Đề bài: Cảm nhận về 4 câu đề từ trong bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên.
Cảm nhận về 4 câu đề từ trong bài Tiếng hát con tàu
I. Dàn ý Cảm nhận về 4 câu đề từ trong bài Tiếng hát con tàu (Chuẩn)
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Chế Lan Viên
- Giới thiệu bài thơ Tiếng hát con tàu
- Giới thiệu khổ thơ đề từ
2. Thân bài
- Cảm nhận 3 câu thơ đầu: Khát vọng lên đường đến với cuộc sống lớn của nhân dân, đất nước...(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Cảm nhận về 4 câu đề từ trong bài Tiếng hát con tàu tại đây.
II. Bài văn mẫu Cảm nhận về 4 câu đề từ trong bài Tiếng hát con tàu
Chế Lan Viên là nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Trước Cách mạng, ta bắt gặp một Chế Lan Viên với những "điêu tàn, khổ đau, vô nghĩa". Sau Cách mạng, nhà thơ đã có sự lột xác "đi từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui" hòa vào cuộc sống lớn của nhân dân, đất nước. Tiêu biểu cho sự đổi thay ấy là bài thơ Tiếng hát con tàu. Bài thơ là khát vọng thoát ra khỏi cái tôi nhỏ hẹp để lên đường đến với cuộc sống lớn của nhân dân, đất nước. Cuộc sống lớn ấy chính là nguồn mạch sáng tạo thi ca. Và khát vọng ấy được thể hiện rõ nét trong khổ thơ đề từ:
Tây Bắc ư ? có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu"
Bài thơ Tiếng hát con tàu ra đời nhân một sự kiện kinh tế - xã hội, đó là khi hòa bình lập lại, miền Bắc bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhân dân miền xuôi lên miền núi Tây Bắc khai hoang, lập nông trường xây dựng và phát triển kinh tế. Theo đó, các văn nghệ sĩ cũng lên đường để bắt nhịp với cuộc sống mới của nhân dân. Với cảm hứng từ cuộc sống lớn của nhân dân, đất nước, Chế Lan Viên đã bộc lộ khát khao được lên đường:
Tây Bắc ư ? có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Câu thơ mở đầu là một câu hỏi tu từ để bộc lộ cảm xúc. Tây Bắc là một địa danh, một miền đất cụ thể của Tổ quốc, ở đó trước kia chúng ta có "kháng chiến mười năm như ngọn lửa". Và giờ đây, ở đó đang diễn ra công cuộc xây dựng, tái thiết lại quê hương đất nước đầy nhộn nhịp, hăng say. Như vậy, Tây Bắc còn mang ý nghĩa biểu tượng. Tây Bắc biểu tượng cho mọi miền của tổ quốc trong thời kì dựng xây, biểu tượng cho cuộc sống lớn của đất nước, nhân dân. Bên cạnh biểu tượng Tây bắc là biểu tượng "con tàu". Con tàu thể hiện khát vọng đến với đất nước nhân dân, hòa mình vào cuộc sống lớn của nhân dân. Đến với nhân dân đất nước là đến với cội nguồn của cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Vậy là khi lòng ta đã hóa những con tàu chất chứa bao khát khao thì đâu chỉ Tây Bắc, đâu riêng gì Tây Bắc, ta có thể đến bất cứ nơi đâu trên mọi miền Tổ quốc. Ở nơi đó cuộc sống "bốn bề lên tiếng hát" đầy tươi đẹp và đó chính là ngọn nguồn nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo thi ca:
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu"
Một lời khẳng định chắc chắn - Tâm hồn ta, cảm hứng nghệ thuật của ta chính là Tây Bắc, chính là cuộc sống lớn của nhân dân đất nước. Chẳng phải kiếm tìm đâu nữa, nguồn mạch thi ca, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ chính là đây - cuộc sống của nhân dân đất nước trong thời kì dựng xây.
Đến đây có thể nói, với những hình ảnh biểu tượng, khổ thơ đề từ đã thể hiện rõ nét khát vọng lên đường, hòa nhập và phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước của Chế Lan Viên. Đồng thời qua đó cũng thấy được một nhận thức mới trong sáng tạo thi ca, đó là nghệ thuật phải bắt nguồn từ cuộc sống của nhân dân, đất nước.
-----------------HẾT-------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-ve-4-cau-de-tu-trong-bai-tieng-hat-con-tau-45944n.aspx
Trên đây là bài Cảm nhận về 4 câu đề từ trong bài Tiếng hát con tàu, sau khi tìm hiểu xong ý nghĩa câu đề từ, các em có thể tìm hiểu thêm về bài thơ qua: Hoàn cảnh sáng tác bài Tiếng hát con tàu, Bình giảng đoạn thơ sau trong bài thơ Tiếng hát con tàu: "Con gặp lại nhân dân... bỗng gặp cánh tay đưa", Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên, Phân tích khổ thơ sau trong bài Tiếng hát con tàu: "Con tàu này lên... đã hóa những con tàu".