Mức phạt vi phạm hợp đồng xây dựng hiện nay đang là vấn đề được nhiều người quan tâm, tìm hiểu bởi quy định pháp luật chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc áp dụng. Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau đây để biết thêm thông tin chi tiết.
Thông thường, trong hợp đồng xây dựng giữa các bên thỏa thuận đã quy định rõ ràng về việc thưởng, phạt nếu có vi phạm. Tuy nhiên để biể rõ hơn về mức phạt vi phạm hợp đồng xây dựng, bạn đọc có thể tham khảo trong bài viết dưới đây của Taimienphi.vn nhé.
Mức xử phạt khi vi phạm hợp đồng xây dựng
1. Hợp đồng xây dựng là gì? Phạt vi phạm hợp đồng xây dựng là gì?
- Khoản 1 Điều 138 Luật Xây dựng 2014 đã khẳng định hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự. Đây là sự thỏa thuận giữa bên giao thầu và bên nhận thầu về việc thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Hợp đồng xây dựng phải được thỏa thuận bằng văn bản.
- Căn cứ tính chất, nội dung công việc thực hiện thì có những hợp đồng xây dựng sau:
+ Hợp đồng tư vấn xây dựng;
+ Hợp đồng thi công xây dựng công trình;
+ Hợp đồng cung cấp thiết bị lắp đặt vào công trình xây dựng;
+ Hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng, hợp đồng chìa khóa trao tay;
+ Hợp đồng xây dựng khác.
- Phạt vi phạm hợp đồng xây dựng là việc các bên thỏa thuận hay theo quy định của pháp luật, một trong hai bên trong hợp đồng xây dựng phải chịu phạt một khoản tiền do vi phạm các nghĩa vụ phải thực hiện trong hợp đồng.
2. Mức phạt vi phạm hợp đồng xây dựng
2.1 Đối với hợp đồng xây dựng sử dụng vốn Nhà nước
Khoản 1, Khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng 2014 quy định:
- Phạt hợp đồng xây dựng phải được các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng;
- Đối với hợp đồng xây dựng sử dụng vốn Nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.
=> Mức phạt vi phạm hợp đồng xây dựng sử dụng vốn Nhà nước sẽ do các bên tự thỏa thuận.
Mức phạt cao nhất là 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.
Ví dụ
Công ty A ký hợp đồng tư vấn xây dựng với công ty B, theo đó có 03 phụ lục phải thực hiện. Phụ lục 1 có giá trị 350 tỷ đồng, phụ lục 2 có giá trị 500 tỷ đồng và phụ lục 3 có giá trị 450 tỷ đồng.
Hai bên thỏa thuận nếu công B (là bên tư vấn xây dựng) vi phạm thời hạn thực hiện tư vấn theo thỏa thuận thì sẽ bị phạt, tuy nhiên lại không thỏa thuận mức phạt cụ thể là bao nhiêu %. Khi công B vi phạm thời gian thực hiện tư vấn xây dựng cho phần công trình tại phụ lục 3 thì mức phạt tính như thế nào?
=> Trường hợp này, do 2 bên chưa thỏa thuận cụ thể về mức phạt khi vi phạm hợp đồng, vì vậy mức phạt cao nhất có thể áp dụng là 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm (chứ không phải giá trị của toàn bộ hợp đồng).
Theo thông tin cung cấp, phần hợp đồng bị vi phạm là phần tại phụ lục 3 nên mức phạt vi phạm là 12% giá trị phụ lục 3 = 12% x 450 tỷ đồng.
2.2 Đối với hợp đồng xây dựng không sử dụng vốn Nhà nước
- Đối với hợp đồng này, phạt hợp đồng phải được các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng.
- Tuy nhiên, Luật Xây dựng 2014 và Nghị định 37/2015/NĐ-CP lại chưa quy định về mức phạt cao nhất có thể áp dụng là bao nhiêu.
- Và Khoản 6 Điều 7 Nghị định 37 quy định: Những nội dung chưa được quy định tại Nghị định này, các bên phải căn cứ vào các quy định của pháp luật có liên quan để thực hiện.
=> Có thể thấy, đây chính là sự hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật, gây khó khăn trong việc áp dụng. Về vấn đề này, chúng tôi có quan điểm như sau:
- Vì Luật Xây dựng, Nghị định 37 chưa có quy định cụ thể nên phải áp dụng các quy định pháp luật có liên quan đến hợp đồng xây dựng để thực hiện. Vì vậy cần xét đến việc hợp đồng xây dựng được điều chỉnh bởi những luật liên quan nào?
+ Hợp đồng xây dựng chịu sự điều chỉnh của Luật Xây dựng.
+ Theo Khoản 1 Điều 138 Luật Xây dựng 2014 thì hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự => Do đó chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự.
+ Tuy nhiên, dù không có quy định cụ thể nhưng có thể thấy bản chất của hợp đồng xây dựng cũng có thể đồng thời là hợp đồng thương mại, chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại: Bởi đa số các hợp đồng xây dựng đều được xác lập giữa một bên là thương nhân hoặc cả 2 bên là thương nhân, mục đích hợp đồng là sinh lợi.
=> Theo cách xác định nêu trên, hợp đồng xây dựng trong trường hợp này chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng và Luật Thương mại. Trong đó, Luật Xây dựng và Luật Thương mại là văn bản chuyên ngành.
Nếu văn bản chuyên ngành không có quy định cụ thể về một vấn đề nào đó thì mới áp dụng Bộ luật Dân sự.
- Điều 301 Luật Thương mại 2005 quy định mức phạt vi phạm cao nhất là không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
Do đó, nội dung về mức phạt vi phạm hợp đồng xây dựng không sử dụng vốn Nhà nước sẽ áp dụng quy định của Luật Thương mại.
=> Như vậy, theo quan điểm của chúng tôi, mức phạt vi phạm hợp đồng xây dựng không sử dụng vốn nhà nước do các bên thỏa thuận.
+ Mức cao nhất là 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.
+ Nội dung này cần được các cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể để việc áp dụng trên thực tế dễ dàng hơn.
3. Bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng
- Theo Điều 146 Luật Xây dựng 2014, ngoài mức phạt vi phạm hợp đồng, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại, bên thứ ba (nếu có) theo quy định. Theo đó:
- Bên nhận thầu phải bồi thường thiệt hại cho bên giao thầu trong các trường hợp:
Chất lượng công việc không bảo đảm với thỏa thuận hoặc kéo dài thời hạn hoàn thành do lỗi của bên nhận thầu gây ra;
Do nguyên nhân của bên nhận thầu dẫn tới gây thiệt hại cho người và tài sản trong thời hạn bảo hành.
- Bên giao thầu phải bồi thường cho bên nhận thầu trong các trường hợp sau:
+ Do nguyên nhân của bên giao thầu dẫn tới công việc theo hợp đồng bị gián đoạn, thực hiện chậm tiến độ, gặp rủi ro, điều phối máy, thiết bị, vật liệu và cấu kiện tồn kho cho bên nhận thầu;
+ Bên giao thầu cung cấp tài liệu, điều kiện cần thiết cho công việc không đúng với các thỏa thuận làm cho bên nhận thầu phải thi công lại, tạm dừng hoặc sửa đổi công việc;
+ Bên giao thầu cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị, các yêu cầu khác không đúng thời gian và yêu cầu theo thỏa thuận trong hợp đồng;
+ Bên giao thầu chậm thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng.
https://thuthuat.taimienphi.vn/muc-phat-vi-pham-hop-dong-xay-dung-68925n.aspx
Trên đây là toàn bộ thông tin về mức phạt vi phạm hợp đồng xây dựng mà chúng tôi cung cấp.