Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong Chiều tối và Từ ấy

Chủ đề người chiến sĩ cách mạng từng xuất hiện rất nhiều lần trong thơ ca Việt Nam, đó là hình ảnh người chí sĩ yêu nước trong thơ Phan Bội Châu, là người cách mạng kiên cường, vững vàng với lí tưởng cứu nước trong thơ của Phan Châu Trinh. Đến lượt mình, Hồ Chí Minh và Tố Hữu đều để lại những tác phẩm đặc sắc viết về hình tượng ngườ chiến sĩ cách mạng. Bài văn Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong Chiều tối và Từ ấy sẽ cùng các em tìm hiểu cụ thể và chi tiết nhất về vấn đề này.

Đề bài: Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong Chiều tối và Từ ấy

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
 1. Mở bài
 2. Thân bài
 3. Kết bài
II. Bài văn mẫu

phan tich ve dep cua hinh tuong nguoi chien si cach mang trong chieu toi va tu ay

Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong Chiều tối và Từ ấy
 

Mẹo Phương pháp phân tích bài thơ, đoạn thơ đạt điểm cao

I. Dàn ý Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong Chiều tối và Từ ấy


1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: hình tượng người chiến sĩ cách mạng.


2. Thân bài

a. Hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong Chiều tối:
- Hoàn cảnh: Chịu cảnh tù đày gông xiềng, trải qua nhiều lần chuyển lao vất vả giữa núi rừng hoang vắng.
- Tấm lòng chan hòa, yêu thiên nhiên tha thiết, tinh thần lạc quan, ung dung:

- Cánh chim:
+ Cảm nhận được sự vận động, trạng thái của một cánh chim đang tìm về rừng trú ngụ, sau một ngày dài lao động vất vả, mệt nhọc.
+ Tìm thấy một sự tương quan sâu sắc giữa mình và cánh chim, không nhìn cánh chim bằng đôi mắt của cổ nhân rằng cánh chim ấy lẻ loi cô độc, mất phương hướng, mà cho nó được tìm về với tổ ấm, về với gia đình.
=> Sự buồn tủi của một người con xa xứ, luôn mong nhớ có một ngày được trở về mảnh đất quê hương, nhưng hiện tại điều ấy còn nhiều gian nan, thế nên Người đành tạm gửi niềm hy vọng vào cánh chim.

- Chòm mây:
+ Hiện đại và duy vật hơn, Người đưa nó về thực tế để diễn tả tinh thần lạc quan, yêu đời yêu thiên nhiên của mình. Trong cảnh tù đày gông xiềng quấn thân, nhưng nhà thơ vẫn cảm nhận được sự ung dung, tự tại của chòm mây trên nền trời lúc sẩm tối, mở ra một khung cảnh trong trẻo khoáng đạt giữa núi rừng bao la.
+ Bộc lộ những nỗi buồn tủi, sự cô đơn lạc lõng trên đất khách quê người, nỗi niềm mong mỏi được đoàn tụ với quê hương Tổ quốc lại càng thêm sâu sắc.
=> Trở thành động lực để cho Người phấn đấu thoát khỏi cảnh gông xiềng khốn khổ, quay về phục vụ cho Tổ quốc, nhân dân.

* Tấm lòng gắn bó với đời sống lao động, đời sống nhân dân, luôn hướng về sự sống và ánh sáng:
- Với hình ảnh xay ngô tối, một công việc rất đỗi đời thường, nhưng vào trong thơ của Hồ Chí Minh ta nhận thấy được những vẻ đẹp mang tính nghệ thuật: Sự sung sức, đức tính chăm chỉ cần cù, miệt mài của tuổi trẻ trong lao động.
- Quan niệm thẩm mỹ mới mẻ, hiện đại:
+ Hình ảnh con người trong lao động đã hoàn toàn vụt sáng và nổi bật hẳn lên giữa núi rừng bao la.
+ Con người lao động trở thành trung tâm, là điểm nhấn đặc sắc, khác hẳn với hình ảnh con người trong thơ ca cổ điển luôn mờ nhạt, ảm đạm bị thiên nhiên áp đảo, che lấp.
=> Bộc lộ tấm lòng yêu thương, gắn bó với cuộc sống lao động của nhân dân.

- Từ "hồng" được xem là nhãn tự của bài thơ:
+ Đánh dấu sự chuyển mình của thiên nhiên từ chiều tối sang tối hẳn, vừa trở thành điểm sáng xua tan đi cái khung cảnh lạnh lẽo, ảm đạm của núi rừng trong cả bài thơ, mang đến sự ấm áp cho toàn bộ cảnh vật đồng thời cũng sưởi ấm tấm lòng của nhà thơ.
+ Bộc lộ những vận động rất tích cực trong tâm hồn người tù cách mạng, luôn hướng lòng mình về với sự sống con người trong lao động, hướng về hơi ấm tình người, tìm kiếm nó giữa núi rừng bao la bằng một tinh thần lạc quan và yêu đời, dung hòa với thiên nhiên.

b. Hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong Từ ấy:
- Hoàn cảnh: Giác ngộ lý tưởng cách mạng và được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi tuổi tròn 18.
- Tâm hồn vui sướng, hạnh phúc tột độ khi được đứng dưới hàng ngũ của Đảng:
- Dấu mốc son quan trọng nhất cuộc đời, đánh dấu một chặng đường tiếp theo cống hiến vì lý tưởng vĩ đại.
- "Nắng hạ" của "mặt trời chân lý" chính là hình ảnh ẩn dụ cho Đảng và cách mạng, đã kịp thời kéo người trai trẻ ra khỏi mảnh hoang mạc, sự tối tăm của tư tưởng trí thức tiểu tư sản cũ, giác ngộ và nhanh chóng đưa ra một con đường sáng, khiến nhà thơ vững bước vào tương lai, hết lòng cống hiến cho sự nghiệp vĩ đại của Tổ quốc.
=> Trong đó ánh sáng của cách mạng của Đảng được tác giả hết lòng trân trọng, tôn kính đưa lên tầm vóc vũ trụ, khẳng định sự trường tồn vĩnh viễn soi sáng cho những trái tim cách mạng.
- Tố Hữu - người chiến sĩ cách mạng mới đã có những cảm xúc sung sướng tột cùng, tâm hồn người trở nên rực rỡ đa sắc tựa "một vườn hoa lá" đang sung sức, tràn trề nhựa sống của mùa xuân của tuổi trẻ, lại "rất đậm hương và rộn tiếng chim" thể hiện niềm hân hoan, rộn ràng, có những xáo động mạnh mẽ trong huyết quản của nhà thơ.
=> Tràn trề hy vọng, sức sống tiềm tàng quật khởi, hướng về một tương lai rực sáng dưới sự soi đường của ánh sáng Đảng, của cách mạng.

* Ý thức hòa mình, gắn bó với cộng đồng, với nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc:
- Ý thức được một chân lý của thời đại rằng muốn chiến thắng được giặc thù lớn mạnh chỉ có một cách duy nhất ấy chính là tập hợp sức mạnh đoàn kết của dân tộc.
- Sẵn lòng, mở hồn mình ra sống bằng tấm lòng bao dung, trân trọng, tự xem mình là một thành viên của một gia đình lớn mang tính cộng đồng trở thành "con của vạn nhà", là "anh", là "em" của những kiếp đời khác nhau.
- Ông hòa mình vào đời sống của nhân dân để thấu hiểu sự khổ cực "không áo cơm, cù bất cù bơ...", đi sâu và cuộc sống nhân dân để gắn kết và yêu thương làm nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thắp sáng lý tưởng Đảng.

c. Điểm chung trong sáng tác của Hồ Chí Minh và Tố Hữu:
- Tấm lòng chan hòa với với thiên nhiên, mượn hình ảnh thiên nhiên để diễn tả tâm hồn mình.
-Tấm lòng hướng về nhân dân, gắn bó, chan hòa, thấu hiểu nhân dân để làm cách mạng.


3. Kết bài

Nêu cảm nhận.


II. Bài văn mẫu Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong Chiều tối và Từ ấy

Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kiệt xuất, tài ba bậc nhất của dân tộc, song hành với sự nghiệp chính trị, quân sự thì về mảng thơ ca sáng tác Người cũng để lại cả một gia tài các tác phẩm đồ sộ về nhiều thể loại, trong đó Nhật ký trong tù là một trong những sáng tác thơ tiêu biểu thể hiện được nhiều khía cạnh trong tâm hồn người chiến sĩ lúc cảnh ngặt nghèo, tiêu biểu nhất chính là bài thơ Chiều tối (Mộ). Một tác giả nữa cũng có sự nghiệp cách mạng gắn liền với sự nghiệp sáng tác ấy chính là Tố Hữu - nhà thơ trữ tình chính trị tài hoa bậc nhất, với các sáng tác thơ gắn liền với từng bước đi quan trọng của cách mạng, phục vụ cách mạng. Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà thơ chính là Từ ấy, đánh dấu khởi đầu của người chiến sĩ trẻ trong sự nghiệp cầm súng, cầm bút chiến đấu với lý tưởng. Được viết trong hoàn cảnh khác nhau, đặc biệt là với tuổi đời và sự từng trải của hai nhà thơ có nhiều cách biệt, thế nên dù viết về chủ đề người chiến sĩ cách mạng nhưng mỗi bài thơ vẻ đẹp của người chiến sĩ lại mang một phong thái riêng biệt, tiêu biểu cho từng tác giả.

Với Chiều tối, đây là một sáng tác được ra đời trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, khi Bác bị bắt tại biên giới Trung Quốc rồi bị chuyển qua hơn 30 nhà tù Tưởng Giới Thạch. Sự đày đọa của gông xiềng, mệt nhọc đường dài, nỗi cô đơn nơi đất khách quê người, thế nhưng không tài nào giết chết được tâm hồn lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên, trung thành với cách mạng và hướng về sự sống, hơi ấm tình người của nhân vật. Giữa cảnh núi non hiểm trở, vào một buổi chiều tối quạnh hiu Người vẫn nhìn ra được nhưng vẻ đẹp tinh tế của thiên nhiên, con người bằng một đôi mắt nhiều xúc cảm.

"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không"

Dịch thơ:

"Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không"

Với những chất liệu quen thuộc trong thi ca cổ điển như cánh chim chiều hay chòm mây bay lơ lửng trên nền trời, Người đã nhẹ nhàng gợi ra một khung cảnh chiều tối hiu quạnh và vắng vẻ, dễ khiến người ta buồn lòng, đặc biệt là đưng lúc rơi vào cảnh khốn khổ. Thế nhưng Hồ Chí Minh không phải là một nhà thơ cổ điển, Người chỉ mượn cái chất cổ điển ấy và hiện đại nó lên để làm cho thơ ca của mình có nhiều điểm nhấn. Bởi lẽ tâm hồn người tù chính trị lúc này đây không chỉ đơn thuần là thấy cánh chim mà còn cảm nhận được sự vận động, trạng thái của nó. Đó là một cánh chim đang tìm về rừng trú ngụ, tìm về mái nhà, tổ ấm thân thương của nó sau một ngày dài lao động vất vả, mệt nhọc và nhà thơ cũng tìm thấy một sự tương quan sâu sắc giữa mình và cánh chim ấy. Bác cũng đương trong cảnh mệt mỏi, rệu rã sau một ngày đường trường vất vả. Chính vì vậy với tâm hồn nhân hậu và thấu hiểu, Người đã không nhìn cánh chim bằng đôi mắt của cổ nhân rằng cánh chim ấy lẻ loi cô độc, mất phương hướng, mà trái lại Người đã khéo léo cho nó được tìm về với tổ ấm, về với gia đình. Cũng từ từ đây ta lại nhìn nhận rõ được nỗi lòng của tác giả, sự buồn tủi của một người con xa xứ, luôn mong nhớ có một ngày được trở về mảnh đất quê hương, nhưng hiện tại điều ấy còn nhiều gian nan, thế nên Người đành tạm gửi niềm hy vọng vào cánh chim, để tin rằng từ quá khứ đến hiện tại cánh chim cuối cùng cũng có được một chốn đi về, thì bản thân người chiến sĩ cách mạng cũng sẽ có được ngày ấy. Với hình ảnh chòm mây, xét về tính cổ điển thì cũng tương tự như cánh chim trời, cổ nhân thường dùng mây để diễn tả ước mơ được phiêu diêu tự tại, sống cuộc đời thoát ly trần thế, cùng với những xúc cảm bâng khuâng của con người trước thiên nhiên, vũ trụ vô tận. Tuy nhiên vào thơ Hồ Chí Minh, chòm mây trở nên hiện đại và duy vật hơn, Người đưa nó về thực tế để diễn tả tinh thần lạc quan, yêu đời yêu thiên nhiên của mình. Trong cảnh tù đày gông xiềng quấn thân, nhưng nhà thơ vẫn cảm nhận được sự ung dung, tự tại của chòm mây trên nền trời lúc sẩm tối, mở ra một khung cảnh trong trẻo khoáng đạt giữa núi rừng bao la. Có thể nói rằng hiếm có được con người nào mà trước cảnh ngộ khốn khổ, rệu rã như Bác nhưng vẫn có tâm trạng thi vị, tự tìm cho mình thú vui quan sát mây trời thiên nhiên, từ một cánh chim vụt qua đến cả một chòm mây lững lờ trên nền trời, rồi gán cho nó những xúc cảm tích cực như vậy. Tuy nhiên trong cách nhìn và tả mây trời, Người vẫn bộc lộ những nỗi buồn tủi, sự cô đơn lạc lõng trên đất khách quê người, nỗi niềm mong mỏi được đoàn tụ với quê hương Tổ quốc lại càng thêm sâu sắc. Tuy nhiên đó không phải là những cảm xúc bất lực, khổ đau mà trái lại nó là những tình cảm mà bất kỳ con người nào cũng có, với Bác nó trở thành động lực để cho Người phấn đấu thoát khỏi cảnh gông xiềng khốn khổ, quay về phục vụ cho Tổ quốc, nhân dân.

"Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng"

Dịch thơ:

"Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng"

Trong hai câu thơ tiếp, từ bức tranh thiên nhiên rộng lớn, tầm mắt Người đã tìm thấy một bức tranh lao động đầy sức sống của con người giữa rừng già, điều ấy làm cho tổng thể bài thơ trở nên sáng và ấm áp tình người hơn cả. Đồng thời qua đó vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ cách mạng lại càng được bộc lộ rõ hơn ở nhiều khía cạnh khác. Với hình ảnh xay ngô tối, một công việc rất đỗi đời thường, nhưng vào trong thơ của Hồ Chí Minh ta nhận thấy được những vẻ đẹp mang tính nghệ thuật, từ công việc lao động vất vả, nặng nhọc, người ta nhận ra sự sung sức, đức tính chăm chỉ cần cù, miệt mài của tuổi trẻ trong lao động. Đặc biệt là hình ảnh "cô em xóm núi" xay ngô là một hình ảnh hiện đại và hay, người phụ nữ dần dà đã trở nên mạnh mẽ, tham gia vào những công việc mà trước đây vốn dĩ dành cho nam giới, bộc lộ sự bình đẳng của con người trong xã hội, sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, khả năng độc lập trong công cuộc mưu sinh. Bên cạnh đó hình ảnh cô gái xay ngô còn thể hiện được quan niệm thẩm mỹ mới mẻ, hiện đại trong thơ ca Hồ Chí Minh, khi hình ảnh con người trong lao động đã hoàn toàn vụt sáng và nổi bật hẳn lên giữa núi rừng bao la, biến một khung cảnh vốn lạnh lẽo quạnh hiu, trở nên có sức sống và tràn ngập hơi ấm tình người. Con người lao động trở thành trung tâm, là điểm nhấn đặc sắc, khác hẳn với hình ảnh con người trong thơ ca cổ điển luôn mờ nhạt, ảm đạm bị thiên nhiên áp đảo, che lấp. Sự biến đổi và sáng tạo mới trong thơ của Hồ Chủ tịch đã bộc lộ tấm lòng yêu thương, gắn bó với cuộc sống lao động của nhân dân, bộc lộ sự tinh tế trong cảm nhận những vẻ đẹp của con người bình thường của Bác. Khung cảnh lao động bình thường, gian khó đã làm Người tạm quên đi những vất vả mệt nhọc để chung vui với sự tự do tự tại, dồn mối quan tâm vào những vẻ đẹp tiềm ẩn của con người trong công cuộc lao động mưu sinh đầy vất vả của nhân dân. Ở câu thơ cuối "Ma túc bao hoàn lô dĩ hồng", từ "hồng" được xem là nhãn tự của bài thơ, vừa đánh dấu sự chuyển mình của thiên nhiên từ chiều tối sang tối hẳn, vừa trở thành điểm sáng xua tan đi cái khung cảnh lạnh lẽo, ảm đạm của núi rừng trong cả bài thơ, mang đến sự ấm áp cho toàn bộ cảnh vật đồng thời cũng sưởi ấm tấm lòng của nhà thơ. Có thể nói rằng trong khi tác giả đương cảm thấy trống trải, cô đơn nơi đất khách quê người thì chính hình ảnh lò than rực hồng cùng với con người say mê lao động đã kịp thời sưởi ấm tâm hồn của tác giả bằng hơi ấm của tình người, cho tác giả cảm giác của sự sum họp, đoàn viên quý giá. Điều đó đã bộc lộ những vận động rất tích cực trong tâm hồn người tù cách mạng, niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai chưa từng bị những cái gông xiềng, cảnh tù đày làm mai một, mà tùy thời nó lại càng trở nên sáng rõ. Bác luôn hướng lòng mình về với sự sống con người trong lao động, hướng về hơi ấm tình người, tìm kiếm nó giữa núi rừng bao la bằng một tinh thần lạc quan và yêu đời, dung hòa với thiên nhiên, không bao giờ coi cảnh rừng rú thành chỗ ghê người sợ hãi mà trái lại nhân cảnh ấy Người lại tìm và khai thác được những nét đẹp tinh tế, mới mẻ.

Với Từ ấy của Tố Hữu, hình tượng người chiến sĩ cách mạng lại được xây dựng bằng sự khởi đầu của một lý tưởng của một tuổi trẻ sẵn sàng cống hiến. Bài thơ là một trong những sáng tác đầu tay nổi tiếng nhất của tác giả, bộc lộ những xúc cảm đặc biệt khi ông giác ngộ lý tưởng cách mạng và được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi tuổi tròn 18. Với lối thơ hồn nhiên, sinh động, cùng nhiều hình ảnh so sánh ẩn dụ sâu sắc Tố Hữu đã bộc lộ được hầu hết những vẻ đẹp tâm hồn mình, tấm lòng tha thiết sâu nặng với nhân dân với đất nước của một người trai trẻ.

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim..."

Đối với Tố Hữu việc được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng được phục vụ với tư cách là một người chiến sĩ cách mạng là dấu mốc son quan trọng nhất cuộc đời, đánh dấu một chặng đường tiếp theo cống hiến vì lý tưởng vĩ đại. "Nắng hạ" của "mặt trời chân lý" chính là hình ảnh ẩn dụ cho Đảng và cách mạng, đã kịp thời kéo người trai trẻ ra khỏi mảnh hoang mạc, sự tối tăm của tư tưởng trí thức tiểu tư sản cũ, giác ngộ và nhanh chóng đưa ra một con đường sáng, khiến nhà thơ vững bước vào tương lai, hết lòng cống hiến cho sự nghiệp vĩ đại của Tổ quốc. Trong đó ánh sáng của cách mạng của Đảng được tác giả hết lòng trân trọng, tôn kính đưa lên tầm vóc vũ trụ, khẳng định sự trường tồn vĩnh viễn soi sáng cho những trái tim cách mạng là động lực để giúp người chiến sĩ, tiến bước về phía trước. Và ngay lúc được giác ngộ ấy, Tố Hữu - người chiến sĩ cách mạng mới đã có những cảm xúc sung sướng tột cùng, tâm hồn người trở nên rực rỡ đa sắc tựa "một vườn hoa lá" đang sung sức, tràn trề nhựa sống của mùa xuân của tuổi trẻ, lại "rất đậm hương và rộn tiếng chim" thể hiện niềm hân hoan, rộn ràng, có những xáo động mạnh mẽ trong huyết quản của nhà thơ. Cả tâm hồn và cuộc sống của nhà thơ bỗng trở nên tràn trề hy vọng, sức sống tiềm tàng quật khởi, hướng về một tương lai rực sáng dưới sự soi đường của ánh sáng Đảng, của cách mạng.

"Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ..."

Và khi đã đứng dưới hàng ngũ của Đảng thì người chiến sĩ cách mạng lại càng ý thức được rõ vai trò của mình, Tố Hữu đã lập tức mở rộng hồn mình hòa vào gắn bó với nhân dân, với đời sống lao động vất vả, thấu hiểu những khốn khổ của dân tộc dưới sự tàn phá của thực dân. Nhà thơ đã ý thức được một chân lý của thời đại rằng muốn chiến thắng được giặc thù lớn mạnh chỉ có một cách duy nhất ấy chính là tập hợp sức mạnh đoàn kết của dân tộc "nhân dân bốn cõi một nhà" cùng chung tay góp sức mới có thể thành công. Thế nên Tố Hữu đã sẵn lòng, mở hồn mình ra sống bằng tấm lòng bao dung, trân trọng, tự xem mình là một thành viên của một gia đình lớn mang tính cộng đồng trở thành "con của vạn nhà", là "anh", là "em" của những kiếp đời khác nhau. Ông hòa mình vào đời sống của nhân dân để thấu hiểu sự khổ cực "không áo cơm, cù bất cù bơ...", đi sâu và cuộc sống nhân dân để gắn kết và yêu thương làm nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thắp sáng lý tưởng Đảng.

Điểm chung trong sáng tác của Hồ Chí Minh và Tố Hữu trong việc xây dựng hình tượng người chiến sĩ cách mạng chủ yếu nằm ở hai điểm chính. Một là tấm lòng chan hòa với với thiên nhiên, mượn hình ảnh thiên nhiên để diễn tả tâm hồn mình, Hồ Chí Minh mượn thiên nhiên bộc lộ tinh thần lạc quan, yêu đời, cùng với những xúc cảm cô đơn, lạc lõng giấu kín trong cảnh gông xiềng. Thì Tố Hữu lấy thiên nhiên để ẩn dụ cho những vui sướng, tưng bừng trong lòng khi được vinh dự đứng dưới hàng ngũ của Đảng, được cống hiến cho cách mạng. Điểm tương đồng thứ hai ấy chính là tấm lòng hướng về nhân dân, gắn bó, chan hòa, thấu hiểu nhân dân để làm cách mạng, tuy cách diễn đạt của hai tác giả hoàn toàn khác nhau, thế nhưng ta vẫn dễ dàng nhận ra điểm chung ấy khi nhìn nhận vào cảm xúc chung của bài thơ, tất cả đều hướng đến mục đích cuối cùng ấy là tấm lòng khao khát được cống hiến cho cách mạng, giải phóng cho những con người lao động cùng khổ, bị áp bức, chịu thiệt thòi vì chiến tranh.

Chiều tối và Từ ấy là hai trong số những bài thơ hay xây dựng hình tượng người chiến sĩ cách mạng từ những tình cảm chan hòa tha thiết với thiên nhiên và tấm lòng sâu nặng, gắn bó với nhân dân. Thể hiện lý tưởng cách mạng cao đẹp của người chiến sĩ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tù đày hay tự do thì vẫn luôn vững lòng tin vào tương lai, một lòng muốn cống hiến sức mình cho Tổ quốc, cho nhân dân không hề nao núng, mệt mỏi dẫu đó là một chặng đường nhiều gian nan, vất vả.

----------------------HẾT-------------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-ve-dep-cua-hinh-tuong-nguoi-chien-si-cach-mang-trong-chieu-toi-va-tu-ay-57869n.aspx
Thông qua bài Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong Chiều tối và Từ ấy trên hẳn là các em đã có những kiến thức nhất định về hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong hai bài thơ Chiều tối và Từ ấy. Đặc biệt để tìm hiểu sâu hơn về hai tác phẩm Từ ấy và Chiều tối các em có thể tìm đọc thêm các bài Phân tích bài thơ Từ ấy, Cảm nhận bài thơ Từ ấy, Phân tích Chiều tối, Cảm nhận về bài thơ Chiều tối.

Tác giả: Lộc Ngô     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Niềm vui sướng, hân hoan của người chiến sĩ khi được giác ngộ cách mạng trong Từ ấy
Vẻ đẹp hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tỏ lòng
Hình tượng người chiến sĩ lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Phân tích vẻ đẹp của bức tranh cuộc sống trong đoạn thơ: "Tôi muốn tắt nắng đi... một cặp môi gần"
Phân tích bức tranh thiên nhiên và con người trong bài thơ Chiều tối
Từ khoá liên quan:

Phan tich ve dep cua hinh tuong nguoi chien si cach mang trong Chieu toi va Tu ay

, hinh tuong nguoi linh trong tu ay va chieu toi, ve dep tam hon cua nguoi thanh nien trong bai tho tu ay,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới

  • Dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Tràng giang của nhà thơ Huy Cận

    Những bài văn mẫu phân tích Tràng giang trong chương trình Ngữ văn lớp 11 do Taimienphi biên soạn sẽ giúp các em cảm nhận được những suy tư sâu sắc mà tác giả gửi gắm.

  • Cảm nhận bài thơ Từ ấy của Tố Hữu hay nhất, ngắn gọn

    Bài thơ “Từ ấy” là một tác phẩm vô cùng nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, thể hiện được niềm hân hoan và xúc động khi bắt gặp lí tưởng cách mạng. Cảm nhận bài thơ Từ ấy bao gồm dàn bài chi tiết và bài văn dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về lí tưởng cách mạng cùng tiếng thơ trữ tình – chính trị của nhà thơ. Từ đó, các em sẽ dễ dàng viết được bài văn cảm nhận này.

  • Phân tích Chí Phèo của Nam Cao

    Chí Phèo là truyện ngắn xuất sắc và nổi bật nhất của nhà văn Nam Cao khi viết về chủ đề người nông dân trong xã hội thời xưa. Bài văn mẫu Phân tích Chí Phèo dưới đây sẽ giúp các em thấy được sự cùng cực, khốn khổ của người nông dân xưa dưới sự áp bức của giai cấp thống trị qua cuộc đời và số phận của nhân vật Chí Phèo.

  • Phương pháp chứng minh 3 điểm thẳng hàng, bài tập ví dụ

    Chứng minh 3 điểm thẳng hàng có thể khó khăn nếu không nắm rõ phương pháp. Hãy cùng Tải Miễn Phí tìm hiểu các cách thức chứng minh đơn giản, để giải