Khi gặp đề bài Phân tích 8 câu đầu bài Quê hương của Tế Hanh thì cũng tương tự như bài phân tích bài thơ Quê hương, các em cần phải làm nổi bật được vẻ đẹp bình yên và giản dị của quê cả tình cảm của nhà thơ dành cho quê mình. Để trau dồi vốn từ dễ dàng triển khai ý, có cách viết hay, đủ ý, các em xem qua tài liệu học tốt sau đây.
Phân tích 8 câu đầu bài quê hương của Tế Hanh
I. Dàn ý Phân tích 8 câu đầu bài quê hương của Tế Hanh (Chuẩn)
1. Mở bài
Khái quát chung tác phẩm Quê hương của Tế Hanh và 8 câu đầu bài thơ.
2. Thân bài
a. Phân tích hai câu đầu: Lời giới thiệu về quê hương:
+ Làng quê cạnh biển, bốn bề sóng nước vây quanh.
+ Người dân nơi đây mưu sinh, kiếm sống bằng nghề chài lưới.
+ Phó từ “vốn” kết hợp với cụm danh từ “làm nghề chài lưới” đã cho thấy được nghề chài lưới trở thành một nghề truyền thống làng quê,...(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích 8 câu đầu bài quê hương của Tế Hanh tại đây.
II. Thân văn mẫu Phân tích 8 câu đầu bài quê hương của Tế Hanh (Chuẩn)
1. Phân tích 8 câu đầu bài quê hương của Tế Hanh, mẫu 1 (Chuẩn)
Có thể nói, quê hương là một trong những đề tài lớn mà nhiều văn nhân, thi nhân hướng đến. Mỗi tác phẩm viết về quê hương được sáng tạo đều mang những dáng dấp riêng, linh hồn riêng để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc. Đỗ Trung Quân từng tha thiết với quê hương qua những lời thơ đầy ngọt ngào:
"Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bóng vàng bay"
Đến với “Quê hương” của Tế Hanh, ta thật xúc động với những vần thơ đầy tha thiết của tác giả dành cho quê nhà khi tác giả đang học tập ở một thành phố xa quê. Đó là một bài thơ đượm hồn quê, tình quê và tiếng lòng nhớ quê da diết. Đọc 8 câu đầu bài thơ, ta như được bước vào một miền quê xứ sở, nơi có biển xanh, cắt trắng, nắng vàng, có những người dân vùng chài rất đỗi chất phác, hồn hậu.
"Làng tôi vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông"
Những câu thơ mở đầu tác phẩm thật bình dị, qua lời giới thiệu của Tế Hanh, ta cảm nhận nơi gia đình tác giả đang sống là một làng quê cạnh biển, bốn về sóng nước vây quanh. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi để người dân nơi đây mưu sinh, kiếm sống bằng nghề chài lưới. Phó từ “vốn” kết hợp với cụm danh từ” làm nghề chài lưới” đã cho thấy được nghề chài lưới trở thành một nghề truyền thống của nơi đây, được những người dân vùng chài giữ gìn và tiếp nối. Trong lời thơ, ta cảm nhận được sự tự hào của tác giả khi nhắc được làng nghề truyền thống của quê hương mình. Một nghề mưu sinh tuy vất vả, nhọc nhằn mà thấm đượm hồn quê hương, đặc trưng của miền biển.
"Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá"
Một bức tranh lao động thật đẹp dần hiện ra giữa khung cảnh thanh bình của làng quê sau lời giới thiệu. Trạng ngữ chỉ thời gian kết hợp với các danh từ chỉ không gian "trời trong, gió nhẹ" như báo hiệu thời điểm đoàn thuyền ra khơi. Đó là một "sớm mai hồng", khi ông mặt trời thức giấc mở then cài của biển đêm bước đến, tỏa những tia nắng hồng xuống mặt nước long lanh, khi ấy cũng là lúc "Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá". Công việc bắt đầu vào một sớm bình minh, một ngày mới mở ra, đoàn thuyền ra khơi với biết bao hy vọng trong hành trình chinh phục mẹ thiên thiên. Hình ảnh "dân trai tráng" gợi vẻ đẹp của những chàng trai với làn da ngăm thấm vị mặn mòi của biển, họ chân chất, thật thà với thân hình đầy rắn rỏi, cường tráng, mạnh mẽ, là đại diện tiêu biểu cho sức trẻ của những người lao động vùng chài.
" Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang"
Những chiếc thuyền vốn nằm lặng im trên bến bãi giờ đây lại cùng người miệt mài "ra trận". Những cánh tay can trường, khỏe khoắn đang lèo lái con thuyền "vượt trường giang" để ra biển lớn. Hình ảnh so sánh “Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã" thật độc đáo. Nó không chỉ gợi lên được sức lướt nhanh, nhẹ, mạnh mẽ của con thuyền giữa dòng nước mà còn gợi được sức mạnh, sự đoàn kết của những người lao động trong công cuộc vượt biển ra khơi. Chính nhờ bàn tay kiên cường, bản lĩnh và sức mạnh của mình mà "dân trai tráng" đã điều khiến con thuyền vượt qua sóng gió, băng qua thác ghềnh để chinh phục biển cả. Các tính từ mạnh như "hăng", “mạnh mẽ” kết hợp khéo léo với động từ mạnh "phăng", "vượt" gợi lên hình ảnh những con thuyền ra khơi tiến về phía trước trong tâm thế đầy chủ động, hứng khởi với sức mạnh như vũ bão của mình cũng chính như trái tim và nhiệt huyết, như chính lòng quyết tâm của những người lao động lúc ra khơi.
"Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió"
Cánh buồm- hồn làng, hai hình ảnh được đặt trong thế so sánh ngang bằng đã cho thấy được vẻ đẹp của hồn quê hương trong lao động. Cánh buồm giờ đây không phải là một vật vô tri, vô giác, lặng lẽ trong không gian nữa mà nó là biểu tượng của linh hồn làng quê. Cánh buồm mang cả vị mặn mòi của biển cả, cả niềm tin và trái tim của những người dân chài vùng biển. Hình ảnh cánh buồm trắng "giương to" đón gió, rướn thân mình tiến về phía trước như chính đại diện cho hình ảnh những “dân trai tráng” đang tin yêu, tiến bước trong hành trình lao động của mình. Dù có khó khăn, sóng gió, dù có nhọc nhằn vẫn luôn tiến bước, hướng đến những điều tốt đẹp ở tương lai với những hy vọng mới.
Hồn thơ trong sáng, nhẹ nhàng mà bình dị của Tế Hanh đã mang đến cho người đọc những cảm xúc thật gần gũi, thân thương như chính quê nhà của mình vậy. Đoạn thơ tuy ngắn gọn chỉ với 8 câu những bằng ngòi bút tinh tế của mình, Tế Hanh đã tái hiện lại một bức tranh lao động đẹp đẽ và tràn trề sức sống. Có lẽ chính những tình cảm chân thành và nỗi nhớ cội nguồn tha thiết đã thôi thúc tác giả viết nên những vần thơ thấm đượm tình người, tình quê như thế.
2. Phân tích 8 câu đầu bài quê hương của Tế Hanh, mẫu 2 (Chuẩn)
Quê hương- hai tiếng gọi thiêng liêng mà mỗi khi nhắc đến ai cũng bồi hồi xúc động nhớ về, đặc biệt là với những người con xa xứ. Nhắc đến quê hương là nhắc đến dòng sông xanh ngát, cánh đồng lúa trải rộng mênh mông, mái đình làng cuối xóm hay những người con người thôn quê chất phác, hồn hậu,...Có biết bao bài thơ, lời hát viết về quê hương gây xúc động lòng người, nhưng có lẽ với tôi, bài thơ Quê Hương của Tế Hanh là tác phẩm hay và ấn tượng nhất.
Bài thơ được viết vào năm 1939, trong nỗi nhớ da diết của tác giả khi đang học ở một thành phố khác. Đến với một thành phố hoa lệ với rực rỡ ánh đèn, nơi mà con người thường chạy theo những nỗi lo toan, bon chen trong cuộc sống, những kí ức đẹp về nơi chôn rau cắt rốn là niềm ủi an trong tâm hồn tác giả. Hình ảnh về làng chài ven biển Quảng Ngãi được Tế Hanh tái hiện đầy đẹp đẽ qua những vần thơ của mình. Đặc biệt qua 8 câu đầu nhà thơ đã tái hiện sống động, chân thực cảnh dân chài ra khơi đánh cá. Đó là một cuộc sống lao động đầy niềm vui và căng tràn sức sống.
"Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông"
Bằng hai câu thơ trần thuật đầy giản dị, tác giả đã giới thiệu quê hương mình đến độc giả với nét vẽ mộc mạc, giản dị nhất. Quê hương nhà thơ là một vùng quê ven biển, được biển cả bao bọc "nước bao vây cách biển nửa ngày sông". Cuộc sống của người dân nơi đây quanh năm gắn bó với nước, với biển, với cá tôm. "Nghề chài lưới" trở thành một nghề truyền thống của những ngư dân làng chài, họ sống dựa vào thiên nhiên, được thiên nhiên ưu ái và nuôi dưỡng. Nét độc đáo của Tế Hanh là cách giới thiệu quê hương một cách trực tiếp nhưng không hề khô khan mà vô cùng tự nhiên, tạo nên dấu ấn quê hương trong từng câu chữ.
Nỗi nhớ chợt ùa về, những hình ảnh của người dân quê hương chất phác, mộc mạc dần hiện lên theo dòng kí ức:
"Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”
Với người dân lao động nói chung và người dân làm nghề chài lưới nói riêng, thời tiết là một trong những điều kiện quan trọng cho những chuyến ra khơi. Bởi những hiểm nguy luôn rình rập nếu chuyến ra khơi gặp phải giông to, bão lớn. Chuyến ra khơi của người dân miền biển thường là vào những buổi sớm mai "trời trong, gió nhẹ", khi mà ánh bình minh dần lên, nắng hồng hòa vào cát biển, bầu trời xanh trong, gió nhè nhẹ cũng là lúc "dân trai trái bơi thuyền đi đánh cá". Khung cảnh buổi sáng trên quê hương nhà thơ quá đỗi yên bình và đẹp đẽ, thiên nhiên xanh trong, con người khỏe khoắn.
Hình ảnh những "dân trai tráng" bơi thuyền ra khơi được Tế Hanh thi vị hóa, là hình ảnh đẹp đẽ, đầy sức sống và khỏe khoắn đại diện cho vẻ đẹp cường tráng, mạnh mẽ của những người dân chài miền biển. Cách ngắt nhịp 3/2/3 kết hợp cùng hình ảnh thơ sống động tạo nên nét nhịp nhàng, khoan khoái đồng thời diễn tả không khí náo nức, rộn ràng của người lao động trong hành trình chuẩn bị cho chuyến ra khơi của mình. Chuyến ra khơi của họ dường như đã được chuẩn bị sẵn sàng cả về dụng cụ, sức khỏe, tinh thần để chinh phục biển cả với khát khao mang nhiều cá tôm trở về, lo cho gia đình, cho cuộc sống. Sự hòa quyện, hứng khởi của con người và thiên nhiên như báo hiệu cho một chuyến đi đầy may mắn và thuận lợi.
"Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”
Khung cảnh ra khơi đầy khí thế, mạnh mẽ, hào hùng, họ như những người chiến sĩ lên đường ra chiến trận. Mà đây là một chiến trận mới của con người trong lao động, trong niềm tin xây dựng cuộc sống, ra khơi để chinh phục thiên nhiên, chinh phục biển cá rộng lớn. Những con thuyền song hành cùng nhau vượt biển lớn, chúng hăng hái mạnh mẽ, nhanh nhẹn như những con "tuấn mã" đầy sức mạnh. Con thuyền có được sự dũng mãnh ấy là nhờ sự lèo lái tài, ba, điêu luyện và sức mạnh lao động, sự đồng lòng, đoàn kết của người dân trong hành trình đánh bắt cá tôm của mình. Hình ảnh "trường giang" ẩn dụ cho những con sóng dữ, những thác ghềnh, hiểm nguy nơi biển rộng, từ đó càng tô đậm vẻ đẹp và sức mạnh bền bỉ của người lao động. Họ đã dùng kinh nghiệm, bản lĩnh và ý chí kiên cường của bản thân để chèo lái con thuyền vượt qua sóng gió. Những hành động mạnh mẽ như "phăng mái chèo", "vượt trường giang" cho thấy sức mạnh của những dũng sĩ trong lao động để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính bản thân và quê hương mình.
"Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió"
Câu thơ với cách so sánh độc đáo "cánh buồm giương to như mảnh hồn làng”, tác giả đã cụ thể hóa cái vô hình: hồn quê hương thành một vật thể hữu hình là cánh buồm căng gió. Lối so sánh ấy như một lời khẳng định mỗi chuyến ra khơi, ai trong mình cũng mang theo hồn quê- linh hồn của người dân miền biển, mang theo cả sự quả cảm, quyết tâm trên hành trình lao động. Hình cả cánh buồm "giương to" đón lấy những luồng gió lớn của đất trời để căng mình đẩy thuyền vượt biển, vượt sóng xa bờ, ra biển rộng còn là hình ảnh ẩn dụ về sức sống và khát vọng, ý chí của những người dân chài vùng biển.
Chỉ với 8 câu thơ ngọt ngào ấy thôi mà Tế Hanh đã đưa người đọc đến với một vùng quê đầy xinh đẹp. Nơi đó có thiên nhiên với sông nước bao quanh, có những con người chân chất, hồn hậu, một lòng với công việc lao động của mình. Nơi đó có những con thuyền miệt mài trên biển, những cánh buồm no gió ra khơi,.. Mỗi lần đọc những vần thơ ấy, lòng tôi lại khao khao được đặt chân đến đó một lần để cảm nhận tất thảy những vẻ đẹp nơi đây, để hiểu hơn về tình quê của một tấm lòng xa xứ.
Bằng hình ảnh thơ gần gũi giản dị, lời thơ trong sáng, nhịp thơ nhẹ nhàng, tươi vui cùng sự kết hợp khéo léo các biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ,... Tế Hanh đã dựng nên một bức tranh lao động đầy khỏe khoắn. Phải yêu quê hương tha thiết, nặng tình gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn của mình, phải thấu hiểu và trân trọng những người lao động vùng biển tha thiết lắm thì tác giả viết nên những vần thơ hay và tinh tế đến vậy.
3. Phân tích 8 câu đầu bài quê hương của Tế Hanh, mẫu 3 (Chuẩn)
Quê hương là một danh từ đặc biệt thiêng liêng trong lòng mỗi người. Nhắc tới quê hương, người ta sẽ thấy trong lòng trào dâng lên những cảm xúc khó tả, những hình ảnh quen thuộc khó quên. Nếu như nhà thơ Nguyễn Trung Quân miêu tả quê hương nơi đồng bằng của mình bằng hình ảnh:
“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay”
Thì nhà thơ Tế Hanh – người con của đất biển Quảng Ngãi lại tả về quê hương ven biển của mình rất đỗi khác biệt trong bài thơ cùng tên:
“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…”
Bằng những hình ảnh rất quen thuộc của một làng chài ven biển, Tế Hanh đã dựng lên bức tranh về quê hương của mình thật tươi sáng, thật sinh động, mà nổi bật là hình ảnh của những người dân làng chài.
Ngay từ nhan đề của bài thơ, người đọc cũng có thể nhận ra được nội dung chính mà tác phẩm muốn biểu đạt. Đó là “quê hương”, đó là hình ảnh của nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn bó với tuổi thơ thấm đượm tình thương mến của Tế Hanh. Cùng với đó, câu thơ đề từ bài thơ “chim bay dọc biển mang tin cá” là câu thơ được trích từ câu nói của người cha thân yêu của tác giả, là lời giải thích, bổ sung cho nhan đề bài thơ. Nó gợi lên hình ảnh về một vùng biển giàu có với những người ngư dân có cuộc đời gắn liền với biển cả. Những con người đó đã sinh sống, đã gắn bó với biển từ lâu đời để chỉ cần một vài tín hiệu đã có thể nắm bắt những tin tức, những dấu hiệu mà thiên nhiên, biển cả ban phát.
Mở đầu bài thơ, nhà thơ đã tự hào giới thiệu quê hương yêu dấu của mình một cách trực tiếp, ngắn gọn:
“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”
Hai câu thơ ngắn nhưng đã gợi lên hình ảnh về một làng chài nhỏ, quê hương của nhà thơ, nơi được bao quanh bởi biển cả mênh mông. Những người dân ở đó sống bằng “nghề chài lưới”, họ sống dựa vào thiên nhiên, dựa vào biển, và “hơi biển” dường như đã thấm nhuần vào tâm hồn họ. Bởi khi nhắc tới bất kì điều gì, họ đều miêu tả bằng những từ ngữ mang phong vị rất riêng của biển cả. Và Tế Hạnh, người con của đất biển cũng thấm nhuần thứ ngôn ngữ đó, để khi viết về sự ước chừng về địa lý, ông đã viết “cách biển nửa ngày sông”. Đây là câu nói mang ngôn ngữ đặc trưng của người dân vùng biển, “vị” riêng của những người dân chài.
Mỗi câu thơ là một hình ảnh quen thuộc, là hình ảnh đã in đậm vào trong tâm hồn của Tế Hanh. Có lẽ vì thế, đọc câu thơ, chúng ta như còn thấy được trong đó là nỗi nhớ quê hương, nỗi xúc động nhớ thương da diết của tác giả khi nhắc đến nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Hình ảnh quê hương, hình ảnh của những người dân chài chất phác cứ chầm chậm hiện lên trong tâm trí Tế Hanh, xa quê đã lâu nhưng hình ảnh về mỗi chuyến ra khơi của người dân làng chài vẫn luôn in đậm trong tim Tế Hanh. Ông viết:
“Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang
Chiếc buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”.
Với người dân miền biển, thời tiết là một trong những điều kiện quan trọng nhất để ra khơi. Và trong tâm trí của Tế Hanh, ngày ra khơi hôm ấy là một ngày tuyệt đẹp với “trời trong, gió nhẹ”, với ánh mặt trời vừa nhú lên ửng “hồng”. Những người dân chài là những thanh niên khỏe khoắn đã lèo lái con thuyền tiến ra biển lớn. Khung cảnh đó thật hào hùng, thật tráng lệ! Nhịp thơ ở đây được ngắt thành 3/2/3 tạo nên nhịp điệu rộn ràng, náo nức của những con người miền biển đang hăng say chuẩn bị cho chuyến đi của mình. Hình ảnh người dân lao động miền biển vốn chất phác với làn da rám nắng được Tế Hanh lãng mạn hoá trở thành những chàng thanh niên trẻ trung, mạnh mẽ “dân trai tráng” với một lòng quyết tâm ra khơi mãnh liệt. Họ mang hết tinh thần và sức mạnh của mình để quyết tâm chinh phục biển cả, mang về cá đầy khoang, mang lại no ấm cho gia đình của mình, cho những con người vùng biển này.
Tiếp theo là khung cảnh ra khơi của những người dân lao động miền biển. Nếu như Huy Cận miêu tả đoàn thuyền đánh cá bằng hình ảnh cả đội thuyền to lớn:
“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi
Thì Tế Hạnh lại tập trung miêu tả chi tiết từng con thuyền. Tuy vậy, nhưng nó vẫn kì vĩ và lãng mạn vô cùng:
“Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”
Hình ảnh những chiếc thuyền cùng nhau tiến ra biển lớn, mạnh mẽ, to lớn như những con “tuấn mã” khoẻ mạnh. “Tuấn mã” vốn là chỉ những con ngựa đẹp, ngựa hay, có sức khoẻ tốt, chạy nhanh. Vậy mà ở đây, Tế Hanh dùng nó để so sánh với những chiếc thuyền của người dân đánh cá. Sự so sánh này đã mang cho chúng ta một cảm nhận mới lạ nhưng cũng cho ta thấy được sự mạnh mẽ vượt trội, nhanh nhẹn và sung sức của đoàn thuyền ra khơi của người dân quê hương ông. Cùng với đó, các động từ mạnh như “phăng, hăng” được sử dụng để đẩy cao cái khí thế sục sôi, mạnh mẽ, tràn trề sức sống. Mái chèo trên tay những người dân như những thanh gươm lớn chém xuống mặt dòng “trường giang”. Hình ảnh con người bỗng trở nên cao lớn, kì vĩ bởi họ đang cùng chống chọi với thiên nhiên, cùng cố gắng để chế ngự thiên nhiên hùng vĩ. Nhà thơ cũng sử dụng ở đây các từ ngữ Hán Việt như “trường giang, tuấn mã”, điều đó vừa tạo nên không khí hùng tráng như trong các câu chuyện sử thi khi các anh hùng đang tung hoành cùng với con ngựa chiến của mình vừa gợi ra hình ảnh của con người trước thiên nhiên. Con người trước thiên nhiên thì nhỏ bé, thế nhưng tầm vóc của họ, khí thế của họ thì không hề nhỏ bé, họ đang đứng lên chống chọi với thiên nhiên, chế ngự thiên nhiên.
Hai câu thơ cuối cùng trong đoạn đầu là hai câu thơ ấn tượng nhất bài thơ, cũng là hai câu thơ gợi lên nỗi nhớ quê hương tha thiết của nhà thơ.
“Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…”
Hình ảnh cánh buồm trắng vốn luôn là một kí ức sâu đậm trong lòng nhà thơ, nay Tế Hanh so sánh nó với “mảnh hồn làng”. Ông đã dùng một phép so sánh giữa cái vô hình với cái hữu hình, bởi cánh buồm trắng tinh khôi đang “giương to” no gió kia là đại diện cho linh hồn của những làng chài ven biển. Cánh buồm ấy “giương to” như muốn khẳng định sự sống, sức mạnh cũng như tâm hồn của mỗi con người nơi đây. Hình ảnh cánh buồm “rướn” lên, trải rộng để “thâu góp gió” là lúc cánh buồm “no gió”, phồng lên đẩy con thuyền ra khơi xa. Nó đại diện cho ý chí, cho khát vọng chinh phục biển lớn của những người con miền biển và có thế còn là hình ảnh là khát vọng khi con người và thiên nhiên được hoà hợp, con người có sức mạnh để chế ngự được thiên nhiên to lớn.Thấp thoáng trong bài thơ, người ta thấy một nỗi nhớ nhung bao trùm trong từng câu chữ. Đó là nỗi nhớ quê hương, nhớ những con người lao động miền biển chất phác, hiền lành của Tế Hanh.
Tám câu thơ được viết theo thể thơ tám chữ với những vần thơ bình dị, những hình ảnh thơ quen thuộc đã giúp chúng ta thấy hình ảnh quê hương, con người nơi làng quê tác giả. Bài thơ còn gợi lên trong lòng người đọc những tình cảm thầm kín, thiêng liêng mà cũng thiết tha nhất về quê hương của mình.
4. Phân tích 8 câu đầu bài quê hương của Tế Hanh, mẫu 4 (Chuẩn)
Tế Hanh (1921-2009) là một bông hoa nở muộn trong phong trào thơ mới giai đoạn 1932-1945. Trong khi các tác giả cùng thời vẫn đang mải quay cuồng trong những nỗi sầu thương thế sự, đau đớn vì tình yêu, than tiếc cho tuổi xuân thì Tế Hanh đã bước đến như một làn gió mới, trong sáng và giàu tình cảm, một thứ tình cảm giản dị, chân chất. Quê hương là nguồn cảm hứng lớn nhất trong đời thơ Tế Hanh, ông có rất nhiều tác phẩm hay viết về quê hương Quảng Ngãi của mình, một trong những bài thơ nổi tiếng nhất phải kể đến Quê hương. Bài thơ thể hiện rất rõ hồn thơ tác giả trong những năm đầu sáng tác, dáng hình quê hương đã hiện lên với những hình ảnh đẹp, trong sáng và giản dị, chan chứa nhiều xúc cảm, bao gồm nỗi nhớ, tình yêu tha thiết, sự gắn bó sâu nặng với nơi chôn rau cắt rốn của mình. Đặc biệt trong tám câu thơ đầu tiên, bức tranh thiên nhiên và con người trong lao động đã được Tế Hanh phác họa một cách khéo léo, tinh tế và đầy sáng tạo.
Tế Hanh đã mở đầu bài thơ bằng lời đề từ “Chim bay dọc biển mang tin cá” – vốn là một câu thơ của thân phụ ông. Có thể nói rằng đây là một lời đề từ rất hay và hợp hoàn cảnh, có ý nghĩa như một sự mở đầu, gợi ra khung cảnh sông nước mênh mông, một miền biển bao la rộng lớn với cánh hải âu tung hoành, với nguồn cá, nguồn tài nguyên thực dồi dào phong phú. Sự phóng khoáng, rộng mở từ lời đề từ dường như đã mở ra cho người đọc nhiều xúc cảm, những hình dung đầu tiên, khái quát nhất về nhan đề Quê hương – một miền quê đượm mùi nắng, mùi gió, mùi muối và cả mùi cá.
“Làng tôi vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”
Tế Hanh đã mở đầu bài thơ bằng hai câu thơ như một lời tự sự, lời giới thiệu chân thành và mộc mạc. “Làng tôi vốn làm nghề chài lưới” đã khái quát về nghề nghiệp chính của những con người miền biển, quanh năm gắn bó với sông nước, chài lưới, sống dựa vào việc đánh bắt hải sản, một công việc nhọc nhằn, lắm gian lao. Bên cạnh đó câu thơ “Nước bao vây cách biển nửa ngày sông” cũng phác thảo ra dáng hình của một làng quê nằm trên một cù lao nổi giữa biển, bốn bề mênh mông sóng nước. Cách nói khoảng cách “nửa ngày sông” không chỉ gợi ra vị trí địa lý trắc trở, xa xôi, nhiều khó khăn, mà còn thể hiện được cái mộc mạc đậm chất dân miền biển khi ước lượng khoảng cách với biển khơi.
Có thể nói những nét văn hóa, cách ăn nói, sinh hoạt đã in sâu trong lòng tác giả không thể phai mờ, và vào thơ một cách thật chân thực, tự nhiên, khiến tác phẩm thêm phần giá trị và đặc sắc, khắc ghi ấn tượng trong lòng độc giả.
“Khi trời trong, nắng nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”
Bức tranh quê lại tiếp tục được phác họa qua cảnh ra khơi đầy lãng mạn, tráng lệ. Dù là một công việc thường xuyên, quen thuộc và vẫn tiếp diễn hàng ngày, có thể đối với nhiều người nó không phải là một cảnh tượng gì đắt giá và đáng chú ý. Thế nhưng vào thơ Tế Hanh, chính sự mộc mạc, giản đơn trong khung cảnh lao động đã làm nên giá trị của bài thơ, làm nên một bức tranh quê thật sinh động và đẹp đẽ.
Cảnh dong buồm ra khơi được tác giả thổi vào một luồng không khí lãng mạn, trẻ trung với cảnh tượng “trời trong, nắng nhẹ, sớm mai hồng”, tất cả đều là những điều kiện lý tưởng, tuyệt vời nhất cho một công cuộc ra khơi. Thêm vào đó, trong không khí lãng mạn, êm đềm như thế, cảnh chuẩn bị ra khơi vốn dĩ vất vả và mệt nhọc dường như cũng bị che lấp bớt đi, nhường chỗ cho vẻ đẹp của sức trẻ, niềm tin và hy vọng về một chuyến đi bội thu và suôn sẻ.
Hình ảnh những người ngư dân trong thơ của Tế Hanh cũng được Tế Hanh phác họa bằng bút pháp lãng mạn. Nếu như trong thực tế người ngư dân thường mang dáng vẻ lam lũ, vất vả, nước da đen sạm vì nắng gió, muối biển thì ở thơ của mình, Tế Hanh đã khéo léo mang hình ảnh người ngư dân vào với một dáng vẻ lãng mạn và tràn đầy sức sống bằng hình ảnh “dân trai tráng”. Câu thơ đã bộc lộ tầm vóc to lớn, sức trẻ, khỏe, sự mạnh mẽ, vạm vỡ của những con người hàng ngày phải đối mặt với biển khơi. Mà thực tế có lẽ cái Tế Hanh muốn thể hiện ấy chính là tầm vóc và ý chí to lớn của con người trước muôn trùng sóng dữ, để tìm kế sinh nhai, chứ không hẳn chỉ nằm ở vẻ đẹp hình thể hay sự lãng mạn không thực tế. Đồng thời cách nhìn nhận hình ảnh con người trong lao động ấy của Tế Hanh, từ việc lãng mạn hóa, tô điểm thêm cho vẻ đẹp của người ngư dân trong nhận thức của độc giả cũng là một biểu hiện tinh tế của tình yêu sâu kín đối với những người dân quê mình.
“Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”
Chiếc thuyền chính là ẩn dụ cho những con người đang lèo lái con thuyền ra khơi, bộc lộ sự đoàn kết, đồng lòng của người ngư dân trong công cuộc đánh bắt xa bờ. Lối so sánh “hăng như con tuấn mã”, thể hiện trạng thái mạnh mẽ, sung sức nhất, mà những người ngư dân tựa như những chiến binh, còn con thuyền lướt trên mặt nước với tốc độ nhanh chóng tựa như con tuấn mã đang tung vó trên thảo nguyên, mang sức mạnh to lớn mà không gì ngăn trở nổi. “Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”, ở đây từ “trường giang” chính là ẩn dụ cho những cơn sóng dữ, sự mênh mông của biển cả, những khó khăn, hiểm nguy đang rình rập người ngư dân. Thế nhưng với tâm thế hiên ngang, ổn định, mạnh mẽ, sự đoàn kết họ vẫn vững tâm mạnh mẽ “phăng mái chèo” cắt ngang từng cơn sóng để tiến ra khơi, nhằm thu được nguồn cá dồi dào.
Cách sử dụng động từ mạnh “hăng”, “phăng” của Tế Hanh nhằm bộc lộ được khí thế, sự mạnh mẽ, tràn trề sức sống của con người trong lao động, cũng như tầm vóc to lớn của con người trong trời đất, trong vũ trụ, sẵn sàng đối mặt, chiến đấu với sự dữ dội của thiên nhiên để xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Ngoài ra việc dùng các từ ngữ hán việt “tuấn mã” và “trường giang” còn tạo ra cho khung cảnh ra khơi cảm giác lãng mạn, hùng tráng, bức tranh quê và con người lao động từ đó cũng trở nên tươi đẹp và có hồn hơn cả.
“Cánh buồm trắng giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”
Hai câu thơ trên là những câu thơ đặc sắc và ấn tượng nhất cả về nghệ thuật lẫn ý nghĩa. Tế Hanh đã có một sự sáng tạo độc đáo, khi lấy cái hữu hình để so sánh với cái vô hình, lấy hình ảnh “cánh buồm trắng” sạch sẽ, tinh tế, gắn với “mảnh hồn làng” cao quý, thiêng liêng. Một hình ảnh so sánh khá trừu tượng thế nhưng lại mang trong mình nhiều ý nghĩa thể hiện tài sự phong phú trong thơ ca của tác giả. Có thể nói rằng cánh buồm chính là đại diện cho cả một làng quê, đại diện cho tâm hồn của những người ngư dân, những con người sống tại miền biển. Cánh buồm chính là biểu tượng đặc trưng cho cuộc sống và nghề nghiệp của họ, gắn liền với cuộc đời của cả nhiều thế hệ con người tại nơi đây. “Cánh buồm trắng giương to như mảnh hồn làng” cánh buồm đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ của làng quê. Cảnh cánh buồm “Rướn thân trắng bao la thâu góp gió” cũng là một hình ảnh đẹp, không chỉ đơn thuần tả cảnh cánh buồm căng phồng khi thuận gió đẩy con thuyền ra khơi xa mà còn là ẩn ý của tác giả về sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người. Trong đó cánh buồm dường như cũng có cảm nhận, cũng cố gắng căng mình thật rộng đón được nhiều gió để hợp lực với người ngư dân đưa thuyền ra khơi xa, đến với những vùng biển giàu sản vật.
Quê hương của Tế Hanh là một bài thơ hay, giàu tình cảm, ngôn ngữ hồn nhiên trong sáng, Tế Hanh đã mang đến làn gió mới, làm vơi bớt đi cái ngột ngạt ảo não, sầu bi, bế tắc trong diễn đàn thơ Mới lúc bấy giờ. Với sự chân thành, giản dị, cùng tình yêu quê hương sâu sắc, tác giả đã vẽ lên bức tranh làng quê miền biển sinh động, tràn đầy sức sống với những con người luôn hăng hái trong lao động, nổi bật bởi sự cố gắng không ngừng nghỉ trước những điều kiện khó khăn khắc nghiệt của biển cả.
5. Phân tích 8 câu đầu bài quê hương của Tế Hanh, mẫu 5 (Chuẩn)
Trên thi đàn thơ Mới giai đoạn 1932-1941, có thể Tế Hanh không có được sự nổi tiếng mãnh liệt và "lạ lẫm" giống như cái nồng nàn, đắm say của Xuân Diệu, cái điên cuồng, kỳ dị của Hàn Mặc Tử, hay cái cảm xúc "điêu tàn", cuồng loạn của Chế Lan Viên. Và sau cách mạng ông cũng không nổi bật khi so với hồn thơ "chân lý" của Tố Hữu. Thế nhưng, sau những nhà thơ ấy, người ta lại gọi tên Tế Hanh đầu tiên, bởi thơ ông mang đến cho độc giả những cảm giác rất khác, rất mới, độc giả yêu thích và trân trọng thơ ông bởi chính sự "mộc mạc chân thành", cái chất "trong trẻo và giản dị như một dòng sông" luôn trải đều trong suốt cuộc đời làm thơ của mình. Thế nên như nhà phê bình Vương Trí Nhàn nhận định Tế Hanh có thể không thật sự bật lên hẳn so với các đàn anh, nhưng trong sự nghiệp thơ ca của mình ông luôn giữ một phong độ rất ổn định, tập thơ nào cũng có vài bài đáng nhớ, đó chính là một thành công mà không phải nhà thơ nào cũng có được. Quê hương là một trong những bài thơ đầu tay, và cũng là bài thơ xuất sắc nhất của Tế Hanh, đặc trưng cho hồn thơ của tác giả, đặc biệt là khi đọc 8 câu thơ đầu, ta lại càng thấy rõ được sự tinh vi, tài tình của thi nhân trong việc cảm thụ vẻ đẹp của quê hương, vẻ đẹp của cuộc sống lao động.
Với nhan đề "Quê hương" Tế Hanh đã bộc lộ gần như đầy đủ chủ đề chính của tác phẩm, ông viết về quê hương của mình, miền đất mà tác giả hằng gắn bó yêu thương với những cảm xúc giản dị, mộc mạc và chân thành. Lời đề từ "Chim bay dọc biển mang tin cá", là lời thơ do chính thân phụ của Tế Hanh chắp bút viết, chỉ một câu ngắn gọn, với cảnh chim trời, cá biển thế nhưng nó đã bổ sung một cách chuẩn xác cho nhan đề "Quê hương" của tác giả, gợi mở ra chủ đề chính của bài thơ là một vùng đất ven biển, cuộc sống quanh năm gắn bó với nghề chài lưới, quen với sự xuất hiện của cánh hải âu, quen với mùi gió biển mặn mòi. Có thể nói rằng cánh chim trong lời đề từ đã mở ra một khung trời rộng lớn, tự do, mở ra một vùng biển bao la sóng nước, dồi dào cá biển, rất đẹp, rất thơ.
Trong hai câu thơ đầu tiên của tác phẩm, Tế Hanh đã dùng một chất giọng mộc mạc và chân thành để mở ra những hình ảnh đầu tiên về quê hương:
"Làng tôi vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông"
Có vẻ giống một lời tự sự không hơn, và quả nhiên nó đúng là vậy. Tế Hanh là thế, không ưa cầu kỳ kiểu cách, cũng không thích lồng ghép từ ngữ khó hiểu. Ở hai câu thơ này tác giả chỉ là đơn giản kể lại những ấn tượng của mình về quê nhà, đó là một nơi mà quanh năm con người gắn bó với nghề chài lưới đầy vất vả, cực nhọc. Với đặc điểm địa lý "nước bao vây cách biển nửa ngày sông", khiến người đọc hình dung ra một vùng đất nổi lên giữa sóng nước mênh mông. Đặc biệt lối ước chừng khoảng cách "nửa ngày sông" mang đến cho người đọc những ấn tượng về đặc trưng ngôn ngữ của dân miền biển.
Đến 6 câu thơ tiếp theo Tế Hanh miêu tả lại cảnh ra khơi của dân chài, với những câu thơ đẹp, bình dị và tự nhiên, trẻ trung giống như chính tâm hồn của chàng thi vừa đầy 20.
"Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá"
Hai câu thơ là những nét vẽ đầy hứng khởi, năng động, mở ra khung cảnh ra khơi đầy thuận lợi. Đó là một buổi sáng trong trẻo với bầu trời cao rộng, trong xanh, kết hợp với sự mát mẻ của những cơn gió nhẹ, vừa đủ làm căng cánh buồm đẩy thuyền ra khơi. Đặc biệt gam màu "hồng" của ánh bình minh, mang đến cho không gian cảm giác ấm áp, tươi sáng, đầy hứa hẹn, mang đến cho bài thơ sự lãng mạn tinh tế, bởi cách phối màu đơn giản, tự nhiên, nhưng rất thơ mộng. Bên cạnh vẻ đẹp lãng mạn của thiên nhiên thì con người lại xuất hiện với vẻ đẹp mạnh mẽ, khỏe khoắn, tràn đầy khí thế "bơi thuyền đi đánh cá". Dù thực tế họ không trực tiếp chèo thuyền ra khơi, nhưng cách viết của Tế Hanh đã mang đến cho độc giả những liên tưởng chân thực, thú vị về các chàng trai cơ bắp, nước da ngăm, đầu cột chiếc khăn mỏng, tay cầm mái chèo, hăng hái tiến ra biển khơi, làm nổi bật lên đặc điểm nghề nghiệp của họ.
"Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió..."
Đến bốn câu thơ tiếp theo, Tế Hanh đã rất tinh tế khi tái hiện công cuộc ra khơi của những người dân làng chài bằng việc miêu tả chiếc thuyền ra khơi, lấy chiếc thuyền làm hình tượng đại diện cho cả một tập thể những con người lao động. Đây có thể nói là sự sáng tạo tinh tế và chuẩn xác của tác giả, bởi vốn dĩ chẳng có một hình ảnh nào đặc trưng hơn hình tượng con thuyền, khi nói về công cuộc đánh bắt biển khơi của ngư dân nữa. Tế Hanh với ngòi bút mộc mạc và hồn thơ trẻ, nên cũng không cầu kỳ mà lựa chọn sử dụng thủ pháp so sánh kinh điển trong thi ca để làm nổi bật khí thế ra biển đầy hăng hái và mạnh mẽ trong hai câu "Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã/Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang". Đó là một cách liên tưởng độc đáo, bởi có thể thấy rằng hàng ngàn năm nay thiên nhiên đối với con người vừa nghiêm khắc lại vừa bao dung, thế nên mỗi một lần ra khơi là một lần vượt qua thử thách của ngư dân, thiên nhiên nặng lòng cho ta cá, nhưng cũng muốn ta gặp nhiều gian nan. Và đối với mỗi người ngư dân, biển cả cũng là chiến trường, ở đó họ phải bộc lộ sự mạnh mẽ, quyết đoán như những người lính thực thụ. Lấy mái chèo, lấy lưới cá làm vũ khí, lại xem con thuyền chính là chiến mã, là khôi giáp để chiến đấu mà mang về chiến lợi phẩm. Thế nên Tế Hanh ví chiếc thuyền với tuấn mã là hoàn toàn hợp lý và tinh tế, nó không chỉ đem đến cho người đọc cảm nhận về hào khí biển Đông của người ngư dân, mà nó còn là cảm giác lãng mạn bay bổng trong thi ca xưa - người anh hùng và chiến mã. Không chỉ độc đáo ở hình ảnh so sánh mà, cách dùng từ của Tế Hanh cũng đáng chú ý, những từ "hăng", "phăng" không chỉ gieo vần cho tác phẩm, mà còn bộc lộ sự mạnh mẽ, dứt khoát, khí thế hùng tráng trong công cuộc ra khơi của người ngư dân. Với câu thơ "Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt Trường giang", thì tuy không thấy xuất hiện hình ảnh con người nhưng với hai động từ mạnh "phăng" và "vượt" đã tái hiện một cách tinh tế tầm vóc và sức mạnh của con người trong công cuộc lao động. "Trường giang" tức là con sông lớn và dài, mà ở đây con thuyền lại dễ dàng "mạnh mẽ vượt Trường giang", từ đó có thể suy ra Tế Hanh đã sử dụng hình ảnh "trường giang" như là một bức phông nền, một bệ phóng hoàn hảo để làm nổi bật vẻ đẹp sức mạnh và tầm vóc lớn lao của con người trước thiên nhiên, con người chế ngự thiên nhiên để sinh tồn.
Trong hai câu thơ tiếp theo, cũng là những câu thơ đặc sắc nhất bài, Tế Hanh đã bộc lộ cho độc giả thấy sự tinh tế, tài tình làm nên nét riêng của bản thân khi viết về đề tài quê hương, một đề tài quá quen thuộc trong thi ca.
"Rướn thân trắng bao la thâu góp gió
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng"
Một lần nữa dùng thủ pháp so sánh, và có lẽ Tế Hanh đã làm độc giả ngỡ ngàng và phải thầm khen vì cái tinh tế hiếm có và khả năng liên kết đặc biệt của mình khi đem "cánh buồm giương to" so với "mảnh hồn làng". Rõ ràng đó là một so sánh lạ nhưng rất đỗi hợp lý, lạ ở chỗ tác giả đem cái hữu hình đi so với cái vô hình, vô vẻ, từ đó dễ dàng phác họa ra nét chân dung của hồn quê hương. Nó lại hợp lý bởi so với những vật dụng khác gắn với đặc trưng của một miền biển như thuyền bè, mái chèo, lưới cá, hoặc đại loại là một cái gì đó thì cánh buồm trắng là vật phù hợp hơn cả. Bởi nó mang vẻ đẹp lãng mạn và thi vị, lại mang đầy đủ tính biểu tượng về một miền quê quanh năm gắn bó với biển cả, với thuyền buồm, vừa vặn gánh lấy cái "hồn làng". Hơn thế nữa xét về một mặt lô-gic khác của Tế Hanh thì con thuyền đại diện cho ngư dân lao động, người ngư dân gắn bó với quê hương, còn cánh buồm lại chính là linh hồn của chiếc thuyền. Con người sống chẳng thể thiếu quê hương, con thuyền không thể đi xa nếu thiếu cánh buồm, vì vậy nếu nói cánh buồm chính là đại diện cho một mảnh hồn làng chẳng có gì là không hợp lý. Cánh buồm ấy mang theo dáng vẻ, nỗi nhớ, niềm hy vọng của quê hương để theo người ngư dân vượt biển, luôn nhắc nhở ngư dân về tình yêu tha thiết đối với quê nhà. Không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, mà Tế Hanh còn nhân hóa cánh buồm, tạo cho nó linh tính của con người, dường như trong công cuộc lao động của người ngư dân, cánh buồm lúc nào cũng sát cánh, góp sức khi "rướn thân trắng bao la thâu góp gió", để giúp con thuyền đi nhanh hơn, xa hơn đến vùng nhiều tôm cá. Bộc lộ tinh thần đoàn kết trong lao động của con người, sự phối hợp nhịp nhàng ăn ý giữa con người với nhau và giữa con người với công cụ lao động để tạo năng suất lao động lớn.
Quê hương của Tế Hanh là một bài thơ hay và độc đáo, tuy khi viết bài thơ này ngòi bút của tác giả còn non trẻ, thế nhưng người cũng đã bộc lộ được sự tinh tế, thấu cảm của bản thân với quê hương, để tạo ra một tác phẩm đáng chú ý giữa một rừng thơ Mới. Nhận xét về Tế Hanh có lẽ tâm đắc và thú vị nhất chính là lời của Hoài Thanh, ông viết rằng: "Tế Hanh là một người tinh lắm, Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy được cả những điều không hình sắc, không thanh âm như mảnh hồn làng, trên cánh buồm giương... Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi thường ta chỉ thấy mờ mờ...". Và quả thực đọc Quê hương ta thấy Hoài Thanh nói không hề quá chút nào...
------------------HẾT-------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-8-cau-dau-bai-que-huong-cua-te-hanh-56314n.aspx
Chỉ với 8 câu thơ ngắn gọn, nhà thơ Tế Hanh đã làm nổi bật khung cảnh đánh bắt đầy hào hứng, tráng lệ của người dân làng chài, cùng với bài Phân tích 8 câu đầu bài quê hương của Tế Hanh, các em có thể tìm hiểu thêm về sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động qua các bài: Phân tích bài thơ Quê hương của Tế Hanh, Hình ảnh người dân làng chài qua bài thơ Quê hương của Tế Hanh, Cảm nhận về bài thơ Quê hương của Tế Hanh, Tìm hiểu tâm hồn Tế Hanh qua bài thơ Quê hương của ông.