Phân tích nhân vật Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài

Ai đã từng đọc vở kịch Vũ Như Tô, hẳn không thể nào quên được trích đoạn Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài - phần cuối cùng của vở kịch. Đây là phần mà mọi xung đột lên đến cao trào và kết lại bằng cái chết người nghệ sĩ tài hoa Vũ Như Tô. Tại sao Vũ Như Tô lại chết? Bi kịch đó là gì? Hãy cũng Phân tích nhân vật Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài để hiểu rõ thêm nhé

Đề bài: Bằng những hiểu biết và cảm nhận của mình, anh/chị hãy Phân tích nhân vật Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, trích vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng.

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý
II. Bài văn mẫu

phan tich nhan vat vu nhu to trong vinh biet cuu trung dai

Bài văn Phân tích nhân vật Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài


I. Dàn ý Phân tích nhân vật Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài


1. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.
- Nhân vật chính trong vở kịch Vũ Như Tô là người nghệ sĩ tài hoa Vũ Như Tô.


2. Thân bài:

a. Giới thiệu chung:
- Vở kịch Vũ Như Tô được sáng tác năm 1941.
- Nội dung: Là vở kịch lịch sử viết về sự kiện có thật xảy ra ở kinh thành Thăng Long khoảng năm 1516-1517.

b. Phân tích nhân vật Vũ Như Tô:

* Ông là một người nghệ sĩ tài hoa, người kiến trúc sư thiên tài:
- Tài năng của ông được khen ngợi là "ngàn năm dễ có một".
- Lê Tương Dực bắt ông về kinh thành vì cho rằng không ai có thể xây dựng Cửu Trùng Đài cho hắn trừ Vũ Như Tô.
- Tài năng của ông thể hiện qua lời khen của Lê Tương Dực: "hắn là một người thợ có hoa tay tuyệt thế, chạm trổ, nạm đục, xây dựng không kém đường gì. Lại có tài đào muôn kiểu hồ, vẽ những vườn hoa lộng lẫy như Bồng lai. Hắn còn là một tay hội họa khác thường: Chỉ một vẩy bút là chim hoa đã hiện trên mảnh lụa, thần tình biến hóa như cảnh hóa công"...
- Cũng chính vì tài năng ấy mới khiến cung nữ Đan Thiềm khâm phục âm mà giúp đỡ ông.
=> Tóm lại, Vũ Như Tô là một người kiến trúc sư tài ba, là con người hiện thân cho cái đẹp và sự sáng tạo cái đẹp.

* Ông là một người nghệ sĩ có nhân cách lớn, hoài bão, lý tưởng nghệ thuật lớn:
- Bị bắt về kinh thành, bị đe dọa thế nhưng Vũ Như Tô nhất định không chịu xây dựng Cửu Trùng Đài cho vua " tôi thề là đành chết chứ không chịu làm gì."
- Ông cho rằng nếu xây dựng Cửu Trùng Đài là xây dựng cho một tên bạo chúa sẽ làm nhục cái tiếng tăm của ông, khiến ông cả nghìn năm bị người đời soi xét "Xây Cửu trùng đài cho một tên bạo chúa, một tên thoán nghịch, cho một lũ gái dâm ô? Tôi không thể đem tài ra làm một việc ô uế, muôn năm làm bia miệng cho người đời được".
- Sau này, khi được nhà vua ban thưởng, ông cũng đem nó chia hết cho thợ thuyền
=> Có thể nói, Vũ Như Tô là một con người với nhân cách lớn, giàu tình yêu thương.

* Ông còn là người có hoài bão và lý tưởng lớn:
- Ông muốn xây dựng những công trình "bền như trăng sao", "tranh tinh xảo với hóa công"để "tô điểm cho đất nước".
- Ông xây dựng Cửu Trùng Đài vì muốn "xây cho nòi giống một tòa đài hoa kệ, thách cả công trình sau trước".
=> Lý tưởng nghệ thuật của ông vô cùng to lớn, vô cùng vĩ đại, đều hướng tới đất nước, nhân dân.

* Thế nhưng ông lại mắc phải bi kịch giữa nghệ thuật và cuộc sống:
- Nghệ thuật phải luôn đi liền với thực tế, phục vụ nhân dân nhưng lý tưởng của Vũ Như Tô lại vượt trên cuộc sống của nhân dân, vì lý tưởng của ông mà nhiều người phải bỏ mạng, bị bóc lột, tróc nã, ...
- Vũ Như Tô mải mê theo đuổi lý tưởng mà quên đi rằng vì xây dựng Cửu Trùng Đài mà " mấy nghìn người chết vì Cửu trùng đài, mẹ mất con, vợ mất chồng". Ông ở trên lý tưởng, trên nghệ thuật nên không thể thấy.
=> Lý tưởng của Vũ Như Tô đã thoát ly khỏi thực tế cuộc sống, xa rời nhân dân => gây nên bi kịch giữa nghệ thuật và cuộc sống.
- Đến khi bị bắt trói, bị dẫn ra pháp trường, Vũ Như Tô vẫn băn khoăn không hiểu lý tưởng của ông có gì sai "ta tội gì?", ông vẫn không hiểu được tại sao xây Cửu Trùng Đài lại khiến cho người dân oán thán như vậy. Ông còn cho rằng "Đời ta không quý bằng Cửu Trùng Đài".
- Đến khi Cửu Trùng Đài bị đốt phá, ông mới hiểu rằng: nghệ thuật phải vị nhân sinh mới là nghệ thuật chân chính (liên hệ Hộ - Đời thừa, Nam Cao).

* Kết luận chung:
- Vũ Như Tô là một con người không chỉ tài hoa mà còn có nhân cách, hoài bão, lý tưởng lớn. Nhưng nghệ thuật và lý tưởng của ông lại rời xa thực tế, rời xa cuộc sống của nhân dân nên đã gây ra bi kịch giữa nghệ thuật và cuộc sống, bi kịch cuộc đời ông.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Huy Tưởng hết sức độc đáo, ông đã xây dựng được những cao trào nghẹt thở, nội tâm nhân vật được xây dựng hết sức phức tạp, sâu sắc.
- Ngôn từ giản dị, chân thành, dễ hiểu.


3. Kết bài
- Khẳng định lại vấn đề
- Nghệ thuật vị nhân sinh mới là nghệ thuật chân chính.


II. Bài văn mẫu Phân tích nhân vật Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài

Lịch sử đi qua để lại những câu chuyện khiến người đời sau phải suy ngẫm, phải tìm hiểu. Dựa trên một câu chuyện có thật ở dưới triều đại vua Lê Tương Dực, Nguyễn Huy Tưởng đã dùng tài năng của mình để sáng tạo ra một câu chuyện, một vở kịch mang tên Vũ Như Tô. Tác phẩm miêu tả sự xung đột kịch tính giữa giai cấp cầm quyền với lợi ích của nhân dân, giữa nghệ thuật chân chính với đời sống thực tế. Những điều đó được thể hiện thật rõ qua nhân vật chính của tác phẩm - người kiến trúc sư tài ba Vũ Như Tô.

Vở kịch Vũ Như Tô được Nguyễn Huy Tưởng sáng tác năm 1941, và đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài được trích từ hồi thứ năm của vở kịch trên. Vũ Như Tô là vở bi kịch lịch sử viết về sự kiện xảy ra dưới thời vua Lê Tương Dực ở kinh thành Thăng Long, khoảng năm 1516 - 1517. Khi đó, Vũ Như Tô là một kiến trúc sư tài ba của đất nước, bị vua Lê Tương Dực bắt xây dựng Cửu Trùng Đài - một lâu đài hoa lệ chín tầng để làm nơi ăn chơi lạc thú với đám cung nữ của hắn. Thế nhưng, Vũ Như Tô - một người nghệ sĩ chân chính, gắn bó với người dân nghèo quyết tâm khước từ lời đề nghị của tên hôn quân ấy. Cho đến khi Đan Thiềm - một cung nữ trong cung, vì mến mộ tài hoa của Vũ Như Tô nên đã khuyên nhủ ông dùng hết tài năng của mình, lợi dụng tiền bạc và quyền lực của Lê Tương Dực để xây dựng một Cửu Trùng Đài hoa lệ "bền như trăng sao", "tranh tinh xảo với hoá công", "để dân ta nghìn thu còn hãnh diện", và cũng là để phô diễn hết tài năng của ông. Vũ Như Tô nghe lời Đan Thiềm, chấp nhận lời đề nghị của vua, từ đó, ông dồn hết tâm trí vào việc xây dựng Cửu Trùng Đài, Thế nhưng, chính vì vậy mà ông đã vô tình gây nên những thảm cành như sưu thuế, bóc lột, tróc nã thợ giỏi, những người chết vì tai nạn, người bị giết vì bỏ trốn, ... Và giờ đây, mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị bóc lột lên tới đỉnh điểm, mâu thuẫn giữa Vũ Như Tô và những người thợ của ông cũng vào hồi gay cấn. Chính trong thời điểm ấy, quận công Trịnh Duy Sản đã cầm đầu phe phản loạn dấy binh làm phản, giết vua, lôi kéo những người thợ thuyền, giết chết Đan Thiềm, Vũ Như Tô và đốt bỏ Cửu Trùng Đài - tâm huyết của Vũ Như Tô.

Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài là hồi cuối của vở kịch, khi mà Trịnh Duy Sản đã làm phản, giết vua, sai người truy bắt Đan Thiềm và Vũ Như Tô. Đoạn trích không chỉ làm nổi bật lên bi kịch của người nghệ sĩ tài ba - Vũ Như Tô khi mắc vào bi kịch giữa cuộc sống và nghệ thuật mà còn thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa hai lĩnh vực đó. Ở Vũ Như Tô, người ta thấy được sự tài hoa trong con người ông, thấy được nhân cách, lý tưởng trong nghề nghiệp, thế nhưng ta cũng thấy được cái bi kịch đau đớn giữa nghệ thuật và cuộc sống mà ông mắc phải.

Trước hết, khi tìm hiểu về Vũ Như Tô, người ta thấy ở ông là một bậc nghệ sĩ tài hoa xuất chúng vô cùng. Điều đó được thể hiện qua những lời khen của Lê Tương Dực với ông "hắn là một người thợ có hoa tay tuyệt thế, chạm trổ, nạm đục, xây dựng không kém đường gì. Lại có tài đào muôn kiểu hồ, vẽ những vườn hoa lộng lẫy như Bồng lai" hay "Hắn còn là một tay hội họa khác thường: Chỉ một vẩy bút là chim hoa đã hiện trên mảnh lụa, thần tình biến hóa như cảnh hóa công". Những lời khen có cánh ấy dành cho Vũ Như Tô chẳng phải không dưng mà có nếu như ông không có tài năng, chỉ là một kẻ tầm thường. Một kiến trúc sư phải sống nơi quê nhà, không dám phô trương tài năng vì sợ vua tróc nã mà lại có tiếng tăm đến cả tai vua, khiến một tên hôn quân như Lê Tương Dực cũng phải mở lời khen thì tài hoa của ông phải là xuất chúng "ngàn năm dễ có một".

Tài năng của Vũ Như Tô hầu hết được thể hiện qua lời nói của Lê Tương Dực, và cũng chính Lê Tương Dực nói rằng: "Cửu Trùng Đài tới nay không ai dựng nổi, rồi đây Vũ sẽ xây nhanh chóng như đài nhất dạ, huy hoàng tráng lệ như đài Cô Tô", rằng chỉ có Vũ Như Tô mới có thể xây dựng được cái cung điện nguy nga ấy. Và đó cũng là lý do khiến ông bị bắt về kinh thành khi đang ở ẩn tại quê hương.

Đến khi bị điệu vào cung cấm, cũng chính vì tài năng ấy mà ông mới được Đan Thiềm mến mộ. Và Đan Thiềm cũng là người duy nhất giúp đỡ ông trong cái cung điện lạnh lẽo và thiếu tình người ấy.

Có thể nói, Vũ Như Tô là một người nghệ sĩ tài hoa, là một kiến trúc sư hết mực xuất chúng, được mọi người công nhận. Ông hiện thân cho cái đẹp, cho sự say mê và sáng tạo cái đẹp.

Không chỉ có tài hoa, ông còn là một người nghệ sĩ với nhân cách lớn, hoài bão lớn, lý tưởng nghệ thuật lớn.

Khi đọc Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, người ta mới thấy thấm thía được cái nhân cách của Vũ Như Tô. Đó là khi ông cương quyết từ chối xây Cửu Trùng Đài cho tên "vua lợn" Lê Tương Dực vì cho rằng đó chỉ là chốn ăn chơi sa đọa cho hắn chứ chẳng giúp ích gì được cho nhân dân. Dù rằng Lê Tương Dực mang cái chết ra để ép ông, ông cũng một mực từ chối, không muốn giúp sức cho một kẻ làm hại nhân dân "tôi thề là đành chết chứ không chịu làm gì". Ông còn cho rằng xây dựng lên một lâu đài tráng lệ cho một tên hôn quân hại nước "một tên bạo chúa, một tên thoán nghịch, cho một lũ gái dâm ô". Và nếu xây dựng cho hắn công trình ấy, ông sẽ là người có tiếng xấu muôn thuở, là một kẻ sĩ đã chịu trói dưới tay cường quyền "Tôi không thể đem tài ra làm một việc ô uế, muôn năm làm bia miệng cho người đời được", mà điều đó thì không phải là tôn chỉ hành động của người nghệ sĩ chân chính như ông.

Những điều kể trên đã cho thấy một Vũ Như Tô - một người nghệ sĩ lớn với nhân cách lớn. Tuy tài hoa là vậy, nhưng ông thà chịu chết, thà làm một kẻ nghèo hèn chứ nhất quyết không chịu đem mình, đem tài hoa trời phú để phục tùng cho một kẻ bạo ngược, dâm ô như Lê Tương Dực được. Ngoài ra, nếu đọc thêm về tác phẩm, ta còn thấy được rằng khi được Lê Tương Dực ban thưởng, ông đã đem hết những của cải đó mà chia cho thợ thuyền, điều đó cũng bộc lộ được một phần nhân cách lớn trong con người ông.

Hơn thế, là một người nghệ sĩ, lại là người nghệ sĩ tài hoa, ông không thể không có những hoài bão cho riêng mình. Hoài bão của người kiến trúc sư xuất chúng ấy là xây lên được một công trình mà khiến cho "dân ta nghìn thu còn hãnh diện". Có thể thấy rằng, hoài bão của ông vô cùng lớn lao, vô cùng cao đẹp, ông mong muốn dùng tài năng của mình để phục vụ nhân dân, cho lợi ích của đất nước, để lưu danh một đất nước với kiến trúc vượt bậc chứ không phải lưu danh tên tuổi của ông. Ông muốn xây dựng những "lâu đài tráng quan, điểm xuyết cho đất nước", hay những công trình "bền như trăng sao". Ôi, ước mơ của Vũ Như Tô thật quá đỗi to lớn và cao quý, đúng như nhân cách con người ông vậy!

Tài năng là thế, nhân cách cao đẹp là thế, lý tưởng nghệ thuật đẹp đẽ là thế nhưng ông vẫn như những người nghệ sĩ khác, đó là mắc vào cái bi kịch giữa nghệ thuật và cuộc sống. Đó là nguyên nhân dẫn đến bi kịch của cuộc đời và cái chết của Vũ Như Tô.

Như Bác Hồ luôn luôn dặn dò những người nghệ sĩ rằng "viết để phục vụ nhân dân", "viết để nhân dân hiểu", tức là nghệ thuật phải gắn liền với cuộc sống, phải phục vụ được đời sống cho nhân dân. Thế nhưng, khi đất nước ta còn nghèo, dân ta còn đói khổ thì những công trình to lớn, mang tầm vóc như lý tưởng của Vũ Như Tô liệu chăng có phù hợp với hoàn cảnh bất ngờ? Không, không bao giờ là phù hợp! Thế nhưng, Vũ Như Tô lại không hiểu được điều đó, và nó đã dẫn tới cái bi kịch cuối cùng là Cửu Trùng Đài - tâm huyết của Vũ Như Tô bị đốt bỏ, còn ông thì bị giết chết.

Khát khao mang cái đẹp lại cho đời của ông chưa bao giờ là sai trái, ông nghe lời Đan Thiềm, muốn lợi dụng Lê Tương Dực để xây dựng lên một công trình "tranh tinh xảo với hóa công". Ấy thế nhưng cái mong muốn của ông lại đổi bằng tính mạng của những người thợ thuyền, sức lao động của những con dân trong xã hội, ... Vì lý tưởng của ông mà dân chúng đói khổ càng đói khổ hơn, triều đình tróc nã những thợ giỏi rồi thẳng tay chém giết những người bỏ trốn, ... Điều đó thật quá ư tàn nhẫn, lý tưởng của Vũ Như Tô đã giẫm lên xương máu của nhân dân rồi. Ông mải mê sống với lý tưởng của mình mà quên đi rằng nghệ thuật chỉ đẹp khi gắn liền với cuộc sống, để phục vụ nhân dân. Một lâu đài nguy nga tráng lệ "bền như trăng sao", "tranh tinh xảo với hóa công" để làm gì khi dân còn nghèo, còn khổ? Xa rời cuộc sống, xa rời nhân dân chính là lý do làm nên bi kịch của người nghệ sĩ tài hoa Vũ Như Tô.

Đến khi bị dẫn ra pháp trường, bị quân phản loạn bắt trói, Vũ Như Tô vẫn khăng khăng cho rằng lý tưởng của mình không hề sai, "ta tội gì?", ông đã kêu lên như thế! Ông vẫn cho rằng dùng hết tài hoa của mình để "tô điểm cho đất nước" thì điều đó có gì là sai trái chứ, ông hết lời phân trần "dẫn ta ra mắt An Hòa Hầu, để ta phân trần, để ta giảng giải, cho người đời biết rõ nguyện vọng của ta. Ta tội gì. Không, ta chỉ có một hoài bão là tô điểm đất nước, đem hết tài ra xây cho nòi giống một tòa đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước...". Thế nhưng, ông càng nói càng khiến những quân sĩ cười ầm, khinh bỉ "câm ngay đi. Quân điên rồ, câm ngay...Mày không biết mấy nghìn người chết vì Cửu Trùng Đài, mẹ mất con, vợ mất chồng vì mày đó ư? Người ta oán mày hơn oán quỷ". Thế nhưng, ông vẫn không hiểu, dù bị họ sỉ vả, làm nhục nhưng Vũ Như Tô vẫn cho rằng mộng lớn của ông, Cửu Trùng Đài ông xây chưa bao giờ là một sai lầm. Cuộc đời của ông còn không sánh bằng tòa lâu đài đẹp đẽ ấy "Đời ta không quý bằng Cửu Trùng Đài". Cho đến khi có tiếng reo hò vui vẻ "Cửu trùng Đài đã cháy", ông mới chợt vỡ ra, nhận ra rằng cái mộng lớn kia đã tan tành, lý tưởng sụp đổ "Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!".

Có thể thấy rằng kết cục của Vũ Như Tô dường như đã được định sẵn, là tất yếu và Cửu Trùng Đài cũng vậy. Bởi tuy Cửu Trùng Đài kia là cái đẹp nhưng lại xây trên xương máu, trên sự bóc lột nhân dân còn Vũ Như Tô lại là người đứng trên cái đẹp đó mà nhìn xuống nhân dân, chứ không hề đứng ở lập trường của quần chúng mà nhìn về nghệ thuật. Cái đẹp xa rời quần chúng thì cái đẹp ấy vĩnh viễn không thể tồn tại được. Từ đầu tới cuối, Vũ Như Tô luôn băn khoăn, luôn không hiểu "tôi làm gì nên tội?" nhưng trước khi chết ông lại hỏi "ta tội gì?", phải chăng ông đã thức tỉnh, nhưng thức tỉnh mà vẫn còn băn khoăn. Bởi đốt phá Cửu Trùng Đài xây trên xương máu của nhân dân là đúng, nhưng đốt Cửu Trùng Đài là công trình tô điểm cho đất nước thì có đúng hay chăng? Đến cuối cùng, qua bi kịch, Vũ Như Tô nhận ra rằng nghệ thuật phải vị nhân sinh mới là nghệ thuật, giống như nhân vật Hộ trong Đời thừa của Nam Cao, cũng nhận ra điều ấy mãi về sau này.

Qua tác phẩm, ta thấy được tài năng của Nguyễn Huy Tưởng khi biến một sự kiện có thật thành một câu chuyện khiến người đọc phải trầm ngâm, suy tưởng về ý nghĩa của nó. Với giọng điệu giản dị, ngôn từ giàu sức biểu cảm, ông đã tạo nên một vở kịch ghi lại được những bi kịch của người nghệ sĩ tài hoa khi sống trong lý tưởng mà xa rời cuộc sống thực tế. Đồng thời, như một nhà văn lão luyện, ông đã làm dậy lên cái tâm trạng phức tạp của những người nghệ sĩ khi rơi vào bi kịch cuộc đời.

Vũ Như Tô - một nhân vật giả tưởng thế nhưng lại đem cho chúng ta thật nhiều những suy nghĩ không chỉ về nghệ thuật mà còn trong cả cuộc sống. Là một người nghệ sĩ chân chính thì phải đem tài hoa của mình phục vụ nhân dân, đó mới là lý tưởng xứng đáng với người nghệ sĩ. Qua Vũ Như Tô, người đọc càng khâm phục tài năng viết chính kịch của Nguyễn Huy Tưởng đồng thời là lý tưởng của người nghệ sĩ như ông.

------------------HẾT---------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-nhan-vat-vu-nhu-to-trong-vinh-biet-cuu-trung-dai-59796n.aspx
 Khép lại tác phẩm mà người đọc vẫn còn chưa hết băn khoăn, giống như Vũ Như Tô, rằng liệu Cửu Trùng Đài có đáng bị đốt bỏ? Người nói có, người nói không. Vậy hãy cùng đọc thêm các bài viết: Phân tích tấn bi kịch Vũ Như Tô trong Vĩnh Biệt Cửu Trùng Đài, Phân tích tâm trạng và diễn biến tính cách của Vũ Như Tô và Đan Thiềm trong hồi 5 của vở kịch Vũ Như Tô, Trình bày những xung đột trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, So sánh cách nhìn nghệ thuật của hai nhân vật Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa và Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài.

Tác giả: Thuỳ Chi     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích Vĩnh biệt cửu trùng đài của Nguyễn Huy Tưởng
Phân tích những mâu thuẫn trong Vĩnh Biệt Cửu Trùng Đài và bày tỏ ý kiến về cách thức giải quyết mâu thuẫn
Sơ đồ tư duy Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài
Soạn bài Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, Nguyễn Huy Tưởng
Tóm tắt nội dung vở kịch Vũ Như Tô
Từ khoá liên quan:

phan tich nhan vat vu nhu to trong vinh biet cuu trung dai

, phan tich hinh tuong nhan vat vu nhu to, phan tich bi kich cua vu nhu to trong vinh biet cuu trung dai,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới

  • Phân tích Tràng giang của nhà thơ Huy Cận

    Với bài phân tích Tràng giang trong chương trình Ngữ văn lớp 11, các em cần nếu được vẻ đẹp của bức tranh sông nước buồn vắng, mênh mông và cả những suy tư, tâm sự của tác giả muốn gửi gắm. Khi đáp ứng được, bài văn của các em sẽ đầy đủ ý, đạt được điểm cao.

  • Cảm nhận bài thơ Từ ấy của Tố Hữu hay nhất, ngắn gọn

    Bài thơ “Từ ấy” là một tác phẩm vô cùng nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, thể hiện được niềm hân hoan và xúc động khi bắt gặp lí tưởng cách mạng. Cảm nhận bài thơ Từ ấy bao gồm dàn bài chi tiết và bài văn dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về lí tưởng cách mạng cùng tiếng thơ trữ tình – chính trị của nhà thơ. Từ đó, các em sẽ dễ dàng viết được bài văn cảm nhận này.

  • Phân tích Chí Phèo của Nam Cao

    Chí Phèo là truyện ngắn xuất sắc và nổi bật nhất của nhà văn Nam Cao khi viết về chủ đề người nông dân trong xã hội thời xưa. Bài văn mẫu Phân tích Chí Phèo dưới đây sẽ giúp các em thấy được sự cùng cực, khốn khổ của người nông dân xưa dưới sự áp bức của giai cấp thống trị qua cuộc đời và số phận của nhân vật Chí Phèo.

  • Phân tích khổ 2 Tây Tiến của Quang Dũng hay, ngắn gọn tuyển chọn

    “Tây Tiến” là một trong những tác phẩm nổi bật của văn học thời chống Pháp. Hãy cùng tìm hiểu thêm về bài thơ vô cùng ý nghĩa này qua bài phân tích khổ 2 Tây Tiến của Quang Dũng, Ngữ văn 12, học kì I do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn dưới đây nhé!