Học tập luôn là con đường ngắn nhất để tiến tới thành công. Hãy đến với bài Nghị luận về học tủ, học vẹt do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn để có thêm góc nhìn mới về hiện trạng của việc học tập hiện nay nhé!
Đề bài: Nghị luận về học tủ, học vẹt
Nghị luận về học vẹt, học tủ, học chay, học đối phó của học sinh hiện nay
I. Dàn ý nghị luận về học vẹt, học tủ, học chay, học đối phó của học sinh hiện nay (Chuẩn)
1. Mở bài:
- Giới thiệu về vấn đề cần bàn luận: học tủ, học vẹt.
2. Thân bài:
a, Giải thích:
- Học tủ: chỉ chọn số ít bài để học với mong ước khi đi thi sẽ vào đúng đề đó.
- Học vẹt: học thuộc một cách máy móc.
b, Nguyên do:
- Lượng kiến thức cần tiếp thu là vô cùng lớn.
- Áp lực điểm số từ gia đình, nhà trường.
- Sự ham vui, mải chơi, bỏ bê học tập.
c, Tác hại:
- Gây nên hiện tượng hổng kiến thức, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
- Tạo tâm lí chủ quan cho người học.
- Gây chán nản, mệt mỏi cho cả học sinh và giáo viên.
d, Bài học nhận thức và hành động:
- Người học cần rèn luyện tính tự giác, tinh thần trách nhiệm trong học tập.
- Gia đình, nhà trường cần có phương pháp hỗ trợ phù hợp.
- Cải tiến chương trình học cho phù hợp, tránh gây áp lực cho người học.
3. Kết bài:
- Khái quát lại vấn đề cần bàn luận.
>> Xem thêm Dàn ý nghị luận về học vẹt, học tủ, học chay, học đối phó của học sinh hiện nay tại đây
II. Đoạn văn Nghị luận về học tủ, học vẹt hay nhất tham khảo:
1. Viết đoạn văn nghị luận về hiện tượng học tủ, học vẹt - mẫu số 1:
Một trong những lí do chính khiến chất lượng giáo dục đi xuống chính là hiện tượng học tủ, học vẹt. Đây là thái độ học tập qua loa, hời hợt, không mang lại được giá trị cho bản thân, xã hội. Việc này khiến cho người học dần ỷ lại, mất đi sự chủ động, tự giác cần có. Hiện tượng học tủ, học vẹt xuất hiện nhiều nhất có lẽ là trong các môn xã hội như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí,... Thay vì tập trung trên lớp, tiếp thu kiến thức trong cả một quá trình thì người học lại chọn để sát ngày thi rồi mới “đọc lướt” theo cảm tính, ôn tập đề cương cho sẵn,... Chính bởi không hiểu bản chất nên những tri thức đó đến và đi rất nhanh. Chúng có thể “trôi” mất ngay khi bài kiểm tra kết thúc. Vậy là người học có thể đạt điểm số cao, nhưng thứ “đọng” lại thì chẳng được nhiều. Điều này gây ra “lỗ hổng” về kiến thức vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tương lai của chính người học cũng như sự phát triển sau này của xã hội. Để khắc phục được tình trạng nêu trên, mỗi người hãy rèn luyện cho mình tính tự giác. Hãy có trách nhiệm với việc học tập của bản thân, không ngừng nỗ lực để đạt được những thành quả xứng đáng. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường nên động viên, hỗ trợ con trẻ. Phương pháp giáo dục cũng cần được thay đổi sao cho phù hợp nhất, kích thích được sự hứng thú của người học. Chỉ cần hợp sức cố gắng, con người sẽ đẩy lùi được những hiện tượng tiêu cực còn tồn tại, trả lại sự văn minh, phát triển cho xã hội.
2. Đoạn văn Nghị luận về học tủ, học vẹt hay nhất - mẫu số 2:
Học tủ, học vẹt là những hiện tượng tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của cộng đồng. Hình thức học tập này thực chất chỉ là sự qua loa, chống đối khi gần tới ngày kiểm tra. Người học không thực sự hiểu và nắm bắt được kiến thức. Thay vào đó, họ chọn những đề “tủ”, học thuộc từng chữ và mong cầu rằng đi thi sẽ “trúng”. Điều này đi ngược lại với giá trị cốt lõi của việc học tập, khiến hiện tượng “hổng kiến thức” ngày một nhiều. Có rất nhiều lí do dẫn đến hiện tượng tiêu cực kể trên, nhưng tiêu biểu nhất phải nói đến “sức nặng” của chương trình. Người học phải cùng một lúc tiếp nhận một lượng lớn kiến thức, dẫn đến sự “quá tải”. Dần dần, mất đi niềm hứng thú trong học tập. Con ngườigiờ chỉ còn chăm chú vào điểm số, tìm cách để vượt qua bài kiểm tra sắp tới chứ không thực sự quan tâm đến lợi ích của những kiến thức mình thu nạp được nữa. Vậy là họ chọn cách “tối ưu”, nhanh chóng nhất: học tủ, học vẹt. Bên cạnh đó, áp lực đến từ phía gia đình và nhà trường cũng là một lí do khiến hiện tượng tiêu cực này vẫn còn tiếp diễn. Vậy nên, để loại bỏ tình trạng học tủ, học vẹt, mọi người đều cần phải thay đổi. Mỗi người hãy tự ý thức rõ tầm quan trọng của việc học, tìm kiếm phương pháp học hiệu quả và phù hợp nhất với bản thân. Có như vậy, khối kiến thức khổng lồ kia mới thực sự trở thành “của mình”, thành hành trang không thể thiếu trên con đường đến thành công. Gia đình và nhà trường cũng cần có phương án động viên, định hướng hợp lí, tránh gây áp lực quá lớn lên người học. Cùng chung tay, cả xã hội sẽ ngày một phát triển văn minh, toàn diện hơn rất nhiều.
Bài văn ngắn về học tủ, học vẹt
III. Bài mẫu Nghị luận về học tủ, học vẹt siêu hay của học sinh giỏi tham khảo:
1. Bài văn Nghị luận nói về thực trạng học tủ, học vẹt hay, ngắn gọn - Mẫu 1
Tri thức là thứ tài sản vô cùng quý giá của nhân loại. Con người dùng việc học tập, tìm hiểu để tiếp nhận nguồn tri thức ấy, biến nó thành bàn đạp giúp bản thân vươn tới thành công. Ấy vậy nhưng nhiều trường hợp lại chọn học tủ, học vẹt để chống chế gây nên những ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển của cộng đồng.
Có thể hiểu học tủ, học vẹt là cách tiếp nhận kiến thức thụ động, sáo rỗng trong một thời gian ngắn. Người học căn bản chỉ học thuộc, bắt chước chứ không hiểu rõ bản chất của bài giảng. Họ làm vậy để đối phó với những bài kiểm tra, kì thi trước mắt. Đây là thái độ học tập vô cùng hời hợt, vừa gây tốn thời gian, vừa không mang lại kết quả.
Hiện tượng này xảy ra bởi rất nhiều lí do. Với lượng kiến thức khổng lồ đến từ tất cả các môn trong chương trình, áp lực đè lên vai người học là rất lớn. Họ vừa phải đối diện với sự kì vọng của gia đình, vừa chịu gánh nặng điểm số trên trường lớp. Một phần đó cũng là do hệ thống giáo dục chưa quá sát với thực tiễn khiến người học không biết mục đích mình tiếp nhận kiến thức là gì. Một người không có mục đích thì sẽ không có động lực để cố gắng. Vậy là họ cứ ỷ lại, dần mất đi tính tự giác, hoạt động trong vô thức như một cái máy.
Hiện trạng học tủ, học vẹt này đang rất đáng báo động, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục của cả một quốc gia. Nếu cứ tiếp nhận một cách chống đối, kiến thức sẽ không thể đọng lại được chút nào. Cứ thế, con người “học trước quên sau”, cuối cùng dẫn đến hổng kiến thức. Đã có rất nhiều câu chuyện về các bác sĩ, y tá, giáo viên, kĩ sư hay rất nhiều ngành nghề khác. Họ tốt nghiệp, đi làm nhưng thiếu kiến thức chuyên môn, gây ra những câu chuyện “dở khóc dở cười”, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến cả tính mạng con người. Bên cạnh đó, nếu người học chỉ đạt điểm cao mà không hiểu thực chất bài giảng, chính người giáo viên cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Chính vì vậy, con người cần nhanh chóng có những giải pháp thiết thực để khắc phục hiện tượng này. Đối với học sinh, họ cần rèn luyện tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc trong học tập. Gia đình cũng nên có những sự động viên cần thiết thay vì tạo thêm áp lực cho con trẻ. Về phía khác, giáo viên và nhà trường cần chỉnh sửa phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức sao cho phù hợp, hiệu quả, kích thích hứng thú học tập của học sinh. Chỉ khi tất cả mọi người cùng chung tay, những hiện tượng tiêu cực mới có thể được giải quyết.
Học tủ, học vẹt là thói quen xấu cần được loại bỏ ngay từ sớm. Hãy giữ vững tinh thần “học thật, thi thật”, tiếp thu tri thức một cách chủ động, hiệu quả để có thể phát triển và hoàn thiện bản thân, trở thành một người có ích cho xã hội.
2. Bài văn Nghị luận về học tủ, học vẹt của học sinh giỏi - Mẫu 2
Trong xã hội tri thức được đề cao và không ngừng thay đổi như ngày nay, trí tuệ con người được coi là phương thức hữu hiệu nhất để đánh giá vị trí và năng lực cá nhân. Hiểu được điều đó, các bậc phụ huynh dù trong bất kì điều kiện nào vẫn luôn cố gắng cho con em được học hành đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều bạn học sinh lại không hiểu được điều này, không tìm được phương pháp học tập hiệu quả mà dùng cách học vẹt, học tủ, học đối phó để qua mắt gia đình.
Học vẹt là lối học thuộc sáo rỗng, đọc thuộc làu làu từng từ trong sách giáo khoa, trong vở nhưng thực chất không hề hiểu mình đang đọc gì, không hiểu được căn cốt của bài giảng. Học tủ, học chạy là tình trạng chọn một vài bài để học trong khoảng thời gian ngắn trước kì thi với hi vọng đề thi sẽ ra trúng bài đó. Học đối phó là thái độ học hời hợt, học để cha mẹ không nhắc nhở, mắng mỏ chứ bản thân không hề muốn học.
Trên thực tế, hai cách học này rất dễ bắt gặp trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, nhất là đối với những môn xã hội như Văn, Sử. Học sinh thường có xu hướng không tiếp thu được bài giảng trong cả quá trình dài mà chỉ đợi đến kì thi, học theo cảm tính, học theo giới hạn đề cương ôn tập. Không ít những đoạn video phỏng vấn các em học sinh rải rác từ độ tuổi tiểu học đến cuối trung học cơ sở về những câu hỏi lịch sử, tiếng Anh đều nhận được những câu trả lời rất ngô nghê như: "Quang Trung và Nguyễn Huệ là bạn cùng chiến đấu" hay công thức trả lời tiếng anh "Hi", "How are you?", "I am fine thank you. And your?". Như vậy, các em hoàn toàn không hiểu được những kiến thức cơ bản nhất nhưng vẫn đủ điều kiện qua môn, lên lớp. Việc học tủ, học chạy cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Với lượng kiến thức cần dung nạp quá nhiều, cộng thêm sự mải chơi, các em học sinh chỉ thực sự lo lắng vì điểm số khi kì thi gần đến, đành lựa chọn phương pháp học "bừa" một vài bài. Thế nên mới có tình trạng lệch tủ, bị "tủ đè" khi đề thi không cho trúng phần đã ôn, học sinh hầu như không biết phải làm bài như thế nào.
Học tủ, học vẹt, học đối phó được gây ra bởi nhiều lý do. Bắt nguồn từ bản thân mỗi em học sinh chưa thực sự có ý thức rèn luyện, tích lũy kiến thức dần dần, từ từ từng ngày. Học sát ngày thi có thể khiến các em tiếp thu, ghi nhớ nhanh hơn, nhưng chỉ cần thi xong là mọi thứ bay biến khỏi đầu, kiến thức chỉ còn trên trang giấy. Học sinh bị ép học quá nhiều kiến thức, quá nhiều môn học cùng lúc, không thể tiêu hóa nổi nên đến kì thi phải lựa chọn cách học tủ, học vẹt để giải quyết vấn đề điểm số. Âu cũng là do áp lực điểm, áp lực tuyển sinh của thầy cô và nhà trường khiến cách giáo dục có phần lệch lạc, chưa thực sự sát sao với từng học sinh. Ngoài ra, thực tế cho thấy, giáo dục Việt Nam đề cao kiến thức sách vở, ít thực hành, ít điều kiện áp dụng vào cuộc sống, nên sự thiếu hụt mặt trải nghiệm của học sinh dẫn đến việc các em không thể hiểu hết được bản chất vấn đề mà môn học hướng tới. Nếu muốn đạt điểm cao thì có cách học tủ, học vẹt. Việc học đối phó cũng bắt nguồn từ nguyên nhân học sinh chủ quan, bản thân không muốn học nên khi bị bắt ép bèn tìm cách học tủ, học vẹt hòng che mắt gia đình, nhà trường.
Cách học tủ, học vẹt, học chạy, học đối phó dẫn tới hậu quả cho chính bản thân nhũng học sinh lựa chọn cách học sai lệch này. Các em hầu như không có kiến thức nền tảng của môn học, học dễ nhớ nhưng cũng dễ quên, không có kĩ năng áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống. Tình trạng học trước quên sau rất dễ dẫn tới hổng kiến thức, thuộc bài nhưng không hiểu bài, thành ra công sức học tập coi như vô ích. Cách học đối phó rất dễ khiến học sinh nản chí, chán học, học tủ lỡ bị "tủ đè" sẽ vừa bị điểm kém, áp lực học tập, vừa cảm thấy chán nản. Nhìn chung, tất cả các cách học sai lầm đều ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình học tập của học sinh.
Để khắc phục tình trạng học vẹt học tủ, học chạy, học đối phó, cần tác động tâm lý của mỗi bạn học sinh để các bạn hiểu được tầm quan trọng của việc thu nạp kiến thức một cách bài bản, khoa học, tránh học vẹt, học tủ để đối phó. Trước hết, gia đình cần định hướng cho con em từ nhỏ về phương pháp học tập hiệu quả, đúng đắn, phối hợp cùng Nhà trường tạo điều kiện tham quan, trải nghiệm thực tế nhằm bổ sung kĩ năng mềm cho các em. Gạt bỏ áp lực điểm số, tập trung xây dựng kiến thức thật, kinh nghiệm thật để bản thân mỗi học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc học. Quan trọng nhất vẫn là cá nhân mỗi người cần có ý thức học, học về lâu về dài nhằm phục vụ cho công việc, sự nghiệp sau này chứ không học để mang về tờ giấy với con số ảo vô nghĩa.
Là chủ nhân tương lai của đất nước, bản thân mỗi chúng ta cần rèn luyện tốt khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Chọn cho mình cách học tập phù hợp, đúng đắn, đẩy lùi nạn học vẹt, học tủ, học chạy, học đối phó và giúp đỡ những người kém hơn mình chính là cách cùng nhau xây dựng xã hội hạt nhân lớn mạnh, bền vững. Thời gian học là thời gian quý báu để tích lũy kinh nghiệm, đừng vì những con điểm giả mà chấp nhận bước đi trên lối mòn sai trái.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Hiện tượng học tủ, học vẹt sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Vậy nên hãy thay đổi ngay từ sớm, trả lại sự lành mạnh, tiến bộ cho xã hội.
https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-ve-hoc-vet-hoc-tu-hoc-chay-hoc-doi-pho-cua-hoc-sinh-hien-nay-45984n.aspx
Trên đây là nội dung bài Nghị luận về học vẹt, học tủ, học chay, học đối phó của học sinh hiện nay, để thấy được những hiện tượng đáng báo động đang tồn tại trong học đường hiện nay, các em có thể tham khảo thêm: Nghị luận xã hội về hiện tượng bạo lực học đường, Nghị luận xã hội: Thực trạng nhiều học sinh không thích học môn Lịch sử, Nghị luận về việc lạm dụng điện thoại di động ở học sinh, Nghị luận xã hội về thói ăn chơi, đua đòi của học sinh thời nay.