Nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ, Ngữ văn 10 KNTT

Bài tham khảo Nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ Ngữ văn 10 - Kết nối tri thức với cuộc sống, học kì I dưới đây sẽ giúp em nắm chắc kiến thức một tác phẩm thơ nào đó; đồng thời rèn luyện cho em kĩ năng khi thuyết trình một vấn đề.

Nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống

noi va nghe gioi thieu danh gia ve noi dung va nghe thuat cua mot tac pham tho ngu van 10 kntt

Viết bài văn Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật bài thơ, văn mẫu lớp 10


I. Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật Thu hứng

1. Dàn ý: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật "Thu hứng".
a. Mở đầu:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Nêu nội dung khái quát cần giới thiệu, đánh giá: nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
b. Nội dung chính:
- Mạch cảm xúc của bài thơ: đi từ cảm xúc trước khung cảnh thiên nhiên đến cảm xúc về khung cảnh sinh hoạt của con người.
- Nội dung bài thơ: nỗi nhớ quê hương của nhà thơ.
- Hình thức nghệ thuật: thể thơ, nhịp thơ, hình ảnh thơ,...
c. Kết thúc:
- Khẳng định lại giá trị về nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ.
2. Bài nói mẫu: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật Thu hứng.
Em chào cô và các bạn. Em tên là Hiếu. Hôm nay, em xin được trình bày bài nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật "Thu hứng" - Đỗ Phủ.
Trong những ngày thu năm 766, nhà thơ Đỗ Phủ đã sáng tác bài thơ "Thu hứng" (Bài 1). Đây là bài đầu tiên nằm trong chùm tám bài thơ thất ngôn bát cú có nhan đề chung là "Thu hứng". Bài thơ đã khắc họa khung cảnh thiên nhiên và bức tranh sinh hoạt của con người khi thu đến, đồng thời thể hiện nỗi nhớ quê hương sâu đậm của Đỗ Phủ.
Các bạn ạ, khi đọc bài thơ này, chúng ta dễ dàng thấy được mạch cảm xúc của bài thơ: đi từ tâm trạng trước không gian thiên nhiên đến cảm nhận về khung cảnh sinh hoạt của con người.
Trong bốn câu thơ đầu, nhà thơ Đỗ Phủ đã phác họa bức tranh thiên nhiên mùa thu ảm đạm, hắt hiu. Không gian rộng lớn của rừng phong được bao trùm bởi làn sương trắng xóa "Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm". Xa xa kia, núi Vu, kẽm Vu với những vách núi cao lớn đã thu hút tầm nhìn của nhân vật trữ tình. Hai địa danh này dường như cũng u ám, mờ mịt bởi làn sương dày đặc "Núi vu, kẽm Vu hơi thu hiu hắt". Từ láy "hiu hắt" càng làm cho không gian núi rừng trở nên hoang sơ, lạnh lẽo. Ở hai câu thơ tiếp theo "Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng/ Tái thượng phong vân tiếp địa âm", nhà thơ đã chuyển tầm nhìn của mình xuống dòng sông. Giữa lòng sông, sóng tung những dòng nước cuồn cuộn như muốn bao trùm lấy bầu trời. Đặc biệt, gió mây ở trên cao như đang sà xuống, làm cho mặt đất càng thêm âm u. Tất cả các cảnh vật với những sắc thái khác nhau đã tạo nên bức tranh thiên nhiên mùa thu tiêu điều, hiu hắt.
Tiếp đến, ở bốn câu thơ cuối, Đỗ Phủ khéo léo bộc lộ nỗi nhớ quê hương da diết của mình. Đứng trước khung cảnh sinh hoạt của con người, nhà thơ không thể ngăn nổi nỗi xúc động. Hai lần khóm cúc nở hoa cũng là hai năm xa nhà của Đỗ Phủ "Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ". Không chỉ vậy, hình ảnh con thuyền lẻ loi như gợi ra lênh đênh của kiếp người "Cô chu nhất hệ cố viên tâm". Câu thơ cũng đã làm nổi bật hoàn cảnh cô đơn của tác giả nơi đất khách. Nỗi nhớ quê nhà càng thêm da diết khi nhà thơ nghe thấy âm thanh rộn ràng của dao thước may quần áo mùa rét và sự dồn dập của tiếng chày nện vải.
Qua bài thơ, nhà thơ đã khắc họa nên bức tranh thiên nhiên và khung cảnh sinh hoạt của con người trong tiết trời thu ảm đạm, hắt hiu. Đồng thời, từ cảnh vật ấy, nhà thơ khéo léo bày tỏ nỗi nhớ thương quê nhà của mình.
Bên cạnh những thành công về nội dung, chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp trong hình thức nghệ thuật của "Thu hứng" (Bài 1). Bài thơ sử dụng ngôn từ hàm súc, giàu sức gợi. Ngoài ra, cách gieo vần, ngắt nhịp, phép đối cùng lối viết tả ít gợi nhiều đã khơi gợi nỗi nhớ quê nhà một cách tinh tế của nhà thơ.
Trên đây là bài trình bày của em về Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật "Thu hứng" - Đỗ Phủ. Em xin cảm ơn cô và các bạn đã theo dõi, lắng nghe!
Soan bai Truyen ve cac vi than sang tao the gioi

Văn mẫu Nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ, Ngữ văn 10 KNTT


II. Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật Mùa xuân chín

1. Dàn ý: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật Mùa xuân chín.
a. Mở đầu:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Nêu nội dung khái quát cần giới thiệu, đánh giá: nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
b. Nội dung chính:
- Chủ đề của bài thơ: tình yêu thiên nhiên cùng khát khao giao cảm với đời, với người của Hàn Mặc Tử.
+ Nhan đề bài thơ khiến người đọc hình dung về mùa xuân đang vào giai đoạn tươi đẹp và tràn đầy sức sống.
+ Mạch cảm xúc: đi từ ngoại cảnh đến tâm cảnh.
- Hình thức nghệ thuật: ngôn ngữ, hình ảnh thơ, các biện pháp tu từ...
c. Kết thúc:
- Khẳng định lại giá trị về nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ.
2. Bài nói mẫu: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật Mùa xuân chín.
Em chào cô và các bạn. Em xin tự giới thiệu, em tên là Hà Anh. Sau đây, em xin trình bày những ý kiến của mình về bài nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật "Mùa xuân chín".
Các bạn ơi, chắc hẳn mỗi người chúng ta đã từng đọc hoặc học về một bài thơ viết về mùa xuân đúng không nào? Mình nhớ chúng ta đã từng học đoạn trích "Cảnh ngày xuân" (trích "Truyện Kiều" - Nguyễn Du) và bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải. Hôm nay, mình sẽ giới thiệu tới các bạn một bài thơ cũng viết về mùa xuân, nằm trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 - Kết nối tri thức với cuộc sống. Đó là bài thơ "Mùa xuân chín" của tác giả Hàn Mặc Tử.
Đọc nhan đề bài thơ, mình thấy sự kết hợp tinh tế giữa danh từ "mùa xuân" với động từ chỉ trạng thái "chín". Nhan đề ấy đã khiến mình hình dung về khung cảnh mùa xuân tươi đẹp và tràn đầy sức sống. Mạch cảm xúc bài thơ đi từ ngoại cảnh đến tâm cảnh. Mạch cảm xúc ấy được khắc họa rõ nét qua các hình ảnh thơ và ngôn ngữ tinh tế.
Đầu tiên, ở khổ thơ thứ nhất, hình ảnh thơ "làn nắng ửng", "khói mờ tan", "bóng xuân sang" đã gợi ra khung cảnh mùa xuân ấm áp. Biện pháp nhân hóa "gió trêu tà áo biếc" kết hợp với từ láy "sột soạt" và phép đảo ngữ "Sột soạt gió trêu tà áo biếc" cho thấy những tinh tế trong quan sát của nhà thơ khi xuân đến. Ngọn gió không còn là vật vô tri vô giác mà trở nên sống động với âm thanh tình tứ, đang trêu đùa tà áo biếc. Ngoài ra, biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "bóng xuân sang" còn góp phần miêu tả dáng điệu nhẹ nhàng của mùa xuân.
Trên nền thiên nhiên mùa xuân căng tràn sức sống còn xuất hiện hình ảnh con người "Bao cô thôn nữ hát trên đồi". Lắng nghe tiếng hát ấy, nhân vật trữ tình càng thêm tiếc nuối trước độ xuân thì của người con gái "- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,/ Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc cuộc chơi". Biện pháp ẩn dụ "xuân xanh" kết hợp cùng các từ láy "hổn hển", "vắt vẻo" và biện pháp nhân hóa "tiếng ca vắt vẻo", so sánh "hổn hển như lời nước mây" đã mang đến cho người đọc vẻ duyên dáng của người con gái. Vẻ đẹp ấy hòa trong tiếng hát trầm bổng, thiết tha như tô đậm khung cảnh thiên nhiên căng tràn sức sống.
Đặc biệt, trong khổ thơ cuối, mình cảm nhận được tâm trạng chùng xuống của nhân vật trữ tình - "khách xa". Từ láy "bâng khuâng" gợi ra cảm xúc lâng lâng, xen chút buồn tiếc nuối trong lòng. Nhưng rồi, nhân vật trữ tình lại có sự chuyển biến đột ngột trong cảm xúc khi "sực" nhớ làng và "- Chị ấy, năm nay còn gánh thóc/ Dọc theo bờ sông trắng nắng chang chang?". Câu hỏi cuối bài thơ cùng đại từ nhân xưng không cụ thể "chị ấy" đã phác họa nỗi niềm cô đơn, hụt hẫng cùng tấm lòng nhớ quê hương của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Qua bài thơ "Mùa xuân chín", mình thấy được nét độc đáo trong hình thức nghệ thuật như cách tổ chức ngôn ngữ và hình ảnh thơ độc đáo, kết hợp với nhiều biện pháp nhân hóa, cách gieo vần chân ("vàng-sang, "trời-chơi",...). Bên cạnh đó, bài thơ đã vẽ nên bức tranh mùa xuân từ những chất liệu như âm thanh, hình ảnh, màu sắc sống động của thiên nhiên và con người. Đọc bài thơ, chúng ta không khỏi rung động trước tình yêu thiên nhiên tha thiết cùng khát khao giao cảm với đời, với người của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Bài trình bày của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.


III. Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật một bài thơ hai-cư Nhật Bản.

1. Dàn ý: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật một bài thơ hai-cư Nhật Bản.
a. Mở đầu
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Nêu nội dung khái quát cần giới thiệu, đánh giá: nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
b. Nội dung chính:
- Nội dung bài thơ: tâm trạng của con người trong cảnh chiều thu:
+ Hình ảnh trung tâm: "con quạ".
+ Không gian: trên cành cây khô.
+ Thời gian: chiều thu.
- Hình thức nghệ thuật:
+ Dung lượng ngắn.
+ Ngôn ngữ cô đọng, hàm súc.
+ Hình ảnh thơ gần gũi.
c. Kết thúc:
- Khẳng định lại giá trị về nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ.
2. Bài nói mẫu: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật một bài thơ hai-cư Nhật Bản.
Chào cô và các bạn học sinh lớp 10A1, em tên là Đại Dương. Hôm nay, em xin trình bày bài nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật một bài thơ hai-cư Nhật Bản.
Các bạn ơi, không biết trong ba bài thơ thuộc "Chùm thơ hai-cư Nhật Bản" được học ở chương trình Ngữ văn 10 - Kết nối tri thức thì các bạn thích bài thơ nào nhất? Đối với mình, mình ấn tượng với bài thơ đầu tiên. Đây là bài thơ do nhà thơ Ba-sô sáng tác.
Theo mình tìm hiểu, Ba-sô (1644-1694) là nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Nhật. Ông có đóng góp lớn trong việc hoàn thiện thơ hai-cư. Bài thơ hai-cư của ông mà mình muốn giới thiệu tới mọi người hết sức ngắn gọn:
"Trên cành khô
cánh quạ đậu
chiều thu."
Có thể thấy, khi đọc bài thơ, các bạn dễ dàng phát hiện ra hình ảnh trung tâm của bài thơ là "con quạ". Con quạ này đang đậu ở một cành cây khô. Cụm từ "trên cành khô" gợi cho chúng ta không khí man mác buồn của trời thu. Cảnh vật dường như đang lụi tàn, héo mòn theo thời gian. Bức tranh mùa thu trở nên tĩnh lặng, chỉ có một màu ảm đạm, u ám và thiếu sức sống. Trong buổi chiều thu ấy, đứng trước khung cảnh thiên nhiên như vậy, con người thêm cô độc, lẻ loi mà lâng lâng cảm xúc trong lòng.
Bên cạnh đặc sắc về nội dung, mình còn ấn tượng với những độc đáo trong hình thức nghệ thuật của bài thơ. Có thể nói, đây là lần đầu tiên mình được đọc và học một bài thơ ngắn như vậy. Chắc hẳn mọi người cũng giống như mình đúng không? Tuy dung lượng bài thơ khá ngắn, chỉ có ba câu, mỗi câu khoảng 2-3 tiếng nhưng đã làm nổi bật tâm trạng của nhà thơ. Nếu các bạn để ý thì sẽ phát hiện ra các chữ đầu dòng ở câu thơ 2, 3 không được viết hoa. Điều này giúp bài thơ giống như một câu chuyện kể, một lời bộc bạch tâm sự của con người. Ngoài ra, hình ảnh thơ cũng rất gần gũi, thân thuộc với mỗi chúng ta. Hình ảnh "cành khô", "con quạ" mang đậm tính tượng trưng cho thiên nhiên mùa thu. Nét độc đáo về nghệ thuật còn được thể hiện trong việc tác giả sử dụng ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc. Bài thơ chỉ với 8 tiếng nhưng đã gợi cho người đọc khung cảnh mùa thu và bức tranh tâm trạng của con người.
Có thể nói, đọc bài thơ hai-cư của Ba-sô đã giúp mình tiếp thu thêm kiến thức về thể thơ hai-cư độc đáo của Nhật Bản. Từ đây, mình sẽ chăm chỉ đọc sách và bồi dưỡng tri thức để khám phá nhiều điều thú vị từ nền văn học của các quốc gia khác.
Như vậy, bài thuyết trình của em về: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật một bài thơ hai-cư Nhật Bản đến đây là kết thúc. Em rất mong sẽ nhận được lời nhận xét của cô và những ý kiến đóng góp của các bạn để bài thuyết trình ngày càng hoàn thiện.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/noi-va-nghe-gioi-thieu-danh-gia-ve-noi-dung-va-nghe-thuat-cua-mot-tac-pham-tho-ngu-van-10-kntt-71707n.aspx
Các bài viết này sẽ giúp các em chuẩn bị chi tiết những đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của một tác phẩm thơ trong Ngữ văn 10 - Kết nối tri thức với cuộc sống. Em có thể tham khảo thêm những bài văn mẫu lớp 10 khác trên Taimienphi.vn như:
- Phân tích, đánh giá Mùa xuân chín
- Phân tích, đánh giá Thu hứng

Tác giả: Trần Thuỳ     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Giải bài tập trang 95 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 91, 92 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 30, 31, 32, 33, 34 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Link tải Sách giáo khoa lớp 3 Kết nối tri thức
Giải toán lớp 6 trang 37 tập 1 sách Kết Nối Tri Thức
Từ khoá liên quan:

Noi va nghe Gioi thieu danh gia ve noi dung va nghe thuat cua mot tac pham tho Ngu van 10

, Viet bai van Gioi thieu danh gia ve noi dung va nghe thuat cua 1 tp truyen, Soan bai Truyen ve cac vi than sang tao the gioi,

SOFT LIÊN QUAN
  • Bộ Sách Kết nối tri thức với cuộc sống

    File mềm sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho học sinh

    Ngoài sách Chân trời sáng tạo, bộ sách Cánh Diều thì bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cũng được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn theo tiêu chuẩn sách giáo khoa mới đưa ra thử nghiệm trong năm học mới. Giống ...

Tin Mới