Viết văn bản nghị luận nhận xét về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim, Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo

Mỗi tác phẩm văn học lại có cho mình những nét đặc trưng, nổi bật riêng về cả hình thức và nội dung. Hãy cùng tìm hiểu thêm về chủ đề này với bài Viết văn bản nghị luận nhận xét về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim trên Taimienphi.vn nhé!

Đề bài: Câu lạc bộ Văn học - Nghệ thuật của trường bạn tổ chức cuộc thi viết về "Tác phẩm sân khấu - điện ảnh tôi yêu". Để tham gia, hãy viết văn bản nghị luận nhận xét về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim mà bạn yêu thích.


viet van ban nghi luan nhan xet ve noi dung va hinh thuc nghe thuat cua mot kich ban van hoc hoac bo phim ngu van 11 chan troi sang tao


A. Dàn ý chung nhận xét về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim mà bạn yêu thích - Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo


I. Mở bài:

- Giới thiệu về kịch bản văn học và tác giả (đối với văn bản nghị luận về một kịch bản văn học) hoặc giới thiệu bộ phim, đạo diễn và ê-kíp (đối với văn bản nghị luận về một bộ phim).

- Nêu luận đề của bài viết.


II. Thân bài:

- Triển khai một vài luận điểm nhằm sáng tỏ luận đề đã nêu:

+ Thành công/ hạn chế về xây dựng nhân vật, hành động, xung đột kịch, ngôn ngữ kịch,...

+ Thành công/ hạn chế về kịch bản phim, ngôn ngữ điện ảnh, đạo diễn, diễn xuất.

+ Phân tích những hình tượng nổi bật, mang nhiều ý nghĩa trong kịch bản văn học hoặc bộ phim.


III. Kết bài:

- Khẳng định lại luận đề.

- Nêu kết luận bao quát về giá trị, đóng góp nổi bật của bộ phim hoặc kịch bản văn học.


B. Bài văn mẫu nhận xét về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim mà bạn yêu thích:


I. Viết văn bản nghị luận nhận xét về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim mà bạn yêu thích - mẫu số 1:

1. Dàn ý chi tiết:

1.1. Mở bài:

- Giới thiệu về tác phẩm được lựa chọn: kịch bản "Sống hay không sống - đó là vấn đề" (trích "Hăm-lét" - Sếch-xpia).

- Nhận xét khái quát về giá trị của tác phẩm đó.

1.2. Thân bài:

a, Thông tin cơ bản:

- Được trích trong vở bi - hài kịch "Tragedy of Hamlet, Prince of Denmark" (Bi kịch Hăm-lét, hoàng tử Đan Mạch) do Sếch-xpia sáng tác.

- Ban đầu, tác phẩm được viết theo thể loại kịch tuồng, nhưng sau đó được tác giả chuyển thành kịch nói.

b, Đặc sắc về mặt nội dung:

- Phản ánh được tinh thần của thời đại với sự khủng hoảng, bế tắc của lí tưởng nhân văn chủ nghĩa:

+ Trong xã hội nơi đâu đâu cũng là sự mưu mô, xấu xa, vẫn có những người lương thiện, hướng đến phẩm giá tốt đẹp.

+ Mâu thuẫn giữa lí tưởng sống cao cả của con người với thực tại đổ đốn, u tối.

+ Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái xấu với cái tốt.

+ Hướng con người đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

- Đưa ra một câu hỏi mang bản chất triết học của loài người: "Sống hay không sống?":

+ Đề cập đến mục đích sống của từng cá nhân.

+ Ý thức được sự bất công, vô định của cuộc sống.

+ Thúc đẩy con người dẫn đến ý nghĩ "Hành động hay không hành động?".

c, Đặc sắc về mặt nghệ thuật:

- Xây dựng nhân vật điển hình:

+ Hăm-lét: Suy nghĩ bằng cả trái tim và trí óc, dám lên tiếng hoài nghi cả xã hội.

+ Clô-đi-út: Nham hiểm, được ngụy tạo bằng những lời nói đường mật.

+ Pô-lô-ni-út: Giả dối, độc đoán.

+ Ô-phê-li-a: Thủy chung nhưng sợ lễ giáo, cường quyền

...

- Ngôn ngữ kịch điêu luyện, sâu sắc:

+ Ngôn ngữ đối thoại biến chuyển linh hoạt: giễu cợt, gay gắt, mỉa mai,...

+ Ngôn ngữ độc thoại đặc sắc, góp phần quan trọng thể hiện tư tưởng của nhân vật và tác giả.

- Xung đột kịch gắn liền với xung đột nội tâm của nhân vật Hăm-lét: Niềm tin mãnh liệt vào con người -> Sự hoang mang, đau đớn trước thực tại đổ vỡ -> Thái độ hoài nghi, chán nản -> Nhận thức lại thế giới và có lại niềm tin, nghị lực phản kháng.

1.3. Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị, tầm ảnh hưởng của tác phẩm đó.

- Liên hệ mở rộng.

viet van ban nghi luan nhan xet ve noi dung va hinh thuc nghe thuat cua mot kich ban van hoc hoac bo phim ngu van 11 chan troi sang tao 2


2. Bài văn mẫu:

Những vở kịch của Sếch-xpia luôn là nguồn tài nguyên giá trị để các thế hệ sau khai thác, khám phá. Không chỉ lột tả được bức tranh chân thực của thời đại, ông còn đem đến cho nhân loại vô vàn thông điệp, giá trị nhân sinh sâu sắc. Điều đó cũng được thể hiện rất rõ qua văn bản "Sống hay không sống - đó là vấn đề", trích trong vở bi - hài kịch "Bi kịch của Hăm-lét, hoàng tử Đan Mạch".

Về nội dung, tác phẩm mang đến rất nhiều thông điệp giá trị, ý nghĩa đối với nhân loại. Theo các nhà nghiên cứu nhận xét, "Sống hay không sống - đó là vấn đề" đã phản ánh được tinh thần của thời đại. Trong xã hội nơi sự mưu mô, xấu xa bao trùm, vẫn có những con người luôn hướng tới cái lương thiện, tốt đẹp. Ở đó, ta thấy cuộc đấu tranh không hồi kết giữa cái thiện và cái ác, giữa lí tưởng sống cao cả của con người với thực tại đổ vỡ, tối tăm. Qua đây, tác giả muốn hướng con người tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đồng thời, đưa ra được câu hỏi mang bản chất triết học của loài người: "Sống hay không sống?". Đây là vấn đề đề cập đến mục đích sống của từng cá nhân. Để trả lời câu hỏi ấy, con người cần ý thức được thực tại vô định, bất công. Từ đó suy xét và hình thành suy nghĩ: "Hành động hay không hành động?". Tất cả đều nhằm hướng tới một cuộc sống tốt đẹp, công bằng và hạnh phúc cho nhân loại.

Về nghệ thuật, đầu tiên phải kể tới nghệ thuật xây dựng nhân vật vô cùng tài hoa của Sếch-xpia. Đó là Hăm-lét- người suy nghĩ bằng cả trái tim và trí óc, dám lên tiếng hoài nghi cả xã hội; là tên vua Clô-đi-út nham hiểm, được ngụy tạo bằng những lời nói đường mật; tên Pô-lô-ni-út giả dối, độc đoán hay nàng Ô-phê-li-a thủy chung nhưng sợ lễ giáo, cường quyền;... Tất cả đã tạo nên một hệ thống các nhân vật điển hình với những màu sắc rõ ràng, riêng biệt. Ngôn ngữ kịch cũng được Sếch-xpia sử dụng vô cùng điêu luyện. Nhìn vào những cuộc đối thoại trong văn bản, ta thấy rất rõ sự biến chuyển linh hoạt: từ đau đớn, tự vấn đến giễu cợt, gay gắt, mỉa mai. Bên cạnh đó, ngôn ngữ độc thoại đặc sắc đã góp phần quan trọng thể hiện tư tưởng, góc nhìn của nhân vật cũng như của tác giả. Không chỉ vậy, những xung đột trong kịch cũng được gắn liền với xung đột nội tâm nhân vật Hăm-lét. Từ niềm tin mãnh liệt vào con người, Hăm-lét dần chuyển sang hoang mang, lo sợ trước thực tại đổ vỡ. Từ đó, có thái độ hoài nghi, chán nản với nhân sinh. Sau cùng, trải qua bao sóng gió, chàng đã nhận thức lại thế giới và nảy sinh nghị lực phản kháng.

Như vậy, có thể nói tác phẩm "Sống hay không sống - đó là vấn đề" đã thể hiện vô cùng rõ nét tài năng cũng như tầm nhìn mang tính vĩ mô của đại văn hào Sếch-xpia. Qua đó, để lại cho nhân loại một kiệt tác mà đến tận bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.


II. Viết văn bản nghị luận nhận xét về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim mà bạn yêu thích - mẫu số 2:

1. Dàn ý chi tiết:

1.1. Mở bài:

- Giới thiệu về tác phẩm được lựa chọn: bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy".

- Nhận xét khái quát về giá trị của tác phẩm đó: là một trong số ít những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam thế kỉ XX.

1.2. Thân bài:

a, Thông tin cơ bản:

- Được sản xuất năm 1982 bởi đạo diễn Phạm Văn Khoa.

- Là tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ các tác phẩm của Nam Cao: "Sống mòn", "Chí Phèo", "Lão Hạc" nhưng được đạo diễn nhào nặn bằng cá tính sáng tạo và nghệ thuật dựng phim đột phá.

- Vai diễn: giáo Thứ (Hữu Mười), Chí Phèo (Bùi Cường), thị Nở (Đức Lưu), lão Hạc (Kim Lân),...

b, Đặc sắc về nội dung:

- Tái hiện hoàn hảo bối cảnh nông thôn Việt Nam trước Cách mạng:

+ Con ngõ với hàng cây xơ xác.

+ Những mái nhà tranh xập xệ.

+ Những con người gầy gò, ốm yếu, quần áo tả tơi.

- Phản ánh chân thực những bi kịch của xã hội thời bấy giờ:

+ Sự độc ác, nham hiểm, mưu mô của bọn cường hào ác bá (cha con Bá Kiến).

+ Mang đến một Chí Phèo "kinh điển" của nền điện ảnh: một con người bị tha hóa, bị đẩy đến cùng đường, tuyệt vọng trong xã hội đầy rẫy bất công.

+ Thầy giáo Thứ đại diện cho lớp người tri thức thất thế trước thời cuộc.

+ Lão Hạc đại diện cho những người dân nghèo bị cướp bóc đến tận cùng, phải chịu cái chết đau thương.

c, Giá trị nghệ thuật:

- Thành công thể hiện sự sáng tạo của đạo diễn: Vừa bám sát nguyên tác văn học, vừa có sự sáng tạo, kết nối tài tình.

- Thành công đến từ cách quay dựng: Tuy là phim đen trắng, độ phân giải thấp nhưng vẫn chạm được tới trái tim của người xem nhiều thế hệ.

- Thành công đến từ lỗi diễn xuất của dàn diễn viên thực lực: Diễn xuất nhập vai, tạo hình phù hợp.

- Tái hiện những chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong các tác phẩm của Nam Cao: bát cháo hành của thị Nở, lão Hạc bán chó,...

1.3. Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị, tầm ảnh hưởng của tác phẩm đó.

- Liên hệ mở rộng.


2. Bài văn mẫu:

Xã hội Việt Nam những năm trước Cách mạng là một đề tài được rất nhiều người quan tâm, chú ý. Đã có vô số tác phẩm lấy bối cảnh của giai đoạn đó để phản ánh, truyền tải những thông điệp về sự nhân văn, nhân đạo trong cuộc sống. Đặc biệt phải kể đến bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy". Đây là một trong số ít những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam vào thế kỉ XX.

"Làng Vũ Đại ngày ấy" là tác phẩm được đạo diễn Phạm Văn Khoa sản xuất năm 1982. Bằng tài năng cùng sự khéo léo của mình, đội ngũ biên kịch đã tạo nên một kịch bản chuyển thể vô cùng xuất sắc, tái hiện hoàn hảo ba tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao: tiểu thuyết "Sống mòn" và hai truyện ngắn "Chí Phèo", "Lão Hạc". Không những kết nối, hòa quyện được bối cảnh giữa các truyện, đạo diễn còn nhào nặn bộ phim bằng cá tính sáng tạo độc đáo và nghệ thuật dựng phim độc đáo của mình. Với dàn diễn viên thực lực, "Làng Vũ Đại ngày ấy" đã đem đến cho khán tính giả những trải nghiệm xem phim hết sức giá trị.

Về nội dung, bộ phim thành công tái hiện hoàn hảo bối cảnh nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đó là ngôi làng nhỏ với đầy đủ các tầng lớp trong xã hội; là con ngõ với hàng xây xác xơ, đìu hiu; là những mái nhà tranh xập xệ với con người gầy gò, ốm o, quần áo rách tả tơi như tổ đỉa. Không chỉ vậy, "Làng Vũ Đại ngày ấy" còn phản ảnh chân thực những bi kịch trong xã hội lúc bấy giờ - điều mà Nam Cao đã làm rất thành công trong các tác phẩm văn học của mình. Nào là cha con Bá Kiến - những kẻ đại diện cho tầng lớp cường hào ác bá nham hiểm, mưu mô, luôn tìm mọi cách để chèn ép người dân nghèo. Hay như ông giáo Thứ (do nghệ sĩ Hữu Mười thủ vai) - đại diện cho lớp người tri thức thất thế trước thời cuộc, phải sống mòn mỏi trong bế tắc. Đặc biệt, hình ảnh người nông dân nghèo trước Cách mạng cũng được tái hiện hoàn hảo. Tác phẩm mang đến một Chí Phèo (nghệ sĩ Bùi Cường thủ vai) "kinh điển" của thời đại. Đó là anh nông dân lương thiện bị chính xã hội thực dân nửa phong kiến làm cho tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính, bị đẩy đến cùng đường tuyệt lộ. Đồng thời, ta cũng thấy hình ảnh khắc khổ, bế tắc mà lão Hạc (nhà văn Kim Lân thủ vai) phải chịu đựng. Tất cả đã cùng nhau đưa đến những thông điệp nhân văn sâu sắc mà đội ngũ làm phim muốn truyền tải.

Không chỉ có những thành công về mặt nội dung, bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" còn chứng tỏ giá trị nghệ thuật của chính mình. Điều này được thể hiện ở rất nhiều phương diện khác nhau. Đầu tiên chính là sự sáng tạo của đạo diễn và đội ngũ làm phim. Việc kết hợp ba tác phẩm "Sống mòn", "Chí Phèo" và "Lão Hạc" vô cùng khó, đòi hỏi rất nhiều sự khéo léo, tinh tế. Và đội ngũ sản xuất đã làm được. Họ vừa thể hiện sự sáng tạo, làm ra mối liên kết tài tình giữa các chi tiết, vừa bám sát và tuân thủ đúng nguyên tác. Cách quay dựng phim cũng góp phần không nhỏ làm nên thành công của tác phẩm. Tuy đây chỉ là một bộ phim đen trắng với độ phân giải thấp nhưng thông điệp mà đạo diễn muốn truyền tải vẫn được thể hiện vô cùng rõ nét, chạm được đến trái tim của người xem suốt bao thế hệ. Bên cạnh đó, các diễn viên với tạo hình chân thực, phù hợp cùng thực lực không phải bàn cãi đã đem đến những câu chuyện giàu giá trị, tái hiện hoàn hảo các chi tiết văn học đắt giá trong tác phẩm của Nam Cao (bát cháo hành của thị Nở, cái lò gạch cũ, chi tiết lão Hạc bán chó,...).

Nhìn chung, "Làng Vũ Đại ngày ấy" là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc cả về mặt nội dung và nghệ thuật. Với những thành tựu kể trên, bộ phim đã giành được không ít giải thưởng danh giá. Từ đó, trở thành một tượng đài trong làng nghệ thuật nước nhà. Những giá trị mà phim mang lại vẫn sẽ còn mãi trong lòng khán giả, đem đến nhiều bài học ý nghĩa cho các thế hệ sau này.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-van-ban-nghi-luan-nhan-xet-ve-noi-dung-va-hinh-thuc-nghe-thuat-cua-mot-kich-ban-van-hoc-hoac-bo-phim-76814n.aspx
Khi nhận xét về một tác phẩm nghệ thuật, em hãy chú ý đến điểm nổi bật, đặc trưng nhất của tác phẩm ấy. Từ đó, thấy được tài năng cùng tầm nhìn của người nghệ sĩ. Mời các em tham khảo thêm các bài mẫu khác trên Taimienphi.vn như: viết đoạn văn 200 chữ trả lời câu hỏi Thanh niên ngày nay nên chọn lí tưởng sống như thế nào?; Hãy lựa chọn và giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim.

Tác giả: Trần Khởi My     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Nhận xét về giọng điệu trần thuật và nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Khải trong Một người Hà Nội
Nghị luận về ý kiến: Cuộc sống là một đường chạy vượt rào...
Viết đoạn văn nêu lên những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng
Soạn bài Ôn tập văn nghị luận, Ngữ văn lớp 7
Cảm nhận về đoạn Chí khí anh hùng
Từ khoá liên quan:

Viet van ban nghi luan nhan xet ve noi dung va hinh thuc nghe thuat cua mot kich ban van hoc hoac bo phim

, Viet van ban nghi luan nhan xet ve noi dung va hinh thuc nghe thuat cua mot kich ban van hoc hoac bo phim ngu van 11 chan troi sang tao, Viet van ban nghi luan nhan xet ve noi dung va hinh thuc nghe thuat cua mot kich ban van hoc hoac bo phim ngan gon hay nhat,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới