Trong văn học, thiên nhiên luôn là một chủ thể trữ tình, là một đối tượng được nhiều tác giả săn đón. Mỗi người lại có những cách khác nhau để mô tả, khai thác hình tượng này. Hãy đến với phần Cảm nhận khổ thơ thứ 7 trong bài Việt Bắc trên Taimienphi.vn để thấy được góc nhìn của nhà thơ Tố Hữu về thiên nhiên Việt Bắc nhé!
Đề bài: Cảm nhận của em về đoạn 7 của bài thơ Việt Bắc.
Cảm nhận khổ thơ thứ 7 trong bài Việt Bắc của Tố Hữu hay nhất
I. Dàn ý Cảm nhận khổ thơ thứ 7 trong bài Việt Bắc ngắn gọn (Chuẩn)
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Tố Hữu, tác phẩm "Việt Bắc và khổ 7 bài thơ.
2. Thân bài:
a. Hai câu đầu: Khái quát nỗi nhớ:
- Mở đầu là lời của người đi nói với người ở, là lời ướm hỏi thường thấy trong những khúc ca đối đáp: "Mình về mình có nhớ ta/ Ta về ta nhớ những hoa cùng người".
- Cách xưng hô thân thiết "mình-ta" cùng câu hỏi "Mình về mình có nhớ ta": mang âm điệu tha thiết ngọt ngào như của đôi lứa yêu nhau.
- "Hoa": hình ảnh ẩn dụ cho thiên nhiên Việt Bắc, thiên nhiên tôn lên vẻ đẹp của con người.
b. Tám câu tiếp: Bức tranh thiên nhiên và con người Việt Bắc.
- Bức tranh mùa đông:
+ Nền xanh mênh mông của núi rừng Tây Bắc được điểm xuyết những chấm "hoa chuối đỏ tươi".
→ Bức tranh mùa đông rừng Việt Bắc được tạo nên bằng vài nét chấm phá nhưng đẹp, thơ mộng, tươi tắn.
+ Hình ảnh của con người thoáng hiện qua ánh "dao gài thắt lưng".
→ Đặt con người trên đỉnh đèo cao, giữa "nắng cháy" và núi rừng hùng vĩ: tôn lên tầm vóc của con người.
- Bức tranh ngày xuân:
+ Cả núi rừng Việt Bắc rộng lớn được bao phủ với màu trắng của "hoa mơ".
→ Đây là loài hoa đặc trưng, là sắc xuân riêng của đất trời Việt Bắc.
+ Hình ảnh người lao động "đan nón" hiện lên rất bình dị, đời thường.
+ Động từ "chuốt": gợi ra hình ảnh của một người đang cẩn thận, tỷ mẩn vót từng sợi giang trong niềm say mê lao động và đôi bàn tay tài hoa.
- Bức tranh ngày hè:
+ Bức tranh thiên nhiên ngày hè sống động cả về âm thanh "ve kêu" và màu sắc "rừng phách đổ vàng".
+ Hình ảnh con người hiện lên giữa thiên nhiên là hình ảnh của "cô em hái măng".
- Bức tranh đêm trăng mùa thu:
+ Động từ "rọi": gợi ra hình ảnh của ánh trăng đang xuyên qua tầng tầng lớp lớp những tán lá cây giữa không gian tĩnh mịch của núi rừng.
+ "Ánh trăng hoà bình": không khí êm ả, yên bình của rừng Việt Bắc trong mùa thu hòa bình đầu tiên của đất nước.
→ Rừng Việt Bắc dưới ánh trăng đẹp lộng lẫy, huyền ảo, hoang sơ.
+ Hình ảnh con người hiện ra qua âm thành của tiếng hát: "Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung".
c. Đánh giá chung về nội dung, nghệ thuật:
- Nội dung:
+ Bức tranh thiên nhiên bốn mùa của núi rừng Việt Bắc đẹp phong phú, đa dạng.
+ Đồng hiện với thiên nhiên là con người với tầm vóc lớn lao, đức tính cần cù trong lao động và sự ân nghĩa thuỷ chung.
- Nghệ thuật:
+ Lối thơ trữ tình chính trị với giọng thơ ngọt ngào tha thiết.
+ Thể thơ lục bát, ngôn từ giản dị, cách xưng hô mình - ta quen thuộc, những lời ướm hỏi thường thấy trong những khúc ca đối đáp.
+ Chất liệu dân gian với lối vẽ tranh tứ bình, cách vẽ thường thấy trong hội họa phương Đông.
3. Kết bài:
- Khẳng định giá trị của đoạn thơ, bài thơ.
II. Bài văn mẫu Cảm nhận khổ thơ thứ 7 trong bài Việt Bắc của học sinh giỏi (Chuẩn)
1. Bài văn Cảm nhận khổ thơ 7 trong bài Việt Bắc ngắn nhất hay số 1
1.1.. Dàn ý Phân tích khổ 7 bài Việt Bắc:
1.1.1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả và bài thơ.
- Giới thiệu về khổ thơ thứ 7 trong bài: Bức tranh tứ bình về bốn mùa Việt Bắc tuyệt đẹp trong nỗi nhớ nơi đây.
1.1.2. Thân bài:
a) Bức tranh tứ bình được coi là tuyệt bút:
* Lời ướm hỏi:
- "Ta về mình có nhớ ta": Hình thức đưa đẩy trong những cuộc hát giao duyên, bày tỏ nỗi lòng của mình.
- Hoa đại diện cho sự tươi đẹp của thiên nhiên. "Hoa cùng người" là kết tinh những gì đẹp đẽ nhất về Việt Bắc cùng thái độ trân trọng, nỗi nhớ sâu lắng tha thiết. Báo hiệu việc miêu tả bức tranh hòa quyện giữa cảnh và người.
* Bức tranh mùa đông:
- Cảnh mùa đông có hai gam màu hòa quyện vào nhau:
+ "Rừng xanh": mênh mông, trầm tĩnh, gợi ra xứ sở êm đềm.
+ "hoa chuối đỏ tươi" như bó đuốc, làm sáng lên cả một góc rừng, xua tan cái lạnh giá của núi rừng.
=> Hai gam màu xanh - đỏ đối chọi đã làm tôn lên sức sống mãnh liệt, tươi đẹp của núi rừng.
- Con người Việt Bắc:
+ Dáng dấp hiên ngang, sừng sững giữa đèo cao thể hiện tư thế ung dung, vững chãi, làm chủ núi rừng của con người.
+ "Nắng ánh dao gài thắt lưng": Người miền núi thường gài dao ở thắt lưng cho tiện việc đi rừng -> Ánh nắng chiếu lên thân dao trở nên sáng hơn -> Câu thơ tràn ngập ánh sáng.
* Bức tranh mùa xuân:
- Không gian "rừng", thời gian "ngày xuân" => Không gian và thời gian rộng lớn với thiên nhiên rộn ràng, náo nức.
- "Mơ nở trắng rừng": màu trắng tinh khiết của hoa mơ rừng như khuếch tán, lan tỏa trong cái trùng trùng điệp điệp của núi rừng.
- "Chuốt từng sợi giang": Dáng vẻ lao động cần mẫn, nổi bật sự tỉ mỉ, khéo léo trong từng động tác của con người Việt Bắc.
* Bức tranh mùa hạ:
- Khung cảnh mùa hạ:
+ Bức tranh mùa hạ có âm thanh "ve kêu" và màu sắc "vàng" đặc trưng, tạo nên liên tưởng nhân quả, một phản ứng dây chuyền lạ lùng: ngỡ tiếng ve như bát màu sóng sánh đổ loang nhuộm vàng cả rừng phách – nửa hư nửa thực thật thơ mộng.
+ Từ "đổ" đầy tinh tế và hiện đại: chuyển đổi màu sắc mau lẹ, chóng vánh. Những ngày cuối xuân, những cây phách vẫn là màu xanh, nụ hoa vẫn náu kín trong kẽ lá, khi tiếng ve cất lên thì nhất loạt trổ hoa vàng, chỉ vài ba ngày rừng phách đã lênh láng sắc vàng.
- "cô em gái hái măng một mình": người con gái miền rừng núi thảo hiền hiện lên với vẻ đẹp lao động cần mẫn, chịu thương chịu khó.
* Bức tranh mùa thu:
- Bức tranh về đêm rừng Việt Bắc: ánh trăng rọi qua vòm lá tạo thành khung cảnh huyền ảo (Liên hệ với những câu thơ tả trăng của Hồ Chí Minh)
-> Khung cảnh trữ tình lí tưởng cho những cuộc hát giao duyên .
- Con người Việt Bắc được khám phá trực tiếp ở phương diện tâm hồn:
+ Tiếng hát là lời tỏ tình, chứa đựng mọi sắc thái của tình yêu, mọi sắc điệu của tâm hồn con người
+ Tiếng hát ân tình thủy chung là tiếng lòng nâng niu, quý trọng tình nghĩa của những con người Việt Bắc "đậm đà lòng son".
b) Đánh giá về bức tranh tứ bình: Tố Hữu đã góp vào kho tàng thơ ca dân tộc 1 bộ tranh tứ bình độc đáo, vừa cổ điển vừa hiện đại:
- Cổ điển: bố cục cân đối, hài hòa. Kết cấu mẫu mực, nhất quán (câu lục tả cảnh, câu bát tả người)
- Hiện đại:
+ Màu sắc: các phổ màu đậm nhạt đan xen rực rỡ "xanh", "đỏ", "trắng", "vàng".
+ Âm thanh: vừa có sự tĩnh lặng, vừa có sự náo nhiệt.
+ Ánh sáng: ánh nắng, ánh trăng
→ Sự vận động của bức tranh thiên nhiên: biến ảo linh hoạt, thay đổi chuyển dịch theo mùa: từ cái lặng lẽ của mùa đông sang cái ồn ã của ngày hè đến sự thanh bình của ngày thu, từ xanh trầm tĩnh sang trắng tinh khiết rồi vàng lộng lẫy…
- Sự kết hợp thiên nhiên – con người: con người không phải làm nền cho thiên nhiên mà ngược lại, thiên nhiên tô điểm cho con người; con người không chìm khuất mà lồng lộng, thành tâm điểm chú ý giữa bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ của Việt Bắc; con người không bất động để trang trí cho cái tĩnh lặng của thiên nhiên mà trong tư thế lao động đời thường, giản dị.
- Cách tân hình tượng, phá vỡ công thức: "hoa cùng người" để đưa vào bức tranh một đặc sản của núi rừng Việt Bắc: ánh trăng hòa bình, trật tự thời gian, màu sắc ước lệ, ánh sáng.
1.1.3. Kết bài:
- Khái quát lại về khổ thơ thứ 7 trong bài "Việt Bắc".
1.2. Bài văn mẫu Cảm nhận khổ thơ thứ 7 trong bài Việt Bắc:
"Việt Bắc" là một trong những thi phẩm vô cùng nổi tiếng, được Tố Hữu sáng tác sau khi hòa bình lập lại. Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết. Đảng và Chính phủ quyết định rời cơ quan đầu não từ chiến khu Việt Bắc - nơi đã gắn bó suốt 15 năm, về thủ đô Hà Nội. Bài thơ chính là nỗi nhớ da diết của tác giả dành cho thiên nhiên và con người Việt Bắc. Đặc biệt, khổ thơ thứ bảy đã khắc họa vô cùng thành công bức tranh tứ bình tuyệt đẹp, làm nổi bật lên hình ảnh núi rừng vùng cao trong tâm trí tác giả.
Mở đầu đoạn thơ chính là lời ướm hỏi của người ra đi dành cho người ở lại:
"Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người."
Việc sử dụng biện pháp điệp "ta về", "nhớ" cùng câu hỏi tu từ đã khiến âm hưởng câu thơ như được kéo dài ra. Cảm xúc bồi hồi, quyến luyến cứ vậy ùa về trong tâm trí tác giả. Hình ảnh "những hoa cùng người" chính là đại diện cho thiên nhiên và con người Việt Bắc. Đây cũng là tín hiệu dành cho độc giả, mở ra bức tranh tứ bình tuyệt đẹp với không gian thơ mộng, đầy màu sắc cùng vẻ đẹp lao động khỏe khoắn, cần mẫn của bà con nhân dân vùng cao.
Bức tranh tứ tình mở ra với khung cảnh núi rừng trong mùa đông:
"Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng."
Trong không gian núi đồi, màu xanh của rừng đã tràn ngập, tạo nên cảm giác rộng lớn, rợn ngợp vô cùng. Nổi bật trên nền cây cỏ chính là ánh "đỏ tươi" của hoa chuối. Hai gam màu tuy đối lập nhau nhưng lại hòa hợp đến kì lạ, tạo nên bức tranh thiên nhiên hài hòa, giàu sức sống. Màu đỏ của hoa chuối hay chính là của những bó đuốc đang rực cháy, xua tan đi cái lạnh giá chốn rừng núi hoang vu. Đồng thời, hình ảnh con người cũng được hiện lên với dáng vẻ khỏe khoắn, hiên ngang. Lưỡi dao gài trên thắt lưng đã sáng bóng, nay thêm ánh nắng chiếu vào lại càng chói lóa hơn. Tất cả đã làm nổi bật lên tư thế ung dung, vững chãi, làm chủ rừng núi của con người nơi đây.
Rồi ngày xuân tới với khung cảnh ngập tràn sức sống:
"Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang."
Xuân về là lúc trăm hoa đua nở. Nhưng thay vì chọn những cây đào, cây mai quen thuộc, Tố Hữu lại đem đến hình ảnh hoa mơ. Loài hoa này tượng trưng cho núi rừng Việt Bắc. Màu trắng của nó bao phủ lên không gian, lan tỏa trong cái trùng trùng điệp điệp. Sắc trắng ấy tinh khôi, mang lại sức sống cho vạn vật. Trên nền thiên nhiên thơ mộng ấy, hình ảnh con người lại hiện lên vô cùng cần mẫn, tỉ mỉ "chuốt từng sợi giang". Từng động tác khéo léo, cẩn thận như in sâu vào tâm trí tác giả, khiến cho nỗi nhớ lại càng da diết, khôn nguôi.
Bức tranh ngày hè hiện lên rực rỡ, tràn ngập âm thanh và màu sắc:
"Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình"
Tiếng ve kêu báo hiệu hè về, gọi dậy cả sắc vàng của rừng phách. Động từ "đổ" vừa tạo cảm giác bất ngờ, vừa khiến cho không gian đột ngột thay đổi. Chỉ một câu thơ sáu chữ mà như tái hiện hoàn chỉnh khung cảnh mùa hè rộn rã. Nhưng đối lập lại với không gian ấy lại là hình ảnh "cô em gái hái măng một mình". Không chỉ không tạo cảm giác đơn độc, sự trái ngược này còn góp phần nâng tầm vẻ đẹp con người. Đó là sự chăm chỉ, cần mẫn, chịu thương chịu khó của những người lao động chốn núi rừng Việt Bắc.
Khép lại bức tranh tứ bình chính là khung cảnh mùa thu thơ mộng:
"Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung."
Mùa thu luôn gắn với sự đoàn viên, mang lại cho con người ta cảm giác thanh bình, yên cả. Ánh trăng được tác giả đặt vào như tạo nên không gian huyền bí. Nó làm sáng lên khung cảnh núi rừng, cũng soi tỏ tương lai hòa bình của dân tộc. Tiếng hát vang lên chứa đựng mọi sắc điệu, thể hiện sự ơn nghĩa, thủy chung giữa người với người.
Với khổ thơ thứ bảy, Tố Hữu đã góp thêm vào kho tàng thơ ca dân tộc một bức tranh tứ bình mang nét đẹp độc đáo. Nó vừa mang nét cổ điển, mẫu mực, lại vừa có tính hiện đại, mới mẻ. Kết cấu nhất quán của đoạn thơ được thể hiện vô cùng rõ nét: câu lục tả cảnh, câu bát tả người. Các yếu tố âm thanh, ánh sáng, màu sắc cũng được tác giả đưa vào một cách chỉn chu, hòa quyện. Sự kết hợp giữa thiên nhiên và con người đã hoàn thiện bức tranh, tô điểm thêm màu sắc độc đáo cho tác phẩm.
Qua khổ thơ, người đọc lại càng thêm khâm phục tài năng cùng tâm hồn nghệ sĩ hào hoa của Tố Hữu. Bằng những cảm nhận tinh tế, ông đã vẽ nên một bức tranh tứ bình tuyệt đẹp từ trong kí ức, đem nó đến với độc giả theo cái cách giản dị mà hữu hiệu nhất. Từ đó, thiên nhiên cùng con người Việt Bắc đã được hiện lên vô cùng rõ nét, vừa mang cái hiện thực mà cũng không kém phần lãng mạn. Và đây cũng chính là một trong những đoạn thơ đặc sắc nhất trong kho tàng văn học Việt Nam.
2. Bài văn Cảm nhận khổ thơ thứ 7 trong bài Việt Bắc hay nhất số 2
Tố Hữu được coi là lá cờ đầu trong thơ ca Cách mạng. Thơ của ông vừa mang chất lãng mạn, trữ tình, vừa chứa đựng yếu tố chính trị, đặc biệt là tính dân tộc rất đậm đà. Bài thơ Việt Bắc là tác phẩm rất hay của ông, ra đời nhân một sự kiện chính trị đó là khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, các cơ quan Chính phủ đã chuyển từ Việt Bắc về lại Hà Nội. Bài thơ Việt Bắc là những hồi tưởng về những kỉ niệm kháng chiến của quân và dân ta trên chiến khu Việt Bắc. Khổ thơ thứ 7 của bài thơ đã cho chúng ta thấy rõ được nỗi nhớ chiến khu da diết của người đi.
Nếu như bài thơ Việt Bắc được mở đầu bằng khung cảnh chia ly cùng tiếng hát đối đáp của kẻ đi người ở thì ở khổ thơ này chúng ta có thể thấy được nỗi nhớ chiến khu với cảnh và người Việt Bắc trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa một vẻ đẹp nhưng đều mang đậm đặc trưng của Việt Bắc.
Mở đầu đoạn thơ là ướm hỏi của người đi với người ở lại mà ta vẫn thường thấy trong những khúc ca đối đáp giao duyên:
"Ta về mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người".
Vẫn là cách xưng hô thân thiết "mình - ta" cùng câu hỏi "ta về mình có nhớ ta" khiến lời thơ mang âm điệu thật ngọt ngào. Ta nghe như đó là giọng điệu tâm tình tha thiết mặn nồng của lứa đôi yêu nhau. Đối với nhà thơ, tình cảm quân dân cũng đằm thắm, mặn mà như tình yêu đôi lứa vậy! Người ra đi không chỉ nhớ thương "người" ở lại mà trong nỗi nhớ đó còn có cả "hoa" song hành cùng người. "Hoa" là hình ảnh ẩn dụ cho vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Bắc. Thiên nhiên bốn mùa làm nền để tôn lên vẻ đẹp của con người nơi đây.
Bức tranh Việt Bắc bốn mùa xuân, hạ, thu, đông được nhà thơ Tố Hữu dựng lại bằng bốn bức tranh tứ bình, với lối vẽ truyền thống trong hội hoạ cổ phương Đông. Mở đầu bức tranh bốn mùa là khung cảnh của mùa đông rừng Việt Bắc với màu xanh mênh mông của đại ngàn điểm xuyết thêm những chấm "hoa chuối đỏ tươi":
"Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng cháy dao gài thắt lưng"
Chỉ với một vài đường nét chấm phá, thế nhưng Tố Hữu đã mở ra bức tranh mùa đông thật sống động với đường nét đẹp hài hòa, màu sắc tươi sáng, đẹp thơ mộng, dịu dàng. Những "bông hoa chuối đỏ tươi" giữa cánh rừng già như những đốm lửa sáng sưởi ấm rừng đông đại ngàn. Bức tranh đông rừng Việt Bắc đẹp hùng vĩ, nhưng cũng không kém phần thơ mộng, ấm áp. Trên nền cảnh của đại ngàn là hình ảnh của con người thấp thoáng hiện ra trên "đèo cao", dưới ánh nắng cháy bỏng và bóng dáng "dao gài thắt lưng". "Dao gài thắt lưng" là đặc trưng đi rừng của những người dân Việt Bắc. Trong nắng chiều đang "cháy", ánh dao ấy lóe lên giữa thiên nhiên để ta nhận ra có con người đang hiện diện giữa màu xanh thăm thẳm của cánh rừng. Đặt con người nơi "đèo cao" giữa "nắng cháy" và khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, Tố Hữu đã tôn lên tầm vóc của con người, lớn lao, mạnh mẽ ngang tầm cùng thiên nhiên, vũ trụ. Đó cũng là tầm vóc của những con người trên chiến khu cách mạng trong thời đại anh hùng.
Bức tranh thứ hai là hình ảnh của mùa xuân hiện lên trên đất chiến khu, cả Việt Bắc được thay một màu áo mới:
"Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang"
Cảnh âm u của rừng đại ngàn trời đông nay được thay bằng màu "mơ nở trắng rừng". Cả không gian rộng lớn mênh mông của chiến khu Việt Bắc được khoác lên mình màu trắng của "hoa mơ". Việt Bắc đẹp thơ mộng, lộng lẫy, tinh khôi và tràn trề sức sống của mùa xuân phơi phới. Nếu như miền Bắc có hoa đào hồng thắm, miền Nam có mai vàng rực rỡ thì Tố Hữu đã tinh tế khi nhận ra màu trắng của hoa mơ chính là màu sắc đặc trưng cho mùa xuân ở xứ sở này. Trong nỗi nhớ hướng về Việt Bắc của người đi, hình ảnh con người Việt Bắc vẫn giữ vị trí trung tâm của bức tranh. Hình ảnh của một người "đan nón" bình dị, đời thường hiện lên thật rõ ràng qua lời thơ của Tố Hữu. Động từ "chuốt" đã làm hiện lên hình ảnh của một con người đang cẩn mẫn, tỉ mẩn, cẩn thận vót từng "sợi giang" mảnh mai với niềm say mê lao động và bàn tay khéo léo tài hoa.
Bước sang bức tranh về cảnh ngày hè trên chiến khu Việt Bắc:
"Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình"
Mùa hè Việt Bắc cả không gian tràn ngập tiếng ve kêu. Đây là thứ âm thanh đặc trưng quen thuộc báo hiệu cho mùa hè đã sang. Ta cũng đã từng thấy tiếng ve kêu trong thơ của Nguyễn Trãi từ thế kỉ 15: "Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương" nhưng sắc hạ của Việt Bắc vẫn mang những nét rất riêng của mình, đó là hình ảnh của "rừng phách đổ vàng". Phách là loài cây thân gỗ, thường mọc thành rừng và là đặc trưng của chiến khu Việt Bắc. Khi mùa đến, những cây phách sẽ nở ra những bông hoa vàng chói dưới ánh mặt trời. Cả Việt Bắc khi ấy được bao phủ bởi màu vàng lộng lẫy của hoa phách khiến cho mùa hè ở nơi đây thật rực rỡ, rạng ngời. Động từ "đổ" được Tố Hữu tinh tế sử dụng để miêu tả khung cảnh của cả rừng phách đột ngột đồng loạt trổ hoa vàng. Sắc hạ của đất chiến khu không chỉ náo nức bởi âm thanh và còn rực rỡ màu vàng sống động!
Trong nỗi nhớ của mình, nhà thơ đã làm đồng hiện của hình ảnh của thiên nhiên và con người:
"Nhớ cô em gái hái măng một mình"
Cách gọi "em gái" là cách gọi thân thương, trìu mến của nhà thơ với những người con gái nơi đất chiến khu. Bởi với ông, Việt Bắc không chỉ là nơi chiến khu cách mạng mà còn là một đại gia đình gắn bó, thân thiết, yêu thương. Động từ "hái" được Tố Hữu đặt trong câu gợi ra cử chỉ vô cùng nhẹ nhàng, dịu dàng, thanh thoát của một người con gái duyên dáng đang đi kiếm tìm những búp măng non. Đặt cô gái đi "hái măng một mình" giữa đại ngàn Việt Bắc đã tôn lên vẻ chịu thương, chịu khó, nét cần cù trong lao động của con người nơi đất chiến khu. Đồng thời nó còn khiến cho cảnh rừng Việt Bắc trở nên thơ mộng, sống động, tràn trề sinh khí của sự sống con người.
Khép lại khổ thơ là hình ảnh của đêm trăng rừng Việt Bắc:
"Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung"
Ta đã từng bắt gặp hình ảnh của một đêm trăng khác trên chiến khu Việt Bắc của Hồ Chí Minh "Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa". Thế nhưng khi đọc thơ Tố Hữu, ta không khỏi ngạc nhiên trước vẻ đẹp của đêm trăng trên chiến khu thêm một lần nữa. Chỉ với một từ "rọi" bình dị, quen thuộc nhưng nhà thơ đã thâu tóm được hết vẻ đẹp mang đặc trưng của rừng Việt Bắc. Giữa không gian tịch mịch của núi rừng đại ngàn trong đêm, ánh trăng từ trên cao rót xuống, xuyên qua tầng tầng lớp lớp những tán lá cây khiến cho thiên nhiên Việt Bắc vừa đẹp thơ mộng lại hư ảo diệu kì. Ánh trăng ấy chứa đựng sự huyền bí ngàn đời hoang sơ của núi rừng Việt Bắc. Nó còn gợi lên không khí yên bình của đêm rừng Việt Bắc của mùa thu hòa bình đầu tiên của đất nước khi chiến khu Việt Bắc không còn âm vang tiếng súng rền.
Trên nền cảnh của thiên nhiên, con người Việt Bắc hiện ra qua âm thanh tiếng hát văng vẳng giữa núi rừng đêm tĩnh mịch. Tiếng hát ấy làm xao động cả không gian yên tĩnh của núi rừng, thổi vào đó luồng hơi thở của sự sống khiến núi rừng nơi đây trở nên thơ mộng hơn, ấm áp hơn và tràn đầy sinh khí hơn. Nghe tiếng hát nhưng ta còn thấy được cả nỗi lòng của người đang hát với những "ân tình thuỷ chung". Điều đó cho thấy sự gắn bó thân thiết bằng cả trái tim, bằng sự đồng điệu tâm hồn giữa người nghe và người hát. Tình cảm đó là sự gắn bó, là tình cảm của quân và dân, tình cảm của những người dân Việt Bắc với cách mạng trong suốt 15 năm gian khổ cùng nhau.
Đại từ "ai" thường được sử dụng rất nhiều trong các khúc ca giao duyên. Tố Hữu kế thừa truyền thống của thơ ca dân tộc, điều đó tạo nên phong vị dân gian, tinh thần dân tộc rất đậm đà trong thơ Tố Hữu. Tình cảm quân dân ở nơi chiến khu này cũng từ đó mà gần gũi, gắn bó như tình yêu đôi lứa.
Đoạn thơ thứ 7 trong tác phẩm Việt Bắc đã cho ta thấy được bức tranh thiên nhiên đẹp rực rỡ và đa dạng, mỗi mùa một vẻ của chiến khu Việt Bắc. Đồng hiện cùng thiên nhiên là hình ảnh của con người Việt Bắc cần cù, chịu khó, với đôi bàn tay tài hoa và tấm lòng thuỷ chung nghĩa tình. Đoạn thơ cũng ghi lại những đặc trưng riêng trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Đó là lối thơ trữ tình chính trị với giọng thơ ngọt ngào, da diết. Đặc biệt ta còn thấy tính dân tộc rất đậm đà được thể hiện qua thể thơ lục bát truyền thống, ngôn từ mộc mạc, giản dị, cách xưng hô mình - ta, những lời ướm hỏi trong những khúc ca đối đáp. Ngoài ra, ta còn thấy Tố Hữu huy động cả chất liệu văn hoá dân gian với lối vẽ tranh tứ bình, cách vẽ chấm phá thường thấy trong hội họa phương Đông.
Thông qua đoạn thơ thứ bảy của bài thơ Việt Bắc, ta thấy được bức tranh thiên nhiên và con người đất chiến khu đẹp lộng lẫy. Việt Bắc là khúc hùng ca, tình ca về cách mạng, về kháng chiến, về quân và dân ta. Nó còn nhắc nhở chúng ta về sự thuỷ chung ân nghĩa của cách mạng, của con người Việt Nam.
------------------HẾT------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-kho-tho-thu-7-trong-bai-viet-bac-69407n.aspx
Với bức tranh tứ bình trong "Việt Bắc", em hãy đan xen phân tích hình ảnh của thiên nhiên và con người. Từ đó, tìm ra được nét độc đáo trong ngòi bút Tố Hữu. Để tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn về tác phẩm Việt Bắc này, mời các bạn cùng tham khảo các bài viết khác về tác phẩm này như: Phân tích tính dân tộc trong 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc, Phân tích khung cảnh ra trận trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, Phân tích tình cảm của người ra đi trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, Cảm nhận về hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ: Ta về, mình có nhớ ta....