Phân tích khổ 4 bài Việt Bắc của Tố Hữu hay nhất ngắn gọn

Thơ văn thời chiến luôn được coi như khúc anh hùng ca trên dòng chảy của văn học Việt Nam. Một trong số các tác phẩm nổi bật phải kể đến “Việt Bắc”. Hãy cùng khám phá thêm về bài thơ này qua phần Phân tích khổ 4 bài Việt Bắc của Tố Hữu trên Taimienphi.vn nhé!

Đề bài: Phân tích khổ 4 trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.

phan tich kho 4 bai viet bac

Phân tích đoạn 4 bài Việt Bắc của Tố Hữu hay nhất ngắn gọn


I. Dàn ý Phân tích khổ 4 bài Việt Bắc ngắn gọn (Chuẩn)

1. Mở bài

- Giới thiệu về bài thơ Việt Bắc
- Khái quát nội dung khổ thơ thứ 4

2. Thân bài

- Mượn lối đối đáp trong ca dao cùng lối xưng hô "mình-ta" làm cho lời thơ trở nên tha thiết, ngọt ngào.
- "Ta với mình, mình với ta" câu thơ thể hiện sự đồng điệu, thống nhất trong tình cảm của người đi- người ở lại.
- Tình cảm thủy chung, trước sau như một "sau trước mặn mà đinh ninh"

- Cách so sánh độc đáo "Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu":
+ "Nguồn" là nơi bắt đầu của dòng nước, lúc nào cũng dồi dào, không bao giờ vơi cạn
+ Tình cảm của người cách mạng luôn sục sôi, đong đầy, không vì hoàn cảnh thay đổi mà trở nên đổi thay.

- "như nhớ người yêu" cụ thể hóa nỗi nhớ: tha thiết, trào dâng, luôn thường trực.
- Hình ảnh "Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương" mở ra bức tranh đẹp của núi rừng và nỗi nhớ thường trực ngày đêm trong trái tim người cách mạng.

- Nỗi nhớ mở rộng theo không gian và thời gian:
+ Nhớ về tất cả những gì thân thuộc nhất: rừng nứa, bờ tre, ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê
+ Nhớ về những ngày tháng đồng cam cộng khổ chia sẻ những "đắng cay ngọt bùi"

3. Kết bài

Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn trích.


II. Bài văn mẫu Phân tích khổ 4 bài Việt Bắc hay nhất (Chuẩn)

 

1. Bài văn Phân tích đoạn 4 Việt Bắc hay nhất số 1

1.1. Dàn ý khổ 4 bài Việt Bắc hay nhất - Văn 12:
1.1.1. Mở bài: 

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm. 
- Khái quát về khổ thơ thứ 4 trong bài. 
1.1.2. Thân bài: 
a, Lời khẳng định thủy chung của người ra đi:

- Cặp đại từ xưng hô "mình" - "ta": 
+ Sự quấn quýt, hòa quyện giữa người đi và người ở. 
+ Sự gắn bó, thủy chung.
- Tình nghĩa thủy chung, sâu nặng của người chiến sĩ với bà con nhân dân Việt Bắc:
+ "Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh": Lời khẳng định chắc chắn sẽ mãi gắn bó.
+ "Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu": Khẳng định sự chung thủy, tình cảm trong sạch, thuần khiết, mãi mãi không khô cạn như nước trong nguồn.
+ Cặp từ đối xứng "bao nhiêu" - "bấy nhiêu": Lấy cái vô tận để so sánh với cái vô tận.
b, Nỗi nhớ về thiên nhiên Việt Bắc thanh bình, yên ả:
- Nỗi nhớ Việt Bắc được so sánh với "nhớ người yêu" -> Cháy bỏng, mãnh liệt, da diết khôn nguôi. 
- Không gian đầy ắp những kỉ niệm: 
+ "Đầu núi", "lưng nương", "rừng nứa", "bờ tre", "ngòi Thia", "sông Đáy", "suối Lê" -> Nỗi nhớ bao trùm không gian. 
+ Điệp từ "nhớ": Nhấn mạnh cảm xúc.
=> Không gian nghĩa tình hiện lên qua nỗi nhớ của người ra đi. 
c, Nỗi nhớ sâu nặng, ân tình với con người Việt Bắc:
- Nỗi nhớ con người vượt lên trên không gian. 
- Cặp từ "đây" - "đó" thể hiện sự khăng khít, gắn bó. 
- "Đắng cay ngọt bùi": Những gian khổ, thiếu thốn mà người cán bộ cùng nhân dân từng phải trải qua. 
=> Tình quân dân thắm thiết, gắn bó, sâu đậm, giản dị, mộc mạc. 
1.1.3. Kết bài: 
- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của khổ thơ.
- Liên hệ mở rộng. 

1.2. Bài văn mẫu Phân tích khổ 4 bài thơ Việt Bắc (ngắn gọn, đầy đủ nhất):

Tố Hữu được coi như "lá cờ đầu" của thơ ca Cách mạng Việt Nam. Hồn thơ mang đầy tính dân tộc ấy đã sáng tác ra "Việt Bắc" - tác phẩm được coi là đỉnh cao của văn học thời kì kháng chiến. Trong đó, khổ thứ tư trong bài thơ là lời khẳng định về lòng thủy chung của người ra đi cùng nỗi nhớ Việt Bắc.

Trong những ngày tháng kháng chiến chống Pháp gian khổ, Trung ương Đảng và Chính phủ phải lui về ở khu vực Việt Bắc. Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được kí, miền Bắc được độc lập, chính quyền lại quay trở về Hà Nội. Nhân dịp này, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ "Việt Bắc" để bày tỏ nỗi lòng của người ra đi, người ở lại và ca ngợi kháng chiến.

Bốn câu thơ đầu của khổ bốn là lời khẳng định tình nghĩa, sự thủy chung của người ra đi:

"Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu"

Không sử dụng những từ ngữ thường thấy khi đồng bào và những cán bộ chiến sĩ gọi nhau như "đồng chí", "bộ đội", "bà con",... Tác giả chỉ dùng cặp đại từ xưng hô "mình" và "ta". Rõ ràng, khi so sánh hai từ này với những từ khác thường dùng, ta thấy rõ sự thân thiết, hòa quyện giữa người đi và người ở. "Mình" đôi khi cũng là "ta", "ta" cũng có thể là "mình". "Mình" và "ta" tuy hai mà một, gắn bó với nhau không tách rời. Tình cảm này càng được khẳng định trong câu thơ "Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh". "Sau trước" là một từ tiếng Hán mang nghĩa "thủy chung". Đây là lời nói thể hiện tấm chân tình của người ra đi. Dù có đi xa nhưng họ sẽ mãi nhớ về nơi đã từng gắn bó sâu nặng. Ngoài ra, "sau trước" còn là từ ngữ chỉ thời gian dài từ quá khứ đến tương lai. Ý câu thơ muốn nói rằng cho dù trước đây, bây giờ hay hiện tại thì vẫn luôn yêu thương, mong nhớ Việt Bắc như quê hương của mình. Câu thơ "Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu" càng khẳng định sự thủy chung, tình cảm trong sáng, thuần khiết như nước trong nguồn mãi mãi không khô cạn. Cặp từ đối xứng "bao nhiêu" - "bấy nhiêu" cũng cho ta thấy cái vô cùng, vô tận của nỗi nhớ, sự thủy chung không tài nào đong đếm được. 

"Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy" 

Cả ba cặp thơ lục bát đều bắt đầu bằng từ "nhớ" cho ta thấy cảm hứng chung của đoạn thơ này chính là nỗi nhớ về thiên nhiên Việt Bắc thanh bình, yên ả. Sắc thái tình cảm ấy cháy bỏng, da diết, mãnh liệt như "nhớ người yêu". Tác giả đã liệt kê hàng loạt những địa điểm, khung cảnh để khơi gợi lại không gian của nơi núi rừng rộng lớn. Khi thì Việt Bắc thơ mộng với ánh trăng tròn bàng bạc thấp thoáng nơi đầu núi, khi thì ấm áp, rực rỡ dưới ánh nắng chiều chiếu trên nương rẫy. Cũng có những lúc, bản làng bốc lên chút khói bếp nấu cơm chiều hòa cùng làn sương mờ ảo, huyền hoặc. Người dân Việt Bắc giờ đây đã trở thành "người thương" trong lòng tác giả. Những cảnh vật quen thuộc như "rừng nứa", "bờ tre", "Ngòi Thia", "sông Đáy", "suối Lê" đã in đậm trong tâm trí người ra đi, trở thành nỗi nhớ không thể nào nguôi. 

Như để trả lời câu hỏi ở đoạn trên "Mình đi có nhớ những ngày", người ra đi cũng đã đáp lại "Ta đi ta nhớ những ngày/Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi". Cả người ra đi và người ở lại đều đã từng yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau, chia sẻ "đắng cay ngọt bùi" trong suốt mười lăm năm" chống Pháp đầy gian khổ. Chính điều đó làm nên tình quân dân gắn bó keo sơn, thân thiết, thủy chúng. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho người ra đi cứ ngập ngừng, bồn chồn chẳng muốn rời xa Việt Bắc. 

Thành công mà "Việt Bắc" có được không chỉ nhờ nội dung sâu sắc ý nghĩa mà còn nhờ nghệ thuật đặc sắc. Tố Hữu đã sử dụng thể thơ lục bát của dân tộc cùng với những lời thơ đậm chất ca dao, dân ca. Ngoài ra, những hình ảnh trong bài thơ cũng rất đỗi giản dị, gần gũi, dễ hiểu. Những yếu tố trên đều giúp cho tác phẩm trở nên gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu với độc giả mọi thế hệ.

Trong khổ bốn bài thơ, Tố Hữu đã khẳng định tình cảm thủy chung, son sắt, sâu nặng của người cán bộ chiến sĩ khi trở về xuôi. Họ sẽ vẫn luôn ghi nhớ khung cảnh yên bình thơ mộng và tình cảm trong suốt mười lăm năm gắn bó cùng với bà con nhân dân nơi núi rừng Việt Bắc. Tình quân dân thắm thiết, gần gũi như người nhà chính là điểm nổi bật ở đoạn thơ này. Đây cũng là một bài học cho những người lính khác, phải luôn biết yêu thương nhân dân, "lấy dân làm gốc" thì mới có thể làm được việc lớn. 

 

2. Bài văn Phân tích khổ 4 bài Việt Bắc ngắn nhất hay số 2

Việt Bắc là bản anh hùng ca mạnh mẽ, hào hùng cũng là khúc tình ca ngọt ngào, tha thiết về tình nghĩa quân dân trong kháng chiến. Đặc biệt, trong khổ thơ thứ 4, nhà thơ Tố Hữu đã thể hiện đầy xúc động tình cảm gắn bó, nghĩa tình thủy chung, son sắc giữa giữa người ra đi và người ở lại ; những người chiến sĩ cách mạng với con người, vùng đất chiến khu.

Mượn lối đối đáp trong ca dao cùng lối xưng hô "mình-ta", nhà thơ Tố Hữu không chỉ mở ra trước mắt người đọc không khí lưu luyến, bịn rịn của buổi chia ly mà còn mang đến âm hưởng ngọt ngào, tha thiết tựa như một lời tâm tình:

"Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu..."

"Ta với mình, mình với ta" tuy hai nhưng là một, câu thơ thể hiện sự đồng điệu, thống nhất trong tình cảm của người đi- người ở lại. Câu thơ cũng là lời hồi đáp chắc chắn nhất về tình cảm của người ta đi "sau trước mặn mà đinh ninh". Những tình cảm gắn bó đã có với con người và vùng đất chiến khu sẽ mãi vẹn nguyên, sống động trong trái tim, tâm hồn của những người chiến sĩ cách mạng, trước đây như thế nào thì sau này cũng sẽ như vậy. Cách so sánh "Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu" đã bộc lộ trọn vẹn tấm lòng, tình cảm của người ra đi. "Nguồn" là nơi bắt đầu của dòng nước, bởi vậy mà lúc nào cũng dồi dào, mạnh mẽ, không bao giờ vơi cạn, nó cũng giống như tình cảm của người cách mạng, luôn sục sôi, đong đầy, không vì hoàn cảnh thay đổi mà trở nên đổi thay. Cách so sánh tự nhiên, mộc mạc nhưng lại thành công khơi dậy những tình cảm ấm áp, chân thành của người ở lại.

Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy

Trong những câu thơ tiếp theo, nhà thơ Tố Hữu tiếp tục giãi bày nỗi nhớ, tình thương thông qua những câu thơ ngọt ngào, giàu hình ảnh. Nỗi nhớ vốn vô hình, khó diễn tả bằng lời lại được nhà thơ cụ thể hóa qua một cảm xúc cụ thể "như nhớ người yêu". Cách so sánh độc đáo, dễ gợi những liên tưởng đã thể hiện được tình cảm tha thiết, trào dâng trong lòng mỗi người chiến sĩ khi chia tay con người, vùng đất chiến khu để trở về xuôi. Hình ảnh "Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương" không chỉ mở ra bức tranh đẹp của núi rừng Việt Bắc mà còn khéo léo diễn tả nỗi nhớ luôn sục sôi, thường trực ngày đêm, bao trùm cả không gian và thời gian.

Rời xa Việt Bắc, nhưng những hình ảnh thân quen của cuộc sống, con người vẫn đong đầy nơi trái tim của những người chiến sĩ trẻ. Đó là những làn khói bảng lảng, là không gian mờ sương của núi rừng, là hơi ấm bếp lửa, là hình ảnh người thương "sớm khuya bếp lửa người thương đi về". Nỗi nhớ còn được cụ thể qua những hình ảnh, địa danh quen thuộc: rừng nứa, bờ tre, ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê...Tính từ "vơi đầy" trong câu thơ "Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy" được sử dụng rất khéo, nó không chỉ gợi ra cái cáu đong đầy của nước nơi sông suối mà còn là cái đong đầy của tình cảm trong tâm hồn của người ra đi.

"Ta đi, ta nhớ những ngày
Mình đây, ta đó đắng cay ngọt bùi..."

Trở về miền xuôi, những người chiến sĩ không nhớ về hình ảnh quen thuộc của núi rừng, người thương Việt Bắc mà còn mang theo cả những kỉ niệm gắn bó trong những ngày tháng gian khổ nhất. "Đắng cay ngọt bùi" là những gian khổ, vất vả mà những người chiến sĩ đã cùng con người Việt Bắc trải qua. Tình cảm được khẳng định trong hoàn cảnh gian khó càng trở nên ý nghĩa hơn cả vì trong hoạn nạn mới thấy chân tình.

Sử dụng thể thơ lục bát đậm chất dân tộc kết hợp với lối đối đáp quen thuộc trong ca dao, nhà thơ Tố Hữu đã mang đến bức tranh đầy màu sắc về những ân tình thủy chung của người ra đi và người ở lại. Đó là những nghĩa tình được tạo dựng bởi sự chân thành, gắn bó trong những ngày tháng gian khổ nhất của cả dân tộc, bởi vậy dẫu có chia xa về địa lí, khoảng cách thì tình cảm của người ra đi vẫn luôn cháy bỏng, trước sau như một.

---------------HẾT------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-kho-4-bai-viet-bac-66211n.aspx
Không chỉ riêng khổ thơ thứ 4, mỗi phần trong tác phẩm đều mang những nét đẹp riêng. Cùng nhau, chúng đã tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về thiên nhiên và con người Việt Bắc ở thời chiến. Trên đây chúng tôi đã hướng dẫn các em xây dựng dàn ý và hoàn thiện bài văn Phân tích khổ 4 bài thơ Việt Bắc. Bên cạnh đó, để củng cố thêm những hiểu biết về tác phẩm, các em không nên bỏ qua những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Bình giảng 8 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, Phân tích tình cảm của người ra đi trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, Cảm nghĩ về bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, Cảnh thiên nhiên và con người trong bài thơ Việt Bắc.

Tác giả: Ngọc Thảo     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích khổ 4 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt hay nhất ngắn gọn chọn lọc
Phân tích 20 câu đầu bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu hay nhất có chọn lọc
Phân tích khổ 3 4 bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương ngắn gọn, hay nhất
Phân tích đoạn thơ sau: "Những đường Việt Bắc của ta...Vui lên Việt Bắc đèo De, núi Hồng" trong bài Việt Bắc
Phân tích 8 câu đầu của bài Việt Bắc, Tố Hữu hay nhất chọn lọc
Từ khoá liên quan:

phan tich kho 4 bai viet bac

, phan tich doan tho 4 trong bai tho viet bac, phan tich kho 4 5 bai tho viet bac,

SOFT LIÊN QUAN
  • Phân tích bài thơ Việt Bắc

    Dàn ý và hai bài văn mẫu phân tích nội dung, nghệ thuật bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

    Việt Bắc là bài thơ nổi tiếng bậc nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của Tố Hữu. Thi phẩm mang đậm phong cách sáng tác đặc trưng của ông và cũng chứa nhiều biểu tượng của dân tộc. Em hãy cùng Taimienphi.vn Phân tích bài ...

Tin Mới