Sau khi đọc xong một truyện ngụ ngôn, em đã biết cách kể lại truyện đó hay chưa? Nếu chưa biết kể lại ra sao, em có thể tham khảo các bài viết Kể lại truyện ngụ ngôn Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo, học kì I hoặc theo chương trình của sách Kết nối tri thức học kì II ở bên dưới đây nhé.
Đề bài: Kể lại một truyện ngụ ngôn Ngữ văn 7
Học tốt Sách Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo, Cánh Diều, Kết nối tri thức
I. Bài viết kể lại một truyện ngụ ngôn Ngữ văn 7, Chân trời sáng tạo
1. Kể lại truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi
Trong buổi bán hàng ế ẩm, năm ông thầy bói ngồi nói chuyện, phàn nàn việc không biết hình thù con voi ra sao. Cả năm đang tán gẫu đôi lời như vậy thì bỗng nghe thấy người ta nói có voi đi qua. Vì vậy, năm ông thầy đã cùng nhau góp tiền để biếu người trông nom và điều khiển voi, xin cho voi dừng lại để được xem con vật này. Thế nhưng, khi xem voi, mỗi thầy lại xem bằng cách sờ một bộ phận khác nhau như vòi, ngà, chân, tai hay đuôi. Sau khi đã thỏa mãn sự thắc mắc của bản thân, năm thầy cùng ngồi lại và bàn tán. Thầy sờ vòi nói con voi sun sun như con đỉa. Thầy sờ ngà lại không đồng ý, cho rằng nó giống cái đòn cán. Thầy sờ tai phản bác ý kiến của hai thầy kia, khẳng định con voi như cái quạt thóc. Đến lượt thầy sờ chân lại phát biểu con voi sừng sững giống cái cột đình. Cuối cùng thầy sờ đuôi tổng kết lại rằng câu trả lời của bốn thầy đều sai, con voi có hình tua tủa như chổi sể cùn. Vì năm thầy ai cũng cho mình là đúng, ai cũng cho rằng người kia nói sai nên năm thầy đã xô xát, đánh nhau đến toác đầu, chảy máu.
2. Kể lại truyện ngụ ngôn Hai người bạn đồng hành và con gấu
Một buổi sáng nọ, khi đang cùng nhau đi trong lối mòn của rừng cây, hai người bạn bất chợt gặp một chú gấu. Vì chú gấu đột ngột nhảy vồ ra nên đã làm cả hai người không kịp chuẩn bị ẩn nấp. Người bạn đi phía trước may mắn nhìn thấy một cành cây nên đã túm lấy và trèo lên đó, ẩn mình sau những đám lá xum xuê. Người bạn đi sau thấy tình huống trước mặt quá nguy cấp mà bạn lại bỏ mình ở phía dưới nên đã quyết định nằm bẹp xuống đất, vùi mặt vào trong cát. Chú gấu trông thấy có người nằm trên mặt nên đã tiến đến xem xét. Chú ta dùng mõm dí vào tai cậu bé rồi ngửi ngủi nhưng ngửi mãi mà không bắt hơi được thứ gì. Nó tưởng người nằm trên đất đã chết nên đành hú lên một tiếng thật dài rồi lắc đầu bỏ đi. Thấy chú gấu hung dữ kia đã đi xa, người bạn trên cành cây mới từ từ tụt xuống và tiến đến hỏi người bạn của mình: "Ông gấu thì thầm với cậu điều gì đó?". Đứng trước sự việc vừa rồi, người nằm trên đất đã vô cùng thất vọng về bạn mình nên đã đáp lại rằng "Ông ấy bảo tớ rằng, không nên tin vào những kẻ bỏ mặc bạn bè trong cơn hoạn nạn".
3. Kể lại truyện ngụ ngôn Chân, tay, tai, mắt, miệng.
Tập thể bác Tai, lão Miệng cùng cô Mắt, cậu Chân và cậu Tay vẫn hưởng thụ cuộc sống yên bình với nhau từ trước đến nay. Bỗng nhiên, có một ngày cô Mắt than thở với cậu Chân, cậu Tay về việc tất cả đều làm việc mệt nhọc từ ngày này qua ngày khác, chỉ có lão Miệng không làm gì mà ngồi ăn không. Vì thế, cô đã rủ cậu Chân, cậu Tay không làm gì nữa để xem lão Miệng có sống được hay không. Nghe vậy, cậu Chân, cậu Tay cùng đồng thanh lên tiếng, nói rằng cả ba phải đi gặp lão để nói ra quyết định này. Trên đường tìm đến nhà lão Miệng, cả ba đi qua nhà bác Tai nên đã dừng lại và nói cho bác nghe việc mọi người sẽ không làm để cho lão ăn nữa. Cuối cùng, bác Tai đồng ý cùng cô Mắt, cậu Chân, cậu tay tới nhà lão Miệng. Đến nơi, họ không nói lời chào hỏi mà đã thẳng thắn nói ra quyết định từ này sẽ không làm bất cứ việc gì để nuôi lão nữa. Trước những lời nói bất ngờ ấy, lão Miệng rất ngạc nhiên và mong muốn cùng nhau bàn bạc để đưa ra ý kiến chung nhưng không ai đồng ý. Bác Tai, cô Mắt, cậu Chân cùng cậu Tay kiên quyết không bàn bạc thêm gì nữa. Nói xong, tất cả kéo nhau ra về. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày, cả bốn đều không chạm vào bất cứ việc gì. Cứ tưởng làm vậy sẽ trở nên nhẹ nhàng thoải mái nhưng sau đó, tất cả trở nên mệt mỏi. Cô Mắt lúc nào cũng lờ đờ, hai mí nặng trĩu như buồn ngủ mà không thể ngủ được. Bác Tai thì trở nên ù ù như có lúa xay ở bên trong. Cậu Chân, cậu Tay đều mệt mỏi nên không muốn cất mình lên chạy nhảy, vui đùa nữa. Nhận ra sai lầm, Bác Tai đã giải thích cho cô Mắt, cậu Chân và cậu tay nghe. Hiểu rõ mọi chuyện, cả bốn đã gượng dậy đi đến nhà lão Miệng. Tới nơi, tình hình lão Miệng cũng không khả quan hơn là bao khi cả hai môi lão nhợt nhạt, hàm răng khô khốc. Thấy vậy, bác Tai và cô Mắt đã vực lão dậy, cậu Chân cùng cậu Tay thì đi kiếm thức ăn. Sau khi lão Miệng được ăn uống bổ sung đầy đủ dưỡng chất, tất cả bọn đều trở nên tỉnh táo và khoan khoái trở lại. Từ đó về sau, lão Miệng, bác Tai, cô Mắt cùng cậu Chân và cậu Tay lại sống hòa thuận và yêu thương nhau, mỗi người đều chăm chỉ làm việc của mình mà không ai tị nạnh ai.
Văn mẫu 7: Kể lại câu truyện ngụ ngôn Ngữ văn 7
II. Kể lại một truyện ngụ ngôn Ngữ văn 7 sách Kết nối tri thức
4. Kể lại truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường:
Ngày xưa, có một anh làm nghề thợ mộc. Anh quyết định đẽo cày để bán bằng cách dùng ba trăm quan tiền mua gỗ về làm.
Vì mở cửa hàng ven đường nên có rất nhiều người đến xem. Một hôm nọ, có người đến và nói:
- “Anh phải đẽo cho cao, thế thì mới dễ cày”.
Anh nghe là phải, liền làm theo. Người khác lại khuyên anh nên đẽo nhỏ hơn mới dễ cày. Thấy người đó nói có lí, anh cũng nghe theo. Hôm nữa, người kia bảo anh phải đẽo to gấp ba, bốn lần để voi cày khai hoang. Người thợ mộc biết thế, liền đẽo bao nhiêu cày to gấp mấy lần cày cũ đem ra bán. Ngày tháng trôi qua, dù đã làm theo lời mọi người nhưng anh vẫn không bán được chiếc nào. Cuối cùng, đống gỗ hỏng hết và phải bỏ đi. Lúc ấy, anh mới hối hận vì hành động của mình.
Bởi chuyện này mới có thành ngữ “Đẽo cày giữa đường” để khuyên răn những người thiếu chính kiến mà làm mất cơ nghiệp.
5. Kể lại truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng của Trang Tử:
Cái giếng sụp vốn là nơi ở quen thuộc của chú ếch nọ. Một ngày kia, nó ngồi trong giếng rồi nói với con rùa lớn ở biển đông về cảm xúc của mình khi sống trong giếng. Ếch ta cảm thấy khoan khoái vì nó có thể tự do ra vào. Ếch cho rằng không loài nào sướng bằng mình, một mình một chiếc giếng sụp, tự do bơi lội. Sau đó, ếch rủ rùa vào bơi:
- “Sao anh không vào giếng tôi một lát cho biết?”
Thấy vậy, rùa lớn làm theo. Nhưng khi vừa mới đút cái chân trái vào giếng thì chân phải đã bịt kín miệng giếng. Nó rút chân ra khỏi rồi bảo với ếch về sự rộng lớn của biển đông: - “Biển đông mênh mông, ngàn dặm đã thấm gì, sâu thăm thẳm, ngàn nhẫn đã thấm gì. Từ thời vua Vũ đến thời vua Thang, biển đông vẫn không hề thay đổi. Đó là cái vui lớn của biển đông.”.
Nghe đến đó, ếch vô cùng bất ngờ, cảm thấy hoảng hốt, bối rối.
6. Kể lại truyện ngụ ngôn Con mối và con kiến:
Con mối ngồi trong nhà trông thấy đàn kiến đang tha mồi về tổ liền lên tiếng chế giễu “Kiến ơi, các chú làm ăn tối ngày. Việc gì mà phải khổ sở như thế?”. Mối thấy đàn kiến làm lụng suốt mà vẫn gầy gò, ốm yếu. Trong khi, mối chẳng cần làm gì cũng có cái ăn. Đáp lại lời của mối, kiến giải thích bản thân phải vất vả là vì đàn, vì tổ. Đồng thời trách mối không biết vun vén, chăm lo cho chỗ ở của mình. Nếu mối cứ đục rỗng mọi thứ thì cuối cùng cũng bỏ mạng vì hành động của bản thân.
7. Kể lại truyện ngụ ngôn Con hổ có nghĩa:
Bà Trần là bà đỡ nổi tiếng ở huyện Đông Triều. Một đêm nọ, nghe có tiếng gõ cửa, bà ra mở nhưng chẳng có ai. Bỗng từ đâu, có con hổ chồm tới dẫn bà đi. Bà hoảng sợ chết khiếp. Lúc tỉnh táo lại, bà thấy hổ dùng một chân chạy, một chân rẽ lối. Đến ngọn núi sâu trong rừng, hổ dừng lại và thả bà xuống. Trước mắt bà là một con hổ cái đang quằn quại, bà tưởng nó định ăn thịt nên sợ hãi, không dám động đậy. Nhìn thấy hổ đực chảy nước mắt và cái bụng hổ cái như có gì động đậy, bà liền hòa thuốc kích đẻ với nước suối cho nó uống. Cảm thấy hổ cái đỡ đau, bà lấy tay xoa bụng cho nó. Một lát sau, hổ cái sinh con. Niềm vui sướng hiện rõ qua hành động đùa giỡn với con mình của hổ đực. Hổ đực đến bên, quỳ chân trước nền đất rồi nhìn bà, lúc sau đem đến một khối bạc. Bà biết hổ tặng mình nên nhận lấy rồi cất cẩn thận. Nhờ sự chỉ dẫn của hổ, bà đã ra khỏi rừng. Khi bà đi đã xa, hổ gầm lớn rồi quay trở về rừng. Về đến nhà, bà bỏ bạc ra cân được hơn mười lạng. Năm ấy mất mùa, bà đã sống sót nhờ số bạc đó.
Một tiều phu nọ đang kiếm củi ở chân núi trên đất Lạng Giang thì thấy cây cối trong thung lũng trước ngọn núi rung lên không ngớt. Vì tò mò nên bác vác búa đến xem. Vừa đến nơi, bác thấy con hổ trán trắng, to như con bò đang vật vã, lăn lộn, thỉnh thoảng lấy chân móc họng, miệng ngoác lớn, máu chảy lênh láng. Bác tiều phu thấy khúc xương mắc sâu trong họng liền trèo lên cây hô rằng: “Đừng cắn ta, ta sẽ giúp ngươi lấy xương”. Con hổ nghe vậy liền nằm xuống, há to miệng. Người tiều phu lấy hết can đảm cho tay vào họng nó rồi lấy ra chiếc xương bò to như cánh tay. Hổ liếm mép, vừa đi vừa nhìn bác tiều. Bác tiều hô lớn, nói cho con hổ nghe về nơi ở của mình, hẹn nó có miếng ngon thì nhớ đến nhau. Về nhà mấy hôm, nửa đêm bác thấy có tiếng kêu lớn ngoài cửa. Sáng hôm sau, bác tiều mở cửa nhà thì thấy có con hươu nằm chết ở đó. Nhiều năm sau, bác qua đời. Lúc sắp chôn, con hổ năm nào đến trước mộ. Nó dùng đầu dụi vào quan tài, gầm gừ gào lớn rồi đi vòng quanh. Về sau, mỗi khi đến ngày giỗ người tiều phu, hổ lại đưa con mồi mình săn được để trước cửa nhà. Việc này diễn ra suốt mấy chục năm liền.
Biết cách kể lại một truyện ngụ ngôn sẽ giúp chúng ta nắm vững nội dung của tác phẩm đó. Ngoài ra, em cũng có thể kể lại các truyện khác trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 - Chân trời sáng tạo cho bạn bè và người thân nghe nhé.
https://thuthuat.taimienphi.vn/ke-lai-mot-truyen-ngu-ngon-ngu-van-7-chan-troi-sang-tao-71694n.aspx
Các bài văn mẫu lớp 7 khác:
- Kể lại truyện ngụ ngôn Hai người bạn đồng hành và con gấu
- Kể lại truyện ngụ ngôn Chó sói và chiên con