã bày tỏ lòng mình, tâm sự giãi bày tâm trạng:
Xin hãy cho anh kề vóc mảnh
Quấn quanh vai ủ lấy hương người
Cho mai sau lửa xác đượm hơi
Một lát bên em thay lời tiễn dặn
Chàng trai đã thể hiện khát khao được ở bên cô gái, được gần gũi để chia sẻ những nỗi niềm. Khát Vọng ấy vô cùng mãnh liệt, cả lúc sống cũng như lúc chết. Chàng muốn nhắn nhủ: không lấy được nhau coi như suốt đời không còn có ai thân yêu, đành mượn hơi hương da thịt người yêu ngay từ lúc này để mai sau có chết cũng không đến nỗi thành kẻ cô đơn, lửa xác được nhờ hơi ngày nay mà sẽ cháy đượm, vong hồn được siêu thoát. Như vậy, dù đi đưa tiễn cô gái lấy chồng nhưng chàng trai lại khẳng định sự gắn bó suốt đời với cô gái, xem cô là người thân duy nhất của mình.
Tình yêu và quyết tâm của chàng trai còn tiếp tục qua những lời tâm sự:
Con nhỏ hãy đưa anh ẵm
Bé xinh hãy đưa anh bồng...
Anh gọi những đứa con riêng của cô gái bằng những từ nựng, đáng yêu "con rồng, con phượng, con nhỏ, bé xinh, con dòng...”. Đó là cách thể hiện tình yêu cao cả, anh yêu tất cả những gì thuộc về cô gái và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn trong sinh hoạt đời thường. Chàng trai này cũng giống với nhân vật trong ca dao người Việt: “Con mình những trấu cùng tro/Ta đi gánh nước rửa cho con mình”. Những tình cảm chân thành, cao đẹp đó càng là cái cớ để họ đến với nhau. Và lời hẹn ước của chàng trai với cô gái thật bất ngờ và cảm động:
Đôi ta yêu nhau đợi tới tháng Năm lau nở
Đợi mùa nước đó cá về
Đợi chim tăng ló hót gọi hè
Không lấy nhau được mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông
Không lấy nhau được thời trai trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già
Đây là môtip lời thề thốt, hẹn ước quen thuộc trong ca dao nhưng chàng trai lại có cách thể hiện riêng. Chàng trai quyết tâm chờ đợi, không quản tháng năm: từ mùa lau nở, mùa lũ về lại đến mùa hè chim tăng ló hót giọng buồn rầu... Thời gian trôi chảy, sự vật đổi thay nhưng chỉ có tình yêu của chàng là trước sau như một. Lời hẹn ước của chàng vượt qua mọi thử thách của thời gian và số phận. Có nhiều ý kiến đã cho rằng chàng trai đã ích kỉ khi muốn lấy cô gái bằng mọi giá, rằng hạnh phúc của chàng lại đổi bằng sự bất hạnh của người khác (vợ chàng, chồng cô gái). Nhưng phải đặt tình huống này trong chỉnh thể của thể loại, theo sự phát triển lôgic của tâm trạng thì mới hiểu được lời bày tỏ của chàng. Trong truyện thơ, mọi yếu tố nghệ thuật, chi tiết đều để dẫn tới mục đích: ca ngợi tình yêu và hạnh phúc. Cho nên, truyện thơ đấy tất cả những tình huống và tính cách của nhân vật đến chỗ hi sinh hành động theo tình yêu. Vì vậy, lời hẹn ước của chàng trai đã thể hiện một cách cao đẹp tình yêu và tính cách của chàng.
3. Tâm trạng của cô gái trên đường về nhà chồng
Tâm trạng của cô gái được nhìn qua con mắt của chàng trai đã thể hiện sự cảm thông, thấu hiểu giữa hai người. Không có lời của chàng trai, không có lời của cô gái, phần đầu đoạn trích chỉ có những hành động của cô gái, điều này khắc họa tâm trạng đau khổ và số phận bi kịch của cô.
Vừa đi vừa ngoảnh lại
Vừa đi vừa ngóng trông
Chân bước xa lòng càng đau nhớ
Bước chân của cô gái nặng nề, ngập ngừng thể hiện tâm trạng rối bời, sự đau khổ, mất phương hướng. Đó cũng là tâm trạng cảnh ngộ của nàng Kiều “bước đi một bước giây giây lại dừng”, hay đôi trai gái trong “Chinh phụ ngâm” trong cảnh tiên đưa: Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy.
Tác giả dân gian đã có sự so sánh làm nổi bật tâm trạng đau khổ của cô gái: chân bước xa làng càng đau nhớ, Mỗi bước chân của cô là một bước dời xa hạnh phúc của mình, bước chân dẫn cô đến nơi mà cô không mong muốn, dẫn đến tương lai mù mịt.
Chàng trai tiếp tục hình dung cô gái chờ đợi mình trên đường. Những bước đi nặng nề, những lẫn chờ đợi vô vọng càng làng tăng thêm nỗi khổ đau, thân phận bi kịch của cô gái:”Cô ngồi trên lá ớt, lá cà gai, lá ngón”, những loại lá độc mà người ta chỉ tìm đến khi tuyệt vọng. Tìm đến chờ đợi ở những thứ ấy cũng chính là cô gái đã không còn thiết tha với cuộc sống nữa. Nhưng chỉ cần sự xuất hiện của chàng trai thì cô bẻ lá xanh ngồi. Như vậy, những tấm trạng của cô đã được hành động hóa, diễn biến tâm trạng của cô cũng thể hiện qua các hành động ấy. Chàng trai đến cổ bẻ lá xanh ngồi. Chàng trai đem đến cho cô niềm tin và hi vọng, đem đến sự sống, tình yêu.
Tuy tâm trạng của cô gái không hiện lên trực tiếp nhưng qua hình dung của chàng trai chúng ta cũng thấy vẻ đẹp trong tâm hồn và tình yêu của cô. Qua những lời thơ đó, tình yêu của họ đã được khẳng định, được ca ngợi.
4. Tình cảm thái độ của chàng trai khí ở nhà chồng cô gái
Cũng theo phong tục, chàng trai đưa tiễn cô gái về nhà chồng đã lưu lại ở đó vài ngày. Trong thời gian này, chàng trai đã thể hiện sự quan tâm ân cần, chu đáo qua những sự chăm sóc, cử chỉ yêu thương.
Đầu bù anh chải cho
Tóc rối anh búi hộ
Anh chặt tre về đốt gióng đầu
Chặt tre dày anh hun gióng giữa
Lam ống thuốc này em uống khỏi đau
Đây là những việc làm đáng lẽ của chồng cô gái nhưng tình yêu và sự quan tâm đã khiến anh hành động như vậy. Bởi vì anh đã chứng kiến cảnh cô gái bị nhà chồng đánh đập, hắt hủi. Cô đã cố tình tỏ ra là vụng về để nhà chồng chán mà đuổi về, cô sẽ được đoàn tụ với người yêu nhưng nhà chồng đã độc ác hành hạ, đánh đập cô. Cô bị đánh ngã xuống đất, quần áo lấm bụi và các thứ sâu bọ bò lên. Chàng trai đã chăm sóc tận tình, thuốc men cho cô.
Cuối cùng, chàng trai một lần nữa khẳng định tình yêu bất diệt của họ:
Chết ba năm hình còn treo đó
Chết thành sông vục nước uống mát lòng
Chết thành đất, mọc dây trầu xanh thắm...
Cả một đoạn thơ dài điện tử, điệp cấu trúc đã khẳng định mạnh mẽ sự gắn bó của hai người, tình yêu đó không thứ gì có thể chia cắt được. Những cặp hình ảnh ví von so sánh đã tô điểm, làm đẹp cho tình yêu thủy chung của họ. Tình yêu của họ cũng giống như Khun Lú - Nàng Ủa, dù xa nhau nhưng tình yêu mãi mãi vẫn còn.
5. Giá trị nghệ thuật
Đoạn trích đã huy động, vận dụng thơ ca dân gian Thái một cách linh hoạt. Những hình thức ví von so sánh, dùng điệp từ, điệp ngữ... đã làm tăng thêm sức biểu hiện, khiến cho tâm trạng nhân vật với nhiều diễn biến phức tạp được bộc lộ sinh động, làm xúc động lòng người.
Xem tiếp các bài soạn để học tốt môn Ngữ Văn lớp 10
- Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn tự sự
- Soạn bài Đọc thêm: Xúy Vân giả dại
https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-loi-tien-dan-38147n.aspx