Dạng bài Kể lại một truyện cổ tích Ngữ Văn 6 Chân trời sáng tạo, học kì I sẽ giúp các em rèn luyện được kĩ năng kể truyện logic và thú vị. Nếu gặp khó khăn, các em có thể tham khảo một số dàn ý và bài văn mẫu dưới đây.
Kể lại một truyện cổ tích Ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo
Kể lại một truyện cổ tích mà em yêu thích lớp 6
I. Kể lại truyện cổ tích Sọ Dừa
1. Dàn ý: Kể lại truyện cổ tích Sọ Dừa.
a. Mở bài:
- Giới thiệu tên truyện và lí do muốn kể lại truyện.
b. Thân bài:
- Giới thiệu nhân vật.
- Diễn biến câu chuyện theo trình tự thời gian:
+ Bà mẹ đi hái củi, uống nước trong sọ dừa rồi có mang, sinh ra Sọ Dừa dị hình dị dạng.
+ Sọ Dừa xin đi chăn bò ở nhà phú ông để phụ giúp mẹ già.
+ Sọ Dừa gặp gỡ và kết hôn với cô út, trút bỏ vẻ ngoài xấu xí.
+ Sọ Dừa chăm lo học hành, đỗ trạng và đi sứ.
+ Hai người chị hại em, đẩy vợ Sọ Dừa xuống biển.
+ Nhờ làm theo lời dặn của chồng, vợ Sọ Dừa thoát nạn và sống trên đảo hoang.
+ Sọ Dừa đi sứ về, vợ chồng gặp lại nhau.
+ Hai người chị xấu hổ bỏ đi biệt xứ.
c. Kết bài:
- Nêu cảm nghĩ về truyện vừa kể.
2. Bài viết Kể lại truyện cổ tích Sọ Dừa.
Trong kho tàng dân gian Việt Nam có rất nhiều câu chuyện cổ tích độc đáo, hấp dẫn như truyện "Tấm Cám", "Cây khế", "Cây tre trăm đốt",... nhưng em đặc biệt yêu thích truyện "Sọ Dừa". Câu chuyện này chứa đựng rất nhiều bài học sâu sắc về cuộc sống.
Chuyện kể rằng, ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo làm thuê cho gia đình nhà phú ông. Đã ngoài năm mươi tuổi mà họ chưa có nổi mụn con. Một ngày nọ, khi vào rừng đốn củi, người vợ cảm thấy khát nước. Bà phát hiện chiếc sọ dừa đựng nước mưa nên đã cầm lên uống rồi về có mang. Không lâu sau, người chồng qua đời để lại mình bà và đứa con. Bà sinh ra đứa bé tròn lông lốc, không tay, không chân. Thấy vậy, bà định vứt đi nhưng nghe lời cầu khẩn của đứa bé, bà đành giữ lại nuôi rồi đặt tên là Sọ Dừa. Lớn lên, Sọ Dừa vẫn chẳng khác gì so với lúc mới đẻ. Thấy mẹ than thở vì bản thân không giống người khác, Sọ Dừa giục mẹ đến hỏi phú ông cho chăn bò và được phú ông đồng ý. Cậu chăn bò giỏi nên phú ông mừng lắm.
Nhà phú ông có ba người con gái. Mỗi buổi, họ thay phiên nhau mang cơm đến cho Sọ Dừa. Một lần nọ đến phiên cô út, từ dưới chân đồi nghe thấy tiếng sáo vi vu, cô lấy làm lạ rồi nấp sau bụi cây theo dõi. Trước mắt cô là chàng trai khôi ngô, tuấn tú. Nghe thấy tiếng động, Sọ Dừa lại trở về hình dạng ban đầu của mình. Biết Sọ Dừa không giống người thường, cô đem lòng cảm mến.
Gần hết mùa ở, chàng giục mẹ đến nhà phú ông hỏi cưới con gái. Nghe lời đề nghị của con, bà không khỏi sửng sốt. Thấy con quyết tâm nên bà đành chiều lòng, kiếm buồng cau sang nhà phú ông thưa chuyện. Đáp lại ý nguyện của bà, phú ông mỉa mai thách cưới phải chuẩn bị đủ một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm thì mới gả con gái cho.
Bà mẹ về truyền lời phú ông cho Sọ Dừa, rầu rĩ khuyên con nên bỏ hẳn ý định lấy vợ nhưng Sọ Dừa vẫn nhất quyết nói với mẹ sẽ có đủ những thứ ấy. Đến ngày, bà vô cùng bất ngờ vì sính lễ đã được chuẩn bị đầy đủ, gia nhân nườm nượp trong nhà để khiêng lễ vật sang nhà phú ông. Phú ông thấy sinh lễ hậu hĩnh thì hoa cả mắt. Ông gọi ba đứa con gái xem có cô nào bằng lòng làm vợ Sọ Dừa hay không. Hai cô chị thấy ngoại hình xấu xí của Sọ Dừa thì dè bỉu, chê bai. Ngoại trừ cô con gái út là bằng lòng lấy Sọ Dừa làm chồng. Phú ông đành phải chấp nhận gả con gái út cho Sọ Dừa như lời đã hứa.
Đến ngày cưới, Sọ Dừa trút bỏ bề ngoài xấu xí để trở về với dáng vẻ đẹp đẽ. Ai nấy đều không khỏi kinh ngạc. Hai cô chị thấy em có được người chồng như vậy thì tỏ ra tức giận, ganh ghét.
Ngày qua ngày, cuộc sống của hai vợ chồng diễn ra vô cùng êm đềm, hạnh phúc. Với tư chất thông minh lại thêm chăm chỉ đèn sách, chàng đã đứng đầu khoa bảng và được nhà vua cử đi sứ. Trước khi đi, chàng có đưa một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà cho vợ, dặn phải để trong người phòng lúc cần đến.
Từ ngày thấy em hạnh phúc với người chồng tài giỏi, tuấn tú, hai cô chị đã cố tình hại em bằng cách đẩy em xuống nước khi đang chèo thuyền ra biển. Không may, người em bị con cá kình nuốt vào bụng. Nhanh trí, cô lấy dao của chồng đâm chết cá, xác cá nổi trên mặt biển rồi dạt vào bờ. Con dao giắt bên người trở thành công cụ giúp cô thoát ra ngoài. Trong lúc chờ người đến cứu, cô nướng chín cá nhờ ngọn lửa tạo ra từ hai hòn đá. Nơi đảo hoang không còn buồn vì sự xuất hiện của đôi gà mới nở.
Một hôm, có chiếc thuyền lướt qua đảo. Con gà trống thấy vậy liền gáy to ba lần: "Ò...ó...o... Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về". Nghe tiếng gà, quan trạng cho thuyền vào xem. Đôi vợ chồng gặp lại nhau thì mừng rỡ vô cùng. Về nhà, Sọ Dừa cho người mở tiệc mừng nhưng không để vợ lộ mặt. Hai người chị hí hửng trong lòng được thay em làm vợ trạng nên tỏ ra thương xót, kể lể sụt sùi. Sọ Dừa không nói gì. Cuối buổi, chàng cho gọi vợ ra. Hai người chị xấu hổ nên bỏ nhà biệt xứ.
Mỗi câu chuyện cổ tích luôn gắn liền với những bài học về cuộc sống. Với truyện "Sọ Dừa", mỗi chúng ta cần nhận ra bài học: không nên dè bỉu, khinh thường những người có ngoại hình bị dị dạng, khiếm khuyết. Qua đó, ta thấy được khát vọng của tác giả dân gian về xã hội công bằng: người thật thà, hiền lành sẽ được hưởng hạnh phúc. Ngược lại, kẻ tham lam, độc ác sẽ phải nhận kết cục đắng cay.
Văn mẫu Viết một bài văn khoảng 400 chữ kể lại một truyện cổ tích điểm cao
II. Kể lại truyện cổ tích Em bé thông minh
1. Dàn ý: Kể lại truyện cổ tích Em bé thông minh.
a. Mở bài:
- Giới thiệu tên truyện và lí do muốn kể lại truyện.
b. Thân bài:
- Giới thiệu nhân vật.
- Diễn biến câu chuyện theo trình tự thời gian:
+ Viên quan được nhà vua sai đi tìm người lỗi lạc.
+ Cuộc trò chuyện giữa viên quan và em bé.
+ Thấy em bé thông minh, viên quan tâu lại với nhà vua.
+ Để chắc chắn, nhà vua sai ban cho làng ba thúng gạo nếp với ba con trâu đực lệnh ba con trâu ấy đẻ ra thành chính con, hẹn năm sau nộp đủ, nếu không cả làng phải tội.
+ Em bé khuyên cha nên bảo làng mổ thịt trâu ăn, để lại một con và một thúng gạo làm lộ phí đi đường.
+ Đến hạn, em bé và cha chuẩn bị đồ lên về kinh đô.
+ Đến nơi, em bé bảo cha ở ngoài rồi la lối, gào khóc um sùm trước sân rồng.
+ Cuộc trò chuyện giữa em bé và nhà vua diễn ra.
+ Nhà vua vô cùng sửng sốt trước trí thông minh của em bé nhưng vẫn muốn thử thêm.
+ Vua sai người mang tới con chim sẻ bắt phải dọn thành ba cỗ thức ăn.
+ Ngược lại, em bé nhờ cha lấy kim may rồi đưa cho sứ giả yêu cầu đức vua rèn cây kim thành con sao để xẻ thịt chim.
+ Thử thách xâu chỉ mảnh xuyên qua đường ruột ốc của của nước láng giềng khiến ai nấy đều đưa mắt nhìn nhau.
+ Em bé giải được câu đố và được nhà vua phong làm trạng nguyên.
c. Kết bài:
- Nêu cảm nghĩ về truyện vừa kể.
2. Bài viết Kể lại truyện cổ tích Em bé thông minh.
Truyện cổ tích luôn có sức sống mãnh liệt theo thời gian. Trải qua bao năm tháng, truyện cổ tích vẫn luôn là nguồn sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn mỗi chúng ta. Mặc dù đã được nghe rất nhiều những truyện cổ tích từ bà, từ mẹ, nhưng em vẫn vô cùng yêu thích và ấn tượng với truyện "Em bé thông minh".
Chuyện kể rằng, có viên quan nọ được nhà vua sai đi tìm người giỏi. Dù đã đi rất nhiều nơi, nhưng ông vẫn chưa thể tìm ra người tài giúp nước.
Một lần nọ, khi đang đi trên đường, ông gặp hai cha con đang làm ruộng, buột miệng hỏi rằng:
- Này, lão kia! Một ngày trâu của hai cha con lão cày được bao nhiêu đường?
Em bé nhanh nhẹn trả lời thay cha:
- Ông hãy cho tôi biết một ngày ngựa của ông đi được mấy bước?
Viên quan sửng sốt trước câu hỏi của cậu bé và cảm thấy lúng túng trong việc trả lời. Biết dây chính là người tài, viên quan nhanh chóng phi ngựa về tâu vua. Nhà vua nghe chuyện thì vô cùng mừng rỡ, sai người đem ba thúng gạo nếp, ba con trâu đực lệnh cho ba con trâu ấy phải đẻ thành chín con trâu, hẹn năm sau nộp đủ nếu không cả làng phải chịu tội. Ai nấy đều vô cùng lo lắng trước lời yêu cầu của nhà vua. Em bé vẫn vui vẻ bảo cha và mọi người nên thịt trâu, nấu gạo ăn mừng. Còn một trâu và một thúng gạo thì để lại làm phí tổn đi trẩy kinh.
Đến hạn, hai cha con lên đường về kinh đô. Đến nơi, em bé bảo cha đứng chờ bên ngoài cổng rồi tự mình lẻn vào sân rồng nhân lúc lính canh không để ý. Em bé khóc um lên khiến nhà vua phải cho lính điệu vào hỏi:
- Thế làm sao mà nhà ngươi lại to gan làm loạn chốn này?
- Tâu đức vua, mẹ con chết đã lâu mà cha chẳng chịu đẻ em bé để con có bạn chơi cùng. Mong đức vua phán bảo cha con để cho con được nhờ.
Nghe thấy câu nói ấy, vua và các quan vị thần cười phá lên, vua hỏi:
- Mày muốn có em bé thì mày phải bảo cha lấy vợ. Chứ cha mày là giống đực làm sao mà đẻ được?
Chỉ chờ có thế, em bé liền tâu lại với nhà vua:
- Vậy, tại sao nhà vua lại bắt làng của chúng con phải nuôi cho ba con trâu đực này đẻ thành chín con? Giống đực làm sao mà đẻ được con?
Nhà vua cười và bảo:
- Ta thử tài ngươi xem sao, hóa ra ngươi thông minh hơn ta nghĩ. Thế làng ngươi sao không biết mổ trâu mà ăn với nhau?
- Dạ bẩm vua, biết đó là lộc vua ban, làng con đã mổ trâu, đồ gạo ăn mừng với nhau rồi.
Chưa bằng lòng với những thử thách đã đề ra, nhà vua vẫn quyết tâm thử cậu thêm lần nữa. Ngài cho người đem con chim sẻ và lệnh bắt hai cha con phải dọn thành ba mâm thức ăn. Em bé nhờ cha lấy kim khâu rồi kêu sứ giả về tâu đức vua rèn kim thành dao để xẻ thịt. Lần này, nhà vua không thể nghi ngờ trí thông minh của cậu nữa.
Hồi đó, có nước láng giềng muốn xâm chiếm bờ cõi nước ta. Họ đưa sang một vỏ ốc vặn, rỗng hai đầu, đố làm sao xâu sợi chỉ mảnh qua đường ruột ốc. Thử thách này nhằm dò la xem nước ta có người tài hay không. Nhà vua và quan thần trong triều đều vò đầu suy nghĩ mà không giải được, đành phải sai người mang dụ chỉ đến hỏi em bé. Nghe việc xâu chỉ vào vỏ ốc, em bé hát lên rằng:
"Tang tình tang! Tính tình tang!
Bắt con kiến vàng buộc chỉ ngang lưng
Bên thời lấy giấy mà bưng,
Bên thời bôi mỡ, kiến mừng kiến sang.
Tang tình tang...."
Viên quan vội vàng về tâu vua. Làm theo lời chỉ dẫn của em bé, con kiến đã xâu chỉ thành công trước sự chứng kiến của sứ giả nước láng giềng. Nhà vua vui mừng khôn xiết và phong em bé làm trạng nguyên.
Câu chuyện "Em bé thông minh" đã cho em thấy được bài học về lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Bên cạnh kiến thức trong sách vở, chúng ta có thể học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ thực tế cuộc sống.
.....................................................HẾT.................................................
Bên cạnh những truyện cổ tích đã được học trong sách giáo khoa, các em có thể tìm đọc một số tác phẩm khác để làm giàu cho vốn đọc của mình và luyện tập kĩ năng kể lại một câu chuyện. Chúc các em đạt được kết quả cao trong học tập!
https://thuthuat.taimienphi.vn/ke-lai-mot-truyen-co-tich-ngu-van-6-chan-troi-sang-tao-71664n.aspx
Tham khảo một số văn mẫu lớp 6 khác:
- Chuyện cổ tích về loài người: tác giả, thể thơ, bố cục, nội dung, nghệ thuật, dàn ý
- Phân tích Chuyện cổ tích về loài người