Đề bài: Viết một đoạn văn (khoảng 10-12 dòng) nêu suy nghĩ của em về một vấn đề xã hội đặt ra từ truyện "Kép Tư Bền".
Gợi ý cách làm bài văn rút ra từ truyện Kép Tư Bền
I. Dàn ý Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về vấn đề xã hội đặt ra từ truyện Kép Tư Bền:
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Công Hoan và truyện ngắn "Kép Tư Bền".
2. Thân đoạn:
- Lên án xã hội bất công:
+ Ông chủ rạp hát là kẻ đại diện cho thế lực cầm quyền.
+ Kép Tư Bền đại diện cho người nghèo khó.
=> Con người bị ép buộc phải giả vờ vui cười, sung sướng khi nội tâm đang đau đớn.
=> Bức tranh về xã hội thuộc địa nửa phong kiến, con người bị bóc lột nặng nề.
- Sự hi sinh vì nghệ thuật của những người nghệ sĩ.
3. Kết đoạn:
- Nêu suy nghĩ của em về vấn đề xã hội lúc bấy giờ.
II. Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về vấn đề xã hội đặt ra từ truyện Kép Tư Bền:
1. Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về vấn đề xã hội đặt ra từ truyện Kép Tư Bền - mẫu số 1:
Nguyễn Công Hoan là một cây bút chuyên viết truyện ngắn phê phán hiện thực xã hội bất công. Trong "Kép Tư Bền", ông đã viết về một diễn viên hát bội nổi tiếng, có nhiều khán giả yêu thích. Đáng lẽ, người như thế phải có rất nhiều tiền của, sống trong hào quang và sung sướng. Thế nhưng không phải vậy, Tư Bền chỉ là một người có cha bị bệnh, phải chạy chữa khắp nơi mà bệnh ngày một nặng hơn. Nghèo đói, anh đành phải đi vay tiền ông chủ rạp hát rồi bị bắt ép nhận vai diễn mới trong khi cha anh đang trong cơn nguy kịch. Từ đó, ta thấy được sự bóc lột vô cùng khủng khiếp của tầng lớp tư sản đối với dân nghèo. Tư Bền tuy rất nổi tiếng nhưng tiền anh kiếm được đều bị chủ rạp cầm hết. Những đồng lương anh nhận được còm cõi đến mức chẳng đủ để cha anh trị bệnh. Không những bào mòn sức lao động, những kẻ hám tiền còn vô nhân tính đến mức bắt con người phải cười đùa trong khi cha mẹ ốm yếu nguy kịch. Đến nhân quyền cơ bản Tư Bền cũng không có được. Những kiếp người nghèo đói còn bị tước đoạt đi nhu cầu thể hiện cảm xúc. Từ đó, ta thấy được sự phân hóa, tương phản sâu sắc giữa hai tầng lớp trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến, thấy những nỗi đau đớn, bi kịch không tên mà người dân phải chịu đựng.
2. Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về vấn đề xã hội đặt ra từ truyện Kép Tư Bền - mẫu số 2:
Gây ấn tượng nhất trong "Kép Tư Bền" là đoạn văn miêu tả nhân vật chính phải diễn cảnh cười đùa, bông lơn, pha trò với khán giả trong khi người cha đang nguy kịch. Nghệ thuật tương phản giữa vẻ ngoài và nội tâm nhân vật cho ta thấy nỗi bi kịch, cay đắng của cuộc đời người nghệ sĩ. Chúng ta vẫn thường mặc định người nghệ sĩ luôn luôn vui vẻ, hài hước thì họ mới có thể hóa thân vào những nhân vật vui nhộn, gây cười cho khán giả. Thế nhưng nghệ sĩ cũng là con người bình thường. Họ cũng có lúc vui, lúc buồn, khi đau đớn, giận dữ. Đọc "Kép Tư Bền", ta mới biết được hóa ra người nghệ sĩ cũng có rất nhiều những điều lo toan vất vả, nỗi niềm đó theo chân họ lên trên cả sân khấu. Thế nhưng dường như tất cả những cảm xúc ấy đều phải kìm nén lại khi đứng dưới ánh đèn rực rỡ. Khi đó, họ chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là làm hài lòng khán giả. Tất cả những tâm tư tình cảm, nỗi lòng riêng đều bị giấu kín trong sau lớp hóa trang. Sự hi sinh của họ cốt là để mang đến cho khán giả những tác phẩm trọn vẹn, chỉn chu nhất. Từ đó, ta càng thêm yêu và trân trọng người nghệ sĩ đã cống hiến cả đời mình cho nghệ thuật.
Tóm tắt Kép Tư Bền, nêu suy nghĩ về vấn đề đặt ra trong truyện
3. Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về vấn đề xã hội đặt ra từ truyện Kép Tư Bền - mẫu số 3:
Thời điểm Nguyễn Công Hoan viết "Kép Tư Bền" cũng là lúc văn hóa xem kịch, hát bội của con người phát triển nhất. Rất nhiều rạp hát ra đời nhằm phục vụ nhu cầu của người dân. Tưởng chừng như khi những phương thức giải trí mới du nhập vào xã hội sẽ giúp cho bộ mặt đời sống thay đổi. Thế nhưng nó vẫn chỉ là việc những người thuộc giai cấp đủ ăn đủ mặc đi mua cái cười vui bên ngoài cái sầu khổ của kẻ nghèo. Điều này được thể hiện rất rõ trong "Kép Tư Bền". Anh Tư Bền là một diễn viên thuộc tầng lớp dưới. Tuy nổi tiếng và được khán giả ưa thích nhưng anh cũng chỉ được xếp vào hạng những người "bán thân nuôi miệng". Vì chữa chạy cho cha nên Tư Bền lâm vào cảnh nghèo khó, bèn mượn tiền của ông chủ rạp hát. Hắn ta chính là người đại diện cho thế lực cầm quyền của xã hội lúc bấy giờ: khôn lỏi, tinh vi và bóc lột người khác. Chính hắn đã ép anh lên sân khấu trong lúc cha anh đang trong cơn nguy kịch. Từ đây, ta thấy được một xã hội mất nhân tính, dùng tiền mua vui, đày đọa con người đựng những nỗi đau khổ, bất công.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-doan-van-neu-suy-nghi-ve-van-de-xa-hoi-dat-ra-tu-truyen-kep-tu-ben-76640n.aspx
Trong vô vàn những tác phẩm lấy nhân vật chính là người nông dân thì "Kép Tư Bền" lại hướng góc nhìn về người nghệ sĩ đứng trên sân khấu. Nó cho ta thấy được bi kịch đằng sau sự hào nhoáng, đẹp đẽ kia. Mời em xem thêm những bài văn mẫu lớp 11 khác trên Taimienphi.vn như: Nói và nghe: Nêu suy nghĩ về sức mạnh của tình mẫu tử; Nói và nghe: Nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa cái đẹp với cái thiện.