Tinh thần học hỏi là một yếu tố không thể thiếu trên con đường trưởng thành của mỗi người. Em hãy tham khảo bài Nghị luận về tinh thần học hỏi, Ngữ văn 9, học kì II do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn để có cái nhìn rõ nét hơn về chủ đề này nhé!
Đề bài: Nghị luận về tinh thần học hỏi
Nghị luận xã hội về tinh thần học hỏi hay nhất, ngắn gọn
I. Dàn ý Nghị luận về tinh thần học hỏi:
1. Mở bài:
- Dẫn dắt và giới thiệu về vấn đề nghị luận: tinh thần học hỏi.
2. Thân bài:
a, Giải thích:
- Học hỏi là tự tìm kiếm, tiếp thu và phát huy kiến thức.
- Học hỏi là quá trình không ngừng nghỉ để nâng cao giá trị bản thân.
b, Biểu hiện:
- Luôn giữ thái độ cầu tiến, tự tìm tòi, khám phá những kiến thức mới.
- Sẵn sàng học tập mọi lúc, mọi nơi.
- Không ngại khó, ngại sai, sẵn sàng lắng nghe để sửa đổi.
- Ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm cao.
c, Ý nghĩa:
- Giúp con người lưu giữ kiến thức lâu hơn.
- Tạo ra nền tảng vững chắc để con người phát triển bản thân.
- Mang đến sự năng động, tự tin, chủ động trong cuộc sống.
- Rút ngắn quãng đường tới thành công.
d, Liên hệ thực tế:
- Nhiều trường hợp còn thụ động, chưa có ý thức học hỏi.
- Có người học hỏi sai cách, vừa không mang lại hiệu quả, vừa gây tốn thời gian.
e, Bài học nhận thức và hành động:
- Rèn luyện tinh thần tự giác học hỏi cho bản thân.
- Phê phán những trường hợp ỷ lại, lười nhác, thiếu nghị lực.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của tinh thần học hỏi đối với con người.
II. Đoạn văn Nghị luận về tinh thần học hỏi hay, ngắn gọn
1. Viết đoạn văn về tinh thần học hỏi - mẫu số 1:
Để tiến gần hơn tới thành công, con người không thể không có tinh thần học hỏi. Nhìn vào những vĩ nhân của thế giới, ai cũng mang trong mình lòng ham muốn khám phá và chinh phục tri thức. Đó là trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, "hiệp sĩ công nghệ" Nguyễn Công Hùng, người soạn từ điển cho trẻ câm điếc Đoàn Phạm Khiêm,... Họ đều là người có tinh thần cầu tiến, không vì khó khăn mà từ bỏ, liên tục trau dồi và phát triển bản thân. Cũng nhờ đó mà họ đã làm nên nhiều thành tựu lớn lao, đóng góp những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Họ đã trở thành tấm gương sáng để các thế hệ sau học hỏi, noi theo. Ấy vậy nhưng trên thực tế, vẫn còn có người chưa được tự giác, chỉ phụ thuộc, dựa dẫm vào người khác. Điều này khiến những người đó trở nên ngày một thụ động hơn, dần tách mình khỏi cộng đồng. Đặc biệt, trong thời đại hội nhập ngày nay, nếu không có tinh thần ham học hỏi, con người rất dễ bị bỏ lại phía sau. Vậy nên, mỗi cá nhân cần tự rèn luyện bản thân mình thật tốt. Việc chuẩn bị đầy đủ hành trang về cả tri thức, kĩ năng, đạo đức là vô cùng quan trọng. Đừng ngần ngại học hỏi, trải nghiệm. Có như vậy, bản thân con người mới có được những bài học cần thiết để trưởng thành. Từ đó trở thành một người có ích, góp phần giúp xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ hơn.
----------------------------------
Taimienphi.vn còn rất nhiều bài viết thuộc nhiều chủ đề, mời em cùng tham khảo văn mẫu lớp 9 khác nhé: Nghị luận về lối sống đẹp, Nghị luận về phương pháp đọc sách hiệu quả, Nghị luận về cho và nhận, Nghị luận về lời cảm ơn.
2. Đoạn văn Nghị luận về tinh thần học hỏi - mẫu số 2:
Tinh thần học hỏi đóng vai trò rất quan trọng với thành công của con người. Đó là sự chủ động, miệt mài kiếm tìm và tiếp thu tri thức. Người có ý thức học hỏi luôn giữ cho mình thái độ tích cực dù là trong học tập hay công việc. Họ không hề "giấu dốt", sẵn sàng lắng nghe và sửa đổi để bản thân hoàn thiện hơn từng ngày. Đây là một điều vô cùng đáng quý. Với thái độ cầu tiến như vậy, những người đó dễ dàng có được thiện cảm của cộng đồng. Nhờ đó, họ có thể tạo dựng thêm các mối quan hệ, giúp ích cho tương lai sau này. "Đầu tư vào tri thức đem lại lợi nhuận cao nhất". Đó là điều triết gia Benjamin Franklin đã quan niệm. Quả thật, tinh thần học hỏi không chỉ giúp mang đến nguồn khối lượng lớn kiến thức mà còn giúp con người nâng cao sự tự tin, năng động. Từ đó, mỗi cá nhân dễ dàng làm chủ cuộc sống, kéo gần khoảng cách tới thành công. Tuy vậy, hiện nay vẫn còn một số người chưa ý thức được tầm quan trọng của tinh thần học hỏi. Họ rụt rè, mang tâm lí lo âu, sợ rằng mọi người sẽ đánh giá, cười chê mình. Điều này có thể khiến họ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội quý giá trong tương lai. Vậy nên để có thể hoàn thiện bản thân một cách tốt nhất, hãy chủ động trau dồi chính mình. Mỗi cá nhân hãy dũng cảm chinh phục "ngọn núi" tri thức, đóng góp công sức vào quá trình phát triển đất nước trong tương lai.
Top bài văn viết đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩa của anh/chị về ý nghĩa của việc không ngừng học hỏi hay nhất
III. Bài mẫu Nghị luận về tinh thần học hỏi siêu hay, ngắn gọn:
Con người ta không ai sinh ra đã là thiên tài. Chỉ có chủ động học hỏi, tìm kiếm tri thức, phát triển bản thân, mỗi người mới dần tiến tới được thành công mình mong đợi. Như Benjamin Franklin chia sẻ: "Ngu dốt không đáng xấu hổ như không chịu học hỏi".
Tinh thần học hỏi là như sự chủ động trong việc tiếp thu tri thức. Đó là quá trình trau dồi, phát triển không ngừng nghỉ để giải đáp được những câu hỏi bản thân đặt ra trên con đường trưởng thành.
Một người có tinh thần học hỏi thường rất tích cực. Họ giữ cho mình thái độ cầu tiến, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu góp ý, nhận xét của người khác. Họ không ngại khó, ngại khổ, tranh thủ học tập mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, thay vì lo rằng mình làm như này sẽ sai, dễ bị chê cười, họ lại lấy những thất bại làm động lực để thay đổi, phát triển hơn trong tương lai. Một vài tấm gương tiêu biểu cho tinh thần ham học hỏi phải kể đến Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Nguyễn Khuyến hay chính Bác Hồ vĩ đại.
Đức tính đáng quý ấy đã mang đến rất nhiều giá trị cho bản thân người học cũng như cho cả cộng đồng. Khi chủ động học hỏi, con người sẽ nắm vững kiến thức và ghi nhớ chúng lâu hơn, đặt nền móng vững chắc để xây dựng và khẳng định giá trị riêng. Không chỉ vậy, khi con người chủ động tiếp cận tri thức, bản thân họ sẽ trở nên tự tin, năng động hơn. Từ đó, họ lan tỏa sự tích cực đến mọi người xung quanh, đem lại niềm vui và những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Tuy vậy, thực tế vẫn còn tồn tại những sự thật đáng buồn. Một số người lại dựa dẫm quá nhiều vào khoa học, công nghệ, dần trở nên thụ động hơn. Giới trẻ thay vì đọc sách, nghiên cứu kiến thức thì lại chọn xem những video ngắn, những thông tin trôi nổi chưa được xác thực. Điều đó đã gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực không chỉ với bản thân họ mà còn cho sự phát triển của xã hội.
Để khắc phục được tình trạng trên, mỗi cá nhân cần có phương pháp phù hợp để rèn luyện chính mình. Tinh thần học hỏi được phát triển dựa trên lòng yêu thích và ham muốn khám phá thế giới. Vậy nên hãy giữ bản thân luôn nhiệt huyết, năng động, cầu tiến. Đồng thời, phê phán và loại bỏ thói lười nhác, "sợ sai". Có như vậy thì con người mới dần hoàn thiện hơn, đóng góp nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Tựu chung lại, tinh thần học hỏi có vai trò vô cùng quan trọng đối với thành công của mỗi người. Giống như danh họa Leonardo da Vinci khẳng định, đó chính là "điều duy nhất mà trí tuệ không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ sợ hãi và không bao giờ nuối tiếc".
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-ve-tinh-than-hoc-hoi-75668n.aspx
Học hỏi là điều cần thiết để con người trưởng thành, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Hy vọng với chia sẻ nghị luận về tinh thần học hỏi trên đây, các em đã có thể viết bài văn hay hơn.