Viết bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em có dịp tìm hiểu
Soạn bài Việt bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử
I. Dàn ý kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em có dịp tìm hiểu
1. Mở bài:
- Giới thiệu sự việc có thật liên quan đến nhân vật/ sự kiện lịch sử mà bản thân có dịp tìm hiểu hoặc biết.
2. Thân bài:
- Giới thiệu khái quát về nhân vật lịch sử/ sự kiện lịch sử đó.
- Kể lại các sự việc ấy:
+ Thuật lại quá trình diễn biến của sự việc.
+ Chỉ ra mối liên quan giữa sự việc với nhân vật/ sự kiện lịch sử;
3. Kết bài:
- Khẳng định ý nghĩa của sự việc đó.
- Nêu cảm nhận của bản thân về sự việc liên quan đến nhân vật/ sự kiện lịch sử đó.
Viết một đoạn văn ngắn về một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em yêu thích
II. Bài văn tham khảo kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em có dịp tìm hiểu
1. Bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em có dịp tìm hiểu - mẫu số 1
Trong thời kì phong kiến, nước ta đã trải qua rất nhiều cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc. Trong những cuộc kháng chiến ấy, em ấn tượng nhất với trận thủy chiến đánh đuổi quân xâm lược Mông - Nguyên trên sông Bạch Đằng năm 1288.
Sau hai lần thất bại dưới ý chí, quyết tâm của quân dân Đại Việt vào năm 1258 và 1285, quân Mông - Nguyên vẫn không từ bỏ dã tâm thôn tính nước ta. Đứng trước tình hình cấp bách, Trần Quốc Tuấn - vị tướng tài đức song toàn đã nhận lệnh vua Trần chỉ huy quân dân chiến đấu chống quân xâm lược lần thứ ba.
Trong kháng chiến lần thứ ba, trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng là trận đánh quan trọng và có ý nghĩa quyết định tới thắng lợi của quân dân nhà Trần. Để chuẩn bị cho trận chiến này, đích thân Hưng Đạo đại vương đã đến những nơi có thể xảy ra chiến trận để bày cách đón đường rút lui của địch. Với sự nhanh trí cùng những am hiểu quân sự, Trần Quốc Tuấn đã biết được ý đồ của quân dịch. Vì thế, ông đã cho quân dân chuẩn bị các cọc lớn, đóng trên sông Bạch Đằng để bố trí trận địa mai phục. Những chiếc cọc được tạo nên từ những cây gỗ cao dài. Mỗi đầu của cọc được gót nhọn như những mũi tên. Ở mỗi khúc sông, quân dân sẽ đóng cọc thành từng bãi.
Nhờ có sự chuẩn bị kĩ càng, ngày 9-4-1288, khi nước trên sông Bạch Đằng còn lớn, thủy quân nhà Trần chủ động giao chiến với quân giặc rồi thực hiện kế sách "giả thua bỏ chạy". Thấy vậy, đoàn thuyền do tướng giặc Ô Mã Nhi chỉ huy đã trúng kế, di chuyển vào sâu bên trong sông, tiến vào bãi cọc. Đợi khi thủy triều xuống, quân ta từ các hướng tiến vào sông Bạch Đằng, tập hợp các thuyền tạo thành một dải, chặn đánh quân địch trên sông. Quân Mông -Nguyên do vướng bãi cọc mà bị mắc kẹt, tổn thất nặng nề. Thuyền chiến bị cháy rụi, quân địch chạy lên bờ sông để thoát thân nhưng rơi vào ổ phục kích của quân ta. Quân dân nhà Trần đã đại thắng trước đế chế mạnh nhất lúc bấy giờ.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta. Ngày nay, sống trong hòa bình, chúng ta không bao giờ được lãng quên công ơn của ông cha và những bài học lịch sử tốt đẹp.
2. Bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em có dịp tìm hiểu - mẫu số 2
Nhân dịp kỉ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, em đã có cơ hội ghé thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ở đây, em đã có hiểu biết thêm về câu chuyện về chiếc xe tăng T-54B mang số hiệu 843 húc đổ cổng phụ Dinh Độc Lập trong ngày 30-4-1975. Sau chuyến đi tham quan, học hỏi ấy, em càng thêm khâm phục ý chí và quyết tâm của ông cha ta trong những năm tháng khói lửa chiến tranh.
Khi bước vào tòa nhà thứ hai của Bảo tàng, ta sẽ thấy chiếc xe tăng 843 được trưng bày trang trọng trên chiếc bục màu đỏ. Phía sau chiếc xe là một bức tường cũng được sơn màu đỏ. Trên bức tường, người ta khắc ghi dòng chữ "Không có gì quý hơn độc lập, tự do - Hồ Chí Minh" cùng hai lá cờ: lá cờ Tổ quốc và lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Phía trước xe, nằm ở bên tay trái khi đứng từ cửa nhìn vào là một tấm bảng chú thích các thông tin, sự kiện liên quan đến chiếc xe tăng này
Theo như thông tin được ghi tại bảo tàng, chiếc xe tăng T-54B mang số hiệu 843 do Đại đội 4, Tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203 thuộc Quân đoàn 2 quản lí, sử dụng trong quá trình chiến đấu. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận là trưởng xe và các thành viên khác trong kíp xe: hai pháo thủ Thái Bá Minh (pháo thủ số 1), Nguyễn Văn Kỷ (pháo thủ số 2) và lái xe Lữ Văn Hỏa cùng điều khiển xe. Bốn chiến sĩ và chiếc xe tăng 843 đã tham gia chiến đấu, phá vỡ các tuyến phòng thủ của địch ở nhiều nơi. Trong những ngày tổng tiến công thẳng tiến về Sài Gòn nhằm quyết tâm giải phóng miền Nam, chiếc xe tăng 843 tiếp tục nhận lệnh, "thọc sâu" vào trung tâm thành phố. Ngày 30-4-1975, trên đường tiến đến Dinh Độc Lập, chiếc xe tăng 843 đã bắn cháy ba xe tăng và xe bọc thép của quân địch. Mười một giờ trưa cùng ngày, chiếc xe húc vào cổng phụ của Dinh nhưng lại xảy ra sự cố chết máy. Thấy vậy, chiếc xe tăng 390 đi sau do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy đã ngay lập tức tiến lên húc đổ cổng chính. Sau khi hai cánh cổng bật mở, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận - trưởng xe tăng 843 đã nhảy ra khỏi xe, chạy lên nóc Dinh Độc Lập cắm lá cờ mang theo. Đúng mười một giờ ba mươi phút, lá cờ của "Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam" tung bay trên nóc dinh, đánh dấu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông đất nước thu về một dải, thống nhất hai miền Nam Bắc sau 21 năm trường kì kháng chiến.
Sau này, nhân buổi triển lãm mừng ngày đất nước thống nhất, chiếc xe 843 được đưa ra thủ đô Hà Nội. Kết thúc buổi triển lãm, chiếc xe trở về làm nhiệm vụ huấn luyện đến năm 1979 thì được đưa về trưng bày tại Bảo tàng. Với những chiến công cùng dấu ấn lịch sử quan trọng, ý nghĩa, xe tăng 843 được công nhận là "Bảo vật quốc gia đợt 1 vào ngày 1-10-2012".
Xe tăng 843 không chỉ là hiện vật quý giá mà còn là minh chứng cho một sự kiện lịch sử ý nghĩa và quan trọng của toàn thể dân tộc. Chúng ta - những công dân Việt Nam, cần phải có trách nhiệm trân trọng, giữ gìn những giá trị lịch sử tốt đẹp về truyền thống cách mạng bất khuất của ông cha ta.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói "Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam", là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta hãy tích cực tìm hiểu, học hỏi về lịch sử dân tộc nhé.
https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-bai-van-ke-lai-mot-su-viec-co-that-lien-quan-den-nhan-vat-hoac-su-kien-lich-su-ma-em-co-dip-tim-hieu-71693n.aspx
Các bài văn mẫu lớp 7 khác:
- Kể lại một truyện ngụ ngôn Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo
- Kể lại truyện ngụ ngôn Hai người bạn đồng hành và con gấu