Quê hương là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thơ trong đó có Tế Hanh, bài thơ Quê hương của ông đã vẽ nên một bức tranh tươi đẹp của một vùng chài ven biển bình dị mộc mạc, cùng tìm hiểu xem bức tranh quê hương của nhà thơ này như thế nào qua bài Soạn văn lớp 8 Quê hương.
HOT Soạn văn lớp 8 đầy đủ, chi tiết
* Soạn bài Quê hương
Bài thơ Quê hương của Tế Hanh là tình cảm tha thiết, sâu nặng của người con xa quê dành cho mảnh đất nơi mình sinh ra. Để các em hiểu rõ hơn về nội dung tư tưởng của bài thơ và dễ dàng hơn trong việc soạn bài, các em có thể tham khảo bài soạn văn lớp 8 của chúng tôi sau đây với những gợi ý chi tiết các câu hỏi trong sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 2 trang 18. Tài liệu soạn bài quê hương, bên cạnh việc hướng dẫn trả lời câu hỏi, chúng tôi còn tóm lược các kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm để các em có cái nhìn toàn diện hơn về bài học.
Câu 1: (Trang 18 SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Trả lời:
a. Sáu câu thơ từ câu 3 đến câu 8: Cảnh dân chài hào hứng dong buồm ra khơi.
- Mở đầu cho buổi ra khơi, là khung cảnh “trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng”, thời tiết vô cùng thuận lợi, trời trong xanh, gió thoang thoảng, lại thêm những tia nắng hồng nhàn nhạt, ấm áp.
- Những người ra khơi đều là “dân trai tráng”, khỏe khoắn, sung sức, đầy khí thế. Lòng tự tin mãnh liệt, trong tư thế sẵn sàng chinh phục biển lớn.
- “Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã/Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang”, các động từ “hăng”, “phăng” mang một khí thế mạnh mẽ, dạt dào sức sống, lòng hăng say, đem lại cho cảnh thuyền ra khơi một vẻ đẹp đầy ấn tượng, hào hùng.
b. Tám câu thơ tiếp theo: Diễn tả cảnh tượng đón thuyền về bến đỗ của dân làng chài với tâm thế vui vẻ náo nhiệt, mang theo sức sống mạnh mẽ.
- Thông qua các từ “ồn ào”, “tấp nập” như thấy hiện lên một khung cảnh đông vui, rộn ràng, trước thành quả lao động sau một đêm vất vả của các trai tráng trong làng. Với lòng biết ơn vì trời cho “biển lặng cá đầy ghe”, giăng lưới thu được “Những con cá tươi ngon thân bạc trắng”
- Những người dân chài lưới tuy vất vả cả đêm dài nhưng vẫn khỏe khoắn, mạnh mẽ với “làn da ngăm rám nắng”, thân thể mang nồng đậm “vị xa xăm”, có lẽ là vị gió, vị muối từ khơi xa theo về.
- Hình ảnh con thuyền được nhân hóa với các từ “im”, “mỏi”, “nằm”, như có sức sống, có lúc mạnh mẽ ra khơi, khi trở về đã thấm mệt, muốn được im lìm nghỉ ngơi, để “Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”. Sự liên tưởng đặc sắc này chứng tỏ tác giả phải có một thứ tình cảm nồng nàn, sâu sắc mới có thể đủ tinh tế nhìn ra được cả sự mỏi mệt của con thuyền, một sự vật vốn vô tri vô giác.
Câu 2: (Trang 18 SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Trả lời:
- “Cánh buồm giương to” đem so sánh với “mảnh hồn làng”, cánh buồm trắng to lớn, vững chãi, “rướn thân trắng” căng phồng đón gió nơi biển khơi, vừa gợi cảm, vừa cường tráng mạnh mẽ, vốn đã trở nên thân thuộc, gần gũi, khắc sâu vào tâm trí mỗi người dân làng chài. Tác giả lấy làm biểu tượng linh hồn thiêng liêng cho cả làng chài, đem một cái hữu hình so với một cái vô hình, sự so sánh trừu tượng này vừa diễn tả được hồn vừa diễn tả được hình ảnh của người dân làng chài một cách chính xác, lại đầy chất thi vị, bay bổng. Đây chính là cái sáng tạo độc đáo của nhà thơ.
- “Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng” câu này đem tả thực rõ nét đặc trưng của người dân làng chài với làn da ngăm, nhuộm nắng, nhuộm gió, nhuộm sương từ biển cả. Tác giả còn “nhìn” thấy được cái mùi nồng nàn “vị xa xăm” từ thân hình của người dân làng chài, một biện pháp ẩn dụ thật tinh tế, diễn tả cái mặn mòi, cái hơi thở nồng đượm của biển cả đã thấm đẫm vào thân thể từng người dân chài, mà chỉ cần nhìn bằng mắt thôi tác giả cũng đã thấy được. Từ đó thấy được sự gắn bó mật thiết giữa dân làng chài và biển khơi, biển chính là nguồn sống, là sức mạnh của người dân nơi đây, đồng thời cũng thấy được tình yêu quê hương sâu sắc của tác giả.
Câu 3: (Trang 18 SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Tế Hanh mãi nhớ “Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi”, “nhớ cái mùi nồng mặn quá”, có thể thấy hình ảnh quê nhà luôn khắc sâu trong tâm trí của tác giả. Mang nỗi lòng của người con xa xứ mà viết ra một bài thơ tươi đẹp, khỏe khoắn, hào hùng với những hình ảnh giản dị, những âm thanh náo nhiệt, sinh động. Khắc họa rõ nét và chân thực hình ảnh người dân làng chài lam lũ, vất vả nhưng vẫn căng tràn sức sống. Bài thơ đã thể hiện tình yêu quê hương, niềm tự hào sâu sắc, cùng với nỗi nhớ tha thiết của tác giả với miền biển đầy nắng và gió. Qua đó cũng thể hiện được tài năng và tâm hồn tinh tế, óc quan sát nhạy bén và sức sáng tạo của Tế Hanh đã tạo nên bức tranh làng chài vô cùng sinh động và đẹp đẽ.
Câu 4: (Trang 18 SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Trả lời:
Những đặc sắc nghệ thuật nổi bật trong bài thơ bao gồm:
- Hình ảnh so sánh trừu tượng sâu sắc, so sánh cái hữu hình với vô hình, mang đến giá trị thiêng liêng, cao cả.
- Phép nhân hóa đặc sắc tinh tế, giàu tính biểu cảm, thể hiện được tầm nhìn, tâm tư lãng mạn của tác giả.
- Sử dụng nhiều từ ngữ mang sắc thái mạnh, khơi gợi được vẻ mạnh mẽ, hùng tráng của cả bài thơ.
- Kết hợp cả ba phương thức tự sự, miêu tả và biểu cảm. Tác giả vừa kể lại vừa tả, trong từng câu từng chữ đều gửi gắm tâm tình của tác giả bằng một giọng thơ rất mộc mạc, thân thiết nhưng giàu cảm xúc, đem lại cho người đọc người nghe nhiều liên tưởng độc đáo.
-----------------HẾT------------------
Tình thái từ là một bài học quan trọng trong chương trình Ngữ Văn lớp 8 mà các em cần phải đặc biệt lưu tâm.
Trên đây là phần Soạn bài Quê hương bài tiếp theo, các em chuẩn bị trả lời câu hỏi SGK, Soạn bài khi con tu hú và cùng với phần Soạn bài Câu nghi vấn (tiếp theo) để học tốt môn Ngữ Văn lớp 8 hơn
https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-van-lop-8-que-huong-30210n.aspx