Phân tích truyện Bánh chưng bánh giày

Trong bài phân tích truyện Bánh chưng bánh giày dưới đây, chúng tôi sẽ cùng các em phân tích những chi tiết đặc sắc nhất của truyền thuyết, qua đó thấy được nguồn gốc và ý nghĩa của bánh chưng, bánh giày trong văn hóa truyền thống Việt Nam.

Đề bài: Phân tích truyện Bánh chưng bánh giày

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý
II. Bài văn mẫu

phan tich truyen banh chung banh giay\

Bài văn Phân tích truyền thuyết Bánh chưng bánh giày
 

I. Dàn ý Phân tích truyền thuyết Bánh chưng bánh giày (Chuẩn)

1. Mở bài

- Bánh chưng, bánh giày vốn là loại bánh xuất hiện từ rất lâu đời trong văn hóa ẩm thực của người Việt, đặc biệt trong dịp tết Nguyên Đán thì lại càng không thể thiếu.

- Truyền thuyết Bánh chưng bánh giày là câu chuyện giải thích cho sự ra đời của hai thứ bánh với nhiều ý nghĩa tốt đẹp.

2. Thân bài

* Bối cảnh:
- Đời vua Hùng thứ 6, đất nước đã yên bình, nhiệm vụ mới là làm sao duy trì được cảnh thịnh trị, nhân dân ấm no.
- Vua Hùng tuổi cao sức yếu, cần một người tài giỏi nối ngôi.
- Vua nghĩ ra cuộc thi tài làm cỗ cúng, với dụng ý mà không ai đoán được...(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích truyền thuyết Bánh chưng bánh giày tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích truyện Bánh chưng bánh giày (Chuẩn)

1. Phân tích truyện Bánh chưng bánh giày - mẫu số 1: 

Bánh chưng, bánh giày vốn là loại bánh xuất hiện từ rất lâu đời trong văn hóa ẩm thực của người Việt, đặc biệt trong dịp tết Nguyên Đán thì lại càng không thể thiếu, nó dường như đã trở thành linh hồn của mâm cơm tết, người ta thường nói không có bánh chưng thì tết còn chưa trọn vẹn. Và bánh chưng, bánh giày cũng có riêng cho mình một truyền thuyết, truyền thuyết về một chàng trai tên là Lang Liêu đã sáng tạo ra hai thứ bánh tuyệt vời từ hạt thóc, hạt gạo, dân gian vẫn thường hay truyền tai nhau một câu chuyện có tên Bánh chưng, bánh giày.

Câu chuyện xoay quanh một cuộc thi tài, mà chủ khảo chính là vua Hùng Vương thứ 6, còn các thí sinh là các hoàng tử, vua Hùng ra đề cho các con mỗi người phải chuẩn bị một mâm cỗ cúng để dâng lên tổ tiên, ai làm tốt nhất sẽ được ông truyền ngôi vua cho. Vốn tưởng việc chuẩn bị cỗ cúng là việc thường thấy trong các gia đình, sao có thể làm khó được các vị hoàng tử, thế nhưng vua Hùng lựa chọn đề thi ấy lại có những dụng ý hết sức sâu sắc.

Lúc này đây bối cảnh đất nước đã yên bình, không còn giặc ngoại xâm lăm le bờ cõi, thế nên nhiệm vụ mới của người đứng đầu đất nước là giữ sao cho đất nước được thái bình thịnh trị, nhân dân được no ấm. Tuy nhiên để hoàn thành nhiệm vụ mới ấy thì cần phải có những chính sách, những hành động cụ thể, tuy nhiên vua Hùng thứ 6 tuổi tác đã cao, việc suy nghĩ trị quốc đã dần trở nên quá sức, lúc này đây ông cần một người có thể gánh vác giang sơn thay cho mình, thế nhưng tất cả các hoàng tử của ông ai cũng là người tài giỏi, cũng có thể lên kế vị. Chính điều ấy đã thôi thúc vua Hùng Vương thứ 6 tổ chức một cuộc tranh tài, nhằm chọn ra vị hoàng tử ưu tú nhất, đặc biệt từ cuộc thi này mà nhà vua có thể nhận định được ai là người có đủ cả ba phẩm chất chí, tài, đức. Tuy nhiên vua cha không hề nói rõ rằng phải làm như thế nào mà chỉ truyền chỉ vẻn vẹn mấy chữ "năm nay nhân lễ Tiên vương, ai làm vừa ý ta, ta sẽ truyền ngôi cho có Tiên vương chứng giám". Làm vừa ý là làm như thế nào "ý vua cha như thế nào, không ai đoán được", bỗng nhiên câu chuyện là cỗ cúng lại biến thành một câu đố, một bài toán nan giải, khiến người trong cuộc hoang mang, bởi trên đời này việc đoán ý của người khác là việc khó nhất. Điều này buộc các hoàng tử phải phán đoán theo lý trí, cố hết sức làm theo những gì mà bản thân cho là hợp lý.

Khác với các hoàng tử khác, người người săn tìm của ngon vật lạ thì Lang Liêu lại có số phận hẩm hiu và kém may mắn, bởi chàng tuy là hoàng tử thứ 18, nhưng mẹ lại thất sủng, mất sớm, không được vua cha để ý. Lang Liêu có cuộc sống hết sức bình dị, tựa như một người nông dân chân chính, chàng quên đi thân phận hoàng tử, suốt ngày chàng chỉ chăm lo đồng áng, tài sản lớn nhất chàng có cũng chỉ toàn khoai, sắn, lấy đâu ra châu báu ngọc ngà mà so với huynh đệ. Từ đó chúng ta nhận ra rằng Lang Liêu mang trong mình những đức tính tốt đẹp, phẩm chất cao quý, đó là lối sống giản dị, gần gũi với nhân dân, gắn bó với đồng ruộng, cần cù, chăm chỉ và biết quý trọng những thành quả lao động mình làm ra. Thêm một phẩm chất đáng quý nữa ở chàng trai này đó là chàng rất biết tôn kính tổ tiên, dù không có tài sản quý giá, nhưng Lang Liêu vẫn mong muốn dành tất cả những gì trân quý nhất để dâng lên tổ tiên với một tấm lòng thành kính, chính vì vậy khi nghĩ đến bản thân chỉ có đống khoai sắn là nhiều, thì chàng lại càng buồn hơn. Lang Liêu còn là người biết kính trọng cha mẹ, bởi dù chàng có bị ghẻ lạnh, nhưng chưa bao giờ chàng oán trách, mà vẫn một lòng vâng lời vua cha, vẫn trăn trở đắn đo làm sao để có một mâm cơm cúng tốt nhất dâng lên. Chàng trăn trở không phải vì ngôi vua, mà đơn giản đây là lời của cha, hơn nữa lại còn là lễ cúng tổ tiên sao có thể xoàng xĩnh, tầm thường cho được, phận làm con cháu phải hết sức cung kính mới phải đạo.

Người tốt thì thường được ông trời phù hộ, Lang Liêu có một giấc mơ lạ, được thần chỉ cho làm bánh mà lễ Tiên vương, thế nhưng thần chỉ bảo làm bánh chứ không hề nói là làm thế nào cho ngon, cho đẹp và ý nghĩa. Thần chỉ cho nguyên liệu, và dường như đó lại là bài toán cho chính Lang Liêu, tuy nhiên bằng sự cần cù, sáng tạo, kiên nhẫn và chịu khó thì đề toán từ thóc gạo chẳng thể làm khó được chàng quá lâu, từ bàn tay chuyên cần chàng đã tạo ra thứ bánh chưng, bánh giày vừa thơm ngon lại nhiều ý nghĩa để dâng lên tổ tiên.

Bánh chưng, bánh giày không chỉ là món ăn ngon miệng đơn thuần mà bên trong nó còn biểu tượng nhiều ý nghĩa, bánh chưng thì vuông, bánh giày thì tròn đó là biểu trưng cho trời và đất song hành, là lòng tôn kính của con cháu với ông bà. Không chỉ trong hình dáng, trong công dụng mà nguyên liệu của bánh cũng có nhiều ý nghĩa, gạo nếp, đỗ xanh, lá dong, thịt mỡ tượng trưng cho những sản phẩm của nghề trồng trọt và chăn nuôi, là biểu tượng cho những sản vật của nghề nông, là sự đề cao nghề nông nghiệp truyền thống của nước ta. Các bọc, cách gói, lá xanh bọc ở bên ngoài, mỹ vị ở bên trong lại thể hiện những phẩm chất cao đẹp của người Việt ta, biết đùm bọc chở che, sống khiêm nhường giản dị. Như vậy chiếc bánh chưng, bánh giày không chỉ quý ở chỗ ngon mà con quý phần nhiều ở ý nghĩa và công sức sáng tạo của người làm, phải thông minh và trân trọng biết bao nhiêu mới có thể làm ra được một món ăn truyền thống tuyệt vời đến như thế. Điều đó đã , sự thông thái trong việc ra đề làm cỗ cúng đã chọn cho đất nước một vị minh quân vô cùng xứng đáng, và từ đó trở đi nhân dân ta lại có thêm một món ăn tuyệt vời để dâng cúng tổ tiên nhân dịp lễ tết.

Bánh chưng, bánh giày là một truyền thuyết hấp dẫn vừa giải thích được sự ra đời đặc biệt của hai thứ bánh truyền thống, đồng thời phản ánh những thành tựu trong nền nông nghiệp của đất nước ta vào những năm đầu dựng nước, ca ngợi tinh thần lao động miệt mài, sự sáng tạo trong công việc, đề cao những đức tính tốt đẹp của con người trong cuộc sống và tục lệ thờ cúng, tổ tiên trời đất với một lòng thành kính sâu sắc của nhân dân ta từ xưa tới nay.

 

2. Phân tích truyện Bánh chưng bánh giày - mẫu số 2: 

Nền ẩm thực Việt Nam xưa nay vẫn nổi tiếng là đa dạng, phong phú. Nhưng không chỉ vậy, những món ăn của người Việt còn mang theo nhiều giá trị, quan niệm tốt đẹp được truyền lại từ ngàn đời xưa. Một trong số đó không thể bỏ qua bánh chưng, bánh giày. Sự tích về hai loại bánh truyền thống này đã giải thích cho hậu thế về nguồn gốc cũng như ý nghĩa biểu tượng của chúng. 

Bối cảnh của truyện “Bánh chưng bánh giày” được xây dựng vào đời Hùng Vương thứ sáu. Khi này, đất nước đã yên bình, sạch bóng quân thù. Vua Hùng lúc đó cũng đã cao tuổi. Biết bản thân không thể trị vì được mãi, ông quyết định tìm một người tài giỏi để truyền ngôi. Từ đó, Vua Hùng nghĩ ra cuộc thi làm cỗ cúng nhằm thử thách những người con của mình. “Ai làm vừa ý ta, ta sẽ truyền ngôi cho”. Nhưng ý của vua thế nào lại chẳng ai biết. Điều này đã buộc các hoàng tử phải vắt óc suy nghĩ. Việc xây dựng bối cảnh và hoàn cảnh gắn liền với hiện thực như vậy đã giúp câu chuyện trở nên chân thực và gần gũi hơn. Đồng thời, thử thách mà nhà vua đưa ra cũng khơi gợi được trí tò mò của bao thế hệ độc giả.

Khác với những người anh em giàu có, quyền quý, Lang Liêu - nhân vật chính - lại giản dị vô cùng. Chàng là con thứ 18, mẹ lại mất sớm nên chẳng được sự ưu ái của vua cha. Cuộc sống của Lang Liêu quanh năm gắn với ruộng đồng. Tài sản của chàng chẳng có gì ngoài khoai sắn. Nhưng cũng chính việc gắn bó cùng người nông dân đã hình thành cho chàng sự cần cù, chăm chỉ, chịu khó, biết trân trọng thành quả lao động của mình và mọi người. Tuy bị vua cha ghẻ lạnh nhưng Lang Liêu chẳng hề có chút bất mãn, vẫn dành sự tôn trọng cho đấng sinh thành. Có lẽ thương chàng trai hiền lành, các vị thần đã báo mộng, gợi ý cho chàng cách làm nên những loại bánh ngon và giàu ý nghĩa. Từ đó, thành công nhận được ngôi báu. 

Hình ảnh bánh chưng, bánh giày hiện lên trong câu chuyện mang rất nhiều ý nghĩa biểu tượng. Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất. Bánh giày hình tròn tượng trưng cho trời. Trời đất song hành với nhau, thiên hạ thái bình. Từng nguyên liệu cũng được chọn lựa kĩ càng. Đó là gạo, đỗ, lá rong, thịt lợn,... - toàn những thứ sản vật gắn liền với nhà nông. Đây chính là sự đề cao dành cho nền nông nghiệp truyền thống - phương thức sản xuất chính của nước ta từ xưa đến nay. Sự đơn giản của bánh chưng, bánh giày cũng như phẩm chất giản dị, khiêm nhường quý báu tồn tại trong con người đất Việt. Vậy nên cái đáng quý của hai loại bánh này không chỉ nằm ở vị ngon mà còn ở ý nghĩa và công sức người làm. Từ đó, khẳng định sự xứng đáng của Lang Liêu với ngôi vua. 

Tóm lại, truyện “Bánh chưng bánh giày” đã làm rõ được nguồn gốc, sự ra đời của hai loại bánh truyền thống. Đồng thời, đem đến nhiều giá trị đạo đức tốt đẹp tồn tại trong con người Việt Nam. Qua đây, tác giả dân gian cũng muốn đề cao tinh thần yêu nước, chăm chỉ lao động của con người cũng như những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

 

-----------------HẾT------------------

Truyền thuyết Bánh chưng bánh giày kể về nguồn gốc của hai thứ bánh truyền thống của con người Việt Nam: Bánh chưng, bánh giày, đồng thời ca ngợi thành tựu trong sản xuất nông nghiệp của nhân dân ta. Cùng với bài Phân tích truyện Bánh chưng bánh giày, các bạn có thể tìm đọc thêm: Cảm nhận của em về sự tích Bánh chưng bánh giày, Phân tích nhân vật Lang Liêu trong truyền thuyết Bánh chưng, bánh giày, Ý nghĩa của truyền thuyết Bánh chưng bánh giày, Đóng vai nhân vật Lang Liêu kể lại truyện Bánh chưng bánh giày.

 

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-truyen-banh-chung-banh-giay-51393n.aspx

Tác giả: Nguyễn Long Thịnh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích nhân vật Lang Liêu trong truyền thuyết Bánh chưng, bánh giày
Dàn ý phân tích nhân vật Lang Liêu trong truyền thuyết Bánh chưng, bánh giày
Cảm nhận của em về sự tích Bánh chưng bánh giày
Khái quát giá trị Nội dung, nghệ thuật đặc sắc truyện Bánh chưng, bánh giầy
Dàn ý bài đóng vai nhân vật Lang Liêu kể lại truyện Bánh chưng bánh giày
Từ khoá liên quan:

Phan tich truyen Banh chung banh giay

, phan tich truyen thuyet banh chung banh giay, y nghia truyen banh chung banh giay,

SOFT LIÊN QUAN
  • Cách gói bánh chưng

    Tự gói bánh chưng tại nhà

    Sắp đến Tết, bạn muốn tự tay gói chiếc bánh trưng thật xinh cho gia đình của mình để tạo không khí Tết cũng như gửi gắm tình yêu thương vào đó thay vì mua, nhưng bạn lại chưa biết gói như thế nào cho đẹp, vậy hãy cùng cách gói bánh chưng ngon, xanh đẹp ở dưới đây.

Tin Mới