Đề bài: Từ truyện "Chữ người tử tù" (Nguyễn Tuân), em hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa cái "đẹp" với cái "thiện".
Bài văn mẫu Quan niệm về cái đẹp với cái thiện
I. Dàn ý Nói và nghe: Nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa cái đẹp với cái thiện:
1. Mở đầu:
- Lời chào
- Giới thiệu về tác phẩm "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân và mối quan hệ giữa cái "đẹp" và cái "thiện" trong đời sống.
2. Nội dung chính:
a) Cái "đẹp" và cái "thiện" trong "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân:
- Biểu hiện:
+ Cảnh cho chữ.
+ Lời khuyên của Huấn Cao dành cho viên quản ngục: "Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn".
- Ý nghĩa:
+ Người có tâm hồn cao đẹp như viên quản ngục không thể ở nơi ngục tù đầy bẩn thỉu xấu xa.
+ Viên quản ngục là người có thiên lương trong sáng nên mới cảm nhận được cái đẹp trong nét chữ của Huấn Cao.
+ Cái "đẹp" và cái "thiện" phải gắn liền với nhau và phải xuất hiện trong môi trường tươi sáng, hạnh phúc.
b) Mối quan hệ giữa cái "đẹp" và cái "thiện" trong đời sống:
- Khái niệm:
+ "Đẹp" là cảm xúc của thị giác khi nhìn thấy điều gì đó phù hợp với thẩm mĩ của bản thân.
+ "Thiện" là tốt lành, hợp với đạo đức.
+ Ngoài thực tế, cái "đẹp" thường là ngoại hình, hình thức bên ngoài, cái "thiện" sẽ là nội tâm, tính cách bên trong.
- Mối quan hệ giữa cái "đẹp" và cái "thiện" trong đời sống:
+ Nếu không có cái "đẹp" về hình thức bên ngoài, con người sẽ ít quan tâm đến bản chất bên trong để tìm ra cái "thiện".
+ Nếu có cái "đẹp" mà không có cái "thiện" thì đó chỉ là vẻ đẹp ngụy tạo, sớm phai tàn.
+ Cái "đẹp" bên trong chính là cái thiện.
=> "Đẹp" và "thiện" luôn luôn phải gắn liền với nhau mới tạo ra một tổng thể hài hòa, tốt đẹp.
- Dẫn chứng:
+ "Tấm" và "Cám" trong truyện Tấm Cám.
+ Những cuốn sách đội lốt văn học nhưng lại có nội dung phản động.
+ Những ca khúc, bức tranh được sáng tác vì mục đích đấu giá, quyên góp cho cộng đồng.
- Bài học nhận thức và hành động:
+ Cái "đẹp" và cái "thiện" là hai yếu tố không thể tách rời.
+ Phải cố gắng học tập, rèn luyện để vừa "đẹp" vừa "thiện": có một cơ thể khỏe mạnh, xinh đẹp, tấm lòng yêu thương mọi người cùng khối lượng kiến thức vững vàng.
3. Kết thúc:
- Khẳng định lại mối quan hệ giữa cái "đẹp" và cái "thiện".
- Lời chào và cảm ơn.
II. Bài mẫu Nói và nghe: Nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa cái đẹp với cái thiện ngắn gọn:
1. Nói và nghe: Nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa cái đẹp với cái thiện hay nhất - mẫu số 1:
Chào cô và các bạn, em là Ngọc Huyền. Bài nói của em ngày hôm nay sẽ giới thiệu cho các bạn về mối quan hệ giữa cái "đẹp" với cái "thiện" thông qua tác phẩm "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân.
Trong tác phẩm "Chữ người tử tù", những chi tiết thể hiện quan hệ giữa cái đẹp với cái thiện được dàn đều trong cả bài nhưng chưa thật sự rõ ràng. Phải đến cảnh cho chữ, mối liên kết này mới được hiện lên rõ nét. Thông qua lời khuyên của Huấn Cao dành cho viên quản ngục: "Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn", ta đã thấy được mối liên kết như sau: cái "đẹp" và cái "thiện" phải gắn liền với nhau và phải xuất hiện trong môi trường tươi sáng, hạnh phúc. Người có tâm hồn cao đẹp như viên quản ngục không thể ở nơi ngục tù đầy bẩn thỉu, xấu xa.
Xét trong thực tế, cái "đẹp" thường là ngoại hình, hình thức bên ngoài. Cái "thiện" được coi là nội tâm, tính cách bên trong. Nếu không có cái "đẹp" về hình thức bên ngoài, con người sẽ ít quan tâm đến bản chất bên trong để tìm ra cái "thiện". Nếu có cái "đẹp" mà không có cái "thiện" thì vẻ đẹp đó cũng chỉ là ngụy tạo, rồi sẽ sớm phai tàn. Vậy nên "đẹp" và "thiện" luôn luôn phải gắn liền với nhau. Điều này sẽ tạo ra một tổng thể hài hòa, tốt đẹp, đầy thẩm mĩ.
Mong rằng qua bài nói của em, các bạn đã hiểu hơn về mối liên hệ giữa cái "đẹp" và cái "thiện" trong đời sống. Rất mong nhận được lời góp ý từ cô và các bạn.
2. Nói và nghe: Nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa cái đẹp với cái thiện - mẫu số 2:
Xin chào cô và các bạn. "Chữ người tử tù" là một tác phẩm đặc sắc, nổi bật lên trong đó là quan niệm thẩm mĩ của tác giả Nguyễn Tuân về cái "đẹp" và cái "thiện". Sau đây, em xin phép được làm rõ mối quan hệ giữa hai khái niệm này dựa trên cả hai góc nhìn là trong tác phẩm và ngoài đời sống.
Nguyễn Tuân là một tác giả suốt đời đi tìm cái đẹp. "Chữ người tử tù" cũng nhắc về thú chơi chữ cùng con người tài hoa đã từng "vang bóng một thời". Vậy nên, tác phẩm này chắc chắn đều ẩn chứa nhiều quan niệm thẩm mĩ sâu sắc. Mối quan hệ giữa cái "đẹp" và cái "thiện" được thể hiện ở cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục. Đầu tiên, ta có thể thấy được hai người này đều là những người "thiện". Dù ở trong tư thế, trạng thái đối nghịch nhau nhưng tấm lòng mỗi người đều cao quý. Huấn Cao là người anh hùng nghĩa khí, không chịu nổi khổ cực nên đã lãnh đạo nông dân khởi nghĩa. Viên quản ngục cũng là người yêu cái đẹp, có tấm lòng "biệt ngưỡng liên tài". Vậy nên hai người này đều mang chữ "thiện" trong tâm. Cái "đẹp" cũng có trong con người họ khi một bên là Huấn Cao viết chữ đẹp nổi tiếng nhất vùng, một bên là viên quan yêu chữ đẹp. Hai người gặp nhau trong chốn lao tù tối tăm, bẩn thỉu, ẩm thấp. Từ đây, mối liên hệ giữa cái "đẹp" và cái "thiện" được hiện lên cực kì rõ ràng, sâu sắc. "Đẹp" và "thiện" là hai khái niệm, hai tính chất gắn bó khăng khít không thể tách rời. Hai thứ này phải xuất hiện ở nơi đẹp đẽ, trong sáng chứ không thể tồn tại trong môi trường nhiều lừa lọc, xấu xa.
Trong cuộc sống, "đẹp" và "thiện" cũng thường đi liền với nhau. Con người thường gắn "đẹp" với ngoại hình và gắn "thiện" với tâm hồn, tấm lòng. Người ta vẫn thường nói "tâm sinh tướng". Nếu như trong tâm thiện lành, tốt đẹp thì tướng mạo cũng sẽ tự khắc hài hòa, đôn hậu. Tâm không ngay thẳng thì mặt mũi cũng sẽ trở nên khó ưa. Người có ngoại hình bình thường nhưng có tấm lòng biết yêu thương, giúp đỡ mọi người thì vẫn sẽ được mọi người yêu quý. Thế nhưng những bên ngoài xinh đẹp nhưng tâm địa độc ác thì cũng sẽ sớm bị phát hiện, bị người đời phê phán, xa lánh. Thực tế cho thấy "thiện" và "đẹp" là hai yếu tố bổ sung, hỗ trợ và hòa hợp nhau không thể tách rời. Cũng như "đức" và "tài", ta cần có cả hai thứ thì bản thân mới hoàn chỉnh. Vậy nên, con người phải cố gắng trau dồi kiến thức để có được vẻ đẹp bên trong, biết yêu thương quan tâm mọi người. Ngoài ta, ta cũng cần rèn luyện cơ thể để có một thân hình khỏe mạnh.
Người có cả cái "đẹp" lẫn cái "thiện" sẽ đạt đến trình độ thẩm mĩ cao của nhân cách và lối sống. Đó cũng chính là hình mẫu con người chuẩn mực, là thứ mà chúng ta cần phấn đấu để đạt được. Hi vọng tất cả mọi người đều có thể trở thành người vừa "đẹp", vừa "thiện". Bài trình bày của em đến đây là kết thúc, cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Quan niệm về cái đẹp trong văn học
3. Nói và nghe: Nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa cái đẹp với cái thiện - mẫu số 3:
Chào cô và các bạn, em tên là Ngọc Hân. "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân là tác phẩm cực kì đặc sắc. Thông qua đó, ta có thể thấy rõ mối quan hệ giữa cái "đẹp" và cái "thiện". Bài nói của em hôm nay sẽ trình bày về vấn đề này.
Cái "đẹp" và cái "thiện" trong "Chữ người tử tù" được hiện lên trước nhất là ở tính cách hai nhân vật chính: Huấn Cao và viên quản ngục. Tuy nhiên sợi dây liên kết giữa hai tính chất này thật không rõ ràng. Chỉ khi đến cảnh Huấn Cao cho chữ, ta mới thấy được mối liên hệ này. Viên quản ngục là người có thiên lương trong sáng nên mới cảm nhận được cái đẹp trong nét chữ của Huấn Cao. Cái "đẹp" và cái "thiện" phải gắn liền với nhau thì mới phát hiện và bổ sung được cho nhau. Thông qua câu nói: "Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn", ta còn nhận thấy được rằng: người có tâm hồn cao đẹp như viên quản ngục không thể ở nơi ngục tù đầy bẩn thỉu xấu xa. Vậy, cái "đẹp" và cái "thiện" phải xuất hiện trong môi trường tươi sáng, hạnh phúc.
Từ tác phẩm, ta đi tìm mối quan hệ giữa "đẹp" và "thiện" trong đời sống. Xét về khái niệm thì "đẹp" là cảm xúc của thị giác khi nhìn thấy điều gì đó phù hợp với thẩm mĩ của bản thân, "thiện" là tốt lành, hợp với đạo đức. Chúng ta thường gắn cái "đẹp" cho vẻ đẹp bên ngoài và "thiện" cho nội tâm, tính cách bên trong. "Đẹp" và "thiện" luôn luôn phải gắn liền với nhau mới tạo ra một tổng thể hài hòa, tốt đẹp. Giống như cô Tấm trong truyện "Tấm Cám". Cô phải là người vừa xinh đẹp, vừa nết na hiền dịu mới được vua chọn làm hoàng hậu. Ngoài ra, khi "thiện" và "đẹp" đi liền với nhau sẽ gây ấn tượng sâu sắc vì giá trị thẩm mĩ mà nó mang lại, giống như những ca khúc, bức tranh được sáng tác vì mục đích đấu giá, quyên góp cho cộng đồng. Chúng ta thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật vì nó đẹp, cũng xúc động, hạnh phúc vì việc làm của mình có thể giúp đỡ được nhiều người.
Vậy cái "đẹp" và cái "thiện" là hai yếu tố không thể tách rời. Chúng ta phải cố gắng học tập, rèn luyện để vừa "đẹp" vừa "thiện": có một cơ thể khỏe mạnh, xinh đẹp, tấm lòng yêu thương mọi người cùng khối lượng kiến thức vững vàng. Mong rằng tất cả mọi người đều làm được điều đó. Em xin kết thúc bài nói của mình tại đây.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/noi-va-nghe-neu-suy-nghi-ve-moi-quan-he-giua-cai-dep-voi-cai-thien-76638n.aspx
Từ những gợi ý trên của Taimienphi.vn, mong rằng em sẽ hiểu được mối quan hệ của cái "đẹp" và cái "thiện" trong đời sống. Mời em tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 11 khác do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn như: Nói và nghe: Bàn về sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người; Nói và nghe: Nêu suy nghĩ về sức mạnh của tình mẫu tử; Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận một vấn đề xã hội...