Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá về nội dung và hình thức nghệ thuật của một trong các bài thơ mà bạn đã đọc theo yêu cầu đọc mở rộng

Phân tích, cảm nhận về một tác phẩm thơ là dạng đề vô cùng quen thuộc trong chương trình học. Mời em tham khảo bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá về nội dung và hình thức nghệ thuật của một trong các bài thơ mà bạn đã học theo yêu cầu đọc mở rộng, Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo, học kì II do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn dưới đây.

Đề bài: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá về nội dung và hình thức nghệ thuật của một trong các bài thơ mà bạn đã đọc theo yêu cầu đọc mở rộng.

viet van ban nghi luan phan tich danh gia ve noi dung va hinh thuc nghe thuat cua mot trong cac bai tho ma ban da doc theo yeu cau doc mo rong

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện lớp 10, tác phẩm thơ hay nhất
 

A. Dàn ý chung:

1. Mở bài:
- Dẫn dắt và giới thiệu về tác phẩm.
- Nêu nhận xét khái quát về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
2. Thân bài:
- Xác định chủ đề, mạch cảm xúc chủ đạo của tác phẩm.
- Phân tích, đánh giá chủ đề của tác phẩm.
+ Nội dung.
+ Nghệ thuật.
- Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm.
- Nêu cảm nghĩ về tác động của tác phẩm với bản thân.
 

B. Bài văn tham khảo
 

Đề số 1: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá về nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ "Nắng mới" - Lưu Trọng Lư

I. Dàn ý chi tiết:
1. Mở bài:
- Dẫn dắt, giới thiệu về Lưu Trọng Lư và bài thơ "Nắng mới".
- Nhận xét về giá trị của tác phẩm: Thể hiện tình cảm, nỗi nhớ với người mẹ một cách gần gũi, giản dị, dân dã mà không kém phần sâu sắc.
2. Thân bài:
2.1. Xác định chủ đề, mạch cảm xúc chủ đạo của tác phẩm:
- Chủ đề: Tình cảm gia đình.
- Mạch cảm xúc: Tình yêu và nỗi nhớ của nhân vật trữ tình về người mẹ.
- Lời đề từ: "Tặng hương hồn thầy me".
2.2. Phân tích, đánh giá chủ đề của tác phẩm:
2.2.1. Nội dung:
* Bức tranh thiên nhiên khơi gợi kí ức xưa:
- Hình ảnh thiên nhiên:
+ "nắng mới", "gà trưa": Những hình ảnh quen thuộc, tượng trưng cho làng quê.
+ "hắt": Ánh sáng le lói xuyên qua song cửa.
-> Không gian hiu hắt, vắng lặng.
- Âm thanh: "xao xác", "gáy", "não nùng" -> Tiếng gà giữa ban trưa càng làm nổi bật không gian ảm đạm.
- Bức tranh thiên nhiên đã khơi gợi những kí ức cũ, ảnh hưởng đến tâm trạng của con người:
+ "lòng rượi buồn": Biện pháp đảo ngữ -> Nhấn mạnh nỗi buồn.
+ "thời dĩ vãng", "những ngày không": Sự hồi tưởng về quá khứ.
+ "chập chờn": Hình ảnh quá khứ hiện về mờ ảo, chưa quá rõ nét, lúc có lúc không.
* Kí ức, nỗi nhớ và tình yêu dành cho mẹ của nhân vật trữ tình:
- Nhân vật trữ tình trực tiếp bày tỏ nỗi nhớ dành cho mẹ: "Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời/Lúc người còn sống, tôi lên mười"
-> Sự trân trọng dành cho mẹ cũng như tiếc nuối, đau buồn vì không còn mẹ ở bên.
- Hình ảnh của mẹ gắn liền với hình ảnh làng quê:
+ Hành động phơi áo trước giậu mỗi khi có nắng mới -> Màu áo đỏ cùng màu nắng "reo ngoài nội" tạo nên không gian ấm áp, tươi sáng.
+ "Nét cười đen nhánh sau tay áo/Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa" -> Hình ảnh quen thuộc của người phụ nữ Việt Nam xưa với hàm răng đen, duyên dáng khi che miệng cười.
- "chửa xóa mờ", "hãy còn mường tượng": Hình ảnh người mẹ luôn in sâu trong tâm trí nhân vật "tôi".
=> Thể hiện tình yêu, nỗi nhớ khôn nguôi với người mẹ khi xưa.
2.2.2. Nghệ thuật:
- Ngôn từ giản dị, mộc mạc, giàu sức gợi.
- Giọng điệu nhẹ nhàng, tha thiết.
- Sự kết hợp xen kẽ giữa quá khứ và hiện tại càng khắc sâu hơn nỗi nhớ của nhân vật.
- Hình ảnh thơ quen thuộc, gần gũi, dễ khơi gợi sự đồng cảm.
2.3. Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm:
- Nói về chủ đề tình cảm gia đình một cách giản dị, thân thuộc, không cần quá cầu kì mà vẫn chiếm được vị trí trong lòng độc giả.
- Bài thơ chỉ như một lời tự sự, một dòng chảy tự nhiên của cảm xúc.
- Mang lại ấn tượng về cái bình dị, mộc mạc của thơ Lưu Trọng Lư.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm.
- Nêu bài học nhận thức mà bản thân rút ra.

II. Bài mẫu tham khảo:

Gia đình luôn là nơi sẵn sàng dang rộng vòng tay đón những đứa con trở về sau mỗi chuyến đi xa. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng vô tận của nghệ thuật, từ văn học, hội họa đến âm nhạc. Trong vô vàn tác phẩm thơ văn viết về đề tài gia đình, tôi rất ấn tượng với "Nắng mới" của thi sĩ Lưu Trọng Lư. Bài thơ đã thể hiện thành công tình yêu, nỗi nhớ mà đứa con dành cho người mẹ đáng kính.

Ngay lời đề từ "Tặng hương hồn thầy me" cũng thể hiện rất rõ sự nhớ thương của một người con dành cho cha mẹ. Gia đình luôn chiếm vị trí quan trọng đối với cuộc sống của mỗi người. Một khi ta mất đi những người thân yêu nhất, trong lòng ta sẽ mãi có niềm tiếc thương cùng nỗi nhớ khôn nguôi. Và bài thơ "Nắng mới" đã tái hiện lại dòng cảm xúc ấy một cách vô cùng chân thực, giản dị.

Bài thơ bắt đầu với khung cảnh thiên nhiên làng quê thân thuộc. Không gian được hiện lên hết sức hiu hắt, vắng lặng:

"Mỗi lần nắng mới hắt bên song.

Xao xác, gà trưa gáy não nùng,"

"Nắng mới" là một hình ảnh rất đẹp, mang đến cảm giác tươi tắn, tràn đầy sức sống. Nhưng ở đây, nó lại "hắt" lên những song cửa, le lói, cô độc giữa buổi trưa. Tiếng gà vang lên "não nùng", "xao xác" phá vỡ cái tĩnh lặng, vắng vẻ của không gian xung quanh. Đều là những hình ảnh vô cùng quen thuộc của làng quê Việt Nam, gắn liền với sự bình yên nhưng bây giờ, chúng chỉ gợi lên cảm giác hiu quạnh, cô đơn. Có lẽ đó là do tâm trạng con người. Nguyễn Du đã từng viết: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Nhân vật "tôi" khi này hoàn toàn đắm chìm trong hồi ức về quá khứ:

"Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,

Chập chờn sống lại những ngày không."

Người thì ở hiện tại nhưng tâm trí hướng về "thời dĩ vãng", "những ngày không". Biện pháp đảo ngữ "lòng rượi buồn" như nhấn mạnh sự khắc khoải, khôn nguôi. Ở đây, từ láy "chập chờn" mang đến cho người đọc cảm giác mơ hồ về kí ức của nhân vật. Nó như có như không, lúc mờ lúc tỏ và cứ dần dần ùa về trong tâm trí, khiến nỗi buồn lại như khắc sâu thêm.

Trong dòng chảy kí ức đó, hình ảnh người mẹ hiện lên với bao sự yêu thương, nhớ nhung của đứa con nay đã trưởng thành:

"Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời,

Lúc người còn sống, tôi lên mười;"

Nhân vật trữ tình không ngần ngại mà trực tiếp bày tỏ nỗi nhớ của mình. Tiếng gọi "me" đầy dân dã mà lại vô cùng thân thương, gần gũi. Hình bóng của bà hiện lên trong trí nhớ của người con thật đẹp và bình dị:

"Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi."

Hành động phơi áo quen thuộc in sâu trong tâm trí nhân vật "tôi". Màu đỏ của áo hòa cùng sắc vàng của nắng khiến cho không gian bừng sáng, mang đến cảm giác ấm áp, tràn đầy sắc màu cho những kí ức xưa. Động từ "reo" còn khiến ta cảm nhận được niềm vui cùng sức sống tươi mới của con người khi ấy. Mẹ còn hiện lên với:

"Nét cười đen nhánh sau tay áo,

Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa."

Lúc này đây, hình ảnh người mẹ chính là tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam xưa với hàm răng đen. Nét cười ngại ngùng, dịu dàng được che bởi tay áo nhưng vẫn không che đi được cái đẹp, cái duyên. Người phụ nữ thôn quê ấy gắn liền với cái nắng chói chang của trưa hè, vừa gần gũi, vừa giản dị. Hình ảnh này đã in sâu trong tâm trí nhân vật trữ tình, được khẳng định chắc nịch bởi các cụm từ "chửa xóa mờ", "hãy còn mường tượng". Tất cả đều góp phần thể hiện tình yêu, nỗi nhớ da diết, khôn nguôi dành cho người mẹ đáng kính nay đã khuất xa.

Không chỉ thành công thể hiện nội dung chủ đề, bài thơ còn chứng tỏ được tài năng của Lưu Trọng Lư với hình thức nghệ thuật đặc sắc. Đầu tiên chính là yếu tố ngôn ngữ giản dị, chân chất, mộc mạc mà lại đầy sức gợi. Tiếp đó, giọng thơ nhẹ nhàng, đằm thắm, tha thiết cũng khiến cho bài thơ đến gần hơn với độc giả. Nhà thơ còn sử dụng những hình ảnh quen thuộc, gắn liền với làng quê Việt Nam, giúp người đọc dễ dàng tiếp nhận và cảm thụ tác phẩm. Việc đan xen quá khứ với hiện tại càng làm nổi bật lên nỗi đau, sự nhớ thương của nhân vật trữ tình với người mẹ thân yêu.

Bằng ngòi bút tài hoa của mình, Lưu Trọng Lư đã mang đến cho nền văn học nước nhà thêm một "tài sản" quý báu. Bài thơ không cầu kì, không cần những hình ảnh "đao to búa lớn" nhưng vẫn chiếm được cảm tình của độc giả. Tác phẩm như một lời tâm tình, một dòng chảy tự nhiên của cảm xúc, dần dần tiến tới, đi sâu vào tâm trí và khơi gợi sự đồng cảm nơi người đọc. Tất cả đã góp phần bộc lộ cái bình dị, nhẹ nhàng, thân thuộc của thơ Lưu Trọng Lư. Đồng thời, khẳng định tài năng ở người nghệ sĩ.

Với những giá trị đã mang lại, bài thơ "Nắng mới" sẽ mãi là một trong những tác phẩm hay và ý nghĩa về chủ đề gia đình. Qua đây, ta càng thêm yêu và trân trọng người thân của mình hơn. Hãy yêu thương họ ngay khi còn cơ hội, đừng để bản thân phải hối hận muộn màng trong nuối tiếc.

Viet van ban nghi luan phan tich danh gia mot tac pham tho lop 10

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá về nội dung và hình thức nghệ thuật của một trong các bài thơ mà bạn đã đọc theo yêu cầu đọc mở rộng hay nhất
 

Đề số 2: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá về nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ "Dục Thúy sơn" - Nguyễn Trãi

I. Dàn ý chi tiết:

1. Mở bài:
- Dẫn dắt, giới thiệu về Nguyễn Trãi và bài thơ "Dục Thúy sơn".
- Nhận xét về giá trị của tác phẩm: Thể hiện tình yêu với thiên nhiên, đồng thời bày tỏ nỗi niềm suy tư, trăn trở về thế sự.
2. Thân bài:
2.1. Xác định chủ đề, mạch cảm xúc chủ đạo của tác phẩm:
- Chủ đề: Tình yêu thiên nhiên.
- Mạch cảm xúc: Tình yêu với bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp ở núi Dục Thúy và những hoài cổ, suy tư, trăn trở về thế sự.
2.2. Phân tích, đánh giá chủ đề của tác phẩm:
2.2.1. Nội dung:
* Vẻ đẹp núi Dục Thúy:
- Vị trí: "hải khẩu".
- "tiên san": Khẳng định đây là một ngọn núi tiên.
- "Liên hoa phù thủy thượng": Ví ngọn núi như một đóa hoa sen nổi trên mặt nước -> Hình ảnh ẩn dụ độc đáo.
- 'Tiên cảnh trụy nhân gian": Cảnh sắc thiên nhiên nơi đây như cõi tiên huyền diệu từ trên trời rơi xuống.
- "Tháp ảnh trâm thanh ngọc":
+ "Tháp ảnh": Hình ảnh phản chiếu của ngọn tháp trên núi.
+ "trâm thanh ngọc": Chiếc trâm ngọc mà người thiếu nữ dùng để cài tóc.
-> Sự liên tưởng độc đáo, mới lạ nhưng cũng đầy thơ mộng.
- "Ba quang kính thúy hoàn":
+ "Ba quang": Ánh sáng của dòng nước.
+ "kính": Soi chiếu.
+ "thúy hoàn": Mái tóc xanh.
-> Hình ảnh phản chiếu của ngọn núi trên mặt nước như mái tóc của người thiếu nữ.
=> Dáng vẻ núi Dục Thúy như một chốn thần tiên, mang sự dịu dàng, mềm mại của một người con gái đẹp.
* Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi:
- Tình yêu và sự nhạy cảm trước thiên nhiên kì vĩ:
+ "Niên tiền lũ vãng hoàn": Thường xuyên lui tới trước đó.
+ Cảm nhận cái đẹp, cái nên thơ, trữ tình của khung cảnh.
- Tấm lòng nhớ thương, hoài niệm tới cố nhân:
+ "Hữu hoài": nỗi nhớ có sự bùi ngùi, xúc động.
+ "Bia khắc tiển hoa ban": Tấm bia khắc chữ của Trương Thiếu bảo khi xưa giờ đã lốm đốm rêu -> Cái chảy trôi của thời gian.
=> Tâm trạng hoài cổ thường gặp ở các tác giả văn học trung đại.
2.2.2. Nghệ thuật:
- Hình ảnh và ngôn ngữ thơ diễm lệ, giàu sức gợi.
- Giọng thơ nhịp nhàng.
- Kết hợp thành công các biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ.
2.3. Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm:
- Vẽ nên bức tranh sơn thủy hữu tình.
- Thể hiện tình yêu thiên nhiên và tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động của người thi sĩ.
- Cái nhìn hoài cổ đầy tâm trạng về những gì đã qua.
- Khẳng định giá trị, vị trí của tác phẩm cũng như tài năng của tác giả.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm.
- Nêu bài học nhận thức mà bản thân rút ra.

II. Bài mẫu tham khảo:

Nguyễn Trãi là một trong những "cây đại thụ" của nền văn học trung đại Việt Nam. Với tài năng cùng sự đức độ, thông tuệ của mình, ông đã để lại cho đời biết bao tác phẩm thơ, văn giàu ý nghĩa. Một trong số đó không thể không kể đến "Dục Thúy sơn". Bài thơ đã mở ra một bức tranh thiên nhiên đẹp kì vĩ. Đồng thời, khéo léo bộc lộ tâm trạng cùng nỗi niềm của thi nhân.

Có thể nói, trong các tác phẩm của Nguyễn Trãi, bạn đọc dễ dàng thấy được ba nguồn cảm hứng chính: tinh thần nhân nghĩa, tình yêu thiên nhiên và những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời. Đối với bài thơ "Dục Thúy sơn", nhà thơ vẫn viết về những nguồn cảm hứng ấy. Trước hết là cái nhìn đầy tinh tế của thi sĩ về cảnh sắc của núi Dục Thúy. Sau đó, ông cũng bày tỏ tâm trạng, suy tư của bản thân cùng sự hoài cổ, bùi ngùi khi chứng kiến cái đổi thay mà thời gian mang lại.

Đầu tiên, thi sĩ mở ra khung cảnh thần tiên của núi Dục Thúy bằng ngòi bút tài hoa:

"Hải khẩu hữu tiên san"

Nằm ở ngay vị trí cửa biển, nơi đây quả thật "non nước hữu tình", khiến tầm mắt của con người như rộng mở. Nguyễn Trãi lần thứ hai so sánh núi Dục Thúy với chốn thần tiên:

"Tiên cảnh trụy nhân gian"

Câu thơ đã cho thấy tấm lòng yêu thích mà tác giả dành cho cảnh sắc ở Dục Thúy. Ông coi đó như cõi tiên trên trời rơi xuống nhân gian - một vẻ đẹp lung linh và huyền diệu đến mức siêu thực. Bằng con mắt tinh tế của mình, tác giả còn liên tưởng ngọn núi với một bông hoa sen đang ngự trên mặt nước:

"Liên hoa phù thủy thượng"

Một ngọn núi đồ sộ toàn đất đá nhưng lại được so sánh với đóa hoa sen thanh khiết, mềm mại. Hình ảnh ẩn dụ đầy độc đáo này đã khiến Dục Thúy trong mắt độc giả trở nên vô cùng đặc biệt.

Không chỉ vậy, đến với những câu thơ tiếp theo, hình ảnh núi Dục Thúy lại càng hiện lên rõ ràng và sắc nét hơn. Ngọn núi được so sánh với mái tóc dài óng ả của người thiếu nữ:

"Tháp ảnh trâm thanh ngọc"

Hình ảnh ngọn "tiên san" kia được phản chiếu trên mặt nước. Tô điểm cho khung cảnh thần tiên nơi đây là cây "trâm thanh ngọc", hay chính là bóng của ngọn tháp trên núi. Sự so sánh này làm cho cảnh vật trở nên mềm mại, duyên dáng. Ở câu thơ tiếp theo, thi nhấn tiếp tục ví von:

"Ba quang kính thúy hoàn"

Ánh sáng chiếu vào cái bóng tháp trên mặt nước, khiến nó thêm lung linh, lấp lánh. Có thể thấy, việc lấy nét đẹp của con người để tả cảnh đã giúp thiên nhiên trở nên có hồn hơn rất nhiều.

Nổi bật trên bức tranh thần tiên đó chính là người thi sĩ với bao chiêm nghiệm, suy tư về cuộc đời:

"Hữu hoài Trương Thiếu bảo,

Bi khắc tiển hoa ban."

Núi Dục Thúy là nơi quen thuộc với nhà thơ. Ông thường xuyên lui tới chốn này: "Niên tiền lũ vãng hoàn", tận hưởng thiên nhiên của chốn tiên cảnh trần gian. Khoảnh khắc đắm mình trong vẻ đẹp núi Dục Thủy mang tới, trong lòng Nguyễn Trãi lại dâng trào nỗi niềm hoài cổ. Ông nhìn tấm bia đá khắc chữ mà nhớ tới Trương Thiếu bảo - vị danh sĩ tài hoa khi xưa. Qua bao sóng gió, thăng trầm của thời cuộc, giờ đây, cảnh còn người đã mất. Tấm bia vẫn ở đó, tuy lốm đốm hoa rêu nhưng những nét chữ vẫn giữ nguyên giá trị vốn có. Từ đây, tấm lòng cao đẹp cùng tâm hồn nhạy của người nghệ sĩ càng hiện lên rõ nét, chân thực.

Bên cạnh chủ đề đặc sắc, hình thức nghệ thuật độc đáo cũng là yếu tố quan trọng, góp phần làm nên thành công cho thi phẩm. Hình ảnh diễm lệ, ngôn ngữ giàu sức gợi kết hợp với phép so sánh, ẩn dụ đã khiến ngọn núi Dục Thúy hiện lên hết sức hùng vĩ, nên thơ. Với bút pháp tài hoa, điêu luyện cùng những cảm nhận, rung động hết sức tinh tế, Nguyễn Trãi đã khiến "Dục Thúy sơn" dễ dàng đi vào lòng người đọc. Ông đã vẽ nên bức tranh đẹp siêu thực về cảnh quan thiên nhiên nước nhà. Qua những liên tưởng đầy độc đáo, người đọc cũng phần nào hiểu hơn tâm hồn nhạy cảm cùng nỗi lòng hoài cổ của người nghệ sĩ tài hoa.

"Dục Thúy sơn" là một trong những tác phẩm vô cùng xuất sắc viết về chủ đề thiên nhiên. Theo thời gian, thi phẩm đã, đang và sẽ luôn giữ nguyên giá trị của mình trong kho tàng văn học nước nhà.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-van-ban-nghi-luan-phan-tich-danh-gia-ve-noi-dung-va-hinh-thuc-nghe-thuat-cua-mot-trong-cac-bai-tho-ma-ban-da-doc-theo-yeu-cau-doc-mo-rong-74873n.aspx
Để làm tốt bài nghị luận về một tác phẩm thơ, em hãy chú ý khai thác chủ đề cũng như mạch cảm xúc của bài, từ đó định hướng phân tích sao cho thật mạch lạc, logic nhé. Taimienphi.vn vẫn còn nhiều bài văn mẫu lớp 10 khác để em tham khảo như: Bài luận giới thiệu bản thân ứng tuyển vào câu lạc bộViết bài văn về một sự lựa chọn có ý nghĩa đã trải qua,  Phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm truyện đã đọc theo yêu cầu đọc mở rộngNghị luận về tác phẩm để lại nhiều ấn tượng và suy nghĩ nhất...

Tác giả: Nguyễn Long Thịnh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Nghị luận về Trò chơi điện tử: lợi hay hại?
Nghị luận về một vấn đề trong đời sống Ngữ văn 7
Phân tích Đất rừng phương Nam ngắn gọn, bài văn mẫu hay nhất
Đoạn văn tóm tắt một văn bản nghị luận hoặc truyện ngắn
Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội mà bạn quan tâm
Từ khoá liên quan:

Viet van ban nghi luan phan tich danh gia ve noi dung va hinh thuc nghe thuat cua mot trong cac bai tho ma ban da doc theo yeu cau doc mo rong

, Viet van ban nghi luan phan tich danh gia ve noi dung va hinh thuc nghe thuat cua mot trong cac bai tho ma ban da doc theo yeu cau doc mo rong hay nhat, dan y Viet van ban nghi luan phan tich danh gia ve noi dung va hinh thuc nghe thuat cua mot trong cac bai tho ma ban da doc theo yeu cau doc mo rong,

SOFT LIÊN QUAN
  • Sách giáo khoa Chân trời sáng tạo

    File PDF SGK CTST từ lớp 1-12

    Bộ Sách Chân trời sáng tạo là một trong những bộ sách giáo khoa mới được phát triển theo chương trình mới do Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra. Tương tự như các bộ sách khác, bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo này cũng được ...

Tin Mới