Nghị luận về tôn sư trọng đạo, đoạn, bài văn mẫu hay nhất

"Tôn sư trọng đạo" là truyền thống quý báu có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Hãy cùng tham khảo bài Nghị luận về tôn sư trọng đạo do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn để có thêm nhiều hiểu biết về chủ đề này nhé!
Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Đoạn văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.
III. Bài văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.
3. Bài mẫu số 3.
4. Bài mẫu số 4.

Đề bài: Nghị luận về tôn sư trọng đạo

Nghi luan ve ton su trong dao

3 bài văn mẫu Bàn về truyền thống tôn sư trọng đạo

 

I. Dàn ý Nghị luận về tôn sư trọng đạo:

1. Mở bài:
- Giới thiệu về vấn đề "Tôn sư trọng đạo".
2. Thân bài:
a) Giải thích:
- Tôn sư: tôn kính, yêu quý, biết ơn thầy cô giáo đã dạy dỗ mình.
- Trọng đạo: Coi trọng những điều mà thầy cô dạy.
=> Đề cao vai trò của người thầy, người chỉ dạy và dẫn dắt ta vào đời.
b) Biểu hiện:
- Ngoan ngoãn, lễ phép, lắng nghe thầy cô giảng bài.
- Nhớ tới thầy cô các dịp lễ lớn như 20/11.
- Chủ động tìm tới thầy cô để hỏi bài hoặc tham khảo ý kiến khi cần thiết.
- Trân trọng những kiến thức mà thầy cô đã truyền đạt, kể cả những kiến thức chuyên môn lẫn những kiến thức trong cuộc sống hằng ngày.
c) Ý nghĩa:
- Là truyền thống quý báu của dân tộc.
- Giúp cho mối quan hệ thầy/cô - trò trở nên gắn bó, thân thiết hơn.
- Bồi dưỡng nhiều tình cảm cao đẹp khác, tiêu biểu là đạo lí "Uống nước nhớ nguồn".
d) Phản đề:
- Một số học sinh không hiểu được tấm lòng thầy cô, ghét bỏ, vô lễ với thầy cô
- Lầm tưởng tình cảm thầy/cô - trò trong sáng sang những dạng tình cảm khác, làm xấu đi thì hình ảnh thầy cô trong mắt mọi người.
3. Kết bài:
- Nêu suy nghĩ của em về vấn đề: "Tôn sư trọng đạo".
 

II. Viết 1 đoạn văn ngắn về tôn sư trọng đạo hay nhất tham khảo: 


1. Đoạn văn Nghị luận về vấn đề tôn sự trọng đạo - mẫu số 1

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Tôn sư là tôn kính, yêu quý, biết ơn thầy cô giáo đã dạy dỗ mình. Trọng đạo là coi trọng những điều mà thầy cô dạy. Vậy, câu thành ngữ trên đã đề cao vai trò của thầy cô, nhắc nhở chúng ta phải biết tôn trọng, nhớ ơn những người "cho chữ". Điều này được biểu hiện rất cụ thể qua thái độ, hành động của người học như ngoan ngoãn, lễ phép với thầy cô; nghiêm túc lắng nghe bài giảng, chủ động tìm tòi nghiên cứu, tri ân những người đã và đang dạy dỗ mình,… Những điều kể trên tuy nhỏ bé, dễ thực hiện nhưng nó giúp cho mối quan hệ cô – trò, thầy – trò trở nên gần gũi, gắn bó thân thiết hơn. Thầy cô không chỉ truyền thụ cho chúng ta kiến thức sách vở mà còn dạy cho ta nhiều bài học đời sống quý giá. Ngày nay, vẫn còn một vài bạn học sinh chưa hiểu được tấm lòng tận tụy, cống hiến của nghề giáo mà tỏ thái độ chán ghét, vô lễ với người có ơn dạy dỗ mình. Đó là những hành vi xấu, đi ngược lại với đạo lí "tôn sư trọng đạo", "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Thầy cô chính là những "người đưa đò" cần mẫn. "Qua sông thì nên lụy đò" học sinh chúng ta cũng cần nắm rõ truyền thống tôn sư trọng đạo để có cách cư xử đúng đắn với những người thầy, người cô kính yêu.

2. Đoạn văn Nghị luận về vấn đề tôn sự trọng đạo - mẫu số 2

Thầy cô luôn là những "người đưa đò thầm lặng". Nhưng mỗi chuyến đò sang sông liệu có được mấy ai nhớ về người chèo đò? Đó chính là lí do dân tộc Việt Nam có truyền thống "Tôn sư trọng đạo". Câu thành ngữ này căn dặn mọi người phải biết yêu quý, tri ân thầy cô và tôn trọng những kiến thức mà thầy cô đã truyền thụ. Đây là một chuyện tưởng dễ dàng nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Đơn cử như việc chủ động lắng nghe và tiếp thu bài giảng ở trên lớp, tuy không có gì khó khăn nhưng một vài học sinh chẳng bao giờ làm được. Đã mấy ai thực sự lắng tai nghe những điều hay lẽ phải mà thầy cô cất công "đãi cát tìm vàng" cho chúng ta. Chỉ khi trưởng thành, ta mới hiểu được nỗi vất vả của những người đi gieo con chữ. Thế nên đã có riêng một ngày để tri ân thầy cô - ngày Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây là ngày lễ lớn của dân tộc, không biết bao nhiêu thế hệ học sinh đã trưởng thành quay về trường, tìm gặp những người đã có ơn dạy dỗ mình để bày tỏ sự biết ơn. Từ những cậu học sinh ngỗ nghịch bị la mắng hay những bạn học sinh giỏi, chăm ngoan được thầy yêu bạn mến đều đã dần trưởng thành, hiểu được nỗi khó khăn vất vả và sự hy sinh to lớn của thầy cô. Đó chính là ý nghĩa của việc tri ân, của truyền thống "tôn sư trọng đạo". Chỉ khi chúng ta lớn hơn, quay lại nhìn về quá khứ, chúng ta mới thấm thía được tình cảm thầy - trò, cô - trò đầy trong sáng, cao cả. Lúc đó, ta mới biết nói lời cảm ơn, lời xin lỗi với người thầy, người cô của mình. Mong rằng mọi người đều thấm nhuần đạo lí "tôn sư trọng đạo" để những người lái đò có thêm động lực đưa các thế hệ sau đến bến bờ tương lai.

Viet 1 doan van ngan ve ton su trong dao

Viết đoạn văn nghị luận về tôn sư trọng đạo hay nhất

 

III. Bài văn mẫu Nghị luận về tôn sư trọng đạo siêu hay tuyển chọn 

 

1. Bàn về truyền thống tôn sư trọng đạo hay nhất - Mẫu 1

Tôn sư trọng đạo không chỉ còn là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. Đó cũng là yếu tố quan trọng làm nên nền tảng đạo đức của xã hội văn minh.

Nhân dân ta từng có những câu nói vô cùng giản dị mà chứa đựng những ý nghĩa rất sâu sắc về vấn đề Đạo và Thầy. Những câu nói ấy vừa tôn vinh người Thầy, vừa nhắc nhở con người phải biết sống cho phải đạo làm người. Thầy là người vạch đường chỉ lối cho mối người "Không thầy đố mày làm nên". Vì thế vị trí của người thầy được đặt ngang hàng với vị trí của cha mẹ, "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy". Chúng ta vẫn luôn tự nhắc mình: "Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy".

Người làm thầy trong bất cứ xã hội nào luôn được xã họi tôn trọng "nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Bởi vậy, "tôn sư trọng đạo" không còn là một vấn đề quan niệm sống hay quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức. Thời xưa Platôn, Aritxtôt, Khổng Tử... từ người thầy đã trở thành những bậc thánh trong lòng học trò. Ngày nay, người thầy tuy không có vị trí tuyệt đối như thế song thầy vẫn là người được xã hội tôn trọng và "nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Dù ở phương Đông hay phương Tây, dù mối quan hệ thầy trò có bình đẳng đến đâu, gần gũi đến đâu thì danh giới thầy trò, vị trí đáng kính của người thầy vẫn không hề bị mai một.

Trên thực tế, vấn đề "tôn sư trọng đạo" ngày nay đã có nhiều điều đáng phải bàn. Các thầy cô giáo dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống vẫn đang ngày đêm lo lắng, nghiền ngẫm để truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất. Còn học sinh, bên cạnh những học sinh chăm chỉ ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy cô giáo, đã có không ít bạn chót quên đi đạo nghĩa thầy trò. Những học sinh ấy đã vô tình hoặc cố ý vi phạm đạo làm trò, làm đau lòng các thầy cô giáo. Đã có những câu chuyện đau lòng mà chúng ta không muốn nhắc đến như hiện tượng học trò xúc phạm thầy cô giáo, vô lễ với những người đang ngày đêm dạy bảo mình những điều hay lẽ phải, truyền đạt cho mình những tinh hoa tri thức nhân loại. Xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục lên án những học sinh đó.

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của loài người. Nếu trẻ em là tờ giấy trắng thì người cầm cây bút viết lên những tờ giấy trắng ấy những tráng thẳng hàng, rõ nét, rõ chữ nhất chính là thầy cô giáo. Tôn trọng những người giữ vai trò truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ sau là biểu hiện của tình yêu tri thức, của lòng ham học hỏi, của ý chí và khát vọng vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế "tôn sư" không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, biểu hiện của văn minh, tiến bộ. "Đạo" cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là cả vấn đề đạo đức xã hội. Đó là đạo làm người, là đạo học ở đời. Trọng đạo là coi trọng sự hiểu biết, coi trọng tinh thần ham học hỏi, đề cao truyền thống ham học.

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống đạo đức vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta. Đứng trước những hiện tượng đáng suy nghĩ hiện nay về vấn đề đạo đức học đường, chúng ta cần phải có những hoạt động cần thiết để nhắc nhở mỗi người nhìn lại thái độ và cách ứng xử của mình đối với những người làm thầy trong xã hội này. Tôn sư trọng đạo cần phải được quan tâm hơn nữa.

Để xã hội ngày càng văn minh con người ngày càng phải chú ý đến chuyện học hành, tiếp thu tri thức. Vì thế, vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại đã thay đổi, từ người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tri thức. Vai trò của người thầy ít nhiều thay đổi nhưng vị trí của người thầy thì không hề suy giảm. Thầy vẫn là thầy và ngày càng quan trọng hơn. Vì vậy, dù xã hội có đi đến đâu, xã hội ấy vẫn có những người muốn học và vẫn có những người thực hiện nhiệm vụ dạy bảo người đi sau. Trong cuộc sống ngày nay, khi mà vấn đề học hành ngày càng phức tạp và sự xuống cấp về đạo đức xã hội đang khiến nhiều người có lương tâm trách nhiệm phải quan tâm suy nghĩa thì vấn đề "tôn sư trọng đạo" càng phải tiếp tục được kế thừa và phát huy hơn nữa.

Bên cạnh Bàn về truyền thống tôn sư trọng đạo các em cần tìm hiểu thêm những bài soạn khác trong Ngữ Văn lớp 12 như Nghị luận xã hội về đức tính khiêm tốn hay phần Nghị luận xã hội về lòng trung thực nhằm củng cố kiến thức Ngữ Văn lớp 12 của mình nhé.

 

2. Bài văn mẫu Nghị luận về tôn sư trọng đạo hay, ngắn gọn - Số 2

Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo. Đó là một truyền thống tốt đẹp của một dân tộc văn hiến và hiếu học. Từ xa xưa đã có câu ca:

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

Hoặc thâm thúy hơn, ông cha ta cũng từng nhắc con cháu: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư (Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy).

Tôn sư là đề cao, tôn vinh, coi trọng người thầy. Vì sao vậy? Người thầy dạy chữ, dạy kiến thức cho ta, đem đến cho ta những hiểu biết để ta sống tốt hơn, có ích hơn. Người thầy lại dạy ta đạo lí, nhân cách để ta biết làm người trong xã hội. Vai trò người thầy là hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với bất cứ một quốc gia, dân tộc nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Thế thì sao lại không tôn vinh, đề cao người thầy? Đây là tôn vinh một con người đã góp phần đem lại lợi ích cho cả một dân tộc. Sự tôn vinh này xuất phát từ chức năng cao quý và trách nhiệm lớn lao của người thầy.

Trọng đạo là gì? Trong kết câu hai vế cân đối tôn sư/trọng đạo, nếu tôn sư là tôn vinh người thầy thì trọng đạo là coi trọng nghề dạy học. Đạo ở đây là đạo làm thầy, là nghề dạy học. Nghề dạy học là nghề đáng được coi trọng vì sản phẩm nó đào tạo ra chính là con người, như ai đó đã nói: "Trong các nghề thì nghề dạy học là nghề cao quý nhất". Nhân dân ta "trọng đạo" chính là trọng cái nghề "trồng người" cao quý ấy, cũng như họ đã tôn vinh người thầy là những "kĩ sư tâm hồn".

Tôn sư trọng đạo hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc. Trước hết, đó là sự suy nghĩ nhìn nhận đúng đắn và tiến bộ cùa nhân dân ta về một nghề đáng được coi trọng và một con người đáng được tôn vinh. Nó chứng tỏ dân tộc ta là một dân tộc văn hiến và hiếu học, bởi coi trọng nghề dạy học là một biểu hiện sâu sắc của một dân tộc văn hiến và tôn vinh người thầy là bằng chứng hùng hồn của một dân tộc hiếu học. Nhưng ý nghĩa sâu xa của tôn sư trọng đạo chính là nó gắn bó mật thiết với sự nghiệp trồng người để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực. bồi dưỡng nhân lưc; bồi dưỡng nhân tài làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội phát triển tốt đẹp. Xưa, ông cha ta đã nói "hiền tài là nguyên khí quốc gia"; nay, ta lại khẳng định "giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu" - những điều đó không thể không liên quan đến truyền thông tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Tôn sư trọng đạo đã trở thành một đạo lí, một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta chính là như thế. Nó là sức mạnh tinh thần, tình cảm lớn lao và bền vững của dân tộc để góp phần xây dựng nên một nước Việt Nam văn hiến và giàu mạnh.

Truyền thống tốt đẹp đó đã được nhân dân ta kế thừa và phát huy trong cuộc sống hiện nay. Trên khắp đất nước, ở đâu cũng vậy, từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi đến miền ngược, người dân Việt Nam đều yêu quý, tôn trọng ông thầy, đều dành cho thầy những tình cảm ưu ái nhất, đặc biệt là lòng biết ơn sâu sắc thầy, đã dạy con cái họ nên người. Trong hoàn cảnh nước nhà còn nghèo, đời sống thầy giáo còn nhiều khó khăn, họ đã tận tình giúp đỡ thầy một cách chân thành và cảm động. Các dân tộc vùng cao đã coi các thầy giáo, cô giáo miền xuôi lên dạy học như người con của quê hương minh. Người thầy được tôn vinh thì nghề dạy học cũng được coi trọng. Không phải ngẫu nhiên mà giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, và ngày 20-11 hằng năm đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân đế tôn vinh người thầy và nghề dạy học cao quý. Hình ảnh cha mẹ học sinh tặng hoa các thầy, cô giáo trong ngày 20- 11 và cả những cán bộ cấp cao của Đàng và Nhà nước đến thăm thầy giáo cũ đã nói lên sâu sắc truyền thông và đạo lí cao đẹp đó. Từ một đạo lí truyền thống của dân tộc, tôn sư trọng đạo đã mang một ý nghĩa cách mạng mới trong thời đại ngày nay gắn liền với tư tưởng "trồng người" cua Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó không chỉ là đạo lí, tình cảm mà còn là tinh thần, sức mạnh, hành động cách mạng để đưa đất nước đi lên ngày càng giàu mạnh, văn minh. Đó là nét mới của truyền thống tôn sư trọng đạo trong cuộc sống hiện nay của nhân dân ta.

Bước sang thế kỉ XXI, cuộc sống có nhiều đổi mới kéo theo sự đổi mới của giáo dục, của vai trò người thầy và nghề dạy học. Trên cơ sở kế thừa, giữ gìn những mặt tốt đẹp của truyền thống, chúng ta cần biết phát huy và vận dụng đạo lí tôn sư trọng đạo một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cách mạng mới để đạt kết quả tốt đẹp nhất.
 

3. Bài văn mẫu Nghị luận về tôn sư trọng đạo hay, chuẩn - Số 3

Nhân dân ta từ ngàn xưa đã có câu:

"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư"

Câu nói ấy thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo mà nhân dân ta đã lưu giữ từ đời này qua đời khác. Mỗi lớp thế hệ lại có những cách riêng để gìn giữ đạo lý tốt đẹp này. Và cho đến tận ngày nay, nó vẫn còn vẹn nguyên những giá trị tốt đẹp, làm ngời sáng lên vẻ đẹp phẩm chất của những người dân đất Việt.

"Tôn sư" có nghĩa là tôn trọng, kính trọng thầy, cô, những người đã có công lao truyền dạy cho mình những kiến thức, những đạo lý tốt đẹp trong cuộc sống. "Trọng đạo" có nghĩa là coi trọng những đạo lý, những điều tốt đẹp được lưu giữ, truyền bá trong cuộc sống. Nói cách khác, "tôn sư trọng đạo" là đạo lý thể hiện sự tôn kính, tôn trọng những người thầy, những người đào tạo, nuôi dưỡng tri thức của nhân loại. Đồng thời, nó cũng đề cao vai trò, vẻ đẹp phẩm chất và công lao của những người thầy.

"Tôn sư trọng đạo", kính trọng thầy cô không chỉ là một đạo lý, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà nó còn là một thước đo đánh giá phẩm chất của mỗi con người. Bởi người thầy, hay nghề giáo trong bất cứ một thời đại, một quốc gia cũng đều đóng những vai trò vô cùng quan trọng. Người thầy là những người truyền thụ cho chúng ta những kiến thức, những đạo lý để ta dần hoàn thiện mình hơn cả về trí tuệ lẫn tâm hồn. Mỗi con người lớn lên, bên cạnh sự dạy bảo của gia đình thì công lao của những người thầy cũng vô cùng lớn lao. Họ cũng theo sát chúng ta trong suốt những giai đoạn đầu tiên và quan trọng của cuộc đời. Họ giúp ta hoàn thiện những phần còn thiếu, giúp ta khai thác những năng lực chưa được bộc lộ và nhiều hơn thế nữa. Có lẽ vì vậy mà người xưa đã có câu dạy rằng:

"Không thầy đố mày làm nên."

Đặc biệt là trong nhịp sống thay đổi hiện nay, khi mà hệ thống kiến thức tại các cấp học từ mẫu giáo đến đại học đang ngày một đổi mới, ngày một phong phú hơn thì bản thân những người thầy cũng phải không ngừng đổi mới cách thức giảng dạy, đổi mới kiến thức để bắt kịp với tiến độ đó. Những thứ họ làm âm thầm thôi nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn đối với các thế hệ học sinh. Bởi từ chính những tâm huyết của các thầy, các cô, thì học sinh mới có được 1 nền tảng kiến thức vững chắc, để bắt kịp với những sự thay đổi của xã hội. Người ta vẫn thường nói nghề giáo như những người lái đò tần tảo, cần mẫn đưa hết thế hệ học sinh này đến thế hệ học sinh khác cập bến tri thức.

Nếu đánh mất đi đạo lý quý báu ấy, chẳng khác nào chúng ta phủ nhận đi công lao của thầy cô, tự biến mình thành những kẻ vô ơn, những kẻ qua cầu rút ván...

Tại Việt Nam, đạo lý tôn sư trọng đạo được gìn giữ và phát huy như một truyền thống quý báu. Hằng năm có ngày 20 tháng 11 là ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày để tôn vinh những người có công "trồng người". Lịch sử Việt Nam đã có không ít những người thầy mẫu mực như Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu hay Người thầy lớn của dân tộc Hồ Chí Minh... Họ đã đào tạo ra biết bao thế hệ người tài cho đất nước. Lòng tôn sư trọng đạo không phải là những món quà vật chất, đôi khi nó chỉ là những lời chúc thật tâm, những cử chỉ lễ phép hay những lời hỏi thăm thân mật. Những điều đơn giản đó cũng đủ để mối quan hệ thầy trò thêm thân mật, gắn kết.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn rất nhiều những trường hợp tiêu cực, nông nổi đánh mất đi đạo lý tốt đẹp ấy. Có nhiều trường hợp học sinh vô lễ với thầy cô, có những lời nói và hành động xúc phạm tới sức khỏe và danh dự của thầy cô. Đi xa hơn nữa, chắc hẳn chúng ta đã được báo chí đưa tin về những trường hợp học trò bạo hành, thậm chí là giết thầy giáo chỉ vì những phút nông nổi. Những trường hợp ấy cần được quan tâm nhiều hơn để giúp họ có nhận thức đúng đắn hơn về cách sống.

Bản thân tôi cũng có những người thầy trong cuộc đời của mình. Tôi luôn trân trọng và kính phục họ với tài năng và tâm huyết. Với tôi họ là những tấm gương mà tôi cần noi theo. Và điều mà tôi luôn làm là cố gắng hết mình vươn tới thành công, vì sự thành công của tôi là lời cảm ơn chân thành nhất đối với họ.

 

4. Bài văn mẫu Nghị luận về tôn sư trọng đạo hay, chuẩn - Số 4

Comenxki đã từng nói "Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học". Thật vậy, nghề dạy học cao quý vì thầy cô đã truyền tải rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm, nuôi dưỡng đạo đức, tâm hồn để có thể dạy dỗ những đứa trẻ nên người. Thế nên chúng ta phải luôn thể hiện tinh thần "tôn sư trọng đạo" nhằm tri ân những người giáo viên.

Câu nói "tôn sư trọng đạo" bao gồm hai ý. Đầu tiên là "tôn sư", ý muốn nhắc nhở mọi người phải biết tôn trọng và khắc ghi công ơn dạy dỗ của thầy cô. "Trọng đạo" là việc phải tôn trọng và tin tưởng vào những kiến thức mà mình được học. Cả câu nói  đã đề cao vai trò của nghề giáo, nhắc nhở chúng ta luôn biết tôn trọng và tri ân những "người lái đò thầm lặng" ấy.

Sự nghiệp trồng người luôn rất gian nan bởi lượng kiến thức càng ngày càng phong phú. Mỗi thế hệ người học lại có cách tiếp nhận khác nhau. Người giáo viên luôn luôn phải đổi mới cách dạy để học sinh cảm thấy hứng thú, khai thác được những tài năng ẩn giấu trong thế hệ trẻ. Thầy cô đã phải thao thức bao đêm, trăn trở bao điều chỉ vì muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh thân yêu.

Thế nên mỗi học sinh cũng cần bày tỏ tấm lòng "tôn sư trọng đạo" tới thầy cô giáo của mình. Điều này được thể hiện qua việc chú ý lắng nghe bài giảng, tiếp thu kiến thức, phát huy tính tích cực, chủ động của bản thân trong giờ học. Chúng ta cũng cần có thái độ lễ phép, kính trọng khi giao tiếp với thầy cô. Trong những ngày lễ lớn của nghề giáo như 20/11, chúng ta cũng nên bày tỏ sự tri ân dành cho thầy cô bằng những lời cảm ơn chân thành, bông hoa tươi thơm ngát hay bằng chính sự thành công của bản thân ở hiện tại.

Tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu có từ ngàn đời nay của dân tộc. Đó không chỉ là sự đối đáp, trả nợ ơn nghĩa của học sinh dành cho giáo viên mà còn tô đậm thêm truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của dân tộc. Tuy nhiên, có một số người không hiểu được tấm lòng thầy cô, cho rằng thầy cô khắt khe trong việc học nên nảy sinh hành động vô ơn, qua cầu rút ván. Còn có một bộ phận các bạn học sinh gặp các thầy cô giáo trẻ nên nảy sinh sự hâm mộ quá khích rồi lầm tưởng đó là tình yêu, sự sùng bái,… Đó là những tư tưởng sai lệch, làm mất đi sự trong sáng, cao đẹp của tình thầy trò.

Mỗi người chúng ta phải giữ vững và phát huy truyền thống "tôn sư trọng đạo". Đó chính là một cách tiếp thêm động lực cho những người thầy, người cô tiếp tục "chèo" những "chuyến đò" tiếp theo sang bến bờ tương lai hạnh phúc.

  - - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Thầy cô luôn dành cho học sinh của mình những điều tốt đẹp nhất, thế nên chúng ta hãy luôn biết ơn và tri ân những người giáo viên của mình. Ngoài bài Nghị luận về tôn sư trọng đạo, em có thể xem thêm một vài bài mẫu khác như: Nghị luận về cách nhìn nhận đánh giá người khác, Nghị luận về phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, Nghị luận về giá trị của thời gian.

"Tôn sư trọng đạo" sẽ luôn là đạo lý, là truyền thống quý báu mà mỗi chúng ta đều phải có ý thức để gìn giữ và phát huy nó.

Hơn nữa, So sánh Đồng Chí và Tây Tiến là một bài học quan trọng trong chương trình Ngữ Văn lớp 12 mà các em cần phải đặc biệt lưu tâm.

Trong chương trình học Ngữ Văn 12 phần Phân tích hình tượng người lái đò qua bài tùy bút Người lái đò Sông Đà là một nội dung quan trọng các em cần chú ý chuẩn bị trước.

Ngoài nội dung ở trên, các em có thể tìm hiểu thêm phần Nghị luận xã hội về đức tính khiêm tốn nhằm chuẩn bị cho bài học này.

https://thuthuat.taimienphi.vn/ban-ve-truyen-thong-ton-su-trong-dao-40325n.aspx

Tác giả: Phương Anh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Nghị luận về lòng trắc ẩn , top đoạn, bài văn mẫu hay nhất
Soạn bài Tóm tắt văn bản nghị luận, soạn văn lớp 11
Nghị luận về sự tự tin, top đoạn văn, bài văn mẫu tuyển chọn hay nhất
Nghị luận về lòng nhân ái, top bài, đoạn văn hay nhất
Nghị luận về cho và nhận hay nhất, ngắn gọn
Từ khoá liên quan:

Nghi luan ve ton su trong dao

, Dan y nghi luan ve ton su trong dao lop 9, Viet doan van nghi luan ve ton su trong dao hay nhat ngan gon,

SOFT LIÊN QUAN
  • Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí

    Bài văn mẫu nghị luận trung học phổ thông

    Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí là một đề tài quen thuộc mà các em sẽ phải thực hiện trong chương trình Văn học Phổ thông, trong đó, các em sẽ phải trình bày được những suy nghĩ, quan điểm của mình về một tư tưởng, đạo ...

Tin Mới