Phân tích khổ 8 bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu hay nhất ngắn gọn tuyển chọn

Trong kho tàng văn học Cách mạng Việt Nam, “Việt Bắc” được coi như một điểm sáng, một bản tình ca cũng như anh hùng ca về cuộc kháng chiến chống Pháp lịch sử. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về tác phẩm qua bài Phân tích khổ 8 bài thơ Việt Bắc trên Taimienphi.vn nhé!

Đề bài: Phân tích khổ thơ thứ 8 trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.

phan tich kho 8 bai tho viet bac

Cảm nhận về khổ 8 trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu


I. Dàn ý Phân tích khổ 8 bài thơ Việt Bắc ngắn gọn (Chuẩn)

1. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả Tố Hữu, tác phẩm Việt Bắc và khổ tám bài thơ "Việt Bắc".

2. Thân bài:

a. Trình bày khái quát về tác giả, tác phẩm và khổ tám bài thơ "Việt Bắc":

- Tố Hữu (1920 - 2002) là con chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam.
- "Việt Bắc" được sáng tác vào tháng 10 năm 1954 khi chính phủ rời Việt Bắc về tiếp quản thủ đô.
- Khổ tám bài thơ là không khí sôi nổi, khẩn trương của cuộc kháng chiến chống Pháp.

b. Hai câu thơ đầu của khổ tám bài thơ "Việt Bắc":

- Tác giả tái hiện lại không khí của cuộc chiến toàn dân, toàn diện "những đường Việt Bắc của ta".
- Khí thế dũng mãnh của cuộc kháng chiến trong thời gian "đêm đêm", không khí "rầm rập" được tác giả so sánh "như là đất rung".
- Không khí của cuộc kháng chiến được khơi gợi mang tầm vóc sử thi, gợi âm hưởng hùng tráng, thiết tha.

c. Sáu câu thơ tiếp theo của khổ tám bài thơ "Việt Bắc":

- Tác giả tái hiện không khí của cuộc kháng chiến:
+ Hình ảnh đoàn quân được khắc họa "điệp điệp trùng trùng" cho thấy số lượng đông đảo của một cuộc tổng duyệt "Bốn mươi thế kỉ cùng ra trận".
+ Hình ảnh của những con người tham gia chiến tranh được kết hợp với các chiến sĩ tạo nên không khí mang tầm vóc sử thi.
+ Nhà thơ đã thể hiện được niềm tin, sự lạc quan cách mạng về ngày mai, cảm hứng ấy được khởi nguồn từ niềm hăng say lãng mạn cách mạng.

d. Bốn câu thơ cuối của khổ tám bài thơ "Việt Bắc":

- Niềm vui của cuộc kháng chiến có sự đan chéo, chất chồng và dồn dập bởi nó là niềm tự hào của con người trong cuộc kháng chiến.
- Niềm vui gắn liền với chiến thắng trăm miền, các địa danh dày đặc: Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên, Đồng Tháp, An Khê, Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.
- Sự ngợi ca, niềm tự hào của nhà thơ trước những chiến công được thể hiện qua điệp từ "vui".

e. Đánh giá:

- Nghệ thuật: Giọng thơ lãng mạn, mang cảm hứng sử thi, sử dụng biện pháp tu từ liệt kê cho thấy niềm vui, niềm tự hào của tác giả.
- Nội dung: Đoạn thơ thực sự là một niềm vui lớn trong kháng chiến, khí thế của cuộc kháng chiến được miêu tả đầy đủ qua lực lượng tham gia chiến đấu, những con đường nối liền giữa các miền đã mang đến một bức tranh hiện thực vô cùng hoành tráng.

3. Kết bài:

- Khái quát lại nội dung của khổ tám bài thơ "Việt Bắc":


II. Bài văn mẫu Phân tích khổ 8 bài thơ Việt Bắc hay nhất (Chuẩn)

 

1. Bài văn Phân tích khổ 8 bài Việt Bắc học sinh giỏi ngắn gọn số 1

1.1. Dàn ý phân tích khổ 8 bài Việt Bắc siêu hay:

1.1.1. Mở bài: 
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về khổ thơ thứ 8 trong bài.
1.1.2. Thân bài:
1.1.2.1. Phân tích: 

a, Khí thế hào hùng, dũng mãnh của nhân dân ta trong kháng chiến:
- Hai câu thơ đầu: Cảnh tượng những đêm hành quân trong chiến dịch:
+ "Những đường Việt Bắc của ta": không gian rộng mở.
+ "Đêm đêm": thời gian tuần hoàn, lặp lại, không ngừng nghỉ.
+ "Rầm rập như là đất nung": khí thế hào hùng làm rung chuyển trời đất của lực lượng quân ta.
- Hình ảnh những đoàn quân:
+ "Điệp điệp trùng trùng" -> Số lượng đông đảo. 
+ "Ánh sao đầu súng -> Hình ảnh ẩn dụ cho ánh sáng dẫn đến tương lai.
- Hình ảnh đoàn dân công:
+ Đảo ngữ: "đỏ đuốc từng đoàn" -> Ý chí quyết tâm.
+ Cách nói cường điệu hóa -> Sự đông đảo, hùng hậu cùng tinh thần đoàn kết phục vụ chiến trường.
- Hình ảnh đoàn xe quân sự:
+ "Đèn pha bật sáng" -> Xua tan bóng đêm u tối nơi chiến trường. 
+ Vượt qua những vất vả, thiếu thốn để hướng đến tương lai tươi sáng. 
b, Niềm vui chiến thắng:
- Điệp từ "vui": nhấn mạnh niềm hân hoan, phấn khởi.
- Các địa danh được liệt kê, nối tiếp nhau: niềm vui được lan rộng đến trăm miền.
=> Sự ngợi ca đối với những chiến công vang dội của nhân dân ta.
1.1.2.2. Đánh giá: 
- Nhịp thơ dồn dập, hào hùng, vui tươi. 
- Các hình ảnh giàu sức liên tưởng, như làm bừng sáng cả không gian. 
- Giọng điệu say mê, háo hức.
3. Kết bài: 
- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của khổ thơ.
- Liên hệ mở rộng. 

1.2. Bài văn mẫu phân tích khổ 8 bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu hay nhất:

Tố Hữu trước giờ đều được biết đến với danh xưng "lá cờ đầu của thơ ca Cách mạng Việt Nam". Các tác phẩm của ông tràn ngập tinh thần yêu nước, lòng trung thành và thái độ ngợi ca đối với Cách mạng. Điều này được thể hiện rất rõ qua bài thơ "Việt Bắc". Khổ thơ thứ tám trong bài chính là một bức tranh tuyệt đẹp về hiện thực cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ với không khí chiến đấu khẩn trương, sôi nổi. Đồng thời, cũng góp phần nêu bật niềm tự hào mà tác giả dành cho đồng bào, nhân dân cả nước. 

Trước tiên, người đọc được chiêm ngưỡng khí thế hào hùng, dũng mãnh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến: 

"Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung"

Không gian kháng chiến lúc này như được rộng mở cả về không gian và thời gian. Thời gian ban đêm là lúc con người ta được nghỉ ngơi, thư giãn sau một ngày dài mệt mỏi. Vậy mà trên "những đường Việt Bắc", ban đêm lại "rầm rập như là đất rung". Đây chính là không khí chiến đấu đang diễn ra vô cùng khẩn trương, cho thấy sự quyết tâm của toàn quân. Từ láy "đêm đêm" mang đến cảm giác lặp lại, đều đặn. Vậy là cứ ngày ngày, quân và dân ta dũng cảm tiến về phía trước. Tầm vóc sử thi của con người cũng nhờ vậy mà được khơi gợi lên một cách vô cùng rõ nét. 

Không khí của cuộc chiến sôi sục, khẩn trương đã được Tố Hữu miêu tả hết sức chân thực. Từ đó, đem đến khúc tráng ca ca ngợi quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp gian khổ. Trước tiên chính là hình ảnh đoàn quân:

"Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan"

Những từ láy lại tiếp tục được Tố Hữu sử dụng: "điệp điệp", "trùng trùng" nhằm khắc họa số lượng đông đảo của đội quân. Từng đoàn từng đoàn cứ thế hùng dũng bước đi, hiên ngang sánh vai với trời đất. Và khi này, ta được thấy hình ảnh "ánh sao đầu súng". Nếu như trong "Đồng chí", Chính Hữu đem đến cho người đọc chi tiết "đầu súng trăng treo", trong "Tây Tiến" có "súng ngửi trời" thì ở "Việt Bắc", Tố Hữu lại chọn ánh sao. Những vì sao lấp lánh trên bầu trời, cùng nhau soi sáng những con đường phía trước, soi tỏ cả những người "bạn cùng mũ nan". Họ cứ vậy kề vai sát cánh, bước đi vì tương lai hòa bình, độc lập của Tổ quốc. 

Và trong đêm tối, không chỉ có những đoàn quân "điệp điệp trùng trùng" mà còn có cả những đoàn dân công đang ngày đêm cống hiến, phục vụ Cách mạng: 

"Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay

  Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên"

Cách sắp xếp câu độc đáo: "Dân công đỏ đuốc từng đoàn" đã mang đến cho bài thơ hình ảnh vô cùng thi vị, hào hùng. Họ cũng đi, cũng đốt lên những đốm lửa đỏ rực và tiến về phía trước. Tầm vóc sử thi của con người lại một lần nữa được khẳng định với "bước chân nát đá". Hình ảnh của họ kết hợp với khung cảnh "muôn tàn lửa bay" tạo nên một bức tranh mang đậm tính sử thi. Trong "nghìn đêm thăm thẳm sương dày" kia, muôn vàn nguồn sáng đã xuất hiện, soi tỏ vạn vật. Nào là ánh sáng từ những ngọn đuốc, đến cả đèn pha từ những đoàn xe "bật sáng như ngày mai lên". Qua đây, độc giả cũng thấy được sự phấn khởi, khẩn trương của cuộc kháng chiến cùng tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng, độc lập, hòa bình. 

Không phụ công sức của quân và dân ta, cuộc Cách mạng cuối cùng cũng thành công. Từ đây, niềm vui được lan tỏa khắp mọi ngõ ngách trên cả nước: 

"Tin vui chiến thắng trăm miền

Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

 Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng"

Một loạt các địa danh đã được Tố Hữu khéo léo liệt kê: Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên, Đồng Tháp, An Khê, đèo De, núi Hồng. Không chỉ vậy, điệp từ "vui" còn giúp nhấn mạnh, nhân rộng niềm hạnh phúc, phấn khởi tới "trăm miền". Nếu như trước đó, độc giả thấy được không khí khẩn trương, căng thẳng của cuộc chiến thì giờ đây, niềm hạnh phúc như được vỡ òa. Qua đây, Tố Hữu cũng thể hiện niềm tự hào về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. 

Cùng với giọng thơ lãng mạn pha chất sử thi và hàng loạt hình ảnh giàu sức liên tưởng, Tố Hữu đã thành công tái hiện không khí của cuộc kháng chiến chống Pháp. Tác giả đem đến cho ta một đoạn thơ với giọng điệu say mê, nhịp thơ hào hùng, dồn dập. Từ đó, nêu lên niềm tự hào, vui sướng trước những chiến công hiển hách của quân và dân ta. 

Đoạn thơ tuy ngắn gọn nhưng đã mang lại cho độc giả muôn vàn cảm xúc. Có thể đánh giá đây là một trong những phân khúc nổi bật nhất trong cả bài "Việt Bắc", thể hiện được tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Qua đây, Tố Hữu cũng đã khẳng định tài năng, vị trí của mình trong dòng chảy văn học suốt bao đời qua. 

 

2. Bài thơ Bài văn mẫu Phân tích khổ 8 bài thơ Việt Bắc siêu hay số 2

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim"

(Tố Hữu)

Ánh sáng cách mạng chính là ngọn đuốc chỉ đường giúp cho nhân dân ta tìm thấy độc lập, tự do. Là một nhà thơ trưởng thành từ những cuộc kháng chiến, Tố Hữu đã đem đến cho bạn đọc rất nhiều tác phẩm trữ tình lãng mạn cách mạng với một lòng yêu nước sâu sắc. Trong khổ thơ thứ tám của bài thơ "Việt Bắc", nhà thơ đã dựng lại bức tranh hiện thực của cuộc kháng chiến chống Pháp với niềm tự hào to lớn.

Tố Hữu (1920 - 2002) là con chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam, ông đã có những đóng góp và cống hiến lớn cho cách mạng và cho nền văn học nước nhà. Tố Hữu chính là người viết biên niên sử bằng thơ và là nhà thơ trữ tình lãng mạn cách mạng lớn nhất thế kỷ XX. Bài thơ Việt Bắc được sáng tác vào tháng 10 năm 1954 khi chính phủ rời Việt Bắc về tiếp quản thủ đô. Bài thơ được in trong tập thơ cùng tên và được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp. Khổ tám bài thơ chính là không khí sôi nổi, khẩn trương của cuộc kháng chiến chống Pháp được đã được tác giả tái hiện lại vô cùng sinh động bằng chính ngòi bút điêu luyện của mình.

Mở đầu khổ thơ, tác giả khơi gợi lại không khí của cuộc chiến toàn dân, toàn diện với những con đường Việt Bắc của ta:

"Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung"

Đêm thường là thời gian để con người nghỉ ngơi nhưng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta đã sục sôi một lòng chiến đấu vì Tổ quốc. Khí thế dũng mãnh của cuộc kháng chiến trong thời gian "đêm đêm" với tiếng hành quân "rầm rập" được tác giả so sánh "như là đất rung" cho thấy không chí chiến đấu đang diễn ra vô cùng khẩn trương. Tiếng "rầm rập" ấy còn cho thấy sự hùng mạnh của quân dân ta luôn dũng cảm tiến về phía trước. Không khí của cuộc kháng chiến được khơi gợi mang tầm vóc sử thi với những âm hưởng hùng tráng đã khiến cho bài thơ được đánh giá vừa là một bản tình ca lại vừa là một khúc tráng ca.

Tác giả tái hiện lại không khí của cuộc kháng chiến ở sáu câu tiếp theo của khổ thơ thứ tám:

"Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên."

Đêm chính là khoảng thời gian quân dân ta làm chủ cả đất trời, tuy màn đêm đen tối nhưng đó chính là sự khởi đầu cho một cuộc chiến đấu đầy cam go và khốc liệt. Hình ảnh đoàn quân được khắc họa "điệp điệp trùng trùng" cho thấy số lượng đông đảo của một cuộc tổng duyệt "Bốn mươi thế kỉ cùng ra trận". Con người chính là chủ nhân trên mặt đất, ngước lên trời cao ta lại thấy hình ảnh của "ánh trăng" chiếu sáng mọi nẻo đường. Trong bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu ta cũng đã bắt gặp hình ảnh "Đầu súng trăng treo" vừa mang ý nghĩa tả thực lại vừa mang ý nghĩa tượng trưng. Trăng không chỉ là bạn của mọi nhà mà trăng còn tượng trưng cho sự hòa bình, cho một tương lai tươi sáng phía trước. Trong cuộc kháng chiến ấy không chỉ có chiến sĩ mà còn có cả bộ đội, dân công, những con người hậu phương được kết hợp lại với nhau tạo nên "Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay". Những bước chân gân guốc, khỏe khoắn đã tạo nên sức mạnh "giẫm nát" quân thù. Mặc dù tác giả miêu tả cảnh đêm tối nhưng cảnh đêm tối trong "Việt Bắc" không phải là một đêm tối mịt mù mà nó luôn được soi sáng bởi ngọn đuốc, bởi ánh trăng, bởi đèn pha. Màn đêm dường như tan biến bởi sự kết hợp giữa ánh sáng của ngọn đuốc, ánh trăng, đèn pha bởi sự kết hợp ấy đã tạo nên thứ ánh sáng sáng như "ngày mai lên". Từ không khí sôi động của cuộc kháng chiến, nhà thơ đã thể hiện được niềm tin, sự lạc quan cách mạng về ngày mai, cảm hứng ấy được khởi nguồn từ niềm hăng say lãng mạn cách mạng.

Sự quyết tâm của quân dân ta đã tạo nên một chiến thắng vang dội đất trời khi hòa bình được lập lại, miền Bắc được giải phóng. Nhà thơ đã lột tả niềm vui tột cùng ấy qua bốn câu thơ cuối của khổ tám bài thơ "Việt Bắc":

"Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng."

Tin thắng trận vang cả núi rừng, niềm vui của cuộc kháng chiến có sự đan chéo, chất chồng và dồn dập bởi nó là niềm tự hào của con người trong cuộc kháng chiến. Nếu như tám câu thơ đầu của khổ thơ tác giả đã khơi gợi được không khí căng thẳng, khẩn trương của chiến trận thì bốn câu thơ sau, nhà thơ đã mở ra một chân trời hòa bình với niềm vui sôi nổi trăm miền. Niềm vui gắn liền với các địa danh dày đặc như Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên, Đồng Tháp, An Khê, Việt Bắc, đèo De, núi Hồng. Điệp từ "vui" gắn liền với niềm vui chiến thắng, niềm tự hào trước những chiến công cũng chính là niềm tự hào tác giả trước cuộc kháng chiến thần thánh.

Giọng thơ lãng mạn, mang cảm hứng sử thi, biện pháp tu từ liệt kê là những dụng ý nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng trong khổ thơ. Đoạn thơ thực sự là một niềm vui lớn trong kháng chiến, khí thế của cuộc kháng chiến được miêu tả đầy đủ qua lực lượng tham gia chiến đấu, những con đường nối liền giữa các miền đã mang đến một bức tranh hiện thực vô cùng hoành tráng.

Khổ thơ tám của bài thơ "Việt Bắc" khiến cho người đọc như được sống lại trong những năm tháng kháng chiến với khí thế hào hùng, mãnh liệt. Đoạn thơ mang tầm vóc sử thi hoành tráng đã tạo nên một bức tranh lịch sử vô cùng đẹp với sự quyết tâm ra trận, giành chiến thắng của nhân ta.

----------------HẾT-----------------

Với khổ thứ tám, em hãy chia mạch cảm xúc của đoạn thơ ra làm hai phần: không khí sôi nổi của cuộc chiến và niềm vui chiến thắng để phân tích nhé. 

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-kho-8-bai-tho-viet-bac-69619n.aspx
Hy vọng bài Phân tích khổ 8 bài thơ Việt Bắc trên đây sẽ giúp các em nắm chắc được kiến thức về bài thơ Việt Bắc. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm những bài viết sau để hiểu rõ hơn về phong cách sáng tác của nhà thơ Tố Hữu: Phân tích khổ 3 bài thơ Việt Bắc; Phân tích khổ 5 bài thơ Việt Bắc, Phân tích khổ 4 bài Việt Bắc của Tố Hữu, Phân tích tình cảm của người ra đi trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Tác giả: Trần Hoạt     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích 20 câu đầu bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu hay nhất có chọn lọc
Phân tích 8 câu đầu của bài Việt Bắc, Tố Hữu hay nhất chọn lọc
Phân tích 8 câu thơ đầu trong bài Việt Bắc để chứng minh nhận định...
Bài văn mẫu phân tích khung cảnh ra trận trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu siêu hay
Phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ Từ ấy của Tố Hữu hay nhất tuyển chọn
Từ khoá liên quan:

phan tich kho 8 bai tho viet bac

, buc tranh ra quan trong bai viet bac, cam nhan cua anh chi ve doan tho nhung duong viet bac cua ta,

SOFT LIÊN QUAN
  • Phân tích bài thơ Việt Bắc

    Dàn ý và hai bài văn mẫu phân tích nội dung, nghệ thuật bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

    Việt Bắc là bài thơ nổi tiếng bậc nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của Tố Hữu. Thi phẩm mang đậm phong cách sáng tác đặc trưng của ông và cũng chứa nhiều biểu tượng của dân tộc. Em hãy cùng Taimienphi.vn Phân tích bài ...

Tin Mới