Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội trang 54 Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo, học kì I sẽ giúp em rèn luyện các kĩ năng hữu ích trong quá trình viết một bài văn. Dưới đây là bài soạn mẫu mà đội ngũ Taimienphi.vn đã cung cấp cho các em.
Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội ngắn nhất Ngữ văn lớp 10, Chân trời sáng tạo
Soạn văn Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội, ngắn gọn
I. Đọc ngữ liệu tham khảo
Đối chiếu ngữ liệu tham khảo với tri thức về kiểu bài và cho biết:
1. Ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu về bố cục đối với kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội hay chưa?
Trả lời:
Ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu về bố cục đối với kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội:
- Mở bài: đã nêu được vấn đề xã hội cần nghị luận "quan niệm về thần tượng và sự tôn sùng thần tượng"; sự cần thiết có nhận thức đúng về vấn đề.
- Thân bài: trình bày được ba luận điểm. Có sử dụng các bằng chứng thực tế và đã sắp xếp luận điểm, lí lẽ theo trình tự hợp lí.
- Thân bài: đã khẳng định lại ý nghĩa của vấn đề và đưa ra hướng giải quyết.
2. Việc tác giả dành đoạn đầu trong thân bài để đưa ra cách hiểu về khái niệm "thần tượng" có tác dụng như thế nào trong cách triển khai vấn đề?
Trả lời:
Tác dụng:
- Làm rõ được vấn đề nghị luận, từ đó đưa ra quan niệm về vấn đề sẽ được triển khai trong các phần tiếp theo.
- Từ khái niệm đã được giải thích, người viết sẽ dễ dàng khẳng định vấn đề đó là đúng hay cần phải bác bỏ.
3. Nhận xét về cách người viết sử dụng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ các luận điểm chính trong văn bản.
Trả lời:
- Cách người viết sử dụng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ các luận điểm chính trong văn bản: với mỗi luận điểm, người viết đều triển khai theo trình tự: lí lẽ - bằng chứng - lí lẽ.
- Nhận xét:
+ Các lí lẽ kết hợp với bằng chứng giúp lập luận trở nên chặt chẽ và tăng tính thuyết phục.
+ Giúp người đọc/ người nghe dễ dàng tiếp nhận và hiểu rõ ý kiến, quan điểm của người viết.
4. Nêu một số từ ngữ, câu văn cho thấy người viết đã chú ý thể hiện quan điểm của mình, nhận xét về cách thể hiện ấy.
Trả lời:
- Một số từ ngữ, câu văn cho thấy người viết đã chú ý thể hiện quan điểm của mình:
+ "Con người, nhất là người trẻ, cần đến thần tượng là để tôn thờ hay vươn lên? Câu trả lời, theo tôi, phải là cả hai".
+ "...theo tôi, mỗi người trẻ chúng ta cần và nên có thần tượng".
- Nhận xét:
+ Người viết thể hiện quan điểm thông qua việc đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi đó theo suy nghĩ hoặc khẳng định lại quan điểm của bản thân.
+ Việc người viết thể hiện quan điểm đã khéo léo mở rộng, khẳng định được quan điểm của bản thân và giúp người nghe/ người đọc có cái nhìn mới mẻ và rõ ràng hơn.
5. Bạn rút ra kinh nghiệm hay lưu ý gì trong cách trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống từ ngữ liệu trên?
Trả lời:
Kinh nghiệm, lưu ý trong cách trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống: Bài viết cần có đầy đủ 3 phần:
- Mở bài:
+ Nêu được vấn đề xã hội cần nghị luận.
+ Nêu sự cần thiết (ý nghĩa, tầm quan trọng) của vấn đề.
- Thân bài:
+ Trình bày và triển khai ít nhất hai luận điểm chính.
+ Biết cách kết hợp các lí lẽ và bằng chứng để bài viết thêm lập luận chặt chẽ, sắc bén và có tính thuyết phục.
+ Thể hiện nhận thức, quan niệm hoặc thái độ của bản thân về vấn đề.
+ Cần hướng tới giải pháp cho vấn đề hoặc phải rút ra nhận thức chung.
- Kết bài:
+ Khẳng định lại vấn đề nghị luận.
+ Trình bày cảm nhận của bản thân và nêu ý nghĩa thực tiễn của vấn đề.
Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội, ngắn nhất, Ngữ văn lớp 10, Chân trời sáng tạo
II. Thực hành viết theo quy trình
Đề bài: Hãy viết văn bản nghị luận trình bày ý kiến về một trong những vấn đề sau:
- Tầm quan trọng của động cơ học tập;
- Ứng xử trên không gian mạng;
- Quan niệm về lòng vị tha;
- Thị hiếu của thanh niên ngày nay,...
HS lựa chọn vấn đề và viết văn bản nghị luận trình bày ý kiến của bản thân.
* BÀI VIẾT THAM KHẢO:
Nghị luận trình bày ý kiến về vấn đề sau "Ứng xử trên không gian mạng"
Ngày nay, việc giao tiếp, ứng xử trên mạng internet không còn là hiện tượng xa lạ mà trở nên thân thuộc và chiếm vị trí quan trọng trong cuộc sống. Vậy một câu hỏi cần thiết được đặt ra là: Làm thế nào để chúng ta có những ứng xử phù hợp và văn minh trên không gian mạng?
Để trả lời được vấn đề quan trọng và cần thiết này, trước hết, chúng ta phải hiểu "ứng xử trên không gian mạng" nghĩa là gì? Như cách hiểu thông thường, ứng xử là cách con người giao tiếp, trò chuyện, đối xử và tương tác với nhau. Ứng xử trên không gian mạng cũng giống như cách ứng xử trong đời sống hàng ngày nhưng lại có sự thay đổi về môi trường. Hay hiểu rộng hơn, ứng xử trên không gian mạng chính là việc chúng ta sử dụng mạng xã hội, đưa ra thái độ, suy nghĩ của bản thân trước những thông tin được truyền tải trên đó.
Hiện nay, số lượng người sử dụng internet rất nhiều, dẫn đến việc "dân cư" trên không gian mạng gia tăng một cách mạnh mẽ. Mỗi ngày, các tin tức mới mẻ và có "sức nóng" sẽ được cập nhật liên tục, kéo theo đó là tốc độ lan truyền thông tin nhanh chóng. Điều này dẫn tới việc mọi người tích cực tham gia thảo luận, bàn bạc về các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, không phải vấn đề nào cũng được thảo luận một cách hòa bình, có văn hóa. Trong một vài trường hợp, khi bất đồng quan điểm, "một vài cư dân" sẽ đưa ra những phát ngôn xúc phạm, chửi rủa thậm chí là từ ngữ tục tĩu. Không chỉ dừng lại ở phạm vi người chia sẻ và tiếp nhận câu chuyện, ứng xử và tương tác còn thể hiện trong mối quan hệ với bạn bè, phụ huynh, thần tượng, người nổi tiếng,... Và đôi khi, chính suy nghĩ bảo thủ cùng cái "tôi" của bản thân quá cao, một bộ phận bạn trẻ có cách ứng xử rất kém, thái độ tỏ ra hống hách, thô lỗ, thiếu lịch sự hoặc đánh mất những giá trị đạo đức khác. Vậy nên, có thể nói, không gian mạng ở Việt Nam đang "ô nhiễm" bởi những hành xử vô văn hóa, vô văn minh của một vài cá nhân, một vài bộ phận.
Từ thực trạng đang tồn tại hiện nay, tất cả phải cùng nhau chung tay cải tạo không gian mạng. Vậy, chúng ta cần hành động như thế nào? Theo tôi, đầu tiên phải xuất phát ngay từ bản thân mỗi người. Mỗi người cần có ý thức chịu trách nhiệm với những hành xử và phát ngôn của mình. Chúng ta tham gia thảo luận, chia sẻ ý kiến một cách tích cực trên cơ sở tôn trọng các cá nhân khác. Thay vì sử dụng các từ ngữ thô tục, mỗi người hãy lựa chọn cách nói hài hòa và văn minh. Nói chuyện có văn hóa và lịch sự cũng là yếu tố cho thấy chúng ta đều được giáo dục đàng hoàng và tử tế. Ngoài ra, việc tiếp cận các thông tin, đánh giá các thông tin một cách chính xác cũng là điều mỗi chúng ta nên làm. Hãy thật tỉnh táo trước những thông tin đúng và sai, giả và thật để không a dua hay bị "dắt mũi" và gây nên sự việc không đáng có.
Như tôi đã khẳng định, không gian mạng cũng được coi là "không gian sống thứ hai" của chúng ta. Vì thế, để không gian mạng luôn thân thiện, giàu tính nhân văn, chúng ta cần chung tay bảo vệ và phát huy những điều tốt đẹp, rèn luyện cách ứng xử lịch sự. Hãy trở thành những cư dân thông thái và tỉnh táo!
.....................................................HẾT.................................................
Để có thể viết một bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội hay, các em cần đưa ra lí lẽ, dẫn chứng rõ ràng, thuyết phục. Đồng thời, bày tỏ được quan điểm cá nhân về các vấn đề em đang hướng đến. Đừng quên Taimienphi.vn luôn sẵn sàng và đồng hành trong quá trình chiếm lĩnh tri thức của các em!
https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-viet-van-ban-nghi-luan-ve-mot-van-de-xa-hoi-ngan-gon-ngu-van-lop-10-chan-troi-sang-tao-71728n.aspx
Các văn mẫu lớp 10 khác:
- Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội
- Nghị luận về tầm quan trọng của động cơ học tập
- Nghị luận về ứng xử trên không gian mạng