Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội Ngữ văn 10 CTST, KNTT

Đề bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội trong chương trình Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức là một chủ đề rất quen thuộc như Nghị luận về tầm quan trọng của động cơ học tập, Viết văn bản nghị luận về hiện tượng biến đổi khí hậu, Viết văn bản nghị luận Quan niệm về lòng vị tha.... Các em có thể tham khảo các bài văn mẫu và dàn ý sau đây để có được ý tưởng, trau dồi ngôn ngữ hiệu quả để hoàn chỉnh bài văn của mình.

Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội Ngữ văn 10

viet van ban nghi luan ve mot van de xa hoi ngu van 10 chan troi sang tao

Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội SGK trang 54 ngắn gọn

Nội dung bài viết:
A. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo.
    Đề 1. Nghị luận về tầm quan trọng của động cơ học tập.
    Đề 2. Nghị luận ứng xử trên không gian mạng.
    Đề 3. Viết văn bản nghị luận Quan niệm về lòng vị tha.
    Đề 4. Viết văn bản nghị luận Thị hiếu của thanh niên ngày nay.
B. Viết văn bản nghị luận về vấn đề xã hội Ngữ văn 10, Kết nối tri thức.
    Đề 5. Viết văn bản nghị luận ảnh hưởng của đại dịch đối với đời sống xã hội.
    Đề 6. Viết văn bản nghị luận về sự lựa chọn thần tượng của giới trẻ.
    Đề 7: Viết văn bản nghị luận về hiện tượng biến đổi khí hậu.


A. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo


Đề 1. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội: Nghị luận về tầm quan trọng của động cơ học tập

I. Dàn ý Nghị luận về tầm quan trọng của động cơ học tập

1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tầm quan trọng của động cơ học tập.
- Nêu ý nghĩa, sự cần thiết của vấn đề.

2. Thân bài:
- Luận điểm 1: Giải thích động cơ học tập là gì?
- Luận điểm 2: Nêu ý nghĩa của việc học tập có động cơ.
- Luận điểm 3: Động cơ học tập của học sinh ngày nay.
- Luận điểm 4: Đề ra một số giải pháp để người học rèn luyện và bồi dưỡng động cơ học tập cho bản thân.
-> Bài viết cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

3. Kết bài:
- Khẳng định lại vấn đề nghị luận.
- Liên hệ bản thân.

II. Bài văn mẫu: Nghị luận về tầm quan trọng của động cơ học tập

Động cơ học tập không chỉ thể hiện thái độ ở người học mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả, thành tích. Để có thể rèn luyện và phát triển cho bản thân những động cơ trong quá trình học, mỗi người chúng ta cần phải làm gì?

Ngày nay, "động cơ học tập" không còn là khái niệm mới mẻ. Nhiều bạn học sinh thường chia sẻ rằng bản thân có động lực học là nhờ vào ước mơ công việc, . Như vậy, hiểu một cách đơn giản thì động cơ học tập chính là động lực học tập. Các yếu tố này được thúc đẩy và duy trì bởi một mục đích nào đó. Theo cách hiểu sâu rộng hơn, động cơ học tập sẽ sản sinh ra các hành vi, nhằm kích thích người học hướng tới kết quả hoặc nhu cầu nào đó.

Có thể nói, động cơ học mang vai trò hết sức quan trọng. Nó giúp mỗi cá nhân xác định rõ ràng phương hướng, mục tiêu học đúng đắn, từ đó dễ dàng đi đến ước mơ đã đề ra. Có động lực, người học trở nên chủ động trong việc tiếp cận và lĩnh hội tri thức. Từ đây, họ ngày càng hăng say tìm hiểu, khám phá chân trời tri thức với tinh thần thoải mái, tự nguyện. Ngoài ra, động cơ học còn thúc đẩy mỗi người chăm chỉ rèn luyện để đạt được kết quả tốt nhất. Chúng ta từng thấy được rất nhiều tấm gương về việc có ý chí học tập. Khi đất nước bị kìm kẹp trong ách nô lệ của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng. Sống ở nơi đất khách quê người nhiều khó khăn, vất vả, Người vẫn cần mẫn vừa học vừa làm. Cuối cùng, Người đã xác định được con đường đúng đắn cho cách mạng, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945. Hay đó còn là rất nhiều bạn trẻ với lí tưởng cao đẹp đang siêng năng học hành nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh. Từng ngày từng giờ, họ ra sức trau dồi, tích lũy bài vở. Họ luôn sẵn sàng hành động để vươn tới hoài bão, ước mơ của bản thân.

Tuy động cơ học tập có quan trọng như vậy nhưng hiện nay, một số người không nhận ra được ý nghĩa to lớn đó. Vài bạn đi học trong tâm thế thụ động, bắt ép. Họ không thể tự xác định cho bản thân mục đích, phương hướng phù hợp. Số khác lại ở trạng thái mơ hồ, hời hợt, không có chí tiến thủ chỉ vì học cho mong ước của người khác. Những trường hợp trên đây xảy ra bởi rất nhiều nguyên nhân. Có thể là vì người học không tự xác định được mục tiêu học nên dễ chán nản, dễ bỏ cuộc. Hoặc tình trạng phụ huynh bắt ép con cái học theo ý của chính họ cũng là một nguyên do.

Không ai có thể học hộ, học giúp người khác. Vì thế, mỗi người cần rèn luyện, bồi dưỡng động lực học tập phù hợp cho chính mình. Để làm được điều đó, trước hết, chúng ta cần xác định rõ phương hướng "đường đi, nước bước" trên hành trình tích lũy tri thức nhân loại. Tiếp đến, trong quá trình học, nếu gặp khó khăn, thử thách, chúng ta không vội nản chí mà bỏ cuộc. Hãy suy nghĩ, tìm ra vấn đề và tự giải quyết chúng. Đặc biệt, chúng ta phải biết kiên định với lập trường ban đầu, không để các yếu tố bên ngoài tác động mà lung lay ý chí, quyết tâm ở bản thân.

Như vậy, động cơ học tập có sức mạnh nội tại mạnh mẽ, vừa kích thích tinh thần ham học, vừa duy trì hứng thú mở rộng kho báu kiến thức. Bởi vậy, mỗi người hãy tự đề ra những động lực đúng đắn, xây dựng kế hoạch cụ thể để dễ dàng đạt được kết quả mình mong muốn.

=> Xem đầy đủ các bài văn mẫu Nghị luận về tầm quan trọng của động cơ học tập tại đây. 

Doan van nghi luan ve van de xa hoi

Văn mẫu viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội ngắn nhất, Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo


Đề 2. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội: Ứng xử trên không gian mạng

I. Dàn ý Nghị luận về ứng xử trên không gian mạng
1. Mở bài
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: ứng xử trên không gian mạng.
- Nêu sự cần thiết, tầm quan trong khi bàn luận vấn đề.
2. Thân bài
* Luận điểm 1: Giải thích ứng xử trên không gian mạng là gì?
- Ứng xử nghĩa là việc con người trao đổi, giao tiếp hay tương tác với nhau trong cuộc sống.
- Ứng xử trên không gian mạng chính là việc chúng ta trò chuyện, giao tiếp, tương tác trên mạng xã hội.
* Luận điểm 2: Thực trạng về ứng xử trên mạng xã hội ngày nay:
- Trong một vài trường hợp bất đồng quan điểm, một số cá nhân thường buông lời xúc phạm, chửi rủa bằng ngôn từ tục tĩu, thiếu văn minh.
- Số khác thì có hành vi lan truyền các thông tin, sự việc không đúng sự thật nhằm câu view, câu like.
- Một vài người còn có hành vi lợi dụng sức nóng của sự việc để lôi kéo người khác công kích cá nhân/ tổ chức nào đó.
* Luận điểm 3: Nguyên nhân
- Do cái tôi quá cao, luôn cho rằng mình đúng -> cố chấp, bảo thủ.
- Có cách hành xử yếu kém, thiếu văn minh.
- Chưa tỉnh táo trong việc phân biệt thông tin thật, giả.
- Hay kích động nên dễ bị người khác lôi kéo và lợi dụng.
* Luận điểm 4: Đề ra một vài biện pháp khắc phục
- Sử dụng Internet và mạng xã hội một cách thông minh.
- Cần tự ý thức được lời nói của chính mình.
- Khi tham gia thảo luận, cần bày tỏ quan điểm một cách thiện chí và tôn trọng người khác.
-> Bài viết cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
3. Kết bài
- Khẳng định lại vấn đề.
- Liên hệ bản thân.

II. Bài văn mẫu: Nghị luận về ứng xử trên không gian mạng

Ngày nay, công nghệ thông tin là lĩnh vực phát triển thần tốc. Chúng ta dễ dàng sở hữu các sản phẩm như: điện thoại, laptop, máy tính bảng,... Những thiết bị điện tử thông minh này đã mang đến rất nhiều biến chuyển trong cuộc sống, cụ thể là việc con người ứng xử, giao tiếp qua không gian mạng.

Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật với hàng loạt phát minh vĩ đại đã đưa nhân loại bước tới kỉ nguyên mới "internet of things". Mọi thứ đều được mạng internet kết nối và truyền tải. Vậy, các bạn hiểu như thế nào là "ứng xử trên không gian mạng"? Trước hết, chúng ta cần phải giải nghĩa ứng xử là gì. Ứng xử là việc con người trao đổi, tương tác với nhau trong cuộc sống. Như vậy, ứng xử trên không gian mạng có sự thay đổi môi trường giao tiếp. Thay vì trò chuyện trực tiếp "mặt đối mặt" thông thường, chúng ta có thể liên lạc, nói chuyện thông qua internet. Ngoài ra, việc bày tỏ thái độ, suy nghĩ của mình trước các luồng tin, sự việc được đăng tải trên internet cũng là một phần nhỏ trong ứng xử trên mạng.

Quay trở về thế kỉ XX, báo giấy là phương tiện cập nhật và lan truyền tin tức hiệu quả nhất. Tuy nhiên, thời thế đổi thay, hiện nay, con người thường tiếp nhận thông tin từ mạng Internet. Nơi này không chỉ cung cấp nguồn tin mà còn gắn kết tất cả gần nhau. Chỉ cần một click chuột hay một cái chạm nhẹ, chúng ta dễ dàng trò chuyện, trao đổi vấn đề nào đó. Đặc biệt, cuộc sống xô bồ, bon chen làm con người trở nên bận rộn. Họ cảm thấy tương tác, giao tiếp trên mạng xã hội là phương thức đơn giản và thuận tiện nhất. Không cần ra ngoài gặp mặt, chẳng phải bon chen đông đúc, sẵn chiếc điện thoại thông minh trên tay, họ vẫn biết đến mọi chuyện bên ngoài xã hội. Việc liên lạc với người thân, bạn bè được tiến hành thông qua ứng dụng nhắn tin như: Zalo, Skype,... Từ đây, Internet giống như không gian sống thứ hai của con người với sự tham gia đông đảo ở nhiều độ tuổi. Ngày ngày, các sự kiện xảy ra trong đời sống sẽ được đăng tải lên mạng xã hội, tạo thành chủ đề bàn tán.

Rất nhiều bài viết gắn mác "hot", mang tính giật gân thu hút hàng trăm, hàng nghìn lượt xem, chia sẻ và bình luận. Các cư dân trong không gian mạng từ xa lạ đến thân quen đều hào hứng bàn tán, bày tỏ suy nghĩ. Tuy nhiên, "chín người mười ý", mỗi người đều có cái nhìn, cách đánh giá hoàn toàn khác nhau. Chính bởi vậy, trong quá trình tranh luận, một vài người bất đồng quan điểm thường buông lời xúc phạm, chửi rủa bằng ngôn từ tục tĩu, thiếu văn minh. Họ sẵn sàng "cào bàn phím", viết ra những lời lẽ thô thiển nhằm mục đích thắng được đối phương. Số khác thì lan truyền các thông tin, sự kiện không đúng sự thật để câu view, câu like. Điều này vừa gây hoang mang dư luận, vừa làm ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người khác. Hay với các vụ việc nóng hổi, họ còn lợi dụng sức nóng rồi lôi kéo, kích động người khác công kích, tấn công cá nhân hay tổ chức nào đó.

Có nhiều nguyên nhân gây nên những hành vi tiêu cực trên đây. Trước hết, ta phải nói đến cái tôi quá cao của một số người. Khi tham gia thảo luận, các cá nhân ấy luôn cho rằng mình đúng, không chịu lắng nghe, thấu hiểu người khác mà thường bảo thủ và cố chấp. Lúc nào họ cũng tỏ vẻ "ánh mắt cao hơn cái đầu", thượng đẳng, hống hách, chẳng coi ai ra gì. Tiếp đến, việc ứng xử yếu kém trên mạng còn bắt nguồn từ các trường hợp không tỉnh táo khi phân biệt tin thật, giả. Họ dễ dàng bị người khác lôi kéo, lợi dụng làm việc xấu. Như vậy, tất cả nguyên do đều bắt nguồn từ chính chúng ta - những người đang và sẽ tiếp tục sử dụng mạng xã hội, Internet.

Để không gian mạng trở nên "trong lành", thân thiện, mỗi người cần tự ý thức được lời lẽ, phát ngôn của mình. Đứng trước vấn đề nào đó, thay vì kích động, chúng ta nên có cái nhìn tường tận, suy nghĩ cẩn thận. Khi tham gia thảo luận, chúng ta hãy bày tỏ quan điểm bằng sự thiện chí và dựa trên cơ sở tôn trọng người khác. Mỗi người nên học cách sử dụng Internet, mạng xã hội sao cho thông minh, tỉnh táo. Đừng để bản thân trở thành những "con rối" bị kẻ khác giật dây, điều khiển.

Ứng xử trên không gian mạng giống như sợi dây vô hình, kết nối con người với nhau gần hơn. Bởi vậy, để nơi đây mãi văn minh, thân thiện, tất cả phải cùng chung tay giữ gìn các giá trị tốt đẹp, loại bỏ và khai trừ những hành xử yếu kém, lệch lạc.

=> Xem thêm nhiều bài văn Nghị luận về ứng xử trên không gian mạng khác tại đây. 


Đề 3. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội: Quan niệm về lòng vị tha

I. Dàn ý Nghị luận quan niệm về lòng vị tha
1. Mở bài
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: quan niệm về lòng vị tha.
- Nêu sự cần thiết, tầm quan trọng khi bàn luận về vấn đề.
2. Thân bài
* Luận điểm 1: Giải thích lòng vị tha là gì?
- Vị tha là biết quan tâm, chia sẻ tới những người xung quanh. Người có lòng vị tha sẽ không sống ích kỷ, chỉ nghĩ về bản thân.
- Lòng vị tha là đức tính tốt đẹp mà mỗi người cần rèn luyện.
* Luận điểm 2: Những biểu hiện của lòng vị tha.
- Trong cuộc sống và công việc hàng ngày:
+ Người có lòng vị tha sẽ không bới móc, "vạch lá tìm sâu" những khuyết điểm, lỗi lầm của người khác.
+ Họ chủ động hỏi thăm tình hình và sẵn sàng đưa tay giúp đỡ những người cần khó khăn.
+ Họ biết đặt mục tiêu chung của tập thể lên trước lợi ích bản thân và cố gắng thực hiện công việc vì tất cả mọi người.
- Trong mối quan hệ với mọi người:
+ Luôn sống hòa nhã, thân thiện.
+ Họ biết suy xét và cảm thông, dễ dàng tha thứ những lỗi lầm mà không bắt bẻ hay gây khó dễ với mọi người.
* Luận điểm 3: Ý nghĩa của lòng vị tha
- Đối với bản thân mỗi người:
+ Chúng ta biết sống yêu thương, quan tâm và san sẻ, biết cho đi nhiều hơn.
+ Bản thân mỗi chúng ta trở nên hoàn thiện hơn về nhân cách.
- Đối với những người xung quanh (xã hội):
+ Lòng vị tha còn có thể cảm hóa những người quanh ta, giúp họ tìm được niềm tin vào bản thân và cuộc sống.
+ Xã hội, cộng đồng sẽ trở nên văn minh, tốt đẹp hơn.
* Luận điểm 4: Phản đề
- Một vài cá nhân chỉ biết sống ích kỷ mà dửng dưng, vô cảm trước nỗi đau của người khác.
- Họ chỉ biết nghĩ phần hơn về mình, luôn toan tính mưu cầu lợi ích.
-> Lưu ý: Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
3. Kết bài
- Khẳng định lại vấn đề.
- Liên hệ bản thân.

II. Bài viết tham khảo: Nghị luận quan niệm về lòng vị tha

Nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King, Jr. đã từng nói "Ai cũng phải quyết định mình sẽ bước dưới ánh sáng của lòng vị tha sáng tạo, hay trong bóng tối của tính ích kỷ hủy diệt.". Từ câu nói trên, chúng ta không thể phủ nhận ý nghĩa và sức mạnh to lớn của lòng vị tha.

Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của phẩm chất tốt đẹp này, trước hết, chúng ta cần giải thích định nghĩa lòng vị tha. Vị tha là biết quan tâm, chia sẻ tới những người xung quanh. Người có lòng vị tha sẽ không sống ích kỷ, hẹp hòi, chỉ nghĩ cho bản thân. Có thể nói, lòng vị tha là đức tính quý giá mà mỗi người cần bồi dưỡng và rèn luyện.

Trong mối quan hệ với người thân hay bạn bè, người sống vị tha luôn tỏ ra thân thiện, hòa nhã. Họ biết đặt mình vào vị trí của người khác để cảm thông, thấu hiểu hơn nữa. Họ dễ dàng tha thứ những lỗi lầm mà không bắt bẻ hay gây khó dễ với mọi người. Trong cuộc sống và công việc hàng ngày, người có lòng vị tha sẽ luôn đề cao tinh thần làm việc tập thể. Thay vì nghĩ tới lợi ích bản thân, họ sẽ cố gắng thực hiện mục tiêu, công việc chung. Người có lòng vị tha cũng không bới móc, "vạch lá tìm sâu" các sai sót, khuyết điểm của một cá nhân. Khi thấy đối phương gặp khó khăn, họ chủ động thăm hỏi, đưa ra lời khuyên và sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ.

Nhờ có tấm lòng vị tha, chúng ta sống yêu thương, quan tâm và san sẻ, biết cho đi nhiều hơn. Không còn là sự vị kỉ cá nhân, con người trở nên nhân ái "thương người như thể thương thân". Từ đây, chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn về nhân phẩm, tính cách. Lựa chọn sống vị tha giúp mỗi người hạnh phúc, an yên trong tâm hồn. Khi tất cả đều có cái nhìn và suy nghĩ tích cực, xã hội sẽ thêm văn minh, tốt đẹp. Không chỉ vậy, lòng vị tha còn có thể cảm hóa những người quanh ta, giúp họ tìm được niềm tin vào bản thân và cuộc sống.

Từ xa xưa, cha ông ta đã nhắn nhủ rằng:

"Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"

Lời dạy ấy vẫn vẹn nguyên ý nghĩa đến muôn đời muôn kiếp, là kim chỉ nam hướng tới lối sống nhân hậu, nhân ái. Thấm nhuần tư tưởng ấy, chúng ta đã biết trao gửi yêu thương bằng tấm lòng chân thành và tinh thần tự nguyện. Cụ thể, khi đại dịch Covid - 19 bùng phát, các y bác sĩ cùng lực lượng chống dịch như: công an, bộ đội,... ở rất nhiều nơi trên cả nước đã không quản gian khổ, khó khăn mà tiến vào tâm dịch. Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương luôn vị tha, yêu thương thì vẫn còn đó một vài người sống ích kỉ. Họ dửng dưng, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Họ chỉ biết nghĩ phần hơn về mình, bất chấp thủ đoạn nhằm mưu cầu lợi ích. Gần đây, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng có đề cập tới việc lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi cho bản thân. Hay đó còn là hình ảnh rất nhiều nhà thuốc cố tình nâng giá khẩu trang trong mùa dịch. Những hành vi sai trái, "táng tận lương tâm" này cần nhanh chóng gạt bỏ để cuộc sống trở nên tốt đẹp và hạnh phúc.

Như Martin Luther King Jr. khẳng định, lòng vị tha sẽ mang tới ánh sáng cho nhân loại, soi đường chỉ lối để chúng ta không bước vào vòng xoáy ích kỉ. Mong rằng, mỗi người sẽ biết sống chân thành, bao chung, san sẻ nhiều hơn nữa.

=> Xem bài mẫu khác Bài văn nghị luận quan niệm về lòng vị tha tại đây.


Đề 4. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội: Thị hiếu của thanh niên ngày nay

I. Dàn ý Nghị luận về thị hiếu của thanh niên ngày nay
1. Mở bài
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: thị hiếu của thanh niên hiện nay.
- Nêu sự cần thiết, tầm quan trong khi bàn luận về vấn đề.
2. Thân bài
* Luận điểm 1: Giải thích thị hiếu là gì?
- "Thị", "hiếu" đều có nghĩa tương tự nhau, chỉ ham thích.
- "Thị hiếu" - một từ chỉ sự ham thích, thích thú trước một thứ, một việc gì đó và con người không chỉ thưởng thức mà còn áp dụng vào chính cuộc sống hàng ngày.
* Luận điểm 2: Thực trạng hiện nay về thị hiếu của thanh niên.
- Một vài bạn trẻ có cái nhìn và suy nghĩ lệch lạc:
+ Ăn mặc lập dị, phản cảm "thiếu vải".
+ Phát ngôn gây sốc, có tính xúc phạm.
+ Thường sính ngoại, đề cao nền văn hóa khác mà chê bai, chối bỏ truyền thống dân tộc.
- Bên cạnh đó, rất nhiều bạn có cách tiếp nhận thị hiếu một cách tích cực, biết dung hòa các giá trị.
* Luận điểm 3: Chỉ ra một vài nguyên nhân.
- Các bạn trẻ thiếu hiểu biết, dẫn đến có cái nhìn lệch lạc, quan điểm sai lầm.
- Một vài cá nhân dễ bị kích thích, cuốn vào thứ mới mẻ mà không trang bị đầy đủ kiến thức.
- Số khác thì thích a dua theo trào lưu, không chịu tìm tòi kĩ càng.
* Luận điểm 4: Hậu quả (nếu có).
- Khi các trào lưu độc hại ngày một gia tăng, xã hội văn minh sẽ tồn tại nhiều giá trị thẩm mĩ, văn hóa "rác".
- Con người có hành vi lệch chuẩn, bị méo mó về tư tưởng, đạo đức.
- Dễ dàng đánh mất bản sắc của quốc gia, dân tộc.
* Luận điểm 5: Đề ra một vài biện pháp khắc phục.
- Mỗi người cần tự ý thức trong việc lựa chọn và tiếp nhận các giá trị văn hóa, thẩm mỹ.
- Mỗi cá nhân phải trang bị kiến thức, kỹ năng để hội nhập thời đại toàn cầu.
- Các đơn vị truyền thông, các nhà quản lý nên tổ chức các buổi giao lưu văn hóa nghệ thuật, chuyên đề tìm hiểu lịch sử, văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc.
- Những người làm giáo dục cần phối hợp với gia đình để có định hướng đúng đắn về thị hiếu cho các bạn học sinh.
-> Lưu ý: cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
3. Kết bài
- Khẳng định lại vấn đề.
- Liên hệ bản thân.

II. Bài văn mẫu: Nghị luận về thị hiếu của thanh niên ngày nay

Trong thời đại hội nhập toàn cầu, các quốc gia và vùng lãnh thổ đang tăng cường giao lưu, trao đổi trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, nghệ thuật, lịch sử,... Điều này dẫn đến sự sản sinh các trào lưu, "hot trend" được vô vàn người hưởng ứng. Đây chính là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới thị hiếu của thanh nhiên ngày nay.

Vậy, như thế nào là thị hiếu? Khi chúng ta chiết tự tiếng "thị", "hiếu" thì cả hai đều có nghĩa tương tự nhau, chỉ "thích, ham, ưa thích". Như vậy, "thị hiếu" - một từ chỉ sự ham thích, thích thú trước một thứ, một việc gì đó. Từ đây, con người không chỉ thưởng thức mà còn áp dụng các điều ấy vào chính cuộc sống hàng ngày.

Các thiết bị điện tử thông minh ra đời đã mang đến những bước chuyển mới trong đời sống nhân loại. Đâu đâu, ta cũng bắt gặp Internet tốc độ cao, phủ sóng khắp mọi nơi. Nhờ đó, con người dễ dàng tiếp cận với nhiều thị hiếu khác nhau. Nếu các bậc phụ huynh có xu hướng tìm về giá trị xưa cũ thì thế hệ thanh niên, lớp trẻ lại lựa chọn sự năng động, hiện đại. Thị hiếu của thanh niên được thể hiện qua nhiều phương diện: thời trang, nghệ thuật,... Họ có thể tiếp thu và nắm bắt trào lưu thịnh hành hay các cơn sốt gây bão cộng đồng mạng. Tuy nhiên, chính bởi sự mơ hồ trong nhận thức đã dẫn đến một vài hành vi tiêu cực. Đó là việc vài bạn trẻ ăn mặc lập dị theo kiểu "thiếu vải", tạo nên sự phản cảm. Có người thì lại phát ngôn gây sốc, mang tính xúc phạm, nhằm câu view, câu like. Trong bối cảnh hội nhập, giao lưu, một số thanh niên thường "sính ngoại", đề cao phong tục, tập quán của dân tộc khác. Họ sẵn sàng chê bai, chối bỏ văn hóa nước nhà. Bên cạnh những người có thị hiếu lệch lạc như vậy, vẫn còn nhiều bạn trẻ tiếp nhận trào lưu, sản phẩm văn hóa một cách tích cực. Các bạn đó luôn biết dung hòa mọi giá trị, biết lựa chọn điều phù hợp với bản thân, xã hội. Ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những tập thể, cá nhân đang ra sức khôi phục lại trang phục cổ của nước nhà từ thời Lí, Trần, Hậu Lê và Nguyễn. Hay còn là một số người ngày ngày giữ gìn và kế thừa, khôi phục truyền thống, văn hóa dân gian.

Nguyên nhân của việc lan truyền, tiếp thu các thị hiếu mang tính tiêu cực đến từ chính con người. Trước hết là do các bạn trẻ thiếu hiểu biết, dẫn đến có cái nhìn lệch lạc và quan điểm sai lầm. Một vài cá nhân thì dễ bị kích thích, cuốn vào thú vui mới mẻ nhưng chưa trang bị đầy đủ kiến thức. Số khác thích "a-dua" theo trào lưu, theo "mốt" nhưng không chịu tìm tòi kĩ càng.

Có thể nói, các trào lưu độc hại ngày càng gia tăng sẽ làm xã hội văn minh tồn tại nhiều giá trị thẩm mĩ, văn hóa "rác". Từ đây, con người dễ bị bóp méo về tư tưởng, đạo đức, lệch lạc trong tam quan. Không chỉ vậy, khi thanh niên tiếp tục xu hướng "sính ngoại", đất nước có nguy cơ đánh mất những bản sắc tốt đẹp, hòa nhập trở thành "hòa tan".

Như vậy, chúng ta cần tự ý thức trong lựa chọn và tiếp nhận các giá trị văn hóa, thẩm mỹ. Cái gì tốt đẹp, văn mình thì hãy niềm nở đón nhận, điều gì lệch lạc, phản cảm thì phải lên án, gạt bỏ. Ngoài ra, các đơn vị truyền thông, các nhà quản lý nên tổ chức giao lưu văn hóa nghệ thuật, chuyên đề tìm hiểu lịch sử, văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Đặc biệt, những người làm giáo dục cần phối hợp với gia đình để có định hướng đúng đắn về thị hiếu cho học sinh.

Thị hiếu của thanh niên vẫn đang tác động rất nhiều tới đời sống xã hội. Do đó, chúng ta - thế hệ trẻ mà đất nước kì vọng cần chăm chỉ học tập, tu dưỡng đạo đức, biết lựa chọn và tiếp thu những giá trị tốt đẹp, văn minh.


B. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội Ngữ văn 10, Kết nối tri thức


Đề 5. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội: ảnh hưởng của đại dịch đối với đời sống xã hội.

I. Dàn ý nghị luận về một vấn đề xã hội: ảnh hưởng của đại dịch đối với đời sống xã hội:
1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận: ảnh hưởng của đại dịch đối với đời sống xã hội.
2. Thân bài:
a. Giải thích khái niệm “đại dịch”:
- Đại dịch là sự lây lan trên phạm vi rộng của một loại bệnh mới. 
b. Nêu tác động, ảnh hưởng của đại dịch đối với xã hội:
* Đối với mỗi cá nhân:
- Về sức khỏe:
+ Gây suy giảm miễn dịch, để lại những di chứng nặng nề sau khi khỏi bệnh. 
+ Ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời. 
+ Là nguyên nhân gây nên những bất ổn về mặt tâm lí, khiến con người dễ rơi vào trầm cảm, khủng hoảng. 
- Về đời sống:
+ Làm đảo lộn giờ giấc sinh hoạt. 
+ Thói quen hàng ngày bị thay đổi. 
* Đối với xã hội:
- Về giáo dục:
+ Học sinh, sinh viên phải nghỉ học ở nhà. 
+ Làm thay đổi hình thức học tập, giảng dạy. 
- Về y tế:
+ Gây áp lực đối với hệ thống y tế. Cán bộ công nhân viên y tế thường xuyên phải túc trực, làm việc hết công suất. 
+ Gây ra tình trạng thiếu thuốc, không kịp nghiên cứu, điều chế và sản xuất các loại vắc-xin. 
- Về kinh tế:
+ Con người không thể giao thương, buôn bán trực tiếp. 
+ Các cơ sở sản xuất bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản và phá sản. 
+ Người lao động không có việc làm. 
- Về văn hóa, xã hội:
+ Hình thành các thói quen xấu. 
+ Làm gia tăng tình trạng bạo lực gia đình. 
c. Đề xuất một số giải pháp để con người thích ứng với đại dịch:
- Tuân thủ các biện pháp, quy định của nhà nước trong phòng chống và đối phó với dịch bệnh. 
- Luôn luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên. 
- Khi mắc bệnh, cần có ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách theo dõi biểu hiện bệnh, nhờ đến sự can thiệp, trợ giúp của nhân viên y tế. 
- Không lan truyền những thông tin sai sự thật về dịch bệnh, gây hoang mang dư luận và làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. 
- Xây dựng thói quen lành mạnh, chăm tập thể dục, vận động thân thể thường xuyên, uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh. 
3. Kết bài: 
- Khẳng định lại vấn đề cần bàn luận.

II. Bài văn mẫu nghị luận về một vấn đề xã hội: ảnh hưởng của đại dịch đối với đời sống xã hội:

Trong nhiều năm trở lại đây, con người đã không ít lần phải chứng kiến, đối mặt với dịch bệnh. Kể từ sau Covid-19, chưa bao giờ chúng ta thấy rõ được hậu quả mà dịch bệnh để lại đến thế. Trong bài viết này, tôi sẽ đem đến cho các bạn một cái nhìn toàn diện về ảnh hưởng của đại dịch đối với đời sống xã hội. 

Trước hết, chúng ta cần làm rõ và giải thích khái niệm đại dịch. Khi có sự lây lan trên phạm vi rộng của một loại bệnh mới thì ta gọi đó là đại dịch. 

Trải qua hơn 2 năm chiến đấu với Covid 19, chắc hẳn mỗi người đều sẽ có cho mình những kỉ niệm, suy nghĩ và cảm xúc khác nhau. Để đến ngày hôm nay, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát và trạng thái “bình thường mới” được thiết lập, ta mới thấy trân trọng cuộc sống. “Rùng mình”, “sợ hãi” chính là những từ ngữ để diễn tả nỗi ám ảnh của tất cả chúng ta khi nghĩ về những hậu quả to lớn mà đại dịch để lại. 

Trước hết, đối với mỗi cá nhân, việc lây lan các loại virus, vi khuẩn trên phạm vi rộng với tốc độ nhanh chóng đã làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Nếu ai đó mắc phải, virus sẽ tấn công vào cơ thể, gây suy giảm miễn dịch và để lại những di chứng nặng nề sau khi khỏi bệnh. Đặc biệt, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời. Vào những lúc đỉnh điểm của đợt dịch, Nhà nước, chính quyền buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu người dân cách li trong nhà. Phải ở nhà suốt thời gian dài, không có cơ hội gặp gỡ, giao tiếp với người khác, một số người rơi vào trầm cảm, khủng hoảng. Dịch bệnh là nguyên nhân chính gây nên một số bất ổn về mặt tâm lí, kéo theo đời sống của mỗi người cũng bị đảo lộn xáo trộn theo. 

Không chỉ ảnh hưởng tới mỗi cá nhân, dịch bệnh còn tác động trực tiếp tới mọi mặt của xã hội. Giáo dục bị trì trệ, học sinh, sinh viên phải nghỉ học ở nhà. Đại dịch làm thay đổi hình thức học tập, giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến, buộc mỗi người phải thích ứng, nắm bắt nhanh chóng, kịp thời. Đại dịch xảy ra, ngành nghề phải “đứng mũi chịu sào” nhiều nhất chính là y tế. Nhiều bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, không đủ xe vận chuyển, thiết bị y tế và nguồn nhân lực trong các trường hợp cần thiết. Nhiều cán bộ công nhân viên thường xuyên phải túc trực, làm việc hết công suất. Đặc biệt, các nhà khoa học phải chạy đua với thời gian để nghiên cứu, điều chế và sản xuất ra các loại vắc-xin kịp thời. 

Khi đại dịch bùng nổ, nền kinh tế của các nước trên thế giới gặp rất nhiều khó khăn. Mọi người không thể giao thương, buôn bán trực tiếp. Các cơ sở sản xuất bị đình trệ. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản và phá sản. Vì thế, người lao động không có việc làm, phải nhận hỗ trợ từ địa phương, nhà nước. Đặc biệt, trong thời gian đại dịch diễn ra, tình trạng bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em luôn ở mức báo động. Rất nhiều câu chuyện đau buồn, đáng tiếc đã xảy ra. 

Để thích ứng với đại dịch, mọi người cần tuân thủ các biện pháp, quy định của nhà nước trong phòng chống và ứng phó với dịch bệnh; luôn luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên. Khi mắc bệnh, mỗi người cần có ý thức bảo vệ bản thân, cộng đồng bằng cách theo dõi biểu hiện bệnh và nhờ đến sự can thiệp, trợ giúp của nhân viên y tế. Không lan truyền những thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận và làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Chúng ta cũng cần xây dựng thói quen lành mạnh, chăm tập thể dục, vận động thân thể thường xuyên, uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh. 

Sự tác động của biến đổi khí hậu cũng khiến cho tình trạng dịch bệnh ngày một gia tăng. Có thể thấy, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không cần báo trước. Điều chúng ta cần làm là nâng cao nhận thức, ứng phó chủ động và thích nghi kịp thời trước những yêu cầu cấp thiết của cuộc sống. 


Đề 6. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội: sự lựa chọn thần tượng của giới trẻ. 

I. Dàn ý nghị luận về một vấn đề xã hội: sự lựa chọn thần tượng của giới trẻ:
1. Mở bài: 
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: sự lựa chọn thần tượng của giới trẻ. 
2. Thân bài: 
a. Giải thích khái niệm “thần tượng”:
- Thần tượng dùng để chỉ người hoặc nhóm người được nhiều người biết đến, hâm mộ, sùng bái hoặc tôn thờ. 
b. Nêu thực trạng về sự lựa chọn thần tượng của giới trẻ hiện nay:
* Theo chiều hướng tích cực:
- Chọn lựa một cách nghiêm túc: người mình hâm mộ cần phải có tài năng, phẩm chất, không dính vào các “scandal”. 
* Theo chiều hướng tiêu cực:
- Không có sự chọn lọc, bị ảnh hưởng bởi các trang mạng xã hội. 
- Một số “hiện tượng mạng” nổi lên với những phát ngôn gây sốc, hành vi thiếu chuẩn mực nhưng vẫn được mọi người tung hô, hưởng ứng.
c. Tác động, ảnh hưởng của thần tượng đối với nhận thức của giới trẻ:
* Theo chiều hướng tích cực:
- Thúc đẩy mỗi cá nhân biết phấn đấu, học tập và noi gương theo thần tượng.
- Lan tỏa những giá trị nhân văn, nghĩa cử tốt đẹp tới mọi người. 
* Theo chiều hướng tiêu cực:
- Tác động xấu đến hành vi, nhận thức của giới trẻ, hình thành các suy nghĩ lệch lạc. 
- Dễ bị rủ rê, lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. 
d. Đề xuất một số giải pháp trong việc lựa chọn thần tượng của giới trẻ:
- Suy xét thấu đáo trước khi thần tượng một người nào đó. 
- Nâng cao nhận thức, không truyền bá, dung túng cho các phát ngôn, hành vi đi ngược lại chuẩn mực xã hội. 
- Tránh học tập, làm theo những tấm gương không hay. 
- Nên giữ thái độ ôn hòa, không phản ứng thái quá trước các thông tin, bình luận tiêu cực về thần tượng. 
- Xây dựng cộng đồng hâm mộ thân thiện, văn minh. 
3. Kết bài: 
- Khẳng định vấn đề cần bàn luận. 

II. Bài văn mẫu nghị luận về một vấn đề xã hội: sự lựa chọn thần tượng của giới trẻ:

Trong nhiều năm trở lại đây, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, mọi người tiếp xúc nhiều hơn với các loại hình giải trí, nghệ thuật. Từ đây, rất nhiều ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng được mọi người biết đến và mến mộ. Họ được gọi chung là thần tượng. Với tư cách là một người thưởng thức, tiếp nhận giá trị mà người nghệ sĩ đem lại, chúng ta có quyền lựa chọn và yêu thích một tác phẩm hay người nào đó. Và sự lựa chọn thần tượng của giới trẻ cũng là vấn đề thu hút được sự quan tâm, chú ý của mọi người. 

Ngày nay, việc lựa chọn yêu thích, tôn thờ một thần tượng nào đó cũng giống như cách mà chúng ta lựa chọn quần áo, đồ vật mỗi ngày. Mỗi người sẽ có một “gu” riêng, phù hợp với sở thích, suy nghĩ, nhận thức của bản thân mình. Có khá nhiều bạn trẻ chọn lựa thần tượng một cách nghiêm túc. Người mà mình thần tượng phải có tài năng, phẩm chất, không dính vào các “scandal”. Hoặc đơn giản hơn, họ lại yêu thích, mến mộ chính những người thân yêu, người thân bên cạnh mình. Tuy nhiên, cũng có không ít những bạn trẻ chọn sai người để hâm mộ. Họ lựa chọn trở thành “fan” của những nhân vật mới nổi như Huấn hoa hồng, Hứa Minh Tuyền, Khá Bảnh,... Do hiệu ứng đám đông cùng sự thiếu hiểu biết, thiếu chín chắn mà giới trẻ không nhận thức được đầy đủ hành vi của mình. Những cái tên kể trên chỉ là một trong rất ít các “hiện tượng mạng mới nổi” với phát ngôn gây sốc cùng hành vi thiếu chuẩn mực. Dù có nhiều người xem và theo dõi nhưng họ không hề tạo ra giá trị cho cộng đồng, thậm chí còn ảnh hưởng đến mọi người. 

Việc chúng ta chọn được một thần tượng tốt để hâm mộ cũng giống như việc chọn được một chiếc áo đẹp để mặc. Nếu thần tượng ấy có nhân cách, phẩm chất tốt đẹp thì bản thân chúng ta cũng học hỏi được nhiều điều, biết phấn đấu, noi gương. Nhưng nếu họ không phải là người tạo ra giá trị tích cực thì bản thân ta cũng trở nên thụt lùi. Với sự khuếch đại, lan rộng của các trang mạng xã hội, những “hiện tượng mạng”, nhân vật mới ấy sẽ tác động xấu đến hành vi, nhận thức của giới trẻ, hình thành các suy nghĩ lệch lạc. Từ đó, giới trẻ dễ bị rủ rê, lôi kéo vào các tệ nạn xã hội hơn.

Chính vì vậy, chúng ta cần suy xét thấu đáo trước khi thần tượng một người nào đó. Đồng thời, nâng cao nhận thức, không truyền bá, dung túng cho các phát ngôn, hành vi đi ngược lại chuẩn mực xã hội. Mỗi người nên nên giữ thái độ ôn hòa, không phản ứng thái quá trước các thông tin, bình luận tiêu cực về thần tượng; tránh học tập, làm theo những tấm gương không hay và xây dựng cộng đồng hâm mộ thân thiện, văn minh. 

Giới trẻ chúng ta là những người đón đầu, nắm bắt mọi thay đổi của xã hội. Bởi vậy, hãy rèn luyện, hình thành cho mình những suy nghĩ thấu đáo trước khi yêu thích, mến mộ một người nào đó. 


Đề 7: Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội: hiện tượng biến đổi khí hậu:

1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: hiện tượng biến đổi khí hậu. 
2. Thân bài:
a. Giải thích khái niệm “biến đổi khí hậu”:
- Biến đổi khí hậu là sự biến đổi của các quyển của trái đất bao gồm: sinh quyển, khí quyển, thổ nhưỡng quyển, thủy quyển. 
b. Nguyên nhân gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu:
- Do sự thay đổi quỹ đạo của Trái Đất, hoạt động của Mặt Trời và sự dịch chuyển của các châu lục trên bền mặt,...
- Bắt nguồn từ hoạt động sinh hoạt của con người: xả thải rác ra môi trường, phát thải khí CO2,...
c. Tác động của biến đổi khí hậu:
* Đến tài nguyên đất, nước:
- Gây ra hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt trong thời gian dài và trên diện rộng, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng đất.
- Mực nước trên các tuyến kênh mương xuống thấp, nhiều kênh rạch khô cạn. 
- Thiệt hại hoa màu của nông dân. 
* Đến các lĩnh vực kinh tế xã hội:
- Ảnh hưởng đến nhiều hoạt động giao thông vận tải cần thiết. 
- Cơ sở hạ tầng nhanh bị xuống cấp hư hỏng do thời tiết khắc nghiệt, cực đoan.
- Làm chậm đi sự đa dạng, phong phú của quá trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa cung ứng ra thị trường.
* Cuộc sống, sức khỏe của cộng đồng:
- Tiềm ẩn nhiều nguy cơ đột biến đối với người cao tuổi, người mắc bệnh tim, cao huyết áp.
- Lây lan nhanh hơn các bệnh truyền nhiễm, virus, vi trùng, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh sinh sôi, phát triển tấn công vào hệ miễn dịch, làm suy yếu hệ miễn dịch của con người.
d. Đề xuất một số giải pháp hạn chế hiện tượng biến đổi khí hậu:
- Tái chế các đồ dùng từ nhựa, giấy,...
- Hạn chế sử dụng túi ni-lon, đồ làm bằng nhựa. 
- Không xả rác bừa bãi ra môi trường. 
- Không đốt rác. 
- Sử dụng các phương tiện công cộng thay cho phương tiện cá nhân. 
3. Kết bài: 
- Khẳng định vấn đề cần nghị luận. 

II. Bài văn mẫu nghị luận về một vấn đề xã hội: hiện tượng biến đổi khí hậu:

Bảo vệ môi trường tự nhiên đang là mối quan tâm hàng đầu của các nước trên thế giới. Tài nguyên thiên nhiên dần bị khai thác một cách cạn kiệt. Tất cả các hoạt động ấy đều dẫn đến một hệ quả tất yếu đấy là sự suy yếu của môi trường. Trong cuộc sống ngày nay, biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp bách, được cả thế giới quan tâm và chung tay giải quyết. 

Theo điều 1 của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu: “Biến đổi khí hậu nghĩa là biến đổi của khí hậu được quy định cho trực tiếp hoặc gián tiếp do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu và sự thay đổi này được cộng thêm vào khả năng biến động tự nhiên của khí hậu quan sát được trong những thời kì có thể so sánh được”.

Nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu bao gồm: nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Sự thay đổi, dịch chuyển vị trí trên bề mặt Trái Đất và hoạt động của Mặt Trời cũng gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Ngoài ra, hoạt động nhân sinh gián tiếp hoặc trực tiếp đã làm gia tăng khí nhà kính tự nhiên, thải ra khí nhà kính nhân tạo, gây gia tăng hiệu ứng nhà kính. Các khí nhà kính làm giảm lượng bức xạ của trái đất thoát ra vũ trụ, do đó làm nóng tầng bên dưới khí quyển và bề mặt trái đất.

Biến đổi khí hậu không còn là nỗi lo riêng của bất cứ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào mà nó đã trở thành vấn đề toàn cầu cần sự chung tay của tất cả mọi người trên thế giới. Tác động và hậu quả của nó đang diễn ra trước mắt, ảnh hưởng trực tiếp đến tự nhiên và đời sống xã hội. 

Trước hết, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tài nguyên đất, nước. Biến đổi khí hậu với các trạng thái thời tiết cực đoan đã gây ra hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt trong thời gian dài và trên diện rộng. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng đất. Quá trình oxi hóa gây thoái hóa đất do nhiệt độ tăng lên vào mùa khô. Lượng mưa kết hợp với cường độ mưa lớn đã làm sạt lở đất. Đặc biệt là những vùng thực vật bị tàn phá, đất rừng bị mất đi lớp che phủ, bảo vệ. Ngoài ra, biến đổi khí hậu gây ra tình trạng thiếu nước. Việc không đủ nước tưới tiêu, vun trồng cho cây trái làm thiệt hại hoa màu của nông dân. Không có nước sinh hoạt, người dân phải sống trong tình cảnh đi mua nước với giá cao mới có nước dùng. Các loại động, thực vật cũng đứng trước nguy cơ mất đi nguồn thức ăn, nơi trú ẩn trước tác động của môi trường cũng như sự tàn phá của con người.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến hoạt động giao thông vận tải, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động cần thiết. Cơ sở hạ tầng nhanh bị xuống cấp, hư hỏng do thời tiết khắc nghiệt, cực đoan. Nhiều tuyến đường bị chia cắt, phá hủy bởi sạt lở, ngập lụt. Thời tiết cực đoan còn đe dọa đến đời sống con người, làm lây lan nhanh chóng các bệnh truyền nhiễm, virus, vi trùng; tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh sinh sôi, phát triển tấn công vào hệ miễn dịch của con người. Đồng thời, gia tăng các bệnh gây đột biến gen, tăng tỉ lệ ung thư và trẻ hóa ung thư. Trẻ em dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp do bụi mịn, ô nhiễm không khí trong thời gian dài. 

Để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, chúng ta cần nâng cao nhận thức, tích cực tái chế các đồ dùng từ nhựa, giấy,...; hạn chế sử dụng túi ni-lon, đồ làm bằng nhựa; không xả rác bừa bãi và đốt rác tùy tiện. Chúng ta cũng có thể sử dụng các phương tiện công cộng thay cho phương tiện cá nhân. 

Con người đang dần phải gánh chịu hậu quả sau khi khai thác tài nguyên một cách quá mức mà không có những biện pháp cải tạo, sử dụng hợp lí. Môi trường biến đổi không ngừng, theo chiều hướng tiêu cực, không có lợi. Con người cần tìm ra những phương pháp mới, vừa có thể phát triển được đời sống, kinh tế, xã hội vừa có thể bảo vệ, xây dựng môi trường tự nhiên nói chung

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-van-ban-nghi-luan-ve-mot-van-de-xa-hoi-ngu-van-10-chan-troi-sang-tao-71729n.aspx
Khi viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống xã hội, em cần có hệ thống luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng rõ ràng. Taimienphi.vn còn một số bài văn mẫu lớp 10 khác như: Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội và vô số bài khác. 

 

Tác giả: Nguyễn Cảnh Nam     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội mà bạn quan tâm
Nghị luận về ứng xử trên không gian mạng
Nghị luận về Thành lập một câu lạc bộ đọc sách trong nhà trường: nên hay không nên?
Phân tích Đất rừng phương Nam ngắn gọn, bài văn mẫu hay nhất
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội để gửi tham gia cuộc thi
Từ khoá liên quan:

Viet van ban nghi luan ve mot van de xa hoi Ngu van 10 Chan troi sang tao

, Doan van nghi luan ve van de xa hoi, Cac bai van nghi luan ve van de xa hoi,

SOFT LIÊN QUAN
  • Bộ Sách Chân trời sáng tạo

    File sách mềm Chân trời sáng tạo cho học sinh

    Bộ Sách Chân trời sáng tạo là một trong những bộ sách giáo khoa mới được phát triển theo chương trình mới do Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra. Tương tự như các bộ sách khác, bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo này cũng được ...

Tin Mới

  • Phân tích, đánh giá truyện Thần Trụ trời

    Thần Trụ trời là một trong những thần thoại suy nguyên được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Để nắm vững kiến thức khi học về tác phẩm Thần Trụ trời cũng như có thể làm bài Phân tích, đánh giá truyện Thần Trụ trời, em có

  • Soạn bài Viết bài luận về bản thân ngắn nhất, Ngữ văn 10 - KNTT

    Trong cuộc sống, có những tình huống em phải viết một bài luận. Nếu còn khó khăn trong việc Viết bài luận về bản thân trang 113, Ngữ văn 10, Kết nối tri thức, học kì II, em hãy theo dõi dàn ý và bài văn mẫu do đội ngũ

  • Soạn bài Về chính chúng ta ngắn nhất, Ngữ văn 10 - KNTT

    Mở đầu bài 9 với chủ đề Hành trang cuộc sống, các em hãy theo dõi và tham khảo Soạn bài Về chính chúng ta ngắn nhất trang 100, Ngữ văn 10, Kết nối tri thức, học kì II trên Taimienphi.vn để có những ý tưởng, định hướng

  • Tổng đài xe XANH SM BIKE, cách gọi và đặt xe

    Để sử dụng dịch vụ xe xe máy điện, bạn chỉ cần gọi tổng đài xe XANH SM BIKE để được hỗ trợ đặt xe 24/7 hoặc đặt qua ứng dụng Taxi Xanh SM. XANH SM BIKE sử dụng xe máy điện VinFast mang đến sự thoải mái và an toàn cho hành trình. Với sự chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, dịch vụ này thể hiện cam kết đối với sự phát triển bền vững và góp phần giảm thiểu ô nhiễm.