Trình bày suy nghĩ về tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về vấn đề trong đời sống

Tục ngữ là những lời đúc kết của ông cha từ khi có được các kinh nghiệm nhằm truyền lại cho thế hệ con cháu sau này. Các em cùng học cách nghị luận về một vấn đề được rút ra từ tục ngữ qua thông qua bài Trình bày suy nghĩ về tục tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về vấn đề trong đời sống, Ngữ văn 7, Chân trời sáng tạo, học kì II do Taimienphi.vn biên soạn dưới đây để hiểu rõ hơn nhé.

Đề bài: Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về một vấn đề trong đời sống.

trinh bay suy nghi ve tuc ngu hoac danh ngon ban ve van de trong doi song

Nghị luận tục ngữ về con người và xã hội
 

Nội dung bài viết:
Đề số 1: Trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Đề số 2: Trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ: Có công mài sắt, có ngày nên kim.
Đề số 3: Trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ: Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Đề số 4: Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về câu danh ngôn "Người do dự không bao giờ thành công" - Napoleon.


A. Dàn ý chung trình bày suy nghĩ về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về vấn đề trong đời sống:

1. Mở bài:
- Giới thiệu được vấn đề cần bàn luận.
2. Thân bài:
- Giải thích câu tục ngữ hoặc những từ ngữ quan trọng, ý nghĩa của câu danh ngôn.
- Nêu ra được vấn đề từ câu tục ngữ, danh ngôn.
- Chứng minh vấn đề đó thông qua hệ chứng luận điểm, luận cứ chặt chẽ, thuyết phục.
3. Kết bài:
- Khẳng định vấn đề cần bàn luận.
 

B. Dàn ý và bài văn mẫu trình bày suy nghĩ về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về vấn đề trong đời sống:
 

Đề số 1: Trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

I. Dàn ý:
1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận: trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".
2. Thân bài:
* Giải thích câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây":
- Nghĩa đen: khi được hưởng trái ngọt, cần nhớ đến người đã vun trồng, chăm bón chúng.
- Nghĩa bóng: Nhắc nhở con người cần biết ơn, trân trọng thành quả mà người khác đã đem lại cho mình.
* Bàn luận về ý nghĩa của câu tục ngữ:
- Câu tục ngữ đã răn dạy, khuyên nhủ con người về lòng biết ơn trong cuộc sống. Đây là lối sống tốt đẹp, trở thành truyền thống ngàn đời của cha ông.
* Biểu hiện của "ăn quả nhớ kẻ trồng cây":
- Hàng năm, đến ngày 27/7 hoặc 22/12, địa phương lại tổ chức nhiều hoạt động để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã có công với đất nước.
* Nêu lí do phải có lòng biết ơn:
- Lòng biết ơn giúp con người ghi nhớ được công lao của người khác.
- Giúp gắn kết các mối quan hệ. Tạo nên xã hội văn minh, tốt đẹp.
- Luôn được người khác yêu mến, kính nể, đạt được nhiều thành công trong cuộc sống.
* Bài học nhận thức, hành động:
- Trân trọng thành quả của người khác.
- Có ý thức giữ gìn, phát huy các truyền thống tốt đẹp.
3. Kết bài:
- Khẳng định vấn đề cần bàn luận.


II. Bài văn mẫu Trình bày suy nghĩ về tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về vấn đề trong đời sống:

1. Trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây - mẫu số 1:

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, có rất nhiều bài ca dao, tục ngữ được ông cha ta sáng tác nhằm khuyên răn, giáo dục con người. Trong số đó có câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Đây là tục ngữ chứa đựng giá trị sâu sắc, bàn về lòng biết ơn trong cuộc sống.

Đầu tiên, chúng ta cần phải có cái nhìn bao quát và hiểu rõ được nghĩa của câu tục ngữ. Theo nghĩa đen, "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" nói về những người được hưởng trái ngọt thì phải nhớ đến người có công vun trồng, chăm bón. Nhưng sâu xa hơn, nghĩa bóng của câu tục ngữ lại là lời nhắc nhở mỗi người cần biết ơn, trân trọng những thành quả người khác đã đem đến cho mình. Như vậy, câu tục ngữ đã răn dạy, khuyên nhủ con người về lòng biết ơn trong cuộc sống. Đây là một lối sống tốt đẹp, truyền thống ngàn đời của ông cha.

Hàng năm, cứ mỗi dịp 27/7 hay 22/12, Đảng, Nhà nước và chính quyền ở các địa phương luôn làm lễ dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã có công với cách mạng, đất nước. Họ chính là người đã hiến dâng tuổi thanh xuân, xương máu của mình cho nền độc lập dân tộc. Để có được hạnh phúc, yên bình ngày hôm nay là sự đánh đổi của biết bao thế hệ, con người. Việc làm này cũng là cách để chúng ta bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với họ. Ngoài ra, chúng ta còn bày tỏ lòng biết ơn đối với bố mẹ, những người đã có công sinh thành, dưỡng dục ta bằng cách học tập, không ngừng cố gắng, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Hay đó còn tình cảm chân thành, quý mến mà học trò dành cho thầy cô, người dìu dắt mình đến bến bờ tri thức thông qua các hoạt động thiết thực vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Như vậy, lòng biết ơn đã trở thành một nét đẹp văn hóa, ứng xử suốt ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Lòng biết ơn giúp cho con người biết ghi nhớ công lao của người khác. Đồng thời, giúp gắn kết các mối quan hệ, từ đó tạo nên một xã hội văn minh, tốt đẹp. Khi chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với mọi người, ta sẽ luôn được người khác nể trọng. Nói về lòng biết ơn, tiến sĩ Geshe Michael Roach có những lời như sau: "Mỗi ngày, chúng ta đều phải lấy cái tâm biết ơn để đối mặt với cuộc sống. Biết ơn cha mẹ, bởi cha mẹ cho bạn sinh mệnh. Biết ơn thầy cô, vì thầy cô đắp nặn tâm hồn bạn. Biết ơn những cảnh ngộ bạn gặp phải, bởi chúng cho bạn dũng khí. Đồng thời biết ơn những nghịch cảnh, bởi họ cho bạn thêm kiên cường". Nhìn cuộc đời bằng đôi mắt biết ơn, bạn sẽ đón nhận được vô vàn điều tốt đẹp.

Biết ơn không chỉ dành cho những phi thường, vĩ đại mà còn dành cho cả những điều tầm thường, nhỏ bé. Chúng ta phải cảm thấy may mắn, hạnh phúc khi mỗi sớm mai thức dậy vẫn còn có cơ hội để được sống và yêu thương. Hãy biết ơn cả hàng cây, tán lá, chim muông đã cho ta môi trường sống trong lành.

Là một học sinh, chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn của mình bằng cách trân trọng thành quả của người khác; luôn tôn trọng, có ý thức giữ gìn, phát huy các truyền thống tốt đẹp của ông cha. Đồng thời, thể hiện tấm lòng biết ơn thông qua các hành động thiết thực với ông bà, bố mẹ, thầy cô,...

Cuộc đời sẽ mỉm cười khi chúng ta trao đi tình yêu thương và sự biết ơn của mình. Bởi "Trái tim không biết ơn sẽ không tìm được sự hạnh phúc. Khi chúng ta có lòng biết ơn, sẽ tìm thấy hạnh phúc từng giờ." (Henry Ward Beecher).

2. Trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây - mẫu số 2:

Đền ơn đáp nghĩa là một đạo lí vô cùng quý giá của con người, hướng chúng ta đến một lẽ sống chuẩn chỉ, tốt đẹp. Ở Việt Nam, đạo lí này đã được khéo léo thể hiện qua câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

Câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" đã vô cùng quen thuộc với tất cả mọi người. Theo nghĩa đen, nó là sự biết ơn công lao những người đã vất vả gieo trồng, chăm sóc cây cối để ta có được trái ngon quả ngọt. Còn theo nghĩa bóng, đó là lời căn dặn, khuyên bảo con người sống phải có ơn nghĩa. Khi được giúp đỡ hay đạt được thành công, thành tựu, ta phải luôn ghi nhớ, trân trọng những người đã giúp đỡ, hỗ trợ mình. Có thể nói, đạo lí đền ơn đáp nghĩa này cũng giúp con người chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn về nhân cách.

Theo em, câu tục ngữ nêu trên hoàn toàn đúng đắn, mang một ý nghĩa vô cùng lớn đối với cuộc sống con người. Lòng biết ơn chính là cơ sở để ghi nhớ công lao, chiến tích của thế hệ đi trước để lại. Người sống có trước có sau luôn được mọi người xung quanh yêu quý, giúp đỡ, góp phần tạo nên một xã hội tươi đẹp, văn minh. Người Việt ta có phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà; có vô số ngày lễ, ngày kỉ niệm để tôn vinh, bày tỏ lòng biết ơn đến cá nhân, tập thể có đóng góp lớn lao trong xã hội có thể kể đến như ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-02 hay ngày Thương binh liệt sĩ 27-07,... Tất cả đều góp phần thể hiện truyền thống đạo đức quý báu của dân tộc.

Tuy nhiên, trong xã hội dù là xưa hay nay đều có những con người không tuân theo quy chuẩn đạo đức chung. Đó là kẻ chỉ biết nhận sự giúp đỡ của người khác rồi lại "ăn cháo đá bát". Họ cần phải bị lên án mạnh mẽ. Nếu cứ tiếp tục như vậy, rồi bọn họ sẽ bị mọi người xa lánh, không còn ai tình nguyện tương trợ những kẻ vô ơn như vậy cả.

Tựu chung lại, với câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", ông cha ta đã căn dặn, nhắc nhở con cháu đời sau về đạo lí sống ơn nghĩa, thủy chung vô cùng đáng quý. Từ đó, ta lại càng thấy biết ơn những thế hệ trước đã hi sinh, cống hiến rất nhiều để ta có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc như bây giờ.

Van nghi luan ve cau tuc ngu

Nghị luận về các câu tục ngữ lớp 7 - Văn mẫu hay nhất

Các em xem thêm nhiều bài văn mẫu lớp 7 khác như Đoạn văn trình bày suy nghĩ về vai trò của ngữ cảnh hay Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc bài thơ Những cánh buồm để trau dồi kỹ năng, có ý tưởng làm bài nhé. 
 

Đề số 2: Trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ: Có công mài sắt, có ngày nên kim.

I. Dàn ý:
1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận: trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ "Có công mài sắt, có ngày nên kim".
2. Thân bài:
* Giải thích câu tục ngữ "Có công mài sắt, có ngày nên kim":
- Nghĩa đen: Người thợ có thể làm một cây kim bé nếu thường xuyên mài giũa thanh sắt.
- Nghĩa bóng: Nếu con người kiên trì thì ắt sẽ thành công.
* Bàn luận về ý nghĩa của câu tục ngữ:
- Qua câu tục ngữ, tác giả dân gian khuyên con người nên kiên trì, chăm chỉ thì mới có thể thành công.
* Biểu hiện của sự kiên trì trong cuộc sống:
- Tấm gương nghị lực tiêu biểu là Abraham Lincoln. Trải qua hơn 10 lần thất bại nhưng Lincoln không hề nản chí, bỏ cuộc.
* Nêu lí do phải kiên trì:
- Đây là một đức tính không thể thiếu trong cuộc sống.
- Chỉ khi kiên trì, con người có thể học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.
- Kiên trì giúp con người vượt qua khủng hoảng, lo lắng.
- Mang đến sự tích cực.
* Bài học nhận thức, hành động:
- Xác định mục tiêu cụ thể.
- Tạo ra thói quen và lối sống kỉ luật.
- Không bỏ ngang, bỏ dở giữa chừng.
3. Kết bài:
- Khẳng định vấn đề cần bàn luận.

II. Bài văn mẫu Trình bày suy nghĩ về tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về vấn đề trong đời sống:

Trong cuộc sống, nếu chúng ta làm gì cũng hấp tấp, vội vàng và còn hay "đẽo cày giữa đường" thì mọi chuyện đều "sôi hỏng bỏng không". Để răn dạy con cháu đời sau rèn luyện đức tính kiên trì, ông cha ta đã sáng tạo nên câu tục ngữ "Có công mài sắt, có ngày nên kim".
Sắt là một loại kim loại vô cùng rắn. Còn kim lại là vật dụng bé nhỏ dùng để may vá, sửa chữa quần áo. Nhờ quá trình mài giũa mà sắt có thể trở thành chiếc kim. Lấy hình ảnh sắt và kim, tác giả dân gian muốn gửi gắm chúng ta bài học về lòng kiên trì. Chỉ khi con người kiên trì, cần mẫn thì mới làm được nhiều điều có ích và gặt hái được thành tựu.

Sắt không thể bỗng dưng trở thành kim nếu như nó không được tác động, mài giũa bởi con người. Cũng như con người không thể thành công nếu như không nỗ lực, cố gắng. Khi nói về tấm gương nghị lực, kiên trì, ta không thể không nhắc đến Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln. Trước khi trở thành người đứng đầu nước Mỹ, Abraham Lincoln phải trải qua nhiều đắng cay, vất vả. Ông làm nhiều nghề nhưng lần nào thử sức với ngành nghề mới, ông cũng đều thất bại. Ngay cả khi bước chân vào con đường chính trị, ông hoàn toàn không gặt hái được bất kì thành tựu nào mà còn vấp ngã vào thời gian đầu. Trải qua hơn 10 lần thất bại, ông không hề nản chí mà luôn quyết tâm, cố gắng với mục tiêu và trở thành một trong những nhân vật vĩ đại nhất lịch sử nước Mỹ. Ông dẫn dắt nước Mỹ đi lên, thực hiện ba mục tiêu lớn là thống nhất quốc gia, giải quyết nội chiến và giải phóng nô lệ. Rõ ràng, thất bại đã hun đúc nên tinh thần thép của Abraham Lincoln. Mặc dù bị không ít người khác nghi ngại về tài năng của mình nhưng ông đã chứng minh bằng sự kiên trì, chịu khó của bản thân.

Rõ ràng, kiên trì là một đức tính cần thiết trong cuộc sống. Chỉ khi có ý chí, nghị lực, con người mới có thể học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và vươn lên không ngừng. Chắc chắn, trong quá trình thực hiện mục tiêu, mỗi người không tránh khỏi cảm giác chán nản. Thế nhưng, ngay cả khi khó khăn tuyệt vọng, chỉ cần nghĩ đến lí do bắt đầu và những công sức bỏ ra từ đầu, bạn sẽ có thêm động lực để phấn đấu. Chính sự kiên trì sẽ đem đến cho bạn những suy nghĩ tích cực, lạc quan.

Để đi tới đỉnh vinh quang, chúng ta cần xác định mục tiêu cụ thể, đưa ra những chiến lược, kế hoạch phù hợp với hoàn cảnh, thực tiễn. Đồng thời, tạo ra thói quen, lối sống phù hợp. Đặc biệt là không bỏ ngang, bỏ dở giữa chừng bởi nếu chúng ta không quyết tâm thì thanh "sắt" kia sẽ không bao giờ có thể trở thành "kim" được.

Đúng như nhà phê bình văn học người Anh Samuel Johnson đã nói: "Những thành tựu vĩ đại không gặt hái bằng sức mạnh mà bằng sự kiên trì". Sự kiên trì đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của chúng ta. Từ đây, ta càng hiểu thêm ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong câu tục ngữ "Có công mài sắt, có ngày nên kim".
 

Đề số 3: Trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ: Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

I. Dàn ý:
1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận: trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ "Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".
2. Thân bài:
* Giải thích câu tục ngữ "Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao":
- Nghĩa đen: một cây không thể làm thành núi nhưng nhiều cây thì có thể tạo nên cả khu rừng.
- Nghĩa bóng: Con người cũng giống như chiếc cây, nếu chỉ có một mình thì không thể tạo nên sức mạnh tổng hợp.
* Bàn luận về ý nghĩa của câu tục ngữ:
- Nghĩa đen: Một cây sẽ không thể tạo nên núi nhưng khi có nhiều cây cùng tập trung tại một điểm sẽ tạo nên khu rừng rộng lớn.
- Nghĩa bóng: Con người cũng giống như chiếc cây, nếu chỉ có một mình thì không thể tạo nên sức mạnh tổng hợp.
* Biểu hiện của "Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao":
- Trong quá khứ: dân tộc cùng nhau đoàn kết, chống lại giặc ngoại xâm.
- Ở hiện tại: đồng sức, đồng lòng giúp bà con khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; cùng nhau xây dựng, sản xuất.
* Nêu lí do phải đoàn kết:
- Tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp nhân dân vượt qua được mọi khó khăn, gian khổ.
- Khiến con người gắn bó, gần gũi hơn, từ đó tạo nên một xã hội văn minh, giàu đẹp.
* Bài học nhận thức, hành động:
- Cùng nhau xây dựng tinh thần đoạn kết trong lớp học, tổ dân phố nơi mình sinh sống.
3. Kết bài:
- Khẳng định vấn đề cần bàn luận.

II. Bài văn mẫu Trình bày suy nghĩ về tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về vấn đề trong đời sống:

1. Trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ: Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao - mẫu số 1:

Từ xa xưa, ông cha ta đã nhận ra được tầm quan trọng của việc đoàn kết trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Vì vậy, các tác giả dân gian đã gửi gắm đến thệ hệ sau về tinh thần đoàn kết thông qua câu tục ngữ giàu hình ảnh:

"Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao."

Trước hết, ta cần làm rõ ý nghĩa của câu tục ngữ này. "Một" là số ít trong khi đó "ba" là số nhiều. Một cây sẽ không thể tạo nên núi nhưng khi có nhiều cây cùng tập trung tại một điểm sẽ tạo nên khu rừng rộng lớn. Mượn hình ảnh cái cây, tác giả dân gian muốn đề cập đến sự đoàn kết. Con người cũng giống như chiếc cây, nếu chỉ có một mình thì không thể tạo nên sức mạnh tổng hợp. Chính vì vậy, phải có nhiều người cùng chung tay hành động, đồng lòng đồng sức mới có thể làm nên việc lớn.

Đất nước Việt Nam phát triển, bình yên như ngày hôm nay là nhờ vào tinh thần đoàn kết, tương trợ của toàn thể nhân dân. Trải qua mấy thế kỉ, từ thời vua Hùng cho đến nay, chúng ta đã thấy được tinh thần gắn bó, chung sức chung lòng của dân tộc. Nhiều lần đứng trước nanh vuốt của kẻ thù xâm lược, ông cha ta vẫn kiên cường giữ vững nền độc lập dân tộc. Đó là hình ảnh các vị bô lão trong hội nghị Diên Hồng hô vang khẩu hiệu "Sát Thát", làm nên chiến thắng vẻ vang trước vó ngựa quân Mông-Nguyên. Hay còn là hình ảnh người lính bộ đội cụ Hồ, những thanh niên trai tráng, những người nông dân cầm súng, cầm gậy guộc chiến đấu cho quê nhà trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Nếu không nhờ tinh thần đoàn kết thì liệu chúng ta có thắng nổi quân địch với những vũ khí tối tân, hiện đại hay không?

Truyền thống ấy tiếp tục kéo dài đến tận ngày hôm nay. Mỗi khi mưa lũ, tất cả người dân từ Nam chí Bắc đều đồng sức đồng lòng, giúp đỡ bà con vượt qua thiệt hại. Ngoài ra, trong sản xuất lao động, mọi người cũng vô cùng đoàn kết, gắn bó.

Đoàn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp nhân dân vượt qua được mọi khó khăn, gian khổ. Đoàn kết khiến con người gắn bó, gần gũi hơn, từ đó tạo nên một xã hội văn minh, giàu đẹp. Đúng như lời Hồ Chủ tịch đã nói: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công.".

Nối tiếp truyền thống hào hùng, vẻ vang ấy, chúng ta cần cùng nhau xây dựng tinh thần đoạn kết trong lớp học, tổ dân phố nơi mình sinh sống. Tinh thần đoàn kết ấy sẽ tiếp thêm động lực để bản thân mỗi người học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.

Câu tục ngữ tuy giản dị song lại chứa đựng bài học sâu sắc, ý nghĩa. Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh nội sinh, là phương tiện để toàn dân xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Bởi đoàn kết luôn làm nên những điều phi thường, bất diệt.

2. Trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ: Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao - mẫu số 2:

Dân tộc ta có rất nhiều truyền thống tốt đẹp, quý báu, trong đó không thể không kể đến tinh thần đoàn kết. Nó là một yếu tố vô cùng quan trọng, làm nên thắng lợi của biết bao cuộc kháng chiến khi xưa, góp phần không nhỏ trong quá trình xây dựng đất nước. Và tinh thần ấy được thể hiện rất rõ qua câu tục ngữ: "Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".

Đến với câu tục ngữ, có thể thấy, tác giả dân gian đã sử dụng hình ảnh biểu tượng hết sức đơn giản mà hiệu quả. "Một cây" được dùng để biểu thị cho số ít, "ba cây" là số nhiều. Như vậy, nếu chỉ có một mình, số lượng ít ỏi thì "chẳng" thể làm nên chuyện. Nhưng nếu hợp sức lại, lấy số đông để đối chọi lại thì sức mạnh sẽ được tăng lên đáng kể, mang đến những điều lớn lao, cao cả. Đây chính là bài học, là lời dạy về tinh thần đoàn kết mà thế hệ đi trước căn dặn chúng ta.

Thật vậy, con người sinh sống không thể tách mình khỏi cộng đồng. Nền hòa bình độc lập của chúng ta bây giờ không phải do một cá nhân hay một bộ phận người nào giành lấy. Đó là sự hợp lực, quyết tâm của cả dân tộc. Nó đã tạo ra khí thế hào hùng, bi tráng, khiến quân địch phải khiếp sợ, run rẩy. Hay ngay trong cuộc sống hàng ngày, nếu không có sự giúp đỡ, hỗ trợ của mọi người, ta sẽ phải tự mình cùng lúc đối diện với vô vàn công việc từ lớn đến nhỏ. Chính vì vậy, đoàn kết chính là chìa khóa để cuộc sống, xã hội của chúng ta trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn.

Mặt khác, việc độc lập hoạt động không phải hoàn toàn là tiêu cực. Có rất nhiều chuyện trong cuộc sống ta phải tự mình giải quyết, từ đó rút ra những bài học quan trọng. Tuy nhiên, ta cũng không nên quá tách biệt mình ra khỏi thế giới. Việc nhận sự giúp đỡ từ người khác cũng là một cách để ta học hỏi và hoàn thiện bản thân.

Câu tục ngữ nêu trên đã đem đến cho bao thế hệ bài học quý giá về sự đoàn kết, tương ái. Qua đó, ta lại càng thêm trân trọng và biết ơn những người xung quanh - những người đã giúp đỡ, hỗ trợ ta mỗi lúc cần thiết.
 

Đề số 4: Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về câu danh ngôn "Người do dự không bao giờ thành công" - Napoleon:

I. Dàn ý:
1. Mở bài:
- Giới thiệu câu danh ngôn "Người do dự không bao giờ thành công" của Napoleon.
- Giới thiệu về vấn đề ý chí, niềm tin vào bản thân trong cuộc sống và nêu nhận xét chung của bản thân.
2. Thân bài:
- Giải thích câu danh ngôn và bàn luận về vấn đề niềm tin, ý chí:
+ Niềm tin, ý chí là bàn đạp mạnh mẽ để con người tiến đến thành công.
+ Lí do cho sự do dự: nỗi sợ, sự thiếu hiểu biết, sự không chắc chắn,...
+ Sự tự tin được xây dựng từ kiến thức, hiểu biết. Càng biết nhiều, học hỏi nhiều thì vấn đề càng được sáng tỏ.
=> Cần không ngừng nỗ lực bồi đắp, hoàn thiện bản thân, củng cố sự tự tin, quyết đoán.
- Lật lại vấn đề:
+ Do dự cũng có thể là để cân nhắc, tính toán cho chắc chắn hơn. Không phải cái gì quyết định nhanh cũng mang lại thành công ngay được.
+ Cần biết sử dụng sự quyết đoán đúng lúc.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại ý nghĩa của câu danh ngôn.
- Rút ra bài học cho bản thân.

II. Bài văn mẫu Trình bày suy nghĩ về tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về vấn đề trong đời sống:

Đã có rất nhiều câu nói nổi tiếng của những vĩ nhân trên thế giới về vấn đề phát triển và hoàn thiện bản thân. Trong số đó, em ấn tượng nhất với câu danh ngôn "Người do dự không bao giờ thành công" của Napoleon.

Câu nói trên đã mang đến cho em nhiều suy nghĩ, chiêm nghiệm. Có thể nói, niềm tin và ý chí là những yếu tố then chốt để làm nên thành công của con người. Trên con đường đời đầy chông gai, chắc chắn ai trong chúng ta cũng sẽ có ít nhất một lần do dự. Lí do dẫn đến sự do dự đó chính là nỗi sợ. Ta sợ bản thân không đủ tri thức về lĩnh vực đó, sợ mình sẽ thất bại, sẽ bị chê cười. Nhưng có thất bại thì mới có những bài học để ta học hỏi, rút kinh nghiệm, từ đó dần dần tiến tới thành công. Sự tự tin của con người được xây dựng trên nền tảng tri thức, kĩ năng. Vậy nên, để có thể vững vàng hơn, ta cần phải không ngừng trau dồi, nâng cấp bản thân. Nó giống như việc chuẩn bị vũ khí, lương thực và tinh thần trước khi tham gia chiến trận vậy. Chuẩn bị càng kĩ thì khả năng giành chiến thắng của chúng ta càng cao. Và hơn hết, nó sẽ cho ta dũng khí để sẵn sàng đương đầu với thử thách, khó khăn. Khi ta không do dự, không sợ sệt, ta hoàn toàn có thể nắm được thành công trong tầm tay.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng sự do dự kia không hoàn toàn là lo sợ mà có thể là những cân nhắc, tính toán kĩ càng. Trong một vài trường hợp, đúng là ta cần phải xem xét vấn đề thật kĩ chứ không phải cứ dứt khoát, nhanh chóng hoàn thành. Sự do dự đó là chính đáng bởi nó giúp ta nhìn nhận mọi thứ một cách bao quát và toàn diện nhất, từ đó đưa ra phương án giải quyết vấn đề phù hợp . Chính vì vậy, để bản thân có thể đạt được tới thành công như mong đợi, ta cần phải có những quyết định sáng suốt, đồng thời, sử dụng sự quyết đoán của mình một cách hiệu quả nhất.

Câu nói của Napoleon: "Người do dự không bao giờ có được thành công" đã đem tới những thông điệp, bài học ý nghĩa, giúp ích rất nhiều cho sự phát triển nhận thức của con người. Qua đó, nó giúp ta càng có thêm nhiều động lực để hoàn thiện bản thân hơn.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Khi viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống, các em cần xác định đúng yêu cầu của đề bài. Sau đó, chọn lựa, sắp xếp những ý kiến tiêu biểu thành dàn ý rồi viết chúng thành một bài văn hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt Ngữ văn 7!

https://thuthuat.taimienphi.vn/trinh-bay-suy-nghi-ve-tuc-ngu-hoac-danh-ngon-ban-ve-van-de-trong-doi-song-74296n.aspx
 

Tác giả: Trần Thuỳ     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Nói và nghe: Thảo luận nhóm về vấn đề gây tranh cãi Ngữ văn 7, tập 1 Chân trời sáng tạo
Link tải Sách giáo khoa lớp 4 Chân trời sáng tạo PDF
Link tải Sách giáo khoa lớp 3 Chân trời sáng tạo
Giải Toán lớp 6 sách Chân trời sáng tạo
Giải toán lớp 6 trang 38, 39 tập 1 sách Chân Trời Sáng Tạo
Từ khoá liên quan:

Trinh bay suy nghi ve tuc ngu hoac danh ngon ban ve van de trong doi song

, Van nghi luan ve cau tuc ngu, bai van mau Nghi luan ve cac cau tuc ngu lop 7,

SOFT LIÊN QUAN
  • Sách giáo khoa Chân trời sáng tạo

    File PDF SGK CTST từ lớp 1-12

    Bộ Sách Chân trời sáng tạo là một trong những bộ sách giáo khoa mới được phát triển theo chương trình mới do Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra. Tương tự như các bộ sách khác, bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo này cũng được ...

Tin Mới