Phát biểu cảm nghĩ bài Ca Huế trên sông Hương

Bài văn mẫu Phát biểu cảm nghĩ bài Ca Huế trên sông Hương của Hà Ánh Minh là tài liệu học tập hữu ích không chỉ hỗ trợ các em học sinh trong quá trình tìm hiểu văn bản mà còn cung cấp những gợi ý, nội dung quan trọng để các em có thể hoàn thiện bài văn phát biểu cảm nhận.

Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ bài Ca Huế trên sông Hương

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

phat bieu cam nghi bai ca hue tren song huong

 

Phát biểu cảm nghĩ bài Ca Huế trên sông Hương
 

I. Dàn ý Phát biểu cảm nghĩ bài Ca Huế trên sông Hương


1. Mở bài

- Giới thiệu về ca Huế và tác phẩm Ca Huế trên sông Hương.
 

2. Thân bài:

a. Huế - cái nôi của dân ca:
- Đưa ra nhận định rằng "xứ Huế vốn nổi tiếng với các điệu hò, hò khi đánh cá trên sông ngòi biển cả, hò lúc cấy cày, gặt hái, trồng cây, chăn tằm..." gắn liền với hoạt động lao động sản xuất, luôn gửi gắm "một ý tình trọn vẹn".
- Chứng minh cho nhận định:
+ Điệu Chèo cạn, bài thai, điệu đưa linh thì thì mang âm hưởng buồn bã, sầu não
+ Điệu hò giã gạo, ru em, giã vôi, giã diệp, bài chòi, bài tiệm, vàng nung,... náo nức yêu thương, rất đỗi nồng hậu tình người xứ Huế;
+ Điệu hò lơ, hò ô, hò xay lúa, hò nện thì lại mang chút âm hưởng gần gũi với những điệu dân ca của xứ Nghệ Tĩnh
+ Còn các điệu lý như lý con sáo, lý hoài nam, lý hoài xuân,.. ngọt ngào, tình tứ, da diết và khắc khoải
+ Các điệu Nam ví như Nam ai, nam bình, quả phụ, nam xuân, hành vân, tương tư khúc thì dễ đem đến sự sầu bi, thiểu não, thương cảm, vấn vương
+ Điệu Bắc với Tứ đại cảnh chẳng vui nhưng cũng chẳng buồn.
=> Dân ca xứ Huế quả là một kho tàng vô cùng phong phú và rộng lớn, đa hình, đa vẻ, gắn liền với đời sống của nhân dân lao động. Lại truyền tải được hết những ý tình trọn vẹn như tác giả đã nói, có một sự khát khao, mong chờ, hoài vọng rất riêng, rất Huế.
=> Chứng tỏ tấm lòng yêu và thiết tha sâu nặng với xứ Huế cũng như ca Huế của Hà Ánh Minh.

b. Nhạc cụ trong sử dụng trong ca Huế:
- Đàn nguyệt, đàn tranh đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn tam, đàn bầu, sáo và cả cặp sanh.
=> Phong phú và đa dạng.

c. Cung cách thưởng thức:
* "Thú nghe ca Huế tao nhã, đầy sức quyến rũ".
- Nghe ca Huế trên sông Hương, ở trên một con thuyền rồng, chỗ có lẽ khi xưa chỉ chào đón bước chân của các bậc vua chúa, đem đến cho tác giả một cảm giác cổ kính, trang trọng.
- Thời gian lại là buổi đêm, trên trời có ánh trăng dịu hiền, sáng tỏ, phía dưới là không gian sang trọng, tao nhã.

* Dáng vẻ của ca nhi (người hát) và những nghệ nhân chơi đàn:
- Đều là người còn rất trẻ, mang đến vẻ vui tươi nét xuân sắc, sống động, mặc trang phục truyền thống, nam áo the, quần thụng, khăn xếp, nữ áo dài, khăn đóng duyên dáng, yêu kiều.
=> Cái dáng vẻ ấy ta lại càng thấy Huế trở nên cổ kính, và ca Huế thực sự đã giữ gìn rất tốt những giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc bao đời nay.
- Những người nghệ nhân chơi nhạc cụ một cách điệu nghệ, trau chuốt và say mê, với những khúc mở đầu đêm ca Huế như lưu thủy, kim tiền, xuân phong, thu nguyệt.
=> Quả thực hiếm có người lữ khách nào lại có tâm đến thế, người không chỉ nghe, thưởng thức mà còn chú tâm tìm hiểu thật tường tận, rồi cho chúng ta một bài viết thật hay, thật sâu lắng đậm hương vị Huế - một vùng cố đô thơ mộng, yêu thương, thấm đẫm tinh thần dân tộc. Ca Huế ấy trong tâm hồn tác giả tựa như một "người con gái Huế nội tâm thật phong phú và âm thầm, kín đáo, sâu thẳm".

3. Kết bài:

Nêu cảm nhận.
 

II. Bài văn mẫu Phát biểu cảm nghĩ bài Ca Huế trên sông Hương

Ca Huế trên sông Hương vốn là một loại hình nghệ thuật đặc sắc đã in dấu vào tâm hồn của mỗi người con xứ Huế, và để lại trong tâm hồn mỗi một lữ khách những ký ức khó quên về một cố đô thơ mộng, hiền hòa với những điệu hò, điệu hát thanh tao và lịch sự như chính hình ảnh về những nàng thơ xứ Huế. Đóng vai trò là một lữ khách ghé lại đất cố đô, tác giả Hà Ánh Minh đã có cơ hội được thưởng thức loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo này, và rồi chính những ký ức, những ấn tượng sâu sắc về Ca Huế mà tác giả đã dành viết hẳn một bài báo rất thú vị, đem đến cho người đọc những hiểu biết nhất định về thể loại này, bài báo mang tên Ca Huế trên sông Hương được in trên báo Người Hà Nội.

Trong phần mở đầu tác phẩm tác giả đã viết một đoạn khá dài để khẳng định một điều xác đáng rằng xứ Huế vốn là cái nôi của dân ca. Tác giả đưa ra nhận định rằng "xứ Huế vốn nổi tiếng với các điệu hò, hò khi đánh cá trên sông ngòi biển cả, hò lúc cấy cày, gặt hái, trồng cây, chăn tằm..." và những câu hò ấy luôn gắn liền với hoạt động lao động sản xuất của nhân dân, hơn thế nữa nó còn đặc sắc ở việc luôn gửi gắm "một ý tình trọn vẹn". Sau đó để dẫn chứng cho nhận định của mình tác giả đã khéo léo dẫn ra các làn điệu và đặc điểm của từng làn điệu ấy một cách rất tỉ mỉ bằng phương pháp liệt kê. Ví như những điệu Chèo cạn, bài thai, điệu đưa linh thì thì mang âm hưởng buồn bã, sầu não; những điệu hò giã gạo, ru em, giã vôi, giã diệp, bài chòi, bài tiệm, vàng nung,... thì lại đem đến cho người nghe cái cảm giác, náo nức yêu thương, rất đỗi nồng hậu tình người xứ Huế; rồi còn các điệu hò lơ, hò ô, hò xay lúa, hò nện thì lại mang chút âm hưởng gần gũi với những điệu dân ca của xứ Nghệ Tĩnh ví như câu hò ví dặm thân thương. Còn các điệu lý như lý con sáo, lý hoài nam, lý hoài xuân,.. Thì lại đem đến những xúc cảm ngọt ngào, tình tứ, da diết và khắc khoải trong lòng người nghe. Các điệu Nam ví như Nam ai, nam bình, quả phụ, nam xuân, hành vân, tương tư khúc thì dễ đem đến sự sầu bi, thiểu não, thương cảm, vấn vương trong tâm hồn khi nghe đến. Lại có những điệu rất lạ như điệu Bắc với Tứ đại cảnh, người nghe chỉ đơn thuần là thưởng thức câu chữ, nó chẳng vui nhưng cũng chẳng buồn rầu như những điệu khác. Như vậy có thể tiểu kết rằng dân ca xứ Huế quả là một kho tàng vô cùng phong phú và rộng lớn, đa hình, đa vẻ, gắn liền với đời sống của nhân dân lao động. Lại truyền tải được hết những ý tình trọn vẹn như tác giả đã nói, có một sự khát khao, mong chờ, hoài vọng rất riêng, rất Huế. Và dĩ nhiên rằng để có được một nhận định cũng như những chứng cứ được liệt kê một cách tỉ mỉ như thế ấy thì có lẽ Hà Ánh Minh cũng không đơn giản là một lãng khách, chỉ ghé chân tới Huế vài lần. Mà ở đây tác giả hẳn đã có một thời gian gắn bó và dành nhiều công sức tìm hiểu thì mới có những hiểu biết sâu rộng về dân ca Huế đến vậy, điều đó chắc hẳn phải xuất phát từ tấm lòng yêu và thiết tha sâu nặng với xứ Huế mộng mơ của một người con đến từ mảnh đất thủ đô.

Không chỉ có sự hiểu biết về các làn điệu dân ca Huế, mà tác giả Hà Ánh Minh còn cất công tìm hiểu cả về những nhạc cụ thường được sử dụng để phục vụ cho loại hình nghệ thuật này. Đó bao gồm đàn nguyệt, đàn tranh đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn tam, đàn bầu, sáo và cả cặp sanh, với số lượng nhạc cụ phong phú và đa dạng như vậy ta có thể nói rằng Huế cũng lại là một cái nôi để nuôi dưỡng và duy trì các loại nhạc cụ dân tộc của ta, và cũng có lẽ trên đất nước Việt Nam không còn có nơi nào hơn Huế về điều ấy nữa.

Sự am hiểu và niềm yêu mến, gắn bó của Hà Ánh Minh đối với Huế không chỉ dừng lại ở việc nói về dân ca Huế mà nó còn nằm trong cái cách mà tác giả cảm nhận, miêu tả về việc thưởng thức loại hình văn hóa nghệ thuật này theo một cái cách rất Huế. Quả không hổ danh là mảnh đất cố đô trải dài suốt mấy trăm năm, thế nên không gian sinh hoạt văn hóa ở đây cũng mang nhiều những nét độc đáo, gây ấn tượng sâu sắc. Mà theo như lời của tác giả ấy là "Thú nghe ca Huế tao nhã, đầy sức quyến rũ". Điều ấy được thể hiện ở việc nghe ca Huế trên sông Hương, ở trên một con thuyền rồng, chỗ có lẽ khi xưa chỉ chào đón bước chân của các bậc vua chúa, chính đó đã đem đến cho tác giả một cảm giác cổ kính, trang trọng. Hơn vậy thời gian lại là buổi đêm, trên trời có ánh trăng dịu hiền, sáng tỏ, phía dưới là không gian sang trọng, tao nhã, thử hỏi có còn cái thú nào được thi vị và thanh tao hơn thế không. Tiếp đến sự tỉ mỉ của tác giả còn ở việc quan sát trang phục của các ca nhi, họ đều là người còn rất trẻ, mang đến vẻ vui tươi nét xuân sắc, sống động, mặc trang phục truyền thống, nam áo the, quần thụng, khăn xếp, nữ áo dài, khăn đóng duyên dáng, yêu kiều. Cái dáng vẻ ấy ta lại càng thấy Huế trở nên cổ kính, và ca Huế thực sự đã giữ gìn rất tốt những giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc bao đời nay. Thêm vào đó nữa ta còn thấy sự thiết tha của tác giả với ca Huế trong cách quan sát những người nghệ nhân chơi nhạc cụ một cách điệu nghệ, trau chuốt và say mê, thậm chí Hà Ánh Minh còn biết đến những khúc mở đầu đêm ca Huế như lưu thủy, kim tiền, xuân phong, thu nguyệt. Quả thực hiếm có người lữ khách nào lại có tâm đến thế, người không chỉ nghe, thưởng thức mà còn chú tâm tìm hiểu thật tường tận, rồi cho chúng ta một bài viết thật hay, thật sâu lắng đậm hương vị Huế - một vùng cố đô thơ mộng, yêu thương, thấm đẫm tinh thần dân tộc. Ca Huế ấy trong tâm hồn tác giả tựa như một "người con gái Huế nội tâm thật phong phú và âm thầm, kín đáo, sâu thẳm".

Kết lại Ca Huế trên sông Hương là một bài bút ký rất đặc sắc mang đến cho độc giả những hiểu biết sâu rộng về loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của xứ Huế - ca Huế trên sông Hương, một hình thức sinh hoạt văn hóa thanh lịch và tao nhã, một sản phẩm văn hóa phi vật thể đáng được trân trọng, bảo tồn và phát huy. Qua đó, tác phẩm cũng thể hiện tình cảm tha thiết, sâu nặng, trân quý của tác giả Hà Ánh Minh với mảnh đất cố đô, với ca Huế trên sông Hương.

------------------HẾT-------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phat-bieu-cam-nghi-bai-ca-hue-tren-song-huong-55768n.aspx
Ca Huế trên sông Hương là tác phẩm đặc sắc của tác giả Hà Ánh Minh, để học tốt văn bản, bên cạnh Phát biểu cảm nghĩ bài Ca Huế trên sông Hương, các em có thể tham khảo thêm: Soạn bài  Ca Huế trên sông Hương hay Phân tích Ca Huế trên sông Hương của Hà Ánh Minh.

Tác giả: Trần Khởi My     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Dàn ý phát biểu cảm nghĩ về dòng sông quê hương em
Đoạn văn phát biểu cảm nghĩ sau khi học văn bản Ca Huế
Phát biểu cảm nghĩ về dòng sông quê hương em
Cảm nhận vẻ đẹp sông Hương khi ở trong lòng thành phố Huế
Phát biểu cảm nghĩ về bài Sông nước Cà Mau của Đoàn Giỏi
Từ khoá liên quan:

Phat bieu cam nghi bai Ca Hue tren song Huong

, cam nghi bai Ca Hue tren song Huong,

Tin Mới