Soạn bài Cuộc chia tay của những con búp bê

Hướng dẫn soạn bài Cuộc chia tay của những con búp bê sẽ cung cấp những gợi ý để các em trả lời câu hỏi tìm hiểu trong sgk, qua đó cảm nhận được hoàn cảnh éo le của hai anh em Thành, Thủy cũng như vẻ đẹp của tình cảm gia đình.

I. HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

Văn bản khá dài, vì vậy các em cần kể tóm tắt cốt truyện theo 3 cảnh:
- Cảnh hai anh em Thành, Thủy chia đồ chơi;
- Cảnh Thủy đến trường chia tay với cô giáo và các bạn;
- Cảnh hai anh em phải chia tay nhau.
Sau đó, tiến hành đọc - hiểu văn bản theo các câu hỏi trong SGK.

1. Truyện viết về ai, về việc gì? Ai là nhân vật chính trong truyện? Các em có thể dễ dàng trả lời câu hỏi này. Riêng nhân vật chính trong truyện, có thể có hai ý kiến: cả hai nhân vật Thành, Thủy ; hoặc chỉ là nhân vật Thủy. Các em thử trao đổi xem nên chọn phương án nào? Vì sao?

2. Hai vấn đề cần suy nghĩ và thảo luận trong nhóm:
a) Ngôi kể: Truyện được kể theo ngôi thứ nhất (người kể xưng "tôi"). Đó là nhân vật Thành, người chứng kiến các việc xảy ra, cũng là người cùng chịu nỗi đau như em gái của mình. Cách lựa chọn ngôi kể này làm tăng thêm tính chân thực của truyện, tạo điều kiện để nhân vật tự bộc lộ một cách sâu sắc và tự nhiên những suy nghĩ, tình cảm của mình, do vậy sức thuyết phục của truyện cũng cao hơn.

b) Tên truyện: Mượn chuyện những con búp bê phải chia tay nhau để nói lên một cách thấm thía con người phải chia tay nhau (ở đây lại là hai anh em ruột trong một nhà) để tăng thêm nỗi đau xót và sự vô lí của cuộc chia tay này. Những con búp bê vốn là những đồ chơi tuổi nhỏ, thường gợi lên sự ngộ nghĩnh, trong sáng, ngây thơ, vô tội - cũng như hai anh em Thành - Thủy vô tư, không có tội lỗi gì... thế mà đành phải chia tay. Tên truyện đã gợi ra một tình huống buộc người đọc phải theo dõi đồng thời cũng thể hiện được ý đồ tư tưởng của người viết.

3. Tìm các chi tiết trong truyện để thấy hai anh em Thành -Thủy rất mực gần gũi, thương yêu, chia sẻ và quan tâm lẫn nhau.
- Các chi tiết trong cuộc sống của hai anh em trước đây:
+ Thủy mang kim ra tận sân vận động và áo cho anh,...
+ Thành giúp em học, chiều nào cũng đón em đi học về,...
- Khi phải chia tay, các em càng thương yêu và quan tâm lẫn nhau:
+ Chia đồ chơi, Thành nhường hết đồ chơi cho em;
+ Thủy thương anh "không có ai gác đêm cho ngủ" nên lại nhường cho anh con Vệ Sĩ,..

4*. Lời nói và hành động của Thủy khi thấy anh chia hai con búp bê ra hai bên có gì mâu thuẫn? Kết thúc truyện, Thủy đã lựa chọn cách giải quyết như thế nào? Vì sao cách giải quyết ấy lại làm người đọc rất xúc động?
- Ở đây, tác giả đã phát hiện ra một nét mâu thuẫn thật tinh tế của trẻ thơ trong nhân vật Thủy: một mặt, Thủy rất giận dữ không muốn chia rẽ hai con búp bê, nhưng mặt khác, em lại rất thương Thành, sơ đêm đêm không có con Vệ Sĩ canh giấc ngủ cho anh, nên em rất bối rối sau khi đã "tru tréo lên giận dữ". Vậy thì, để giải quyết mâu thuẫn này, chỉ có cách gia đình Thủy - Thành phải đoàn tụ, hai anh em không phải chia tay.

- Nhưng điều ấy không có được trong câu chuyện này. Vì vậy, cuối truyền, Thủy đã lựa chọn cách giải quyết: để lại con Em Nhỏ ở bên cạnh con Vệ Sĩ để chúng không bao giờ xa nhau. Búp bê không xa nhau nhưng con người lại phải xa nhau! Đó là chi tiết xúc động nhất và hàm chứa ý nghĩa sâu sắc, khiến người đọc càng thêm thương cảm một em gái vừa giàu lòng vị tha, vừa thương anh, thương cả những con búp bê, thì mình chịu chia lìa chứ không để búp bê phải chia tay, thà mình chịu thiệt thòi để anh luôn có con Vệ Sĩ gác cho ngủ đêm đêm. Tấm lòng em bé gái càng vị tha, nhân ái bao nhiêu thì nỗi xót đau càng như cứa vào lòng người đọc bấy nhiêu. Em không muốn cho búp bê phải xa nhau thì tại sao con người lại bắt các em phải xa cách. Chi tiết này đã nói lên sự chia tay của hai em nhỏ là rất vô lí, là không nên có.

5. Chi tiết nào trong cuộc chia tay của Thủy với lớp học làm cô giáo bàng hoàng và chi tiết nào khiến em cảm động nhất? Vì sao?
Cuộc chia tay của Thủy với lớp học được kể lại với nhiều chi tiết gợi cảm, xúc động. Nhưng chi tiết làm cô giáo bàng hoàng - cũng làm người đọc đau xót nhất - là khi Thủy cho biết: em sẽ không được đi học nữa, do nhà bà ngoại xa trường quá, nên "mẹ bảo sẽ sắm cho em một tháng hoa quả để ra chợ ngồi bán". Một em bé mà không được đi học nữa thì đó là điều đau xót nhất, không chỉ cho em mà cho tất cả chúng ta - nhất là những người đang đảm nhiệm công việc giáo dục thế hệ trẻ. Chính vì vậy mà khi nghe tin, cô Tâm đã thốt lên: "Trời ơi!, Cô giáo tái mặt và nước mắt giàn giụa". Đây là chi tiết khiến người đọc cảm động nhất vì đã có những người đồng cảm sâu sắc với nỗi bất hạnh của Thủy ("Lũ nhỏ cũng khóc mỗi lúc một to hơn").

6. Vì sao khi dắt Thủy ra khỏi trường, tâm trạng của Thành lại "kinh ngạc thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật?
Để giải thích điều này, em có thể đặt thêm câu hỏi: Nhân vật đang nổi dông bão trong lòng nhưng thiên nhiên và những người khác có nổi dông bão không? Dĩ nhiên là không. Sự đối lập đó đã khiến Thành kinh ngạc. Đây là nét tâm lí thường thấy ở những người đang đau khổ nên nhìn ra xung quanh thấy mọi vật đều như "trớ trêu" đối với mình: trong tâm hồn Thành đang nổi dông, nổi bão vì sắp phải chia lìa với đứa em gái bé nhỏ, thân thiết, cả trời đất như sụp đổ trong tâm hồn em, thế mà bên ngoài mọi người và đất trời vẫn không có gì thay đổi. Điều này làm tăng thêm nỗi buồn sâu thẳm, trạng thái thất vọng, bơ vơ, lạc lõng của nhân vật trong truyện.

7. Qua câu chuyện này, tác giả muốn nhắn gửi đến mọi người điều gì?
Hãy chấm dứt những cuộc chia tay đau đớn như cuộc chia tay của hai anh em Thành - Thủy trong truyện để bảo vệ và gìn giữ những tình cảm tự nhiên, trong sáng của gia đình, để làm tròn trách nhiệm của bố mẹ đối với con cái như đã ghi trong Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc, 1989. (Đọc kĩ phần Ghi nhớ và phần Đọc thêm về "Trách nhiệm của bố mẹ")

II. LUYỆN TẬP

1. Đọc đoạn văn cuối cùng (cảnh hai em phải chia tay) và phân tích nhân vật Thủy theo gợi ý sau đây: lấy con Vệ Sĩ ra đặt lên giường Thành, ôm hôn búp bê và chia tay với nó; tụt xuống xe đem con Em Nhỏ về với con Vệ Sĩ và dặn anh không bao giờ để chúng nó ngồi cách xa nhau. Tại sao Thủy lại có diễn biến hành động như vậy? Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với việc bộc lộ chủ đề truyện ngắn này?

2. Tại sao tác giả lại không đặt tên truyện là "Cuộc chia tay của hai anh em" mà lại là "Cuộc chia tay của những con búp bê"? Đặt tên truyện như vậy thì ý nghĩa và chủ đề của tác phẩm sẽ càng thêm sâu sắc và thấm thía như thế nào?

--------------------HẾT-----------------------

Để học tốt Ngữ Văn 7 các em sẽ được hướng dẫn soạn và trả lời câu hỏi trong SGK bao gồm Soạn bài Bố cục trong văn bản và phần Soạn bài Mạch lạc trong văn bản để các em nắm vững kiến thức Ngữ Văn lớp 7 hơn

Hơn nữa, Nêu cảm nhận về bài Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến là một bài học quan trọng trong chương trình Ngữ Văn 7 mà các em cần phải đặc biệt lưu tâm.

Trong chương trình học Ngữ Văn 7 phần Cảm nhận về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng các em cần chú ý chuẩn bị trước.

https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-cuoc-chia-tay-cua-nhung-con-bup-be-38313n.aspx

Tác giả: Duy Tâm     (4.0★- 14 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Dàn ý suy nghĩ về tình yêu thương qua Cuộc chia tay của những con búp bê
Phân tích tác phẩm Cuộc chia tay của những con búp bê
Dàn ý cảm nhận về tình anh em giữa Thành và Thuỷ trong Cuộc chia tay của những con búp bê
Dàn ý cảm nghĩ về Cuộc chia tay của những con búp bê
Dàn ý phân tích nhân vật Thành và Thủy trong Cuộc chia tay của những con búp bê
Từ khoá liên quan:

soan bai cuoc chia tay cua nhung con bup be

, soan van lop 7 bai cuoc chia tay cua nhung con bup be, soan bai cuoc chia tay cua nhung con bup be ngan nhat,
SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới