Các smartphone thế hệ mới ra đời kèm theo các tính năng mới mẻ và nổi trội, trong đó phải kể đến công nghệ kết nối NFC. Tuy nhiên với nhiều người dùng smartphone hay máy tính bảng hiện nay, cụm từ "NFC" vẫn còn khá xa lạ. Vậy kết nối này là gì, cách thức hoạt động cũng như lợi ích của nó ra sao, bài viết dưới đây của Taimienphi.vn sẽ cho bạn một cái nhìn cụ thể nhất.
Nếu còn đang băn khoăn về công nghệ kết nối NFC, bạn đọc cùng tham khảo tiếp bài viết dưới đây của Taimienphi.vn để hiểu rõ NFC là gì và nó được sử dụng trong các lĩnh vực nào.
NFC là gì? Cách hoạt động như thế nào?
1. NFC là gì?
NFC (viết tắt của Near Field Communication) là phương thức giao tiếp giúp kết nối các thiết bị không dây như điện thoại hay đồng hồ thông minh sử dụng tín hiệu sóng radio khi chúng ở khoảng cách gần.
Cách thức hoạt động của NFC tương tự với công nghệ kết nối sóng vô tuyến RFID, chỉ khác bán kính truyền nhận dữ liệu của NFC ngắn hơn (trong vòng 4 cm).
Các thiết bị có kết nối NFC có thể thiết lập giao tiếp với các thiết bị kết nối NFC khác và với các thẻ nhận dạng NFC. Các thẻ nhận dạng này không lấy điện năng từ chip NFC mà lấy từ một thiết bị điện thoại gần nó.
2. NFC hoạt động như thế nào?
Để thiết lập kết nối NFC, chúng ta chỉ cần chạm 2 thiết bị smartphone được trang bị NFC vào nhau. Trong trường hợp nếu sử dụng thẻ nhận dạng NFC , việc kết nối NFC sẽ được thực hiện bằng cách chạm phần lưng thiết bị có kết nối NFC vào thẻ nhận dạng NFC.
Thẻ NFC không cần cấp nguồn điện mà lấy nguồn từ các smartphone hoặc các thiết bị NFC được cấp nguồn ở gần đó. Về cơ bản chúng ta có thể sử dụng thẻ NFC để thay thế công nghệ quét mã QR.
NFC được trang bị trên các thiết bị, bao gồm cả thiết bị Android như Nexus 4,
Galaxy Nexus, Nexus S, Galaxy S III và HTC One X, các thiết bị Windows Phone
như các dòng Lumia của Nokia, HTC Windows Phone 8X cũng như các thiết bị
BlackBerry.
3. NFC được sử dụng trong các lĩnh vực nào?
NFC được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, bao gồm:
- Thanh toán di động: Việc thanh toán bằng NFC đơn giản hơn nhiều so với việc bạn dùng thẻ tín dụng. Chỉ cần chạm thiết bị di động có kết nối NFC với thiết bị thanh toán, mọi thủ tục thanh toán sẽ được giải quyết.
- Truyền tải dữ liệu không dây: Với các thiết bị Android có tính năng Android Beam thì việc truyền tải văn bản, hình ảnh, video... giữa 2 thiết bị kết nối NFC rất đơn giản. Người dùng chỉ cần chạm điện thoại của mình vào điện thoại khác là là dữ liệu sẽ được chuyển qua. Quá trình chia sẻ dữ liệu này nhanh chóng hơn nhiều so với việc bạn gửi qua Bluetooth. Các dòng máy BlackBerry và Windows phone cũng hỗ trợ chức năng này.
- Kết nối với các thẻ nhận dạng NFC: Bất kì ai cũng có thể mua các thẻ nhận dạng NFC vì giá thành của chúng tương đối rẻ.
Bạn có thể thiết lập cấu hình cho máy khi điện thoại của bạn tiếp xúc với các thẻ nhận dạng NFC.
Ngoài ra NFC còn được sử dụng để:
- Tải thông tin nhanh chóng: Rất nhiều mô hình quảng cáo và sản phẩm chứa mã QR mà bạn có thể quét, scan tài liệu trên điện thoại thông qua camera. NFC hoạt động như một mã QR cải tiến, bạn chỉ cần chạm chiếc smartphone vào chip NFC để đọc thông tin sản phẩm.\
- Thay thế vé máy bay: Smartphone có kết nối NFC có thể trở thành một tấm vé có hiệu lực trong chuyến bay của bạn.
- Mã khóa an toàn: Thiết bị gắn NFC có thể được sử dụng để nhận dạng đối tượng và rà soát thông tin cá nhân trước khi nhập cảnh.
https://thuthuat.taimienphi.vn/nfc-la-gi-55840n.aspx
Trên đây là một số thông tin cơ bản về khái niệm cũng như lợi ích của NFC. Hy vọng bài viết trên đây của Taimienphi.vn đã cung cấp cho bạn các kiến thức hữu ích. Ngoài ra nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc câu hỏi nào cần giải đáp như Cách kết nối điện thoại với máy tính qua Bluetooth, bạn đọc có thể để lại ý kiến của mình trong phần bình luận bên dưới bài viết nhé.