Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2020

Để chuẩn bị tốt nhất cả về kiến thức và kĩ năng cho kì thi vào 10 năm 2020, bên cạnh việc ôn tập nội dung các văn bản, các em có thể luyện tập thêm kĩ năng làm bài, viết bài qua hệ thống Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2020 có đáp án mà Taimienphi.vn giới thiệu dưới đây
Nội dung bài viết:
I. Đề số 1
  * Phần đề thi
  * Đáp án
II. Đề số 2
  * Phần đề thi
  * Đáp án
III. Đề số 3
  * Phần đề thi
  * Đáp án
IV. Đề số 4
  * Phần đề thi
  * Đáp án
IV. Đề số 5
  * Phần đề thi
  * Đáp án

de thi thu vao lop 10 mon ngu van nam 2020

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2020
 

1. Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2020, mẫu số 1:


* Đề thi:

Phần I:  ĐỌC - HIỂU (2,5 điểm)

Cho đoạn trích:

“Con bé thấy lạ quá, nó chớp mắt nhìn tôi như muốn hỏi đó là ai, mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: “Má! Má!”. Còn anh, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy”.

(Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2009, tr.196)

Câu 1: Đoạn trích trên được rút ra từ tác phẩm nào, tác giả ai?
Câu 2: Phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích?
Câu 3: Kể tên hai nhân vật được người kể chuyện nhắc tới trong đoạn trích?
Câu 4: Xác định thành phần khởi ngữ trong câu: “Còn anh, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy”.

Phần II. LÀM VĂN

Câu 1 (2.5 điểm)

“Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”

(Huy Cận, “Đoàn thuyền đánh cá”, Ngữ văn 9, tập1, NXB GD, 2011, trang 140)

Từ hai câu thơ trên, em hãy viết một đoạn văn (hoặc bài văn ngắn) với nội dung: “Biển như lòng mẹ”.

Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận của em về tình cảm của nhân vật ông Sáu dành cho con trong trích đoạn“Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.


* Đáp án:

Câu 1: Đoạn trích được rút ra trong tác phẩm "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng
Câu 2: Phương thức biểu đạt chính: Tự sự
Câu 3: Tên 2 nhân vật được nhắc tới: Anh Sáu, bé Thu
Câu 4: Thành phần khởi ngữ: Còn anh, anh

PHẦN II: LÀM VĂN

Câu 1: Gợi ý làm bài

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Biển đối với đời sống con người có một vai trò hết sức quan trọng và to lớn. Trong tâm thức người Việt, biển là đất nước, là cuộc sống
- Bàn luận

Biển cả đối với con người thật ấm áp, như người mẹ hiền chở che, nuôi nấng con người lớn lên, bao bọc con người với một tình cảm trìu mến, thân thương.

+ Biển đem lại cho chúng ta nhiều nguồn tài nguyên, khoáng sản: dầu khí, than, sắt, cát thủy tinh …
+ Cung cấp nguồn thủy hải sản với trữ lượng lớn: Tôm, cá, cua, …
+ Biển gắn liền với những giá trị thiêng liêng tâm linh và lịch sử: Truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ, những chiến công lịch sử Bạch Đằng, Vân Đồn xưa, Cồn cỏ, đường huyền thoại Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ …
+ Biển có vị trí đặc biệt quan trọng về quân sự, tạo nên nhiều khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng …

- Phê phán: Những hành động của con người làm hại, ảnh hưởng đến môi trường biển như các nhà máy, xí nghiệp thải nhiều chất độc hại; con người khai thác tài nguyên biển quá mức; …
- Bài học rút ra:
+ Biển cung cấp nguồn tài nguyên đảm bảo sự tồn tại và phát triển của nhân loại nhưng biển cũng cần sự bảo vệ của con người.
+ Chúng ta cần nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển, hải đảo; cũng như tôn vinh những giá trị của nó với sự sống cộng đồng.
+ Nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên, môi trường biển, hải đảo.
+ Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại cần xây dựng ý thức vươn ra biển, làm giàu từ biển trong cộng đồng người Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế Việt Nam là một quốc gia mạnh về biển trong khu vực. Và song song với đó là xây dựng lực lượng quân sự hùng hậu đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo

Câu 2: Cảm nhận về tình cảm của nhân vật ông Sáu dành cho con trong trích đoạn “Chiếc lược ngà”


Dàn ý tham khảo

1. Mở Bài

Đọc tác phẩm "Chiếc lược ngà", ta thấy được tấm lòng rộng lớn, bao dung của một người cha-ông Sáu dành cho con gái của mình.

2. Thân Bài
- Nỗi mong chờ, nhớ con tha thiết ngày ở chiến trường
- Bao dung và ấm áp khi gặp lại con
- Chịu đựng và thương con bởi những thiệt thòi của bé Thu khi phải xa ông từ nhỏ
- Ân cần khi bên con
- Dồn hết tình yêu làm món quà nhỏ tặng con
- Gửi gắm nỗi nhớ mong qua kỉ vật cuối trước khi hi sinh-chiếc lược ngà
-> Với ông sáu, bé Thu chính là món quà tuyệt vời nhất mà cuộc đời ban tặng

3. Kết Bài

Ông Sáu chính là hình ảnh biểu tượng cho bao người cha vĩ đại trên cuộc đời này. Những người đã hy sinh thầm lặng vì hạnh phúc, niềm vui của con, thương con vô điều kiện.
 

>>Tham khảo bài văn mẫu: Tình cảm của ông Sáu với con trong truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng


2. Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2020, mẫu số 2:


* Đề thi:

Phần I (5,5 điểm):

Viết về hình ảnh người lính có một nhà thơ đã viết:

“Súng bên súng, đầu sát bên đầu”

Câu 1: Hãy chép lại khổ thơ có chứa câu thơ trên. Khổ thơ em vừa chép nằm trong bài thơ nào? Của ai? Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ?
Câu 2: Câu thơ: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu” sử dụng những biện pháp nghệ thuật gì? Nêu tác dụng của những biện pháp nghệ thuật ấy?
Câu 3: Viết đoạn văn (khoảng 12 câu) theo phương pháp lập luận diễn dịch phân tích ba câu cuối bài thơ để thấy được biểu tượng đẹp, giàu chất thơ về tình đồng chí, đồng đội. Trong đoạn có sử dụng thành phần biệt lập phụ chú và phép nối để liên kết. (Gạch chân, chỉ rõ).
Câu 4: Đoạn thơ trên gợi cho em nhớ tới một bài thơ nào trong chương trình Ngữ văn 9 cũng viết về tình đồng chí, đồng đội của người lính? Chép lại câu thơ thể hiện cử chỉ thân thiện và tình cảm của những người lính cách mạng trong bài thơ đó. Cho biết tên tác giả?

Phần II (2,5 điểm):

Trong tác phẩm “Phong cách Hồ Chí Minh” của Lê Anh Trà có đoạn:

“…Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và có lẽ cả thế giới, có một vị Chủ tịch nước lấy chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh chiếc ao làm “cung điện” của mình…. Chiếc nhà sàn đó cũng chỉ vẻn vẹn có vài phòng tiếp khách, họp Bộ chính trị, làm việc và ngủ, với những đồ đạc rất mộc mạc đơn sơ. Và chủ nhân chiếc nhà sàn này cũng trang phục hết sức giản dị, với bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ như của các chiến sĩ Trường Sơn đã được một tác giả phương Tây ca ngợi như một vật thần kì. Hằng ngày, việc ăn uống của Người cũng rất đạm bạc, với những món ăn dân tộc không chút cầu kì, như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa…”

Câu 1: Trong câu văn in đậm việc sử dụng dấu ngoặc kép có dụng ý gì? Chỉ ra phần phụ tình thái trong câu văn đó?|
Câu 2: Đoạn văn đã thể hiện nét đẹp nào trong lối sống của Bác?
Từ vẻ đẹp trong lối sống của Bác, hãy viết đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi nêu suy nghĩ của em về phong cách sống đẹp của thế hệ trẻ hiện nay.

Phần III (2 điểm):

Hãy tóm tắt phần hai truyện "Chuyện người con gái Nam Xương" bằng đoạn văn khoảng 3 đến 5 câu. Với cách kết thúc truyện như vậy tác giả Nguyễn Dữ muốn gửi gắm suy nghĩ gì?


* Đáp án:

Phần I: (5,5 điểm)

Câu 1:

- Khổ thơ có chứa câu trên:

“Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.

- Khổ thơ trên được trích trong bài thơ "Đồng chí" của nhà thơ Chính Hữu. Bài thơ được sáng tác năm 1948 trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Câu 2:
- Câu thơ: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu” sử dụng những biện pháp nghệ thuật hoán dụ, điệp từ, liệt kê, cấu trúc đối…
- Tác dụng của các biện pháp nghệ thuật: Súng biểu tượng cho nhiệm vụ chiến đấu, “đầu” biểu tượng cho lí tưởng. -> Nhấn mạnh cơ sở hình thành tình đồng chí là họ cùng được giác ngộ nên có chung nhiệm vụ, chung lý tưởng, chung mục đích chiến đấu. 

Câu 3:

Hướng dẫn
- Nội dung: Khai thác các tín hiệu nghệ thuật để làm nổi bật các nội dung:
+ Tái hiện một đêm phục kích chờ giặc tới của người lính khi đối mặt với vất vả, nguy hiểm.
+ Họ chủ động chờ giặc tới.
+ Câu thơ: “Đầu súng trăng treo” gợi mở bao ý tưởng…
+ Câu thơ như nhãn tự của bài, vừa mang tính hiện thực, vừa mang tính lãng mạn, là biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí.

Câu 4:
- Từ đoạn thơ ở câu 1 có thể cho chúng ta thấy hiện hữu lên hình ảnh, tình động động trong bài thơ "Bài thơ về tiểu đội xe không kính"
- Câu thơ thể hiện cử chỉ thân thiện và tình cảm của những người lính cách mạng trong bài thơ: “Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”
- Tác giả: Phạm Tiến Duật

Phần II: (2,5 điểm)

Câu 1: 
- Trong câu văn in đậm việc sử dụng dấu ngoặc kép có dụng ý để đánh dấu từ ngữ được hiểu theo nghĩa đặc biệt.
- Thành phần phụ tình thái: "có lẽ"

Câu 2:
- Đoạn văn đã thể hiện nét đẹp của Bác đó là "Lối sống giản dị"
- Hướng dẫn viết đoạn văn nêu suy nghĩ của em về phong cách sống đẹp của thế hệ trẻ hiện nay.
* Làm rõ vấn đề “Giản dị là một lối sống đẹp”
- Giải thích: Giản dị là lối sống đơn giản, phù hợp với điều kiện của bản thân, gia đình, xã hội; không cầu kì, xa hoa, lãng phí.
- Biểu hiện: Lối sống giản dị thể hiện qua cách ăn mặc, nói năng, giao tiếp ứng xử…
- Chứng minh giản dị là một lối sống đẹp:
+ Giản dị giúp con người tiết kiệm được tiền bạc, tránh sự lãng phí không cần thiết cho bản thân, gia đình, xã hội.
+ Giản dị giúp con người có lối sống đề cao những giá trị tinh thần.
+ Người có lối sống giản dị thường hòa đồng, gần gũi, thân thiện với mọi người nên được yêu mến.

-  Dẫn chứng: Bác Hồ là tấm gương sáng về lối sống giản dị.
- Phê phán: Những người sống xa hoa, lãng phí, thích ăn chơi hưởng thụ.
- Bài học, liên hệ bản thân. 

Phần III: (2,0 điểm)

- Tóm tắt truyện "Chuyện người con gái Nam Xương"
- Bài văn tham khảo: Tóm tắt chuyện người con gái Nam Xương
- Cách kết thúc của truyện: Vừa gửi gắm giá trị nhân đạo, vừa có giá trị tố cáo sâu sắc
+ Tạo kết thúc có hậu cho câu chuyện, hoàn thiện vẻ đẹp nhân cách của Vũ Nương
+ Tố cáo xã hội phong kiến nam quyền.
 

3. Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2020, mẫu số 3:


* Đề thi:

Câu 1 (2.0 điểm)

Đọc đoạn thơ và trả lời các câu hỏi:

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo vội vã vượt trường giang
Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…

(Ngữ văn 8, tập hai, NXB Giáo dục, 2014)

a) Đoạn thơ trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?
b) Tìm các từ cùng trường từ vựng chỉ sự vật có liên quan đến nghề chài lưới.
c) Chỉ rạ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong đoạn thơ trên.

Câu 2 (2,0 điểm)

Bên cạnh những lợi ích, mạng xã hội Facebook còn có tác hại không nhỏ đối với giới trẻ.Hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 đến 12 câu) trình bày suy nghĩ của em về tác hại củamạng xã hội Facebook.

Câu 3 (6,0 điểm)

Cảm nhận của em về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng - Kim Lân. Qua đó, em rút ra bài học gì để phát huy lòng yêu nước trong thời đại ngày nay.
 

* Đáp án:

Câu 1:
a) Đoạn thơ trên được trích trong bài thơ Quê Hương của Tế Hanh
b) Các trường từ vựng chỉ sự vật liên quan đến nghề chài lưới: chiếc chuyền, mái chèo,trường giang, cánh buồm
c) Hình ảnh so sánh "chiếc thuyền nhẹ hăng như cho tuấn mã" "cánh buồm dương to như mạnh hồn làng".
- "Hăng" nghĩa là hăng hái, hãng say gợi tả khí thế ra khơi vô cùng mạnh mẽ, phấn chấn. Con thuyền được so sánh "hăng như con tuấn mã" là một so sánh độc đáo. Tuấn mã là ngựa tơ, ngựa khỏe, ngựa đẹp và phi nhanh. Những con thuyền lướt sóng như đoàn tuấn mã phi như bay với khí thế hăng say, với tốc độ phi thường.
- Cánh buồm tượng trưng cho sức mạnh và khát vọng ra khơi đánh cá, chinh phục biển để xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Cánh buồm - mảnh hồn làng - ấy còn là niềm hi vọng to lớn của làng chài quê hương.

Câu 2:
- Nêu vấn đề: Lợi ích quan trọng nhất đối với mạng xã hội này là giúp mọi người kết nối với nhau nhưng dường như qua đó nó lại thể hiện nhiều tác hại không nhỏ đối với giới trẻ.
- Những tác hại đối với giới trẻ:
+ Sử dụng Facebook quá nhiều không chỉ khiến bạn dành ít thời gian cho người thân mà còn khiến họ buồn phiền khi bạn coi trọng bạn bè "ảo" hơn những gì trước mắt.
+ Sử dụng Facebook càng nhiều thì càng cảm thấy tiêu cực, thậm chí dẫn đến trầm cảm.
+ Sử dụng Facebook cả ngày cũng có thể gây béo phì. Nguyên nhân là bạn sẽ không có thời gian để vận động, không tập thể dục.
+ Quá chú tâm vào mạng xã hội dễ làm người ta quên đi mục tiêu thực sự của cuộc sống. Họ chăm chú để trở thành người nổi tiếng trên mạng.
+ Nguy cơ từ hacker, virus đều cảnh báo sự riêng tư cá nhân dần mất đi khi mạng xã hội ngày càng phát triển.
+ Ngồi trước máy tính hay điện thoại để lướt Facebook cả ngày có thể dẫn đến sự lười biếng. Đó chính là sự lãng phí thời gian.
+ Những người sử dụng mạng xã hội càng nhiều thì càng có xu hướng theo dõi mọi hành động của người ấy. Đây cũng là một phần dẫn đến cãi vã và chia tay.
+ Người dùng mạng xã hội Facebook càng nhiều thì càng cảm thấy cô đơn.
+ Sử dụng Facebook không đúng cách có thể gây bạo lực trên mạng
+ Sử dụng mạng xã hội Facebook có thể làm giảm tương tác giữa người với người.
+ Xao lãng mục tiêu cá nhân và giết chết sự sáng tạo, kết quả học tập giảm sút
- Bài văn tham khảo: Nghị luận về tác hại của mạng xã hội Facebook với giới trẻ

Câu 3:

Dàn ý tham khảo

1.  Mở bài

- Giới thiệu về truyện ngắn Làng và nhân vật ông Hai

2. Thân bài

a. Tóm tắt tác phẩm và nêu tình huống truyện

- Truyện kể về ông Hai - người nông dân yêu làng tha thiết nhưng phải đi tản cư. Ngày ngày ông đều chăm chỉ nghe đọc báo trên đài phát thanh để nắm bắt thông tin về cái làng của mình. Nhưng thật không may, ông phải đối diện với thông tin làng mình theo giặc nên vô cùng đau khổ, tủi nhục, giằng xé, sợ hãi. Ông lo lắng không biết rồi sẽ phải đi đâu về đâu? Ông nghĩ đến việc về làng rồi lập tức loại bỏ suy nghĩ đó: "Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù"...
- Đoạn trích là cuộc đối thoại giữa hai cha con ông lão sau khi đưa ra quyết định đó.

b. Phân tích nhân vật ông Hai trong đoạn trích

* Nỗi đau đớn của ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc: Mấy hôm liền ông chỉ ru rú ở xó nhà, không dám đi đâu vì tủi hổ, nhục nhã, sợ người ta biết ông là người Chợ Dầu.
- Ông lão ôm đứa con trai út vào lòng, trò chuyện với nó như để giải tỏa nỗi lòng: "Những lúc buổn khổ quá chẳng biết nói cùng ai, ông lão lại thủ thỉ với con như vậy. Ông nói như để ngỏ lòng mình, như để mình lại minh oan cho mình nữa".
- Chuyện về làng Chợ Dầu như một nỗi ám ảnh, xoắn chặt lấy tâm can ông. Dù đau đớn và tủi nhục, ông vẫn không khỏi hướng về làng nên đã hỏi con: “Thế nhà con ở đâu?... Thế con có thích về làng Chợ Dầu không?", ông hỏi nó nhưng là hỏi chính lòng mình và câu trả lời của đứa trẻ chính là nỗi lòng của ông.
- Ông lão khóc, nước mắt giàn giụa “chảy ròng ròng hai bên má". Đó là giọt nước mắt của biết bao cay đắng, tủi nhục ê chề mà chỉ những người giàu lòng tự trọng như ông mới có được.
- Tình yêu cách mạng, lòng tin yêu cụ Hồ của ông lão đã truyền sang cho cả đứa con. Cả hai bố con ông đều một lòng "ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!".
- Tình cảm đó còn thể hiện rõ qua những câu văn nửa trực tiếp - lời văn như lời độc thoại nội tâm của nhân vật.

* Niềm vui của ông Hai khi tin làng thoe giặc được cải chính.
- Cái cách ông đi từng nhàm gặp từng người chỉ để nói với họ tin cải chính ấy đã thể hiện được tinh thần yêu nước son sắt của ông Hai, cái tình cảm chân thành của người nông dân chất phác.
- Ông kể cho mọi người nghe về trận chống càn quét ở làng chợ Dầu với niềm tự hào khôn tả.
=> Tinh yêu làng, yêu nước, yêu cách mạng nơi ông thật sâu sắc, mãnh liệt.
- Nhà văn Kim Lân đã tạo dựng một tình huống thử thách tâm lí nhân vật rất đặc sắc, qua đó, tính cách, phẩm chất của nhân vật nổi lên thật rõ ràng. Lối kể chuyện giản dị, tự nhiên, gần gũi; ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo; sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ đối thoại và độc thoại nội tâm cũng góp phần tạo nên một hình tượng chân thực và đẹp đẽ về người nông dân Việt Nam.
- Đoạn trích đã cho ta thấy sự phát triển trong nhận thức của người nông dân Việt Nam: tình yêu làng là cơ sở của tình yêu nước, yêu cách mạng song tình yêu nước vẫn bao trùm lên tất cả và là định hướng hành động cho họ.

>>Tham khảo bài Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân.

III. Kết bài

- Khẳng định lại vẻ đẹp của người nông dân Việt Nam và tấm lòng của nhà văn đối với họ.
 

4. Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2020, mẫu số 4:


* Đề thi:

Phần I (6,0 điểm)

Trong truyện “Những ngôi sao xa xôi, nhà văn Lê Minh Khuê cố viết:

(1) Quen rối (2) Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần. Tôi có nghĩ tới cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính: liệu mình có nổ, bom có nổ không? Không thì làm thế nào để châm mìn lần thứ hai. Tôi nghĩ thế, nghĩ thêm: đứng cẩn thận, mảnh bom ghim vào cánh tay thì khá phiền. Và mồ hôi thấm vào môi tôi, mằn mặn, cát lạo xạo trong miệng,

Nhưng quả bom nổ. Một thứ tiếng kì quái đến váng óc. Ngực tôi nhói, mắt cay mãi mới mở ra được. Mùi thuốc bom buồn nôn. Ba tiếng nổ nữa tiếp theo. Đất rơi lộp bộp, tan đi âm thần trong những bụi cây. Mảnh bom xé không khi, lao và rít vô hình trên đầu."

1. Từ “tôi" trong đoạn văn trên dùng để chỉ nhân vật nào? Nhân vật đó làm công việc gì? Tính chất của công việc đó như thế nào? (1,0 điểm).
2. Những từ ngữ in đậm trong đoạn trích là lời độc thoại hay độc thoại nội tâm? Hãy phân tích hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng hình thức ngôn ngữ đó. (1,0 điểm)
3. Theo em câu văn “Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần" có hàm ý gì? (0,5 điểm)
4. Viết đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận quy nạp, có sử dụng phép thế để làm rõ vẻ đẹp phẩm chất (được bộc lộ trong đoạn trích trên) của nhân vật “tôi”. Gạch chân những từ ngữ dùng làm phép thể. (3,5 điểm). 

Phần II (4,0 điểm) 
1. Ghi lại chính xác khổ cuối bài “Viếng lăng Bác” của tác giả Viễn Phương và cho biết hoàn cảnh ra đời bài thơ. (1,0 điểm)
2. Tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải có đoạn:

Ta làm con chim hót
Ta là một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời.

(Ngữ văn 9, tập 2 NXB Giáo Dục, tr. 55), 

Hãy chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt về nội dung tư tưởng của khổ thơ em vừa chép ở câu 1 với đoạn thơ trên. (1,0 điểm) 

3. Từ tình cảm biết ơn của nhà thơ Viễn Phương dành cho Bác khi ông vào lăng viếng Người, em suy nghĩ gì về lòng biết ơn trong xã hội ta ngày nay? Hãy trình bày ý kiến bằng đoạn vẫn có độ dài 2/3 trang giấy thi. (2,0 điểm).


* Đáp án 

Phần I (6.0 điểm) 

Câu 1
- Từ tôi trong đoạn trích chỉ Phương Định,
- Công việc của Phương Định: Làm trinh sát mặt đường, hàng ngày chạy trên cao điểm đo khối lượng đất đá lấp hố bom, đếm số bom chưa nổ và phá bom.
- Tính chất công việc: vô cùng gian khổ, hiểm nguy

Câu 2
- Những từ ngữ in đậm trong đoạn trích là lời độc thoại nội tâm của Phương Định.
- Qua hình thức độc thoại nội tâm, nhân vật tự bộc lộ tâm trạng trăn trở của mình một cách chân thực, tự nhiên, khách quan, sinh động. Từ đó làm nổi bật tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh vững vàng của cô trong công việc đầy hiểm nguy, 

Câu 3
- Câu văn “ Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần.”
- Có hàm ý:
+ Phương Định và đồng đội phải phá bom rất nhiều lần trong ngày.
+ Công việc của họ đầy nguy hiểm, cuộc sống vô cùng khắc nghiệt.

Câu 4

Gợi ý nội dung đoạn văn:

- Giới thiệu hoàn cảnh sống hiểm nguy, khắc nghiệt của Phương Định 

+ Cô có nhiệm vụ phá những trái bom chưa nổ. Công việc ấy diễn ra liên tục: Một ngày chúng tội phá bom đến vài lần. Ngày nào ít, ba lần " Nhiệm vụ ấy đồng nghĩa với việc Phương Định và đồng đội phải thường xuyên đối diện với tử thần, mỗi giây phút sống, thần kinh đều phải cũng như dây chão bởi bom có thể nổ bất thình lình.
+ Khi bom nổ, cơ thể có phải chịu sức ép của trái bom: ngực đau nhói, mắt cay xè, mùi thuốc bom buồn nôn. Đất đá, mảnh bom có thể văng vào người gây thương tích bất cứ lúc nào.
+ Với việc sử dụng những câu văn ngắn; lối tính đếm “ năm lần”, “ba lần”; hệ thống động, tính từ mạnh: vàng óc, nhói, cay, xẻ, rít , nhà văn đã khiến người đọc như được cùng nhân vật trải qua những phút giây hiểm nguy, căng thùng của việc phá bom thường xuyên ở chiến trường. Với ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế, đề nhân vật tự sự về chính những trải nghiệm của bản thân, nhà văn Lê Minh Khuê đã diễn tả chân thực, sinh động cảm giác chiến trận đồng thời tái hiện thành công thế giới nội tâm phong phú của Phương Định. 

- Vẻ đẹp của Phương Định: 

+ Tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.

  • Trong hoàn cảnh khốc liệt bom rơi, đạn nổ, sự sống ngàn cân treo sợi tóc, Phường Định có nghĩ tới cái chết nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể.”. Điều cỗ quan tâm là “liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm thế nào để châm mìn lần thứ hai".
  • Qua dòng độc thoại nội tâm nhân vật, với các câu hỏi tu từ liên tiếp, tác giả cho thấy Phương Định luôn đạt hiệu quả công việc phá bom lên trên tính mạng của bản thân mình. Với cô hoàn thành nhiệm vụ là quan trọng nhất. 

+ Bản lĩnh vững vàng, dũng cảm, kiên cường.

  • Phương Định kể: “Quen rồi. Một ngày chúng tôi phả bom năm lần. Ngày nào ít: ba lần". Hình thức câu rút gọn"Quen rồi.”, “Ngày nào ít: ba lần. không chỉ tô đậm tính chất hiểm nguy trong công việc mà còn làm nổi bật làm thế ung dung, bình thản trước gian lao của Phương Định. Dù cái chết đe dọa thường xuyên cũng không làm cô nao núng.
  • Khi phá bom, trong lúc chờ bom nổ, Phương Định không tránh khỏi hồi hộp, lo lắng: “liệu mìn có nổ, bom có nổ không?". Nỗi lo khiến "mồ hôi” cô vã ra “thấm vào mỗi mằn mặn” nhưng không ai làm Phương Định rối trí, cô bình tĩnh tự nhắc bản thân cẩn trọng: đứng cẩn thận, mảnh bom ghim vào cánh tay thì khá phiền.

=> Chỉ một đoạn văn ngắn nhưng bằng cách kế tự nhiên, ngôn ngữ chọn lọc, đan xen lời kể với độc thoại nội tâm, tác giả đã khắc họa thành công vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật Phương Định. Đó cũng là vẻ đẹp tiêu biểu của tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mỹ, cứu nước.

Phần II (4.0 điểm) 

Câu 1

- Khổ thơ cuối bài “Viếng lăng Bác”:

Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

- Hoàn cảnh sáng tác bài thơ năm 1976, khi đó đất nước đã thống nhất, lăng Bác vừa khánh thành, Viễn Phương từ miền Nam ra thăm lăng Bác. Trong niềm xúc động, nhớ thương Bác, ông đã viết bài thơ này.

Câu 2. Nêu được điểm tương đồng và khác biệt sau về nội dung tư tưởng
- Tương đồng
Hai nhà thơ đều muốn hóa thân vào những sự vật nhỏ bé gần gũi, quen thuộc nhưng hữu ích: con chim, cành hoa, đóa hoa, cây tre để bày tỏ một cách chân thành, tha thiết ước nguyện sống đẹp. Đó là lẽ sống đáng trân trọng. 

- Khác biệt
+ Bài “Mùa xuân nho nhỏ" viết về đề tài đất nước. Đoạn thơ là lời tâm nguyện sông công hiện những gì tinh túy của cuộc đời tác giả cho mùa xuân đất nước, cho cuộc đời chung rộng lớn.
+ Bài Viếng lăng Bác" viết về đề tài lãnh tụ. Khổ thơ cuối là lời ước nguyện được ở gần bên Bác. Ước nguyện đó thể hiện tình cảm kính yêu Bác của Viễn Phương. 

Câu 3
- Giải thích: Biết ơn là ghi nhớ, trân trọng những gì ta nhận được từ người khác.
- Biểu hiện lòng biết ơn trong xã hội ngày nay: Phong phú, đa dạng
+ Con cháu hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
+ Thế hệ đi sau luôn ghi nhớ công lao cống hiến, hi sinh trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước của các thế hệ đi trước bằng hoạt động đền ơn đáp nghĩa: quan tâm, chăm Sóc, hỗ trợ thương binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng...; xây dựng đền đài tưởng niệm công ơn...; hằng năm tổ chức các ngày lễ: Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3, ngày Thương binh liệt sĩ 27/7...; xây dựng, trùng tu các di tích lịch sử, các viện bảo tàng, nghĩa trang liệt sĩ...
+ Học trò tri ân công lao của thầy cô.

- Vai trò của lòng biết ơn: Giúp con người giữ gìn lối sống đẹp: ân nghĩa thủy chung, uống nước nhớ nguồn: xoa dịu nỗi đau chiến tranh, đem đến niềm vui nhân ái; bồi đắp vẻ đẹp thiện lương...Sống biết ơn sẽ được mọi người yêu quý, tin tưởng...
- Phê phán hiện tượng sống vô ơn bạc nghĩa của một số người trong xã hội hiện nay.
- Bài học:
+ Biết ơn là tình cảm cao đẹp của con người, cần luôn được bồi đắp
+ Có ý thức giữ gìn, phát huy những thành quả mà cha anh đã dựng xây, bảo vệ.... 
 

5. Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2020, mẫu số 5: 


* Đề thi:

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích :

Tương lai con làm tóc mẹ pha màu
Lưng còng xuống gánh đời con trẻ
Để xế chiều bóng nuôi hình lặng lẽ
Quạnh quẽ một mình...
Một mình mẹ mà thôi !!!
Con trưởng thành hồng má đỏ môi
Mẹ lụm cụm như con cò mò cá !
Con như cây tơ nõn nà phiến lá
Mẹ như hàng so đũa tàn bông !
Mẹ một đời cam phận dòng sông
Khi lớn - khi ròng - ngược - xuôi - vất vả ...
Mang phù sa bồi ruộng đời con.

(Nghĩ về hoàng hôn mẹ, Phan Ngọc Thường Đoan)     

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Anh/Chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào?

Tương lai con làm tóc mẹ pha màu
Lưng còng xuống gánh đời con trẻ

Câu 3. Hãy cho biết hiệu quả của biện pháp so sánh trong các dòng thơ sau:

Con trưởng thành hồng má đỏ môi
Mẹ lụm cụm như con cò mò cá !
Con như cây tơ nõn nà phiến lá
Mẹ như hàng so đũa tàn bông !

Câu 4. Hình ảnh người mẹ được thể hiện trong đoạn trích gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về người phụ nữ Việt Nam?

II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy về ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống.

Câu 2
Đoàn người đông như bầy cà tong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối. Bà con xem, thế là Đăm Săn nay càng thêm giàu có, chiêng lắm la nhiều. Tôi tớ mang của cải về nhiều như ong đi chuyển nước, như vò vẽ đi chuyển hoa, như bầy trai gái đi giếng làng cõng nước.

Vì vậy, danh vang đến thần, tiếng lừng khắp núi, đông tây đâu đâu cũng nghe danh tiếng Đăm Săn. Từ khắp mọi miền, người ta khiêng rượu khiêng lợn đến. Cả miền Ê – đê Ê –ga ca ngợi Đăm Săn là một dũng tướng chắc chết mười mươi cũng không lùi bước. Ngực quấn chéo một tấm miền chiến, mình khoác một tấm áo chiến, tai đeo nụ, sát bên mình ngênh ngang đủ giáo gươm, đôi mắt long lanh như mắt chim ghếch ăn hoa tre, chàng hiện ra là một trang tù trưởng mới giàu lên, đang tràn đầy sức trai, tiếng tăm lừng lẫy. Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy, chàng nằm sấp thì gãy rầm sàn, chàng nằm ngửa thì gãy xà dọc: Đăm Săn vốn đã ngang tàng từ trong bụng mẹ.
Tiệc tùng linh đình, ăn uống đông vui kéo dài suốt cả mùa khô. Đến đây, rượu đã nhạt, ché đã phai, ai ở đâu về đấy, khách lần lượt ra về.

Cảm nhận của em về hình tượng nhân vật Đăm Săn trong đoạn trích trên. Từ đó rút ra những đặc trưng cơ bản của thể loại sử thi


* Đáp án 

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1
- Đoạn trích trên được viết theo thể thơ: Tự do

Câu 2: 
- Nội dung của các dòng thơ:
+ Miêu tả nỗi vất vả, niềm lo lắng, sự chăm chút của mẹ với tương lai, cuộc sống của con.
+ Bộc lộ nỗi xót xa  của tác giả

Câu 3
- Biện pháp so sánh
+ Mẹ - con cò mò cá; hàng so đũa tàn bông
+ Con -  cây tơ nõn nà phiến lá

- Hiệu quả nghệ thuật:
+ Biểu đạt sâu sắc đức hi sinh của mẹ, để con khôn lớn trưởng thành thì mẹ chấp nhận mọi vất vả, nhọc nhằn, vắt kiệt cả tuổi xuân cho con.
+ Hình ảnh so sánh đem đến sự xúc động cho người đọc và tạo nên giọng điệu thiết tha sâu lắng

Câu 4

- Hình ảnh người mẹ trong đoạn trích : Thương yêu con hết mực, tảo tần, chịu thương chịu khó, giàu đức hi sinh…
- Suy nghĩ của bản thân:.........

II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1: Bày tỏ suy về ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống.

>> Tham khảo bài Nghị luận về lòng biết ơn

Câu 2:

- Cảm nhận về nhân vật Đăm Săn trong đoạn trích

>>Tham khảo bài Cảm nhận về nhân vật Đăm Săn trong đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây

- Đặc trưng của thể loại sử thi

  • Sử thi có kết cấu quy mô lớn đề cập đến vấn đề chung của cộng đồng. Sử thi Đăm Săn nói chung, đoạn trích nói riêng đề cập đến cuộc chiến đấu và bảo vệ cuộc sống bình yên của cộng đồng trước các thế lực đối đầu.
  • Nhân vật chính là những anh hùng, mang vẻ đẹp khác thường, tiêu biểu cho sức mạnh, ý chí, khát vọng của cộng đồng. Đăm Săn là hình mẫu lý tưởng về sức mạnh thể chất, nhân cách.
  • Nghệ thuật sử thi: Sử dụng nghệ thuật so sánh trùng điệp, hình ảnh phóng đại, ngôn ngữ  trang trọng mang tính ngợi ca

https://thuthuat.taimienphi.vn/de-thi-thu-vao-lop-10-mon-ngu-van-nam-2020-57988n.aspx
Cùng với Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh là những môn thi quan trọng trong kì thi vào 10 năm 2020, để đạt điểm cao trong kì thi, bên cạnh Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2020, các em có thể ôn tập cho môn Toán và Tiếng Anh qua Đề thi thử vào lớp 10 môn Toán năm 2020 hay Đề thi thử vào lớp 10 môn Tiếng Anh năm 2020 nhé.

Tác giả: Phí Quỳnh Anh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Đề thi tham khảo THPT quốc gia môn Ngữ văn năm 2020
Đề thi và đáp án môn Ngữ Văn vào lớp 10 tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Toán năm 2020
Lịch thi vào lớp 10 năm 2019
Tổng hợp đề thi thử THPT 2021 môn Văn
Từ khoá liên quan:

De thi thu vao lop 10 mon Ngu van nam 2020

, de thi thu vao 10, de thi thu vao 10 mon van co dap an,

SOFT LIÊN QUAN
  • Đề thi vào lớp 10 môn Văn năm 2019

    Bài kiểm tra môn văn vào lớp 10

    Kì thi vào 10 năm 2019 đang diễn ra, đây cũng là giai đoạn các bạn học sinh bắt đầu "chạy nước rút" để tích lũy, trau dồi kiến thức và kĩ năng cho kì thi. Đề thi vào 10 môn Văn năm 2019 sẽ là nguồn tham khảo hữu ích để các bạn học sinh ôn tập và làm quen với một số dạng đề thi thường gặp trong bài thi. Các em hãy cùng tham khảo để củng cố thêm kiến thức và sự tự tin khi đối mặt với kì thi sắp tới nhé!

Tin Mới