Nghị luận về một vấn đề trong đời sống Ngữ văn 7

Hãy cùng Taimienphi.vn viết bài Nghị luận về một vấn đề trong đời sống Ngữ văn 7, Chân trời sáng tạo, học kì II dựa theo những gợi ý chi tiết dưới đây. Từ đó, nắm chắc kĩ năng và rút ra kinh nghiệm khi làm dạng đề này.

Đề bài: Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm.

nghi luan ve mot van de trong doi song ngu van 7

Dàn ý và bài văn mẫu Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm hay nhất
 

Nội dung bài viết:
A. Đề 1. Sức mạnh của tình yêu thương.
B. Đề 2. Vai trò của việc tự học.
C. Đề 3. Những tác động tích cực và tiêu cực của mạng xã hội đến học sinh.
D. Đề 4. Bạo lực học đường.
E. Đề 5. Bàn về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn.
F. Đề 6. Trình bày ý kiến về câu nói của Lê-nin (Lenin): Học, học nữa, học mãi.


A. Đề 1: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sông - Sức mạnh của tình yêu thương
 

I. Dàn ý Nghị luận về vấn đề: sức mạnh của tình yêu thương

1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận.
- Nêu ý kiến chung về vấn đề.
2. Thân bài:
* Giải thích:
- Tình yêu thương: tình cảm thương yêu, đùm bọc, san sẻ một cách thắm thiết, không vụ lợi hay mưu cầu lợi ích cá nhân.
* Bàn luận: tình yêu thương có ý nghĩa to lớn trong cuộc sống con người:
- Giúp mỗi cá nhân biết sống đẹp, sống có ích hơn.
- Tình yêu thương sẽ xóa nhòa khoảng cách giữa người với người, gắn kết các cá nhân đến gần nhau hơn.
- Xã hội trở nên văn minh, hạnh phúc và tốt đẹp.
* Bài học nhận thức và hành động:
- Mỗi người cần có nhận thức đúng đắn, tích cực rèn luyện đức tính, phẩm chất đạo đức.
- Thường xuyên giúp đỡ mọi người xung quanh, biết cho đi nhiều hơn.
- Phê phán, lên án những con người sống ích kỉ, tham lam.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại ý kiến.

 

II. Bài văn mẫu Nghị luận về một vấn đề trong đời sống: sức mạnh của tình yêu thương

"Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"

Từ xa xưa, ông cha ta đã khuyên nhủ con cháu phải biết sống nhân ái, đùm bọc lẫn nhau. Lời răn dạy ý nghĩa này được gửi gắm trong rất nhiều câu ca dao, tục ngữ và vẫn còn giá trị đến tận ngày nay. Có thể thấy, tình yêu thương chính là sức mạnh vô biên, giúp cuộc sống con người ngày một tốt đẹp hơn.

Mọi thứ sẽ thật tối tăm, đau khổ nếu thế gian thiếu vắng tình thương. Yêu thương là tình cảm chân thành xuất phát từ trái tim, tấm lòng con người. Người có tình thương yêu sẽ luôn đùm bọc, san sẻ, giúp đỡ người khác. Họ làm tất thảy mọi thứ mà không mong cầu được đền đáp. Như vậy, tình yêu thương chân chính phải xuất phát từ một tâm hồn trong sáng, đẹp đẽ, không có tính toán, vụ lợi hay mưu cầu lợi ích cá nhân.

Nhà văn người Nga Macxim Gorki từng nói "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình thương". Quả đúng như vậy. Tình thương là tình cảm thiêng liêng, cao quý, giúp mỗi người biết sống đẹp, sống có ích hơn. Tình cảm ấy tạo nên sự gắn bó bền chặt giữa các cá nhân trong tập thể, xóa nhòa khoảng cách giữa người với người. Một khi yêu thương được trao đi thì lúc ấy, những số phận bất hạnh như có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn, gian khổ. Từ đây, xã hội sẽ ngày càng văn minh, hạnh phúc và tốt đẹp.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, các y bác sĩ, chiến sĩ, tình nguyện viên đã không ngại vất vả, đi sâu vào tâm dịch. Họ dũng cảm chiến đấu với dịch bệnh nguy hiểm để tiếp viện lương thực, bảo vệ sức khỏe người dân. Hay hằng năm, cứ độ Đông về, nhiều nhóm sinh viên lại phát động chiến dịch "Đông ấm" nhằm giúp đỡ trẻ em vùng cao miền Tây Bắc,... Như vậy, yêu thương vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống thường ngày.

Thật tuyệt vời biết bao nếu thế gian rộng lớn được bao phủ bởi tình yêu, sự sẻ chia, đồng cảm. Chính vì thế, các bạn ơi, ngay từ bây giờ, mỗi người cần có nhận thức và hành động đúng đắn. Hãy tích cực rèn luyện đức tính, phẩm chất đạo đức tốt đẹp như: lòng nhân ái, bao dung,... Đồng thời, biết lên án, phê phán những người sống ích kỉ, tham lam, chỉ biết nhận lại mà không hề cho đi.

Tình yêu thương giống như sợi dây vô hình, nối chặt những trái tim vào nhau. Theo thời gian, tình cảm ấy vẫn mãi rực sáng như Vích-to Huy-gô đã khẳng định "Trên đời, chỉ có một điều ấy thôi, đó là thương yêu nhau".

 

B. Đề 2: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống - Vai trò của việc tự học
 

I. Dàn ý Nghị luận về vấn đề: vai trò của việc tự học

1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận.
- Nêu ý kiến chung về vấn đề.
2. Thân bài:
* Giải thích:
- Tự học: việc một ai đó tự giác, tích cực và tự lực tiếp thu, học hỏi các kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau mà không có sự tham gia hướng dẫn trực tiếp của thầy cô giáo.
* Bàn luận: tự học giữ vai trò lớn lao trong quá trình nâng cao khả năng hiểu biết và tiếp lĩnh tri thức mới của người học:
- Tạo điều kiện cho người học tìm hiểu kiến thức mới, kích thích hoạt động tư duy, sáng tạo.
- Góp phần hình thành, trau dồi nhân cách cho học sinh: thói quen chủ động, độc lập, dám đương đầu với khó khăn, tự mình giải quyết các vấn đề.
- Tự học thúc đẩy học sinh không ngừng nỗ lực, vươn cao để chạm tới đỉnh cao của nhân loại.
* Bài học nhận thức và hành động:
- Mỗi cá nhân cần nỗ lực rèn luyện để sớm thích ứng với phương pháp tự học.
* Phản đề:
- Không vì đề cao tự học mà hạ bệ việc học tập từ thầy cô, bạn bè.
- Phải biết kết hợp nhiều phương pháp học tập để đạt được kết quả tốt nhất.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại ý kiến.
 

II. Bài văn mẫu Nghị luận về một vấn đề trong đời sống: vai trò của việc tự học

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "Trong cách học, phải lấy tự học làm cốt". Câu nói của Người đã nhấn mạnh vào tầm quan trọng, vai trò to lớn của việc tự học đối với mỗi người.

Vậy, thế nào là tự học? Theo tôi, tự học là việc một ai đó tự giác, tích cực, chủ động và tự lực học hỏi, tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau. Quá trình học tập ấy không có sự tham gia hướng dẫn trực tiếp của thầy cô giáo hay bạn bè.

Sống trong một thế giới phát triển không ngừng nghỉ, chúng ta cần nhanh chóng lĩnh hội tri thức để kịp thời bắt kịp. Muốn làm được điều đó, mỗi người phải ra sức học tập, không nên trông đợi vào bất kì ai. Như vậy, tự học chính là phương pháp tối ưu giúp chúng ta tìm hiểu, khám phá chân trời kiến thức mới. Đồng thời, tạo điều kiện cho người học tự nghiên cứu, bóc tách vấn đề, từ đó kích thích tư duy sáng tạo. Ngoài ra, tự học còn có vai trò quan trọng trong việc hình thành, trau dồi nhân cách cho học sinh như thói quen chủ động, độc lập, dám đương đầu với khó khăn, tự mình giải quyết các vấn đề. Cuối cùng, tự học thúc đẩy con người cần không ngừng nỗ lực, vươn lên để chạm tới đỉnh cao, để khẳng định bản thân và để thích ứng với mọi biến cố của thời đại.

Là một người học sinh, chúng ta nên nỗ lực rèn luyện, tích cực học tập hơn nữa. Hãy tự học hỏi, thực hành trong mọi hoàn cảnh. Đừng để bản thân trở thành kẻ lười biếng, ỷ lại và ngu dốt, bạn nhé!

Có thể thấy, tự học giữ vai trò to lớn trong quá trình nâng cao khả năng hiểu biết và lĩnh hội tri thức mới của người học. Song, điều đó không đồng nghĩa với hạ bệ việc học tập từ thầy cô, bạn bè hay những người xung quanh. Chúng ta phải biết kết hợp nhiều phương pháp, kĩ năng để đạt được kết quả tốt nhất.

Con đường dẫn tới thành công, đỉnh vinh quang không thể thiếu việc học tập. Vì thế, hãy trở thành người ham học, tích cực lĩnh hội tri thức mới. Đừng để tự học mãi mãi chỉ là một phương pháp học tập xa vời, khó với tới.

Viet bai van ve mot van de trong doi song

Top bài viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến tán thành) siêu hay của học sinh giỏi
 

C. Đề 3: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống - Những tác động tích cực và tiêu cực của mạng xã hội đến học sinh
 

I. Dàn ý Nghị luận về vấn đề: Những tác động tích cực và tiêu cực của mạng xã hội đến học sinh

1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận.
- Nêu ý kiến chung về vấn đề.
2. Thân bài:
* Giải thích:
- Mạng xã hội: một trang web, nền tảng trực tuyến như Facebook, Youtube,... Đây là nơi mà chúng ta có thể kết nối với tất cả mọi người trên thế giới, không kể đối phương là người xa lạ hay thân quen.
* Bàn luận: mạng xã hội giống như con dao hai lưỡi, mang đến nhiều lợi ích song cũng để lại vô vàn tác động tiêu cực:
- Tác động tích cực:
+ Dễ dàng kết nối mọi người.
+ Giúp con người giải trí.
- Tác động tiêu cực:
+ Tương tác online thông qua màn hình máy tính, điện thoại dễ làm con người xa rời nhau, những cuộc gặp mặt, trò chuyện trực tiếp dần trở nên ít ỏi.
+ Đẩy con người đến tình trạng "nghiện mạng xã hội", "nghiện điện thoại".
+ Một số trào lưu xấu trên mạng xã hội gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách học sinh.
* Bài học nhận thức và hành động:
- Mỗi người cần thật tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội, không nên học theo những thứ xấu xí, tiêu cực.
- Biết sắp xếp thời gian biểu hợp lí giữa việc học và chơi.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại ý kiến.
 

II. Bài văn mẫu Nghị luận về một vấn đề trong đời sống: Những tác động tích cực và tiêu cực của mạng xã hội đến học sinh

Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, của cách mạng khoa học hiện đại. Những trang mạng xã hội ra đời đã và đang để lại nhiều tác động tích cực lẫn tiêu cực đến học sinh.

Hiểu đơn giản, mạng xã hội là một trang web hoặc nền tảng trực tuyến. Nơi này có rất nhiều tính năng khác nhau, giúp chúng ta dễ dàng kết nối với tất cả mọi người trên thế giới, không kể đối phương là người xa lạ hay thân quen. Để truy cập mạng xã hội, chúng ta có thể sử dụng điện thoại thông tinh, laptop, máy tính hoặc ipad.

Hiện nay, Facebook, Instagram, Tiktok, Youtube,... là những mạng xã hội phổ biến trên toàn cầu. Theo một thống kê, người ta chỉ ra rằng "Facebook là trang web được truy cập nhiều thứ ba trên Thế Giới với tổng số 11,2 tỷ lượt truy cập, 1,5 tỷ lượt người truy cập và thời gian trung bình mỗi lượt truy cập là 21 phút 52 giây". Mạng xã hội giống như con dao hai lưỡi, mang đến nhiều lợi ích song cũng để lại vô vàn tác động tiêu cực. Các trang mạng góp phần giúp con người kết nối, trò chuyện mà không cần gặp mặt trực tiếp. Với những trường hợp ở cách xa nhau ngàn cây số, chỉ cần chạm vào nút "video call", chúng ta đã có thể nhìn thấy người thân hay bạn bè. Ngoài ra, mạng xã hội còn là nơi để chúng ta giải trí, thư giãn. Những trào lưu, trend thường được cập nhật trên đây. Nhờ đó, các bạn trẻ kịp thời bắt kịp xu hướng mới của thế giới.

Như đã nói, mạng xã hội cũng có nhiều mặt trái. Việc tương tác online thông qua màn hình máy tính, điện thoại dễ làm con người xa rời nhau. Những cuộc gặp mặt, trò chuyện trực tiếp dần trở nên ít ỏi. Thường xuyên lướt mạng sẽ đẩy con người đến tình trạng "nghiện mạng xã hội", "nghiện điện thoại", gây ảnh hưởng tới học tập và công việc. Ngoài ra, các thông tin tiêu cực, trào lưu "bẩn" trên mạng sẽ tác động trực tiếp đến tâm sinh lí, nhân cách học sinh - đối tượng cần được giáo dục, định hướng cẩn thận.

Chính vì thế, mỗi người phải thật tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội, đừng khiến bản thân giống như con rối bị người khác điều khiển. Đồng thời, biết sắp xếp thời gian biểu hợp lí giữa học và chơi. Hãy để những thiết bị công nghệ là công cụ đắc lực giúp ích cho ta trong việc học tập thay vì biến mình thành "nô lệ" của chúng.

Mạng xã hội thường có nhiều chủ đề hấp dẫn và mới lạ. Tuy nhiên, mỗi cá nhân nên chọn lọc những nội dung thực sự bổ ích, tránh sa đà vào vấn nạn tiêu cực. Hi vọng rằng, các bạn học sinh sẽ dùng mạng xã hội một cách thông minh, đúng mực.
 

 D. Đề 4: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống - Bạo lực học đường
 

I. Dàn ý Nghị luận về vấn đề trong đời sống: bạo lực học đường

1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận.
- Nêu ý kiến chung về vấn đề.
2. Thân bài:
* Giải thích:
- Bạo lực học đường: việc một cá nhân nào đó dùng lời nói, hành vi mang tính bạo ngược để tấn công người khác.
* Bàn luận:
- Bạo lực học đường là một vấn đề nan giải, khiến các nhà quản lí giáo dục đau đầu trong việc giải quyết.
- Ngày nay, bạo lực học đường diễn ra dưới nhiều hình thức.
- Vấn nạn này đã để lại nhiều hậu quả đáng buồn: người bị tấn công phải chịu thương tổn về thể chất, tinh thần, sức khỏe.
* Bài học nhận thức và hành động:
- Mỗi cá nhân phải tự ý thức được lời nói, hành vi của bản thân. Hãy trao đi yêu thương để nhận lại yêu thương. Đồng thời, nên hòa đồng, đoàn kết với các bạn trong cùng một tập thể.
- Nhà trường cần tăng cường giáo dục cho học sinh các kĩ năng sống cần thiết như: giao tiếp, ứng xử.
- Phụ huynh cần chú ý hỏi thăm, trò chuyện và quan tâm con trẻ nhiều hơn. Từ đó, dễ dàng nắm bắt việc học tập, sinh hoạt ở trường lớp của con mình.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại ý kiến.
 

II. Bài văn mẫu Nghị luận về một vấn đề trong đời sống: bạo lực học đường

Bạo lực học đường vẫn luôn là vấn nạn nhức nhối, được nhiều nhà quản lí giáo dục, xã hội quan tâm. Vấn nạn này đã và đang để lại vô số hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, sức khỏe của con người.

Bạo lực học đường là việc một cá nhân nào đó dùng lời nói, hành vi mang tính bạo ngược tấn công người khác. Nạn nhân có thể là nam hoặc nữ, ở bất kì độ tuổi nào. Những người có hành vi bạo lực, bắt nạt sẵn sàng dùng sức mạnh của bản thân để xâm phạm đối phương dù đang học tập trong môi trường giáo dục.

Cho đến nay, bạo lực học đường vẫn luôn là vấn đề nan giải, chưa thể giải quyết triệt để. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra số liệu cụ thể về hiện tượng này như sau "Trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học". Đây quả là con số biết nói, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh tới tất cả mọi người. Ngày nay, bạo lực học đường diễn ra dưới nhiều hình thức nhưng phổ biến nhất là bạo lực thể chất. Tiếp đến là bạo lực xã hội - xa lánh, tẩy chay, bạo lực mạng và bạo lực bằng lời nói. Dù là hình thức nào đi chăng nữa thì nạn nhân vẫn phải chịu các tổn thương về sức khỏe, tâm lí. Một số người không thể thoát khỏi nỗi sợ bản thân, dẫn đến trầm cảm, u uất, rối loạn tâm thần.

Từ đây, chúng ta cần chung tay xóa bỏ vấn nạn này ra khỏi môi trường học đường. Mỗi cá nhân phải tự ý thức được lời nói, hành vi của mình. Hãy trao đi yêu thương để nhận lại yêu thương. Đồng thời, nên hòa đồng, đoàn kết với tất cả mọi người. Nhà trường cần tăng cường giáo dục cho học sinh kĩ năng sống cần thiết như: giao tiếp, ứng xử. Khi xảy ra tình huống bạo lực học đường, thầy cô nên giải quyết hợp lí, lấy đó làm tấm gương để không ai noi theo. Ngoài ra, cha mẹ, phụ huynh cần chú ý hỏi thăm, trò chuyện và quan tâm con trẻ nhiều hơn. Thông qua đấy, nắm bắt tình hình học tập, sinh hoạt ở trường lớp của con mình.

Mong rằng, trong tương lai không xa, môi trường giáo dục sẽ luôn văn minh, lành mạnh, không còn tình trạng bạo lực học đường. Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần chăm chỉ học tập, bồi dưỡng lối sống, đạo đức cao đẹp, bạn nhé!
 

E. Đề 5: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống - Bàn về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn
 

I. Dàn ý Bàn về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn

1. Mở bài:
- Giới thiệu câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn".
- Nêu ý kiến chung về câu tục ngữ.
2. Thân bài:
* Giải thích câu tục ngữ:
- Nghĩa đen: "nguồn" - thượng nguồn, nơi khởi đầu của dòng chảy.
- Nghĩa bóng: "nguồn" - nguồn cội, tổ tiên, là thế hệ trước.
-> Câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta phải biết biết ơn, nhớ về thế hệ cha ông.
* Bàn luận:
- Lòng biết ơn giúp mỗi người ghi nhớ, khắc sâu công lao lớn lao của người khác.
- Giúp các cá nhân thêm gắn bó, đoàn kết với nhau hơn, từ đây, xã hội ngày thêm hạnh phúc và tươi đẹp.
- Người có tấm lòng biết ơn sẽ luôn được người khác yêu mến, kính trọng.
* Bài học nhận thức và hành động:
- Trận trọng những thành quả của người khác.
- Luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp.
- Phê phán những cá nhân sống vô ơn, vị kỉ, có suy nghĩ lệch lạc.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại ý kiến.

 

II. Bài văn mẫu Nghị luận về một vấn đề trong đời sống: Bàn về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn

Biết ơn là một đạo lí tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Mỗi khi nhắc tới truyền thống quý báu ấy, ta sẽ nghĩ ngay đến câu "Uống nước nhớ nguồn". Câu tục ngữ chính là lời nhắn nhủ khéo khéo của cha ông với hậu thế sau này.

Chỉ với bốn tiếng ngắn gọn nhưng "Uống nước nhớ nguồn" lại chứa đựng ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Theo nghĩa đen, "nguồn" là thượng nguồn, nơi khởi đầu của dòng chảy. Theo nghĩa bóng, "nguồn" là nguồn cội, ông bà tổ tiên, thế hệ đi trước. Như vậy, câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta phải biết sống biết ơn, hướng tấm lòng trân trọng về thế hệ cha ông.

Hàng năm, vào ngày 27/7, nhà nước cùng nhiều cấp chính quyền địa phương thường dâng hương, dâng hoa để tỏ lòng thành kính trước các anh hùng liệt sĩ. Hay trong ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11, lớp lớp thế hệ học trò tề tựu về mái trường thân quen rồi bày tỏ tấm lòng đến thầy cô - những người chèo đò tận tâm. Có thể thấy, lòng biết ơn đã trở thành truyền thống đạo đức tốt đẹp, giúp mỗi người ghi nhớ, khắc sâu công lao lớn lao của người khác. Đồng thời, góp phần gắn kết các cá nhân. Từ đó, xã hội ngày thêm hạnh phúc và văn minh. Người có tấm lòng biết ơn sẽ luôn được mọi người yêu mến, kính trọng.

Tuy nhiên, trong cuộc sống ngày nay, vẫn còn những cá nhân sống vô ơn, vị kỉ "ăn cháo đá bát", "qua cầu rút ván". Họ lợi dụng lòng tốt của mọi người để kiếm lợi cho bản thân. Họ coi việc người khác giúp đỡ mình là điều hiển nhiên. Số khác thì lựa chọn sống hưởng thụ, chỉ biết nhận mà không biết cho. Đây đều là các trường hợp cần bị lên án, phê phán mạnh mẽ.

Qua câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn", ông cha ta đã gửi gắm bài học sâu sắc về đạo lí sống biết ơn, có trước có sau. Vì thế, chúng ta - những chủ nhân tương lai của đất nước phải luôn trân trọng thành quả mà thế hệ trước gây dựng. Song song với đó là cần tự ý thức về trách nhiệm bản thân trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp.
 

F. Đề 6: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống - Trình bày ý kiến về câu nói của Lê-nin (Lenin): Học, học nữa, học mãi
 

I. Dàn ý Trình bày ý kiến về câu nói của Lê-nin (Lenin): Học, học nữa, học mãi

1. Mở bài:
- Giới thiệu câu nói của Lê-nin.
- Nêu ý kiến chung về câu nói.
2. Thân bài:
* Giải thích vấn đề:
- Câu nói của Lê-nin đã khẳng định, nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa to lớn của việc học.
- "Học, học nữa, học mãi": học không ngừng nghỉ, học đến suốt đời.
* Bàn luận:
- Vai trò, ý nghĩa của việc học:
+ Học tập giúp con người mở mang tri thức, vốn hiểu biết, có thêm kĩ năng, kinh nghiệm để thực hành vào đời sống.
+ Việc học sẽ giúp chúng ta tồn tại, phát triển và hòa nhập với cộng đồng. Nếu không có tri thức, con người dễ dàng bị đào thải ra khỏi xã hội, tập thể.
+ Học để nắm bắt được xu thế phát triển, để theo kịp bước chân của nhân loại và để tồn tại.
- Bài học nhận thức, hành động:
+ Tích cực, chủ động trong việc học; chăm chỉ mở rộng vốn tri thức, có phương pháp học tích cực.
+ Biết chọn lọc những điều hay, điều tốt để học tập và ứng dụng.
+ Học phải đi đôi với thực hành.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại ý kiến.
 

II. Bài văn mẫu Nghị luận về một vấn đề trong đời sống: Trình bày ý kiến về câu nói của Lê-nin (Lenin): Học, học nữa, học mãi

Học tập là chìa khóa dẫn con người đến với thành công, đến với đỉnh cao tri thức của nhân loại. Nói về vai trò và tầm quan trọng mà việc học mang đến, Lê-nin từng khẳng định "Học, học nữa, học mãi".

Câu nói ngắn gọn với năm từ nhưng có đến ba từ "học". Có thể thấy, Lê-nin muốn nhấn mạnh vào giá trị to lớn của việc học tập. Học ở đây là học không ngừng nghỉ, không có giới hạn, học đến suốt đời. Như vậy, ngồi học trên ghế nhà trường là chưa đủ. Chúng ta phải học ở mọi môi trường, mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, đừng nên học suông lí thuyết mà bỏ qua thực hành thực tiễn.

Kiến thức là vô tận, không bao giờ vơi. Nếu không học, con người sẽ chẳng thể làm nổi bất kì một công việc nào. Học tập giúp chúng ta mở mang tri thức, vốn hiểu biết, có thêm kĩ năng, kinh nghiệm quý báu. Đồng thời, giúp mỗi người tồn tại, phát triển và hòa nhập với cộng đồng. Chúng ta dễ dàng bị đào thải ra khỏi xã hội, tập thể nếu có cái đầu rỗng tuếch, không chút tri thức. Không chỉ vậy, việc học còn góp phần thúc đẩy các cá nhân không ngừng cố gắng, nỗ lực để nắm bắt xu thế phát triển, để theo kịp bước chân của nhân loại và để tồn tại.

Ngừng lại việc học đồng nghĩa với tụt hậu, ngu dốt đeo bám. Bởi vậy, là một học sinh - mầm non của đất nước, chúng ta cần tích cực, chủ động học tập, chăm chỉ lĩnh hội tri thức mới. Khi thấy khó khăn, gian khổ, đừng vội từ bỏ mà hãy can đảm đối mặt. Ngoài ra, cần xác định mục tiêu, động lực học tập đúng đắn. Từ đó, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để chinh phục và hoàn thành.

Dù ở thời đại nào đi chăng nữa thì câu nói "Học, học nữa, học mãi" của Lê-nin vẫn hoàn toàn đúng đắn. Học là con đường dài bất tận, yêu cầu con người cần kiên trì và nỗ lực. Do đó, đừng bao giờ từ bỏ việc học, bạn nhé!

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-ve-mot-van-de-trong-doi-song-ngu-van-7-74260n.aspx
Đối với dạng đề Nghị luận về một vấn đề trong đời sống này, em cần tập trung làm rõ vấn đề nghị luận bằng cách giải thích, bàn luận. Khi viết, em nên kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng để bài thêm thuyết phục, cuốn hút. Mời em tham khảo thêm một số bài văn mẫu lớp 7 khác trên Taimienphi.vn như:
- Đoạn văn Tự học là không cần sự trợ giúp của người khác
- Trình bày suy nghĩ về tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về vấn đề trong đời sống

Tác giả: Cao Toàn Mỹ     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Nói và nghe: Thảo luận nhóm về vấn đề gây tranh cãi Ngữ văn 7, tập 1 Chân trời sáng tạo
Trình bày suy nghĩ về tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về vấn đề trong đời sống
Nghị luận về Thành lập một câu lạc bộ đọc sách trong nhà trường: nên hay không nên?
Nghị luận về Trò chơi điện tử: lợi hay hại?
Nghị luận về Thần tượng một ai đó: Nên hay không nên?
Từ khoá liên quan:

Nghi luan ve mot van de trong doi song

, Bai van mau Nghi luan ve mot van de trong doi song mon hay nhat, viet bai van nghi luan ve mot van de trong doi song,

SOFT LIÊN QUAN
  • Bộ Sách Chân trời sáng tạo

    File sách mềm Chân trời sáng tạo cho học sinh

    Bộ Sách Chân trời sáng tạo là một trong những bộ sách giáo khoa mới được phát triển theo chương trình mới do Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra. Tương tự như các bộ sách khác, bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo này cũng được ...

Tin Mới