Thông qua quá trình soạn bài Đồng dao mùa xuân (Nguyễn Khoa Điềm), Ngữ văn 7, Kết nối tri thức với cuộc sống, các em sẽ nhận ra được vẻ đẹp của anh bộ đội cụ Hồ trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Mời các em cùng tham khảo bài soạn mẫu dưới đây:
Soạn bài Đồng dao mùa xuân (Nguyễn Khoa Điềm), Ngữ Văn lớp 7 - Kết nối tri thức với cuộc sống
Soạn văn lớp 7 kết nối tri thức với cuộc sống
I. Trước khi đọc
1. Khi nghe nói đến cụm từ "thơ bốn chữ", ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí em là gì? Em biết những bài thơ bốn chữ nào? Hãy chia sẻ cảm xúc của em về một bài thơ bốn chữ.
- Khi nghe đến cụm từ "thơ bốn chữ" em nghĩ đến mỗi dòng thơ có 4 chữ rất ngắn gọn nhưng cô đọng, nhiều ý nghĩa.
- Một số bài thơ bốn chữ em biết: "Lượm", "Mùa thu của em", "Hạt gạo làng ta",...
- Cảm xúc của em về bài thơ "Lượm" của nhà thơ Tố Hữu: Tác phẩm đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc về hình ảnh Lượm - một chú bé liên lạc tuy nhỏ tuổi nhưng vô cùng kiên cường, dũng cảm, sâu trong tâm hồn chú bé là lòng yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Qua đó, em càng thêm xót xa và cảm phục cho một thế hệ anh hùng Việt Nam đã cống hiến hết mình vì mùa xuân của đất nước như chú bé Lượm.
2. Chia sẻ cảm nhận của em về hình ảnh bộ đội Cụ Hồ.
Hình ảnh của anh bộ đội Cụ Hồ đem đến cho em sự rung động sâu sắc. "Bộ đội cụ hồ" là tên gọi thân thương được nhân dân Việt Nam đặt cho những người chiến sĩ trong thời kì kháng chiến. Tên gọi ấy giản dị mà mang ý nghĩa sâu sắc. Hình ảnh người lính bộ đội Cụ Hồ dù xuất thân từ mọi miền Tổ Quốc nhưng trong chiến đấu, họ dũng cảm, kiên cường như trong bài thơ Đồng Chí của Chính Hữu "Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo", hay lạc quan, yêu đời như trong bài thơ về tiểu đội xe không kính: "Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng". Dù chưa được gặp mặt trực tiếp người lính Cụ Hồ nhưng hình ảnh bộ đội Cụ Hồ được tái hiện qua những trang sách, những bài thơ đã đem đến cho em sự biết ơn, sự kính trọng, thương yêu sâu sắc với các anh bộ đội Cụ Hồ.
II. Đọc văn bản
1. Theo dõi: Số tiếng trong mỗi dòng thơ, vần thơ, nhịp thơ.
- Mỗi dòng thơ có 4 tiếng.
- Vần thơ: gieo vần chân (lửa - nữa, diều - chiều, xanh - lành, gian - ngàn, lành - xanh)
- Nhịp thơ 2/2, 3/1 tùy từng câu.
2. Hình dung: Hình ảnh người lính trong "những năm máu lửa".
Người lính trong "những năm máu lửa":
- Là những chàng thanh niên còn rất trẻ: "Chưa một lần yêu/ Cà phê chưa uống/ Còn mê thả diều", "Tuổi xuân đang độ"
- Là những chàng thanh niên có tinh thần lạc quan và lòng yêu nước sâu sắc, sẵn sàng hy sinh bản thân vì độc lập dân tộc: "Có một người lính/ Đi vào núi xanh/ Những năm máu lửa", "Một ngày hòa bình/ Anh không về nữa", "Anh thành ngọn lửa/ Bạn bè mang theo", "Mười, hai mươi năm/ Anh không về nữa".
3. Hình dung: Hình ảnh người lính ở lại nơi chiến trường xưa trong tưởng tượng của tác giả.
- Ngoại hình: Khoác lên mình những đồ dùng quen thuộc của đời lính: "Ba lô con cóc/ Tấm áo màu xanh/ Làn da sốt rét/ Cái cười hiền lành".
- Dáng vẻ, tâm trạng:
+ Người lính ngồi lặng lẽ nhớ về mùa xuân của thiên nhiên, đất nước "Anh ngồi lặng lẽ/ Dưới cội mai vàng/ Dài bao thương nhớ/ Mùa xuân nhân gian".
+ Người lính ngồi rực rỡ, bóng hình anh hòa vào núi sông "Anh ngồi rực rỡ/ Màu hoa đại ngàn/ Mắt như suối biếc/ Vai đầy núi non...".
III. Trả lời câu hỏi
1. Cách chia khổ thơ của bài thơ có gì đặc biệt? Hãy nêu ý nghĩa của cách chia đó.
Bài thơ có 9 khổ thơ, trong đó, khổ thơ thứ nhất có 3 dòng, khổ thơ thứ hai có 2 dòng, còn lại các khổ thơ đều có 4 dòng.
Cách chia như vậy làm nổi bật lên nội dung, ý nghĩa và mạch cảm xúc của tác giả:
+ Khổ thơ đầu: Giới thiệu hình ảnh người lính ra trận.
+ Khổ thơ thứ hai: Nêu lên việc người lính không trở về nữa.
+ Các khổ thơ tiếp theo: Khắc họa hình ảnh người lính (hình dáng, cử chỉ, tâm hồn) trong những năm tháng máu lửa, khi ở lại nơi chiến trường xưa.
2. Nêu nhận xét của em về số tiếng trong mỗi dòng và cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ.
- Mỗi câu thơ có 4 tiếng.
- Vần thơ: gieo vần chân (lửa - nữa, diều - chiều, xanh - lành, gian - ngàn, lành - xanh)
- Nhịp thơ 2/2, 3/1 tùy từng câu.
=> Việc sử dụng thể thơ bốn chữ, gieo vần chân, nhịp thơ 2/2, 3/1 làm cho câu văn có nhịp điệu, dễ dàng truyền tải nội dung, ý nghĩa, thông điệp mà nhà thơ muốn gửi đến người đọc.
3. Đọc bài thơ, ta như được nghe một câu chuyện về cuộc đời người lính. Em hình dung câu chuyện đó như thế nào?
Qua bài thơ, ta có thể hình dung được câu chuyện về cuộc đời người lính: Người lính tham gia chiến đấu khi còn rất trẻ, đó là những năm kháng chiến sục sôi. Trong một trận đánh, anh đã hy sinh ở lại mãi với chiến trường. Hình bóng của anh hòa vào sông núi, luôn sống mãi trong lòng bạn bè, đồng chí đồng đội và người dân.
Soạn bài Đồng dao mùa xuân (Nguyễn Khoa Điềm), Ngữ văn lớp 7, Kết nối tri thức với cuộc sống
4. Hãy tìm những chi tiết được nhà thơ sử dụng để khắc họa hình ảnh người lính. Qua câu chuyện được kể và các chi tiết miêu tả, hình ảnh người lính hiện lên với những đặc điểm gì?
- Những chi tiết được nhà thơ sử dụng để khắc họa hình ảnh người lính là:
+ Khi người lính mới vào chiến trường: "Chưa một lần yêu/ Cà phê chưa uống/ Còn mê thả diều".
+ Khi người lính hy sinh: "Anh thành ngọn lửa", "Anh không về nữa/Anh vẫn một mình", "Ba lô con cóc/ Tấm áo màu xanh/ Làn da sốt rét / Cái cười hiền lành", "Anh ngồi lặng lẽ", "Anh ngồi rực rỡ/ Màu hoa đại ngàn/ Mắt như suối biếc/ Vai đầy núi non".
- Qua câu chuyện được kể và các chi tiết miêu tả, hình ảnh người lính hiện lên với những đặc điểm:
+ Người lính đang ở độ tuổi xuân xanh tràn đầy nhiệt huyết, hồn nhiên, trong sáng.
+ Người lính với phẩm chất anh hùng, tấm lòng yêu Tổ quốc, sẵn sàng tham gia chiến đấu và hy sinh cho đất nước.
5. Nêu cảm nhận của em về tình cảm của đồng đội, của nhân dân dành cho những người lính đã hy sinh được thể hiện trong bài thơ.
- Tình cảm đồng đội: Sự chia sẻ khi cùng kề vai sát cánh chiến đấu giữa mưa bom bão đạn. Sự đau xót, tiếc nuối khi đồng đội hy sinh đã trở thành động lực, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để những người lính tiếp tục chiến đấu, bảo vệ độc lập, hòa bình dân tộc: "Anh thành ngọn lửa/Bạn bè mang theo"
=>Tình cảm cao đẹp, thiêng liêng của bộ đội cụ Hồ trong chiến đấu.
- Tình cảm của nhân dân: Được bộc lộ gián tiếp qua những dòng thơ.
=> Tình cảm yêu mến, trân trọng những người lính đã chiến đấu quên mình vì độc lập, tự do và dân tộc. Nhân dân luôn tin yêu và nhớ về các anh.
6. Theo em, tên bài thơ "Đồng dao mùa xuân" có ý nghĩa như thế nào?
- Đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em Việt Nam dùng để hát khi làm đồng, làm ruộng.
- Mùa xuân là biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở, sức sống, sự phát triển.
=> "Đồng dao mùa xuân" có thể hiểu đơn giản là khúc hát về mùa xuân, hát về sự sinh sôi, phát triển. Tuy nhiên, mùa xuân ở đây không chỉ là mùa xuân tuần hoàn của tự nhiên mà còn là mùa xuân của những người lính đã hy sinh vì độc lập dân tộc, mùa xuân của đất nước.
IV. Viết kết nối với đọc
Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) nêu cảm nghĩ của em về người lính trong bài thơ.
Trong bài thơ "Đồng dao mùa xuân" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, hình ảnh người lính hiện lên với những vẻ đẹp giản dị, mộc mạc. Người lính đang ở độ tuổi xuân xanh đầy nhiệt huyết "Chưa một lần yêu/ Cà phê chưa uống/ Còn mê thả diều" đã lên đường tham gia chiến đấu khi tổ quốc cần "Đi vào núi xanh/ Những năm máu lửa". Nơi chiến trường đầy nguy hiểm và gian lao đó, người lính luôn giữ tinh thần lạc quan, tình đồng chí, đồng đội đoàn kết, gắn bó "Bạn bè mang theo", "Làn da sốt rét/ Cái cười hiền lành". Bằng ngôn từ tinh tế, cách gieo vần, ngắt nhịp thơ, biện pháp nghệ thuật so sánh, nhà thơ đã khiến hình ảnh người lính, hòa vào dáng hình núi sông và trong lòng mỗi người dân Việt. Những người lính sống mãi trong sự yêu mến, biết ơn và trân trọng của nhân dân bởi họ là những người làm nên mùa xuân cho đất nước, cho dân tộc.
Bài thơ Đồng dao mùa xuân thể hiện tình yêu quê hương, đất nước tha thiết của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Vẻ đẹp hình tượng và ngôn từ trong tác phẩm gieo vào tâm hồn ta những tình cảm tốt đẹp để mỗi người thêm yêu và quý trọng cuộc sống yên bình ngày hôm nay!
https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-dong-dao-mua-xuan-nguyen-khoa-diem-ngu-van-lop-7-ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-70982n.aspx
Các bài soạn văn mẫu lớp 7 khác:
- Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 42, Ngữ văn lớp 7, Kết nối tri thức với cuộc sống
- Soạn bài Gặp lá cơm nếp (Thanh Thảo), Ngữ văn lớp 7, Kết nối tri thức với cuộc sống