Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ, Ngữ văn 10 KNTT

Dàn ý và bài văn mẫu tham khảo Viết văn bản nghị luận Phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ, Ngữ văn 10 KNTT, học kì I do Taimienphi.vn biên soạn sẽ giúp các em nắm chắc kiến thức về nội dung, hình thức nghệ thuật của một số bài thơ.

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống

viet van ban nghi luan phan tich danh gia mot tac pham tho ngu van 10 kntt
Viết văn bản nghị luận phân tích và đánh giá một tác phẩm thơ hay nhất
 

Nội dung bài viết:
I. Bài văn mẫu Phân tích, đánh giá Mùa xuân chín.
II. Bài văn mẫu Phân tích, đánh giá Thu hứng.
III. Bài văn mẫu Phân tích, đánh giá Cánh đồng.


I. Viết văn bản nghị luận Phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ, Ngữ văn 10 KNTT - bài Mùa xuân chín

1. Dàn ý chi tiết phân tích, đánh giá Mùa xuân chín
a. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Nêu vấn đề chính sẽ được tập trung phân tích trong bài viết.
b. Thân bài:
- Chủ đề: Bài thơ "Mùa xuân chín" đã khắc họa bức tranh mùa xuân tươi đẹp tràn đầy sức sống. Qua đó, nhà thơ bộc lộ tình yêu thiên nhiên, con người tha thiết, đồng thời, thể hiện nỗi khát khao giao cảm với đời.
- Mạch cảm xúc: Mạch cảm xúc của nhân vật đi từ ngoại cảnh đến tâm cảnh.
- Sự phát triển của hình tượng thơ:
+ Khung cảnh thiên nhiên mùa xuân sinh động.
+ Khung cảnh sinh hoạt đời sống con người.
+ Tâm trạng nhân vật trữ tình: Nỗi nhớ quê và khát khao giao cảm với đời.
- Tính độc đáo của những phương tiện ngôn ngữ:
+ Hình ảnh giàu sức gợi: "làn nắng ửng", "khói mơ tan", "bóng xuân sang", "sóng cỏ xanh", "đám xuân xanh", "tiếng ca vắt vẻo", "khách xa", "chị ấy".
+ Cách gieo vần chân: "vàng" - "sang", "trời" - "chơi", "làng" - "chang".
+ Đảo ngữ "Sột soạt gió trêu tà áo biếc".
+ Biện pháp tu từ ẩn dụ qua hình ảnh "bóng xuân sang".
+ Hệ thống từ láy: "hổn hển", "thầm thì", "chang chang", "bâng khuâng".
+ Biện pháp tu từ nhân hóa trong hình ảnh "tiếng ca vắt vẻo", "hổn hển".
+ Biện pháp tu từ so sánh "tiếng ca" được ví với "lời của nước mây".
+ Câu hỏi tu từ: "Chị ấy, năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?".
- Nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng chủ đề và cùng đề tài, chủ đề, thể loại
+ So sánh với bài thơ "Mùa xuân xanh" của Nguyễn Bính để thấy được nét độc đáo, hấp dẫn.
c. Kết bài:
- Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ, ý nghĩa của bài thơ đối với người viết.
2. Bài tham khảo phân tích, đánh giá Mùa xuân chín hay nhất

Hàn Mặc Tử là một cây bút tiêu biểu cho "phong trào Thơ mới" Việt Nam, nhà phê bình Hoài Thanh đã nhận xét về ông là "Một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng". Một số tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể đến như: tập thơ "Gái quê", "Thơ Điên", "Chơi giữa mùa trăng",... Đặc biệt, tác phẩm "Mùa xuân chín" đã đem lại cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp. Qua đó, nhà thơ bộc lộ tình yêu thiên nhiên, con người và nỗi khát khao giao cảm với đời.

Ngay từ nhan đề bài thơ, tác giả đã khiến chúng ta hình dung ra khung cảnh mùa xuân rực rỡ, căng tràn sức sống. Cách kết hợp động từ chỉ trạng thái "chín" với danh từ "mùa xuân" cho ta cảm nhận không gian tràn đầy sức sống. Nhan đề bài thơ khơi gợi về sự mềm mại, đằm thắm của mùa xuân. Mạch cảm xúc của tác phẩm đi từ ngoại cảnh đến tâm cảnh. Trước khung cảnh mùa xuân rực rỡ, nhà thơ bộc lộ tình yêu thiên nhiên, nỗi nhớ quê hương da diết. Giọng điệu thơ có sự chuyển đổi theo tâm trạng của nhân vật trữ tình, khi thì tha thiết, vui tươi, khi thì ngưng đọng, suy tư.

Mở đầu văn bản là bức tranh làng quê thanh bình, yên tĩnh. Thiên nhiên được gợi lên dưới ngòi bút tài hoa của tác giả "làn nắng ửng", "khói mơ tan", "bóng xuân sang". Hình ảnh "làn nắng ửng" khiến ta tưởng tượng đến màu vàng nhạt của nắng buổi bình minh. Còn hình ảnh "khói mơ tan" lại đem đến hai cách hiểu: khói bếp phát ra từ những căn nhà trong buổi sớm hoặc có thể đó chính là làn sương khói tinh mơ của ngày mới. "Làn nắng ửng" kết hợp với "khói mơ tan" tạo cảm giác sương khói đang dần tan biến khi mặt trời lên. Mùa xuân len lỏi qua mái nhà và giàn thiên lí. Câu thơ "Sột soạt gió trêu tà áo biếc" với biện pháp đảo ngữ và từ láy "sột soạt" góp phần diễn tả âm thanh và sự tình tứ, trêu đùa của gió với tà áo biếc nhẹ bay. Biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được nhà thơ sử dụng trong câu "Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang" khiến mùa xuân được hữu hình hóa. Câu thơ được ngăn cách bởi dấu chấm khiến nhịp thơ thay đổi từ 2/2/3 sang 4/3 nhằm nhấn mạnh dấu ấn của mùa xuân. Tác giả gieo vần chân một cách tinh tế "vàng", "sang", "trời", "chơi" khiến người đọc tưởng tượng ra một không gian rộng lớn. Mùa xuân sang khiến cỏ cây, đất trời và lòng người như hòa vào nhau:
"Sóng cỏ xanh gợn tới trời"

Câu thơ không chỉ diễn tả mật độ của cỏ mà còn gợi ra sự chuyển động của gió. Trên nền bức tranh thiên nhiên tươi đẹp ấy là sự xuất hiện của con người:

"Bao cô thôn nữ hát trên đồi
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi".

Và:
"Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc.
Nghe ra ý vị và thơ ngây"

Nổi bật trong khung cảnh thiên nhiên là con người đang trong độ "tuổi xuân". Hình ảnh "Bao cô thôn nữ hát trên đồi" thể hiện sự hòa quyện của con người trước thiên nhiên. Mùa xuân ấm áp, căng tràn sức sống khiến con người cảm thấy xuyến xao, hạnh phúc. Câu thơ "- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi" giống như một lời nói trực tiếp. Ý thơ bộc lộ chút gì đó tiếc nuối của người chứng kiến khung cảnh "đám xuân xanh", hoặc cũng có thể là nuối tiếc của vị "khách xa". Tiếng ca của các cô gái được khắc họa qua từ láy "hổn hển", "thầm thĩ" khiến người đọc cảm nhận được sự trầm bổng trong tiếng hát, lúc thì thiết tha, khi thì gấp gáp, dồn dập. Tiếng hát như nhịp chuyển động của thời gian đầy ý vị.

"Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
- Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?"

Khác với ba khổ thơ đầu, khổ thơ cuối có sự chùng xuống trong tâm trạng nhân vật trữ tình. "Khách xa" có thể hiểu là khách từ phương xa đến thăm làng lúc "mùa xuân chín", hoặc "khách xa" ở đây có thể là nhân vật trữ tình. Điều này đúng với hoàn cảnh của Hàn Mặc Tử, ông cho rằng bản thân giờ chỉ là một người "khách xa" với quê hương. Người khách gặp đúng lúc mùa xuân chín mà lòng nhớ về quê nhà. Câu thơ " - Chị ấy, năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang" với sự thay đổi trong cách ngắt nhịp, nhịp thơ từ 2/2/3/ sang 4/3 và dấu gạch ngang ở đầu khiến câu thơ trở thành lời bộc lộ cảm xúc trực tiếp của nhân vật trữ tình. Người khách xa tự hỏi lòng mình rằng liệu năm nay chị ấy còn gánh thóc bên bờ sông không. Câu thơ vừa diễn tả hành động gánh thóc, vừa gợi ra không gian mùa hè "nắng chang chang".

Cách gieo vần chân "làng" - "chang" khiến dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình như được kéo dài ra. Khổ thơ cuối đã thể hiện nỗi nhớ, khát khao giao cảm mãnh liệt với đời của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Cùng viết về đề tài mùa xuân, nhưng tác phẩm của Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử lại có những nét độc đáo riêng. Nếu Nguyễn Bính khắc họa bức tranh mùa xuân tươi tắn, hồn hậu để bày tỏ tình cảm với người con gái thì Hàn Mặc Tử lại diễn tả mùa xuân tươi đẹp nhưng tràn đầy sự nuối tiếc. Cả hai nhà thơ đều sử dụng hình ảnh thơ gắn liền với những vùng quê. Điều nổi bật của "Mùa xuân chín" là cách sử dụng ngôn từ sinh động khiến người đọc hình dung mùa xuân ở trạng thái tròn đầy nhất.

Bài thơ "Mùa xuân chín" đã khắc họa bức tranh mùa xuân tươi đẹp tràn đầy sức sống. Bức tranh ấy được gợi lên với đầy đủ màu sắc, đường nét, âm thanh của thiên nhiên và con người. Biện pháp nghệ thuật đảo ngữ, so sánh, ẩn dụ, nhân hóa cũng góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm. Bài thơ thể hiện nỗi khát khao giao cảm với đời của một con người xa quê và đang bị bệnh tật giày vò.
Soan bai Viet bai van nghi luan ve mot van de xa hoi

Văn mẫu Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ, Ngữ văn 10 KNTT


II. Viết văn bản nghị luận Phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ, Ngữ văn 10 KNTT - bài "Thu hứng"

1. Dàn ý chi tiết phân tích, đánh giá "Thu hứng"
a. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm.
- Nêu vấn đề sẽ tập trung phân tích.
b. Thân bài
- Chủ đề: Bài thơ bộc lộ nỗi nhớ quê hương sâu sắc của thi nhân khi ông nhìn ngắm khung cảnh thiên nhiên mùa thu tiêu điều, hiu hắt và khung cảnh đời sống rộn ràng, tươi vui của con người tại Quý Châu.
- Mạch cảm xúc: Mạch cảm xúc bài thơ đi từ ngoại cảnh đến tâm trạng nhân vật trữ tình.
- Sự phát triển của hình tượng thơ:
+ Khung cảnh mùa thu ở trên cao.
+ Khung cảnh mùa thu ở dưới thấp.
+ Tâm trạng nhân vật trữ tình trước bức tranh thiên nhiên.
+ Khung cảnh sinh hoạt của con người.
- Tính độc đáo của những phương tiện ngôn ngữ:
+ Hình ảnh thơ gợi cảm: "sương móc trắng xóa", "rừng phong", "hơi thu hiu hắt", "sóng tung vọt trùm bầu trời", "gió mây sà xuống khiến mặt đất âm u", "khóm cúc nở hoa đã hai lần", "con thuyền lẻ loi".
+ Cách gieo vần chân: "lâm" - "sâm" - "âm".
+ Từ láy: "rộn ràng", "dồn dập".
- Nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng chủ đề và cùng đề tài, chủ đề, thể loại.
+ So sánh với bài thơ "Thu hứng" (bài 2) của Đỗ Phủ để nhận thấy những nét đặc sắc riêng của hai bài thơ.
c. Kết bài:
- Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ, ý nghĩa của bài thơ đối với người viết.
2. Bài tham khảo phân tích, đánh giá "Thu hứng" hay nhất

Đỗ Phủ là nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca Trung Hoa và được người đời sau tôn làm "Thi Thánh". Ông xuất thân từ một gia đình truyền thống nho học và thơ ca lâu đời. Cuộc đời ông gắn với nhiều biến cố lịch sử dữ dội của thời đại với nhiều đau thương, mất mát. Ông phải chịu cảnh tha hương và sống cuộc sống khốn khó, bệnh tật tại Quý Châu. Nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của ông là chùm tám bài thơ thu trong đó có "Thu hứng" (bài 1). Bài thơ bộc lộ nỗi nhớ quê hương sâu sắc của thi nhân khi ông nhìn ngắm khung cảnh thiên nhiên mùa thu tiêu điều, hiu hắt và khung cảnh đời sống rộn ràng, tươi vui của con người tại Quý Châu.

Nhan đề tác phẩm đã gợi cho người đọc tâm trạng của thi nhân trước cảnh thu. Mạch cảm xúc bài thơ đi từ tâm trạng trước bức tranh thiên nhiên đến cảm nhận về cảnh sinh hoạt của con người.

Trong bốn câu thơ đầu, nhà thơ đã đã khắc họa bức tranh mùa thu hiu hắt, man mác buồn. Chỉ với vài nét chấm phá, nhà thơ đã làm nổi bật lên không gian chiều thu ở Quý Châu:
"Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm"

Ta có thể nhận thấy vị trí quan sát của nhà thơ tương đối cao bởi tầm nhìn của ông khá xa và rộng. Sương trắng giăng đầy khắp núi gợi lên không gian tiêu điều, xác xơ của rừng phong. "Sương trắng" và "rừng phong" là những hình ảnh thường được sử dụng trong thơ ca cổ khi viết về mùa thu. Từ "trắng xóa" miêu tả độ dày đặc của màn sương mù, gợi lên sự hoang vu. Nhà thơ nhắc tới hai địa danh núi Vu và kẽm Vu thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Đây là những địa danh có địa hình hiểm trở với những vách núi dựng đứng. Vào mùa thu, nơi đây mịt mù với "hơi thu" lạnh lẽo phủ khắp không gian. Hai câu thơ đầu tuy khung cảnh khác nhau nhưng nhà thơ lại nhìn chúng với tâm trạng trĩu nặng nỗi buồn.

Tầm nhìn của nhà thơ đã chuyển hướng ở hai câu thơ tiếp theo. Sự vận hành của tứ thơ rất logic, từ xa đến gần, từ không gian bên ngoài đến những rung động trong nội tâm, mỗi câu thơ đều bộc lộ nỗi nhớ thương đau đáu. Nếu ở hai câu thơ đầu, nhà thơ phóng tầm mắt lên cao, nhìn đến rừng phong với sương mù mờ ảo thì ở hai câu thơ sau, nhà thơ đã hạ tầm nhìn xuống dòng sông "Giữa lòng sông, sóng tung vọt trùm bầu trời". Động từ "trùm" khiến người đọc hình dung ra một khung cảnh hùng vĩ của dòng sông. Đồng thời, hình ảnh "Từ trên cửa ải, gió mây sà xuống khiến mặt đất âm u" càng khiến cho không gian trở nên tối tăm, lạnh lẽo. Sự kết hợp giữa cảnh rừng phong tiêu điều, sương trắng âm u với vẻ hùng vĩ của sông nước, núi rừng khiến khung cảnh thiên nhiên thêm phần rợn ngợp. Nhịp thơ 2/2/3 kết hợp và cách gieo vần chân "lâm" - "sâm" - "âm" càng khắc họa nỗi buồn của nhân vật trữ tình trước không gian mênh mang của mùa thu.

Bốn câu thơ cuối, thi nhân đã diễn tả những rung động mãnh liệt, sâu sắc trước cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp và khung cảnh sinh hoạt của con người:
"Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm."

Nỗi lòng nhà thơ bộc lộ rõ qua hình ảnh "khóm cúc nở hoa đã hai lần", "con thuyền lẻ loi", "rộn ràng dao thước để may áo rét", "tiếng chày nện vải nghe càng dồn dập". Hình ảnh "khóm cúc nở hoa đã hai lần" dùng để chỉ thời gian xa nhà của tác giả. Nhà thơ không kìm nén nổi cảm xúc mà "tuôn rơi nước mắt". Hình ảnh "Con thuyền lẻ loi" gợi ra sự cô đơn, nổi trôi vô định của Đỗ Phủ nơi đất khách.

Hai câu thơ cuối bài có sự xuất hiện của con người với âm thanh cuộc sống sinh động. Từ láy "rộn ràng", "dồn dập" gợi không khí tươi vui. Ta có thể nhận ra được sự chuyển biến tâm trạng nhân vật trữ tình khi đứng trước khung cảnh sinh hoạt của con người. Giờ đây, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương càng trào dâng trong lòng tác giả. Nằm trong chùm tám bài thơ cùng nhan đề, "Thu hứng" (bài 1) và "Thu hứng" (bài 2) lại có những nét hấp dẫn riêng. Nếu "Thu hứng" (bài 2) thể hiện tình yêu nước một cách thầm kín thì "Thu hứng" (bài 1) lại khiến cho người đọc cảm nhận được nỗi nhớ quê hương da diết của một con người lưu lạc nơi đất khách quê người.

Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Niêm, luật và cách gieo vần trong bài thơ được tuân thủ chặt chẽ. Tác giả đã khéo léo sử dụng ngôn từ và những hình ảnh đặc sắc nhằm khắc họa khung cảnh thiên nhiên và khung cảnh sinh hoạt của con người. Bút pháp tả cảnh ngụ tình cũng được thi nhân sử dụng nhằm bộc lộ tâm trạng buồn, xót xa của thi nhân khi nghĩ về quê hương.

"Thu hứng" (bài 1) thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết của một con người lưu lạc nơi đất khách. Bài thơ mang đậm dấu ấn của một hồn thơ tinh tế. Qua bài thơ, người đọc cũng cảm nhận được tài năng và nhân cách cao đẹp của nhà thơ Đỗ Phủ. Đúng như nhà thơ Nguyên Chẩn đã viết: "Đỗ Tử Mỹ trên làm nhạt Phong Tao, dưới làm mờ Thẩm - Tống; lời vượt cả Tô, Lý; khí thơ nuốt cả Tào, Lư; che khuất Nhan, Tạ đỉnh cao, nhuộm đục Từ, Dữu dòng thắm..., có tất cả thể thế của tổ tiên, lại có được cái độc chuyên của từng thi sĩ. Người làm thơ từ xưa đến nay chưa có ai được như Đỗ Tử Mỹ vậy".


III. Viết văn bản nghị luận Phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ, Ngữ văn 10 KNTT - bài Cánh đồng

1. Dàn ý chi tiết phân tích, đánh giá "Cánh đồng"
a. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm và nêu lên vấn đề tập trung phân tích.
b. Thân bài
- Chủ đề: Tác phẩm đem lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc về khung cảnh cánh đồng mùa xuân tươi đẹp, rực rỡ, yên bình - nơi nhân vật trữ tình muốn tìm về.
- Mạch cảm xúc: Mạch cảm xúc của bài thơ đi từ cảm xúc trước hình ảnh hoa cúc trên chiếc bình gốm đến khát khao giao cảm với thiên nhiên.
- Sự phát triển của hình tượng thơ:
+ Cảm xúc của nhân vật trữ tình trước hình ảnh hoa cúc trong chiếc bình gốm.
+ Khát khao giao cảm với đời của nhân vật trữ tình.
- Tính độc đáo của những phương tiện ngôn ngữ:
+ Hình ảnh thơ: "đóa cúc", "cánh đồng", "mùa xuân rộng lớn". "chiếc bình gốm sẫm mùa", "chiếc lá già nua", "nụ hoa bé bỏng", "làn sương ẩm ướt".
+ Điệp cấu trúc: "Chạm vào em..., một..., một...", "Em gọi tên những... chưa kịp... ".
+ Câu thơ dài ngắn đan xen.
+ Nhịp điệu thơ lúc nhanh lúc chậm.
- Nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng chủ đề và cùng đề tài, chủ đề, thể loại.
+ So sánh với bài thơ "Mùa xuân chín" của Hàn Mặc Tử để nhận thấy những nét khác biệt khi miêu tả khung cảnh thiên nhiên mùa xuân.
c. Kết bài:
- Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ, ý nghĩa của bài thơ đối với người viết.
2. Bài tham khảo phân tích, đánh giá "Cánh đồng" hay nhất

"Cánh đồng" là một trong số những bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Nguyễn Thị Ngân Hoa, tác phẩm trong chùm thơ đạt giải B (không có giải A) cuộc thi Thơ trên báo Văn nghệ năm 1995. Bài thơ đã đem đến cho người đọc những rung động sâu sắc về vẻ đẹp cánh đồng mùa xuân tràn đầy sức sống và tình yêu thiên nhiên tha thiết của tác giả.

Nhan đề bài thơ gợi cho người đọc hình dung về một miền quê yên bình, dân dã, có cánh đồng rộng lớn và không gian bao la. Trong quá trình đọc tác phẩm, ta có thể cảm nhận được sự biến hóa của nhịp điệu, sự phóng khoáng trong cách xây dựng những hình ảnh thơ và sử dụng công trong cách tổ chức mạch thơ.

Bài thơ đã khắc họa nên khung cảnh cánh đồng mùa xuân ngập tràn hương sắc. Mở đầu tác phẩm, tác giả đã miêu tả vẻ đẹp của mùa xuân qua hình ảnh "Những đóa cúc vừa hái về từ cánh đồng mùa xuân rộng lớn". Nhân vật trữ tình đã cảm nhận vẻ đẹp của khóm cúc bằng con mắt mộng mơ của tuổi trẻ. Chỉ một đóa cúc thôi mà nhân vật trong bài đã hình dung ra cả một cánh đồng mùa xuân tươi tắn ngay trước mắt. Vẻ đẹp của cánh đồng mùa xuân không chỉ được gợi ra từ màu sắc mà còn được tái hiện bởi âm thanh "Tỏa sáng trên chiếc bình gốm màu sẫm/ Chạm vào em một chiếc lá già nua, một nụ hoa bé bỏng, một hơi thở run run, một làn sương ẩm ướt/ Chạm vào em một lảnh lót trong veo, một vang rền trầm đục, một nức nở âm u, một lặng câm rực rỡ". Các câu thơ nối tiếp nhau như dòng chảy cảm xúc và suy tưởng của nhân vật trữ tình. Điều này được thể hiện qua độ dài, ngắn của các câu thơ và nhịp thơ biến đổi linh hoạt, lúc nhanh, lúc chậm tùy thuộc vào tâm trạng nhân vật. Biện pháp điệp cấu trúc "Chạm vào em...một...một,... một" kết hợp với các từ ngữ "già nua", "bé bỏng", "run run", "ẩm ướt", "lảnh lót", "trong veo", "vang rền", "trầm đục", "nức nở", "âm u", "lặng câm", "rực rỡ" đã nhấn mạnh vẻ đẹp của thiên nhiên. Khung cảnh mùa xuân được nhà thơ khắc họa tràn đầy sức sống, mọi sự vật, hiện tượng đều mang trong mình những điểm riêng biệt.

Từ bông cúc cắm trên bình gốm, nhân vật trữ tình thả hồn mình tìm tới cánh đồng mênh mông. Động từ "chạy về" thể hiện rõ khao khát của nhân vật "em" khi nghĩ về cánh đồng rộng lớn. Đây như là một nơi yên bình mà nhân vật "em" luôn hướng tới. Trở về với cánh đồng em có thể hòa mình với thiên nhiên tươi đẹp "Chân ngập trong đất mềm tơi xốp". Biện pháp điệp cấu trúc lại tiếp tục được sử dụng trong hai câu thơ "Em gọi tên những loài hoa chưa kịp mọc/ Em gọi tên những trái cây chưa kịp ra đời" nhấn mạnh sự chờ đợi của nhân vật trữ tình. "Em" mong chờ những sự sống đang ấp ủ trong lòng đất. Biện pháp nhân hóa "Những trái cây đang ngủ trong hạt mầm vừa nứt/ Đang ngủ trong đóa hoa nấp dưới đất cày" thể hiện sức sống tiềm tàng của sự vật trong mùa xuân. Trạng thái mầm cây đang ngủ thể hiện quy luật bốn mùa của tự nhiên. Mùa xuân đến vạn vật ấp ủ trong mình sự sống bất tận. Trong khổ thơ này, tác giả đã làm nổi bật sự trân quý thiên nhiên của nhân vật trữ tình.
Kết thúc tác phẩm, nhà thơ lại nhắc tới hình ảnh "chiếc bình gốm": "Dưới lớp đất cày có những chiếc bình gốm/ Chưa kịp thành hình chờ đợi các loài hoa". Nếu như ở khổ thơ đầu, chiếc bình gốm làm nền cho những đóa cúc "tỏa sáng" thì ở khổ thơ cuối, chiếc bình gốm lại "chưa kịp" thành hình mà ẩn sâu dưới lớp đất cày chờ đón những loài hoa sắp nở. Câu thơ "Dưới lớp đất cày có những chiếc bình gốm" gợi lên nhiều suy nghĩ trong lòng người đọc. Câu thơ này có thể hiểu theo hai cách: cách thứ nhất là những chiếc bình gốm được lấp dưới "đất cày"; cách hiểu thứ hai là "lớp đất" chính là nguyên liệu để con người tạo ra chiếc bình gốm. Nhưng dù hiểu theo cách nào thì câu thơ vẫn cho thấy tình cảm yêu mến thiên nhiên của "em".

Bài thơ đã gợi ra không gian cánh đồng mùa xuân tràn đầy sức sống với những hình ảnh quen thuộc: đóa cúc, đất cày, trái cây,... Cánh đồng được nổi bật lên không chỉ qua hình ảnh mà còn qua âm thanh "lảnh lót trong veo", "một vang rền trầm đục", "một nức nở âm u", "một lặng câm rực rỡ". Bằng khả năng quan sát tinh tế và trí tưởng tượng phong phú, cánh đồng mùa xuân được tái hiện một cách chân thực, sống động qua ngòi bút của tác giả. Tác phẩm có cách triển khai độc đáo, các câu thơ, khổ thơ có độ dài ngắn khác nhau như dòng chảy tâm trạng của nhân vật trữ tình. Sự biến hóa nhịp điệu linh hoạt khiến bài thơ như một trang tự sự. Qua tác phẩm, nhà thơ gửi gắm tình cảm yêu mến thiên nhiên thiết tha.

Nếu bài thơ "Mùa xuân chín" của nhà thơ Hàn Mặc Tử đem đến cho người đọc những cảm nhận xuyến xao về bức tranh thiên nhiên mùa xuân yên bình, khung cảnh sinh hoạt gần gũi từ đó thể hiện khát khao giao cảm với đời thì bài thơ "Cánh đồng" của Nguyễn Thị Ngân Hoa lại mang đến cho chúng ta những cảm xúc khó quên về mùa xuân tươi đẹp trên cánh đồng. Điều khác biệt có thể nói tới chính là sự khác biệt trong việc xây dựng hình ảnh thơ và việc tổ chức mạch thơ (các câu thơ dài, ngắn khác nhau theo dòng cảm xúc của nhân vật).

Bài thơ "Cánh đồng" của Nguyễn Thị Ngân Hoa là một bài thơ đặc sắc cả về nội dung và hình thức nghệ thuật. Tác phẩm đem lại cho người đọc những ấn tượng khó quên về khung cảnh cánh đồng mùa xuân yên bình, nơi tràn đầy kỉ niệm và khát khao của nhân vật "em". Qua đó, nhà thơ cũng bộc lộ tình yêu thiên nhiên thiết tha.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-van-ban-nghi-luan-phan-tich-danh-gia-mot-tac-pham-tho-ngu-van-10-kntt-71706n.aspx
Để có thể viết nghị luận Phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ, Ngữ văn 10 KNTT, các em cần nêu bật được chủ đề, mạch cảm xúc, sự phát triển của hình tượng thơ và tính độc đáo của phương tiện ngôn ngữ. Bài tham khảo được cung cấp sẽ giúp các em viết được một bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ hay và giàu ý nghĩa. Mời các em tham khảo thêm văn mẫu lớp 10 khác:
- Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật một tác phẩm truyện
- Nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ

Tác giả: Ngọc Trinh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Giải Toán lớp 7 sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 95 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 91, 92 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 30, 31, 32, 33, 34 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Link tải Sách giáo khoa lớp 3 Kết nối tri thức
Từ khoá liên quan:

Viet van ban nghi luan phan tich danh gia mot tac pham tho Ngu van 10 KNTT

, Soan bai Viet bai van nghi luan ve mot van de xa hoi, Soan bai Truyen ve cac vi than sang tao the gioi,

SOFT LIÊN QUAN
  • Bộ Sách Kết nối tri thức với cuộc sống

    File mềm sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho học sinh

    Ngoài sách Chân trời sáng tạo, bộ sách Cánh Diều thì bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cũng được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn theo tiêu chuẩn sách giáo khoa mới đưa ra thử nghiệm trong năm học mới. Giống ...

Tin Mới