Phân tích bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm

Các em hãy cùng tham khảo bài văn mẫu phân tích bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm để thấy được tình yêu quê hương, đất nước cùng sự đau xót, căm thù của nhà thơ trước cảnh quê hương bị quân giặc tàn phá.

Đề bài: Phân tích bài thơ Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm).

phan tich bai tho ben kia song duong hoang cam

Phân tích bài thơ Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm)

Bài làm

Quê hương - hai tiếng gọi thiêng liêng mà bất cứ ai đi xa cũng đều muốn trở về. Quê hương đã trở thành máu thịt của ta, là hình ảnh đi vào thơ văn của biết bao nghệ sĩ. Bằng tình yêu quê hương da diết, nhà thơ Hoàng Cầm đã thể hiện sự đau xót của mình khi nghe tin Kinh Bắc bị giặc Pháp xâm lược qua bài thơ "Bên kia sông Đuống".

Bài thơ được sáng tác năm 1948, đây là khoảng thời gian cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra hết sức ác liệt. Khi Hoàng Cầm đang công tác ở chiến khu Việt Bắc thì nghe tin quê nhà bị giặc chiếm đóng. Ngay trong đêm ấy, ông đã viết liên tục với những dòng cảm xúc đau đớn đầy căm hờn đối với quân cướp nước. Sông Đuống là dòng sông chảy qua tỉnh Bắc Ninh. Quê hương của nhà thơ ở huyện Thuận Thành thuộc phần đất phía Nam bên kia sông Đuống. Vì vậy mà ông đã lấy "Bên kia sông Đuống" đặt làm nhan đề cho tác phẩm.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh quê hương Kinh Bắc trù phú, sầm uất trước khi bị giặc xâm lược:

"Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc"

Tiếng gọi "Em ơi" và cách xưng hô anh - em thật nhẹ nhàng mà thắm thiết. Đại từ phiếm chỉ "em" gợi cho bạn đọc nhiều cách hiểu. Đây có thể là một người nào đó có quan hệ thân thiết với tác giả. Cũng có thể tác giả đang phân thân để trò chuyện với chính mình hoặc là tiếng gọi tất cả những người con yêu nước, những người đang chịu sự áp bức của quân xâm lược. Câu thơ đầu tiên vừa như một lời an ủi vừa như một lời giãi bày nỗi lòng của tác giả.

Sông Đuống đẹp một cách bình dị với những bờ "cát trắng phẳng lì" trải dài, đầy phù sa. Các từ láy "lấp lánh", "xanh xanh", "biêng biếc" đã thể hiện một vẻ đẹp êm đềm, thanh bình của vùng đất Kinh Bắc. Nơi ấy có dòng sông Đuống "nằm nghiêng nghiêng", có những bãi mía, bờ dâu, những bãi ngô, bãi khoai ngút ngàn. Đó là những đặc trưng nổi bật của làng quê Việt Nam. Có làng quê nào lại không có bãi mía, bờ dâu, thửa ruộng ngô, khoai nối tiếp? Chỉ bằng vài nét gợi tả nhưng Hoàng Cầm đã giúp chúng ta nhận thấy cuộc sống của nhân dân ở đây khá no ấm. Nhưng những điều đó đã thuộc về thời gian quá khứ. Từ "ngày xưa" khiến chúng ta nhớ đến các câu chuyện cổ tích, những hoài niệm về một thời đã xa nay không còn nữa.

Dòng sông yêu thương không chỉ mang vẻ đẹp lấp lánh, hiền hòa mà nó còn là chứng nhân lịch sử. Sông Đuống được nhân hóa với tư thế "nằm nghiêng nghiêng". Đây là tư thế nép mình khiêm tốn. Phải chăng dòng sông ấy đã chứng kiến và trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc nên giờ đây trầm lắng hơn? Sông Đuống trở nên có hồn, có hình dáng uốn lượn nhịp nhàng. Dòng sông không ở trạng thái lặng yên mà nó "trôi đi" cùng vẻ đẹp mĩ lệ, sáng lấp lánh.

Khi giặc Pháp đến xâm chiếm đất nước ta thì tất cả những gì tươi đẹp đã lùi vào dĩ vãng, để lại một bầu trời nhớ thương, nuối tiếc những tháng ngày quê hương êm ấm, yên bình:

"Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay"

Đó không chỉ là nỗi đau về thể xác mà còn là nỗi đau về mặt tinh thần. Mảnh đất quê hương bị giày xéo khiến trái tim tác giả không khỏi đau xót. Phải là một người yêu quê hương, gắn bó với quê hương sâu sắc thì nhà thơ mới thấu hiểu được nỗi đau ấy. Những bãi mía, bờ dâu chỉ còn trong kí ức, trong nỗi nhớ tiếc của Hoàng Cầm khi đứng ở bên này sông nhìn về quê hương. Biện pháp tu từ so sánh cùng cụm từ "sao nhớ tiếc", "sao xót xa" vang lên như một điệp khúc đã khắc họa sâu hơn nỗi đau mất mát. Quê hương như một phần của cơ thể con người, mất đi quê hương làm sao con người có thể không xót xa, đau đớn?

Càng nhớ tiếc về Kinh Bắc bao nhiêu thì mảnh đất ấy lại hiện rõ trong trí nhớ nhà thơ bấy nhiêu:

"Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp"

Tranh Đông Hồ là loại tranh dân gian được vẽ trên giấy điệp hay còn gọi là giấy gió. Nó thể hiện nét văn hóa truyền thống của đất nước. Nội dung của những bức tranh thường là các phong tục tập quán của làng quê hay là những nét vẽ về con người, con vật, về đám cưới chuột, ... Màu sắc trong tranh tươi tắn khiến bức tranh trở nên sinh động, có hồn. "Màu dân tộc" trên tranh Đông Hồ chính là linh hồn, là cốt cách dân tộc Việt Nam. Quê hương ấy còn có hương thơm nồng của lúa nếp mùa bội thu.

Nhưng chiến tranh đã cướp đi tất cả:

"Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa trăm ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu"?

Từ láy "ngùn ngụt" không chỉ miêu tả ngọn lửa hung tàn của địch mà nó còn biểu hiện ý chí căm thù ngùn ngụt, sục sôi trong mỗi người con yêu nước. Quân ngoại xâm đã thiêu cháy hết những mái nhà êm ấm khiến vạn vật tan tác, chia lìa. Những hình ảnh "đám cưới chuột, đàn lợn" đều là những hình ảnh đặc trưng, tiêu biểu của dòng tranh Đông Hồ, thể hiện cuộc sống bình dị, yên ấm của con người, thể hiện nét đẹp văn hóa Việt Nam.... giờ đây bị hủy diệt trước thảm họa xâm lăng.

Vẻ đẹp của con người cũng được nhà thơ khắc họa bằng một nỗi nhớ khôn nguôi:

"Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu"

Cuộc sống của người dân nơi đây khá đủ đầy về đời sống vật chất. Bên cạnh đó, đời sống tinh thần của họ cũng phong phú với các phong tục nhuộm răng, ăn trầu,... Những điều ấy đã tạo nên nét riêng của con người Kinh Bắc. Người con gái Kinh Bắc vô cùng duyên dáng:

"Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng"

"Khuôn mặt búp sen" xinh xắn, thanh tú, nụ cười như nắng mùa thu dịu nhẹ mà lan tỏa đã để lại ấn tượng khó phai mờ trong lòng bạn đọc. Sự liên tưởng của nhà thơ khiến câu thơ trở nên thật mềm mại, uyển chuyển. Vẻ đẹp của con người đã hòa cùng vẻ đẹp của thiên nhiên để tạo nên một vẻ đẹp hài hòa, quyến rũ.

Đồng thời, nhà thơ cũng miêu tả sự tần tảo, một nắng hai sương của những người mẹ:

"Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm"

Những bà mẹ hàng ngày đã phải vất vả sớm hôm, lam lũ, hi sinh rất nhiều cho gia đình. Gánh hàng của mẹ nào có gì nhiều, mẹ chỉ có "dăm miếng cau khô", "mấy lọ phẩm hồng", "vài thếp giấy đầm". Vậy mà "lũ quỷ mắt xanh" cũng cướp bóc, đánh đập làm "vết máu loang chiều mùa đông", làm tan tác cả buổi họp chợ vốn yên bình. Những động từ "đạp", "khua", "trừng trợn", "xì xồ" diễn tả hành động tàn bạo, dã man của quân giặc. Chúng đã gây ra bao đau thương cho quê hương, dân tộc ta. Chiến tranh thật khốc liệt, chiến tranh khiến khung cảnh quê hương trở nên quạnh hiu, hoang vắng:

"Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông"

Nhịp điệu câu thơ chậm rãi, nỗi buồn thương như thấm vào từng cảnh vật. Vài chiếc lá đa lác đác, thưa thớt cùng màu đỏ của máu đã loang dần, loang dần ra theo chiều đông quạnh vắng. Còn gì đau xót hơn như thế? Máu và nước mắt như đã hòa trộn vào nhau để cất lên lời tố cáo chiến tranh phi nghĩa, tố cáo quân xâm lược vô nhân tính. Chiến tranh đã trở thành nỗi ám ảnh đối với những đứa trẻ ngây thơ, vô tội. Những đứa trẻ ngay cả trong cơn mơ cũng "thon thót giật mình" vì "tiếng súng dồn tựa sấm", vì bóng giặc không buông tha cho bất cứ một ai dù là trẻ nhỏ. Tội ác của chúng đã in hằn vào mảnh đất quê hương, nhưng càng bị chà đạp thì nhân dân ta càng quyết tâm chiến đấu không nhụt ý chí:

"Đã có đất này chép tội,
Chúng ta không biết nguôi hờn"

"Bộ đội bên sông đã trở về" cùng nhân dân đứng lên chống giặc, mang lại bình yên cho quê hương, xoá hết "những giờ thảm thương" mà nhân dân phải gánh chịu. Cả quân và dân ta đã đoàn kết một lòng để quê hương sạch bóng dáng quân thù:

"Mà cánh đồng ta càng chan chứa
Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân
Gió đưa tiếng hát về gần
Thợ cấy đánh giặc, dân quân cày bừa"

Mảnh đất Kinh Bắc sẽ trở lại trù phú, yên bình như vốn có và sự nổi dậy của quân ta đã khiến:

"Trại giặc bắt đầu run trong sương
Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn
Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn
Ăn không ngon
Ngủ không yên
Đứng không vững
Chúng mày phát điên
Quay cuồng như xéo lên đống lửa"

Những câu thơ dài ngắn khác nhau khiến cho Nhịp thơ cũng trở nên dồn dập, hối hả diễn tả khí thế sục sôi chiến đấu của quê hương Kinh Bắc anh hùng. Trước hoàn cảnh đó, giặc "mất hồn", "phát điên". Chúng không thể ngờ rằng những con người nhỏ bé lại mang sức mạnh phi thường đến như vậy.

Những câu thơ cuối bài đã thể hiện một niềm mong ước thiết tha về một cuộc sống thanh bình, no ấm:

"Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh".

Hình ảnh cô gái xuất hiện với bộ yếm thắm thắt lụa hồng hiện lên thật đẹp. Người con gái Kinh Bắc đẹp một vẻ quyến rũ, thu hút trong "hội non sông". Nhịp thơ nhanh bộc lộ sự hối hả, mong chờ ngày hòa bình để tác giả được thấy vẻ đẹp trong sáng, tươi tắn đó.

"Bên kia sông Đuống" đã thể hiện tình yêu quê hương mãnh liệt đồng thời cũng thể hiện lòng căm thù giặc sâu sắc của ông. Hoàng Cầm đã tái hiện những bi thương, mất mát của quê hương trong chiến tranh, qua đó cũng lên tiếng tố cáo tội ác của giặc. Câu hỏi " Bây giờ tan tác về đâu", "Bây giờ đi đâu về đâu" cùng sự thay đổi của nhịp thơ và các hình ảnh ẩn dụ, so sánh đã khắc sâu thêm nỗi đau, nỗi căm hờn của tác giả. Có thể nói, bài thơ không chỉ là tiếng lòng riêng của Hoàng Cầm mà còn là tiếng lòng chung của những người con đất Kinh Bắc, những người con yêu nước.

----------------------HẾT-------------------------

Bên cạnh Phân tích bài thơ Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm) các em cần tìm hiểu thêm những nội dung khác như Soạn bài Đọc thêm: Bên kia sông Đuống hay phần Phân tích khổ bốn trong bài Đây mùa thu tới nhằm củng cố kiến thức của mình.

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-bai-tho-ben-kia-song-duong-hoang-cam-41116n.aspx

Tác giả: Trần Hoạt     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích đoạn thơ trong bài thơ Sóng: "Ở ngoài kia đại dương... Để ngàn năm còn vỗ"
Phân tích vẻ đẹp của con sông Hương trong bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông
Phân tích Chiếc lá đầu tiên của Hoàng Nhuận Cầm
Lời bài hát Tiếng hát bên dòng sông Đuống
Qua việc phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông, chứng minh nhận định: Kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa
Từ khoá liên quan:

phan tich bai tho ben kia song duong cua hoang cam

, phan tich bai tho ben kia song duong cua hoang cam chi tiet, dan y phan tich ben kia song duong cua hoang cam,

SOFT LIÊN QUAN
  • Phân tích Thơ duyên

    Bài văn mẫu Phân tích Thơ duyên của Xuân Diệu hay mới nhất

    Nhắc đến Xuân Diệu, ta sẽ nghĩ ngay tới một hồn thơ đầy tự do, lãng mạn cùng bao thông điệp hướng về tình yêu với con người, cuộc sống. Để tìm hiểu thêm về tài năng nghệ thuật của người nghệ sĩ tài hoa này, Taimienphi.vn gửi đến các em bài văn Phân tích Thơ duyên. Bài viết sẽ giúp em nhận ra thông điệp, ý nghĩa tác phẩm cũng như cảm nhận được sâu sắc hơn tâm tình, suy nghĩ của nhà thơ nhé. Mời em đón xem ngay sau đây.

Tin Mới

  • Bài văn tả một bạn học của em

    Tiếp theo chuỗi series bài viết tả bạn thân lớp 5, hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu cho các em dàn ý, một số bài văn mẫu tả một bạn học của em tiêu biểu. Tham khảo những bài văn mẫu này, các em học sinh sẽ nắm được mẹo, thủ thuật để viết một bài văn miêu tả ngắn hay, giàu cảm xúc và đạt điểm số cao trên lớp.

  • Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt Ngữ văn 6

    Đề bài Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt Ngữ văn 6 rất rộng, có nhiều chủ đề. Ví dụ như tả cảnh chợ cá bên bờ biển, tả cảnh thu hoạch mùa màng, tả cảnh gói bánh chưng ngày tết, tả cảnh mua bán trong siêu thị.... Các em có

  • Cách mở bài nghị luận xã hội

    Em có gặp nhiều khó khăn khi viết phần mở bài cho dạng bài nghị luận xã hội hay không? Tham khảo nội dung Cách mở bài nghị luận xã hội do Taimienphi.vn biên soạn dưới đây để biết cách mở bài đúng và hay, em nhé.

  • Code Đế Vương 3Q Mobile mới nhất và cách nhập

    Lệnh Bài Võ Tướng Cao Cấp, Kim Nguyên Bảo, Lông Vũ Thần Thánh hay Tôn Hiệu Cao Quý đều là những phần thưởng mà game thủ Đế Vương 3Q Mobile đều có thể nhận sau khi nhập giftcode. Đối với những cao thủ chiến thuật thì việc sử dụng Code Đế Vương 3Q Mobile thường xuyên đều là những hành động cần thiết, chúng cho phép bạn dễ dàng tăng lực chiến.