Phân tích hai khổ đầu bài thơ Sang thu

Sang thu là một bài thơ rất hay về mùa thu của nhà thơ Hữu Thỉnh. Thông qua bài viết Phân tích hai khổ đầu bài thơ Sang thu hôm nay, chúng ta sẽ được cảm nhận về không khí chớm thu, về cảnh sắc thiên nhiên, những tín hiệu quen thuộc nhất khi mùa thu về qua những vần thơ đặc sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Đề bài: Phân tích hai khổ đầu bài thơ Sang thu

Mục lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

phan tich hai kho dau bai tho sang thu

Phân tích hai khổ đầu bài thơ Sang thu


I. Dàn ý Phân tích hai khổ đầu bài thơ Sang thu (Chuẩn)

1. Mở bài:

- Bài thơ "Sang thu" của nhà thơ Hữu Thỉnh là một bài thơ hay về mùa thu.
- Hai khổ đầu là bức tranh cảnh sắc thiên nhiên khi trời đất giao mùa từ hạ sang thu.

2. Thân bài:

a. Khổ 1: Dấu hiệu của mùa thu:

Những hình ảnh, tín hiệu vô cùng quen thuộc báo hiệu mùa thu: hương ổi, gió se, sương.

- Tín hiệu thứ nhất - "Hương ổi":
+ Hương vị quen thuộc của quê nhà, mộc mạc, giản dị.
+ Mùi hương ấy bay thoảng trong không gian, "phả" vào làn gió thu se se lạnh.
+ Từ "phả": diễn tả sự chủ động, dường như hương ổi tự chủ động lan tỏa vào trong gió.

- Dấu hiệu thứ hai là "gió se": cơn gió khô, lạnh không còn mang hơi nóng của mùa hè.

- Dấu hiệu thứ ba là màn sương mù, bao phủ khắp xóm làng.
+ "Chùng chình": diễn tả sự chậm rãi một cách cố ý.
+ Tác giả đã nhân hóa màn sương như có linh hồn, chậm chạp bao phủ khắp ngõ xóm, làng quê, gợi lên không khí yên bình, tĩnh mịch.

- Cảm xúc của tác giả:
+ Từ "bỗng": diễn tả sự ngạc nhiên, bất ngờ của nhà thơ khi bắt gặp "hương ổi".
+ "Hình như": tình thái từ chỉ sự chưa chắc chắn, thể hiện sự ngạc nhiên khi mùa thu tới của tác giả.

b. Khổ 2: Vẻ đẹp của thiên nhiên khi giao mùa từ hạ sang thu:

- Hình ảnh đối lập:
+ Sông "dềnh dàng": diễn tả sự chậm chạp, thong thả, lững lờ chảy của dòng sông
+ Những đàn chim thì "vội vã" chuẩn bị về phương Nam tránh rét.

- Hình ảnh đám mây "vắt nửa mình sang thu": hình ảnh liên tưởng độc đáo, thể hiện sự lưu luyến mùa hạ khi đất trời chuyển mình sang thu.

c. Đặc sắc nghệ thuật:

- Sử dụng liên tiếp các biện pháp nhân hoá, so sánh để vẽ lên bức tranh thu.
- Hình ảnh thơ giàu sức gợi,
- Sử dụng các từ láy rất khéo léo.

3. Kết bài:

Khẳng định lại giá trị hai khổ thơ, bài thơ


II. Bài văn mẫu Phân tích hai khổ đầu bài thơ Sang thu (Chuẩn)

Nhắc tới những bài thơ mùa thu, chúng ta biết tới chùm ba bài thơ thu của nhà thơ Nguyễn Khuyến, biết đến "Đây mùa thu tới" của Xuân Diệu, hay "Bắt gặp mùa thu" của Nguyễn Bính,... Như vậy, thu là đề tài quen thuộc trong thi ca Việt Nam từ xưa đến nay. Với những hình dung, cảm nhận sâu sắc khoảnh khắc giao mùa, nhà thơ Hữu Thỉnh đã viết nên bài thơ "Sang thu".Và ở hai khổ đầu bài thơ, nhà thơ đã khắc họa bức tranh về cảnh sắc thiên nhiên, đất trời khi chuyển từ hạ sang thu.

"Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu"

Bức tranh chớm thu của quê hương vùng đồng bằng Bắc Bộ được gợi mở bằng những hình ảnh vô cùng đẹp đẽ, bình dị với những tín hiệu vô cùng quen thuộc. Không phải là hình ảnh "lá vàng trong gió khẽ đưa vèo", cũng không phải hình ảnh của chú "nai vàng ngơ ngác", những dấu hiệu về mùa thu trong thơ của Hữu Thỉnh thân thuộc hơn thế, đó là "hương ổi" chín len vào trong gió, là "gió se" lành lạnh lướt qua. Ổi là thức quả vốn quen thuộc với người dân Việt Nam. Nó xuất hiện để báo hiệu mùa thu, báo hiệu những đêm hội trăng rằm với những mâm cỗ đầy ắp. Và giờ đây, "hương ổi" xuất hiện để đánh thức những giác quan tinh tế nhất của Hữu Thỉnh, để báo hiệu cho ông về thời khắc của sự giao mùa: "Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se"

Thứ hương vị thơm ngọt, bình dị ấy thoảng qua, nhanh chóng và đột ngột khiến cho nhà thơ như bừng tình mà thốt lên giật mình. Từ "bỗng" ở đây diễn tả cảm giác bất chợt, kinh ngạc, ngỡ ngàng của tác giả khi nhận ra "hương ổi" thơm đang lan tràn trong không khí, đang "phả" vào không gian. Động từ "phả" được đặt ở đầu câu cho thấy sự chủ động của chủ thể. "Hương ổi" không phải bị gió cuốn đi mà dường như nó chủ động "phả" mình vào làn gió, để "gió se" cuốn đi và bay lượn khắp nơi. Mùi hương của ổi chín có lẽ là một tín hiệu vô cùng quen thuộc của mùa thu song có đôi lúc vì quá vội vã trên đường đời mà ta không nhận ra. Nhưng với nhà thơ Hữu Thỉnh, ông đã tinh tế phát hiện ra và lưu giữ nó qua những vần thơ của mình. Tín hiệu thứ hai của mùa thu là làn gió se, lạnh và khô. Những cơn gió giờ đây đã dịu lại, không còn mang hơi nóng của mùa hạ mà đã se ngọt dần, lạnh dần, báo hiệu mùa thu đã về.

Dấu hiệu thứ ba của mùa thu là những màn sương mù bao phủ. Những màn sương ấy không vội vàng mà chậm rãi lan toả, bao trùm lấy không gian yên bình của làng quê. Màn sương ấy như một cô thiếu nữ e thẹn, cố ý đi chậm lại, "chùng chình" đi qua từng con ngõ nhỏ trong xóm làng vào buổi sớm. Nhà thơ đã dùng biện pháp nhân hoá để khiến cho màn sương vốn vô tri lại trở nên như có linh hồn. Nó chậm rãi tiến tới, báo hiệu cho nhà thơ về khoảnh khắc giao mùa. Hương ổi, gió se, màn sương chầm chậm, tất cả là những tín hiệu rõ ràng của mùa thu. Và chính nó đã khiến nhà thơ giật mình nhận ra, ngỡ ngàng nhưng cũng ngờ vực mà tự hỏi lòng mình rằng: "Hình như thu đã về". Một cảm giác mơ hồ không rõ. Nhà thơ ngỡ ngàng trước những biến chuyển nhanh chóng của đất trời, ông dường như không tin vào những giác quan của mình.

Hữu Thỉnh đã vô cùng tinh tế khi nắm bắt những tín hiệu rất quen thuộc, bình dị của mùa thu. Đó không phải là những hình ảnh mà có thể cảm nhận bằng thị giác hay xúc cảm, mà phải cảm nhận bằng tâm hồn nhạy cảm của người thi sĩ để vẽ lên bức tranh chớm thu vô cùng đặc biệt này!

Vào thời khắc giao mùa ấy, thiên nhiên cũng biến chuyển và mang một vẻ đẹp rất khác biệt. Những rung động thoảng nhẹ ban đầu, những bỡ ngỡ dần qua đi, giờ đây nhà thơ cảm nhận mùa thu một cách thật mãnh liệt. Con sông quê hương vốn cuồn cuộn nước vào mùa hạ, giờ lại "dềnh dàng", thong thả, lững lờ trôi. Còn những cánh chim thì bắt đầu "vội vã" thu dọn chuẩn bị về phương Nam tránh rét. Mùa thu, quả là một mùa đặc biệt! Sương thì "chùng chình" chậm chạp, sông thì "dềnh dàng" thong thả, chim lại "vội vã" tất bật,... Tất cả dường như đang xôn xao chuẩn bị đón nàng thu về. Hữu Thỉnh đã khéo léo khi sử dụng liên tiếp hai từ láy tượng hình "dềnh dàng", "vội vã" ở hai câu thơ liên tiếp khắc họa sự đối lập giữa vạn vật khi thu về. Qua đi rồi cái không khí nóng nực của mùa hè, mùa thu đang sang rất nhẹ, rất dịu và êm. Thu đã khoác lên bầu trời một màu áo mới, không phải là "tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt" như Nguyễn Khuyến mà bức tranh thu của Hữu Thỉnh dường như còn vương chút gì đó của mùa hạ. Điều đó được thể hiện qua hình ảnh đám mây. Đám mây của mùa hạ nhưng lại "vắt nửa mình" sang mùa thu. Lối miêu tả, nhân hoá thật độc đáo, khác lạ. Một sắc mây chẳng còn nóng bỏng của ngày hè nhưng cũng chưa có được sự nhẹ nhàng, sự thanh thoát của mùa thu. Đám mây ấy dường như còn vương lại chút nắng hè, còn đang bâng khuâng, tiếc nuối nên mới chỉ buông "nửa mình" qua trời thu.

Bằng những biện pháp nhân hoá, so sánh, nhà thơ Hữu Thỉnh đã vẽ lên bức tranh mùa thu với những hình ảnh rất quen thuộc mà cũng mới mẻ, tươi tắn. Ngôn ngữ thơ trong sáng, giản dị, nhưng rất giàu sức gợi, đặc biệt là những hình ảnh thơ với sự liên tưởng vô cùng độc đáo. Cách sử dụng các từ láy khéo léo cùng với giọng điệu ngỡ ngàng đã giúp chúng ta trở về quang cảnh mùa thu của một vùng quê dân dã, bình dị mà ấm áp lạ thường.

Chỉ với hai khổ thơ đầu ngắn ngủi nhưng bài thơ "Sang thu" của nhà thơ Hữu Thỉnh đã cho chúng ta thấy được bức tranh mùa thu về một miền quê hương, đất nước đẹp trong trẻo, dịu dàng. "Sang thu" sẽ mãi là một trong những bài thơ thu độc đáo và ấn tượng trong nền thi ca Việt.

----------------HẾT-----------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-hai-kho-dau-bai-tho-sang-thu-69346n.aspx
Sang thu là một tác phẩm về mùa thu vô cùng đặc sắc. Tham khảo các bài viết: Cảm nhận của em về bài thơ Sang Thu, Cảm nhận của em về bức tranh thu trong bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh, Cảm nghĩ của em về 2 câu thơ cuối bài Sang thu, Chất trữ tình và triết lí sâu lắng trong bài thơ Sang thu các em sẽ thấy được bức tranh về mùa thu đẹp đẽ, bình dị cùng những cảm nhận tinh tế của nhà thơ khi mùa thu sang.

Tác giả: Xuân Bắc     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích khổ bốn trong bài Đây mùa thu tới (Xuân Diệu)
Viết đoạn văn để làm rõ nhận định về hai câu thơ cuối trong bài thơ Sang thu
Đoạn văn cảm nhận khổ thơ 2 bài thơ Sang thu
Phân tích 2 khổ thơ đầu trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Khát vọng dâng hiến cho đời của nhà thơ Thanh Hải trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
Từ khoá liên quan:

dan y phan tich hai kho dau bai tho sang thu

, van mau lop 9 phan tich hai kho dau bai tho sang thu dan y van mau, binh giang hai kho tho dau trong bai sang thu cua huu thinh,

SOFT LIÊN QUAN
  • Cảm nhận khổ thơ cuối bài sang thu

    Văn mẫu hướng dẫn phân tích bài Sang Thu

    Khổ cuối bài thơ Sang thu được coi là kết tinh của những chiêm nghiệm, triết lí cuộc sống vô cùng sâu sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh, vậy em có Cảm nhận khổ thơ cuối bài sang thu như thế nào, cùng viết bài văn ngắn để chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân về đặc sắc nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ đó nhé.

Tin Mới