Phân tích Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của Tràng Giang

Tràng giang là thi phẩm có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển và hiện đại. Các em hãy cùng Phân tích Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của Tràng Giang để thấy được sự đan cài hài hòa giữa các yếu tố và hiệu quả nghệ thuật của việc kết hợp ấy trong việc thể hiện nội dung, cảm xúc chủ đạo của bài thơ. Các em hãy cùng tham khảo để có thêm những ý tưởng hay cho bài phân tích của mình.

Đề bài: Anh/chị hãy Phân tích Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của Tràng Giang để thấy được tài năng nghệ thuật của Huy Cận trong việc xây dựng nội dung, hình thức thơ.

Mục Lục bài viết:
1. Dàn ý
2. Bài mẫu số 1
3. Bài mẫu số 2

phan tich ve dep co dien va hien dai cua trang giang

Phân tích Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của Tràng Giang

Mẹo Phương pháp phân tích bài thơ, đoạn thơ đạt điểm cao

I. Dàn ý Phân tích Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của Tràng Giang

1. Mở bài

Giới thiệu về bài thơ Tràng giang và vẻ đẹp cổ điển và hiện đại được thể hiện trong bài thơ

2. Thân bài

* Vẻ đẹp cổ điển:
- Nhan đề “Tràng giang” – từ ngữ Hán Việt à sắc thái cổ kính, trang trọng khiến cho dòng sông như chảy từ một thuở xa xưa nào đó của lịch sử và thấm nhuần bao áng cổ thi.
- Sử dụng ý thơ của tao nhân xưa cùng những hình ảnh quen thuộc trong thơ cổ để chấm phá lên bức tranh của “Tràng giang” gam màu cổ điển.
- Hình  ảnh “sóng gợn”, gợi nhắc đến những vần thơ của Đỗ Phủ- bậc “thi thánh” trong nền văn học Trung Hoa ở bài “Đăng cao”.
- Đưa vào bài thơ những hình ảnh mang tính chất ước lệ trong thơ cổ “thuyền- bến”, cánh chim
- Nghệ thuật đối của thơ Đường đã được tác giả vận dụng một cách linh hoạt.

* Vẻ đẹp hiện đại:
- Hình ảnh, âm thanh chân thực của đời sống: củi khô, bèo dạt, tiếng vãn chợ chiều
- Tác giả giãi bày trực tiếp nỗi buồn, nỗi sầu, những trăn trở qua từ ngữ sáng tạo mang dấu ấn cá nhân (sâu chót vót, niềm thân mật, dợn dợn…)

3. Kết bài

Cảm nhận chung
 

II. Bài văn mẫu Phân tích Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của Tràng Giang


1. Phân tích Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của Tràng Giang, mẫu số 1: 

Trong phong trào thơ mới 1932-1945, ta đã biết đến một Xuân Diệu luôn mang theo mình nỗi ám ảnh thời gian, thì Huy Cận lại được mệnh danh là nhà thơ luôn luôn mang nỗi ám ảnh không gian. Và cái nỗi ám ảnh ảnh ấy được thể hiện thông qua một bài thơ rất nổi tiếng của Huy Cận và cũng là bài thơ rất nổi tiếng của phong trào thơ mới giai đoạn 1932-1945, đó là Tràng Giang.

Huy Cận (1909-2005), tên thật là Cù Huy Cận, quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, ông là một trong những tác giả có nền học vấn vững chắc và bài bản nhất trong phong trào thơ mới, 20 tuổi đỗ tú tài, 24 tuổi là một kỹ sư canh nông. Ông tham gia vào cách mạng khá sớm vào năm 23 tuổi, ông là người hiếm hoi có cả sự nghiệp chính trị và văn chương đầy vẻ vang. Sự nghiệp sáng tác của ông được chia làm hai giai đoạn, trước cách mạng ông được biết đến là một trong những tác giả tiêu biểu nhất của phong trào thơ mới với tập Lửa thiêng, tập thơ đầu tay vinh danh ông trong phong trào thơ mới, sau cách mạng Huy Cận đã có một thời gian dài dừng lại, sau đó vào năm 1958 ông đã sáng tác lại với tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá. Phong cách nghệ thuật của Huy Cận là sự giao hòa giữa vẻ đẹp cổ điển và hiện đại, ở nội dung đó là sự đan xen giữa nỗi sầu của vũ trụ, của thế nhân với nỗi cô đơn của cá nhân, về nghệ thuật đó là sự hòa trộn giữa hệ thống thi pháp thơ Đường và những nét thi pháp của thơ tượng trưng Pháp.

Tràng giang nằm trong tập thơ Lửa thiêng, xuất bản vào năm 1940, tác phẩm là sự hợp nhất của một nỗi sầu mênh mang và vẻ đẹp của dòng sông mênh mông sóng nước vừa cổ điển, vừa hiện đại, trên trời rộng, dưới sông dài.

phan tich ve dep co dien va hien dai bai tho trang giang

Những bài Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại bài thơ Tràng giang hay nhất

Đọc toàn bài thơ, ta đã nhận ra ngay vẻ đẹp cổ điển và hiện đại hiện lên thật sắc nét trong cả nhan đề và lời đề từ. Với nhan đề Tràng giang, rõ ràng đây là một từ Hán Việt với hai âm mở "ang", âm thanh khi phát ra gợi nên những cái cảm giác về một không gian vừa cao, vừa xa lại vừa rộng, dài của một con sông hun hút chảy đến cuối trời, mang đến cho độc giả sự tĩnh lặng, cùng nỗi buồn mênh mang mờ mịt, đậm chất cổ điển. Lời đề từ: "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài" vừa thâu tóm cả tình thơ vừa thâu tóm cả cảnh thơ một cách tinh tế, thể hiện được cái nỗi buồn thời đại của tác giả trước cảnh thiên nhiên rộng lớn, mang tầm vóc vũ trụ, đồng thời là nỗi buồn cô đơn trước khung cảnh quá mức mênh mang, vô định. Có thể nói nỗi sầu của tác giả là một nỗi sầu vừa cổ điển lại vừa hiện đại, hiện đại ở chỗ Huy Cận sầu cho bản thân, sầu cho cái "tôi" đầy cô đơn của mình, cổ điển ở chỗ nhà thơ lấy cái hoàn cảnh gây nên cái sầu đó chính là thiên nhiên trầm lặng, rộng lớn, giống với nhiều nhà thơ cổ thường đem nỗi buồn gởi gắm vào thiên nhiên, "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".

Ta lần lượt phân tích rõ cái vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại ấy qua từng khổ của bài. Ở khổ thơ đầu tiên đó là bức tranh sông nước buồn vắng.

"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng."

Câu đầu tiên ta thấy là một bức tranh mà ở đó có hai đối tượng được tác giả tái hiện, đó là thiên nhiên "sóng gợn tràng giang", giữa một dòng sông vừa rộng lại vừa dài lại chỉ có những gợn sóng lăn tăn do gió thổi nhẹ mà nên, gợi cho ta cảm giác thật tĩnh lặng và khoáng đạt của dòng sông. Cụm "buồn điệp điệp" vừa tái hiện tâm trạng của thiên nhiên, lại cũng vừa tái hiện tâm trạng của lòng người. Hình ảnh "Con thuyền xuôi mái nước song song" thật lặng lẽ, êm đềm và có chút xót xa vương vấn, bởi ở ngay câu sau đó là hình ảnh xuôi ngược, chia lìa của hai sự vật vốn dĩ chung đôi "thuyền về nước lại", điều đó đã gợi lên một mối "sầu trăm ngả", dường như nỗi sầu đã lan rộng cả lòng sông. Câu thơ cuối đoạn, có lẽ là câu thơ nhấn mạnh nhất nỗi buồn của tác giả "Củi một cành khô lạc mấy dòng", rõ ràng câu thơ chỉ tả một cành củi khô, lênh đênh trên sóng nước, nhưng nghĩ kỹ ta sẽ mường tượng ra tâm hồn khô héo và cô đơn, vô định của tác giả. Đây là hình ảnh thơ mang nét hiện đại, ở chỗ so với những hình ảnh ước lệ khác như thuyền, nước hay sóng, thì hình ảnh củi khô gần như lạc quẻ, tuy nhiên chính nó đã đem lại nét phá cách cho cả bài. Chung quy lại nỗi buồn của tác giả là một nỗi buồn nhuốm màu cổ điển lại cũng có nét hiện đại, buồn mênh mang bao trùm lên cả cảnh vật, bởi rõ trong mắt người buồn chẳng có cảnh nào vui là thế. Đồng thời nhịp điệu của đoạn thơ cũng mang đậm màu sắc cổ điển ở những từ láy "điệp điệp", "song song", một bút pháp thường thấy trong Đường thi.

"Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu."

Ở khổ thơ tiếp tác giả quay sang miêu tả những thứ khác, rất nhiều từ láy được sử dụng như "lơ thơ", "đìu hiu", "chót vót", kết hợp với những hình ảnh mang tính đối lập như "Nắng xuống, trời lên", "Sông dài, trời rộng", đã mang đến cho từng vần thơ một nét đẹp cổ điển đậm đà. Thêm vào đó những cảnh vật và hoạt động diễn ra đều mang một nét buồn sâu lắng, cồn lơ thơ, gió đìu hiu, làng xa vãn chợ chiều, sông dài, trời rộng, bến cô liêu, tất cả đều gợi tả cảm giác cô đơn trong cái sắc tĩnh lặng cổ điển. Nét hiện đại ở trong khổ thơ là sự chuyển dịch cảm giác đầy thú vị và độc đáo "Nắng xuống, trời lên sâu chót vót", có hợp lý không khi cho cảm giác "sâu" đi với một tính từ chỉ độ cao "chót vót", nhưng chỉ có thế mới thể hiện hết được cái khoảng cách giữa sông với trời, giữa con người với vũ trụ bao la. Đây là một nét phá cách rất hiện đại mà những vần thơ cổ không làm được, bởi sự quy định chặt chẽ và an toàn.

"Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng."

Khổ thơ này có một hình ảnh rất cổ điển, ấy là bèo, bèo tượng trưng cho kiếp số lênh đênh và vô định của đời người, và có rất nhiều cánh bèo như thế "hàng nối hàng", thể hiện cái nỗi buồn rợn ngợp của tác giả trước cảnh "Mênh mông không một chuyến đò ngang". Câu thơ tiếp theo tác giả đã trực tiếp thể hiện cái cảm xúc thật của mình: "Không cầu gợi chút niềm thân mật", đây lại là một nét hiện đại trong thơ, câu cuối "Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng" đó là phiếm chỉ sự cô đơn cùng cực, chỉ toàn bờ bãi nào có một tâm hồn khác.

"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."

Trong khổ thơ cuối ta nhìn thấy nhiều nét đẹp cổ điển hơn, mặc dù câu thơ đầu "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc," là một câu thơ được Huy Cận lấy ý từ một bài thơ cổ của Đỗ Phủ, trong câu "Mặt đất mây đùn cửa ải xa", nhưng nhà thơ đã có sự sáng tạo trong việc sử dụng từ láy "lớp lớp" khiến người ta liên tưởng đến độ dày đặc của mây vờn quanh núi, khiến màu núi gần như màu bạc. Trong đó, từ "đùn" lại mang đến một nét động cho bài thơ, một nét hiện đại, bởi giữa cái yên ắng, tĩnh lặng ta lại mới thấy được một cái động tĩnh lạ như thế. Đến câu "Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa", hình ảnh chim nghiêng cánh vốn đã quá quen thuộc trong thơ ca cổ điển, nó mang lại một cái ý thức thời gian kín đáo, dợn buồn. Nhưng đến hai câu sau trái ngược với nét cổ điển của câu trước thì lại là tâm tư thật giản dị và rõ ràng của tác giả thông qua những câu chữ hết sức thẳng thắn, nhà thơ đang nhớ nhà, nhớ quê, đây là cái nét hiện đại của hồn thơ Huy Cận, không ước lệ trong những cảm xúc cốt yếu của mình.

Tràng giang một trong những bài thơ xuất sắc của Huy Cận, tiêu biểu cho phong trào thơ mới những năm 1932-1945. Trong bài, ta nhận thấy những vẻ đẹp trữ tình vừa cổ điển lại vừa hiện đại của khung cảnh thiên nhiên bao la rộng lớn, đồng thời cũng là tâm trạng của tác giả trong nỗi buồn xa quê, nhớ nhà. Những điều đó đã gián tiếp thể hiện cái tình đời, lòng yêu quê hương đất nước tha thiết của Huy Cận qua những vần thơ của Tràng giang.
 

2. Phân tích Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của Tràng Giang, mẫu số 2:

“Thơ mới” xuất hiện trên thi đàn văn học Việt Nam như một dàn đồng ca đa sầu, đa cảm với những cái “tôi” cá nhân riêng. Và trong bức tranh nhiều cung bậc cảm xúc đó, Huy Cận được biết đến với hồn thơ buồn đến độ “ảo não”. Tác giả Hoài Thanh cũng đã từng viết về điều này: “... Ta ngẩn ngơ buồn trở về cùng Huy Cận” (“Thi nhân Việt Nam). “Tràng giang” là một trong những bài thơ hay nhất và thể hiện rõ nhất nỗi buồn của Huy Cận. Trong bài thơ, chất cổ điển và hiện đại cùng quyện hòa qua từng câu chữ, thi liệu, hình ảnh, ý thơ để làm nổi bật một tâm hồn giao hòa cùng vũ trụ, mang trong mình nỗi sầu nhân thế hòa quyện cùng tình yêu đất nước thầm kín.

Phong vị cổ điển của bài thơ trước hết được thể hiện rõ qua nhan đề “Tràng giang”. Tác giả đã sử dụng từ Hán Việt để tạo nên sắc thái cổ kính, trang trọng khiến cho dòng sông như chảy từ một thuở xa xưa nào đó của lịch sử và thấm nhuần bao áng cổ thi. Đặc biệt, tác giả nói “Tràng giang” thay cho cách nói “Trường giang” thông thường đem đến cảm giác dòng sông như dài hơn, rộng hơn, mênh mang đến vô tận, bởi sự lặp lại của âm “ang” – một âm tiết mở có độ vang.

bai van phan tich ve dep hien dai va co dien bai trang giang

Hướng dẫn Phân tích vẻ đẹp cổ điển avf hiện đại của Tràng giang

Xuyên suốt bài thơ, vẻ đẹp cổ điển và hiện đại cùng quyện hòa một cách tinh tế trong từng khổ thơ, thể hiện rõ qua từng câu chữ, từng hình ảnh, thi liệu. Ở khổ thơ thứ nhất, tác giả đã sử dụng ý thơ của tao nhân xưa cùng những hình ảnh quen thuộc trong thơ cổ để chấm phá lên bức tranh của “Tràng giang” gam màu cổ điển:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Ngay từ câu thơ đầu tiên, chúng ta đã thấy được phong vị cổ điển thông qua hình ảnh “sóng gợn”, gợi nhắc đến những vần thơ của Đỗ Phủ- bậc “thi thánh” trong nền văn học Trung Hoa ở bài “Đăng cao”:

“Vô biên mộc lạc tiêu tiêu hạ
Bất tận trường giang cổn cổn lai”

(“Rào rào lá trúc rừng cây thẳm
Cuồn cuộn sông về sóng nước tuôn”)

(Trích “Đăng cao”- Đỗ Phủ)

Nếu như nhà thơ Đỗ Phủ miêu tả thiên nhiên thông qua sự đối lập giữa sóng nước tuôn trào trong không gian của rừng cây thăm thẳm thì tác giả Huy Cận lại sử dụng nghệ thuật đối xứng “buồn điệp điệp”- “nước song song”. Những từ láy như “điệp điệp”, “song song” vừa tả sóng nước trên sông, vừa gợi nỗi lòng người và được đặt cuối mỗi câu thơ một cách tinh tế làm cho âm hưởng ngân vang và lan tỏa hơn. “Tràng giang” với muôn vàn con sóng nhỏ, nỗi buồn vô hình của thi nhân đã mượn chuyển động của từng con sóng để trở nên hữu hình. “Thuyền” và “nước” vốn là hai khái niệm gần gũi mang tính chất ước lệ trong thơ ca cổ được nhà thơ sử dụng và miêu tả trong sự đối xứng: con thuyền “xuôi mái” trôi trên dòng sông, sóng không vỗ vào mạn thuyền mà là “nước song song”. Nghệ thuật đối của thơ Đường đã được tác giả vận dụng một cách linh hoạt, tạo nên sự cân đối, nhịp nhàng. Nhờ đó, cảnh vật hiện lên trong sự tĩnh lặng mang phong vị cổ điển. Còn ở hai câu thơ sau, bên cạnh vẻ đẹp cổ điển, bài thơ lại nét hiện đại của thơ mới qua hình ảnh: “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Nếu thơ ca cổ đề cao vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của “phong, hoa, tuyết, nguyệt” thì Huy Cận lại thả trên dòng tràng giang một cành củi khô - một chi tiết vô cùng chân thực và thường thấy trong thơ hiện đại. Biện pháp đảo ngữ đã được tác giả vận dụng một cách tinh tế để tạo nên cách diễn đạt độc đáo: “Củi một cành khô lạc mấy dòng” thay cho cách nói thông thường: “Một cành củi khô lạc mấy dòng” vừa nhấn mạnh trạng thái khô khan, héo hon và không còn sức sống của cành củi, đồng thời nhấn mạnh sự ít ỏi qua việc sử dụng số từ “một”, từ đó độc giả có thể thấy được tâm trạng cô đơn của thi nhân giữa dòng “Tràng giang” trong không gian ba chiều vô cùng rộng lớn, bao la.

Và khi rời dòng sông, đôi mắt của thi nhân lại đưa cái nhìn quan sát toàn cảnh của tràng giang:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”

Gam màu cổ điển tiếp tục xuất hiện trong bức tranh thiên nhiên qua thi liệu, hình ảnh và ngôn từ. Trên những cồn cát nhỏ xuất hiện những làn gió “đìu hiu” mang nặng tâm trạng của nhân vật trữ tình. Tác giả đã vận dụng khéo léo từ ngữ “đìu hiu”vốn xuất hiện trong bản dịch “Chinh phụ ngâm” khi miêu tả không gian chiến trường thê lương và ảm đạm: “Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo/ Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò”. Việc nhà thơ Huy Cận chịu ảnh hưởng từ thơ văn cổ không chỉ đem đến phong vị cổ điển mà còn có tác dụng khắc họa cảnh nhưng vẫn chất chứa và mang nặng tâm trạng của nhân vật trữ tình.

Chất cổ điển và hiện đại cùng quyện hòa được thể hiện rõ nhất ở khổ thơ cuối của bài thơ. Cảnh được gợi lên với bút pháp nghệ thuật quen thuộc của thơ ca cổ khi miêu tả cánh chim trong hoàng hôn

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”

Trong thơ ca xưa, cánh chim là thi liệu được dùng để điểm xuyết bức tranh thiên nhiên vào buổi chiều tà. Chúng ta từng bắt gặp hình ảnh cánh chim qua những ca dao hay rất nhiều tác phẩm văn học trung đại nổi tiếng:

“Chim bay về núi tối rồi”
                                           (Ca dao)

“Chim hôm thoi thót về rừng”

(Truyện Kiều)

Trong thơ cổ, nỗi buồn hiu quạnh đã được gợi lên thông qua việc lấy không gian để miêu tả thời gian. Còn trong thơ Huy Cận, chúng ta cũng bắt gặp không gian trời chiều cùng cánh chinh đem đến phong vị cổ điển và gợi nhắc đến câu thơ của Vương Bột đời Đường: “Lạc hà cô lộ dữ tề phi” (Nắng chiều cùng cánh cò đơn chiếc đang bay). Cánh chim như một giọt nắng chiều đang rớt xuống và mang theo tâm trạng của người thi nhân.

Như vậy, bài thơ “Tràng giang” đã khắc họa bức tranh thiên nhiên về dòng sông gần gũi và quen thuộc, ẩn chứa bức tranh tâm trạng với nỗi sầu thiên cổ, sầu vũ trụ và sầu nhân thế. Tất cả đã được thể hiện qua sự quyện hòa của phong vị cổ điển và những nét hiện đại và mới mẻ.

-------------------HẾT----------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-ve-dep-co-dien-va-hien-dai-cua-trang-giang-42233n.aspx
Tràng Giang là tác phẩm nổi bật trong ngữ văn lớp 11, bên cạnh bài làm văn Phân tích Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của Tràng Giang, học sinh và giáo viên cùng tham khảo thêm các bài làm văn mẫu khác như Cảm nhận về bài thơ Tràng giang, Bức tranh Tràng giang và nỗi niềm của Huy Cận, Phân tích hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ Tràng giang, hay cả những phần Soạn văn lớp 11 - Tràng giang, Giáo án Tràng giang

Tác giả: Trần Quốc Anh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích khổ 2 bài Tràng Giang của Huy Cận
Dàn ý Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận
Vẻ đẹp cổ điển trong bài thơ Qua Đèo Ngang và Chiều hôm nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan
Dàn ý phân tích ý nghĩa nhan đề bài Tràng Giang
Dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Tràng giang của nhà thơ Huy Cận
Từ khoá liên quan:

phan tich ve dep co dien va hien dai cua trang giang

, cam nhan ve dep co dien va hien dai cua kho ket bai tho trang giang, chi ra ve dep co dien va hien dai trong bai tho trang giang,

SOFT LIÊN QUAN
  • Golden Ratio Face

    Đánh giá vẻ đẹp và tỷ lệ khuôn mặt bạn

    Golden Ratio Face là ứng dụng phân tích khuôn mặt giúp bạn biết được tỷ lệ khuôn mặt của mình có đạt được vẻ đẹp chuẩn không, có ảnh hưởng như thế nào đến tình yêu của bạn, sức khỏe, sự giàu có, nguồn gốc dân tộc của bạn ...

Tin Mới

  • Dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Tràng giang của nhà thơ Huy Cận

    Những bài văn mẫu phân tích Tràng giang trong chương trình Ngữ văn lớp 11 do Taimienphi biên soạn sẽ giúp các em cảm nhận được những suy tư sâu sắc mà tác giả gửi gắm.

  • Cảm nhận bài thơ Từ ấy của Tố Hữu hay nhất, ngắn gọn

    Bài thơ “Từ ấy” là một tác phẩm vô cùng nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, thể hiện được niềm hân hoan và xúc động khi bắt gặp lí tưởng cách mạng. Cảm nhận bài thơ Từ ấy bao gồm dàn bài chi tiết và bài văn dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về lí tưởng cách mạng cùng tiếng thơ trữ tình – chính trị của nhà thơ. Từ đó, các em sẽ dễ dàng viết được bài văn cảm nhận này.

  • Phân tích Chí Phèo của Nam Cao

    Chí Phèo là truyện ngắn xuất sắc và nổi bật nhất của nhà văn Nam Cao khi viết về chủ đề người nông dân trong xã hội thời xưa. Bài văn mẫu Phân tích Chí Phèo dưới đây sẽ giúp các em thấy được sự cùng cực, khốn khổ của người nông dân xưa dưới sự áp bức của giai cấp thống trị qua cuộc đời và số phận của nhân vật Chí Phèo.

  • Cấu hình máy tính để chơi GTA Vice City

    Cấu hình máy tính để chơi GTA Vice City không cần quá cao, tuy nhiên các bạn cũng nên kiểm tra nếu máy tính đang sử dụng đã quá lỗi thời. Làm theo hướng dẫn sau để kiểm tra cấu hình máy tính chơi GTA Vice City.