Hình ảnh người nông dân đánh giặc trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Bài văn Phân tích hình ảnh người nông dân đánh giặc trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu sẽ giúp các em hiểu được nguồn gốc xuất thân, tình yêu nước cùng vẻ đẹp anh dũng, bất khuất của những người nghĩa sĩ áo vải Cần Giuộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đề bài: Hình ảnh người nông dân đánh giặc trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Mục Lục bài viết:
1. Bài mẫu số 1
2. Bài mẫu số 2

hinh anh nguoi nong dan danh giac trong van te nghia si can giuoc

Văn mẫu phân tích hình ảnh người nông dân đánh giặc trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
 

1. Hình ảnh người nông dân đánh giặc trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, mẫu số 1:

Đã hơn 160 năm kể từ ngày thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta vào 1/9/1858, đây là sự kiện lịch sử mấu chốt, đem lại biết bao đau thương cho dân tộc Việt Nam về sau này. Thời điểm đó, nhân dân ta sống trong cảnh hỗn tạp của chế độ thực dân nửa phong kiến, một ách hai xiềng, khốn khổ không tả xiết, vừa đau đớn vì nỗi lòng mất nước, vì cùng cực vì ách áp bức nặng nề mà người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất không ai khác chính là người nông dân vốn chân chất thật thà, quanh năm chỉ biết ruộng đồng, thóc lúa. Giữa hoàn cảnh khốn cùng, côi cút người nông dân không còn cách nào khác mà phải vùng dậy đấu tranh, xả thân vì dân tộc vì đất nước và hy sinh đầy anh dũng bất khuất để lại niềm tiếc thương khôn cùng cho nhân dân ta thời bấy giờ và cho hậu thế về sau. Nguyễn Đình Chiểu viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc để tưởng nhớ những người nông dân nghĩa sĩ đã hy sinh, trong đó hình ảnh người nông dân đánh giặc hiện lên thật chân chất, giản dị cũng mang đậm phong thái hào hùng, bất khuất, dũng cảm của dòng giống tiên rồng từ xưa tới nay.

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, là người gốc Huế, vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho giáo, nên từ nhỏ ông đã chăm chỉ học hành chờ khoa thi cử, nhưng số phận nghiệt ngã khiến ông không thể đạt khoa cử, lại chịu kiếp mù suốt đời vì khóc thương mẹ mất. Vượt qua số phận, ông về Gia Định mở trường dạy học, tạo được danh tiếng khắp Lục Tỉnh. Ông là con người sống tình nghĩa. Thơ văn của ông luôn đề cao những lý tưởng cao đẹp về đạo đức, nhân nghĩa, mong ước con người sống với nhau bằng những ân tình thủy chung, nhân hậu, chân thành, nhấn mạnh tư tưởng cái thiện luôn luôn thắng cái ác, một trong những tác phẩm tiêu biểu cho tinh thần này của Nguyễn Đình Chiểu chính là truyện thơ Lục Vân Tiên, tác phẩm đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Đến khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu chuyển hướng sang thể hiện tinh thần yêu nước, lòng căm ghét quân thù, các tác phẩm chủ yếu cổ vũ và ca ngợi tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc ta, đặc biệt là tầng lớp nông dân cùng khổ.

hinh anh nguoi nong dan danh giac trong van te nghia si can giuoc

Bài văn Hình ảnh người nông dân đánh giặc trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, là bài văn tế được Nguyễn Đình Chiểu viết theo yêu cầu của tuần phủ Gia Định Đỗ Quang, để tế những nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận đánh tập kích đồn quân Pháp ở Cần Giuộc, tuy cuộc chiến đấu không đạt được kết quả như mong muốn nhưng cũng làm quân địch phải dè chừng, sự hi sinh của những người nghĩa sĩ là một sự cổ vũ và khích lệ to lớn là tiền đề và bài học kinh nghiệm cho những trận đánh lịch sử của dân tộc về sau. Trong tác phẩm, lần đầu tiên hình ảnh người nông dân đánh giặc được xây dựng một cách hào hùng, vĩ đại làm xúc động lòng người đến thế, tuy nhiên những cảm xúc ấy bi thương nhưng không hề bi lụy, càng thêm phần cổ vũ cho phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Mở đầu bằng những câu than đầy xót xa, Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện được cái bi thương với nỗi lòng mất nước đầy sâu sắc:

"Hỡi ôi!
Súng giặc đất rền;
Lòng dân trời tỏ.
Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao;
Một trận nghĩa đánh Tây, thân tuy mất tiếng vang như mõ."

Giữa buổi thế sự đương loạn lạc ấy, ta mới cảm nhận được tấm lòng yêu nước sâu sắc, lòng tự tôn dân tộc đầy sâu sắc nồng nàn từ chính những người nông dân vẫn đang thầm lặng với mảnh ruộng, với con trâu từ biết bao đời nay, hầu như không ai để ý đến sự tồn tại của người nông dân, chế độ phong kiến coi họ là tầng lớp bần cùng của xã hội. Thế nhưng khi đất nước có binh biến, thì chính những người nông dân lại là người bước ra mặt trận đầu tiên, chính minh cho trời đất cùng thấy tấm lòng sắt son với Tổ quốc, với dân tộc, dù hy sinh xương máu cũng chẳng màng, tuy đã mất đi nhưng còn lưu danh mãi muôn đời sau.

Nguyễn Đình Chiểu lâm vào hoài niệm về hình ảnh người nông dân thuở trước khi lâm trận với tấm lòng cảm thông và xót thương sâu sắc:

"Nhớ linh xưa:
Cui cút làm ăn;
Riêng lo nghèo khó.
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung;
Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm;
Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó."

Hình tượng người nông dân hiện lên thật giản dị và chân chất làm sao, cả đời họ chỉ chăm lo làm ăn nhưng vẫn luẩn quẩn trong cái vòng quay của sự nghèo khó, một cuộc sống lo ăn lo mặc còn chẳng đủ đầy, thì đối với họ việc cưỡi ngựa bắn tên hay luyện tập võ ngựa nơi thao trường đều là những thứ nằm ngoài sức tưởng tượng. Người nông dân chỉ quen với mảnh ruộng, con trâu thứ gắn liền với cuộc sống vốn đã đủ lo toan bộn bề, sớm ngày quanh quẩn bên ngôi làng thân thuộc, gắn bó từ lúc sinh ra cho tới lúc về đất mẹ bao la. Việc nhà binh xưa giờ họ chưa bao giờ tưởng tới, bởi việc ấy vốn đã có triều đình lo quân đội tinh nhuệ, dùng quốc khố mà bồi dưỡng nên, những người nông dân vốn từ bao đời nay quanh quẩn, thạo tay với những việc "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", chân tay lấm lem bùn đất, quanh năm chỉ lo cày, cấy, tay chỉ quen dùng cuốc, xẻng, liềm, hái,... những thứ vũ khí giết người, tự vệ đối với họ là những vật phẩm xa lạ và ghê gớm, chẳng dám nghĩ sẽ có một ngày đụng đến.

Nhưng than ôi, quân bất nghĩa chẳng biết từ nơi nào tới bỗng tràn vào gây ra bao tội ác, chúng xâm phạm lãnh thổ, gây nhũng nhiễu, đàn áp khắp mọi nơi, ngôi làng, mái nhà vốn dĩ bình yên tươi đẹp biết mấy, nay bỗng tan hoang, cuộc sống vốn cơ cực lại càng cơ cực hơn. Nỗi lòng căm hận quân cướp nước dâng trào trong tâm khảm mỗi người nông dân, đến mức:

"Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan;
Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ."

Lớp người nông dân vốn tin tưởng vào triều đình, tin và bậc quan quân sẽ sớm ngày dẹp yên bè lũ quân xâm lược nghênh ngang để làng xóm lại yên bình, dân chúng lại lo toan làm ăn. Nhưng không, cái mà họ nhận được ấy là sự thờ ơ, hèn nhát của vua tôi nhà Nguyễn "Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn mong mưa", mặc dù lũ giặc đã xâm lấn nhanh như cỏ dại mọc ngoài đồng. Trước tình cảnh khốn đốn, nước xa không cứu được lửa gần, người nông dân đã vùng dậy đấu tranh, thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc sâu sắc, lòng yêu nước từ máu xương, phút chốc họ trở thành những người anh hùng có tầm vóc to lớn, sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc quyết sinh. Từ người nông dân vốn bao đời chẳng có niềm khát khao gì trừ được yên ổn làm ăn, cơm no áo ấm là đủ mãn nguyện, thì hôm nay trước nạn mất nước sắp tới gần, họ lại có một khao khát tột độ, ấy là niềm khao khát được xông pha nơi chiến trường giết giặc trả lại yên bình cho tổ quốc thân yêu. Tấm lòng ấy thể hiện trong câu:

"Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình;
Chẳng thèm trốn ngược, trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ"

Sự tự nguyện, tấm lòng đáng quý ấy quả thực xứng đáng với tên gọi người nông dân nghĩa sĩ. Thế nhưng họ ra giết giặc bằng gì? Câu trả lời có trong đoạn văn tế sau đây, Nguyễn Đình Chiểu viết bằng một tâm trạng xót thương và đồng cảm trước hoàn cảnh cảu người nông dân:

"Khá thương thay:
Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh;
Chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ.
Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn;
Chín chục trận binh thư, đâu chờ bày bố.
Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi đeo bao tấu bầu ngòi;
Trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu nón gõ."

Những người nông dân nghĩa sĩ ấy ra trận với phong thái hiên ngang, anh dũng, nhưng cũng thô sơ, nghèo nàn, lấy manh áo vải làm áo giáp, lấy gậy tầm vông làm vũ khí, cũng chẳng cần món võ nghệ thủ thân hay cuốn binh thư dắt gối, họ chiến đấu bằng tất cả những gì mình có được, nào có trang bị vũ khí này kia.

"Hoả mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia;
Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ."

Thế nhưng thật tự hào và khâm phục làm sao, trong đôi bàn tay cùng trí óc sáng tạo của người nghĩa sĩ áo vải anh hùng, bó rơm cũng thành vũ khí, dao phay cũng có thể chém bay đầu bọn cướp nước. Người nghĩa sĩ, chẳng màng chuyện súng đạn lăm lăm nhắm vào mình mà cứ thế lướt tới, tâm đã định sẵn chuyến đi này là quyết tử, chính cái khí thế kinh hồn đó đã khiến cho bọn Tây phải khiếp sợ:

"Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mã tà ma ní hồn kinh;
Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ"

Cứ thế, nhằm địch mà giết chẳng màng đến sống chết, những người nghĩa sĩ anh hùng cũng phải khiến cho bọn lính được trang bị vũ khí phải kinh sợ, cứ nhìn lại những tên giặc hè trước, ó sau mà vẫn cứ loạn như cào cào, tâm thế không ổn định, thật nực cười cho lũ cướp nước sâu bọ.

Cuộc chiến đi vào hồi kết, quân địch thương vong đáng kể, nhưng đau đớn hơn cả là những người nghĩa sĩ anh hùng đã mãi mãi nằm xuống trên mảnh đất mà họ dùng cả tính mạng để bảo vệ. Đó là nỗi mất mát to lớn cho những người ở lại, thế nhưng hình tượng người nông dân nghĩa sĩ sẽ mãi bất tử trong tâm hồn của nhân dân Việt Nam ta mãi muôn đời sau. Cuộc chiến này tuy đau thương nhưng không hề bi lụy, thể hiện hiềm tự hào, tinh thần anh dũng, quả cảm sẵn sàng hi sinh của người nông dân Việt Nam thời bấy giờ.

Bài văn tế với giọng văn giản dị, thấm thía, đau xót của Nguyễn Đình Chiểu là nỗi thương cảm sâu sắc cho số phận người nông dân, dưới chế độ phong kiến, dưới bi kịch phải đứng dậy đấu tranh trong khi tay không tấc sắt, triều đình làm ngơ. Nhưng lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự tôn dân tộc không cho phép họ nhìn lũ giặc Tây chà đạp lên mảnh đất quê hương, họ đã đứng lên đấu tranh bằng tất cả những gì mình có. Hình ảnh người nghĩa sĩ anh hùng đã trở thành tượng đài bất tử trong cả văn học Việt Nam lẫn trong lịch sử dân tộc, mãi mãi không thể phai mờ, đó là niềm tự hào sâu sắc, là bài học đáng quý cho lớp lớp thế hệ đi sau về tấm lòng anh hùng, xả thân vì Tổ quốc.

--------------- Hết bài 1 -------------------

Có thể nói, bài văn mẫu phân tích hình ảnh người nông dân đánh giặc trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đã mang đến một góc nhìn đầy mới mẻ về hình tượng người anh hùng, vừa bi tráng, bi thương mà lại hào hùng, mạnh mẽ. Bên cạnh bài văn mẫu này, để hiểu và làm tốt bài văn phân tích  Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,  các em cần tham khảo bài Cảm nhận về bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Quan niệm về người anh hùng trong Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc, Phân tích giá trị nghệ thuật đặc sắc của bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Hoàn cảnh sáng tác Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,...
 

2. Hình ảnh người nông dân đánh giặc trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,  mẫu số 2 (Chuẩn):

Mỗi khi đất nước bị bóng giặc ngoại xâm giày vò, cuộc kháng chiến của nhân dân ta lại bùng lên dữ dội và hừng hực khí thế. Người nông dân tham gia vào chiến trận từ xưa đến nay là vô số, song chỉ đến khi “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” ra đời, tượng đài về người nông dân nghĩa sĩ mới thực sự được khắc họa sinh động. Hình ảnh người nông dân đánh giặc dưới ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu hiện lên vừa hùng dũng, hiên ngang nhưng cũng không thể tránh khỏi nỗi bi thương, mất mát.

“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” được viết theo yêu cầu của Đỗ Quang tuần phủ Gia Định để truy điệu các nông dân nghĩa sĩ đã hi sinh trong trận tấn công đồn Cần Giuộc đêm 16 – 12 – 1861. Tác giả sử dụng thể văn tế - thể Phú Đường Luật để bày tỏ lòng thương tiếc đối với những người đã mất. Hình ảnh người nghĩa sĩ Cần Giuộc vì thế hiện lên với vẻ đẹp bi tráng, vừa hào hùng vừa xúc động.

Trước khi giặc đến, họ có cuộc sống “cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó”, “việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm”. Đó là cuộc sống gắn bó với ruộng đồng, con trâu cái cày, chịu khó, lam lũ, nhưng vẫn nghèo túng. Đến khi giặc xâm lược nước ta, dù xa lạ, không hiểu biết với công việc nhà binh nhưng vì lòng căm thù giặc sâu sắc, họ đã đứng lên chống giặc. Thái độ ghét bỏ của họ được bộc lộ một cách trực tiếp với ngôn ngữ của đời sống nông thôn: “mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ”, “bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ”. Hành động tội ác và sự hoành hành ngang nhiên, khiêu khích của quân thù diệt tàn cuộc sống của người nông dân khiến họ không kìm đuộc tức giận. Họ nhận thức được trách nhiệm của mình trước hoàn cảnh đất nước và biến nhận thức ấy thành hành động mà không cần thúc giục: “Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này ra sức đoạn kình”.

bai van phan tich hinh anh nguoi nong dan trong van te nghia si can giuoc

Những bài Phân tích Hình ảnh người nông dân đánh giặc trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc hay nhất

Trong cuộc chiến đấu với kẻ thù, dù điều kiện chiến đấu còn nhiều khó khăn song vẻ đẹp của người nông dân nghĩa sĩ lại ngời sáng hơn bao giờ hết. Họ ra quân với lực lượng không quen binh đao, vũ khí là những vật dụng thô sơ, binh thư, binh pháp thì không quen, không biết, khó khăn chồng chất khó khăn: “Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ”. Vậy mà, họ chiến đấu với tinh thần quả cảm tự nhiên, không tính toán với hành động tung hoành: đạp lướt, xô, đâm, đánh, chém rớt, lao... Động từ liên hoàn kết hợp với nhịp câu ngắn đã góp phần tái hiện không khí khẩn trương, sôi động đầy hào hứng của trận đánh cùng khí thế ngút trời của những người tham gia chiến trận. Bức tranh chiến trận ấy miêu tả rõ tinh thần bão táp, hào hùng của nghĩa sĩ và sự thất điên bát đảo của quân thù.

Ngay cả khi những người nghĩa sĩ nông dân đã hi sinh, ở họ ta vẫn thấy được vẻ đẹp của lòng trung hiếu. Đau xót có, bi tráng có song vượt lên tất cả là tư thế của người anh hùng hiên ngang: “Những lăm lòng nghĩa lâu dùng; đâu biết xác phàm vội bỏ”, của tinh thần sử thi ngời sáng: “Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu tây, ở với man di rất khổ”, “một trận khói tan, nghìn năm tiết rỡ”. Mặc dù tất cả họ đã hi sinh nhưng tinh thần dũng cảm ấy vẫn luôn còn mãi, tấm lòng son sắt ấy sẽ trường tồn cùng với thời gian. Lòng trung hiếu của nghĩa sĩ Cần Giuộc vì thế vĩnh viễn hóa: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ bình, muôn kiếp nguyện được trả thù kia; sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó”.

Qua việc sử dụng ngôn ngữ chân thực, giàu cảm xúc cùng lời văn biền ngẫu, uyển chuyển, thủ pháp liệt kê, đối lập, tác phẩm đã khắc họa tượng đài đồ sộ, hoành tráng về người nông dân Nam Bộ anh dũng. Tác phẩm vì thế được xem là một thành tựu đột xuất, một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc về người nông dân.

----------------------HẾT------------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/hinh-anh-nguoi-nong-dan-danh-giac-trong-van-te-nghia-si-can-giuoc-42109n.aspx
Trên đây là 2 bài văn mẫu phân tích hình ảnh người nông dân đánh giặc trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc hay nhất, đặc sắc nhất mà Taimienphi.vn biên soạn, tổng hợp được. Bên cạnh bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, chương trình Ngữ Văn lớp 11 còn nổi tiếng với các bài Phân tích tâm trạng người lữ khách trong bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cátPhân tích bài thơ Thương vợ để làm nổi bật tâm sự mang nỗi niềm thế sự của tác giả, Hãy phân tích nghệ thuật sử dụng từ ngữ độc đáo qua bài Câu cá mùa thu,..., Các em cần tham khảo các bài văn mẫu này để học, ôn tập kiến thức và bổ sung vào bài tập làm văn trên lớp của mình.

Tác giả: Lê Thị Thuỷ     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Tóm tắt bài Văn tế nghĩa sĩ Cần giuộc
Phân tích Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc để thấy đây là bức tượng đài bi tráng về người nông dân nghĩa sĩ đánh Pháp từ những ngày đầu chúng xâm lược đất nước ta.
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, một tượng đài nghệ thuật về người anh hùng nông dân
Dàn ý Vẻ đẹp của hình tượng người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu
Tinh thần nhân đạo của Nguyễn Đình Chiểu thể hiện thế nào khi xây dựng hình tượng người nông dân anh hùng trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
Từ khoá liên quan:

Hinh anh nguoi nong dan danh giac trong Van te nghia si Can Giuoc

, Hinh tuong nguoi nong dan danh giac trong Van te nghia si Can Giuoc, Van mau phan tich hinh anh nguoi nong dan danh giac trong Van te nghia si Can Giuoc ,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới

  • Dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Tràng giang của nhà thơ Huy Cận

    Những bài văn mẫu phân tích Tràng giang trong chương trình Ngữ văn lớp 11 do Taimienphi biên soạn sẽ giúp các em cảm nhận được những suy tư sâu sắc mà tác giả gửi gắm.

  • Cảm nhận bài thơ Từ ấy của Tố Hữu hay nhất, ngắn gọn

    Bài thơ “Từ ấy” là một tác phẩm vô cùng nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, thể hiện được niềm hân hoan và xúc động khi bắt gặp lí tưởng cách mạng. Cảm nhận bài thơ Từ ấy bao gồm dàn bài chi tiết và bài văn dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về lí tưởng cách mạng cùng tiếng thơ trữ tình – chính trị của nhà thơ. Từ đó, các em sẽ dễ dàng viết được bài văn cảm nhận này.

  • Phân tích Chí Phèo của Nam Cao

    Chí Phèo là truyện ngắn xuất sắc và nổi bật nhất của nhà văn Nam Cao khi viết về chủ đề người nông dân trong xã hội thời xưa. Bài văn mẫu Phân tích Chí Phèo dưới đây sẽ giúp các em thấy được sự cùng cực, khốn khổ của người nông dân xưa dưới sự áp bức của giai cấp thống trị qua cuộc đời và số phận của nhân vật Chí Phèo.

  • Lịch thi đấu AFC Asian Cup 2024, VCK U23 Việt Nam mới nhất

    Cập nhật lịch thi đấu VCK U23 Việt Nam tại Asian Cup 2024 mới nhất khởi tranh từ 12/01/2024 đến 10/02/2024 tại Qatar, Việt Nam nằm tại bảng D cùng