Bánh chưng là một trong những biểu tượng của ngày Tết, sự xuất hiện của những chiếc bánh chưng trên bàn thờ gia tiên đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong cảm nhận của mỗi người. Đã bao giờ các bạn thắc mắc tại sao ông cha ta lại chọn bánh chưng mà không phải loại bánh nào khác, nguồn gốc của bánh chưng như thế nào? Bài văn mẫu cảm nhận sự tích Bánh chưng bánh giày sẽ giúp các bạn giải đáp những thắc mắc này.
Đề bài: Cảm nhận của em về sự tích Bánh chưng bánh giày
Cảm nhận của em về sự tích Bánh chưng bánh giày
Bài làm:
Cứ mỗi độ tết đến xuân về là nhà nhà lại nao nức nhộn nhịp quây quần bên nồi bánh chưng, gói bánh chưng vào dịp tết đã trở thành một truyền thống gắn liền với con người Việt Nam. Dù nghèo khó, cao sang thì cứ đến dịp tết là mọi nhà đều phải có bánh chưng. Chẳng biết từ bao giờ bánh chưng đã trở thành biểu tượng của ngày tết cổ truyền Việt Nam nhưng ai ai cũng biết đến nguồn gốc ra đời của chiếc bánh này. Toàn bộ câu chuyện về chiếc bánh được lý giải gọn gàng trong sự tích "Bánh chưng bánh giày".
Câu chuyện xoay quanh một nhân vật chính đó là một chàng thanh niên tên Lang Liêu. Lang Liêu từ khi sinh ra đã cao quý hơn người thường, chàng là con trai thứ mười tám của vua, là người hiền đức, tài giỏi. Thế nhưng chuyện đời đâu có dễ dàng như con người ta thường tưởng tượng, vốn là con trai vua, là hoàng tử uy nghiêm của một nước nhưng cuộc sống của chàng lại hoàn toàn bình thường. Chàng sống một cuộc sống ảm đạm như bao người khác, chàng tham gia lao động, gắn bó với đồng rộng. Cuộc sống giản đơn vẫn cứ thế êm đềm trôi qua cho đến một ngày cha chàng, Hùng Vương đời thứ sáu đưa ra quyết định chọn người kế vị.
Đó là khi đất nước đã thái bình, đời sống nhân dân ấm no và vị vua cai trị đất nước đã già. Ông nghĩ đã đến lúc nghỉ ngơi và để lại đất nước cho người con có đức, đủ tài để phát triển đất nước phồn thịnh. Và người cha đức độ ấy đã truyền các con của mình đến thử tài, ai làm vừa ý vừa sẽ có được ngôi vị, người kế vị không nhất thiết phải là con trưởng và phải là người đủ đức, đủ tài, kế thừa được ý chí của nhà vua.
Anh em của Lang Liêu sau khi biết đề tài của nhà vua thì ai cũng ra sức sai người lên rừng xuống biển kiếm tìm của ngon vật lạ. Ai cũng muốn dâng lên thứ cao quý, đắt đỏ nhất để thể hiện thành ý của mình. Riêng Lang Liêu, vốn sống cuộc sống nghèo khổ, từ nhỏ quen với ruộng đồng nên không có của cải gì nhiều, trong nhà cũng chỉ có khoai sắn, lúa gạo, những thứ lương thực hằng ngày, và chàng nghĩ dâng lên vua những thứ như thế thì tầm thường quá.
Nhưng rồi ở hiền thì gặp lành, chàng vốn có cuộc sống khổ cực, mẹ chàng không được sự sủng ái của vua nên từ nhỏ đã phải chịu nhiều bất hạnh, thiệt thòi. Thân là hoàng tử nhưng không được sống trong cung vua, phải lao động đầy vất vả như người bình thường, không kẻ hầu người hạ. Thật vậy mọi khổ cực của chàng đã được thần linh thấu hiểu và rồi trong giấc mơ của mình, chàng đã được Thần linh hiện lên chỉ bảo cách để làm lễ vật dâng lên vua.
Thần vốn chỉ cho chàng biết về giá trị của gạo và khuyên chàng nên lấy gạo làm bánh nhưng rồi với đầu óc thông minh của mình chàng đã biết vo gạo, lấy đậu và thịt làm nhân, còn bên ngoài thì chàng lấy lá dong gói thành hình vuông, đem đi nấu chín. Chàng cũng biết cách đồ gạo nếp, giã nhuyễn và nặn thành hình tròn. Lang Liêu cũng khéo léo đặt tên cho sản phẩm của mình là bánh chưng và bánh giày. Thịt mỡ, đậu xanh, lá giong tượng trưng cho cầm thú, cây cỏ, lá dong bọc ngoài là sự đoàn kết, đùm bọc, chở che nhau. Và nhờ vào sự thông minh cùng với cách đặt tên ý nghĩa mà Lang Liêu đã thu hút được sự chú ý của vua.
Vào ngày dâng lễ vật ai cũng sơn hào hải vị, món ngon thập phương dâng hiến, thế nhưng của con vật lạ lại không bằng thứ bánh làm từ gạo, sản phẩm của một người con nghèo khổ nhưng lại có đức, có tài đúng ý của vua. Và thế là Lang Liêu đã dành chiến thắng, chàng xứng đáng trở thành người kế vị của cha, tương lai sẽ trở thành vị vua tài đức giúp đất nước phát triển, nhân dân no đủ.
Vậy là khi kết thúc tác phẩm "Bánh chưng bánh giày" chúng ta đã biết được về nguồn gốc của bánh chưng, bánh giày. Câu chuyện còn đề cao tinh thần nhân đạo, lấy dân làm gốc, coi trọng sản phẩm của người dân lao động. Không phải thứ gì sáng chói và rực rỡ nhất cũng là thứ cao quý nhất, vậy nên ngoài trau chuốt vẻ bề ngoài thì chúng ta cũng cần phải tu dưỡng đạo đức, không ngừng học hỏi để có kiến thức và hoàn thiện bản thân mình.
---------------------HẾT-------------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-cua-em-ve-su-tich-banh-chung-banh-giay-41454n.aspx
Bánh chưng bánh giày là một câu chuyện dân gian nổi bật trong ngữ văn lớp 6, ngoài bài làm văn Cảm nhận của em về sự tích Bánh chưng bánh giày, học sinh và giáo viên thường làm các bài văn như Hãy kể lại câu chuyện Bánh chưng, bánh giày theo trí tưởng tượng của em, Đóng vai nhân vật Lang Liêu kể lại truyện Bánh chưng bánh giày, Phát biểu cảm nghĩ về truyện Bánh chưng, bánh giầy, Kể tóm tắt truyện Bánh chưng, bánh giầy hay cả các phần Soạn bài Bánh chưng, bánh giầy