Động cơ học tập là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập của người học. Bài viết Nghị luận về tầm quan trọng của động cơ học tập Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo, học kì I sẽ giúp em hiểu rõ hơn ý nghĩa, vai trò đó; đồng thời rèn kĩ năng viết khi học môn Ngữ văn 10. Mời em cùng đón xem trên Taimienphi.vn nhé!
Nghị luận về tầm quan trọng của động cơ học tập
Dàn ý và bài văn mẫu 10: Nghị luận về tầm quan trọng của các động cơ học tập
I. Dàn ý Nghị luận về tầm quan trọng của động cơ học tập
1. Mở bài:
- Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận: tầm quan trọng của động cơ học tập.
- Nêu sự cần thiết, tầm quan trọng của vấn đề.
2. Thân bài:
* Luận điểm 1: Giải thích động cơ học tập là gì?
- Giải nghĩa động cơ học tập là gì?
- Khẳng định tầm quan trọng của động cơ học tập đối với người học.
* Luận điểm 2: Nêu ý nghĩa của việc học tập có động cơ:
- Chứng minh việc có động cơ học tập mang đến nhiều lợi ích cho người học. Từ đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của động cơ học tập đối với mỗi người
* Luận điểm 3: Thực trạng động cơ học tập của học sinh ngày nay:
- Nêu ra thực trạng động cơ học tập của học sinh hiện nay: không có động cơ, học nhưng không xác định được mục đích học,...
- Chỉ ra một vài nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó.
* Luận điểm 4: Đưa ra một số giải pháp để người học rèn luyện và bồi dưỡng động cơ học tập cho bản thân.
-> Lưu ý: Bài viết cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại vấn đề nghị luận.
- Liên hệ bản thân.
Bài văn mẫu Nghị luận về tầm quan trọng của động cơ học tập hay nhất
II. Bài viết tham khảo Nghị luận về tầm quan trọng của động cơ học tập
Trong quá trình học tập, chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của động cơ học tập. Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự tiếp thu kiến thức và thành tích của người học. Vậy để rèn luyện và bồi dưỡng cho bản thân những động cơ khi học tập, chúng ta cần phải làm như nào?
Hiện nay, nhiều bạn trẻ vẫn còn bỡ ngỡ với cụm từ "động cơ học tập". Trước hết, hiểu một cách đơn giản thì động cơ học tập chính là động lực học tập, chúng được kích thích bởi một mục đích học tập nào đó. Hiểu sâu rộng hơn thì động cơ học tập là yếu tố hoặc nguyên nhân nào đó thúc đẩy con người học tập, nhằm hướng tới một kết quả nào đó mà bản thân đã đề ra. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định động cơ học tập mang lại sức mạnh nội tại cho người học khi nó vừa kích thích tinh thần học tập, vừa duy trì sự hứng thú và ham muốn được tìm tòi, mở rộng kiến thức.
Không chỉ đem lại sức mạnh tinh thần, động cơ học tập còn mang tới nhiều lợi ích cho người học trong quá trình học tập. Một người có động cơ học tập đồng nghĩa với việc xác định được mục đích học và đề ra phương pháp học phù hợp. Từ đây, người học sẽ trở nên hăng hái tìm tòi học hỏi, đắm chìm trong kiến thức với tinh thần tự nguyện chứ không phải ép buộc,... Nếu có động lực, người học cũng nhanh chóng bứt tốc khỏi giới hạn ban đầu, trở nên tài giỏi hơn và có thể đạt được những thành tựu nhất định. Không chỉ vậy, bồi dưỡng được động lực học tập còn giúp người học tìm ra được nhu cầu học của bản thân, từ đó thỏa mãn mong muốn khám phá tri thức. Ta bắt gặp những con người vừa có tài năng, vừa có ý chí học tập nên đạt được rất nhiều thành công. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người ra đi tìm đường cứu nước với mong muốn giúp dân tộc ta thoát khỏi ách nô lệ của chế độ thực dân. Với những mục tiêu được xác định rõ ràng cùng sự kiên định của bản thân, Người đã đưa nước Việt Nam từ chế độ nửa phong kiến nửa thực dân trở thành nước Việt Nam độc lập vào năm 1945. Hay còn là Giáo sư Bác sĩ Tôn Thất Tùng với mục tiêu và mong muốn đưa nền y học Việt Nam sánh ngang với các nước trên thế giới. Đứng trước những quyết tâm ấy, bác sĩ đã nghiên cứu thành công nhiều phương pháp điều trị cùng các công trình nghiên cứu y khoa thúc đẩy phát triển ngành y tế mà tiêu biểu là phương pháp mổ gan khô. Ngày nay, các đóng góp và cống hiến của ông vẫn được áp dụng trong nghiên cứu, học tập tại các trường y. Năm 2022, Google Doodle cho ra mắt một logo để tưởng nhớ và tôn vinh ông.
Động cơ học tập mang lại sức mạnh, thúc đẩy ý chí người học và ảnh hưởng tới kết quả học tập nhưng ngày nay, một vài bạn trẻ lại không nhận ra tầm quan trọng của vấn đề này. Một số bạn đến trường với tâm thế không xác định được mục đích của việc học, không biết bản thân học để làm gì. Một vài người khác lại học tập hời hợt, không có ý chí tiến thủ. Hoặc thậm chí có bạn đi học chỉ vì mong ước của người khác nên không thể tạo ra động lực kích thích bản thân học tập. Thực trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân. Trước hết là người học không tự xác định được mục tiêu học tập của bản thân, từ đó chán nản mà bỏ cuộc. Ngoài ra, có thể do người học xác định sai ngành học, trường học nên không hứng thú, mặn mà với việc học. Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân còn đến từ các bậc phụ huynh khi không lắng nghe mong muốn, ước mơ của con cái mà bắt ép chúng học theo ý muốn của mình.
Vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để mỗi người rèn luyện và bồi dưỡng động cơ học tập cho bản thân? Để trả lời được câu hỏi này, người học cần tự ý thức việc học của bản thân. Đầu tiên, chúng ta nên tự xác định mục tiêu học đúng đắn, lấy một mốc kết quả nào đó để kích thích bản thân. Nếu trong quá trình học có kết quả không theo ý muốn, thay vì chán nản mà từ bỏ thì chúng ta nên suy nghĩ và tìm cách giải quyết phù hợp. Đặc biệt, chúng ta không để những yếu tố bên ngoài tác động tới ý chí của bản thân như việc học theo ý muốn của người khác,...
Qua đây, chúng ta càng thêm khẳng định tầm quan trọng của động cơ học tập đối với mỗi người học. Vì thế, để ngọn lửa tìm tới tri thức mãi bùng cháy, tôi và các bạn cần tự xác định động lực để thúc đẩy và phát triển bản thân, để nuôi dưỡng đam mê và hứng thú với con đường kiến thức.
.....................................................HẾT.................................................
https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-ve-tam-quan-trong-cua-dong-co-hoc-tap-71730n.aspx
Từ bài văn Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội trên đây, em hãy tham khảo để thấy được ý nghĩa của việc học tập có động cơ, đồng thời rèn luyện cho bản thân các kĩ năng khi viết bài văn nghị luận về một vấn đề. Bên cạnh đó, Taimienphi.vn còn biên soạn văn mẫu lớp 10 với một số dạng đề quen thuộc của Ngữ văn 10 - Chân trời sáng tạo:
- Phân tích Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời
- Nghị luận về ứng xử trên không gian mạng