Chúng ta đã được làm rất nhiều bài văn phân tích bài thơ Tự tình, phân tích bài thơ Thương vợ, qua đó đã hiểu hơn về phụ nữ thời xưa nhưng vẫn chưa đầy đủ. Qua Bánh trôi nước, Tự tình và Thương vợ, em hiểu gì về người phụ nữ Việt Nam thời xưa? Hãy viết bài văn nói về điều này nhé.
Đề bài: Qua Bánh trôi nước, Tự tình và Thương vợ, em hiểu gì về người phụ nữ Việt Nam thời xưa?
Bài văn mẫu Qua Bánh trôi nước, Tự tình và Thương vợ, em hiểu gì về người phụ nữ Việt Nam thời xưa?
Bài làm
Hồ Xuân Hương sáng tác nhiều bài thơ nổi tiếng về đề tài phụ nữ. Thơ bà là tiếng nói đòi quyền sống tự do và thể hiện khát khao hạnh phúc. Trần Tế Xương cũng có một số bài thơ nói về những vất vả gian truân mà người phụ nữ phải gánh chịu trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ.
Mượn hình ảnh chiếc bánh trôi nước quen thuộc trong dân gian, Hổ Xuân Hương gửi gắm những suy ngẫm sâu sắc của mình về thân phận nhỏ bé và phụ thuộc của người phụ nữ:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Chiếc bánh trôi nước làm bằng bột nếp trắng tinh, mịn màng, tròn trịa và xinh xắn khiến người ta liên tưởng tới vẻ đẹp hổn nhiên, đầy đặn của những cô gái đương xuân. Bánh luộc trong nồi nước sôi, mấy lần chìm xuống nổi lên mới chín. Bột bánh trắng trong nổi rõ màu nâu đỏ của nhân làm bằng đường thẻ. Với đôi mắt và trái tim đa cảm, Hồ Xuân Hương đã nhận ra đằng sau những chi tiết rất thực ấy là cả một nỗi niềm thương thân trách phận của người phụ nữ. Tạo hóa sinh ra họ là để duy trì và phát triển sự sống của nhân loại, đồng thời làm đẹp cho đời. Vai trò của họ là vô cùng quan trọng, nhưng quan niệm thiên vị đến mức lệch lạc trong xã hội phong kiến đã cố tình phủ nhận điều đó. Nào là: Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Nào là: Nữ nhân ngoại tộc.
Rồi luật Tam tòng cột chặt người phụ nữ vào thân phận bị phụ thuộc vĩnh viễn: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Những quan niệm khắt khe, cổ hủ ấy đã tước đoạt điều quý giá nhất là được tự do sống đúng với con người mình và đáng sợ hơn là nó biến người phụ nữ thành cái bóng mờ nhạt trong suốt cuộc đời. Họ tồn tại chứ không phải là sống theo đúng nghĩa tích cực của từ đó. Chẳng khác gì những chiếc bánh trôi nước, rắn, nát, méo, tròn hoàn toàn do tay kẻ nặn.
Ở bài thơ Tự tình II, Hồ Xuân Hương đã bộc bạch tâm trạng bức xúc cao độ của bản thân, đồng thời cũng là tâm trạng chung của bao phụ nữ cùng cảnh ngộ trong xã hội phong kiến:
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!
Nói đến người phụ nữ là nói đến cái đẹp, tình yêu thương và đức hi sinh. Họ cống hiến hết cho cuộc đời mà không đòi hỏi quyền lợi vật chất nào ngoài sự trân trọng, cảm thông và chia sẻ. Nhưng những cái đó hầu như không được gia đình và xã hội quan tâm vì cho rằng thiên chức của phụ nữ là phục tùng vô điều kiện. Hiểu rõ điều bất công đó nên Hồ Xuân Hương đã viết nên những câu thơ thấm đẫm nỗi xót xa, chua chát như trên. Hồng nhan là cách gọi những phụ nữ đẹp, rộng hơn là để chỉ chung giới nữ. Nhưng gọi là cái hồng nhan có nghĩa là đã hạ nó xuống ngang hàng với những vật vô tri vô giác khác. Nỗi hờn tủi, bẽ bàng chất chứa trong câu thơ: Trơ cái hồng nhan với nước non in đậm dấu ấn phong cách diễn tả độc đáo của Xuân Hương.
Tâm sự trĩu nặng nỗi buồn thân phận và duyên phận của nữ sĩ không biết ngỏ cùng ai nên càng cuộn xoáy, day dứt trong lòng giữa đêm khuya thanh vắng. Nhưng dù bị phụ phàng hay quên lãng thì nhân vật trữ tình trong bài thơ vẫn không tuyệt vọng, vẫn khao khát sống mạnh mẽ, vẫn ước ao đến cháy lòng hạnh phúc tròn đầy, vẫn mong muốn được san sẻ và bù đắp những tình cảm chân thành nhất giữa người với người.
Bài Thương vợ của nhà thơ trào phúng nổi tiếng Trần Tế xương có thể coi là chân dung tương đối hoàn chỉnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến:
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.
Ngày xưa, Nho giáo buộc phụ nữ phải có bổn phận thờ chồng, nuôi con. Thờ chồng đối với bà Tú bao hàm cả việc nuôi chồng, thế là bất công vì đúng ra, người đàn ông phải giữ vai trò trụ cột trong gia đình về mọi mặt.
Bà Tú vốn con nhà gia giáo, khá giả. Lúc còn ở với cha mẹ, bà không phải chịu cảnh vất vả nắng sương. Làm vợ ông Tú lận đận về đường khoa cử, lại không nghề không nghiệp nên bà đành chấp nhận cảnh sống long đong, khổ sở. Quanh năm lo tảo tần buôn bán nơi mom sông, bến chợ để Nuôi đủ năm con với một chồng. Mà nuôi ông chồng đặc biệt tài hoa như ông Tú thì không phải chỉ lo miếng cơm, manh áo bình thường mà còn phải chuẩn bị sẵn cho ông ít rượu ít trà, ít tiền bỏ túi để có lúc ông vui bạn vui bè, chuẩn bị cho ông một hai bộ cánh tươm tất để nhỡ đi đâu ông khỏi tủi... Như vậy là bà Tú phải lo rất nhiều, phải làm rất nhiều mà không dám kể lể, thở than: Một duyên hai nợ âu đành phận, Năm nắng mười mưa dám quản công. Bà âm thầm coi đó là định mệnh đã an bài. Suy nghĩ và tâm trạng của bà Tú cũng là suy nghĩ, tâm trạng chung của phụ nữ thời xưa.
Nhà thơ Trần Tế Xương từng tự nhận mình là ông chồng vô tích sự, để vợ phải lặn lội thân cò... chẳng khác chi những thân cò thân vạc đáng thương trong ca dao - dân ca, tượng trưng cho thân phận vất vả, cực nhọc của người phụ nữ. Bên cạnh nỗi khổ vật chất, bà Tú còn nỗi khổ tinh thần. Bà hết lòng vì chồng, vì con nhưng chồng con nào có biết cho chăng?! Thế nên mới có tiếng thở dài như một lời than não ruột: Cha mẹ thói đời ăn ở bạc, Có chồng hờ hững cũng như không!
Có lẽ ông Tú đã hoá thân vào vợ mình, để thấu hiểu và thông cảm với bà. Lấy chồng mà chẳng được nhờ vả, cậy dựa; lấy phải ông chồng hờ hững thì quả là có cũng như không mà thôi.
Ba bài thơ cùng một đề tài và cùng toát lên thân phận nhỏ bé, phụ thuộc rất đáng thương của người phự nữ trong xã hội phong kiến xưa kia. Nhà thơ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Trần Tế Xương đã góp tiếng nói đáng kể vào tiếng nói chung bảo vệ quyền lợi chính đáng của một nửa nhân loại - những người gánh vác trọng trách duy trì sự sống trên trái đất này.
https://thuthuat.taimienphi.vn/qua-banh-troi-nuoc-tu-tinh-va-thuong-vo-em-hieu-gi-ve-nguoi-phu-nu-viet-nam-thoi-xua-42102n.aspx
Hồ Xuân Hương với nhiều bài thơ đi vào lòng người đọc, bên cạnh bài văn Qua Bánh trôi nước, Tự tình và Thương vợ, em hiểu gì về người phụ nữ Việt Nam thời xưa?, chúng ta cùng tìm hiểu và làm thêm các bài văn như: Bình giảng bài Tự tình của Hồ Xuân Hương, Dàn ý phân tích bài thơ Tự Tình, Hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ qua Tự Tình II và Thương vợ, Phân tích bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương, Suy nghĩ về ước mơ và hạnh phúc của người phụ nữ Việt Nam qua bài Tự tình 2, Tài năng sử dụng ngôn ngữ dân tộc của Hồ Xuân Hương qua: Bánh trôi nước và Tự tình (bài II), ... để hiểu hơn về tác phẩm của nhà thơ nhé.