Nghị luận xã hội về tự ti và tự phụ

Sau khi đón đọc bài nghị luận xã hội về tự ti và tự phụ, các em học sinh sẽ hiểu và dễ dàng hơn trong việc phân biệt hai khái niệm này, từ đó có những cách ứng xử cho linh hoạt phù hợp với từng hoàn cảnh để luôn giữ được những phẩm chất tốt đẹp vốn có của bản thân.

Đề bài: Nghị luận xã hội về tự ti và tự phụ

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
  1. Mở bài
  2. Thân bài
  3. Kết bài
II. Bài văn mẫu

nghi luan xa hoi ve tu ti va tu phu

Nghị luận xã hội về tự ti và tự phụ
 

I. Dàn ý Nghị luận xã hội về tự ti và tự phụ (Chuẩn)

1. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề: Tự ti và tự phụ là hai tính cách tiêu cực đối với con người.

2. Thân bài

a. Tự ti:
- Khái niệm: Tự ti là thái độ tự đánh giá thấp bản thân, cho mình là hèn kém hơn người khác, khiêm tốn thái quá.
- Biểu hiện:
+ Thấy bản thân mình kém cỏi, yếu kém, không bằng người khác.
+ Thể hiện ở nỗi sợ, sự trốn tránh sự chú ý của người khác khi họ không muốn giao tiếp, không muốn đi ra ngoài, họ sợ người khác đánh giá về ngoại hình, đôi khi còn hoang tưởng rằng người khác đang nói xấu mình.
+ Luôn đánh tiếng trước về sự không thành công, về những khuyết điểm có thể xảy ra, hoặc xin lỗi trước khi làm việc gì đó để khơi gợi sự cảm thông, nới lỏng sự kỳ vọng của mọi người đến mức thấp nhất.
+ Khao khát được mọi người xung quanh yêu quý, ca ngợi, an ủi, mong ước bản thân mình tốt lên, thế nhưng họ luôn sợ hãi trước những ánh mắt của xã hội, không dám đương đầu đối mặt mà thường chọn cách trốn tránh dưới cái vỏ bọc hiền lành, khiêm tốn đến hèn mọn.

- Tác hại:
+ Mang tính tiêu cực, con người lâm vào tình trạng "tự xóa" bản ngã cá nhân trong xã hội, ngày càng trở nên suy đồi và trượt dốc, chấp nhận để sự tự ti làm vỏ bọc bảo vệ.
+ Bị mắc kẹt, khiến trạng thái tâm thần dần trở nên bó buộc, u uất, chán nản, thất vọng và cuối cùng là chứng trầm cảm nặng nề, nếu như không có các biện pháp khắc phục.
+ Trở thành trò cười cho những kẻ xấu bụng, không biết cảm thông cười nhạo, coi thường.
+ Khiến người khác đánh giá sai năng lực cá nhân của bạn và kết quả là họ thực sự cho rằng bạn bất tài, và bạn sẽ mất đi những cơ hội thăng tiến, mất đi những nguồn động lực to lớn để tiếp tục cố gắng cải thiện bản thân.
+ Sự tự ti không đem đến điều gì cho con người ngoài việc giết chết tâm hồn, sự hy vọng, mong ước, tài năng và tinh thần cầu tiến của một con người.

- Biện pháp khắc phục:

+ Tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý, hoặc đơn giản là tìm một người
+ Cố gắng tập trung vào những gì khiến ta tự hào, làm những gì mà bản thân cảm thấy có thể làm một cách hoàn chỉnh và tốt nhất để làm lu mờ đi sự tự ti đang ngự trị trong tâm hồn.
+ Mở rộng phạm vi giao tiếp, mở rộng mối quan hệ, để thấy được cả mặt tích cực và tiêu cực của những người khác, để tự nhận ra rằng bản thân không phải quá tệ như chúng ta vẫn nghĩ.

b. Tự phụ:
- Khái niệm: Sự tự tin quá mức vào bản thân và các tố chất họ nắm giữ, coi mình là trung tâm, phủ nhận sự nỗ lực của người khác.
- Biểu hiện:
+ Yêu bản thân mình hơn tất cả, những người khác trở nên nhỏ bé, tầm thường.
+ Người tự phụ, thường có thái độ ngạo mạn, tự hào thái quá về bản thân, phủ nhận những nỗ lực của người khác, hướng sự chú ý của mọi người đến với bản thân, bằng cách dùng những mỹ từ hoa lệ để tự đề cao bản thân.
+ Luôn mong muốn, thậm chí ép buộc người khác phải phục vụ, chiều theo thái độ "hơn người" của mình.

- Tác hại:
+ Gây mất thiện cảm đối với những người xung quanh, khiến chúng ta khó có những mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, sếp, bạn bè,...
+ Khó làm việc tập thể, hợp tác với bạn bè hay đồng nghiệp, thậm chí là sếp trong các công việc cần bàn bạc, họp hành.
+ Khiến chúng ta trở nên chậm tiến, khó phát triển, bởi việc tự tin thái quá vào bản thân mà không biết những khuyết điểm, khiến con người tự động bỏ qua việc khắc phục, cải thiện bản thân mà thay vào đó là việc chìm đắm trong mớ ảo tưởng hỗn độn của mình, tầm nhìn trở nên hạn hẹp, không theo dõi được sự biến đổi của môi trường xung quanh, cuối cùng trở thành người "tối cổ" trong xã hội hiện đại vì cái "tôi" to bự của mình.

- Biện pháp khắc phục:
+ Bản thân mỗi con người cần phải tự ý thức được những hành động và suy nghĩ của bản thân đang nằm ở mức độ nào bằng cách để ý thái độ của những người xung quanh.
+ Đánh giá đúng đắn về năng lực của cá nhân để đưa ra được lối ứng xử phù hợp.
+ Nhờ cậy đến sự giúp đỡ của người thân bạn bè để họ có thể khai mở giúp chúng ta nhìn ra những khuyết điểm của bản thân, từ đó khắc phục tính tự phụ và cải thiện để bản thân trở nên tốt đẹp hơn.

3. Kết bài

Nêu nhận xét cá nhân.
 

II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội về tự ti và tự phụ (Chuẩn)

Sống ở trên đời phàm là bất cứ vật gì cũng có hai bản tính là tốt và xấu, con người khi sinh ra nếu như Lão Tử cho rằng: "Nhân chi sơ tính bản ác", thì trái lại Mạnh Tử lại cho rằng: "Nhân chi sơ tính bản thiện". Nếu suy xét thật kỹ thì ta cũng tự thấy được rằng các tiền bối ai cũng có cái lý riêng của mình, đều đúng, nhưng xét kỹ tính cách của con người là được hình thành nên phần lớn là do môi trường và hoàn cảnh giáo dục. Phàm là bậc cha mẹ hay nhà trường thì ai cũng luôn hướng thế hệ con, em mình đến với những đức tính tốt đẹp, đáng quý, như lòng tự trọng, sự nhân hậu, lòng yêu nước, tính trung thực, thẳng thắn, lòng biết ơn, lòng yêu nước, yêu đồng bào,... Nhưng xét cho cùng con người là những chỉnh thể hoàn toàn độc lập, thế nên trong xã hội ta vẫn thấy có một bộ phận những con người có tính cách khá tiêu cực, không chỉ làm ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân mà đôi khi còn làm ảnh hưởng đến cả một tập thể. Ta có thể chỉ ra một trong nhiều những tính cách tiêu cực ấy là: sự tự ti và lòng tự phụ.

Trước tiên nói về tính tự ti của con người. Đây không phải là loại tính cách hiếm, ta vẫn thường thấy ở những người xung quanh, bao gồm cả người thân, bạn bè thậm chí là cả bản thân mỗi chúng ta đôi khi cũng có ít nhiều tính tự ti ngự trị trong tâm hồn. Có thể khái niệm đơn giản rằng tự ti là cách con người quá coi thường đánh giá thấp bản thân mình trước các cá thể khác, họ tự tay chôn đi những bông hoa đẹp của mình và cố tìm kiếm những khuyết điểm của bản thân, tự cho rằng bản thân mình yếu kém không xứng đáng được cùng mâm, cùng bàn với những người khác. Họ khiêm tốn một cách thái quá, đôi khi đó cũng là biểu hiện cho sự tự thu mình, bảo bọc bản thân trước những sự ganh ghét đố kỵ của người khác của những kẻ nhút nhát, sợ hãi ánh mắt của người khác, chứ không hẳn là đến từ sự bất tài của họ. Ngoài ra, đôi khi ở một số quốc gia như Anh, Ireland, Úc và New zealand thì đó lại là một "bản sắc", con người luôn cố thu mình và tạo ra một cái vỏ bọc khiêm nhường, tự ti để không ngừng cố gắng.

Một số biểu hiện rất rõ về tính tự ti ta có thể thấy như việc một người luôn tự cho rằng mình xấu xí, cảm thấy mắt mình quá nhỏ, môi quá dày, người quá mập, da quá đen... họ luôn cảm thấy xấu hổ, chán nản và buồn bã về những điều do họ tưởng tượng ra. Hoặc cũng có những người tự thấy bản thân mình tệ hại, chỉ toàn những khiếm khuyết, luôn cảm thấy xung quanh mình ai ai cũng tài giỏi, thấy bản thân mình trở nên thua kém, là con người ở tận đáy xã hội, không xứng đáng được tôn trọng, yêu quý, được người khác ngưỡng mộ,... Sự tự ti còn thể hiện ở nỗi sợ, sự trốn tránh sự chú ý của người khác khi họ không muốn giao tiếp, không muốn đi ra ngoài, họ sợ người khác đánh giá về ngoại hình, đôi khi còn hoang tưởng rằng người khác đang nói xấu mình, đặc biệt khi nhìn thấy một ai đó có bề ngoài sáng sủa, xinh đẹp thì họ lại càng trở nên tự ti hơn, khép mình hơn. Ngoài ra, sự tự ti còn có một đặc điểm khác ấy là sự quản lý kỳ vọng của người khác từ những người tự ti, họ luôn đánh tiếng trước về sự không thành công, về những khuyết điểm có thể xảy ra, hoặc xin lỗi trước khi làm việc gì đó để khơi gợi sự cảm thông, nới lỏng sự kỳ vọng của mọi người đến mức thấp nhất. Mục đích chính là để bảo vệ bản thân khỏi sự chỉ trích, bảo vệ lòng tự tôn, đồng thời họ cũng sợ hãi sự thất vọng của người khác. Chung quy lại, những người tự ti luôn có điểm chung là khao khát được mọi người xung quanh yêu quý, ca ngợi, an ủi, mong ước bản thân mình tốt lên, thế nhưng họ luôn sợ hãi trước những ánh mắt của xã hội, không dám đương đầu đối mặt mà thường chọn cách trốn tránh dưới cái vỏ bọc hiền lành, khiêm tốn đến hèn mọn, vừa đáng thương vừa đáng trách. Thậm chí dù mong muốn, khao khát đến tột cùng sự tự tin của những người xung quanh, nhưng họ lại cứ dậm chân tại chỗ chỉ bởi cảm thấy không thể cải thiện được gì dù có cố gắng, dễ chán nản, dần dà đến mức "an phận" làm kiếp tự ti, chấp nhận để cho bản thân trở nên nhỏ bé, thậm chí là vô hình trong mắt người khác và không còn biết đến sự tự tin là gì nữa.

Một số người đã biến tính tự ti của mình thành một chiếc mặt nạ vô hình, thể hiện ra đó là một loại khiếu hài hước để vừa làm dịu đi, sự bất an của bản thân, đồng thời cũng để những người xung quanh không nhận ra tính tự ti, hèn mọn mà dần chấp nhận "khiếu hài hước" của người này. Thế nhưng việc sống trong tính tự ti không phải là một biểu hiện tốt, nếu như đặt tự tin ở giữa, khiêm tốn được coi là "cực dương", mang bản chất tích cực, khi con người không quá đề cao bản thân, nhưng luôn âm thầm chứng minh năng lực cá nhân bằng hành động âm thầm. Thì trái lại tự ti chính là "cực âm", mang tính tiêu cực, con người lâm vào tình trạng "tự xóa" bản ngã cá nhân trong xã hội, ngày càng trở nên suy đồi và trượt dốc, chấp nhận để sự tự ti làm vỏ bọc bảo vệ. Nhưng điều đó sẽ dãn con người đến một vòng luẩn quẩn tự phê bình không lối thoát và bị mắc kẹt, khiến trạng thái tâm thần dần trở nên bó buộc, u uất, chán nản, thất vọng và cuối cùng là chứng trầm cảm nặng nề, nếu như không có các biện pháp khắc phục. Không chỉ vậy, người tự ti luôn cho rằng cái mặt nạ khiêm tốn quá đà mình đeo lên sẽ bảo vệ được họ khỏi sự châm chọc, soi xét của người khác, nhưng thực tế thì ngược lại, việc họ "tự nhục" quá đà sẽ trở thành trò cười cho những kẻ xấu bụng, không biết cảm thông cười nhạo, coi thường. Hơn thế nữa việc bạn tự ti trong mọi tình huống sẽ trở thành việc "tự đào hố chôn mình" khi đồng nghiệp, sếp, thầy cô giáo và cả cha mẹ đều trở nên mất phương hướng trong việc xác định năng lực cá nhân của bạn và kết quả là họ thực sự cho rằng bạn bất tài, và bạn sẽ mất đi những cơ hội thăng tiến, mất đi những nguồn động lực to lớn để tiếp tục cố gắng cải thiện bản thân. Như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội thoát ra khỏi cái vỏ bọc tự ti, không có cơ hội phô diễn tài năng, chứng minh năng lực, dần dà tất cả những thứ chúng ta vốn có sẽ trở nên mai một, và cuối cùng là thành thứ vô dụng bởi chính cái tính sợ hãi, khiêm tốn quá đà của mình. Sự tự ti không đem đến điều gì cho con người ngoài việc giết chết tâm hồn, sự hy vọng, mong ước, tài năng và tinh thần cầu tiến của một con người.

Tôi cũng biết rằng tính tự ti của một con người không thể dễ dàng gỡ bỏ, thế nhưng mỗi chúng ta nếu ai cảm thấy bản thân có tính cách này thì nên tìm cách để thoát khỏi nó. Chúng ta nên tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý, hoặc đơn giản là tìm một người thấu hiểu bạn nhất để tâm sự và khai mở những vấn đề mà bạn đang mắc phải. Ở một mức độ nào đó, họ sẽ giúp bạn thoát khỏi nỗi sợ hãi bị chỉ trích, bị tấn công tinh thần bằng cách an ủi, tán dương những mặt tích cực mà bạn đang có, họ cũng sẽ tìm cách khiến bạn trở nên lạc quan, tin tưởng vào năng lực của bản thân hơn. Bên cạnh đó, ta cũng có thể thoát khỏi cái hố tự ti bằng cách cố gắng tập trung vào những gì khiến ta tự hào, làm những gì mà bản thân cảm thấy có thể làm một cách hoàn chỉnh và tốt nhất để làm lu mờ đi sự tự ti đang ngự trị trong tâm hồn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần mở rộng phạm vi giao tiếp, mở rộng mối quan hệ, để thấy được cả mặt tích cực và tiêu cực của những người khác, để tự nhận ra rằng bản thân không phải quá tệ như chúng ta vẫn nghĩ.

Đó là về tự ti, trái ngược với đức tính này thì tự phụ lại là một đức tính khiến chúng ta dễ bị ghét bỏ hơn tự ti gấp nhiều lần. Tự phụ là sự tự tin quá mức về bản thân, về năng lực cá nhân, vẻ bề ngoài, các điều kiện tố chất mà bản thân đang nắm giữ, thậm chí đến mức hoang tưởng rằng chúng ta thực sự hoàn hảo đến mức không ai có thể vượt qua. Trong mắt những người có tính tự phụ, ưu điểm của người khác thường không được họ coi trọng, bởi họ yêu bản thân mình hơn tất cả, những người khác trở nên nhỏ bé, tầm thường. Người tự phụ, thường có thái độ khinh khỉnh, phủ nhận những nỗ lực của người khác, hướng sự chú ý của mọi người đến với bản thân, bằng cách dùng những mỹ từ hoa lệ để tự đề cao bản thân. Hoặc luôn mong muốn, thậm chí ép buộc người khác phải phục vụ, chiều theo thái độ "hơn người" của mình. Biểu hiện rõ nhất của tự phụ đó là căn bệnh "ngôi sao" của những người trong giới nghệ sĩ, dẫu rằng tên tuổi chẳng được đến đâu, fan hâm mộ thì được lèo tèo vài ba người, nhưng họ không biết giữ mình, tiếp tục cố gắng mà đã có thái độ kiêu kỳ, muốn người khác phải săn đón, chăm sóc như ông hoàng bà chúa nào đó, đối xử tệ bạc với nhân viên, với người hâm mộ,...Tự phụ cũng xảy ra nhiều ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, tỉ như một cậu học sinh là học sinh giỏi nhất của một trường chuyên, thường xuyên nhận được sự ngưỡng mộ của bạn bè, sự khen ngợi, kỳ vọng của thầy cô cha, mẹ. Khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học với điểm số tương đối, cậu ta vẫn giữ thái độ cho rằng mình là người giỏi nhất, xứng đáng được nhận những lời khen ngợi, trầm trồ, sự chú ý của mọi người. Cậu ta tiếp tục thói kiêu ngạo, không chủ động làm quen bạn mới, coi thường năng lực của những người xung quanh, không tích cực trao đổi kiến thức với bạn học vì nghĩ bản thân đã đủ giỏi, việc trao đổi là vô ích,... Và kết quả kỳ thi cuối kỳ, cậu ta bị shock khi nhận ra vị trí "thứ nhất" mà cậu luôn nghĩ sẽ là của mình lại là của một người bạn không biết tên, còn bản thân thì đứng gần chót lớp.

Như vậy có thể thấy rằng tự phụ, hay cái "tôi" quá lớn chỉ là thứ lợi bất cập hại, nó không những không giúp con người ta tiến bộ mà thậm chí là kéo người ta vào vũng bùn lầy của sự ảo tưởng, khoa trương. Việc quá kiêu căng, tự phụ trước hết là gây mất thiện cảm đối với những người xung quanh, khiến chúng ta khó có những mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, sếp, bạn bè,... Điều này cũng dẫn đến việc khó làm việc tập thể, hợp tác với bạn bè hay đồng nghiệp, thậm chí là sếp trong các công việc cần bàn bạc, họp hành. Không chỉ vậy sự tự phụ còn khiến chúng ta trở nên chậm tiến, khó phát triển, bởi việc tự tin thái quá vào bản thân mà không biết những khuyết điểm, khiến con người tự động bỏ qua việc khắc phục, cải thiện bản thân mà thay vào đó là việc chìm đắm trong mớ ảo tưởng hỗn độn của mình, tầm nhìn trở nên hạn hẹp, không theo dõi được sự biến đổi của môi trường xung quanh, cuối cùng trở thành người "tối cổ" trong xã hội hiện đại vì cái "tôi" to bự của mình.

Cuối cùng, cũng giống như tự ti, tự phụ là một kiểu tính cách mà không phải cá nhân nào cũng nhận biết được, bởi đôi lúc chúng ăn sâu vào tâm hồn, và những người xung quanh lựa chọn cách bỏ qua hoặc chấp nhận chúng một cách bao dung hoặc lảng tránh. Bản thân mỗi con người cần phải tự ý thức được những hành động và suy nghĩ của bản thân đang nằm ở mức độ nào bằng cách để ý thái độ của những người xung quanh. Đánh giá đúng đắn về năng lực của cá nhân để đưa ra được lối ứng xử phù hợp. Đôi khi chúng ta nên nhờ cậy đến sự giúp đỡ của người thân bạn bè để họ có thể khai mở giúp chúng ta nhìn ra những khuyết điểm của bản thân, từ đó khắc phục tính tự phụ và cải thiện để bản thân trở nên tốt đẹp hơn.

Chung quy lại tự ti và tự phụ là hai loại tính cách vô cùng có hại, nó đều khiến tâm hồn con người trở nên suy thoái, khó hòa nhập với xã hội, làm cản trở sự phát triển của con người trong cuộc sống. Chính vì vậy bản thân mỗi chúng ta cần sớm nhận thức được khả năng, ưu nhược điểm của bản thân để có sự chừng mực trong việc cư xử, đồng thời có thái độ đúng đắn với những người xung quanh và cả chính bản thân. Thêm vào đó việc có nhận thức rõ ràng cũng khiến chúng ta cải thiện bản thân một cách chính xác, đúng trọng tâm khiến chúng ta phát triển một cách lành mạnh, không lệch lạc.

---------------------HẾT----------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-xa-hoi-ve-tu-ti-va-tu-phu-54039n.aspx
Tự ti và tự phụ là 2 nét tính cách đối lập bên trong con người, điểm gặp gỡ của hai tính cách này đó chính là tác động tiêu cực đến đời sống và hoạt động ứng xử của con người. Bên cạnh vấn đề về tự ti và tự phụ các em có thể tham khảo thêm một số Bài văn hay lớp 12 khác như: Nghị luận về câu nói của Bác Hồ: Nước ta còn nghèo. Muốn sung sướng thì phải tự lực cánh sinh, cần cù lao động, Nghị luận xã hội về lòng tự trọng, Nghị luận xã hội về tính tự lập và sự chủ động hòa nhập với thế giới xung quanh, Nghị luận xã hội về tinh thần tự học.

Tác giả: Ngọc Trinh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Nghị luận xã hội về tinh thần tự học
Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tính kiêu căng và tự mãn
Nghị luận xã hội về tác hại của ma túy trong xã hội
Nghị luận xã hội về tính tự lập và sự chủ động hòa nhập với thế giới xung quanh
Dàn ý nghị luận xã hội về lòng tự trọng
Từ khoá liên quan:

Nghi luan xa hoi ve tu ti va tu phu

, nghi luan xa hoi ve tinh tu ti va tu phu, dan y bai van nghi luan ve tinh tu phu,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới