Cùng viết về đề tài mùa thu nhưng Sang thu của Hữu Thỉnh lại mang đến một màu sắc mới trong chùm thơ thu của văn học Việt Nam, vậy Cảm nhận của em về bài thơ Sang thu như thế nào, cùng viết bài văn ngắn để chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ của mình về tác phẩm đó.
Đề bài: Trình bày cảm nhận của em về bài thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh
Cảm nhận của em về bài thơ Sang Thu
I. Dàn ý Cảm nhận của em về bài thơ Sang Thu
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về tác giả Hữu Thỉnh và tác phẩm "Sang thu"
2. Thân bài
a. Bài thơ "Sang thu" đã tái hiện những tín hiệu lúc giao mùa bằng cảm quan tinh tế, nhạy bén của nhà thơ Hữu Thỉnh
- Bức tranh thiên nhiên qua những tín hiệu báo hiệu mùa thu về: "hương ổi", "gió se", sương chùng chình.
- Bức tranh tâm trạng của tác giả qua sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên, mơ hồ cảm nhận bước đi của thời gian trong khoảnh khắc giao mùa: "Bỗng nhận ra....", "Hình như..."
b. Bài thơ "Sang thu" tái hiện quang cảnh thiên nhiên trong sự biến chuyển của đất trời
- Bức tranh thiên nhiên hiện lên chân thực, sinh động qua những trạng thái vận động "Sông... dềnh dàng", "Chim ....vội vã", đám mây "vắt nửa mình sang thu".
-Bức tranh tâm trạng của tác giả: sự trầm tư sâu lắng trước những chuyển động của cảnh vật.
c. Bài thơ "Sang thu" thể hiện những chiêm nghiệm sâu lắng của tác giả về thiên nhiên, con người
- Cảnh vật thiên nhiên được miêu tả qua sự biến chuyển: "vẫn còn", "vơi dần", bớt" của các hiện tượng tự nhiên: "nắng", "mưa", "sấm".
- Suy ngẫm của tác giả về cuộc đời: con người từng trải sẽ ung dung, bình thản hơn để đón nhận những biến động của cuộc đời sau khi trải qua những chông gai, thử thách trên đường đời.
3. Kết bài
Khái quát cảm nhận về bài thơ "Sang thu"
II. Bài văn mẫu Cảm nhận của em về bài thơ Sang Thu
Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, Hữu Thỉnh được biết đến qua những sáng tác mang đậm xúc cảm bâng khuâng, vấn vương thể hiện một hồn thơ tinh tế, nhạy cảm. Điều này được thể hiện rõ qua bài thơ "Sang thu" được sáng tác vào cuối năm 1977. Thông qua thi phẩm, chúng ta có thể thấy được sự chuyển biến nhẹ nhàng của thời khắc giao mùa từ cuối hạ sang thu trong không gian làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ qua tâm hồn nhạy cảm và tinh tế của tác giả.
Với tâm hồn yêu thiên nhiên, tác giả Hữu Thỉnh đã mở rộng mọi giác quan để cảm nhận những biến chuyển của đất trời. Bước đi của thời gian trong khoảnh khắc giao mùa được miêu tả trước hết qua cảm nhận của khứu giác:
"Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se"
Nếu như "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu miêu tả mùa thu với bức tranh những chiếc lá rơi rụng tựa như "áo mơ phai dệt lá vàng", nhà thơ Lưu Trọng Lư đắm mình trong không gian tĩnh lặng: "Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô",... thì tác giả Hữu Thỉnh miêu tả "hương ổi" là tín hiệu giao mùa khi đất trời từ hạ sang thu. Qua lăng kính tâm hồn đầy tinh tế của tác giả, "hương ổi" trở thành sứ giả báo hiệu mùa thu về. Hương vị mộc mạc, ngọt ngào lan tỏa và dường như sánh lại, ướp ngọt lan tỏa không gian. Bằng việc sử dụng động từ "phả", tác giả Hữu Thỉnh đã miêu tả thành công hương ổi thơm ngọt cùng làn gió heo may se lạnh đầu mùa - tín hiệu thứ hai báo hiệu mùa thu về và đem đến cảm giác bâng khuâng, xao xuyến trong tâm hồn độc giả. Không chỉ dừng lại ở đó, nhà thơ tiếp tục vận dụng thị giác để miêu tả làn sương thu "chùng chình qua ngõ". Bằng biện pháp nhân hóa, tác giả đã khắc họa thành công những hạt sương mai với nét tâm trạng lưu luyến cùng hành động cố ý chậm lại, thong thả vướng vít khi bước qua ngưỡng cửa từ hạ sang thu. Trong không gian đó, nhà thơ mơ hồ nhận ra đất trời đang có những chuyển biến: "Hình như thu đã về". Trước bước đi của thời gian, Hữu Thỉnh không tránh khỏi sự bâng khuâng, ngỡ ngàng. Các tình thái từ "Bỗng...", "Hình như...." đã góp phần diễn tả thành công điều này, đồng thời khắc họa nét những cảm nhận ban đầu đầy tinh tế của nhà thơ khi mùa thu về.
Nếu ở khổ thơ thứ nhất, nhà thơ sử dụng mọi giác quan để cảm nhận những tín hiệu của mùa thu thì ở khổ thơ thứ hai, tác giả đã mở rộng chiều kích không gian để miêu tả quang cảnh thiên nhiên. Mọi cảnh vật lúc này đều được tái hiện ở trạng thái "động" trong sự thay sắc và vận động: "Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã". Bằng biện pháp tu từ nhân hóa kết hợp thủ pháp đối lập, sự vật hiện tượng hiện lên rõ nét, sinh động với dòng sông lững lờ trôi êm đềm với dòng chảy nhẹ nhàng và làn nước thu trong trẻo cùng những chú chim bắt đầu hành trình di cư, "vội vã" bay về phương Nam tránh rét. Và hình ảnh "Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu" xuất hiện trong bối cảnh đó, tạo nên một liên tưởng hết sức độc đáo: đám mây như một dải lụa mềm mại vắt ngang giữa trục thời gian từ cuối hạ sang thu để diễn tả khoảnh khắc: "Trời thu thay áo mới" (trích "Đất nước" - Nguyễn Đình Thi). Qua những hình ảnh thiên nhiên được chắt lọc, miêu tả, chúng ta có thể thấy được tâm hồn tinh tế, cảm nhận sâu sắc, nhạy bén và tình yêu thiên nhiên của tác giả Hữu Thỉnh.
Trước bầu trời thu đang dần đổi khác, nhà thơ đã mượn cảnh để thể hiện những suy ngẫm đầy triết lí về cuộc sống con người:
"Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi"
Sự vận động trái chiều của các hiện tượng thiên nhiên được tô đậm thông qua thủ pháp đối lập: "Vẫn còn" - "vơi dần", "nắng" - "mưa", thể hiện rõ những biến chuyển và sự vận hành có quy luật của sự vật hiện tượng trong thời khắc giao mùa. Trên bối cảnh đó, bao suy ngẫm về cuộc đời con người xuất hiện: "Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi". Ở hai câu thơ cuối kết thúc bài thơ, hình ảnh thiên nhiên trở thành ẩn dụ cho những quy luật của cuộc sống con người: nếu như sấm là hình ảnh ẩn dụ cho những phong ba bão táp, bão giông cuộc đời thì "hàng cây đứng tuổi" là ẩn dụ miêu tả hình ảnh con người trưởng thành, chín chắn qua khó khăn. Cũng giống như tiếng sấm cuối hạ nhỏ dần không còn đủ sức làm lay động những hàng cây đã trải qua bao mùa "thay áo mới", con người từng trải sẽ ung dung, bình thản hơn để đón nhận những biến động của cuộc đời sau khi trải qua những chông gai, thử thách trên đường đời. Bằng tài năng trong việc lựa chọn hình ảnh, tác giả Hữu Thỉnh đã khéo léo tái hiện mối liên hệ giữa đất trời và con người trong thời khắc giao mùa. Đó cũng chính là bức thông điệp mà nhan đề "Sang thu" truyền tải.
Như vậy, bài thơ "Sang thu" đã tái hiện bức tranh thu qua những tín hiệu và thay đổi, biến chuyển của cảnh vật. Qua đó, chúng ta có thể thấy được tâm hồn tinh tế, giao hòa với thiên nhiên cũng như tình yêu thiên nhiên sâu sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh.
-------------------HẾT--------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-cua-em-ve-bai-tho-sang-thu-53622n.aspx
Sang thu là những cảm nhận đầy tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh về những dấu hiệu chuyển mình sang thu của đất trời. Tìm hiểu chi tiết về những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ, bên cạnh bài Cảm nhận của em về bài thơ Sang Thu, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 9 khác như: Phân tích bài thơ Sang thu, Bình giảng hai khổ thơ đầu bài Sang thu, Cảm nhận của em về bài thơ Sang Thu, Chất trữ tình và triết lí sâu lắng trong bài thơ Sang thu.