Truyện Kiều là kiệt tác văn học của Nguyễn Du. Để có thêm những cảm nhận khác về bài thơ, các em có thể tham khảo bài Phân tích một đoạn trích trong Truyện Kiều (Nguyễn Du), Ngữ văn 11, Cánh Diều, học kì I do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn nhé!
Đề bài: Em hãy phân tích một đoạn trích tự chọn trong tác phẩm "Truyện Kiều" (Nguyễn Du).
Gợi ý dàn bài, cách làm bài văn phân tích một đoạn trích tự chọn trong tác phẩm Truyện Kiều
A. Gợi ý phân tích một đoạn trích tự chọn trong tác phẩm "Truyện Kiều" (Nguyễn Du)
I. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả và đoạn trích.
II. Thân bài:
1. Khái quát chung:
- Vị trí của đoạn trích.
- Nội dung đoạn trích.
2. Phân tích đoạn trích:
- Đặc sắc về nội dung.
- Đặc sắc về nghệ thuật.
III. Kết bài:
- Khẳng định về giá trị của đoạn thơ.
B. Bài mẫu tham khảo Phân tích một đoạn trích tự chọn trong tác phẩm "Truyện Kiều" (Nguyễn Du)
I. Phân tích một đoạn trích tự chọn trong tác phẩm "Truyện Kiều" (Nguyễn Du)
1. Dàn ý phân tích đoạn trích "Chị em Thúy Kiều":
1.1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Du và đoạn trích "Chị em Thúy Kiều".
1.2. Thân bài:
a) Bốn câu thơ đầu: Khái quát về vẻ đẹp của Thúy Kiều và Thúy Vân:
- "Tố nga": Chỉ hai người con gái đẹp, hai người con gái đầu lòng.
- "Mai cốt cách tuyết tinh thần": Gợi ngoại hình mảnh mai, cốt cách thanh tao và tâm hồn trong sáng, tinh khôi của hai cô gái.
- "Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười": Vẻ đẹp hoàn mĩ.
b) Bốn câu thơ tiếp: Vẻ đẹp của Vân
- "Trang trọng": Đó là vẻ đẹp đoan trang, cao sang, quý phái.
- "Nét ngài nở nang": Lông mày cong, sắc nét.
- "Hoa cười ngọc thốt đoan trang": Khuôn miệng tươi tắn như hoa.
- Động từ "thua", "nhường": Vẻ đẹp đoan trang, hài hòa, mang khuôn khổ của thiên nhiên sẵn sàng thua - nhường
=> Dự báo Vân sẽ sống một cuộc đời suôn sẻ, bình lặng, êm đềm, không gặp những sóng gió trắc trở.
c) Mười hai câu tiếp: Vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều
- "Sắc sảo mặn mà": Vẻ đẹp trí tuệ và tâm hồn của Kiều.
- "Làn thu thủy": Đôi mắt trong sáng, huyền ảo như làn nước mùa thu.
- "Nét xuân sơn": Lông mày thanh tú, xinh đẹp như nét núi mùa xuân.
- "Lầu bậc ngũ âm", "ăn đứt hồ cầm": Tài năng của Kiều
=> Cả về tài và sắc Kiều đều hơn người.
1.3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ:
+ Giá trị nội dung: Vẻ đẹp của Kiều và Vân.
+ Giá trị nghệ thuật: Thủ pháp ước lệ, tượng trưng, ngôn ngữ biểu cảm.
2. Bài văn mẫu phân tích đoạn trích "Chị em Thúy Kiều":
Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc. Ông có đóng góp lớn cho nền văn học nước nhà với những tác phẩm đồ sộ. Tiêu biểu trong số đó là "Truyện Kiều". Đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" nằm ở phần đầu tập thơ đã làm nổi bật vẻ đẹp tài sắc vẹn toàn của hai chị em Kiều và Vân.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã giới thiệu khái quát về vẻ đẹp của hai chị em:
"Đầu lòng hai ả tố nga
................
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười".
Cụm từ "tố nga" là chỉ hai người con gái đẹp. Tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật ước lệ và phép đối qua câu thơ "Mai cốt cách tuyết tinh thần". Ý thơ đã gợi ngoại hình mảnh mai, cốt cách thanh tao và tâm hồn trong sáng, tinh khôi của hai cô gái. Tác giả nhấn mạnh vẻ đẹp hoàn mĩ của họ qua câu thơ "Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười". Lời giới thiệu của Nguyễn Du tuy ngắn gọn nhưng vẫn tạo được những ấn tượng đậm nét về vẻ đẹp của hai người con gái nhà họ Vương.
Trong những câu thơ tiếp theo, tác giả miêu tả chi tiết hơn về vẻ đẹp của Vân:
"Vân xem trang trọng khác vời,
..................
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da"
Vẻ đẹp của Vân được khái quát qua hai từ "trang trọng". Đó là vẻ đẹp đoan trang, cao sang, quý phái. Khuôn mặt của Vân đầy đặn, phúc hậu như ánh trăng rằm. "Nét ngài nở nang" gợi đôi lông mày cong, sắc nét. "Hoa cười ngọc thốt đoan trang" gợi khuôn miệng tươi tắn như hoa, tiếng nói trong trẻo. Ý thơ "Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da" giúp người đọc hình dung mái tóc bồng bềnh như mây, nước da trắng như tuyết của Vân. Động từ "thua", "nhường" nhấn mạnh vẻ đẹp đoan trang, hài hòa của Vân. Vẻ đẹp đó mang khuôn khổ của thiên nhiên sẵn sàng thua - nhường. Bằng việc sử dụng phép liệt kê, bút pháp ước lệ tượng trưng, Nguyễn Du đã gợi lên vẻ đẹp hoàn hảo, phúc hậu của nàng Vân. Bức chân dung của Vân cũng dự báo nàng sẽ sống một cuộc đời suôn sẻ, bình lặng, êm đềm, không gặp nhiều sóng gió trắc trở.
Tiếp theo đó là những vần thơ miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều:
"Kiều càng sắc sảo mặn mà
..................
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân"
Cụm từ "sắc sảo mặn mà" gợi vẻ đẹp trí tuệ và tâm hồn của nàng Kiều. "Làn thu thủy" đó là đôi mắt trong sáng, tĩnh lặng, huyền ảo như làn nước mùa thu. "Nét xuân sơn" hình dung về đôi lông mày thanh tú, xinh đẹp như nét núi mùa xuân. Tác giả sử dụng điển cố "nghiêng nước nghiêng thành" để cực tả vẻ đẹp tuyệt sắc giai nhân của Kiều. Vẻ đẹp đầy rực rỡ, đầy sức sống, tâm hồn trong sáng, dự báo một số phận sóng gió, gian truân của nàng. Không chỉ xinh đẹp mà Kiều còn là một người đa tài. Nguyễn Du đã đặc tả tài đánh đàn của Kiều "lầu bậc ngũ âm", "ăn đứt hồ cầm". Cung "bạc mệnh, não nhân" nàng viết lên như dự báo trước cuộc đời hồng nhan bạc mệnh. Qua đây, ta có thể thấy cả về tài và sắc Kiều đều hơn người. Nhưng dường như cuộc đời của nàng sẽ chẳng được bình yên, suôn sẻ.
Những vần thơ cuối trong đoạn trích, tác giả đã khái quát về cuộc đời của hai chị em Kiều:
"Phong lưu rất mực hồng quần
.................
Tường đông ong bướm đi về mặc ai"
"Phong lưu" đó là gia cảnh gia đình khuôn phép, nề nếp. Câu thơ "Êm đềm trướng rủ màn che" gợi cuộc sống êm đềm, bình lặng, kín đáo. Kiều và Vân sống trong gia đình gia giáo và cũng đang đến "tuần cập kê". Hai chị em là những thiếu nữ có tâm hồn trong trắng như hai bông hoa.
Bằng việc sử dụng thủ pháp ước lệ, tượng trưng, ngôn ngữ biểu cảm, Nguyễn Du đã giúp người đọc hình dung ra vẻ đẹp của Kiều và Vân. Đoạn trích chính là minh chứng vô cùng rõ nét cho tài năng nghệ thuật Nguyễn Du.
Bài văn mẫu số 1 - phân tích đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" hay nhất của học sinh giỏi
II. Phân tích một đoạn trích tự chọn trong tác phẩm "Truyện Kiều" (Nguyễn Du) - mẫu số 2:
1. Dàn ý phân tích đoạn trích "Cảnh ngày xuân":
1.1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Du và đoạn trích "Cảnh ngày xuân".
1.2. Thân bài:
a) Bốn câu thơ đầu: Bức tranh mùa xuân
- "Con én đưa thoi": Gợi sự chảy trôi của thời gian.
- "Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi": Ánh sáng của mùa xuân đã đến ngày thứ 60.
-"Cỏ non xanh tận chân trời": Không gian mùa xuân khoáng đạt, tinh khôi, giàu sức sống. - Tính từ "trắng" kết hợp với động từ "điểm": Nhấn mạnh sự xuất hiện của bông hoa trắng trên nền cỏ xanh bất tận.
b) Tám câu thơ tiếp: Khung cảnh thanh minh
- "Tảo mộ": Viếng thăm, sửa sang phần mộ người thân, tổ tiên.
- "Hội đạp thanh": Giẫm lên cỏ xanh khi đi chơi xuân ở đồng quê.
- Danh từ "yến anh, tài tử, giai nhân": Người đi chơi xuân đông đúc.
- Tính từ "gần xa, nô nức": Tâm trạng phấn chấn, nô nức của con người.
c) Sáu câu thơ cuối: Cảnh chị em Kiều du xuân trở về
- "Tà tà": Chiều tà bóng ngả về Tây.
- "Nao nao": Một nét buồn rầu khó hiểu.
- "Thơ thẩn": Ra về trong sự bần thần, tiếc nuối, buồn.
- Hành động "đan tay ra về" tưởng là vui mừng nhưng thực ra là chia sẻ nỗi buồn khó hiểu không thể nói hết.
1.3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ:
+ Giá trị nội dung: Cảnh ngày xuân trong tiết Thanh minh và cảnh du xuân của chị em Kiều.
+ Giá trị nghệ thuật: Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, những hình ảnh giàu sức gợi.
2. Bài văn mẫu phân tích đoạn trích "Cảnh ngày xuân":
Xuân, hạ, thu đông bốn mùa luân chuyển. Mỗi mùa đi qua đều để lại ấn tượng sâu sắc cho mỗi người. Mùa xuân là một đề tài quen thuộc trong thơ ca được các nhà thơ khai thác. Và với tác giả Nguyễn Du cũng không phải là ngoại lệ. Với đoạn trích "Cảnh ngày xuân", nhà thơ đã tả lại không gian tiết Thanh minh và cảnh du xuân của chị em Kiều.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã vẽ ra khung cảnh bức tranh xuân thật đẹp:
"Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa".
"Con én đưa thoi" như nhấn mạnh sự chảy trôi của thời gian. Ý thơ "Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi" gợi ánh sáng của mùa xuân đã đến ngày thứ 60. Trong khoảnh khắc đó con người có cảm giác tiếc nuối thời gian tươi đẹp của mùa xuân. Phải chăng đó cũng chính là chút buồn vì tuổi trẻ cũng đang trôi qua nhanh. Hình ảnh "Cỏ non xanh tận chân trời" như mở ra khoảng không mùa xuân khoáng đạt, tinh khôi, giàu sức sống. Trên nền xanh non ấy điểm xuyết vài bông hoa lê trắng, nhẹ nhàng. Tính từ "trắng" kết hợp với động từ "điểm" và phép đảo ngữ đã nhấn mạnh sự xuất hiện của bông hoa trắng trên nền cỏ xanh bất tận. Vậy chỉ bằng bốn câu thơ, tác giả đã mang đến cho người đọc bức tranh mùa xuân mới mẻ, tinh khôi và đặc biệt có hồn.
Ở những câu thơ tiếp theo, nhà thơ đã miêu tả về khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh:
"Thanh minh trong tiết tháng ba,
........................
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay".
Lễ tảo mộ đó là viếng thăm, sửa sang phần mộ người thân, tổ tiên. Việc làm đó thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Hội đạp thanh đó là giẫm lên cỏ xanh khi đi chơi xuân ở đồng quê. Nguyễn Du đã liệt kê một loạt các danh từ "yến anh", "tài tử", "giai nhân" để người đọc hình dung cảnh những người đi chơi xuân đông đúc. Không chỉ vậy, động từ "sắm sửa, dập dìu" gợi không khí rộn ràng. Còn tính từ "gần xa", "nô nức" gợi tâm trạng phấn chấn của con người. Nguyễn Du đã mở ra trước mắt người đọc khung cảnh lễ hội thật rộn ràng, náo nức, vui tươi và những nghi thức mang tính truyền thống của người Việt.
Du xuân dù vui đến mấy cũng phải trở về. Những câu thơ cuối, tác giả đã miêu tả cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở về:
"Tà tà bóng ngả về tây,
....................
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang".
"Tà tà" đó là lúc chiều tà bóng ngả về Tây. Lúc đó, không gian hội đã hết, ngày đã tàn, cảnh chuyển động nhẹ nhàng, nên thơ không còn nhộn nhịp mà tất cả như đang nhạt dần. Từ láy "nao nao" thoáng gợi một nét buồn rầu khó hiểu. Cụm từ "thơ thẩn" gợi cảnh chị em Thúy Kiều ra về trong sự bần thần, tiếc nuối, buồn. Hành động "đan tay ra về" tưởng là vui mừng nhưng thực ra là chia sẻ nỗi buồn khó hiểu không thể nói hết. Vậy qua đây người đọc có thể cảm nhận được tâm hồn thiếu nữ nhạy cảm trong khung cảnh nhuốm màu tâm trạng.
Bằng việc sử dụng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, diễn tả tinh tế tâm trạng nhân vật, Nguyễn Du đã giúp cho người đọc cảm nhận được khung cảnh du xuân và lễ hội tháng ba thật đẹp. Qua đây làm nổi bật tài năng của tác giả trong việc miêu tả cảnh thiên nhiên và tâm trạng của con người.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-mot-doan-trich-tu-chon-trong-tac-pham-truyen-kieu-nguyen-du-76345n.aspx
Khi làm bài phân tích một đoạn trích tự chọn trong tác phẩm "Truyện Kiều" (Nguyễn Du), các em cần chú ý khai thác sâu giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của đoạn. Mời các em tham khảo các bài văn mẫu lớp 11 trên Taimienphi.vn như: Trình bày suy nghĩ về vẻ đẹp của một bức tranh hoặc một pho tượng mà em cho là có giá trị, Viết đoạn văn giới thiệu một câu đối Tết mà em đã sưu tầm.