Phân tích nhân vật Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ

Hai đứa trẻ là một tác phẩm văn học trữ tình, nhẹ nhàng tiêu biểu của Thạch Lam. Nhân vật Liên trong tác phẩm là một cô gái mới lớn với tâm hồn ngây thơ, nhạy cảm. Bài văn Phân tích nhân vật Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ sẽ cùng các em tìm hiểu về thế giới tâm hồn cùng những khát vọng sống của Liên được bộc lộ qua khoảnh khắc đợi tàu.

Đề bài: Phân tích nhân vật Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ

Mục lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

phan tich nhan vat lien trong truyen ngan hai dua tre

Phân tích nhân vật Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ


I. Dàn ý Phân tích nhân vật Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ (Chuẩn)

1. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả Thạch Lam và tác phẩm Hai đứa trẻ
- Liên là nhân vật điển hình của tác phẩm.

2. Thân bài:

a. Khái quát:
- "Hai đứa trẻ" in trong tập Nắng trong vườn
- Là câu chuyện xoay quanh cuộc sống của chị em Liên và những mảnh đời bất hạnh nơi phố huyện nghèo.

b. Nhân vật Liên: từ cảnh ngày tàn cho tới lúc đoàn tàu qua:

- Liên là một người con gái nhạy cảm, ngây thơ và rất trong sáng:
+ Chứng kiến khung cảnh ngày tàn, lòng cô chợt "buồn man mác".
+ Bóng tối dần buông và nỗi buồn "thấm thía" vào "tâm hồn ngây thơ" của Liên.
→ Nỗi buồn của một cô gái mới lớn với tâm hồn nhạy cảm, trong sáng. Đó cũng là nỗi buồn của chính tác giả trước xã hội đương thời.

- Liên là một con người giàu lòng trắc ẩn, cô xót thương những mảnh đời bất hạnh nơi phố huyện nghèo:
+ Liên thương cảm cho những đứa trẻ trong phố huyện, thế nhưng "chính chị cũng không có gì để cho chúng".
+ Thương cho cuộc sống vất vả ngày đi "mò cua bắt tép", tối mở quán hàng nước của chị Tí; thương cho cuộc sống cơ cực của bác Siêu, cụ Thi điên,...
→ Liên cảm thương, thấu hiểu, xót xa cho số phận của họ, đây cũng là tâm tư mà Thạch Lam muốn gửi gắm.

- Liên cũng có những mơ ước, khát vọng về một cuộc sống tươi mới, hạnh phúc:
+ Cô khắc khoải, mong chờ tàu đến dù "buồn ngủ ríu cả mắt".
+ Đoàn tàu mang thứ ánh sáng rực rỡ "khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tý và ánh lửa của bác Siêu", nó "lấp lánh, với các cửa kính sáng".
+ Đoàn tàu là một thế giới khác biệt so với sự ảm đạm của nơi phố huyện nghèo, hồi sinh phố huyện này.
+ Đoàn tàu cũng là miền kí ức tươi đẹp của Liên, về tuổi thơ tươi đẹp.
+ Khi đoàn tàu rời đi: Liên tiếc nuối còn phố huyện lại trở về tĩnh lặng với "tiếng trống cầm canh và tiếng chó cắn".
+ Tâm trạng của Liên trở lại một nỗi buồn man mác.
→ Sự trân trọng của nhà văn dành cho những khát vọng, mơ ước của những con người nơi đây.

c. Nghệ thuật:
- Giọng văn trữ tình, ngôn từ gần gũi, giản dị
- Xây dựng thành công hình tượng nhân vật Liên: một cô gái mới lớn, nhạy cảm, trong sáng nhưng cũng rất tinh tế.
- Qua nhân vật Liên, Thạch Lam gửi gắm những tâm tư của mình đối với những kiếp người bất hạnh.

3. Kết bài:

- Liên có lẽ là nhân vật duy nhất trong Hai đứa trẻ ý thức được cuộc sống tù túng, tẻ nhạt, đơn điệu của mình.
- Xót thương cho những thân phận nghèo nơi phố huyện cũng là xót thương cho chính bản thân mình.


II. Bài văn mẫu Phân tích nhân vật Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ (Chuẩn)

Thạch Lam là một nhà văn có biệt tài về viết truyện ngắn. Các tác phẩm của ông thường tập trung khai thác nội tâm nhân vật cùng với những cảm xúc mơ hồ, trong sáng, mong manh. Truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của ông. Nhân vật Liên là nhân vật điển hình của tác phẩm, được coi như là "hoá thân" của chính Thạch Lam để thể hiện góc nhìn cũng như cảm nhận, cảm xúc của mình.

Truyện ngắn Hai đứa trẻ được in trong tập Nắng trong vườn, là một câu chuyện với cốt truyện đơn giản. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của hai chị em Liên và An trong một phố huyện nghèo cùng với những mảnh đời đời cơ cực nơi đây. Hai đứa trẻ không chỉ thể hiện cuộc sống của những người dân nghèo dưới thời Pháp thuộc mà còn thể hiện sự xót thương của Thạch Lam dành cho những con người sống trong nghèo khổ, quẩn quanh, vô nghĩa cũng như trân trọng ước mơ hạnh phúc của họ.

Nhân vật Liên trong Hai đứa trẻ là một cô gái mới lớn, có lẽ vì vậy mà tâm hồn Liên rất nhạy cảm và mong manh. Điều đó thể hiện thật rõ khi phố huyện nghèo nơi Liên sống bước vào buổi hoàng hôn, khi cô đắm mình trong cái khoảnh khắc của ngày tàn ấy, Liên chợt cảm thấy "lòng buồn man mác". Khung cảnh buổi chiều quê hiện lên đẹp lộng lẫy với "phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn" cùng với đó là âm thanh của "tiếng trống thu không" và "văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào". Khung cảnh hoàng hôn đẹp là thế nhưng nó lại chứa đựng một nỗi buồn, một sự tĩnh lặng đến cô quạnh. Ngồi trong cái quán tạp hoá nhỏ xíu của mình, để "bóng tối ngập dần", Liên chợt nhận ra nỗi buồn đó dường như đang "thấm thía vào tâm hồn ngây thơ" của Liên. Đó là nỗi buồn của một cô gái mới lớn với tâm hồn nhạy cảm, trong sáng nhưng cũng rất đỗi tinh tế và dịu dàng. Đó cũng là nỗi buồn của chính Thạch Lam khi chứng kiến xã hội đương thời đang ngưng đọng đến tàn tạ.

Khi bóng tối bao trùm và phố huyện đã thấp thoáng những ánh đèn, Liên nhìn ra khu chợ. Một khu chợ nghèo giữa một phố huyện nghèo. Phiên chợ ấy đã "vãn từ lâu, người về hết và tiếng ồn ào cũng mất" và "Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi". Liên lặng người cảm nhận cái hương vị "quen thuộc" ấy mà cảm tưởng như đó là "mùi riêng của đất, của quê hương này". Thế nhưng, phiên chợ quê kết thúc cũng là lúc những mảnh đời bất hạnh, những đứa trẻ nghèo xuất hiện. Trên nền cảnh của chợ tàn, "mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre, hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại". Chúng là minh chứng của những kiếp đời phải sống lụi tàn, sống trên một đống rác rưởi và phải gieo hi vọng vào đống rác ấy, cái chợ tàn ấy. Liên "động lòng thương" cảm thương cho số phận của chúng thế nhưng cùng đành bất lực bởi "chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó". Niềm thương cảm của Liên dành cho những đứa trẻ cũng là niềm cảm thương của Thạch Lam dành cho những người lao động nghèo. Và niềm cảm thương ấy càng rõ rệt hơn thông qua hình ảnh của chị Tý, của bác Siêu, bác Xẩm, hay chính của gia đình An, Liên.

Về chị Tý, chị là điển hình của một người nông dân nghèo trong cái phố huyện này. Ban ngày, chị "đi mò cua bắt tép", đến đêm thì "dọn cái hàng nước này dưới gốc cây bàng, bên cạnh cái mốc gạch". Tiếng thở dài ngao ngán của chị "ối chao, sớm với muộn mà có ăn thua gì" là tiếng thở dài của cảnh đời bế tắc, quẩn quanh, đơn điệu, không thể thoát ra, một cuộc đời vô nghĩa.

Một cảnh đời nữa là bác Siêu với gánh phở rong. Ở giữa phố huyện này, gánh phở ấy là "thứ quà xa xỉ, nhiều tiền" mà ít ai có thể mua được. Vậy nên, gánh phở của bác Siêu luôn ế hàng. Dù rằng bác luôn chăm chỉ, chiều nào cũng luôn nhóm bếp bán hàng, đến đêm lại gánh trở về làng. Có lẽ khi nhóm cái bếp lửa bé tí ấy, bác đang nhóm lên hi vọng về cuộc sống, hi vọng về thứ ánh sáng chiếu rọi lên cuộc đời quẩn quanh, vô nghĩa của mình.

Gia đình bác Xẩm là những người lang thang, tha phương cầu thực, lấy gầm cầu, vỉa hè làm nhà. Tài sản của gia đình họ chỉ là manh chiếu rách, chiếc đàn và cái thau sắt trắng. Còn bà cụ Thi điên, bà là biểu tượng cho một kiếp đời tàn. Hay chính gia đình của Liên và An, họ cũng là một cảnh đời tàn tạ ở cái phố huyện nghèo này. Thầy Liên mất việc, mẹ Liên làm hàng xáo, chị em Liên thì trông cái quán tạp hoá nhỏ xíu này. Cuộc sống của chị em họ chỉ quẩn quanh với việc dọn hàng ra vào buổi sáng và khuya thì dọn hàng vào. Những niềm vui con trẻ của hai chị em cũng bị cuộc sống tù túng ấy tước đoạt.

Toàn bộ những cảnh đời của phố huyện hiện ra qua con mắt của Liên. Những kiếp người hiện lên trong sự nghèo đói, mòn mỏi, đơn điệu và quẩn quanh không lối thoát. Và Liên - một cô gái mới lớn với tâm hồn nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn đã dành sự đồng cảm, cảm thương xót xa dành cho những số phận nghèo khổ đó. Cô thấu hiểu từng mảnh đời cơ cực ở nơi phố huyện này, trân trọng họ. Và đó cũng là tâm tư mà Thạch Lam muốn gửi gắm thông qua cái nhìn của nhân vật Liên.

Đoàn tàu đêm xuất hiện nơi phố huyện nghèo như một thứ ánh sáng rực rỡ cuối cùng của một ngày. Chị em Liên An cũng như tất cả những người dân ở đây đều đón chờ đoàn tàu ấy trong niềm mong mỏi, chờ đợi. Bởi dường như đoàn tàu ấy chứa đựng những hi vọng, ánh sáng về một cuộc sống mới dành cho Liên, cho những kiếp người nơi đây!

Trước khi tàu đến, Liên sống trong sự khắc khoải, mong chờ, nhất quyết không đi ngủ dù đã "buồn ngủ ríu cả mắt". Không phải để bán hàng như lời mẹ dặn mà vì đoàn tàu là "sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya" hay còn vì cô đang mong chờ một điều gì khác thêm nữa? Khi bác Siêu thông báo "Đèn ghi đã ra kia rồi!" thì đó là lúc Liên căng toả mọi giác quan của mình để mà đón nhận tín hiệu ấy. Từ khi đoàn tàu chỉ là một "ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi" với tiếng còi như xa xôi vọng lại. Liên gọi An trong niềm háo hức, cuống quýt bởi đoàn tàu mang một thứ ánh sáng rực rỡ mà cái phố huyện nghèo này không bao giờ có được. Dường như đối với Liên, đoàn tàu là một thứ quý giá không thể để vụt mất.

Đến khi tàu đến, dường như tất cả mọi giác quan của Liên đều tập trung về phía đoàn tàu ấy. Từ "tiếng rít vào ghi" đến "Một làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa, tiếp đến tiếng hành khách ồn ào khe khẽ", tất cả đều được thu vào tầm mắt của Liên, vào tai nghe của Liên. Tiếng tàu rầm rộ cùng tiếng của hành khách như làm sống dậy của một phố huyện ảm đạm. Và Liên cùng những con người ở nơi đây đều chờ đợi sự "hồi sinh" mà đoàn tàu mang lại.

Đoàn tàu đối với Liên còn là một thứ kí ức xa vời, về một Hà Nội náo nhiệt "xa xăm" và "huyên náo". Đó là "một thế giới khác hẳn" đối với Liên, những điều tốt đẹp nhất, những kí ức vui vẻ nhất. Chuyến tàu ấy mang thứ ánh sáng rực rỡ, như một giấc mơ về một cuộc đời khác, tươi sáng hơn dành cho Liên cũng như những con người nơi đây. Có lẽ đó là lý do khiến Liên bao giờ cũng phải đợi chuyến tàu ấy vụt qua, ngắm nhìn thứ ánh sáng "sáng trưng, chiếu xuống cả mặt đường", với những "đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng". Thứ ánh sáng mà "khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu".

Thế nhưng khi đoàn tàu rời đi và "đêm tối" lại "bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng." thì niềm vui của Liên bỗng chốc vụt tắt. Sự nuối tiếc của Liên hiện rõ khi cô còn "nhìn theo cái chấm đỏ của chiếc đèn xanh trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre". Tâm trạng của Liên lại trở lại với nỗi buồn man mác và phố huyện, lại trở lại với sự tẻ nhạt, vắng lặng với "tiếng trống cầm canh và tiếng chó cắn". Cuộc sống khi đoàn tàu qua chỉ vụt sáng trong phút chốc, giờ đây lại trở lại trong tăm tối và cô quạnh. Còn Liên, cô lại bồi hồi cảm tưởng như "sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ". Cuộc sống của Liên vẫn cứ tẻ nhạt, buồn bã như thế, như chính cái phố huyện nghèo này!

Cảnh đợi chờ tàu của Liên là tâm trạng háo hức, nhưng khi nó đi qua, nó đã để lại trong lòng cô những tiếc nuối không nguôi. Bởi lẽ với Liên, đoàn tàu mang những gì tươi đẹp nhất, mang lại thứ ánh sáng rực rỡ của nơi phố thị mà cái phố huyện này không bao giờ có được. Mong chờ đoàn tàu, mong những âm thanh, ánh sáng mà nó mang tới, phải chăng Liên đang mong ước về một cuộc sống khác, tươi mới hơn, náo nhiệt hơn chứ không phải thê lương, buồn bã như bây giờ? Thông qua Liên, Thạch Lam muốn gửi gắm niềm trân trọng của mình dành cho những kiếp người nơi phố huyện này! Ông trân trọng những hi vọng, ước mơ của họ về một thế giới mới đẹp đẽ hơn, hạnh phúc hơn!

Nhà văn Thạch Lam đã xây dựng thành công hình tượng của nhân vật Liên - một cô gái mới lớn với một tâm hồn nhạy cảm, trong sáng nhưng cũng rất tinh tế. Ông cũng miêu tả rất thành công những chuyển biến trong tâm trạng của Liên, đặc biệt là khi cô chờ đợi chuyến tàu đêm của phố huyện. Phong cách viết trữ tình cùng thủ pháp nghệ thuật tương phản khi miêu tả tâm trạng nhân vật đã giúp Thạch Lam xây dựng lên một nhân vật Liên hết sức thành công. Qua Liên, ông còn gửi gắm những tâm tư của mình dành cho những kiếp người tàn tạ nơi phố huyện ấy cũng là xã hội đương thời Việt Nam dưới chế độ Pháp thuộc.

Liên có lẽ là nhân vật duy nhất trong Hai đứa trẻ ý thức được cuộc sống tù đọng của mình. Cô xót thương cho số phận của những cảnh đời nghèo khổ ở phố huyện cũng là xót thương cho chính bản thân, gia đình mình. Thông qua việc ngắm nhìn đoàn tàu, cô hi vọng về một thế giới khác, tươi sáng và rực rỡ hơn. Đó cũng là cảm xúc của tác giả Thạch Lam khi viết lên tác phẩm này, xót thương những kiếp người bé nhỏ, trân trọng những ước mơ, khát vọng về cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc hơn.

----------------HẾT----------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-nhan-vat-lien-trong-truyen-ngan-hai-dua-tre-68478n.aspx
Truyện ngắn Hai đứa trẻ đã cho ta thấy rõ cuộc sống của những kiếp người cơ cực, nghèo khổ trước Cách mạng. Đồng thời, ta cũng thấy được niềm cảm thương của tác giả dành cho họ và sự trân trọng dành cho ước mơ đổi đời mơ hồ của họ. Hãy tham khảo thêm các bài viết khác như: Cảm nhận về những kiếp người trong Hai đứa trẻ, Cảm nhận khát vọng sống của Liên trong Hai đứa trẻ, Phân tích ý nghĩa chi tiết giấc ngủ của Liên ở cuối câu chuyện Hai đứa trẻ, Phân tích tâm trạng chị em Liên trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Giá trị hiện thực và nhân đạo trong truyện ngắn Hai đứa trẻ  hoặc xem thêm Đọc hiểu Nhà mẹ Lê của Thạch Lam hay, ngắn gọn nhất để hiểu rõ hơn về tác phẩm cũng như giá trị nhân đạo Thạch Lam gửi gắm nhé!

Tác giả: Trần Hoạt     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích nhân vật An trong Hai đứa trẻ
Giá trị hiện thực và nhân đạo trong truyện ngắn Hai đứa trẻ
Phân tích tâm trạng cô bé Liên đêm đêm thức đợi xem chuyến tàu đi qua phố huyện trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Phân tích Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam
Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Từ khoá liên quan:

phan tich nhan vat lien trong truyen ngan hai dua tre

, phan tich tam trang cua nhan vat lien trong truyen hai dua tre, cam nhan ve nhan vat lien trong truyen ngan hai dua tre cua thach lam,

SOFT LIÊN QUAN
  • Sơ đồ tư duy Hai đứa trẻ

    Sơ đồ tư duy nhân vật Liên, bức tranh phố huyện

    Với chất văn nhẹ nhàng thấm đẫm chất trữ tình, Hai đứa trẻ của Thạch Lam đã dựng lên khung cảnh phố huyện lúc chiều tàn buồn, tàn tạ đến thê lương với những kiếp người bé nhỏ, cùng theo dõi Sơ đồ tư duy Hai đứa trẻ để hiểu hơn về giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm này.

Tin Mới

  • Dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Tràng giang của nhà thơ Huy Cận

    Những bài văn mẫu phân tích Tràng giang trong chương trình Ngữ văn lớp 11 do Taimienphi biên soạn sẽ giúp các em cảm nhận được những suy tư sâu sắc mà tác giả gửi gắm.

  • Cảm nhận bài thơ Từ ấy của Tố Hữu hay nhất, ngắn gọn

    Bài thơ “Từ ấy” là một tác phẩm vô cùng nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, thể hiện được niềm hân hoan và xúc động khi bắt gặp lí tưởng cách mạng. Cảm nhận bài thơ Từ ấy bao gồm dàn bài chi tiết và bài văn dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về lí tưởng cách mạng cùng tiếng thơ trữ tình – chính trị của nhà thơ. Từ đó, các em sẽ dễ dàng viết được bài văn cảm nhận này.

  • Phân tích Chí Phèo của Nam Cao

    Chí Phèo là truyện ngắn xuất sắc và nổi bật nhất của nhà văn Nam Cao khi viết về chủ đề người nông dân trong xã hội thời xưa. Bài văn mẫu Phân tích Chí Phèo dưới đây sẽ giúp các em thấy được sự cùng cực, khốn khổ của người nông dân xưa dưới sự áp bức của giai cấp thống trị qua cuộc đời và số phận của nhân vật Chí Phèo.

  • Số điện thoại Prudential, tổng đài tư vấn bảo hiểm nhân thọ

    Bạn hãy gọi ngay số điện thoại Prudential để được giải đáp mọi thắc mắc về các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và các dịch vụ khác.