Các em học sinh khi Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo chắc hẳn vô cùng bối rối trong cách viết và cảm nhận một tác phẩm thơ. Các em có thể tham khảo một số đoạn văn dưới đây.
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ
I. Dàn ý Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ:
1. Dàn ý số 1: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Lời của cây.
a. Mở đoạn:
- Giới thiệu tác giả và bài thơ; nêu ấn tượng, cảm xúc chung về bài thơ.
b. Thân đoạn:
- Cảm xúc về nội dung: Thông qua quá trình phát triển của hạt mầm, tác giả đã thể hiện tình yêu thiên nhiên, thái độ trân trọng, nâng niu vẻ đẹp của đất trời.
+ Khi hạt mới gieo xuống đất.
+ Khi hạt mới nhú mầm.
+ Khi hạt vươn mình thành cây xanh.
- Cảm xúc về nghệ thuật của bài thơ:
+ Biện pháp nhân hóa: "mầm thì thầm", "mầm mở mắt".
+ Biện pháp ẩn dụ "giọt sữa".
+ Cách gieo vần: gieo vần chân (mầm - thầm, mình - thinh, giông - hồng, bé - bẹ, ơi - trời).
+ Nhịp thơ: chủ yếu được ngắt theo nhịp 2/2.
c. Kết đoạn:
- Khái quát được cảm xúc về bài thơ.
2. Dàn ý số 2: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Sang thu.
a. Mở đoạn:
- Giới thiệu tác giả và bài thơ; nêu ấn tượng, cảm xúc chung về bài thơ.
b. Thân đoạn:
- Cảm xúc về nội dung:
+ Cảm xúc trước sự chuyển mình của thiên nhiên, đất trời trong khoảnh khắc giao mùa, từ cuối hạ sang đầu thu.
+ Những chiêm nghiệm, triết lý về đời người của nhà thơ.
- Cảm xúc về nghệ thuật:
+ Hình ảnh, từ ngữ miêu tả chuyển động của thiên nhiên.
+ Biện pháp nhân hóa: "Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu", "Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi.".
+ Cách ngắt nhịp: khổ 2 ngắt nhịp 2/3, khổ 1 và 3 có sự luân chuyển trong cách ngắt nhịp.
c. Kết đoạn:
- Khái quát được cảm xúc về bài thơ.
3. Dàn ý Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ số 3: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Con chim chiền chiện.
a. Mở đoạn:
- Giới thiệu tác giả và bài thơ; nêu ấn tượng, cảm xúc chung về bài thơ.
b. Thân đoạn:
- Cảm xúc về nội dung:
+ Thông qua tiếng chim hót, nhà thơ ca ngợi một cuộc sống tự do, phóng khoáng.
+ Bày tỏ niềm tin yêu vào cuộc sống, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước.
- Cảm xúc về nghệ thuật:
+ Biện pháp nhân hóa, ẩn dụ.
+ Kết cấu đầu cuối tương ứng: "con chim chiều chiện"
+ Cách gieo vần và ngắt nhịp.
c. Kết đoạn:
- Khái quát được cảm xúc về bài thơ.
II. Đoạn văn mẫu tham khảo Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ
1. Đoạn văn đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ mẫu số 1:
Khi đọc bài thơ "Lời của cây" do nhà thơ Trần Hữu Thung sáng tác, em không khỏi ấn tượng trước lời thơ giản dị và hình ảnh thơ gần gũi, trong sáng. Thông qua quá trình phát triển của hạt mầm, tác giả đã thể hiện tình yêu thiên nhiên, thái độ trân trọng, nâng niu vẻ đẹp của đất trời. Biện pháp tu từ nổi bật được tác giả thường xuyên sử dụng trong tác phẩm là nhân hóa: "Hạt nằm lặng thinh", "Mầm đã thì thầm/ Ghé tai nghe rõ", "Mầm tròn nằm giữa/ Vỏ hạt làm nôi/ Nghe bàn tay vỗ/ Nghe tiếng ru hời...", "Rằng các bạn ơi/ Cây chính là tôi/ Nay mai sẽ lớn/ Góp xanh đất trời" đã cho em thấy quá trình sinh trưởng và phát triển của một hạt mầm bé nhỏ vươn lên thành cây "góp xanh đất trời". Đồng thời, ông khắc họa hình ảnh hạt mầm như những cậu bé, cô bé ngày ngày thì thầm, tâm sự với mọi người về sự trưởng thành của bản thân khiến em không khỏi thích thú. Bên cạnh đó, biện pháp ẩn dụ "giọt sữa" cũng được nhà thơ vận dụng để gợi tả đầy chân thực hình ảnh hạt cây nảy mầm và nhú ra khỏi sự bảo bọc, khoác lên mình một bộ áo màu trắng đục như giọt sữa. Từ đó, thể hiện cái nhìn tinh tế, tấm lòng yêu thương, trân trọng của tác giả dành cho hạt mầm. Khổ thơ cuối cùng: "Rằng các bạn ơi/ Cây chính là tôi/ Nay mai sẽ lớn/ Góp xanh đất trời" cũng chính là lời của tác giả. Thông qua lời của hạt mầm, ông muốn thể hiện khát vọng được cống hiến cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Ước muốn ấy đã thôi thúc em sống có ích, có ý nghĩa cho cuộc đời. Bài thơ chủ yếu được ngắt theo nhịp 2/2 và cách gieo vần chân "mầm" - "thầm", "mình" - "thinh", "giông" - "hồng", "bé" - "bẹ", "ơi" - "trời" góp phần tạo nên sự nhịp nhàng trong tiết tấu của bài thơ, từ đó gợi tả được quá trình lớn lên từng ngày của hạt mầm. Bằng thể thơ bốn chữ ngắn gọn, từ ngữ gợi hình gợi cảm, hình ảnh thơ giản dị, gần gũi, biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh đã làm nổi bật sức sống tiềm tàng của thiên nhiên. Qua đó thể hiện khát vọng sống cống hiến, yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước của nhà thơ Hữu Thung.
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo
2. Đoạn văn mẫu Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ số 2:
Bài thơ "Sang thu" của nhà thơ Hữu Thỉnh đã để lại cho em những ấn tượng vô cùng sâu sắc. Bài thơ đã khắc họa sự chuyển mình của thiên nhiên, đất trời trong khoảnh khắc chuyển giao từ cuối hạ sang đầu thu. Đồng thời, thể hiện những chiêm nghiệm, triết lý về đời người của nhà thơ. Những hình ảnh, từ ngữ miêu tả chuyển động của thiên nhiên như hương ổi "phả" vào trong gió se, "sương chùng chình", "chim bắt đầu vội vã", đám mây "vắt nửa mình sang thu" đã giúp em hình dung ra khung cảnh chớm thu sinh động. Câu thơ đầu với từ "bỗng" cho thấy sự bất chợt trong phát hiện của nhà thơ, ông nhận ra mùi thơm của ổi phả vào trong gió se lạnh báo hiệu mùa thu đang về. Từ láy "chùng chình" đem đến cho ta cảm giác sương như cố ý chậm lại, bao trùm khắp không gian, thời gian. Đàn chim cũng vì thế mà bắt đầu trở nên "vội vã", đôi cánh như nhanh và mạnh hơn để tránh trú cái lạnh. Biện pháp nhân hóa "Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu" vừa miêu tả trạng thái của đám mây như một dải lụa mềm, bồng bềnh vắt ngang trên bầu trời trong khoảnh khắc giao mùa vừa cho thấy sự nhạy cảm trong cách quan sát của nhà thơ. Khổ thơ cuối cùng: "Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa/ Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi" đã sử dụng biện pháp nhân hóa để miêu tả hiện tượng tự nhiên vào cuối hạ đầu thu: hình ảnh hàng cây đã không còn bị tác động trước hiện tượng gió mưa, sấm chớp. Thực chất hình ảnh "hàng cây đứng tuổi" ẩn dụ cho sự từng trải của con người. Họ không còn bất ngờ trước những biến thiên, gian khổ của cuộc đời. Đó là những suy ngẫm của Hữu Thỉnh về đời người và cuộc sống. Bằng thể thơ năm chữ ngắn gọn, hình ảnh thơ trong sáng, biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ đã đem đến cho người đọc những ấn tượng sâu sắc.
3. Đoạn văn mẫu Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ số 3:
Bài thơ "Con chim chiền chiện" của tác giả Huy Cận đã để lại cho em những rung cảm sâu sắc. Bài thơ ca ngợi một cuộc sống tự do, phóng khoáng từ đó bày tỏ niềm tin yêu vào cuộc sống và tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước của tác giả. Ngay từ khổ thơ đầu tiên: "Con chim chiền chiện/ Bay vút, vút cao/ Lòng đầy yêu mến/ Khúc hát ngọt ngào.", nhà thơ đã gợi mở cho em những hình dung về cánh chim trời đầy khoáng đạt với giọng ca ngân vang khắp trời đất. Chim mang trong mình một tình yêu tràn "đầy yêu mến" với cuộc sống, con người. Tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hóa: "Lòng đầy yêu mến/ Khúc hát ngọt ngào" và "Chim nói chim nói/ Chuyện chi chuyện chi" có tác dụng gợi ra tiếng hót trong trẻo, tràn đầy sức sống của con chim. Bên cạnh đó, nhà thơ còn sử dụng trường từ vựng gợi hình gợi cảm: "vút cao", "ngọt ngào", "cao vợi", "long lanh", "chói", "bối rối", "trong veo", "không biết mỏi", "tròn bụng sữa", "chan chứa", "cao vút", "xanh da trời", "hồn xanh", "tưng bừng" vừa gợi tả được vẻ đẹp của tiếng chim vừa thể hiện được cảm xúc vui mừng, hạnh phúc khi được đắm mình trong tiếng hót ngọt ngào. Biện pháp ẩn dụ "lúa tròn bụng sữa" (khổ thơ thứ tư) đã góp phần lột tả không khí của đồng lúa làng quê. Hình ảnh chim chiền chiện với tiếng hót cứ được đẩy lên cao, cao mãi qua những câu thơ "Bay vút, vút cao", "Cao hoài, cao vợi", "Bay cao, cao vút" và cuối cùng là biến mất chỉ để lại tiếng hót "làm xanh da trời". Hình ảnh chim chiền chiện với những khúc ca "chỉ còn tiếng hót" làm vang khắp không gian "làm xanh da trời" là một hình ảnh mà em cho là độc đáo. Tác giả đã sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác từ thính giác qua thị giác để làm nổi bật vẻ đẹp trong tiếng hót của chim chiền chiện trên nền bầu trời xanh. Từ đây, ta cũng cảm nhận được tấm lòng yêu mến thiên nhiên của nhà thơ. Kết cấu đầu cuối tương ứng: "con chim chiều chiện" đã khắc họa tiếng hót để nhấn mạnh vào tình yêu cuộc sống, yêu quê hương của nhà thơ. Bằng thể thơ bốn chữ ngắn gọn, cách gieo vần chân ("cao" - "ngào", "xanh" - "lanh", "chi" - "thì",...) và vần lưng ("chiền" - "chiện", "vút" - "vút", "cánh" - "xanh",...), cách ngắt nhịp 2/2, giúp các câu thơ trong một khổ thơ, các khổ thơ trong đoạn thơ trở nên gắn kết hơn, tạo nên nhạc điệu và sự hài hòa cho bài thơ, đồng thời khắc họa được vẻ đẹp của con chim chiền chiện. Qua đó, thể hiện tinh thần đề cao cuộc sống tự do, yêu thiên nhiên, đất nước của nhà thơ Huy Cận.
https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-doan-van-ghi-lai-cam-xuc-ve-mot-bai-tho-bon-chu-hoac-nam-chu-ngu-van-7-chan-troi-sang-tao-71510n.aspx
Trên đây là tài liệu văn mẫu Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo. Các em cùng đọc và tham khảo để có thêm được kĩ năng cảm nhận một tác phẩm thơ. Các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu lớp 7 khác:
- Tóm tắt văn bản theo những yêu cầu khác nhau về độ dài Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống
- Nói và nghe: Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống